Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

Hoạt Động Của Liên Hội CQN VNCH Bắc Cali và Kính Chuyển Tin Tức Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Chúc Mừng! - Ban Truyền Thông của Liên Hội CQN VNCH Bắc Cali, vừa nhận được Lời Mời tham dự: Buổi Ra Mắt Hội Hậu Duệ Quân Lực & Cảnh Sát Quốc Gia Lúc 5 giờ chiều Chủ Nhật (tuần này!) ngày 10, tháng 12, năm 2023 Tại 1669 Flanigan Dr. San Jose, Ca 95122 Với những lập trường và tôn chỉ đã nêu trong Thư Mời, nhất là Giữ vững lập trường của Người Việt Quốc Gia VNCH chống cộng sản tuyệt đối và đấu tranh, gìn giữ lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của VNCH. Dứt khoát không hòa hợp, hòa giải với CSVN. Lập trường không khoan nhượng chống cộng như thế, thật đáng hoan hô tinh thần đấu tranh cao độ này.
<!>
Cầu chúc Buổi Ra Mắt thành công tốt đẹp, và Hội mạnh tiến hoạt động trong những ngày tới!
Chúc mừng! Chúc mừng!
Sau đây là Thư Mời:


Tiệc Bàn Giao Tân Ban Chấp Hành Liên Hội CQN VNCH Bắc Cali Thành Công Tốt Đẹp, Ấm Áp Tình Huynh Đệ Chi Binh!

-Chủ Nhật vừa qua, ngày 3 tháng 12 năm 2023, lúc 12 giờ trưa tại nhà hàng Cao Nguyên, khoảng trên 50 quan khách tham dự, hầu hết là Hội Trưởng Hội Đoàn Quân Đội. Cùng dùng bữa cơm thân mật, chứng kiến giây phút thực hiện thủ tục bàn giao, và giới thiệu Tân Ban Chấp Hành của Liên Hội Cựu Quân Nhân VNCH Bắc Cali.

Đầu tiên Chiến hữu Lê Đình Thọ, Cựu Tổng Thư Ký, ngỏ lời Cảm Tạ, Quý NT, Quý CH, Ân Nhân xa gần, đã giúp Liên Hội hoạt động liên tục, hữu hiệu 18 năm qua, trong thời gian Anh giữ chức vụ TTK.



Sau đó là thủ tục bàn giao, trao mọi giấy phép hoạt động, con dấu, trương mục trong ngân hàng,..vv…cho Tân Tổng Thư Ký.



Sau đó, Chiến hữu Lê Thái Phúc, giới thiệu Tân Ban Chấp Hành đến với tất cả quý vị quan khách, trong tiếng vỗ tay chúc mừng.
Tân Tổng Thư Ký Liên Hội cũng đã hứa, tiếp tục hoạt động theo lập trường và tôn chỉ mà Liên Hội đã đề ra từ ngày thành lập, không có gì thay đổi.

Sau đó, là những lời phát biểu của các Nt trong ban Cố Vấn, Ban Giám Sát, các Cựu Tổng Thư Ký….
Cuối cùng, mọi người cùng đứng lên, trong giây phút tưởng niệm Những Người Chiến Sĩ VNCH đã nằm xuống, trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam độc lập, tự do, no ấm trên 20 năm.

Vui nhất, ồn ào, thân mật nhất là không khí vào tiệc, hết nơi này nâng ly, nơi khác nâng ly, chúc mừng Tân Ban Chấp Hành, mạnh tiến, thành công hoạt động trong những ngày tới!
Nên biết, Liên Hội là điểm tụ sinh hoạt chung, của trên 18 Hội Đoàn Quân Đội, một trong những Hội đoàn mạnh nhất, đoàn kết nhất, hoạt động bền bỉ nhất gần 40 năm qua. Qua những sinh hoạt hàng năm, mà người Việt khắp nơi đều nghe tiếng, thán phục: Như tổ chức ngày Quân Lực 19/6 hàng năm, nổi tiếng hay nhất, đầy đủ mầu cờ sắc áo nhất Hải Ngoại, Lễ Thượng Kỳ đầu Năm, trước tòa thị chính thành phố San Jose, sửa sang Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, giúp Thương Phế Binh VNCH, tổ chức những buổi nhạc “Vinh danh người Lính VNCH”, cộng tác với nhiều Hội Đoàn, tổ chức nhiều cuộc Biểu Tình, phản đối những phái đoàn CSVN, đặt chân đến Miền Bắc Cali, Tham gia Lễ Cựu Chiến Binh, Lễ Chiến Sĩ Trận Vong…vv…

Sau đây một vài hình ảnh Tiệc Bàn Giao qua ống kính của Ch Ne Du














Giới Thiệu Một Vài Sinh Hoạt những ngày tới:



Tin Quốc Tế Đó Đây

COP 28 Thông Qua Tuyên Bố Về Sức Khoẻ


(Hình: Nhiều người đeo khẩu trang trên đường phố ở Tân Ðề Ly, thủ đô của Ấn Độ, ngày 8/11/2023.)

-Hôm 3/12/2023, trong ngày họp thứ ba của Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc COP 28, chủ đề thảo luận chính là về chất lượng không khí và ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sức khoẻ con người.

123 quốc gia đã cùng ký vào bản tuyên bố COP 28, nhấn mạnh đến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với sức khoẻ con người. Đặc biệt, bản tuyên bố này còn nêu ra “những lợi ích mà các hoạt động vì môi trường đem lại cho sức khoẻ cộng đồng”, chẳng hạn như tác động của việc chống lại ô nhiễm không khí với việc giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khoẻ. Văn bản cũng nêu ra rất nhiều hứa hẹn về đóng góp tài chánh như Quỹ Toàn cầu 300 triệu Euro, quỹ Rockefeller 100 triệu Euro, Vương Quốc Anh 68 triệu Euro, v.v....

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI), ông Stephen Cornish, người đứng đầu tổ chức Bác sĩ Không Biên giới tại Thuỵ Sĩ, cho rằng, bản tuyên bố sẽ là không đủ nếu chúng ta không biết làm thế nào để áp dụng vào thực tiễn nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết hiện nay. “Những thảm họa thiên nhiên này diễn ra thường xuyên hơn, tác động của chúng cũng mạnh hơn và phủ rộng hơn. Ở Madagascar và Mozambique, những xoáy lốc nối tiếp nhau dẫn đến lũ lụt, tàn phá sản xuất lương thực, reo rắc dịch bệnh... Trước đây có dịch sốt rét đỉnh điểm, bây giờ thì sốt rét xảy ra quanh năm”. Ông cũng khẳng định: “Chúng ta đã biết về căn bệnh cũng như cách điều trị, đó là ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

Hôm 4/12/2023, hội nghị bàn thảo vấn đề tài chánh cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia nhấn mạnh, tất cả những lĩnh vực như nông nghiệp, vận tải hay xây dựng đều cần phải được đổi mới để có đủ khả năng thích ứng với một thế giới đang dần nóng lên.


Phiến Quân Houthi Tấn Công Chiến Hạm Mỹ và Các Tàu Thương Mại ở Biển Đỏ


(Ảnh: Một chiến binh Houthi đứng trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ trong bức ảnh được công bố ngày 20 11 năm 2023.)

-Phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen đã phóng thiết bị bay không người lái (drone) có vũ trang và phi đạn nhằm vào một chiến hạm của Mỹ và nhiều tàu thương mại ở Biển Đỏ trong một cuộc tấn công kéo dài 5 tiếng đồng hồ, ít nhất một trong số các phi đạn đã bắn trúng một tàu chở hàng gắn cờ Bahamas, Ngũ Giác Đài cho biết hôm Chủ Nhật.
“Lực lượng Houthi đã tấn công nhiều tàu thương mại ở Biển Đỏ vào sáng sớm nay”, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết. “USS Carney đã hỗ trợ một số trường hợp và bắn hạ những thiết bị bay không người lái của Houthi đang tiến về hướng nó”.

Bộ Quốc phòng cho biết Carney, một khu trục hạm phi đạn điều hướng, đã bắn hạ hai trong số các thiết bị bay không người lái, một động thái có thể là sự leo thang hơn nữa trong một chuỗi các cuộc tấn công trên biển ở Trung Đông liên quan đến cuộc chiến tranh Do Thái-Hamas kéo dài gần hai tháng. Tàu Mỹ không bị hư hại trong vụ này.
Trong những tuần gần đây, Hoa Kỳ đã bắn hạ một số thiết bị bay không người lái được phóng từ Yemen hướng tới Do Thái. Trong cuộc tấn công hôm Chủ Nhật (3/12/2023), Ngũ Giác Đài cho biết họ đã đáp lại cuộc gọi khẩn cấp từ Unity Explorer, một tàu thương mại dân sự, cho biết họ đang bị hỏa lực phi đạn tấn công.

Phát ngôn viên của quân đội Houthi, Thiếu tướng Yahya Saree, nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công, nói rằng phiến quân đã bắn phi đạn trúng một chiếc tàu, và một tàu khác bị thiết bị bay không người lái bắn trúng khi đang ở eo biển Bab el-Mandeb nối Biển Đỏ với Vịnh Aden.
“Các lực lượng vũ trang Yemen tiếp tục ngăn chặn các tàu Do Thái di chuyển trên Biển Đỏ [và Vịnh Aden] cho đến khi hành động gây hấn của Do Thái chống lại những người anh em kiên định của chúng tôi ở Dải Gaza dừng lại”, tướng Saree nói. “Các lực lượng vũ trang Yemen tái cảnh báo tới tất cả các tàu của Do Thái hoặc những tàu có liên quan đến người Do Thái rằng họ sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp nếu vi phạm những gì được nêu trong tuyên bố này”.

Tướng Saree cũng xác định chiếc tàu đầu tiên bị bắn trúng là Unity Explorer, thuộc sở hữu của một công ty Anh, trong đó có Dan David Ungar, sống ở Do Thái, là một trong những viên chức của công ty này. Phát ngôn viên của Houthi cho biết tàu thứ hai bị bắn trúng là tàu chở hàng mang cờ Panama có tên “Number 9”, được quản lý bởi Bernhard Schulte Shipmanagement.

Truyền thông Do Thái xác định Ungar là con trai của tỉ phú vận tải biển Do Thái Abraham (Rami) Ungar.
Trong hơn một tháng, lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đã tiến hành các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và phi đạn nhằm vào 2.500 lính Mỹ đóng tại Iraq và 900 lính Mỹ ở Syria.


Do Thái Mở Rộng Chiến Dịch Quân Sự Trên Toàn Bộ Dải Gaza


(Hình: Khói bốc lên từ dải Gaza, được nhìn thấy từ miền Nam Do Thái, ngày 4/12/2023.)

-Trong thông cáo tối 3/12/2023 quân đội Do Thái xác nhận “tiếp tục mở rộng chiến dịch trên bộ nhắm vào Hamas trên toàn khu vực Gaza, hành động ở bất cứ nơi nào có sào huyệt của Hamas”. Đến lượt dân Palestine ở miền Nam Gaza phải di tản. Theo đại diện Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), các đợt oanh kích ở miền Nam Gaza cũng “khốc liệt” như những trận đánh vào khu vực Bắc Gaza.
Từ thủ đô Jerusalem của Do Thái, thông tín viên Michel Paul của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường thuật trong bản tin vào sáng sớm ngày 4/12:

“Những cuộc oanh kích dồn dập đã diễn ra suốt đêm 3/12. Quân đội Do Thái thông báo mở rộng các chiến dịch trên bộ ra toàn lãnh thổ trên dải Gaza, từ bắc chí nam. Những chiếc thiết giáp đầu tiên của Do Thái bắt đầu tiến đến gần thành phố Khan Younès và theo lời một phát ngôn viên của phía Do Thái thì xe tăng của Do Thái đã bắt đầu hoạt động nhắm vào những mục tiêu của Hamas.
Theo các phương tiện truyền thông tại đây, chiến dịch trên bộ sẽ còn được mở rộng thêm nữa trong những ngày sắp tới. Sáng 4/12, quân đội Do Thái lại ra lệnh cho dân cư tại nhiều khu vực ở Khan Younès di tản, tìm đến những vùng an toàn. Tham mưu trưởng Quân đội Do Thái khẳng định chiến dịch ở miền Nam Gaza cũng sẽ mãnh liệt như những gì đã xảy ra ở miền Bắc.

Ngoài ra, Do Thái báo trước một số những mục tiêu trong 24 tiếng đồng hồ sắp tới sẽ bao gồm trại tị nạn Jabaliya cũng như là khu Habachiya, được coi là những sào huyệt của Hamas. Tại những điểm này, giao tranh được cho là diễn ra khốc liệt.
Sáng 4/12, phong trào Hồi giáo Palestine cho biết nhiều nạn nhân thiệt mạng trong vụ oanh kích nhắm vào bệnh viện Kamal Adwan ở Bắc Gaza và lên án một vụ vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế”.


Thêm 6 Con Tin Thái Lan Trở Về Từ Gaza


(Hình: Natthaporn Onkaew, 26 tuổi, ôm lấy cha mình, ông Thawatchai Onkaew, 47 tuổi, khi trở về nước vào sau gần 3 tháng bị nhóm Hồi giáo Palestine Hamas bắt làm con tin ở Gaza.)

-Nhóm con tin Thái Lan thứ hai được phiến quân Hamas thả ở Dải Gaza đã được đưa về nước hôm thứ Hai (4/12/2023), Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết trong một tuyên bố.
Các gia đình của 6 công nhân làm nông Thái Lan đã chạy đến ôm chầm lấy người thân tại phi trường Suvarnabhumi ở Vọng Các.

“Tôi rất vui được trở lại”, Owat Suriyasri, 40 tuổi, nói và cảm ơn chính phủ Thái Lan và Do Thái.
Theo Bộ Lao động Thái Lan, một trong những người trở về bị thương ở bụng trong lúc bị Hamas giam giữ.

Trước chiến tranh, khoảng 30.000 lao động Thái Lan, chủ yếu đến từ vùng nông thôn phía Đông-Bắc Thái Lan, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp của Do Thái, khiến họ trở thành một trong những nhóm lao động nhập cư lớn nhất nước này.
Nhiều người đến Do Thái để tìm kiếm mức lương cao hơn để gửi tiền về quê hương cho gia đình. Nhiều người trong số họ là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình. Cho đến nay, 9.000 người Thái Lan đã được hồi hương.

Theo chính phủ Thái Lan, các tay súng Hamas đã giết chết 39 người Thái Lan và bắt cóc 32 lao động Thái Lan trong cuộc tấn công vào Do Thái ngày 7/10. Hơn 1.200 người thiệt mạng trong vụ tấn công và hơn 240 người bị bắt làm con tin.
Nhóm đầu tiên gồm 17 con tin người Thái Lan đã trở về nước vào tuần trước, 9 người còn lại vẫn đang bị giam giữ.


Chiến Tranh Ukraine: Vùng Kherson Bị Nga Tấn Công 117 Lần Trong Vòng 24 Tiếng Đồng Hồ


(Hình: Các mảnh vỡ rải rác trên đường phố ở Kherson, sau khi một khu dân cư bị pháo kích, Ukraine, ngày 3/12/2023.)

-Hôm 4/12/2023 trên Telegram, lãnh đạo chính quyền vùng Kherson, miền Nam Ukraine, ông Oleksandr Prokudin thông báo chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, từ sáng 3/12 đến sáng 4/12, vùng Kherson đã hứng chịu 117 vụ tấn công từ các lực lượng Nga. Quân Nga đã bắn khoảng 690 quả đạn pháo vào vùng Kherson, 43 quả đã rớt trúng thành phố Kherson.

Theo báo Pháp Le Monde, lãnh đạo chính quyền vùng Kherson cho biết loạt tấn công của quân đội Nga khiến 2 người chết và 8 người bị thương. Một số khu dân cư trong vùng, các cơ sở y tế và một tòa nhà của cơ quan hành chính ở Kherson, một viện nghiên cứu khoa học và một trung tâm kỹ thuật ở quận Kherson, cũng như một số cửa hàng ở khu vực Beryslav đều bị ảnh hưởng.

Liên quan đến Avdiïvka, trong vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, trưa hôm qua, ông Vitaly Barabach, thị trưởng thành phố, cho biết số vụ tấn công trên bộ của quân Nga trong vòng 24 tiếng đồng hồ trước đó đã giảm do tình hình thời tiết khắc nghiệt và lực lượng Nga gần đây đã hứng chịu nhiều tổn thất nhân mạng.

Nhìn rộng ra cả nước, sáng 4/12, Không quân Ukraine thông báo Nga đã phóng 23 drone và 1 phi đạn liên lục địa vào Ukraine trong đêm qua rạng sáng nay. Lực lượng phòng không Ukraine đã hạ được 18 drone trước khi các drone này nhắm trúng mục tiêu. Tuy nhiên, phía Ukraine chưa cung cấp thông tin về thiệt hại nhân mạng và vật chất.


Tòa Bạch Ốc: Sắp Hết Tiền Giúp Ukraine Chống Lại Nga


(Hình: Bà Shalanda Young - Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Tòa Bạch Ốc.)

-Giám đốc Ngân sách Tòa Bạch Ốc Shalanda Young trong một lá thư gửi Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa Mike Johnson và các nhà lãnh đạo Quốc hội khác hôm thứ Hai (4/12/2023), cảnh báo rằng Hoa Kỳ sắp hết thời gian và tiền bạc để giúp cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vào tháng 10 đã yêu cầu Quốc hội cấp gần 106 tỉ Mỹ kim để tài trợ cho các kế hoạch đầy tham vọng đối với Ukraine, Do Thái và an ninh biên giới Hoa Kỳ.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với đa số mong manh và việc tài trợ cho Ukraine đã trở thành vấn đề gây tranh cãi về mặt chính trị với một số nhà Lập pháp thiên hữu.
Bà Young nói trong một bức thư do Tòa Bạch Ốc công bố rằng việc cắt tài trợ và chuyển vũ khí sang Ukraine sẽ làm tăng khả năng chiến thắng của Nga.

“Tôi muốn nói rõ: Nếu không có hành động của Quốc hội, đến cuối năm nay chúng ta sẽ cạn kiệt nguồn lực để mua thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine cũng như cung cấp thiết bị từ kho quân sự của Mỹ”, bà viết. “Không có nguồn tài trợ thần kỳ nào có thể đáp ứng vào thời điểm này. Chúng ta hết tiền, và gần hết thời gian”.


Viện SIPRI: Nhu Cầu Vũ Khí Gia Tăng, Nhưng Doanh Thu Năm 2022 của Các Nhà Sản Xuất Vũ Khí Giảm


(Hình: Lính Ukraine khai hỏa loại vũ khí chống tăng NLAW tại vùng Donetsk, Ukraine, ngày 15/2/2022.)
-Các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hôm 4/12/2023 cho biết doanh thu năm 2022 của các nhà cung cấp vũ khí chính trên thế giới đã giảm. Các vấn đề về sản xuất khiến các công ty không thể đáp ứng nhu cầu gia tăng, đặc biệt là do cuộc chiến ở Ukraine.

Theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, được thông tấn xã AFP trích dẫn, doanh số bán vũ khí và các dịch vụ quân sự của 100 công ty vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2022 chỉ đạt 597 tỉ Mỹ kim (549 tỉ Euro), giảm 3,5% so với đến năm 2021 cho dù những căng thẳng địa chính trị, cũng như chiến tranh Ukraine, thúc đẩy nhu cầu trang bị vũ khí và thiết bị quân sự trên toàn thế giới.
Đối với nhà nghiên cứu Diego Lopes da Silva của Viện SIPRI, doanh thu sụt giảm của ngành chế tạo vũ khí là điều bất ngờ. Ông nhận định tình trạng này cho thấy có khoảng cách giữa nhu cầu do chiến tranh Ukraine gây ra và khả năng tăng sản lượng của các hãng chế tạo vũ khí.

Bên bị ảnh hưởng nhất là các hãng sản xuất vũ khí lớn của Mỹ, do gặp các vấn đề về chuỗi cung ứng và khan hiếm nhân công sau đại dịch Covid-19. Hoa Kỳ ghi nhận doanh số bán vũ khí giảm 7,9% trong năm 2022, dù chiếm 51% doanh thu vũ khí toàn thế giới. Trong top 100 hãng chế tạo vũ khí trên thế giới, có 42 công ty là của Mỹ.
Liên quan tới Nga, báo cáo của Viện SIPRI cho thấy doanh thu của các nhà sản xuất vũ khí đã giảm 12%, còn 20,8 tỉ Mỹ kim. Nhà nghiên cứu Diego Lopes da Silva nêu lên 2 lý do: Các lệnh trừng phạt của quốc tế nhắm vào Nga và Nhà nước chậm thanh toán cho các doanh nghiệp.

Nhà sản xuất cũ khí có doanh thu tăng mạnh (+94%) là công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ drone được sử dụng rộng rãi ở Ukraine. Trung Quốc, một trong những quốc gia xuất cảng vũ khí hàng đầu thế giới, cũng có 8 nhà sản xuất vũ khí có tên trong danh sách các doanh nghiệp có doanh thu tăng. Tổng doanh thu vũ khí của Trung Quốc tăng thêm 2,7%, lên thành 108 tỉ Mỹ kim.
Nhìn đến tương lai, nhà nghiên cứu Lopes da Silva của Viện SIPRI nhận định nhu cầu vũ khí của thế giới không có dấu hiệu tăng chậm lại, số đơn đặt hàng và lượng hàng các công ty đang chế tạo theo đơn đều tăng đáng kể.


Pháp Tăng Cường Hiện Diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương


(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Pháp-Úc Ðại Lợi trong cuộc họp 2+2 tại Paris ngày 30/1/2023.)

-Ngày 4/12/2023 Bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu dự hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng Nam Thái Bình Dương tại Nouméa – Nouvelle Calédonie. Cùng lúc Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna công du Canberra trong 2 ngày 4 và 5/12/2023 thắt chặt quan hệ vê “an ninh và quốc phòng” với Úc Ðại Lợi.
Hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng Nam Thái Bình Dương – South Pacific Defence Ministers’ Meeting lần thứ 10 mở ra từ ngày 4 đến 6/12/2023 quy tụ 7 nước trong khu vực gồm Úc Ðại Lợi, Chí Lợi, quần đào Fiji, Tân Tây Lan, Papouasia New Guinea, Tonga và Pháp. Mỹ, Nhật Bản và Anh Quốc cử đại diện đến tham gia sự kiện này với tư cách quan sát viên.

Trong ba ngày họp, các bên trao đổi về những thách thức đặt ra về mặt an ninh và an toàn dưới tác động biến đổi khí hậu với toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo thông cáo của Bộ Quân lực Pháp, năm nay cuộc họp sẽ tập trung vào ba khía cạnh “phân tích, dự phòng và phối hợp” trong các công tác cứu trợ nạn nhân thiên tai, tuần tra chung trên biển, đối phó với nạn đánh bắt hải sản trái phép. Paris đặc biệt chú trọng đến mục tiêu “tăng cường hợp tác giữa Pháp với các nước quốc gia ở Nam Thái Bình Dương”. Theo giới phân tích, các quốc gia trong khu vực đến họp tại Nouméa lần này với lo ngại “ảnh hưởng của Trung Quốc” trong khắp vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Cũng từ ngày 4/12, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna bắt đầu chuyến công tác tại Úc Ðại Lợi đánh dấu 80 năm đôi bên thiết lập bang giao. Theo thông cáo của bộ, đây là sự tiếp nối của đối thoại 2+2 giữa Paris và Canberra. Đôi bên sẽ chính thức thông qua lộ trình trong bang giao hai nước thể theo tuyên bố giữa Tổng thống Macron và Thủ tướng Albanese hồi tháng 7/2022. Theo đó đôi bên đẩy mạnh hợp tác trong ba lĩnh vực: An Ninh và Quốc Phòng; Hành động vì khí hậu và hợp tác trong các lĩnh vực Văn Hóa, Giáo Dục.

Paris chuẩn bị “cập nhận hóa” chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Pháp là một đối tác quan trọng do Nouvelle Calédonie là một vùng lãnh thổ hải ngoại. Pháp là quốc gia duy nhất trong Liên Hiệp Âu Châu có sự hiện diện quân sự tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.


Pháp Thúc Giục Bắc Kinh Giúp Tránh ‘Khủng Hoảng’ Tại Biển Đông


(Hình: Một tàu Hải cảnh Trung Quốc đi đến gần tàu tiếp tế của Phi Luật Tân ngày 4/10/2023.)

-Vào ngày 4/12/2023, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna lên tiếng thúc giục Bắc Kinh hãy suy nghĩ lại hành vi quyết đoán tại Biển Đông, “thế giới không cần một cuộc khủng hoảng mới”.
Thông tấn xã AFP loan tin trong cùng ngày dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đưa ra tại Câu lạc bộ Báo chí Úc Ðại Lợi ở Canberra như vừa nêu.

Trung Quốc tiếp tục gia tăng diễu võ giương oai sức mạnh quân sự tại Eo biển Đài Loan; và tàu hải giám Trung Quốc bị tố cáo sách nhiễu tàu đánh cá của Phi Luật Tân tại vùng biển tranh chấp.
Vào tháng trước Úc Ðại Lợi chỉ trích Trung Quốc về hành xử “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp” trên biển khi mà một trong những thợ lặn của Hải quân Úc Ðại Lợi bị thương do sóng siêu âm mà chiến hạm Trung Quốc phát đi.

Ngoại trưởng Pháp bày tỏ quan ngại “về những gì xảy ra với Hải quân Úc Ðại Lợi vài ngày trước, cũng như những gì xảy ra với Phi Luật Tân vài tuần trước”.
Bà Catherine Colonna nhấn mạnh rằng Trung Quốc có quyền theo đuổi ‘sự trỗi dậy về kinh tế’; nhưng đối lại Bắc Kinh phải đáp ứng các kỳ vọng của quốc tế như vấn đề nhân quyền.

Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông và xây dựng những căn cứ trên các đảo chiếm đóng với hệ thống phi đạn bảo vệ. Hành động này khiến các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông phải cảnh giác; đó là các nước Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai Á.


Phi Luật Tân Cáo Buộc Hơn 135 Tàu Dân Quân Biển Trung Quốc Tập Trung Tại Đá Ba Đầu


(Hình: Phía Phi Luật Tân cho rằng tàu Dân quân Biển Trung Quốc đột nhập vào Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này là vi phạm.)

-Vào ngày 3/12/2023, Phi Luật Tân cho biết phát giác hơn 135 tàu Dân quân Biển Trung Quốc ‘tràn ngập’ khu vực Đá Ba Đầu.
Thông tấn xã AFP loan tin trong cùng ngày dẫn nguồn Tuần duyên Phi Luật Tân nêu rõ từ ngày 13/11 Lực lượng này đếm được 111 tàu Dân quân Biển Trung Quốc tại Đá Ba Đầu và đến ngày 2/12 khi hai tàu tuần duyên Phi Luật Tân được điều đến khu vực này thì số lượng tàu Dân quân Biển của Trung Quốc lên đến hơn 135 chiếc.

Hình ảnh do Tuần duyên Phi Luật Tân công bố hôm 3/12 được miêu tả nhiều tàu Dân quân Biển Trung Quốc tập trung theo đội hình, số khác rải rác quanh khu vực.
Tin nói Tuần duyên Phi Luật Tân đã phát thông báo đến số tàu Dân quân Biển Trung Quốc; nhưng không có phản hồi nào.

Tòa Ðại sứ Trung Quốc tại Manila cũng không trả lời yêu cầu bình luận của thông tấn xã AFP trong ngày 3/12.
Vào năm 2021, một hoạt động tương tự của hơn 200 tàu Dân quân Biển Trung Quốc diễn ra tại Đá Ba Đầu gây nên vụ căng thẳng ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh. Phía Phi Luật Tân cho rằng tàu Dân quân Biển Trung Quốc đột nhập vào Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nước này là vi phạm; trong khi đó Trung Quốc cho rằng tàu đánh cá của ngư dân Hoa Lục vào tránh bão.

Diễn biến mới nhất vào ngày 3/12 tại khu vực Đá Ba Đầu như vừa nêu xảy ra sau khi vào ngày 1/12, Phi Luật Tân công bố việc thiết lập trạm tuần duyên tại Đảo Thị Tứ. Đây là đảo lớn nhất do Manila trấn giữ tại Biển Đông.
Cố vấn An ninh Quốc gia Phi Luật Tân, Eduardo Ano, trong phát biểu tại đảo Thị Tứ rằng trạm tuần duyên của Phi Luật Tân trên đảo Thị Tứ sẽ được trang bị những “hệ thống tiên tiến” gồm radar, hệ thống thông tin vệ tinh, camera biển và hệ thống quản trị hoạt động lưu thông tàu biển.

Trạm tuần duyên này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2024.


Phi Luật Tân và Pháp Xem Xét Ký Thỏa Thuận An Ninh Để Tập Trận Chiến Đấu Chung


(Hình: Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Sebastien Lecornu bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Gilberto Teodoro trong cuộc họp báo tại Manila, Phi Luật Tân, ngày 2/12/2023.)

-Phi Luật Tân và Pháp đang xem xét việc ký kết một thỏa thuận an ninh sẽ cho phép hai nước cử lực lượng quân sự tham gia tập trận chung tại lãnh thổ của nhau.
Hãng thông tấn AP loan tin ngày 2/12 dẫn thông báo vừa nêu của Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Manila, Gilberto Teodoro Jr., tại cuộc họp báo trong cùng ngày sau hội đàm giữa ông này với người đồng cấp Pháp Sébastien Lecornu tại Phi Luật Tân.

Ông Gilberto Teodoro Jr. cho biết hai phía có ý định thực hiện những bước cụ thể nhằm nâng cấp và mở rộng hợp tác quốc phòng giữa hai phía một cách toàn diện. Công tác chính yếu là lãnh đạo hai nước cùng các cơ quan liên quan cho phép bắt đầu thảo luận về thỏa thuận an ninh chung.
Về phía Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Sébastien Lecornu, nói rằng mục tiêu đầu tiên là tạo nên mối quan hệ gần gũi chiến lược hay khả năng hành quân phối hợp giữa lực lượng vũ trang của hai phía, cách thức Hải quân và Không quân hai phía tương tác với nhau.

Hiện Phi Luật Tân có thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, đồng minh lâu đời của Manila, và với Úc Ðại Lợi.
Phi Luật Tân cũng đang thỏa thuận với Nhật Bản về một thỏa thuận tương tự cho phép quân đội hai phía được bố trí quân để diễn tập quân sự chung và những hoạt động an ninh chung khác.

Tại cuộc hội đàm ở Manila hôm 2/12 giữa Bộ trưởng hai nước Phi Luật Tân và Pháp, cả hai cùng thống nhất tăng cường trao đổi thông tin và tin tức tình báo nhằm đối phó với những mối đe dọa an ninh.
Hai phía thống nhất duy trì những chuyến thăm của chiến hạm của nhau và nhấn mạnh tầm quan trọng tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Pháp từng đưa chiến hạm Hải quân đến Biển Đông với mục đích cổ xúy cho quyền tự do hàng hải và đẩy lùi hoạt động bành trướng của Trung Quốc tại đó.


Phi Luật Tân: Đánh Bom Khủng Bố Tại Một Buổi Lễ Công Giáo Khiến Ít Nhất 4 Người Chết


(Hình: Nhân viên của cơ quan điều tra Phi Luật Tân có mặt tại địa điểm xảy ra vụ nổ ở thành phố Marawi, miền Nam Phi Luật Tân, ngày 3/12/2023.)

-Ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 50 người khác bị thương trong vụ đánh bom hôm 3/12/2023 trong một buổi lễ Công giáo tại phía Nam Phi Luật Tân. Khu vực này vẫn thường xảy ra xung đột với phiến quân Hồi giáo kể từ hồi tháng 5/2017.
Cảnh sát trưởng khu vực Allan Nobleza cho biết, vụ đánh bom xảy ra trong một buổi thánh lễ tại nhà thi đấu của Đại học tỉnh bang Mindanao ở Marawi, thành phố Hồi giáo lớn nhất nước này. Phía tổ chức Nhà bước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ khủng bố.

Trả lời thông tấn xã AFP, sinh viên Chris Honculado, người có mặt trong buổi lễ kể lại: “Vụ nổ xảy ra rất bất ngờ, tất cả mọi người bắt đầu bỏ chạy. Khi quay lại phía sau, tôi thấy rất nhiều người nằm bất động trên sàn. Chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, mọi thứ diễn ra quá nhanh”.
Trong thông cáo mới được đưa ra, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos đã lên án mạnh mẽ “những hành động vô nghĩa và tàn bạo gây ra bởi những kẻ khủng bố ngoại bang này”.

Ông Majul Gandamra, thị trưởng của thành phố Marawi, nơi xảy ra vụ khủng bố, kêu gọi các thành viên của cộng đồng Hồi giáo và Thiên chúa giáo hãy đoàn kết. Ông nói: “Thành phố của chúng ta từ lâu đã là biểu tượng của sự chung sống hòa bình và hòa hợp, và chúng ta sẽ không cho phép những hành động bạo lực như vậy làm ảnh hưởng đến cam kết chung của chúng ta đối về hòa bình và đoàn kết”.
Vụ đánh bom khủng bố được cho là nhằm đáp trả cuộc không kích của quân đội Phi Luật Tân vào tổ chức Hồi giáo Dawlah Islamiya-Philippines ở Mindanao hôm thứ Sáu tuần trước. Kể từ hồi tháng 5/2017, chính phủ Phi Luật Tân đã giải phóng thành phố Marawi sau cuộc xung đột kéo dài 5 tháng với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên sau đó, các cuộc tấn công của tổ chức này vào các xe bus, nhà thờ Công giáo hay các khu chợ vẫn tiếp diễn.


Chiến Hạm Mỹ Thực Thi Quyền Tự Do Hàng Hải Gần Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc Phản Ứng


(Hình: Một chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông.)

-Vào ngày 4/12/2023, chiến hạm USS Gabrielle Giffords của Hải quân Hoa Kỳ tiến hành thực thi quyền tự do hàng hải (FONOP) đầu tiên gần khu vực Bãi Cỏ Mây tranh chấp tại Biển Đông.
Động thái này của Hoa Kỳ bị Trung Quốc ngay lập tức cho là “phi pháp” với lý do xâm phạm vùng biển của Hoa Lục mà không được sự đồng ý của Bắc Kinh.

Ðài Á Châu Tự Do (RFA) và Benar News loan tin ngày 4/12 dẫn thông cáo của cả hai phía về hoạt động vừa nêu của chiến hạm USS Gabrielle Giffords.
Thông cáo của Bộ Chỉ huy Chiến khu Nam bộ thuộc Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc lặp lại rằng phía Hoa Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, gây hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định khu vực và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế…. Hoạt động như thế chứng tỏ Hoa Kỳ là mối nguy lớn nhất cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông.

Phía Hoa Kỳ đáp trả rằng chiến hạm USS Gabrielle Giffords tiến hành chiến dịch thường kỳ trong vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp. Theo thông cáo của Hải quân Hoa Kỳ thì hằng ngày Hạm đội 7 hoạt động tại Biển Đông như từng diễn ra nhiều thập niên qua. Hoạt động như thế chứng tỏ Hoa Kỳ cam kết giữ vững một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở.
Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Phi Luật Tân cho quân đồn trú trên xác chiếc tàu mắc cạn BRP Sierra Madre để kiểm soát vùng biển này, là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân.

Gần nhất, vào ngày 22/10 vừa qua, tàu hải cảnh và tàu Dân quân Biển Trung Quốc va chạm với tàu tiếp tế của Phi Luật Tân.
Manila ngày hôm sau ra tuyên bố cáo buộc hành vi của Trung Quốc mang tính “khiêu khích, vô trách nhiệm, phi pháp”.

Phi Luật Tân đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila đến để trao công hàm phản đối.


Trung Quốc Tố Cáo Mỹ Cố Tình Điều Chiến Hạm Đến Gây Căng Thẳng ở Biển Đông


(Hình: Tàu BRP Jose Rizal (FF150) của Phi Luật Tân (phải) và tàu USS Gabrielle Giffords (LCS 10) của Hoa Kỳ, trong cuộc tập trận chiến thuật giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ ở Biển Đông mà Phi Luật Tân gọi là Biển Tây, ngày 23/11/2023.)
-Hôm 4/12/2023, Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ đã “cố tình” gây căng thẳng ở Biển Đông khi điều một chiến hạm đi qua vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Theo thông tấn xã AFP, phát ngôn viên bộ chỉ huy chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc, Điền Quân Lý (Tian Junli), cho biết: “Vào ngày 4/12, tàu tác chiến ven biển USS Gabrielle Giffords đã xâm nhập trái phép vùng biển gần Nhân Ái Tiều ở khu vực Nam Sa của Trung Quốc mà không được sự cho phép của chính phủ Trung Quốc”.
Nhân Ái Tiều là cách Trung Quốc gọi Bãi Cỏ Mây - tên quốc tế là The Seconde Thomas Reef. Bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan, miền Tây Phi Luật Tân, khoảng 200 cây số và cách khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc, đảo Hải Nam, hơn 1.000 cây số.

Phát ngôn viên bộ chỉ huy chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc cảnh báo: “Việc Hoa Kỳ cố gây căng thẳng (tình hình ở) Biển Đông cấu thành một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Ông Điền Quân Lý cũng khẳng định quân đội Trung Quốc “đã theo dõi toàn bộ hoạt động” của tàu Mỹ sáng hôm nay và các đơn vị dưới quyền bộ chỉ huy chiến khu miền Nam “luôn duy trì trạng thái cảnh báo ở mức cao, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”.
Xin nhắc lại, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, kể cả các vùng biển - đảo gần bờ biển của các nước láng giềng, và phớt lờ phán quyết năm 2016 của tòa quốc tế rằng yêu sách của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét