Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Lật lại một tập ảnh - Mai Xuân Vỹ



Một
Saigon – Đường Phan Bội Châu, cửa Đông chợ Bến Thành 1972 – Ảnh Raymond Depardon -Nhìn lại bức ảnh trên vào thời điểm bức hình được chụp, Saigon là một thành phố bình yên, như tất cả những thành phố bình yên trên thế giới. Đập vào mắt là những thiếu nữ, và phụ nữ đến chợ mua sắm hoặc đã mua sắm xong ngồi xích lô trở về. Đây là những sinh hoạt bình thường của những người dân bình thường trong một phố thị thanh bình. Cũng có lẽ là một ngày bình thường như những ngày bình thường trong tháng trong năm. Những chiếc taxi đang lăn những vòng thong thả và những chiếc khác đậu nhàn hạ, thảnh thơi chờ khách.
<!>
Cái khoảnh khắc bình yên của Saigon gần nửa thế kỷ trước được ghi lại sống động với bốn phụ nữ ngay trung tâm bức hình, với mode Mini Jupe’ đang thời thượng vào thời điểm ấy. “Mini” đang là một “theme”, một “chủ đề” của thời trang ở Saigon. Hai cô gái quay lưng lại đều diện váy ngắn, dáng mảnh dẻ, thanh lịch. Không hiện diện trong bức hình trên là xe đạp mini, là những chiếc xe đạp có vòng bánh xe nhỏ, dáng thấp, rất được các nữ sinh ưa chuộng vào lúc ấy.

Đây là một con đường bên hông chợ Bến Thành –đường Phan Bội Châu, phía bên kia hông chợ là đường Phan Châu Trinh. Hai nhà chí sĩ cùng một lòng yêu nước nhưng chí hướng và phương châm hành động thì khác hoặc -có thể nói- trái ngược hẳn nhau, là những người đã khởi xướng phong trào Đông Du và Duy Tân.

Và một bức ảnh chụp năm 1972 của Depardon.

Đối với phần đông người Việt bây giờ con số 1972 khá vô nghĩa ngoài sự xác nhận một mốc thời gian đã lùi rất sâu vào quá khứ. Có bao nhiêu độc giả -đang đọc những giòng này- sinh trước mốc thời gian ấy? Tôi ngờ là rất ít rất nhỏ nếu đếm. Đó là thời gian. Nhưng nếu dựa vào không gian, khi tôi nói chợ Bến Thành, có lẽ hầu hết đều biết.

Thực ra, bức hình có hai chi tiết khá mờ nhạt cho biết một Saigon không bình yên, mà ngược lại đang trong chiến tranh với chiến trường sôi sục chỉ cách nó hơn chục cây số đường chim bay: Bình Long, An Lộc. Những địa danh nhắc nhở chiến tranh đang khốc liệt. Người đàn ông mặc quân phục bên trái bức hình và chiếc xe Jeep đậu lẫn với taxi và xe dân sự bên phải xác nhận điều đó. Trong bức ảnh trên, Saigon không thanh bình, đó là một năm chiến tranh tàn khốc mà người miền nam đã gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa –theo tựa sách của một nhà văn không nhận mình là nhà văn, mà chỉ khiêm nhượng “người-lính-viết-văn”. Ngoài hai điểm nói trên, sự hiện diện thường trực của chiến tranh không được ghi lại trong bức ảnh ấy..

Và như một lời nguyền hay định mệnh về mode thời thượng mini ở Sàigon từ chính cái tên gọi của nó: mini cũng ngắn, nhỏ, yểu mệnh và tan biến nhanh hơn số phận của nó -ấy là so với mode mini trên thế giới- vì biến cố 1975, khi những đoàn quân của những người lính phương Bắc với quân phục lụng thụng “không mini” tràn vào Saigon. Những thiếu nữ Saigon “thức thời” cất nhanh vào tủ những mini jupe ấy và diện quần lãnh áo bà ba ra đường. Và trong gần hai thập niên kể từ ngày 30 tháng Tư ấy, mode quần lãnh đen áo bà ba vẫn là thời trang nổi trội, được điểm xuyết “tăng cường” thêm các mode mới –hay cũ– từ Hà Nội với nón cối, áo khaki Nam Định, vải xanh mầu lá rừng của Trung Quốc, và những chiếc xe đạp “maxi” Phượng Hoàng cũng của Trung Quốc với những vòng bánh xe khổng lồ gấp ba bốn lần những vòng bánh xe mini nhỏ nhắn của Saigon ngày ấy.

Hai


Đường Nguyễn Huệ, rạp ciné Rex và phim Love Story với Ali McGraw & Ryan O’Neal – Ảnh Raymond Depardon 1972

Cũng một bức hình khác cùng thời gian được chụp ở cách con đường Phan Bội Châu chừng vài trăm thước, một sinh hoạt khác cúa Saigon cũng được ghi lại thật sống động với rạp Rex đang chiếu cuốn phim Love Story với kịch bản được chuyển thể từ cuốn sách best seller cùng tên của Eric Segal [1]. Sản phẩm này đến từ bên kia bờ Thái Bình Dương. Đây là cuốn phim được tiếp nhận trên toàn thế giới vào thời điểm ấy. Bạn có thể không xem phim, không đọc truyện Love Story, nhưng bạn khó có thể không biết đến bản nhạc cùng tên Love Story hoặc bằng nguyên tác “Where do I begin …”, hay qua lời dịch của Phạm Duy: “Biết dùng lời rất khó …”

Một sinh hoạt bình thường khác của Saigon. Đây là đường Nguyễn Huệ, lúc ấy người ta gọi nó là đại lộ Nguyễn Huệ bởi nó là một con đường lớn chia làm bốn lằn xe tựa như bốn con đường nhỏ nhập lại với hai dãy kiosk bán hoa, đồ lưu niệm, tiệm sang băng nhạc tiệm chụp hình, v.v… Những kiosk ấy và thương xá Tax ở phía trước mặt của đôi nam nữ. Và phía sau lưng họ, sau lưng người chụp ảnh dạo đang tươi cười kia là Tòa Đô Chánh.

Trung tâm của bức ảnh là một cặp tình nhân. Và bối cảnh hay background là rạp ciné Rex đang chiếu một cuốn phim về một cặp tình nhân khác. Một cặp tình nhân với một chuyện tình đẹp và một kết thúc bi thảm, hay là ‘tragic’ như người ta đã gọi nó như vậy khi cô gái bị tử thần cướp đi từ vòng tay ôm của chàng trai. Lúc ấy giới trẻ Saigon thuộc lòng câu nói của Oliver ở những phút cuối phim: Love is not having to say sorry. Love means never having to say you’re sorry. Cô gái trong Love Story, Jenny, là sinh viên nhạc cổ điển, Jenny yêu Mozart, Bach, Beatles và …Oliver! Dĩ nhiên. Hai câu thoại ấy trong phim đã được khuếch tán và bắt chước trong nhiều cuốn truyện ở Saigon thời ấy. Có một câu tôi nhớ được: Tôi yêu ba chữ B: Bach Beethoven và Beatles. Hoặc một câu biến thể khác với The Beatles được thay bằng Bee Gee, sẽ cho độc giả biết ‘taste’ nhạc của giới trẻ Saigon ngày đó, đồng thời tố cáo được luôn ‘gout’ nghe nhạc của người viết! Tiếc là tôi đã quên mất tên các tác giả ấy để dẫn lại cho bạn đọc.

Con đường Nguyễn Huệ thanh bình ấy còn có thương xá Tax với tiệm kem Pôle Nord, xuống một chút nữa –trên đường Lê Lợi– là kem Mai Hương, ở đó có một rạp ciné nữa –trên đường Pasteur– mà người ta gọi là Casino Saigon –để phân biệt nó với Casino Dakao trên đường Đinh Tiên Hoàng. Đường Pasteur lại có nước mía Viễn Đông và phá lấu gỏi bò kho tuyệt chiêu của những đồng hương Kim Dung trong Chợ Lớn đem ra đó bán. Phía tay trái của đôi tình nhân là rạp ciné mini Rex và hành lang Eden trổ ra một con đường nổi tiếng khác của Saigon: đường Tự Do, hay là Catinat như những người Saigon cố cựu, những francophile vẫn gọi. Trên con đường này có ba địa điểm lừng tiếng như bộ ba Café de Flore – Aux Deux Magots – Brasserie Lipp ở Paris, đó là La Pagode, Givral và Brodard ở cùng một phía đường theo thứ tự kể trên nếu như ta đi bộ từ nhà thờ Đức Bà xuôi theo con dốc đổ về bến Bạch Đằng. Còn rất nhiều điều khác ở Saigon gợi nhớ Paris. Thời đó Saigon đã chẳng từng được gọi là Le Petit Paris hay là ‘tiểu Paris’ đó sao?

Đôi tình nhân đi lướt qua ống kính của Depardon, cô gái dường như có thoáng thấy người chụp ảnh –qua ánh nhìn trực diện, thẳng vào ống kính– nhưng anh thanh niên thì nhìn cô gái, không nhìn Depardon.

Sau cái khoảnh khắc được ghi vào phim nhựa ấy, tôi không biết đôi nhân tình sẽ đi những đâu, sẽ vào quán nào, mở cánh cửa nào trong những quán xá ở những địa điểm trên. Có lẽ họ sẽ không vào La Pagode, chỗ ấy thường là nơi tụ hội của các nhà văn Saigon vào thời điểm ấy như Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, Viên Linh, Nguyễn Quốc Trụ, Huỳnh Phan Anh, Văn Quang. Và nhiều nữa nhưng tôi không biết -và nhớ- hết. Họ chắc cũng không vào Givral vì anh thanh niên là sinh viên sĩ quan nghèo, họ chả tốn tiền để vào đó. Brodard cũng vậy, đắt quá, cô gái có thể chép miệng rồi kéo tay chàng trai bỏ đi –tôi nghĩ vậy!.

Vậy thì họ đi đâu? Pôle Nord có lẽ vừa với túi tiền của họ? Lại có máy lạnh để có một chút Paris trong không gian, và để tạm tránh cái nắng đổ lửa của một Saigon nhiệt đới? Hay họ sẽ tiếp tục dắt tay nhau đi dọc con đường Lê Lợi xuống ngay góc Pasteur uống ly nước mía? Họ dắt tay nhau chắp-đôi-tay-thiên-thần-đi-suốt-mùa-xuân như lời Việt Phạm Duy đã đặt cho bài hát?

Và rồi họ sẽ ra sao khi hết mùa xuân sang thu sang đông?

Nhưng thôi, tôi đã nghĩ ngợi quá nhiều, hoặc mơ mộng lạc quan quá trớn. Hạnh phúc của đôi nhân tình sẽ không dài lâu khi ta nhìn lại bức ảnh và ý thức được cái mốc thời gian 1972 ấy.

Tôi có một vài kịch bản cho Love Story của đôi tình nhân này. Anh sẽ ra trường, sẽ chỉ huy một tiểu đội và ngã gục trong chiến tranh tàn khốc không phân biệt lính mới lính cũ ngay chính lần chạm súng đầu tiên khi đơn vị anh chạm địch?

Anh sẽ sống sót cho đến khi tàn cuộc chiến –điều này rất nhiều khả năng xảy ra vì chiến tranh sẽ chính thức kết thúc chưa đầy hai năm sau đó thôi- và anh sẽ sống phần đời kế tiếp của anh trong trại tù cải tạo. Và rồi khi anh trở về, anh có còn mái ấm với người vợ hiền hay không?

Tôi không biết được. Có thể còn. Và chuyện ngược lại cũng là một xác xuất khả tín, bởi tôi đã chứng kiến nhiều gia đình tan nát khi người chồng phải “học tập cải tạo” trong khi người vợ trẻ và những đứa con chẳng biết phải xoay sở ra sao trong một xã hội mới đầy nghi kỵ. Nhưng rồi dù còn hay mất, là một công dân hạng hai, là sĩ quan ‘Ngụy’ anh sẽ khó mà sống nổi trên chính quê hương của mình, anh sẽ tìm cách đi ra biển Đông, anh sẽ bỏ mạng hay đến được bến bờ? Thôi, tôi không nghĩ tiếp nữa…

Và điều khác biệt giữa tấm hình này và tấm trước là Chiến Tranh. Ở đây, nó hiện ra rõ nét hơn. Tuy nhiên không khí chiến tranh cũng chỉ bảng lảng qua bộ quân phục của một sinh viên sĩ quan. Và sinh viên sĩ quan thì dù có là sinh viên võ bị Đà Lạt hay võ khoa Thủ Đức thì anh cũng chưa bao giờ ra chiến trường, bắn vào những người lính bên kia chiến tuyến, ít ra là trên lý thuyết. Anh đang hạnh phúc bên người yêu và một Love Story của riêng anh có lẽ còn “great” hơn, hay tragic hơn, bi thảm hơn mối tình “Love Story” trong phim ảnh tùy vào kịch bản mà tôi đã tưởng tượng, đã hư cấu ở trên.

Trong thời chinh chiến điêu linh, tôi hiểu được một điều là nhiều khi hư cấu không bắt kịp hiện thực. Hiện thực chiến tranh thường vượt quá khả năng tưởng tượng của các nhà văn, các nhà làm phim, và của con người nói chung.

* * *
Ba


Tòa Đô Chánh Saigon – Và “bức chân dung trên công viên buồn” 1972 – Ảnh Raymond Depardon

Bức ảnh kế tiếp, cũng vẫn trong loạt ảnh về Saigon của Depardon [2], Saigon dần rõ nét chiến tranh hơn hai tấm trước vì sự hiện diện của người lính từ bên kia bờ Thái Bình Dương. Anh ta sẽ trở về sớm một năm sau đó với hiệp định Paris 1973, nhưng những hệ lụy do anh gây ra từ những ngu ngốc muốn xía vào nội bộ miền Nam, muốn "run the war" – theo cách của các anh – từ 1963 vẫn còn mãi. Nhìn anh tôi không nghĩ anh là những người đã bày ra thế cờ bí để rồi chính anh không giải nổi phải tháo chạy mười năm sau đó.

Tôi thật không công bằng với anh. Thực ra anh cũng có cuộc sống thanh bình êm ả ở đất nước anh. Anh chỉ không may rơi vào số phần trăm bị gọi quân dịch và anh phải lên đường, qua một đất nước xa lạ và sẽ phải ở đó một năm hoặc 18 tháng theo luật định. Anh có lẽ đã phải bỏ lại sau lưng một gia đình, một ý trung nhân và một Love Story của riêng anh. Những độc giả tinh tế sẽ nhận ra một điều là phim Love Story được công chiếu trên khắp nước Mỹ vào dịp Giáng Sinh 1970, anh có lẽ đã xem phim ấy với người yêu của anh rồi, trước khi lên đường sang Việt Nam để rồi có mặt trong tấm hình này. Và ở đây, cách quê anh nửa vòng trái đất, nhìn lại cái affiche, cái poster Love Story trước Rex ấy, anh nghĩ gì?

Nhưng thôi, tôi lại lẩn thẩn lạc đề nữa rồi. Tôi vẫn chưa nói ra điều tôi muốn nói!

Điều tôi muốn nói ở đây là, thực ra, cái không khí chiến tranh chỉ rất mờ nhạt đối với cặp mắt bàng quan của người ngoại quốc, nhưng với người Saigon, nó được khắc đậm bởi bức chân dung phía trái tấm hình: bức chân dung của Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, người nhận lệnh đến trấn giữ đồi Charlie trong mùa hè 72 và vĩnh viễn nằm lại trên ngọn đồi với bí số 1020 trong bản đồ quân sự đó với hơn 400 đồng đội.

Đối với Depardon, một người ngoại quốc và một người ngoại cuộc, có lẽ ông không biết người trong bức hình trước tòa đô sảnh là trung tá Nguyễn Đình Bảo, tôi nghĩ thế bởi bức chân dung bị cắt mất một phần phía trái khi ông lia máy bấm cặp nam nữ nắm tay nhau ở trung tâm tấm hình. Một photopgrapher chuyên nghiệp sẽ không phạm cái lỗi ấu trĩ là để cho các đối tượng, các “objects” mình muốn bắt bị cắt như thế. Có lẽ Depardon không biết Nguyễn Đình Bảo. Và bức chân dung không nằm trong tầm nhắm của ông. Từ Pháp, ông ta đến Saigon, làm công việc nhiếp ảnh của ông, bắt được phần nào cái thần, cái không khí chiến tranh nằm khuất sau những sinh hoạt thanh bình của Saigon, rồi tiếp tục đến Biafra và Chad ở châu Phi xa xôi làm tiếp công việc nhiếp ảnh của ông, ông không biết là đã “bắt” được –suýt hụt- một nét chấm phá trong bức hình trên tạo thành cái mạch ngầm của một sinh hoạt xem chừng thanh bình ở bề mặt, nhưng lại giấu sau nó biết bao là điêu linh tang tóc. Tôi cho đây là một bức hình “ăn may” của ông!

Tôi nhìn bức hình. Và nghĩ đến một người lính khác đang ở rất xa con đường Nguyễn Huệ tại Saigon này. Người lính ấy ở tận miền Trung, ở phá Tam Giang. Và tuy xa, anh cũng đang thả hồn về Saigon, về thương xá Tax nằm ở trước mặt cặp tình nhân trong bức ảnh này. Anh nhớ Saigon vì người yêu của anh đang ở đó. Anh băn khoăn không biết giờ này người yêu anh đang ở đâu? Đang ở thư viện hay đang lang thang trên những con đường Saigon dưới những hàng cây “viền ngọc thạch len trôi”. Hay bận rộn với nhưng cuốn sách chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Anh nghĩ tới người yêu với những quyển sách mở thâu đêm trên căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn để học thi. Nghĩ tới giờ thương xá Tax sắp đóng cửa và Saigon bùng lên sống nốt những phút cuối trong ngày trước khi giới nghiêm phủ xuống trên những con đường Saigon …

Một người lính khác –tôi không biết anh đang ở đâu vào thời điểm của bức hình của Depardon trên- người đã đặt tên cho mùa hè ấy –hè 72- là Mùa Hè Đỏ Lửa. L’Été 72 hay là L’Été Embrasé? Và bây giờ người ta vẫn gọi mùa hè 72 theo cái tên anh đã khai sinh năm đó.

Tôi nhớ Phan Nhật Nam vì anh đã viết trong cuốn sách trên: anh lớn lên và chơi đùa ở Truồi, ở phá Tam Giang. Anh thuộc lòng địa hình phá Tam Giang đến độ có thể dẫn lính đi qua phá mà không cần đến bản đồ.

Cả hai người lính ấy sau 75 đều bị đày ải ở chốn rừng thiêng nước độc với hơn “mười năm mặt sạm soi khe nước, hóa thân thành vượn cổ sơ” bởi phía thắng cuộc.

Tôi còn xem được một đoạn video ngắn về vợ và con của một người lính khác ở đồi 31 Hạ Lào. Trong đó người vợ năm xưa được nhắc tới trong một bài hát về cái chết của chồng với những “giọt nước mắt ướt khung trời đại học” bây giờ là một bà lão lam lũ. Và đứa con trai trong bụng mẹ lúc cha tử trận ở đồi 31 bây giờ là một trung niên gầy gò đen đủi.

Quả là rất bất công khi tôi nhìn chiến tranh và hòa bình qua lăng kính của một người –dù là một đứa trẻ- từ phía thua cuộc khi lên án phía thắng cuộc về những đối xử bất công theo cái kiểu “tru di tam tộc” thời phong kiến đối với những con em họ hàng thân thích của những người lính VNCH.

Như tôi đã nói ở trên, hư cấu thường không bắt kịp hiện thực trong những thảm cảnh của một cuộc chiến. Thế nhưng ở đây, những thảm cảnh sau cuộc chiến mới thực sự vượt quá những gì mà người ta có thể tưởng tượng, có thể hư cấu thành những pho trường thiên tiểu thuyết vì những đối xử phân biệt bất cận nhân tình theo lý lịch của nhà cầm quyền bên thắng cuộc.

Ở đây, phía thua cuộc -một lần nữa trong chính nỗi bất hạnh của mình- góp phần làm thức tỉnh lương tri của cả thế giới. Có biết bao nhà văn, triết gia, chính trị gia trên thế giới giật mình phản tỉnh vì thấy ra một chủ thuyết cộng sản thiếu nhân tính, bất cận nhân tình…

Jean Paul Sartre, một triết gia hiện sinh, một trí thức thiên tả, một cảm tình viên của chủ nghĩa cộng sản, người vốn là bạn của những người cộng sản miền Bắc- đã lên tiếng phản đối về những đối xử phân biệt của nhà cầm quyền cộng sản và ủng hộ những thuyền nhân Việt Nam. [3]

Jean Lacouture, nhà báo và sử gia, người viết cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh, người ủng hộ niền Bắc trong cuộc chiến và rất thân thiết gọi những người trong lực lượng "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam" là "Mon Vietcong", ông ta đã chua chát và phản tỉnh khi "mặt trận" này, những "việt cộng của ông" hoàn toàn biến mất vào năm 1976.

Oliver Todd, người tự thú nhận ông từng là nạn nhân của một chủ nghĩa vô sản trong thời chiến tranh giữa hai miền Bắc Nam – (I) may have fallen victim to ‘the totalitarian temptation’ during the (VN) war-, đã viết cuốn Cruel April: The Fall Of Saigon, kể lại những gì đã xảy ra cho miền Nam trong 4 tháng cuối dẫn đến biến cố 30 Tháng Tư. Ông là người "có thẩm quyền" và tận mắt chứng kiến những gì thực sự xảy ra trong chiến tranh và hòa bình ở Hà Nội và Saigon. Với một lá thư viết tay của Jean Paul Sartre gửi cho thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông đã cầm lá thư viết tay ấy đến Hà Nội rồi vào Saigon từ mùa xuân năm 1975. Ông hoàn toàn phản tỉnh khi nhìn thấy thực sự những gì nhà cầm quyền Cộng Sản đối xử với toàn bộ dân chúng miền Nam, coi toàn bộ dân chúng miền Nam như kẻ thù. Ông thất vọng khi chứng kiến những đợt "đánh tư sản" của tổng bí thư Đỗ Mười nhắm vào dân chúng miền Nam, nhìn ra thực chất những chiến dịch "đánh tư sản" và "kinh tế mới" này chỉ đơn thuần là chiếm đoạt tài sản và kéo toàn bộ nền kinh tế cũng như đời sống trù phú của dân chúng miền Nam xuống cho bằng với đời sống nghèo khó của dân chúng miền Bắc. Ông cho là việc cưỡng chiếm miền Nam cũng giống như những gì mà Stalin đã làm để đối phó với Nam Tư, Hung Gia Lợi trong những lần dân chúng nổi dậy chống lại chế độ độc tài cộng sản ở Prague và Budapest.

Thực ra lại có rất nhiều nguyên nhân sâu xa bên trong những biểu hiện và đối xử "thiếu nhân tính" hoặc "bất cận nhân tình" tôi nêu trên mà cội rễ là cả một hệ thống trong guồng máy Cộng Sản. Hệ thống này bên ngoài có thể khác nhau đôi chút nhưng cốt lõi tuyệt đối giống nhau từ Liên Bang Xô Viết đến Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, cho đến các nước Cộng Sản nhỏ khác như Bắc Triều Tiên và Việt Nam.

* * *
Trong thời điểm của tấm hình trên, nếu ai đó đi ngang tổng y viện Cộng Hòa hẳn sẽ nhận ra một điều. Những thương binh của phe thua cuộc được trực thăng vận về nằm la liệt trên giường, trên hành lang của một bệnh viện tối tân, phần lớn được cứu sống.Trong khi ấy, sau mỗi trận đánh, thương binh phía thắng cuộc chỉ được đồng đội mang đi vào tận rừng thẳm, với các “bệnh viện dã chiến” hết sức thô sơ. Rất nhiều thương binh đã chết vì những vết thương rất nhẹ không đáng chết. Phía thắng cuộc đã trả một giá rất đắt cho chiến thắng của họ, vậy những biện pháp lý lịch, đốt sách áp dụng cho tới bây giờ chỉ là tất yếu biện chứng pháp duy vật nằm trong hệ tư tưởng của họ để đảm bảo chiến thắng ấy không bao giờ bị đảo ngược hay bị cướp mất mà thôi. Cho đến bây giờ, 44 năm, đã suýt xoát nửa thế kỷ sau cuộc chiến, con số thương vong của phía thắng cuộc vẫn là một bí mật. Con số ấy hẳn là một con số khủng khiếp cho cái giá phải trả để chiếm được miền nam.

Lịch sử đã từng phê phán Gia Long quá hẹp hòi khi trả thù Tây Sơn trong việc quật mồ Nguyễn Huệ Nguyễn Nhạc xích hài cốt vào trong ngục thất, việc trả thù này khiến Gia Long mất đi cái khí độ của một bậc quân vương. Tuy vậy, Gia Long không hề trả thù bằng “lý lịch” những con em thân bằng quyến thuộc của những người lính trong đạo quân Tây Sơn hoặc trong đạo quân của vua Lê chúa Trịnh.

Chính Nguyễn Nghiễm -và Hoàng Ngũ Phúc- là người tán thành việc Trịnh Sâm khởi binh nam tiến xóa sổ triều đại Nguyên Phúc Thuần trong chiến dịch nam tiến 1774-1775. Lúc ấy Nguyễn Ánh 13 tuổi. Các triều chúa Nguyễn đàng trong thực sự kết thúc khi Tây Sơn giết Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương năm 1777 ở Gia Định.

Kể từ lúc này Nguyễn Ánh 15 tuổi, bắt đầu một cuộc chiến đấu vô vọng, trường kỳ và gian nan, bị Nguyễn Huệ nhiều lần đánh bại không còn manh giáp, quân sĩ thất tán, rất nhiều lần suýt bị quân của Nguyễn Huệ bắt hoặc giết. Cuộc chiến vô vọng ấy chỉ bắt đầu xoay chiều sau khi Nguyễn Huệ băng hà. Nguyễn Ánh hẳn là vừa ghét vừa sợ Quang Trung Nguyễn Huệ, kẻ thù bất cộng đái thiên đã từng đập tan mọi nỗ lực của Nguyễn Ánh trong việc khôi phục lại giang sơn xứ Đàng Trong của tổ tiên Nguyễn Hoàng. Nguyễn Ánh hẳn là tuyệt vọng tột cùng lúc chứng kiến đạo thủy quân Thái Lan do Chiêu Tăng Chiêu Sương thống lãnh bị đánh tan ở Rạch Gầm, quân Thái thất tán bỏ thuyền lẩn trốn qua Cam Bốt chạy về Thái trong lúc chính Nguyễn Ánh suýt bị bắt nếu như toán quân đón lỏng của Tây Sơn đến bờ biển Hà Tiên đúng lúc.

Thù- và nhục- ấy đối với Tây Sơn Nguyễn Huệ biết lấy gì mà đong đếm?

Thế nhưng, chỉ đơn cử một thí dụ, Nguyễn Du có cha và các anh là Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản Nguyễn Điều làm quan đầu triều của vua Lê chúa Trịnh, lại có anh là Nguyễn Đề là Hiệp tán nhung vụ của Tây Sơn, từng được Quang Trung –kẻ thù bất cộng đái thiên với Gia Long– cử đi sứ sang Trung Hoa thời Càn Long. Vậy mà Nguyễn Du vẫn được Gia Long trọng dụng làm đến Tham tri bộ Lễ, nhiều lần được cử làm chánh sứ đại diện cho Gia Long sang Trung Quốc. Nên nhớ Nguyễn Du thi Hương bị trượt chỉ đỗ Tam Trường, nghĩa là còn thua Tú Xương sau này. Trần Tế Xương thi Hội trượt lên trượt xuống nhiều lần cho đến khi bỏ cuộc nhưng vẫn đỗ kỳ thi Hương, được gọi là ông Tú. Nguyễn Du chỉ được gọi là Sinh đồ. Xét về “bằng cấp” Nguyễn Du chẳng có gì cả. Xét về lý lịch Nguyễn Du rất xứng đáng được xếp vào hàng ngũ ngụy quân ngụy quyền hoặc “cực kỳ phản động”, bởi chính Nguyễn Nghiễm là người tán thành và vấn kế cho Trịnh Sâm khởi binh nam tiến xóa sổ cả vùng lãnh thổ Đàng trong của chúa Nguyễn, tổ tiên của Gia Long Nguyễn Ánh.

Xa hơn một chút trong lịch sử, Trịnh Nguyễn phân tranh suốt gần 200 năm ở hai bên bờ con sông Gianh, khi chiến tranh kết thúc tôi không hề thấy chuyện đối xử phân biệt có hệ thống qua lý lịch như đã từng xảy ra trong lịch sử cận đại năm 1975.

* * *
Có người nhạc sĩ đã làm theo lời mách bảo của con tim –tôi tin như thế– và quyết định chọn cho mình một quê hương. Ông đứng lại ở một lằn ranh lịch sử tiến thoái lưỡng nan, để rồi chịu lời ong tiếng ve của cả hai phía. Không may, đến phút nhắm mắt lìa đời, phía ông “chọn” cũng không thừa nhận tập Ca Khúc Da Vàng của ông.

Lửa phần thư ngùn ngụt cháy từ tháng Tư 1975 – đến nay là 44 năm, gần nửa thế kỷ. Lửa ấy vẫn âm ỉ cháy. Và cháy đến tận bây giờ.

Mai Xuân Vỹ

4/2019

[1] Điều này không đúng mà cũng không sai. Segal viết kịch bản cho Love Story trước. Và khi phim đang được quay, Paramount đề nghị Segal chuyển kịch bản thành truyện và họ sẽ lo việc xuất bản để quảng cáo trước cho phim. Đã sẵn cốt truyện và các tình tiết ở dạng kịch bản, Segal viết rất nhanh. Cuốn sách Love Story được xuất bản vào tháng Hai 1970 và trở thành best seller trước khi phim được trình chiếu vào tháng 12 dịp Giáng Sinh năm ấy.

[2] Một thành viên của Magnum Photo, Depardon không may mắn như đồng nghiệp Eddie Adams, người chụp được bức hình tướng Nguyễn Ngọc Loan hành quyết Đại Uý Nguyễn Văn Lém trên đường Minh Mạng góc Sư Vạn Hạnh ở Saigon Tết Mậu Thân 1968. Bức hình đưa Adams lên đài danh vọng với giải Pulitzer và dìm tướng Loan xuống tận bùn đen. Adams rất hối hận và xin lỗi tướng Loan nhiều lần vì theo ông tấm ảnh chỉ chuyên chở được một nửa sự thật. Năm 1998, đó là thời điểm cả thế giới biết rõ bộ mặt của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, Eddie viết trên báo Time về nửa sự thật không được nhìn thấy. Nếu cả thế giới biết rõ những gì mà viên Đại Úy cộng sản này đã làm -giết cả một gia đình sĩ quan VNCH gồm 6 người, kể cả trẻ con- chỉ mấy ngày trước chắc cũng sẽ suy nghĩ lại.

Riêng tôi, công bằng mà nói, còn khá nhiều "nửa sự thật" khác nữa về bức ảnh được cả thế giới biết đến dưới cái tên "Hành Quyết Ở Saigon" hay “Saigon Execution” này. Tướng Loan chưa tra hỏi những người lính cảnh sát dã chiến và chính đương sự khi bị giải tới giao cho ông, làm sao ông biết đó là thủ phạm đã giết cả gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn, mà ông là cha đỡ đầu của một trong 4 đứa con nhỏ bị giết ấy.

Cũng có nguồn tin cho là người bị tướng Loan hành quyết trong bức hình là Lê Công Nà, chính trị viên quận đội kiêm phó chỉ huy quận 5, không phải Đại Úy Nguyễn Văn Lém. Và dù họ là cộng sản, là việt cộng, về phương diện con người họ vẫn có một gia đình. Rồi vợ con, gia đình của người lính bị bắn này ra sao? Gia đình họ có xác nhận ai trong hai người trên là thân nhân?

Có quá nhiều thảm cảnh chiến tranh mà hư cấu tiểu thuyết vĩnh viễn chẳng bao giờ bắt kịp. Biết bao là oan khiên đổ xuống trên đầu những người dân và những người lính ở hai bên chiến tuyến…

Tướng Loan đã không cho người lính kia có quyền được xét xử. Dĩ nhiên ông đã làm sai, ít nhất là theo luật hoặc Công Ước tù binh Genève. Thế nhưng, sau những năm sống với người cộng sản và chứng kiến những gì họ đã làm cho dân miền Nam, tôi cũng buộc lòng phải suy nghĩ lại cho tướng Loan. Tướng Loan lúc ấy là Tổng giám đốc Tổng Nha Cảnh Sát VNCH, là người chịu trách nhiệm an ninh của toàn dân chúng miền Nam, dĩ nhiên là cả Saigon. Với chức vụ đó nếu Đại Úy Nguyễn Văn Lém bị đưa ra tòa án Quân Sự Saigon, ông sẽ là nhân chứng –đồng thời là Công Tố Viên, dựa trên chức vụ lúc ấy của ông để- buộc tội, và cơ may thoát khỏi tử hình của tội nhân rất hiếm hoi. Ông đã không “khôn ngoan” một cách chính trị như thế theo nhận xét của tướng Westmoreland –tổng tư lệnh liên quân Hoa Kỳ tại VN- Ông làm theo cảm tính hay lương tâm? Chỉ có ông mới trả lời được câu hỏi này. Nhưng tôi nghĩ, ông là người dám làm dám chịu. Dù cả sự nghiệp bị tiêu tán vì bức hình của Adams, lúc Adams xin lỗi ông vì đã chụp bức hình ấy, ông chỉ cười nửa miệng: "bạn không chụp thì cũng có người khác chụp". Đó là tác phong của kẻ sĩ. Ông có thể sai. Tuy nhiên, ông chịu trách nhiệm về những chuyện mình làm.

Đây có lẽ là bệnh “tiểu tư sản” khi cố gắng công bằng, trong lúc đối phương thì chỉ xem “công bằng” như là một thứ sản phẩm tiểu tư sản trong chiến tranh. Cùng thời điểm với bức ảnh Saigon Execution kia, những đồng đội của Đại Uý Nguyễn Văn Lém đã giết bao nhiêu thường dân vô tội ở Huế? Thật lạ là Tây Phương không phản ứng gì khi báo Life cho đăng hình các hố chôn tập thể ở Huế sau trận chiến Mậu Thân 1968 mà họ gọi là Tet Offensive đó. Tây phương đã không đặt dấu hỏi với quân đội miền Bắc về những điều mà chính họ đã lên án tướng Loan: attrocity! Tướng Loan chỉ hành quyết một sĩ quan Bắc Việt, trong khi bộ đội Bắc Việt giết hàng ngàn. Và số ngàn đó là những thường dân không có phương tiện tự vệ.

Qua chiến tranh, và rồi sống những năm "hòa bình" với nhà cầm quyền cộng sản tôi phải suy nghĩ lại về lòng yêu nước hoàn toàn lạm phát với những “đuốc sống Lê Văn Tám” hay là “anh hùng” Tô Vĩnh Diện “lấy thân chèn pháo”, những người yêu nước của miền Bắc được khai sinh ra từ “chủ nghĩa hư vô”, ở đây tôi muốn nói “hư vô” theo nghĩa …rất đen, như người Saigon dùng chữ Xạo Hết Chỗ Nói vậy, chứ không phải là Nihilism đâu. Tôi nhớ đến ông tướng thiết giáp “ba gai” Patton của Mỹ: "The object of war is not to die for your country. But to make the bastard on the other side die for his". Tiếc là những người lính phía Nam đã không làm được điều đó. Mục đích của chiến tranh chẳng phải là chết cho quê hương. Mà là khiến cho những thằng khốn ở phía bên kia chiến tuyến chết cho quê hương của nó.

[3] Có lẽ phải thêm ít giòng về JP Sartre, bởi những ai từng lớn lên ở Saigon đều, hoặc phải nghiêng mình kính nể, hay là –ít nhất- biết đến tên ông: Jean Paul Sartre –gần như đồng nghĩa với- L’Être et le Néant.

Những năm 60s và 70s ở Saigon, nếu có ai hỏi một sinh viên hay một người bình thường là nêu cho họ tên của một triết gia, tôi đồ rằng người Saigon sẽ lập tức trả lời: JP Sartre. Hoặc Aristotle. Hay Plato.

Đó là những năm chiến tranh, ông ủng hộ miền Bắc. Và dù có như thế, Saigon vẫn không hề cấm –hay đốt- sách của ông.

Sau thế chiến, toàn bộ Tây Âu, và nước Pháp nói riêng, trí thức chia thành hai cánh đối lập nhau: phe Tả phe Hữu hay là Tự Do và Cộng Sản. Và Sartre được xem như là lãnh tụ của phe Tả, nhóm trí thức Marxism. Và nhóm trí thức thiên tả này là nhóm thắng thế, hoặc thời thượng. Cũng như mode mini được nhắc ở trên, Marxism lúc ấy là “mode” thời thượng của trí thức –không riêng gì Pháp.

Nhánh kia,”phe hữu”, là những kẻ Tự Do được coi như lỗi thời. Mà lãnh tụ tinh thần của cánh Tự Do này không ai khác hơn là một người bạn cùng lớp với Sartre ở trường École Normale Supérieures, đó là Raymond Aron.

Trong hai người, Aron là người luôn có điểm cao hơn Sartre trong các kỳ thi và cũng là người đoạt giải của trường École Normale Supérieures trong một luận đề của ông về Max Weber. (Dĩ nhiên, ta chẳng nên vì điều này mà vội kết luận Aron là người giỏi hơn hay trội hơn. Bởi Sartre là một sinh viên “cá biệt” luôn tìm mọi cơ hội để nhạo báng những định chế của trường. Một trò đùa nghịch của Sartre đã khiến giám đốc khoa trưởng Gustave Lanson phải từ chức!)

Đôi bạn này có lối đi và chí hướng khác nhau. Lúc Paris bị chiếm đóng, Sartre vẫn loanh quanh ở Paris, miệt mài với những khái niệm triết học như L’Être hoặc Le Néant. Hoặc L’Existentialism vân vân. Những triết thuyết này quá trừu tượng và vô hại với các mật vụ Gestapo của Hitler, họ để yên cho Sartre suy nghĩ “vớ vẩn” và để mặc Sartre tiêu hoang thời gian của ông với Simonne de Beauvoir –hay với bất kỳ phụ nữ nào ở Paris!- miễn là ông không có hành động nào chống lại Hitler. Và Gestapo chỉ sẵn sàng tóm ông nếu như ông có đi lại với các kháng chiến quân trong đạo quân Pháp Tự Do của De Gaulle. Tôi phải xin lỗi vong linh ông khi viết về ông với giọng đùa cợt- và có chút khiếm nhã- như thế. Bởi thật lòng tôi đồng ý khi thấy nhiều người– kể cả người con nổi loạn “Le Fils Rébelle” của ông là Oliver Todd cũng- gọi ông là womanizer. André Malraux, nhà văn và cũng là Bộ trưởng Văn Hóa Pháp- chẳng đã từng chua chát: “Sartre chẳng làm gì cho kháng chiến cả.Tôi thì bị Gestapo gọi lên gọi xuống, trong khi những vở kịch của Sartre được dàn dựng với giấy phép của bọn Đức”.

Đáp lại cáo buộc ấy, để bào chữa cho mình, Sartre chơi chữ: “Pendant l’Occupation, j’étais un écrivain qui résistait, et non un résistant qui écrivait”.

Câu ấy, tôi cho là Sartre chỉ đúng nửa sau: “non un résistant qui écrivait”. Điều này chính xác, Sartre không hề tham gia kháng chiến, chẳng phải là một “kháng chiến quân”. Tuy nhiên, nửa đầu: “j’étais un écrivain qui résistait”, Sartre lại cũng chỉ đúng một nửa: ông là nhà văn (écrivain), điều này đúng, nhưng ông đã chống (résistait) cái gì thì việc làm của ông không chứng minh được.

Cũng như bức ảnh mà Adams đã thú nhận là ông chỉ chụp được một nửa sự thật nói trên, ở đây Sartre có đến ba phần tư sự thực, nhưng nó vẫn không là sự thực. Ai cũng biết là ông sống ở Paris với chính phủ bù nhìn Vichi, người mà dân Pháp xem như là một kẻ phản quốc, và đã chẳng làm gì cho kháng chiến cả. Như lời buộc tội của Malreaux.

Aron thì ngược lại, ông trốn qua Luân Đôn theo De Gaulle và trở thành cây bút biên tập trong tờ báo Francaises Libres của lực lượng kháng chiến Pháp Tự Do cho đến khi thế chiến kết thúc.

Kể từ lúc này Sartre là một khuôn mặt, một tiếng nói. Trong lúc Aron –cũng như các nhà văn chống cộng khác trên thế giới như George Orwell, Arthur Koestler- là lỗi thời. Có thể nói “trí thức” vào lúc ấy đồng nghĩa với “thiên tả”.

“Tort avec Sartre ou raison avec Aron” là một chủ đề, một băn khoăn của trí thức Pháp vào thời điểm đó. Và xu hướng nổi trội lúc ấy là nghiêng về Sartre: “Il vaut mieux avoir tort avec Sartre que raison avec Aron”. Thà lầm lẫn với Sartre còn hơn có lý với Aron.

Sartre nhạo báng Aron trong cuốn sách nổi tiếng La Nausée của ông về một anh Roquentin không biết làm thế nào để sống với tự do của anh ta. Roquentin đánh vật khổ sở với tự do của chính mình như một người bệnh.

Và những chà đạp nhân quyền của Statin ở Liên Bang Xô Viết, đặc biệt là sự nổi dậy và đàn áp của Hồng Quân Liên Xô ở Prague và Budapest đều được Sartre bào chữa.

Trong khi ấy, Aron viết cuốn sách L’Opium dés Intellectuels chỉ trích thẳng những người Marxistes –mà đại diện là Sartre- Tựa của cuốn sách cũng bắt nguồn từ một câu của Marx “religion is the opium of the people”. Trong cuốn sách, Aron chỉ trích những trí thức thiên tả là những nhà cách mạng phòng khách, vô ơn với một xã hội đã cho họ đủ mọi quyền tự do, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Những trí thức thiên tả này sẽ “trắng tay” dưới thiên đường XHCN khi quyền tự do cốt lõi này bị tước mất. Ông còn tố cáo các trí thức thiên tả này là những kẻ đã chọn sự dối trá và tội ác bởi họ đã chọn ý thức hệ, thay vì chọn sự thực và công lý. Theo ông, trí thức phải là kẻ biết sử dụng lý lẽ và sự sáng suốt.

Và Aron cũng nêu rõ một trong những lý do khiến phong trào Marxism trở nên nổi trội ở Pháp đó là tư tưởng bài Mỹ do tinh thần “Quốc Gia” – nationalism do De Gaulle chủ xướng. Ông cho là tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan Gaullism này cũng nguy hiểm không kém chủ nghĩa cộng sản.

Cứ như thế, đôi bạn ở hai chiến tuyến. Và Aron đã công khai trên báo chí là ông “ân đoạn nghĩa tuyệt” –nói theo cách của Kim Dung- với Sartre.

Cho đến khi người cộng sản chiếm được miền Nam. Và những ngày sau đó người miền Nam thà chọn cái chết trên biển Đông hơn là sống với những người Marxistes. Sartre tỉnh ngộ.

Ông bắt tay làm hòa với người bạn Aron của mình, cùng hoạt động cho dự án L’ Île de Lumière (con tàu Đảo Ánh Sáng cứu người vượt biển). Đôi bạn cùng nhau gõ cửa điện Elysée, yêu cầu tổng thống Giscard d’Estaing đón nhận những thuyền nhân trên lãnh thổ Pháp. Đó là ngày 21 tháng 6 năm 1979. Lúc ấy kinh tế Pháp đang kiệt quệ. Chính phủ Pháp đã quyết định ngưng nhận di dân. Hành động trên của Sartre và Aron đã đảo ngược tình hình. Tổng thống Giscard d’Estaing chấp thuận. Những gì xảy ra sau đó là lịch sử. Dân Pháp –như một ăn năn vì những thiên kiến –và thiên tả- trong thập niên 60s và 70s, đã mở rộng vòng tay đón các thuyền nhân liều mạng đổ ra biển Đông bỏ trốn khỏi thiên đường XHCN. Theo báo Le Monde, một tờ báo thiên tả: “C’est la première grande vague d’immigration en France d’origine asiatique. Đó là làn sóng di dân đầu tiên của những người gốc Á ở Pháp.”

Xin nói thêm một chút về Sartre:

Sartre là người nổi tiếng. Một câu nói của Sartre có thể có ảnh hưởng đến một quốc gia! Chuyện của Sartre, tưởng đơn giản lại không phải vậy.

Thực ra cảm tình với cộng sản hay chủ nghĩa xã hội, hoặc nói chung là Marxism của Sartre khá phức tạp, và qua thời gian, thái độ và những phát biểu của ông được phản ảnh dưới nhiều góc nhìn khác nhau, nếu không phải là sử gia hay thuộc giới chuyên môn, khó có thể kiểm chứng và hiểu hết những nguyên ủy sâu xa, và càng không dễ gì tóm gọn trong vài câu.

Chỉ đơn cử một thí dụ nhỏ. Có một câu nói nổi tiếng của Sartre vào năm 1968, khi bào chữa cho sự im lặng của ông trước những chà đạp nhân quyền ở Nga Xô Viết, có thể là chuyên Gulag: “Il ne faut pas désespérer Billancourt.” Sartre đã nói như thế. Đừng làm Billancourt tuyệt vọng.

Nhiều nguồn dẫn câu nói này. Cho đó là câu phát biểu của Sartre.Thế nhưng không phải.

Ngày 4 tháng 11 năm 1956, lúc 2,500 xe tăng của hồng quân Xô Viết tràn vào thủ đô Budapest để trấn áp sự nổi dậy đòi tự do của Hung Gia Lợi, mấy ngày sau, ngày 9 tháng 11, Sartre tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên báo Express: “La faillite complète du socialisme en tant que marchandise importée d’URSS” – Sartre cho rằng XHCN du nhập từ Xô Viết đã phá sản. Và Sarte cho rằng từ lúc ấy phải tìm cái XHCN đích thực ở một nơi khác ngoài Liên Xô.

Và từ bài phỏng vấn này người ta đã diễn dịch ý của Sartre là “cái XHCN đích thực ấy” phải là chính Pháp Quốc, và do đó người ta gán cái câu “Đừng làm Billancourt tuyệt vọng” của ông vào “ngữ cảnh” này. Tức là năm 1956, là 12 năm trước!

Xin mở một ngoặc nhỏ ở đây. Boulogne Billancourt –dân Parisien gọi nó là Boulogne-sur-Seine- là một ngoại ô về phía tây cách Paris hơn 8 cây số. Vào thời điểm của phát biểu trên, thập niên 60s, đây là khu công nghiệp nơi có trụ sở của hãng xe hơi Renault, Sartre dùng chữ Billancourt để chỉ giới thợ thuyền Pháp. Trong hoàn cảnh và ngữ cảnh này, suy diễn trên rất hợp lý.

[Dĩ nhiên, bây giờ Billancourt không còn là khu công nghiệp nữa mà đã trở thành trung tâm dịch vụ và giao dịch công nghệ IT với tổng hành dinh Alcatel-Lucent đặt trụ sở ở đó. Tất cả những ai làm việc trong nghành IT đều biết Alcatel-Lucent. Alcatel còn là công ty mẹ của Bell Laboratories. Bất cứ sinh viên Computer Science nào cũng biết Bell Labs, nơi mà Brian Carnighan đã viết ra hệ thống vận hành Unix (Unix Operating System) trên một cái máy Univac bỏ phế. Cũng là nơi Dennis Ritchie viết ra ngôn ngữ C. Dĩ nhiên Alcatel ở Boulogne bây giờ không còn là sở hữu hoàn toàn của Pháp nữa. Năm 2014 một phần của Alcatel Lucent Enterprise đã bán cho Trung Quốc, và năm 2016 Nokia mua hết phần còn lại. Nhưng Bell Labs vẫn là một nhánh độc lập dưới (subsidiary of) Cty mẹ Nokia.]

Tuy nhiên cũng có nhiều nguồn khác cho rằng Sartre không phát biểu 1 câu như trên mà là 2 câu ở 2 nơi và thời điểm khác nhau. Thứ nhất, Sartre đã phát biểu: “Il ne faut pas désespérer les pauvres”.

Và trong vở kịch Nekrasov, xuất bản năm 1955 của Sartre, nhân vật Valera đã nói “Désespérons Billancourt” (Scene 8, Act 5)

Và rồi qua nhiều “tam sao thất bổn”, người ta gắn 2 câu trên lại với nhau thành ”Il ne faut pas désespérer Billancourt”.

Tôi không có thì giờ kiểm chứng điều trên. Trước hết phải đi tìm cái câu “Il ne faut pas désespérer les pauvre” Sartre viết hay nói ở đâu, rồi sau đó phải đọc cho hết vở kịch 8 màn, mỗi màn gồm nhiều hồi, đoạn. Tôi không có hứng thú và kiên nhẫn. Có lẽ cái Néant hay Nothingness của Sartre không hợp với tạng tôi. Tôi phải xin lỗi ông. Không biết với những Being and Nothingness của ông, cộng với lựa chọn của ông giữa lằn ranh Quốc Gia – Cộng Sản để làm một người Marxiste, như ông đã chọn suốt những thập niên 50s, 60s và 70s, và giả như ông còn sống, biết đâu ông lại đứng về phía Bin Laden, đổ hết mọi trách nhiệm lên đầu những nạn nhân trong vụ khủng bố September 11, và bào chữa cho những kẻ không đáng bào chữa. Một số người -như Paul Johnson chẳng hạn- cho rằng tư tưởng và triết thuyết của Sartre đã là niềm cảm hứng cho nạn diệt chủng ở Cam Bốt thập niên 70s vì những trí thức lãnh đạo Khmer đỏ như Pol Pot, Khieu Samphan và Ieng Sary đều từng là sinh viên tốt nghiệp ở Pháp và cũng là những người ngưỡng mộ Sartre.

Thôi. Tôi lại tự gây khẩu nghiệp mất rồi. Bạn đọc có thể xem ở đây: https://comprenonsnousbien.wordpress...r-billancourt/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét