Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

ĐIỂM TIN 06/12/2023 - Long Đỗ


Chuẩn bị họp thượng đỉnh song phương, Liên Âu cảnh báo Trung Quốc về mất cân bằng thương mại Trước thềm cuộc hợp thượng đỉnh trực diện đầu tiên giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc kể từ năm 2019, Bruxelles vào hôm qua 05/12/2023, đã cảnh báo Bắc Kinh rằng Liên Âu sẽ không chấp nhận tình trạng mất cân bằng vô thời hạn trong thương mại với Trung Quốc.Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ra khỏi phòng họp báo tại trụ sở Phái đoàn Liên Âu, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/04/2023. AP - Andy Wong Trọng Nghĩa
<!>
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Pháp AFP, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo rằng“Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không chấp nhận sự mất cân bằng triền miên trong thương mại (với Trung Quốc)”.

Một cách cụ thể, lãnh đạo ngành hành pháp Liên Hiệp Châu Âu khẳng định rằng thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc đã tăng gấp đôi sau hai năm, đạt con số kỷ lục 390 tỷ euro vào năm 2022, với xuất khẩu của Trung Quốc sang Liên Âu lớn hơn gấp ba lần so với xuất khẩu từ EU sang Trung Quốc.
Bà Leyden đe dọa: “Chúng tôi (tức Liên Âu) có các công cụ để bảo vệ thị trường của mình”, nhưng đồng thời khẳng định ưu tiên của EU là “các giải pháp thương lượng”.

Như để phản bác lại những lời cảnh báo trên đây, phát phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân, hôm nay, tuyên bố : “Nếu EU một mặt áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc và mặt khác hy vọng tăng đáng kể xuất khẩu sang Trung Quốc, tôi e rằng điều này là vô nghĩa”.

TT Ukraina nói chuyện với các lãnh đạo G7 sau khi bất ngờ hủy bỏ cuộc họp với Thượng Viện Mỹ

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vào hôm nay, 06/12/2023 tham gia một cuộc họp trực tuyến cùng với các lãnh đạo nhóm G7 sau khi ông đột ngột hủy bỏ bài phát biểu qua cầu truyền hình trước Thượng Viện Mỹ vào hôm qua.


Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trên màn hình), các ngoại trưởng G7, và đại diện ngoại giao Liên Âu, ngoại trưởng Anh, tham dự một phiên họp tại Nhà khách Iikura, ngày 08/11/2023, ở Tokyo, Nhật Bản via REUTERS - POOL
Trọng Nghĩa
Theo ông Hirokazu Matsuno, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, nước hiện là chủ tịch luân phiên nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới - G7, tổng thống Ukraina đươc mời tham gia phần đầu của hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo G7, bắt đầu từ 14g30 GMT vào hôm nay.

Ông Matsuno cho biết là cuộc họp của G7 được tổ chức dưới sự chủ tọa của thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, để thảo luận về những chủ đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, như tình hình ở Ukraina và Trung Đông.

Riêng về Ukraina, hồi đầu tháng 11, ngoại trưởng các nước G7 họp tại Tokyo đã bảo đảm là sự ủng hộ của các nước trong nhóm dành cho Ukraina sẽ “không bao giờ” suy yếu.

Sự kiện ông Zelensky tham gia cuộc họp của G7 diễn ra chỉ vài giờ sau sự cố tổng thống Ukraina bất ngờ hủy bỏ bài phát biểu qua video, dự kiến trước Thượng Viện Mỹ vào lúc 15g00 giờ địa phương hôm qua.

Khi thông báo quyết định không phát biểu của tổng thống Ukraina, ông Chuck Schumer lãnh đạo đảng Dân Chủ hiện nắm đa số tại Thượng Viện Hoa Kỳ chỉ giải thích đơn giản là ông Zelensky không thể phát biểu do “đã xảy ra chuyện vào phút cuối”.

Đấu khẩu căng thẳng tại Quốc Hội Mỹ về viện trợ cho Ukraina
Sự kiện ông Zelensky “lỡ hẹn” với Thượng Viện Mỹ diễn ra trong bối cảnh nguồn tài chính dành cho các khoản viện trợ bổ sung cho Ukraina vẫn bị chặn tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Các thượng nghị sĩ Mỹ sau đó đã họp kín, nhưng mọi việc không diễn ra suôn sẻ.

Từ Washington, thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình:

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã được loan báo là sẽ cố gắng thuyết phục các thượng nghị sĩ Mỹ tiếp tục ồ ạt viện trợ quân sự lớn cho nước ông. Thế nhưng ông Zelensky đã hủy bỏ buổi nói chuyện vào giờ chót.

Lãnh đạo phe đa số thuộc đảng Dân Chủ ở Thượng Viện Chuck Schumer, người đã thông báo sự kiện tổng thống Ukraina phát biểu qua video, đã nêu ra lý do một sự kiện bất ngờ vào phút cuối. Thế nhưng không gì cấm cản giả thuyết về một sự chia rẽ chính trị.

Các thượng nghị sĩ đã tập hợp lại để nghe các thông tin mật đến từ ngoại trưởng Antony Blinken, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và tham mưu trưởng Lực Lượng Vũ Trang, tướng Brown. Theo các nguồn tin báo chí, cuộc họp đã không diễn ra suôn sẻ vì rõ ràng mọi người không đến để nói về cùng một điều.

Đảng Cộng Hòa nói rằng họ cũng muốn tài trợ nhiều cho nỗ lực chiến tranh của Ukraina, nhưng lại muốn gắn liền điều đó với các biện pháp cứng rắn hơn ở biên giới với Mêhicô. Đảng Dân Chủ thì phản đối. Khi được hỏi về tình hình biên giới, một số diễn giả đã trả lời khá rõ ràng rằng đó không nằm trong thẩm quyền của họ và không phải là chủ đề thảo luận. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã quyết định rời khỏi cuộc họp. Các cuộc thảo luận trong vài ngày tới có lẽ sẽ khá sôi nổi.

Thượng đỉnh EU : Hungary đặt điều kiện để thông qua hỗ trợ cho Ukraina

Ngày 04/12/2023, thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gửi thư tới chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, đề nghị rút khỏi chương trình nghị sự trong kỳ họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu sắp tới, hai quyết định chủ chốt liên quan đến Ukraina : Hỗ trợ tài chính và mở đàm phán về việc Ukraina gia nhập Liên Âu. Những quyết định này đòi hỏi sự đồng thuận của 27 thành viên.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Bruxelles, Bỉ, ngày 26/10/2023. © Virginia Mayo / AP
Minh Anh
Trong thư, thủ tướng Hungary giải thích rằng « việc thiếu đồng thuận hiển nhiên có thể dẫn đến một thất bại không thể tránh khỏi ». Theo AFP, đây là lần thứ hai thủ tướng Orban gởi thư đến chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, nêu ra khả năng Hungary phủ quyết.

Thông tín viên Florence La Bruyère, từ Budapest cho biết thêm :

« Đây không phải là lần đầu tiên ông Viktor Orban nêu ra quyền phủ quyết. Thủ tướng Hungary dọa không bỏ phiếu cho ngân sách sắp tới của Liên Âu.

Còn việc Ukraina gia nhập Liên Hiệp Châu Âu thì sao ? Viktor Orban phản đối điều đó. Ông cho rằng trước hết, châu Âu lẽ ra phải đề nghị với Kiev một quan hệ đối tác chiến lược.

Vị lãnh đạo đầy quyền lực ở Budapest còn muốn ngăn chặn khoản hỗ trợ tài chính quan trọng, trị giá 50 tỷ euro, mà Ủy Ban Châu Âu đề nghị cấp cho Ukraina.

Theo một số nghị sĩ châu Âu, Viktor Orban chơi trò "bắt chẹt" bởi vì ông đang tìm cách để châu Âu giải ngân 13 tỷ euro. Đây là những nguồn quỹ dành cho Hungary nhưng đã bị Liên Hiệp Châu Âu chặn lại do những vấn đề có liên quan đến Nhà nước pháp quyền.

Vào lúc mà Liên Hiệp Châu Âu gắng sức hậu thuẫn Ukraina, thì Viktor Orban lại vun đắp mối quan hệ ngày càng gần gũi với tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai nhà lãnh đạo này còn cùng phô trương hồi tháng Mười vừa qua.

Từ đầu cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga, lãnh đạo Hungary không ngừng kêu gọi Kiev buông vũ khí, khi lặp lại quan điểm của điện Kremlin. »

AFP cho biết thêm hôm nay tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp thủ tướng Hungary tại điện Elysée nhằm tìm kiếm một đồng thuận trước kỳ thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, dự trù diễn ra trong hai ngày 14-15/12/2023.

Gaza: Israel loan báo siết chặt vòng vây quanh Khan Younes thành phố lớn thứ hai ở miền nam Gaza

Chiến sự tại Gaza vẫn diễn ra dữ dội. Quân đội Israel ngày 05/12/2023 xác nhận đang bao vây thành phố Khan Younes ở phía nam Gaza, thành phố lớn thứ hai của vùng lãnh thổ Palestine, đồng thời cho biết đã “tiêu diệt” được 5 lãnh đạo Hamas ở miền bắc Gaza.


Quang cảnh một khu vực bị Israel tấn công, tại Khan Younis, phía nam Gaza. Ảnh chụp ngày 06/12/2023. REUTERS - AHMED ZAKOT
Trọng Nghĩa
Trong một thông cáo, tướng Herzi Halevi, tham mưu trưởng quân đội Israel, cho biết: “Quân đội đang bao vây Khan Younes ở miền bắc Gaza” và đã bắt đầu các chiến dịch tấn công vào các thành trì của Hamas ở phía nam. Nhân vật này khẳng định đã “tìm thấy vũ khí trong hầu hết các cao ốc và ngôi nhà, cùng những kẻ khủng bố trong nhiều tòa nhà.

Theo hãng AFP, các nguồn tin từ hai lực lượng Palestine là Hamas và Jihad Hồi Giáo cho biết là chiến binh của họ đang xung đột dữ dội với quân đội Israel trong nỗ lực ngăn chặn bước tiến của đối phương vào thành phố Khan Younes và các khu vực phía đông thành phố, cũng như các trại tị nạn gần đó.

Chiến sự ở phía bắc Gaza vẫn rất dữ dội. Israel vào hôm qua cho biết đã “tiêu diệt được “5 quan chức cấp cao của Hamas”.Trên kênh kênh Telegram và mạng X, quân đội của Nhà nước Do Thái thông báo đó là những chỉ huy các đơn vị của lực lượng Hamas hoạt động trong các hệ thống địa đạo.

Trong một bài viết trên nhật báo Mỹ The Washington Post, ba lãnh đạo an ninh Israel đã tiết lộ rằng đã có ít nhất 5.000 thành viên Hamas thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Đây là con số rất lớn vì theo số liệu của Israel, phong trào Hamas có khoảng 30.000 thành viên trước ngày 7/10.

Tuy nhiên, xác định cụ thể số người thiệt mạng rất phức tạp vì rất khó đếm được số người chết trong các địa đạo.

Philippines dự trù mở căn cứ hạm đội tuần duyên tại Vịnh Subic

Ngày 05/12/2023, Philippines cho biết đang xem xét xây dựng một căn cứ hạm đội tuần duyên mới ở Vịnh Subic, một cảng chiến lược nhìn ra Biển Đông, và từng là căn cứ của hải quân Hoa Kỳ.


Ảnh tư liệu : Tàu tấn công đổ bộ Mỹ USS Wasp (G) tại Vịnh Subic, Philippines, ngày 27/04/2016. AP - Steve Helber
Minh Anh
Theo trang tin Nhật Bản The Mainichi, đô đốc Ronnie Gavan, chỉ huy Lực lượng Tuần Duyên Philippines, khi trả lời truyền thông Nhật Bản tại Manila, trước hết khẳng định việc tìm kiếm địa điểm xây dự cơ sở cảng để có thể tiếp nhận các loại tầu lớn hơn là một phần trong chính sách của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. vào lúc Philippines liên tục đối mặt với hành động xâm nhập lãnh thổ của Trung Quốc.

Vẫn theo đô đốc Gavan, Philippines đang nghiên cứu khả năng thành lập căn cứ hạm đội tuần duyên ở Subic cũng như là nhiều khu vực khác trong vùng Vịnh Manila.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã tiến hành khảo sát về việc xây dựng một cơ sở tuần duyên ở Vịnh Subic, một vị trí chiến lược nhưng cũng là một cảng nước sâu tự nhiên. Hiện trụ sở của lực lượng tuần duyên Philippines được đặt tại khu cảng Manila.

Ngoài việc thông báo khả năng mở căn cứ mới và bổ sung thêm nguồn nhân sự cho lực lượng tuần duyên Philippines, đô đốc Gavan còn cho biết chính phủ Manila sẽ tăng cường mua thêm tầu tuần tra.

Một bản ghi nhớ hợp tác sửa đổi năm 2017 với Nhật Bản bao gồm cả việc mua tàu mới sẽ được ký kết bên lề thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản tổ chức ở Tokyo vào ngày 16/12 tới.

COP28 công bố bản dự thảo đầu tiên cho tuyên bố chung

Sau nhiều ngày thương lượng chậm chạp và khó khăn, bản dự thảo thỏa thuận đầu tiên đã được công bố vào sáng sớm hôm qua, 05/12/2023. Các nước trên toàn thế giới nỗ lực tìm kiếm một đồng thuận để chống lại tốt hơn hiện tượng biến đổi khí hậu theo khuôn khổ thỏa thuận Paris 2015.


Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed Al Jaber (G) và đại diện nhiều nước, tham dự một phiên thảo luận của Hội nghị về Khi hậu tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, ngày 5 tháng 12 năm 2023. REUTERS - THAIER AL-SUDANI
Minh Anh
Tuy nhiên, trung tâm của mọi sự chú ý là vấn đề các loại năng lượng hóa thạch gây nhiều ô nhiễm. Nhiều giải pháp đã được đặt trên bàn đàm phán, theo như ghi nhận Jeanne Richard, thông tín viên đài RFI tại Dubai.

« Giải pháp thứ nhất : Chấm dứt vô điều kiện năng lượng hóa thạch. Giải pháp thứ hai là chỉ ngưng loại năng lượng nào chưa có các thiết bị lọc khí CO2. Và giải pháp thứ ba là không đề cập bất kỳ năng lượng hóa thạch nào trong quyết định sau cùng của COP lần này. Có thể nói rằng phạm vi các khả năng là khá lớn, theo như tóm tắt từ Tom Evans, thuộc nhóm cố vấn về ngoại giao khí hậu E3G.

Ông giải thích : "Tất cả các phe đều thấy trong văn bản một phần nào đó trong đề xuất của mình. Một cách nghiêm túc hơn, có tất cả các yếu tố để đạt được một kết quả đầy tham vọng. Mặt khác, cũng có khả năng là sự việc chẳng đi đến đâu. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của thách thức đang đặt ra và không ai chấp nhận từ bỏ các nội dung đề xuất của mình.

Còn theo Linda Kalcher, thành viên một nhóm cố vấn khác về khí hậu, một điểm tích cực khác là các nước dường như đang đi đúng hướng để tăng tốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cô nói : "Một điểm tốt được thấy rõ là việc tăng gấp ba lần nguồn năng lượng tái tạo và tăng gấp hai lần hiệu quả sử dụng năng lượng này từ đây đến 2030 đã được ghi trong văn bản. Phần này dường như là một sự đồng thuận và đây là một bước tiến lớn đã đạt được nhờ vào sự can dự của Liên Hiệp Châu Âu và đã được vị chủ tịch COP28 của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tuân thủ tốt."

Ngay khi vừa được công bố, các cuộc thảo luận về bản dự thảo đầu tiên này đã được nối lại. Mục tiêu là tìm kiếm một đồng thuận trước khi COP28 kết thúc. »

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg được đăng một ngày trước khi công bố bản dự thảo tuyên bố chung, bộ trưởng Năng Lượng Ả Rập Xê Út cảnh báo nước này sẽ phản đối một văn bản kêu gọi từ bỏ năng lượng hóa thạch.

Những người được nhật báo Mỹ phỏng vấn ước tính số lượng đường hầm được phát hiện cho đến nay là 800, trong đó 500 đã bị phá hủy. Họ từ chối bình luận về thông tin về kế hoạch làm ngập các đường hầm bằng nước biển dù, theo tờ Wall Street Journal, quân đội Israel đã hoàn thành việc lắp ráp "hệ thống máy bơm nước biển cỡ lớn" ở phía bắc biên giới, sẽ cho phép phá hủy những đường hầm này.

Về phía Palestine, theo chính quyền Hamas hôm qua, các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza đã khiến 16.248 người thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 7 tháng 10. Theo văn phòng báo chí của phong trào Hồi giáo Palestine, lực lượng nắm quyền kiểm soát Gaza từ năm 2007, trong số người Palestine thiệt mạng trong các cuộc không kích, có hơn một nửa là trẻ em (7.112).

2023 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử

Năm 2023 chưa kết thúc, nhưng theo đài quan sát khí hậu châu Âu Copernicus, đây là năm nóng nhất trong lịch sử, đặc biệt là sau tháng 11 nhiệt độ cao kỷ lục.

Nhiệt độ 46°C thủ đô nước Ý vào một ngày mùa hè 2023. © Domenico Stinellis / AP
Anh Vũ
Với nhiệt độ trung bình trên bề mặt địa cầu là 14,22°C, tháng 11 vừa qua đã vượt kỷ lục trước đó vào tháng 11 năm 2020, cao hơn 0,32°C. Tháng 11 năm 2023 cũng ấm hơn 1,75°C so với trung bình vào tháng 11 trong giai đoạn 1850-1900, tương ứng với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo Copernicus, mùa thu ở phương bắc ( Bắc Bán Cầu ) là nóng nhất trong lịch sử, cao hơn mức trung bình 0,88°C.

Năm 2023 có sáu tháng và hai mùa đạt kỷ lục nhiệt độ. ''Tháng 11 bất thường năm nay có hai ngày nhiệt độ cao hơn 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, có nghĩa là năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử”, bà Samantha Burgess, phó giám đốc bộ phận theo dõi thay đổi khí hậu của Copernicus, cho biết hôm 05/12 trong một thông cáo báo chí. Nhiệt độ trung bình trên toàn cầu trong năm 2023 sắp qua vượt 1,46°C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp, tức gần vượt quá ngưỡng 1,5°C. Giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C là trọng tâm của Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

“Chừng nào mức độ tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kinh còn tiếp tục tăng, thì không hy vọng có kết quả khác với kết quả quan sát được trong năm nay. Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng, cùng với các hệ quả như các đợt nắng nóng và hạn hán” là cảnh báo của ông Carlo Buontempo, giám đốc bộ phận biến đổi khí hậu của Copernicus, được trích dẫn trong thông cáo báo chí. Theo chuyên gia này, cách tốt nhất là phải kéo mức phát thải về 0 thì mới có thể hạn chế được các nguy cơ về khí hậu.

Trung Quốc thất vọng vì bị Moody’s hạ điểm tín nhiệm

Lần đầu tiên từ 5 năm qua, cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Moody’s hôm 05/12/2023, đã hạ đánh giá triển vọng kinh tế của Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng về tác động từ nợ nần của chính quyền địa phương tăng cao và cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.


Một công trường xây dựng nhà, tại quận Tiền Hải (Qianhai), Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 09/08/2023 REUTERS - DAVID KIRTON
Anh Vũ
Thông tín viên Stephan Lagarde tại Bắc Kinh cho biết những phản ứng của Trung Quốc:

Sau cú đòn nặng nề, các tài khoản mạng xã hội của truyền thông Nhà nước Trung Quốc ồn ào tung ra nhưng câu chữ mạnh vào chiều thứ Ba. Đó là hình ảnh các cần cẩu và công trường hoạt động nhộn nhịp trong video của trang Đệ nhất Tài kinh (Yicai). Trang thông tin tài chính này chạy dòng chú thích : Moody’s hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc, bộ Tài Chính trả lời ! Trung Quốc đang đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng kinh tế thế giới.

Nỗi thất vọng cũng được đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin. Bộ Tài Chính Trung Quốc còn nói thêm, kinh tế Trung Quốc có sức bền và tiềm năng phát triển vô cùng lớn, những nền tảng tích cực về lâu dài không thay đổi.

Moody’s biện minh việc đánh giá triển vọng kinh tế Trung Quốc là tiêu cực vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chính phủ Trung Quốc và khu vực công hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước gặp khó khăn.

Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ chủ yếu nêu ra cuộc khủng hoảng bất động sản, lĩnh vực chiếm tới 1/4 GDP của Trung Quốc và các vụ phá sản dây chuyền của các nhà đầu tư kinh doanh địa ốc.

Nhiều công trường xây dựng bị ngừng lại, làm mất đi nguồn thu ngân sách của các tỉnh và vùng gặp khó khăn do 3 năm dịch Covid.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét