Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Nhân Duyên Tôi Cầm Bút - Trần Thị Nhật Hưng


Thuở trung học, tôi rất yêu môn toán. Những con số cộc lốc khô khan nhưng rõ ràng 1 với 1 là 2 đi vào đầu tôi êm ái nhẹ nhàng hơn những bài văn thơ trữ tình, ướt át. Tôi rất dốt, thường đội sổ môn Việt văn. Giữa khi một đề bài Thầy, Cô đưa ra: “Hãy tả tâm trạng cảm giác của em khi một ngày dự định đi chơi mà bị mưa không đi được„ Bạn tôi, đứa “sơ mi„ (nhất điểm) luận văn khi phát bài luôn được đọc cho cả lớp nghe, viết: “Thế là hôm nay em phải ở lại nhà vì một trận mưa như trút nước. Mưa càng lúc càng nặng hạt, dai dẳng suốt từ chiều hôm qua. 
<!>
Bầu trời vẫn còn u ám, xám xịt, không có dấu hiệu của một trận mưa sắp dứt, một ngày quang đãng. Em buồn nằm nhà, cuộn mình trong chăn nghe bên ngoài mưa rơi tí tách, gõ nhịp trên máng xối„ Thì bài của tôi: “Đùng...đùng...tiếng sét nổ vang. Nhìn ra bên ngoài bầu trời đen thui rồi nước ở đâu từ trên máng xối đổ xuống ào ào. Nước mưa chứ ai. Ghét dễ sợ. Không được đi chơi như dự định rồi. Buồn thỉu buồn thiu„ Bài viết cộc lốc khô cứng như cục đá. Ngày phát bài, điểm của tôi gần chót lớp. Do vậy, tôi ghét văn chương, báo chí. Tôi quan niệm (hay bào chữa cho cái dở của mình) rằng, nói cho hay, cho văn vẻ chỉ đi dối gạt thiên hạ. Báo chí thì...báo nói láo ăn tiền nên chả bao giờ tôi đọc sách báo hay quan tâm văn thơ ngoại trừ nhà trường bắt buộc học, hết Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đến Truyện Kiều của Nguyễn Du hay văn chương của Tự Lực Văn Đoàn và học cả cách làm thơ...v.v...

Học thì phải học, nhưng dốt vẫn dốt.

Mỗi khi vào giờ Việt văn làm luận tôi khổ sở ngồi cắn bút, nhìn con bạn bên cạnh viết tràng giang đại hải mà mình chưa có chữ nào, tôi năn nỉ: “Mày viết gì mà dài thế? Cho tao xem qua chút coi„ Nó chả nói chả rằng mải miết thả hồn vào bài viết, đẩy nhẹ bài nháp cho tôi xem qua thế là tôi copy ngay cái nhập đề của nó.

Tôi còn...ranh mãnh, để bài luận coi sao cho dài, tôi thường viết chữ lớn, thưa, và chừa lời phê của giáo sư rộng ra để bài viết coi sao cho được. Cuối cùng, đâu qua được mắt Thầy, Cô nên mỗi lần phát bài, bài ít điểm thường đọc trước, chỉ đọc tên vài đứa là đến tên tôi. Buồn vô hạn vì những điểm luận văn ít ỏi thường kéo vị thứ của tôi tháng đó trụt xuống. Và người thường làm “xấu„ học bạ của tôi với lời phê môn luận văn “Còn kém. Cố gắng hơn„ tôi đã...hỗn hào lấy viết quẹt mấy chữ “còn kém„ và chữ “hơn„ rồi viết thêm chữ “có„ trước hai chữ “cố gắng„ để thành câu “Có cố gắng„ (Trời ạ, có cố gắng mà còn đội sổ, không cố gắng thì phải đội thêm cái gì?!) chính là cô giáo Việt văn Châu Yến Loan hiện cộng tác với báo Viên Giác chuyên viết những bài tham khảo sắc bén.

Ngày tình cờ gặp lại Cô tại Việt Nam trong dịp họp mặt trường cũ sau hơn 40 năm xa cách, Cô trò tay bắt mặt mừng kể lại bao kỷ niệm xưa rồi tôi giới thiệu báo Viên Giác với Cô.

Với khả năng văn chương kém cỏi của tôi như thế, nhân duyên nào để tôi cầm bút viết được văn, in cả sách, cộng tác với báo chí như hiện nay, đó là câu hỏi chính tôi cũng như nhiều bạn bè học cùng lớp ngày xưa, nhất là cô bạn từng cho tôi copy (hiện định cư tại Mỹ tình cờ đọc những bài viết của tôi được đăng báo bên đó) cũng phải ngạc nhiên.

Tôi xin giải mã sự tình sau đây.

Đạo Phật thường hay dùng hai chữ “nhân duyên„ từ cái này mới sinh ra cái kia. Đúng vậy.

Số là sau năm 1975, với chính sách khắc nghiệt của chế độ mới, họ căm thù và tẩy chay tất cả những gì của chế độ trước trong số đó có việc “tẩy não„ dân miền Nam. Với chiến dịch “Bài trừ Văn hóa Đồi trụy Mỹ-Ngụy„ họ ra lịnh đốt tất cả sách bị cho là phản động, ủy mị, trái với đường lối của nhà nước, mặc dù sách đó là biên khảo, giáo khoa, hay cả tiểu thuyết nội dung rất nhân bản...v.v...

Rồi phong trào với từng đội ngũ phường, khóm đi lùng xục, kiểm tra những nhà hay ai còn chứa sách phải đem đi đốt hoặc có thể bị trừng phạt tội “ngoan cố„ không chấp hành chính sách nhà nước.

Gia đình tôi không ngoại lệ.

Nhà chồng với chỉ cụ bố chồng và đấng lang quân. Sau năm 1975, anh khăn gói vào tù cải tạo không thời hạn. Cụ bố chồng là một nhà nho uyên thâm, giỏi tử vi, bói toán và bốc thuốc nên riêng khâu này nhà đã có cả một tủ sách, la liệt cả trên bàn, đầu giường cụ nằm. Còn anh xã là con mọt sách, mê sách hơn...mê vợ nên trong nhà, kệ sách, tủ sách chiếm vị trí nhiều hơn mọi thứ khác.

Trước chính sách phải đốt sách, tôi và cụ Đạt, bố chồng tôi phải chấp hành. Nhưng cụ tiếc những sách quí, đau lòng, cụ nói với tôi:
- Không thể đốt tất cả được, mình phải chọn, sách nào đụng chạm đến chính trị mới đốt thôi. Còn sách thuốc, văn học không đồi trụy cứ giữ lại.

Thế là tôi và cụ suốt ngày đêm cả tháng trời lôi ra từng cuốn kiểm duyệt.

Hồi đó, tôi vốn không thích đọc sách mà phải kiểm sách dù chỉ đọc sơ qua từng cuốn để loại bỏ, lúc bấy giờ tôi mới tìm thấy cái hay của từng nội dung cuốn sách.

Rồi suốt thời gian dài cô đơn lẫn cô độc, anh xã không có nhà, tôi luẩn quẩn chỉ mỗi cụ bố chồng nghiêm khắc, không biết tìm niềm vui ở đâu, nói chuyện tâm sự với ai, tôi mới lôi từng cuốn sách mà khi kiểm tôi thấy hay ra đọc rồi dần dần suốt thời gian dài 6 năm còn kẹt ở Việt Nam, tôi đọc hết mọi tủ sách còn sót lại trong nhà, đọc cả binh thư yếu lược của Đức Trần Hưng Đạo, sách nho của cụ Đạt, thậm chí cả sách bói toán tử vi nữa...(do vậy, tôi biết coi tướng, coi bói chút chút đó)

Khám phá, học hỏi những cái hay của sách, cả những sách lược, mưu kế trong sách cho tôi nhiều kiến thức đối phó với cuộc sống đầy gian trá lọc lừa lúc bấy giờ, tôi bỗng thích thú mê đọc sách, cuốn nào giá trị như Tam Quốc Chí, Đông Chu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Giai Thoại Làng Nho...v.v...tôi đọc đi đọc lại có khi cả 7 lần luôn.

Và dường như với thời gian, văn chương như giòng suối ngọt ngào, dịu dàng thấm dần vào tâm trí tôi làm tâm hồn tôi ướt át, thêm hoàn cảnh não lòng (cuộc đời tôi là những trang tiểu thuyết đẫm lệ, tôi từng xém...tự tử đó nha, tôi sẽ tâm sự với bạn đọc qua truyện dài “Trả Nợ Cho Đời„ mà tôi từng viết dở dang) tôi trút niềm đau qua những trang nhật ký giải tỏa tâm sự riêng như nói chuyện với chính mình, không than thở với bất cứ ai. Rồi tôi học cả cách làm thơ, xuất phát từ cảm xúc chân thành thương nhớ anh xã đang cải tạo, tôi gói ghém nỗi lòng gởi vào cho anh (những bài thơ may anh còn giữ và đem qua Thụy Sĩ cho tôi):

Gởi lá thư thăm.

Em.
Gởi theo lòng thương nhớ.
Mỗi độ thư đi.
Là mỗi chút ân tình.
Em xin gởi, đến anh yêu dấu.

Anh Lễ hỡi.
Anh nơi đó. Em đây. Xa cách.
Em gặp anh trong giấc mộng chập chờn.
Em mơ gì?
Anh được biết chăng?
Em mơ thấy,
Nào anh là xuất sắc.
Được ban khen trong những lúc bình bầu.
Anh tiên tiến, tiếp thu nhanh chóng nhất.
Tiến bộ rồi, anh xum họp cùng em.
Em vui lắm, luôn mơ là như thế.
Anh làm sao, cho khỏi phụ lòng em.

Còn em?!
Em nơi đây. Nhớ anh.
Nên cất tình em,
Và dấu tình yêu.
Vào trong lòng em.
Gói ghém tình thương.
Bót chắt niềm tin.
Gởi đến cho anh.
Hạnh phúc ngày mai.
Có chim làm nhạc.
Em đợi.
Anh về.
Em mới hết cô đơn.

Hoặc:

Anh và em.
Đang ở hai đầu tổ quốc. (em Sài Gòn, anh Lào Cai)
Đường thật xa, nhưng lòng dịu vợi, khôn nguôi.
Nhớ thương nhau.
Như bóng khắc lấy hình.
Đường xa lắm.
Thì tình ta.
Gởi đi theo gió.
Hương gió thoảng.
Gợi hồn ta.
Nỗi nhớ.
Nhớ rồi thương.
Man mác cõi lòng nhau.
Em nơi đây.
Nhắn gió.
Nhủ trăng rằng.
Dù ngăn cách.
Ngàn trùng.
Em vẫn đợi !

Nhưng nói cho rõ ra tôi thực sự cầm bút và thôi thúc cầm bút do một lần, vài tháng sau năm 1975, bố chồng tôi liên lạc được với anh em, bà con họ hàng ngoài Bắc. Cụ Đạt có hai người em trai mắc kẹt ngoài đó. Các cụ vốn cũng là nhà nho uyên thâm, văn chương lai láng. Khi viết thư vào thăm anh, cụ Nhì (em trai kế của cụ Đạt) kể lể mọi nỗi oan tình, cuộc sống gia đình miền Bắc, không bằng văn xuôi mà viết văn vần. Người cháu, con cụ thứ ba, viết thư vào cho bác cũng bằng thơ. Thường những bức thư đến nhà, cụ Đạt đều đưa tôi đọc, nhưng cụ lại phán một câu:
-Ý tứ người ta, con đọc không hiểu nổi đâu!

Câu phán nghe dễ giận. Tinh thần dân tộc (miền Nam) nổi dậy. Há dân Nam dốt đến độ vậy sao ?! Ức mình, tôi len lén ghi địa chỉ hai người ngoài Bắc, rồi âm thầm lục cuốn dạy làm thơ ra học. Có chút tự tin, tôi viết thư trả lời hai người đó, không cho cụ Đạt biết, cũng kể chuyện miền Nam, cuộc sống của cụ Đạt và anh xã từ ngày bỏ quê di cư, và cũng viết bằng văn vần. Bài thơ lục bát dài thòon, tiếc thất lạc không còn nữa.

Sau lần đó, họ thường xuyên liên lạc với tôi hay bàn về văn chương và khi có bài thơ nào mới sáng tác cũng gởi vào cho tôi và ngược lại.
Tôi vô tình chìm đắm vào văn chương, thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản quên đi bao muộn phiền của cuộc sống và tôi bị cuốn hút vào đó.

Rồi trước thời cuộc với bao điều đổi thay, cứ thôi thúc tôi muốn kể ra, nói ra những điều lạ lùng quái dị không thể tưởng tượng nỗi xảy ra trên cõi đời này mà chính tôi vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân…Nhưng tiếc là thời đó, để được yên thân «Có mắt phải như mù, có tai như điếc, có miệng như câm» (châm ngôn mà cụ Đạt và bà con cụ ngoài Bắc luôn dặn dò tôi), chỉ còn viết là thượng sách để trút bao uẩn khúc trong lòng không chỉ để giải tỏa nỗi khổ niềm đau cho chính mình mà đó còn là tiếng réo gọi tận đáy lòng bật ra dù âm thầm viết chỉ cho mình đọc, hoặc cất đi đợi thời.

Truyện dài « Trả Nợ Cho Đời » (chưa hoàn thành. Tác phẩm này phản ánh thực trạng cuộc sống đụng chạm nhiều về chính sách nhà nước lúc đó nên tôi đành tạm ngưng) chuyển qua viết « Tuổi Hồng Con Gái » truyện dài viết vào năm 1980 đã được in và phát hành tại hải ngoại năm 2012, tôi viết ra thời đó nội dung giải sầu thôi, mục đích tìm tiếng cười niềm vui cho mình. Tôi miệt mài làm bạn với các nhân vật trong truyện, đôi khi « chơi » với họ đến một giờ sáng. Bố chồng tôi hoàn toàn không biết gì về việc tôi viết lách, thấy tôi cứ hí hoáy viết hoài và cười khúc khích một mình, cụ tưởng tôi điên, hỏi:
- Con viết gì mà bố thấy con hí hoáy suốt ngày đêm?

Tôi trả lời:
- Con viết văn, bố ạ.

Cụ trố mắt ngạc nhiên:
- Con mà viết văn à ? Rồi cụ tặc lưỡi:
- Chậc…chậc…chậc..văn chương khó lắm con ạ. « Văn dĩ phải tải đạo », viết phải có hậu, có khẩu khí thì tương lai về sau mới khá.Ý tưởng không hay nó vận vào người, nguy hiểm lắm con ạ.

Cụ dặn đi dặn lại, rồi bàn với tôi về văn chương, kể những câu chuyện của Nguyễn Hữu Chỉnh làm thơ tả chiếc pháo: « Kêu lắm lại càng tan xác lắm » để rồi cuối đời do ông có tài nhưng hay ngông nghênh kêu ngạo, ông bị ghét, bị gán tội rồi bị tử hình bốn ngựa phanh thây tan xác như chiếc pháo. Còn Nguyễn Hữu Cầu vịnh con rệp: «Ngọa tắc tứ phương an trẩm tịch. Khởi nhi thiên hạ tước bì phu» (trong Giai Thoại Làng Nho) nghĩa là (nằm thì bốn phương được yên gối chiếu. Trở dậy thì ai nấy sướt thịt da). Con rệp ban ngày thường ngủ, về đêm mới dậy ra quấy phá, cắn người đã ứng vào cuộc đời Nguyễn Hữu Cầu nên sau ông làm giặc, thủ lãnh một nhóm cướp đợi đêm đi quấy phá đất nước, xóm làng bị triều đình cử Phạm Đình Trọng bạn học cũ ra tiêu diệt.

Ngày đầu tôi tập viết văn cũng khổ sở không kém. Biết viết làm sao. Mở đầu thế nào. Cắn bút suy nghĩ mãi, chữ vẫn không ra, tôi sực nhớ có lần đọc cuốn « Gánh Hàng Hoa » tiểu thuyết của Khái Hưng và Nhất Linh trong Tự Lực Văn Đoàn có đoạn bàn về cách viết văn: « Trông thế nào, nghĩ thế nào, cứ thế viết ra. Các nhà văn hào cũng làm thế thôi. Họ hơn ta là vì họ trông đúng, nghĩ đúng và biết đem vật khác để so sánh với cái ta nhìn thấy ». Thế là tôi thực tập, nhìn ngay cụ Đạt, tả: « Bố chồng tôi là một nhà nho uyên thâm. Quanh năm suốt tháng…ch..à..à..n..g…».

Tôi khựng lại, nhíu mày. Với một cụ già 75 tuổi như bố chồng tôi mà ngôi thứ ba dùng chữ « chàng » nghe sao sao ấy, không lọt tai tí nào. Tôi vội lục cuốn « Đoạn Tuyệt » của văn hào Nhất Linh có nhân vật bà Phán già, mẹ chồng cô Loan xem ông Nhất Linh sử dụng ra sao. Thấy ông dùng ngôi thứ ba bằng chữ « bà » thay cho « nàng » thì tôi sẽ dùng chữ « cụ » dành cho cụ Đạt vậy. Tôi tiếp tục: « Quanh năm suốt tháng…cụ chỉ mặc độc nhất một kiểu áo bà ba trắng, quần trắng. Khi ra ngoài thì khoác thêm khăn đóng áo dài đen. Râu tóc cụ bạc phơ, râu dài đến bụng, vóc dáng quấc thước thanh cao, da dẽ cụ hồng hào trông cụ như một tiên ông ». Chà, tôi hài lòng với việc tôi « trông đúng » và còn biết so sánh…đúng nữa, thế là từ đó, ngày đêm tôi miệt mài cầm bút hết viết nhật ký đến làm thơ và sau cùng tập viết tiểu thuyết nữa (đời tôi là những trang tiểu thuyết mà). Khi hạ bút xuống những trang giấy cũng là cách tôi…hạ những nỗi uẩn khúc trong lòng ra khỏi tâm trí, quên hết bao nỗi chán chường, buồn phiền của cuộc sống rồi say sưa viết như chưa từng được viết. Nhưng tôi không viết truyện ngắn vì chưa có khái niệm gì về một truyện ngắn mà là viết truyện dài mà cũng chưa hẳn là dài (chỉ là trung thiên tiểu thuyết) bắt chước theo các tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn.

Ngày vượt biên, tôi « ẵm » theo hai…đứa con tinh thần tức bản thảo hai truyện Trả Nợ Cho Đời và Tuổi Hồng Con Gái. Vì thời đó không có máy photo, tôi phải viết tay chép lại trong các cuốn tập vở. Bản chính để lại nhà phòng khi chuyến vượt biên không thành có vứt bản sao chép, thì vẫn còn bản cũ.

Ra đi, tôi không có một đồng xu teng nào để mang theo, tài sản trân quí chỉ là hai tập truyện, tôi luôn ôm trong lòng nâng niu như mẹ ôm con. Gặp hải tặc, chúng tưởng tôi giấu nhiều vàng bạc, đô la trong đó, chúng lùng xục không thấy gì liền ném trả lại.

Cũng may chuyến đi đó, chỉ một lần được trót lọt mở ra cho tôi một chân trời mới, cuộc đời mới, rồi tôi tập tễnh bước vào thế giới văn chương cho đến bây giờ.

Ngày tôi đặt chân đến Thụy Sĩ năm 1982, sau khi ổn định cuộc sống, trong nỗi buồn vừa cô đơn lẫn cô độc, vì đấng lang quân còn đang miệt mài theo đuổi “Đại Học Máu“ (Từ của nhà văn Hà Thúc Sinh ví các trại lao tù cộng sản Việt Nam thời đó) tôi tìm vui trong sách báo.

Một ngày, tình cờ thấy tờ báo Phụ Nữ Diễn Đàn khi đến chơi nhà một người bạn, tôi âm thầm lấy giấy bút ghi địa chỉ tòa soạn tận mãi bên Mỹ rồi về nhà gởi tập “Tuổi Hồng Con Gái„ Gởi đi xong, tôi nhận thư tòa soạn trả lời, báo hải ngoại một tháng phát hành một lần, cần truyện ngắn hơn truyện dài.

Truyện ngắn ư, hơi lạ lẫm với tôi, mới cầm bút mà, tôi không rõ viết thế nào, sắp xếp cốt truyện ra sao cho đủ ngắn theo đúng yêu cầu, thế là tôi mon men nghiên cứu các truyện ngắn đã đăng trong sách, báo.

Giai đoạn từ năm 1983 trở đi, sau khi ổn định đời sống, sinh hoạt báo chí hải ngoại bắt đầu rộn ràng, nhiều cây bút mới nam cũng như nữ, tuy mới xuất hiện đã gây tiếng vang xôn xao khắp nơi. Tôi đặt mua hết các sách họ phát hành để học cái hay, cái mới từ họ.

Tục ngữ Việt có câu “Có công mài sắt, có ngày nên kim„ hoặc “Có chí thì nên“, sau một thời gian dài chịu thương chịu khó tìm tòi học hỏi, tôi viết được vài bài thử gởi đi. Cốt truyện thì, sau sáu năm dưới chế độ cộng sản, vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân, rồi thêm một thân một mình bôn ba lưu lạc xứ người, đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ cùng cực trong cuộc sống, thiếu gì điều để viết, tôi tha hồ trải lòng mình như một cách giải tỏa nỗi niềm để quên đi những tháng ngày cô đơn buồn tẻ nơi xứ lạ.

Lần đầu tiên, bài gởi đi được đăng là mừng lắm, lắm rồi, còn có thêm nhuận bút, điều không mơ, không đòi mà được, cứ một trang A4 là 20 US đô la. Một truyện ngắn thường 3 hay 4 đôi khi 5 trang. Thừa thắng xông lên, tôi miệt mài và thích thú chuyện cầm bút. Ngoài thời gian cho hãng xưỡng, lo cơm nước bản thân, thời gian còn lại, tôi dành cho đọc và viết lách. Không phải vì nhuận bút tôi mới viết, tôi gởi bài đến cả những báo không trả nhuận bút do các bạn văn giới thiệu như Lửa Việt tại Canada, Việt Nam Tự Do và Đẹp tại Hoa Kỳ. Tin Văn tại Paris (Pháp). Thời gian sau đó, một vài truyện ngắn của tôi được đài phát thanh Hoa Kỳ lẫn cả nước Úc xa xôi, nơi mà tôi không liên hệ gì về báo chí chọn đọc cho mọi người nghe, còn niềm vui và an ủi nào hơn thế nữa cho tôi?!

Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, cho đến một ngày khoảng năm 1990, nhân duyên mới đến với tôi, cũng tình cờ đọc được tờ báo Viên Giác tại nhà một người bạn. Đó là tờ báo đạo xuất bản tại Đức do Thầy Thích Như Điển thành lập và làm chủ nhiệm. Đọc qua, tôi thấy nội dung dễ thương, và là tại Âu Châu nơi mình định cư, tôi mon men làm quen với...Hòa Thượng Thích Như Điển lúc đó mới đang là Đại Đức trong dịp lễ kỷ niệm 10 năm tị nạn do chính phủ Thụy Sĩ tổ chức. Tôi đến chào Thầy với một chút tịnh tài cúng dường Tam Bảo đặt trong bao thư ghi rõ địa chỉ của tôi, thế là từ đó tôi nhận được báo Viên Giác. Đọc không chưa đủ, tôi gởi bài và được đăng.

Cái duyên Viên Giác bắt đầu từ đó và càng gắn bó hơn cho đến ngày tôi được trúng giải nhất và hai giải khuyến khích “Viết Về Âu Châu“ năm 2002 do chính Hòa Thượng và chùa Viên Giác tổ chức.

Hôm lãnh giải xong, Thầy Thích Tịnh Phước tại Thụy Điển đến nói với nhà tôi (đấng lang quân của tôi thời gian này đã xum họp cùng tôi sau hơn 13 năm xa cách): “Chị nhà là Phật tử, lại có khiếu viết văn, anh về nói chị nghiên cứu kinh điển và giáo lý Phật Đà để chuyển tải giáo lý nhà Phật. Phật tử mà viết theo cái hiểu của Phật tử thì dễ đi vào lòng người hơn“. Nghe nhắn lại, tôi nghe để mà nghe chứ giáo lý của Phật tôi vẫn biết mênh mông, cao siêu, đọc và học đến bao nhiêu kiếp mới hết, với lại hồi đó đời sống và tâm hồn tôi còn đầy trần tục, mang tiếng là con nhà Phật vì cha mẹ theo đạo Phật nhưng trong tôi, ngoài câu niệm Phật thông thường « Nam Mô A Di Đà Phật », tôi hoàn toàn không biết gì thêm, làm sao tôi dám hứa hẹn hay nhận lời. Tùy duyên thôi. Nhưng lời nhắn nhủ ấy, tôi vẫn ghi sâu trong lòng và xem đó như sự gởi gắm của Thầy Tịnh Phước đến tôi. Rồi cũng nhờ thông tin từ báo Viên Giác, một nhân duyên hy hữu, tôi ghi tên tham dự các khóa giáo lý Âu Châu do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tổ chức. Biết tôi cầm bút viết được văn, lần nào Hòa Thượng Thích Như Điển gặp tôi cũng nói: « Chị về viết cho bài tường thuật khóa tu nhé ». Tôi « dạ » nho nhỏ, nhưng không dám hứa gì. Rồi thì khi về đến nhà, phần quí kính Hòa Thượng, phần nghĩ Hòa Thượng tin tưởng gởi gắm mình mà nói như thế, nên tôi cố gắng ngồi viết.

Khóa Tu Học Âu Châu, viết riết, quanh đi quẩn lại cũng chỉ bấy nhiêu. Ngày ba thời: Ba thời học giáo lý, ba thời ăn, ba thời tụng kinh, liệt kê số lượng tham dự, nơi tổ chức,…còn gì để viết nữa đâu, bấy giờ tôi mới sực nhớ đến lời nhắn nhủ của Thầy Thích Tịnh Phước, rồi chợt nghĩ, sao không kể lại, viết ra những giáo lý theo cái hiểu của mình do quí Thầy giảng để chuyển tải đến người khác như lời Thầy Tịnh Phước gởi gắm ngày nào, được chút nào hay chút nấy. Mà muốn viết thì phải lắng nghe, lắng nghe một cách chăm chú, và ghi chép nữa. Con tằm ăn dâu mới nhả tơ được chứ. Sau này tôi mua được máy thâu, thâu xong về nhà nghe lại lần hai, lượm lặt ghi chép những ý chính rồi viết thành bài. Cứ như thế với thời gian, giáo lý nhà Phật thâm nhập vào tôi lúc nào không hay, để từ đó, song song viết chuyện đời, tôi viết thêm chuyện đạo.

Vẫn chưa dừng tại đây. Một nhân duyên mới lại đến với tôi.

Cuối mỗi khóa Tu Học Âu Châu, thường có chương trình văn nghệ. Cứ hát, ngâm thơ mãi, lâu lâu mới có một vài màn vũ, không có kịch, sẵn vốn có khiếu về văn nghệ, biết đóng và viết kịch từ hồi 11 tuổi, tôi nãy ra soạn kịch dựa những giáo lý đã học để đem đạo vào đời và ngược lại. Tôi nghĩ dùng văn nghệ càng dễ đi vào lòng người hơn.

Kính thưa Bạn đọc.

Tôi viết văn, cũng như viết kịch, như kể ở trên, gom góp từ những trải nghiệm đau thương lẫn những niềm vui trong cuộc sống không do đào tạo từ trường lớp nào dù trước 1975, vì hoàn cảnh, tôi phải theo Đại Học Văn Khoa để…học đại môn tôi vốn không thích. Văn Khoa có nhiều ban, tôi không chọn ban Văn Chương (vốn ghét mà) mà là Sử Địa nhưng đó cũng là duyên lành giúp tôi có chút kiến thức về những biến chuyển lịch sử, những nhân vật lừng danh trên thế giới cũng như tại nước nhà, mà khi viết văn hay kịch những yếu tố đó cũng rất cần thiết.

Cho đến bây giờ, nhìn lại quá trình qua, trải nghiệm từ cuộc sống, tôi nhận thấy mọi sự trên đời đều do nhân duyên từ cái này sinh ra cái kia như những móc xích nối từng giai đoạn, sự kiện vào nhau, và để có một kết quả như mong muốn, cần phải có nghị lực, ý chí, chịu khó gắn kết từng móc xích sao cho thật khéo léo mới thành dây chuyền được. Tôi cũng cám ơn nghịch cảnh và những điều bất như ý mà Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: « Những điều bất như ý đôi khi lại là những điều may mắn » sẽ an ủi giúp chúng ta chuyển nghịch thành thuận.

Rồi cứ thế với thời gian, một ngày như mọi ngày, bản cũ soạn lại, tôi vẫn ngồi máy viết văn. Viết như một niềm vui tinh thần, thỏa đam mê, nhất là dịp Covid bị nhốt trong nhà, tôi trải lòng tuôn ra hết bài này đến bài khác, kịp lúc sau đó một nhân duyên hi hữu có cuộc thi “Muôn Nẻo Đường Đời„ do báo Sài Gòn Nhỏ tại Hoa Kỳ tổ chức, tôi chọn bài vừa viết, và viết thêm một số bài mới cho hợp chủ đề rồi gởi đi thi. May mắn cho tôi đoạt ba giải sơ kết, trong đó có một chung kết.

Cùng năm đó, chùa Hương Sen cũng tại Hoa Kỳ do Ni Sư Thích Nữ Giới Hương tổ chức cuộc thi viết văn “Ứng Dụng Phật Pháp Trong Đời Sống,, thế thì, mấy chục năm học đạo, từng áp dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống để được an lạc, gặp cơ hội thi này sao tôi không trải lòng ra. May mắn lại mỉm cười với tôi, tôi được trúng một bài với giải Hương Pháp 3.

Thưa các bạn,

Hiện nay với tôi, văn chương hay văn nghệ chỉ là niềm vui tinh thần như một chủ vườn tẩn mẩn chăm chút một vườn hoa đầy sắc thắm, tô điểm cho cuộc sống tươi mát hơn. Người « tạo vườn » như tôi, cũng chỉ với mục đích trân trọng kính mời Quí vị ghé thăm, ngắm từng đóa hoa, cụm hoa trỗ sắc để thấy lòng thư thái và cả những cảm giác giật mình khi nhìn thấy một con sâu, nếu có. Với đủ mùi vị như thế, há cuộc đời này cũng thú vị lắm chứ?!

Tôi xin kết thúc bài viết tại đây. Kính chào Bạn đọc. Thân mến chúc Quí vị những ngày vui.

Trần Thị Nhật Hưng
(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét