Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

ĐIỂM TIN 01/09/2023 - Long Đỗ

Covid 19 : Biến thể mới của Omicron BA.2.86 được phát hiện ở Pháp
Hôm qua 31/08/2023, trên AFP, Y tế công của Pháp cho biết, biến thể mới của Covid-19, BA.2.86, đã được phát hiện lần đầu tiên ở Pháp.Ảnh minh họa : Mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một phòng thí nghiệm ở Long Island, New York, Hoa Kỳ, ngày 11/03/2020. AP - John Minchillo  Thanh Hiếu Biến thể Omicron BA.2.86 có tên là “Pirola”, được phát hiện ở vùng phía tây của Pháp và đang được Tổ chức Y tế Thế giới theo dõi sát sao. Bà Brigitte Autran, chủ tịch của Ủy ban Theo dõi và Dự báo Rủi ro Y tế nhấn mạnh, biến thể mới này được đặc biệt xem xét kỹ lưỡng do số lượng đột biến rất lớn (lớn hơn 30) trong gen Spike và nó có khả năng tiến hóa đáng kể và lây lan dễ dàng hơn.
<!>
Mặt khác, ông François Balloux, phụ trách Tin-Sinh học, tại Đại học College của London gần đây cho rằng “ngay cả khi biến thể BA.2.86 làm tăng số ca nhiễm nhưng các trường hợp bệnh nặng và tử vong không thể so sánh với Alpha, Delta hoặc Omicron lây lan trong đợt đại dịch vừa qua”.

Lần đầu tiên Ukraina nhìn nhận đã tấn công bằng drone từ lãnh thổ Nga
Ukraina hôm nay, 01/09/2023, cho biết đã tấn công bằng drone vào một sân bay Nga ngay từ bên trong lãnh thổ Nga. Đây là lần đầu tiên Kiev nhìn nhận đã mở một cuộc tấn công từ lãnh thổ Nga.


Ảnh minh họa : Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) thảo luận với các đại diện của công ty quốc phòng Anh BAE Systems tại Kiev, Ukraina, ngày 30/05/2023. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER
Thanh Phương
Một sân bay của Nga ở vùng Pskov gần biên giới với Estonia, Latvia và Belarus hôm thứ tư 30/08 đã bị tấn công bằng drone suốt 4 tiếng đồng hồ, khiến 4 phi cơ vận tải bị hư hại. Sân bay này nằm cách biên giới Ukraina đến 700 km.

Cho tới nay, Kiev chưa bao giờ chính thức nhận trách nhiệm về các vụ tấn công bằng drone vào lãnh thổ Nga. Nhưng hôm nay, trên mạng Telegram, lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraina Kyrylo Boudanov cho biết cuộc tấn công bằng drone vào sân bay Pskov đã được tiến hành từ lãnh thổ Nga. Đây là lần đầu tiên phía Ukraina thừa nhận đang hoạt động ngay bên trong lãnh thổ Nga. Nhưng ông Boudanov không nói rõ đây là một chiến dịch do quân Ukraina hay do những người Nga hoạt động cho Kiev thực hiện.

Hôm qua, chính quyền Kiev cũng thông báo đã phát triển một tên lửa có tầm bắn đến 700 km, tức là có thể bắn sâu vào trong lãnh thổ Nga. Trong thông báo trên mạng Telegram, tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết tên lửa này do bộ Công Nghiệp Chiến Lược Ukraina sản xuất, nhưng không đưa ra chi tiết.

Matxcơva lại đẩy lùi một cuộc tấn công bằng drone
Theo thông báo của thị trưởng Matxcơva, được hãng tin AFP trích dẫn, hôm nay, 01/09, lực lượng phòng không của Nga đã ngăn chận một cuộc tấn công mới bằng drone vào thủ đô.

Trên mạng Telegram, thị trưởng Sergeï Sobyanin khẳng định không có ai bị thương cũng như không có gì bị hư hại trong cuộc tấn công mới này.

Trong những tuần qua, các cuộc tấn công bằng drone vào lãnh thổ Nga và vào vùng Crimée bị sáp nhập năm 2014 đã gia tăng, đặc biệt là nhắm vào thủ đô Matxcơva, trong bối cảnh quân đội Ukraina đang tiếp tục phản công.

Tại vùng Koursk, sát biên giới Ukraina, theo thống đốc vùng này, hai drone của Ukraina hôm nay đã tấn công vào thành phố Kurchatov, gây hư hại một công sở và một chung cư. Thành phố này nằm gần một trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Nga.

Tối qua, thống đốc vùng Briansk, cũng nằm sát biên giới Ukraina, thông báo một drone đã bị bắn rơi tại đây.

Nga tổ chức bầu cử ở các vùng chiếm đóng, Ukraina kêu gọi người dân tẩy chay
Ngày 31/08/2023, chính quyền tại bốn vùng Ukraina bị Matxcơva sáp nhập năm 2022 đã tổ chức bầu cử địa phương nhằm tăng cường quyền hạn của Nga ở những « vùng lãnh thổ mới ». Cuộc bầu cử kéo dài nhiều ngày nhằm giảm thiểu rủi ro chiến sự cho cử tri. Chính quyền Kiev lên án cuộc bầu cử « bất hợp pháp », đồng thời kêu gọi người dân tẩy chay.


Các áp phích tranh cử trên đường phố Donetsk, Ukraina, ngày 13/08/2023. REUTERS - ALEXANDER ERMOCHENKO
Thu Hằng
Theo Reuters, trên thực tế, Nga không kiểm soát hết cả bốn vùng Donetsk, Luhansk, Zaporijjia và Kherson. Hai vùng Donetsk và Zaporijjia tổ chức « bầu cử sớm » từ ngày 31/08, còn hai vùng Kherson và Luhansk từ ngày 02/09 để bầu ra các dân biểu cấp vùng và đại biểu thành phố. Cuộc bầu cử kết thúc vào ngày 10/09 cùng lúc với bầu cử ở nhiều vùng của Nga từ ngày 08 đến 10/09.

Chính quyền Ukraina đã kêu gọi người dân không đi bỏ phiếu và nên « rời khỏi vùng » nếu có thể, không nên mở cửa « cho quân chiếm đóng » trong thời gian gọi là « bầu cử trước kỳ hạn ». Trung tâm Kháng Chiến Ukraina lưu ý : « Người Nga đã bắt đầu tổ chức các « cuộc bầu cử » bầu ra các hội đồng giả cấp địa phương và các « cơ quan lập pháp » ở các vùng tạm chiếm ».

Phía quân đội Ukraina thống kê được « 3.500 nhà tổ chức và tham gia vào các « cuộc bầu cử » giả để đất nước xâm lược hy vọng hợp pháp hóa những người được họ bảo trợ (…) ở các khu vực tạm chiếm trong các vùng Kherson, Zaporijjia, Donetsk và Luhansk ».

Chính quyền Kiev khẳng định cuộc bầu cử bất hợp pháp do Nga tổ chức càng cho thấy không thể đàm phán hòa bình với Matxcơva chừng nào Nga chưa rút hết quân khỏi Ukraina.

Liên Âu đình chỉ các khoản viện trợ cho Niger sau vụ đảo chính

Hôm qua, 31/08/2023, các ngoại trưởng của 27 thành viên Liên Hiệp châu Âu (EU) đã họp tại Toledo, Castile, Tây Ban Nha, nước hiện là chủ tịch luân phiên khối này. Ngoài hồ sơ Ukraina, các ngoại trưởng còn thảo luận về tình hình Niger. Chủ tịch Ủy Ban Cộng Đồng Kinh Tế Tây Phi (Cedeao) Omar Touray, và ngoại trưởng của chính phủ bị lật đổ, Hassoumi Massoudou, đã được mới tới dự cuộc họp.


Lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell cùng 27 ngoại trưởng các nước EU trong cuộc họp các bộ trưởng Ngoại Giao EU ở Toledo, Tây Ban Nha, ngày 31/08/2023. AP - Andrea Comas
Thanh Hiếu
Theo các ngoại trưởng Liên Âu, Cédéaochịu trách nhiệm chính, chủ động đưa ra các giải pháp cho khủng hoảng, còn EU theo dõi sát các sáng kiến đó.

Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :

« Các nước châu Phi tự đề ra giải pháp cho các vấn đề của châu Phi ». Đó là chủ trương của Liên Hiệp châu Âu sau khi các cuộc tham vấn về Niger kết thúc. Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của EU nhấn mạnh, Liên Âu sẵn sàng lắng nghe tất cả các đề xuất mà Cédéao đưa ra. Đối với châu Âu, cần thấy rõ sự khác biệt với tình hình ở Gabon : quá trình bầu cử trước cuộc đảo chính đã làm dấy lên những « quan ngại sâu sắc » từ phía Liên Âu. Ngược lại, đối với Niger, cần phải khai thác tất cả các công cụ chính trị mà Liên Âu có.

Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell nói : « Chúng ta đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với những nỗ lực của Cédéaonhằm gây áp lực tối đa với phe đảo chính ở Niger. Đương nhiên, chúng ta luôn ưu tiên giải pháp ngoại giao. Không ai muốn can thiệp quân sự. Và chắc chắn đảo chính quân sự không phải là một giải pháp. Và tại Niger, tổng thống Bazoum là tổng thống được bầu duy nhất. »

Do đó, Liên Âu đã quyết định đình chỉ mọi viện trợ ngân sách, quân sự hoặc an ninh cho Niger, cũng như những khoản viện trợ mà người dân không được hưởng trực tiếp. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người làm đảo chính cũng đang được chuẩn bị .

Trong quan hệ ngoại giao với Pháp, quân đảo chính tại Niger hôm thứ Ba, 29/08 đã gửi thư tới bộ Ngoại Giao Pháp thông báo lệnh trục xuất đại sứ Pháp tại Niamey. Nhưng Paris đã nhắc lại lập trường không thừa nhận chính phủ do phe làm đảo chính lập ra.

Giáo hoàng Phanxicô mở chuyến tông du đầu tiên tại Mông Cổ

Giáo hoàng Phanxicô hôm nay, 01/09/2023, đã đặt chân đến Mông Cổ, mở chuyến tông du đầu tiên tại quốc gia rộng lớn ở châu Á, và nhân dịp này đã gởi một thông điệp “hòa bình” đến Trung Quốc, quốc gia mà ngài muốn cải thiện quan hệ.


Ngoại trưởng Mông Cổ Batmunkh Battsetseg (P) tiếp đón giáo hoàng Phanxicô tại sân bay quốc tế Thành Cát Tư Hãn (Chinggis Khaan) ở Ulan-Bator, ngày 01/09/2023. AP - Andrew Medichini
Thanh Phương
Chuyến thăm của vị giáo hoàng 86 tuổi, kéo dài đến ngày 04/09, tại quốc gia có đại đa số dân theo Phật Giáo, chính là nhằm yểm trợ cộng đồng Công Giáo nhỏ bé, chỉ có khoảng 1.400 giáo dân trên tổng dân số hơn 3 triệu người.

Ngay sau khi đáp xuống sân bay Ulan-Bator, giáo hoàng Phanxicô đã đến nhà riêng của giám mục Giorgio Marengo, 49 tuổi, hiện là hồng y trẻ nhất của Giáo hội Công Giáo. Ngày mai 02/09, giáo hoàng sẽ hội kiến tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh và thủ tướng Luvsannamsrai Oyun-Erdene, đồng thời sẽ có một bài phát biểu với chính phủ, các nhà ngoại giao và đại diện các tổ chức xã hội dân sự. Cũng trong ngày mai, giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp xúc với cộng đồng Công Giáo Mông Cổ.

Theo Vatican, nhân chuyến tông du của giáo hoàng, khách hành hương từ nhiều nước cũng sẽ đến Mông Cổ, trong đó có những người đến từ Việt Nam.

Ngoài ý nghĩa về tôn giáo, theo các chuyên gia, chuyến tông du này còn mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Trả lời hãng tin AFP, ông Michel Chambon, chuyên gia về các cộng đồng Công Giáo ở châu Á, phân tích : “Đây rõ ràng là một nỗ lực của Tòa Thánh nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á, không để cho Nga hay Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn vùng này.”

Đúng vào lúc phi cơ của ngài bay ngang qua Trung Quốc, giáo hoàng Phanxicô đã gởi một bức điện với “những lời chúc tốt đẹp” đến chủ tịch Tập Cận Bình, kèm theo thông điệp “đoàn kết và hòa bình”. Lãnh đạo Giáo hội Công Giáo thế giới vẫn có truyền thống gởi lời chào đến lãnh đạo các quốc gia mà máy bay của ngài bay ngang qua.

Đáp lại thông điệp của giáo hoàng Phanxicô, Bắc Kinh tuyên bố muốn “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau” với Vatican và “thúc đẩy tiến trình cải thiện quan hệ song phương”.

Cho tới nay, Trung Quốc và Tòa Thánh vẫn chưa thiết lập bang giao, nhưng vào năm ngoái đã đạt được thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục, một vấn đề gai góc, vẫn gây cản trở quan hệ giữa hai bên.

Chuyến tông du thứ 43 của giáo hoàng Phanxicô được đánh giá là rất quan trọng đối với quan hệ giữa Vatican với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia mà ngài vẫn chưa được mời đến thăm.

Với chủ trương giữ thế trung lập, Mông Cổ giữ bang giao tốt với cả hai láng giềng Nga và Trung Quốc, nhưng cũng đang tăng cường quan hệ với các nước khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, Mông Cổ có thể đóng vai trò hữu ích cho Vatican trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc cũng như với Nga, vào lúc mà giáo hoàng đang cố thương lượng về một giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh Ukraina.

Nhân quyền tại Tân Cương : LHQ bác bỏ chỉ trích « thiếu hành động »

Nhiều tổ chức phi chính phủ đã chỉ trích gay gắt Liên Hiệp Quốc thiếu hành động để bảo vệ cộng đồng thiểu số theo Hồi Giáo ở Tân Cương, Trung Quốc. Ngày 31/08/2023, Liên Hiệp Quốc khẳng định vẫn hoạt động tích cực để các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương phải bị trừng trị.


Ảnh minh họa : Bức tranh phác họa các nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc ở Hòa Điền, Tân Cương, Trung Quốc, ngày 03/11/2017. AP - Ng Han Guan
Thu Hằng
Hai tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Quan sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) lần lượt ra thông cáo chỉ trích Liên Hiệp Quốc thụ động, đồng thời kêu gọi « các nước thành viên Liên Hiệp Quốc không nên im lặng trước các tội ác chống nhân loại » trong khi Bắc Kinh tiếp tục « chà đạp quyền » của người Duy Ngô Nhĩ, cũng như các cộng đồng thiểu số khác theo Hồi Giáo.

Theo AFP, hai tổ chức bảo vệ nhân quyền này luôn đề nghị tiến hành một cuộc điều tra quốc tế và kêu gọi các nước thành viên Hội Đồng Nhân Quyền bàn về tình hình nhân quyền ở Tân Cương trong kỳ họp sắp tới, diễn ra từ ngày 11/09 đến 13/10. Ngoài ra, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền còn đề nghị cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn để thống kê số người vẫn bị giam giữ hoặc mất tích ở Tân Cương. Còn đối với những người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền thì phải có những biện pháp trừng phạt và đưa ra truy tố.

Trong thư điện tử gửi đến AFP, Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền bác bỏ những chỉ trích của hai tổ chức bảo vệ nhân quyền. Người phát ngôn Ravina Shamdasani lưu ý « tình hình ở Tân Cương vẫn rất đáng quan ngại », do đó, Cao Ủy Nhân Quyền « liên tục và chủ động làm việc với chính phủ Trung Quốc », « bao gồm cả việc triển khai các khuyến nghị của báo cáo ».

Báo cáo được nhắc đến do cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet công bố ngay trước khi bà hết nhiệm kỳ cách đây một năm, bất chấp phản đối của Trung Quốc. Báo cáo nêu khả năng xảy ra nhiều tội ác chống nhân loại đối với người Duy Ngô Nhĩ và một số cộng đồng thiểu số khác. Đây là điều được các tổ chức phi chính phủ và chuyên gia phương Tây khẳng định trước đó. Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định ông Volker Türk, người kế nhiệm bà Bachelet, cũng đã « đích thân »làm việc với chính quyền Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét