Nếu có dịp đến Mù Cang Chải vào tháng 5-6, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang nơi đây vào mùa nước đổ.
Không thẳng cánh cò bay như những cánh đồng ở vùng đồng bằng phù sa châu thổ, những thửa ruộng ở vùng cao ở Tây Bắc nói chung và Mù Cang Chải nói riêng cứ chồng lấn lên nhau từ lớp này đến lớp khác như những bậc thang bắc lên trời xanh
.
Để có những thửa ruộng bậc thang, người Mông ở Mù Cang Chải phải chọn những vùng đất trên triền đồi, sườn núi có diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi để đón nước mưa, nước suối.
Mặc dù công việc khai đất và dẫn nước cho ruộng bậc thang nơi đây có khó khăn hơn, nhưng bù lại, ngoài những vụ mùa bội thu, những dân tộc nơi đây còn kiến tạo nên một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Đó là những mảng màu đa sắc của ruộng bậc thang mùa nước đổ, đẹp tựa một bức bích họa giữa đại ngàn Tây Bắc.
Không màu mè, lộng lẫy như mùa thu, khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải được nhuộm bởi màu vàng óng ả của sắc nắng và những bông lúa chín trĩu hạt, ruộng bậc thang vào mùa nước đổ mang một gam màu trầm, một vẻ hoang sơ, đúng chất của núi rừng Tây Bắc
Màu vàng của đất chưa cấy, màu trắng loang loáng của nước đã đổ, màu xanh của nương mạ, màu đỏ của hoa gạo, màu bàng bạc của dòng suối chảy vắt qua giữa thung lũng cùng vô số màu sắc từ những chiếc váy áo, từ cuộc sống lao động hăng say đã làm nên những mùa xuân miền núi.
Cảnh nơi đây kỳ thực là những món quà kỳ vĩ vào mùa hạ dành cho những người yêu thích cảnh vật, thiên nhiên, sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa. Và gương mặt ngây thơ của những đứa trẻ vùng cao cũng là những điểm nhấn thú vị tại nơi này
Vùng rẻo cao của Yên Bái hiện lên với màu của đất nâu hòa quyện cùng trời xanh và mặt nước óng ánh dưới nắng vàng rực rỡ. Vào mùa nước đổ, Mù Cang Chải khoác lên mình chiếc áo mới đầy màu sắc, quyến rũ một cách riêng khác với thời điểm lúa chín tháng mười
Ánh nắng phản chiếu của nước quyện cùng ánh mặt trời, và màu xanh của mạ non tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn trên những thửa ruộng bậc thang với hình ảnh bà con dân tộc Mông đang hăng say cấy hái.
Lũ trẻ con cũng tung tăng theo bố mẹ, đứa ngồi trên bờ trông em, đứa lớn thì vận chuyển mạ, đứa lại đang vắt vẻo trên cây gạo giữa thung lũng hái những bông hoa rực đỏ cuối mùa.
Huyện Mù Cang Chải có khoảng trên 62.000 dân, trong đó 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc cũng tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, là sự giao thoa văn hóagiữa các dân tộc trong toàn huyện
.
Bằng sự sáng tạo thông minh, đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ, cùng sức mạnh tập thể, những người dân vùng cao đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang độc đáo và kỳ vĩ.
Không chỉ giúp nhân dân có cuộc sống ổn định, đẩy lui đói nghèo mà sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang cùng nét văn hóa bản địa độc đáo còn giúp Mù Cang Chải trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha - thiên đường ruộng bậc thang Việt Nam - đã được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia. Không chỉ vậy, Mù Cang Chải còn được bầu chọn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. quảng bá du lịch cũng như vẻ đẹp ruộng bậc thang, hàng năm huyện Mù Cang Chải tổ chức các hoạt động du lịch “mùa nước đổ” thu hút đông đảo du khách đến với vùng cao nơi đây.
Năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên các chương trình hoạt động đều dừng tổ chức. Tuy nhiên, du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng qua ống kính của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Yên Bái ghi nhận tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét