Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

ĐIỂM TIN 24/02/2024 - Long Đỗ

Chiến tranh sang năm thứ 3, Ukraina chuyển sang thế thủ Ngày 24/02/2024, Ukraina khẳng định sẽ chiến thắng « màn đêm » Nga đúng ngày kỉ niệm tròn hai năm tổng thống Putin ra lệnh mở « chiến dịch quân sự đặc biệt » và tự tin chiếm Kiev chỉ trong vài ngày. Bước sang năm thứ ba chiến tranh, Ukraina bị suy yếu trên mặt trận miền đông và nam sau thất bại của chiến dịch phản công mùa hè 2023. Nga hiện vẫn chiếm khoảng 17% diện tích của Ukraina. Lính Ukraina chuẩn bị vũ khí trong một buổi thao dượt quân sự gần chiến tuyến ở Donetsk, ngày 23/02/2024. AFP - ANATOLII STEPANO  Thu Hằng
<!>
Kiev đang phải đối phó với lực lượng Nga được củng cố nhờ chuyển sang nền kinh tế chiến tranh. Quân Nga gặm nhấm từng mảnh đất ở miền đông. Sau khi quyết định rút hết quân khỏi Avdiivka ngày 17/02, Kiev hiện coi Mariinka là « điểm nóng ». Trong khi đó, quân đội Ukraina phàn nàn về thiếu lực lượng, đạn pháo và trang thiết bị phòng không.

Trong những ngày qua, các đồng minh phương Tây không ngừng thông báo viện trợ cho Ukraina, tuy nhiên, khoản viện trợ lớn nhất mà Kiev cần vẫn bị chặn ở Hạ Viện Mỹ. Khi tiếp thủ tướng Đan Mạch tại Lviv ngày 23/02, tổng thống Zelensky gián tiếp chỉ trích Hạ Viện Mỹ : « Điều quan trọng là mọi quyết định (về giao vũ khí) được đưa ra kịp thời. Tôi nghĩ đó là điều ưu tiên ».

Tuy nhiên, gần 70% người dân Ukraina, được đài truyền hình Nhật NHK và cơ quan nghiên cứu Rating Group (tại Kiev) thăm dò ý kiến, cho rằng Ukraina phải tiếp tục đẩy lùi cuộc xâm lược Nga, lấy lại những vùng lãnh thổ bị chiếm. Khi được AFP đặt câu hỏi, nhiều người dân ở Kiev cho biết vẫn kiên quyết chiến thắng kẻ xâm lược. Thủ đô của Ukraina trải qua một mùa đông ổn hơn so với năm ngoái. Trả lời đài RFI sáng 24/02, đô trưởng Kiev Vitali Klitschoko cho biết :

« Năm ngoái (2023) thực sự là khó khăn. Chúng tôi thiếu điện trầm trọng vì Nga oanh kích các công trình hạ tầng. Năm nay, tôi cảm ơn các đồng minh của Ukraina đã cung cấp cho chúng tôi nhiều hệ thống phòng không hiện đại. Gần như mỗi đợt oanh kích bằng drone, tên lửa nhắm vào Kiev, đều bị vô hiệu hóa.

Nhưng tình hình vẫn phức tạp. Năm ngoái, còi báo động vang lên hơn 800 lần ở Kiev. Trên tổng số 12 tháng, người dân đã phải trốn trong boong-ke hay dưới hầm trú ẩn mất tổng cộng 1 tháng. Hiện giờ thành phố được bảo vệ tốt hơn, người dân đã trở lại. Trước chiến tranh, có 3,8 triệu người sống ở Kiev. Hiện giờ có 3,5 triệu nhưng đừng quên là trong số này có khoảng 400.000 người di cư từ miền đông và nam Ukraina ».

Còn tại thành phố Kharkiv, cuộc sống cũng dần quay trở lại. Từ Kharkiv, thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze cho biết thêm thông tin :

"Kharkiv là thành phố đầu tiên bị tấn công trong cuộc xâm lược này, và thực tế vẫn đang tiếp tục bị tấn công. Nhưng đến giờ, thành phố vẫn chưa bao giờ rơi vào tay quân Nga. Kharkiv, thành phố lớn thứ hai ở Ukraina trước cuộc xâm lược, đã vắng bóng cư dân vào năm 2022. Nơi đây giống như một thị trấn ma. Trong chuyến thăm đầu tiên của tôi, tôi có thể nhận thấy rằng cuộc sống đã thay đổi rất nhiều kể từ đó, xin nhắc lại rằng vào tháng 9 năm 2022, toàn bộ vùng Kharkiv đã được quân đội Ukraina giải phóng.

Năm 2023 kéo theo rất nhiều vụ đánh bom, nhất là vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và cơ sở hạ tầng chiến lược. Những vụ đánh bom này lại tiếp tục gia tăng vào tháng giêng năm nay, tuy nhiên cư dân đã trở về và cuộc sống đã dần quay trở lại với thành phố này, nơi vẫn luôn kháng cự, ngay cả khi tình hình ở phía đông đất nước, chỉ cách Kharkiv vài giờ lái xe, vẫn luôn rất căng thẳng.

Vẫn về tình hình chiến sự ở Ukraina, từ hôm qua đến sáng nay, lực lượng Không quân Ukraina tuyên bố đã bắn hạ một máy bay do thám A-50U của Nga trên biển Azov cùng với 12 drone và 2 trong số 3 tên lửa Kh-59 được quân đội Nga phóng đi trong đêm.

Chiến tranh Ukraina : Liên Âu ra thông cáo lên án Nga, Hungary lại bất hợp tác

Ngày 24/02/2024 là tròn 2 năm bùng nổ cuộc chiến xâm lược do Liên bang Nga khởi sự chống lại Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã không ra được một tuyên bố chung nhằm lên án Điện Kremlin và bày tỏ quyết tâm đứng bên Kiev như theo dự định, do sự phủ quyết của Hungary, như đã nhiều lần xảy ra. Không thể ra được tuyên bố chung, nhưng EU với 26 thành viên còn lại vẫn cương quyết thể hiện lập trường thống nhất ủng hộ Ukraina.


Thủ tướng Hungary Viktor Orban (T) trò chuyện với đồng nhiệm Slovakia, Robert Fico trong hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles ngày 01/02/2024. Hoàn toàn bị cô lập, ông Orban đành chấp nhận thông qua gói viện trợ cho Ukraina, ngay cả đồng minh Slovakia cũng ông cũng ủng hộ. AP - Geert Vanden Wijngaert
Hoàng Nguyễn
Thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình từ Budapest :

« Một thông cáo chung đứng tên các lãnh đạo 3 cơ quan thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu - Hội đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu - đã được công bố vào chiều 23/2, gọi mốc thời gian 24/2 như là một "dịp kỷ niệm bi thảm". Thông cáo gọi thời gian đã qua là "hai năm của bạo lực, tàn bạo, khủng bố và hủy diệt", của "cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện của Nga chống lại Ukraina, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Thông cáo ca ngợi nỗ lực vệ quốc của Ukraina. "Cuộc chiến anh hùng bảo vệ quê hương" của dân tộc Ukraina, "cuộc đấu tranh cho tự do của mình" bằng lòng dũng cảm, sự quyết tâm của người dân Ukraina cũng được thông cáo đánh giá là "cuộc đấu tranh bảo vệ các giá trị chung của Châu Âu". Thông cáo khẳng định Liên Âu "vẫn quyết tâm buộc Nga phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả tội ác xâm lược", và đề cập đến khoản hỗ trợ tài chính 50 tỷ euro cho Ukraina mà Hungary chỉ chấp thuận vào phút cuối cùng cách đây vài tuần, sau khi đã cố tình gây ra rất nhiều khó dễ.

Theo thông cáo, Liên Âu tiếp tục giải quyết các nhu cầu quân sự và quốc phòng khẩn cấp của Ukraina, và cam kết hỗ trợ Ukraina cho tới khi nào Ukraina còn cần, đồng thời đã thực hiện các biện pháp chưa từng có ở cấp Liên Âu. EU cũng sẵn sàng tăng áp lực lên Nga nhằm làm suy yếu khả năng chiến tranh của Nga, kể cả việc phong tỏa các nguồn thu từ tài sản Nga. Liên Âu "ủng hộ một công thức hòa bình công bằng, lâu dài ở Ukraina dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế".

Như đã trở thành thông lệ, Hungary từ chối tham gia tuyên bố chung của EU. Điểm đáng chú ý là Budapest đã không đưa ra bất cứ lời giải thích cụ thể nào. Như để bày tỏ lập trường khác biệt với EU, Trung tâm Thông tin của chính phủ Hungary hôm 23/2, đưa ra thông báo nhấn mạnh quan điểm dứt khoát của chính phủ nước này, rằng "xung đột không có thể giải pháp về mặt quân sự". Hungary kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình, đây cũng là điều mà nội các cánh hữu của ông Orbán Viktor viện dẫn trong 2 năm nay để phản đối đường lối của Bruxelles, mà họ gọi là "chủ chiến" ».

Lãnh đạo phương Tây tới Kiev kỉ niệm tròn 2 năm Nga tấn công Ukraina
Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và Canada tới Kiev ngày 24/02 « để đánh dấu tròn hai năm Nga mở cuộc chiến chống Ukraina ». Trên mạng X, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi « cuộc kháng chiến phi thường của dân tộc Ukraina » và khẳng định « hơn bao giờ hết, chúng tôi (phương Tây) ủng hộ mạnh mẽ Ukraina. Về tài chính, kinh tế, quân sự, tinh thần. Cho đến khi đất nước hoàn toàn tự do ». Tổng thống Pháp nhắn tới đồng nhiệm Nga Putin là « đừng trông chờ » vào « sự mệt mỏi của châu Âu ». Luân Đôn thông báo viện trợ cho Kiev 245 triệu bảng Anh để mua đạn dược.

Thủ tướng Israel chính thức đưa ra kế hoạch thời hậu chiến tại Gaza

Sau hơn 4 tháng chiến tranh, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào đêm ngày 23/02/2024, đã chính thức trình bày kế hoạch của riêng mình với chính phủ về tương lai của dải Gaza thời hậu chiến. Một tầm nhìn khác xa với tầm nhìn của quốc tế.


Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu trong một cuộc họp báo tại Tel aviv, Israel, ngày 28/10/2023. AP - Abir Sultan
Minh Phương
Từ Jerusalem, thông tín viên RFI Nicolas Benita và Guilhem Delteil cho biết cụ thể về bản kế hoạch:

"Thủ tướng Benyamin Netanyahu mới đưa ra bản kế hoạch dài một trang cho giai đoạn hậu xung đột tại dải Gaza. Ông khẳng định rằng Israel sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự cho đến khi đạt được mục đích: “tiêu diệt” Hamas và đảm bảo trả tự do cho tất cả các con tin. Người đứng đầu chính phủ Israel cũng mong muốn duy trì quyền tự do can thiệp của quân đội nước này tại vùng đất Palestine và giành lại quyền kiểm soát vùng biên giới giữa Ai Cập và Gaza.

Đối với Benyamin Netanyahu, dải Gaza phải được quản lý bởi “các quan chức địa phương” có “kinh nghiệm hành chính”. Ông cũng muốn giải tán UNRWA, cơ quan Liên Hiệp Quốc chuyên trách về người tị nạn Palestine, và thay thế cơ quan này bằng “các tổ chức quốc tế có trách nhiệm”. Theo ông, việc tái thiết khu vực này cần được tài trợ bởi "các quốc gia được Israel chấp nhận".

Nhưng kế hoạch này có nhiều điểm xung đột với tầm nhìn của các quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ hậu chiến tại đây. Benyamin Netanyahu không đề cập đến việc lập lại chính quyền Palestine ở vùng đất này, không có tiến trình hòa bình và bác bỏ việc công nhận một nhà nước Palestine cũng như rất nhiều yêu cầu khác từ các đối tác phương Tây và thậm chí cả những điều kiện tiên quyết mà nước này đã nhiều lần được khẳng định với các nước Ả Rập ở vùng Vịnh."

Ngay lập tức, kế hoạch này đã bị chính quyền Palestine bác bỏ. Bộ Ngoại giao Palestine tuyên bố rằng kế hoạch này đồng nghĩa với việc "tái chiếm dải Gaza"và nhằm mục đích "ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ và quốc tế trong việc thành lập một nhà nước Palestine". Về phần mình, trong cuộc họp báo ở Beyrouth, phía Hamas đã khẳng định bản kế hoạch này "sẽ không bao giờ thành công".

Hôm nay, 24/02/2024, một phái đoàn Israel sẽ tới Paris để nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn với Hamas tại dải Gaza, nơi mà hơn 100 người Palestine đã thiệt mạng chỉ sau một đêm.

Trung Quốc đặt mục tiêu « khống chế » can thiệp nước ngoài vào Đài Loan

Trung Quốc « cần kiên quyết đấu tranh chống chia cắt, vì Đài Loan đòi độc lập, khống chế can thiệp từ nước ngoài ». Sau cuộc họp hai ngày kết thúc hôm 23/02/2024, lãnh đạo cấp cao thứ 4 của đảng Cộng Sản Trung Quốc Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) ra thông cáo nhấn mạnh « cần phải làm tốt công việc liên quan đến Đài Loan với tinh thần trách nhiệm và sự mệnh cao độ » trong năm kỉ niệm 75 năm lập quốc.


Ảnh tư liệu minh họa chụp ngày 22/10/2004: Quân đội Đài Loan bên giàn tên lửa phòng không Patriot do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. ASSOCIATED PRESS - Wally Santana
Thu Hằng
Vẫn theo thông cáo, được Tân Hoa Xã trích dẫn, ông Vương Hỗ Ninh kêu gọi « ủng hộ vững chắc các lực lượng yêu nước và thống nhất trên đảo, đoàn kết đồng bào Đài Loan và duy trì hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan ». Reuters nhắc lại trong thuật ngữ Trung Quốc, « can thiệp của các thế lực nước ngoài » bao gồm nhiều lĩnh vực như bán vũ khí cho Đài Loan và các chuyến công du của giới lãnh đạo hoặc nghị sĩ nước ngoài.

Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, sẵn sàng thống nhất kể cả phải « dùng vũ lực », không công nhận chính quyền Đài Bắc. Tháng 01/2024, cử tri Đài Loan đã bầu ông Lại Thanh Đức - bị Bắc Kinh coi là « kẻ ly khai » - làm tổng thống mới thay bà Thái Anh Văn, cũng thuộc đảng Dân Tiến.

Chính phủ Đài Bắc luôn khẳng định Bắc Kinh không có quyền nhân danh đại diện người dân Đài Loan trên trường quốc tế và những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh là vô giá trị vì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chưa bao giờ cầm quyền ở Đài Loan.

Ngày 01/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Bắc Kinh sau cuộc nội chiến đẫm máu. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thua cuộc, chạy sang Đài Loan vào cuối năm 1949. Hiện giờ đây vẫn là tên gọi chính thức của đảo Đài Loan. Cả hai bên không công nhận chính phủ của nhau.

Nông dân Pháp biểu tình "đón" tổng thống Macron khai mạc Hội chợ Nông nghiệp

Hội chợ Nông nghiệp Pháp lần thứ 60 khai mạc ngày 24/02/2024 trong bầu không khí căng thẳng. Theo truyền thống hàng năm, nguyên thủ Pháp khai mạc sự kiện. Nhiều vụ xô xát đã xảy ra giữa lực lượng an ninh tại hội chợ và người biểu tình, khi nhiều người cố đẩy hàng rào ở lối vào khu triển lãm Versailles, quận 15 Paris.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có mặt tại hội chợ Nông Nghiệp (salon de l'Agriculture), Paris, Pháp, ngày 24/02/2024. © Ludovic Marin / Reuters
Thu Hằng
Hàng trăm người biểu tình đã vào được bên trong trung tâm triển lãm Versailles vì muốn chất vấn trực tiếp tổng thống. Một số nông dân đòi « Macron từ chức ». Sau bữa sáng với các nghiệp đoàn nông nghiệp tại Hội chợ, tổng thống Macron kêu gọi « mọi người (tại Hội chợ) bình tĩnh ». Theo ông, gây rối loạn là biện pháp « phản tác dụng », « không giúp gì được cho đồng nghiệp của mình khi đập phá các gian hàng, khiến Hội chợ không diễn ra được vì làm các gia đình kinh sợ tránh đến ».

Tổng thống Pháp cuối cùng cũng có buổi tranh luận « kín », quy mô nhỏ, với một số nông dân và đại diện của các nghiệp đoàn nông nghiệp, sau khi điện Elysée thông báo tối 23/02 : hủy buổi tranh luận chính thức vì nghiệp đoàn lớn nhất FNSEA từ chối tham gia. Ông Macron hứa sẽ tiếp các nghiệp đoàn nông nghiệp tại điện Elyséetrong ba tuần tới.

Hội chợ Nông nghiệp Pháp lần thứ 60 diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng nông nghiệp, bắt đầu từ mùa thu 2023 và thực sự bùng nổ từ ngày 28/01/2024 với việc các nông dân phong tỏa nhiều trục quốc lộ trong vòng hai tuần. Ban tổ chức hy vọng sẽ đón 600.000 khách tham quan trong 9 ngày diễn ra hội chợ.

Các tổng thống Pháp thường tham quan, gặp gỡ suốt nhiều giờ trong ngày khai mạc Hội chợ Nông nghiệp lớn nhất nước Pháp. AFP nhắc lại các sự cố không phải là chuyện hiếm xảy ra. Ví dụ, khi bị một người từ chối bắt tay, cựu tổng thống Nicolas Sarkozy đã nói « Biến đi, thằng ngu! ». Cựu tổng thống François Hollande thì bị các nhà chăn nuôi la ó và thóa mạ năm 2016.

Nga : Giáo viên trường công bỏ dạy hàng loạt vì chính quyền gia tăng tuyên truyền

Trong bối cảnh, cuộc chiến mà Nga tiến hành tại Ukraina chính thức bước sang năm thứ ba, tại đất nước của Vladimir Putin, một số kênh truyền thông độc lập cho biết khoảng 200 000 giáo viên tại các trường công nghỉ việc vì chính quyền gia tăng các tuyên truyền về chính trị tại trường học.


Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với các học sinh trong chuyến thăm vùng Kaliningrad, Nga, ngày 01/09/2022. AP - Gavriil Grigorov
Chi Phương
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri tường trình :

« Tại một số vùng ở Nga, lương của giáo viên (tại trường công) đôi khi chỉ gần bằng mức lương tối thiểu, tức là khoảng 130 euro, trong khi phải gánh khối lượng công việc lớn, cơ sở hạ tầng thì không được đầu tư. Trước chiến tranh, giới nhà giáo tại Nga đã bày tỏ nhiều bất bình, nhưng chính việc gia tăng tuyên truyền đã khiến giáo viên từ chức hàng loạt. Người giáo viên xin ẩn danh này, hiện giờ giảng dạy ở một trường tư, từ nhiều tháng qua, đã nhận được những cuộc gọi từ các đồng nghiệp cũ, kể về những gì họ đang trải qua.

Ông cho biết : « Từ chào cờ và hát quốc ca mỗi tuần một lần cho đến tất cả các loại hoạt động như tham quan các địa điểm liên quan đến chính sách hiện nay của Nga. Điều này khiến nhiều người thấy đơn giản là không thể chấp nhận được vì lý do đạo đức. Thêm vào đó là những đoàn như linh mục, hay các cựu chiến binh, đến thăm trường và các giáo viên, học sinh phải hoan nghênh nồng nhiệt nhất bằng mọi cách có thể. Họ phải chấp nhận mọi phát biểu, diễn văn dù các nhân vật đó có nói sai về mặt khoa học hoặc không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.

Mạng Internet Nga tràn ngập những thông tin về cách mà các cựu chiến binh đến trường nói chuyện, về cách mà họ đã từng chiến đấu, giết người ra sao. Họ coi đó là một thành tích lớn của mình, khuyến khích các học sinh noi gương. Điều tồi tệ hơn, đó là trước khi tham chiến, nhiều người trong số họ từng là những thành phần bất hảo. Và bây giờ, những tù nhân đó lại đến trường rao giảng đạo đức cho học sinh. Những chuyện này được xem là « không thể chấp nhận được và hoàn toàn tiêu cực ».

Vị giáo viên này cho biết là hiện giờ ông tránh được bầu không khí đó nhờ dạy ở trường tư nhưng cũng tự hỏi là sẽ được bao lâu »

Bầu cử sơ bộ đảng Cộng Hòa Mỹ bang Nam Carolina : Những thách thức chờ đợi ứng viên Nikki Haley

Hôm qua, 23/03/2024, trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hoà ở bang Nam Carolina, hai ứng cử viên Donald Trump và Nikki Haley đều vận động cử tri bầu cho mình. Từng là cựu thống đốc của bang này, bà Nikki Haley cảnh báo các cử tri rằng “bốn năm đầy hỗn loạn” sẽ tiếp diễn nếu Trump lên nắm quyền.


Nikki Haley, đối thủ của Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa, có mặt tại Mount Pleasant, bang Nam Carolina, Hoa Kỳ, ngày 23/02/2024. AP - Mic Smith
Minh Phương
Trên thực tế, cho đến nay, bà Nikki Haley đã thua Donald Trump trong mọi cuộc bầu cử sơ bộ, từ bang Iowa, New Hampshire đến bang Nevada và hiện vẫn đang bị ông Trump dẫn trước, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận tại chính nơi bà đã từng nắm quyền.

Từ Nam Carolina, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

Đây là ngày mà Nikki Haley đã chờ đợi từ lâu, và có lẽ bà cũng có đôi chút sợ hãi. Cựu thống đốc Nam Carolina, từng hai lần giữ vị trí lãnh đạo bang này, hy vọng rằng những người ủng hộ sẽ không quên bà. Trong cuộc gặp cử tri gần đây nhất ở Charleston, bà đã bảo vệ những thành quả khi bà giữ vị trí thống đốc, đồng thời kêu gọi người dân trong bang giúp sức tại một cuộc bầu cử dường như khá gian nan đối với bà.

Nikki Haley cần đến sự ủng hộ đó, vì đơn giản là vị cựu thống đốc có nguy cơ bị sỉ nhục trên chính căn cứ địa của mình. Các cuộc thăm dò dư luận tại địa phương cho thấy ông Donald Trump vẫn đang chiếm ưu thế, dẫn trước bà Haley từ 30 đến 35 điểm. Trump muốn Nikki Haley dọn đường và không cản trở chiến thắng của ông thêm nữa. Trong một tháng và với chiến thắng ở New Hampshire, ông ta đã đe dọa vị nữ ứng cử viên tổng thống, nêu ra những "vấn đề đáng xấu hổ" của bà mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào. Ông cũng đe dọa những người ủng hộ bà, cảnh báo họ sẽ bị cấm tham gia các hoạt động của ông. Và ông Trump lại tiếp tục sử dụng những biệt danh xúc phạm khi gọi bà Haley là "óc bã đậu" (Bird brain).

Hiện tại, không có gì xảy ra. Nikki Haley đảm bảo rằng bà sẽ tiếp tục cuộc đua lâu nhất có thể, ngay cả trong trường hợp thất bại trên sân nhà, để chứng tỏ rằng bản thân có một cái đầu cứng rắn, chứ không phải "óc bã đậu".
Cũng trong ngày hôm qua, tòa án New York đã chính thức ra yêu cầu cựu tổng thống Trump nộp phạt 454,2 triệu đô la sau khi bị kết án nâng khống giá trị tài sản ròng của mình nhằm thu lợi bất chính trong phiên tòa hôm 16/02.

Không có nhận xét nào: