Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

Được _ Mất của Giáo Hội sau 33 năm Việt Nam & Vatican - Lm. Nguyễn Ngọc Nam Phong,


Những ngày qua, thông tin Việt Nam và Vatican, về cơ bản, đã đạt được thỏa thuận theo đó "Hà Nội sẽ cho phép Vatican có một Đại diện Thường trú tại Việt Nam" làm nức lòng nhiều tín hữu Việt Nam. Thỏa thuận này có thể sẽ được chính thức công bố nhân chuyến viếng thăm Vatican của ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào cuối tháng Bảy này, từ ngày 23-28/7/2023.
<!>


Tuy nhiên, cần biết rằng, để đạt được thỏa thuận này, Tòa thánh đã phải kiên trì theo đuổi đường lối "đối thoại" với chính quyền Việt Nam suốt 33 năm qua, chấp nhận chạy theo chính sách ngoại giao "đu dây", "nhỏ giọt" của nhà cầm quyền Việt Nam, vì lợi ích của đảng Cộng sản Việt Nam nhiều hơn là của người dân Việt Nam.

NHỮNG CUỘC GẶP CHÍNH THỨC


Năm 1989, chứng kiến Đông Âu sụp đổ dây chuyền, nhà cầm quyền Hà Nội, sau một số năm mở cửa về Kinh tế và để tránh sụp đổ, đã nghĩ tới việc tranh thủ sự ủng hộ của Vatican nên đã chấp thuận mở cửa tiếp phái đoàn Tòa Thánh do Đức Hồng y Roger Etchegaray – khi đó đang là Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh, đại diện Tòa Thánh thực hiện chuyến thăm mục vụ tại Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 13 tháng Bảy.

Chuyến viếng thăm này được coi là cột mốc đánh dấu, và là khởi đầu cho tiến trình "đối thoại" tiến tới việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đã bị cắt đứt từ năm 1975.


Một năm sau đó, ngày 07 tháng 11 năm 1990, Đức Hồng y Etchegaray dẫn đầu phái đoàn Tòa thánh, gồm Đức ông Claudio Celli, Thứ trưởng Bộ ngoại giao và Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo, đến Việt Nam để "chính thức làm việc với chính phủ Việt Nam". Với chuyến viếng thăm chính thức này, hai bên bắt đầu nối lại các tiếp xúc nhằm tiến tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao. Tại cuộc gặp, hai bên đã cùng ký văn kiện thỏa thuận:

"Mọi vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam, Tòa thánh sẽ thông báo cho chính phủ và sau khi có sự thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam, thì Tòa thánh mới ra quyết định. Việc này bao gồm các chủ trương của Tòa thánh, việc phong chức Hồng y, Giám mục, Giám quản Tông tòa và các việc khác hai bên cùng quan tâm. Khi hai bên có ý kiến khác nhau thì sẽ gặp nhau trực tiếp để bàn bạc."( Trích trả lời phỏng vấn ông Vũ Quang – trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, trả lời TTXVN và Báo Đại Đoàn Kết, tháng 3 năm 1994.)

Thỏa thuận bị coi là "vội vã" này đã đặt Vatican vào vị thế "đã rồi" và phải "chạy theo" chính sách ngoại giao của nhà cầm quyền Hà Nội suốt 33 năm qua.


Trong thực tế, kể từ cuộc gặp chính thức đầu tiên này, cho tới nay, hai bên đã tổ chức mười bảy cuộc gặp chính thức (từ năm 1990 đến năm 2009) và mười cuộc họp của Tổ công tác Hỗn hợp giữa Tòa thánh và Vatican để bàn về việc "thiết lập quan hệ ngoại giao"; đó là chưa kể các cuộc viếng thăm của các vị lãnh đạo cao cấp của Tòa Thánh đến Việt Nam vào các dịp lễ lớn của Giáo hội Việt Nam, như Đức Hồng y Crescenzio Sepe đến thăm Việt Nam và phong chức cho 57 tân linh mục thuộc Tổng giáo phận Hà Nội (29/11/2005).


Cuộc viếng thăm của Đức Hồng y Ivan Dias, Bộ trưởng Bộ loan báo Tin mừng cho các Dân tộc vào dịp Năm thánh 2010, cuộc thăm viếng của Đức Hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ loan báo Tin mừng cho các Dân tộc, từ ngày 20 đến ngày 25 tháng Giêng năm 2015, hay cuộc viếng thăm của Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Giáo phận Munich, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức và là một trong tám vị cố vấn cho Đức thánh cha Phanxicô, từ ngày 8 đến 17 tháng Giêng năm 2016; đổi lại, phía Việt Nam, cả bốn vị trí lãnh đạo chủ chốt từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (gặp ngày 23/1/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ngày 18/10/2014), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ngày 11/12/2009) và Trần Đại Quang (ngày 23/11/2016), Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ngày 22/3/2014) đều đã đến Vatican và đã được các Đức Giáo hoàng đón tiếp trọng thị bằng nghi thức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia.


Mặc dù vậy, kết quả của một quá trình dài tốn nhiều công sức "đối thoại" cũng chỉ là những "thỏa thuận" một cách "nhỏ giọt" mà quyết định cuối cùng vẫn là chính quyền Việt Nam "cho phép Tòa thánh" mới được phép cử đại diện của Tòa Thánh đến Việt Nam.

TỪ ĐẠI DIỆN TÒA THÁNH KHÔNG THƯỜNG TRÚ ĐẾN THƯỜNG TRÚ



Thực tế, phải sau 17 cuộc gặp chính thức kéo dài từ năm 1990 đến năm 2009, sau hai lần làm việc chung của Tổ Công tác Hỗn hợp giữa Việt Nam – Vatican và sau chuyến viếng thăm Vatican của ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước ngày 11/12/2009, đặc biệt là sau những phản kháng dữ dội của Giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội trong vụ Tòa khâm sứ - giáo xứ Thái Hà, hai bên mới bước đầu đi tới thỏa thuận "Vatican được phép cử Đại diện" nhưng không Thường trú tại Việt Nam.

Ngày 13 tháng 01 năm 2011, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore, Malaysia, Brunei kiêm chức Đặc phái viên không thường trú cho Tòa thánh tại Việt Nam.


Như vậy, phải mất 20 năm "đối thoại" và phải trả nhiều giá đắt, kể cả việc loại bỏ Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt (ngày 13/5/2010) ra khỏi chức vụ Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, Tòa thánh mới được phép "cử Đại diện" nhưng không được thường trú tại Việt Nam và phải mất thêm 13 năm để nâng cấp "mối quan hệ ngoại giao" giữa Tòa Thánh và Việt Nam từ cấp độ "Đại diện không thường trú" thành "Thường trú", với điều kiện "Tòa Thánh không được đòi lại Tòa Khâm sứ" mà phải chuyển Văn phòng Đại diện đi nơi khác. Ngoài ra, nhà cầm quyền Việt Nam phải được duyệt quy chế hoạt động của Văn Phòng Đại diện của Tòa Thánh.

ĐƯỢC – MẤT CỦA GIÁO HỘI SAU 33 NĂM ĐỐI THOẠI


Dĩ nhiên, không thể đánh giá một sự kiện kéo dài ba mươi ba năm và luôn "bí ẩn" chỉ trong một bài viết ngắn.

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy và là điểm mấu chốt, đó là để "được phép cử một Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam" Giáo hội đã phải trả giá rất nhiều, đặc biệt phải hy sinh đặc quyền bổ nhiệm các giám mục được quy định tại Điều 377, khoản 5, trong Bộ giáo luật, quy định: “Từ nay về sau, không được cho chính quyền dân sự quyền lợi và đặc ân bầu cử, bổ nhiệm, đề cử hoặc chỉ định các Giám mục”.

Theo đó, với “Giáo luật hiện hành, việc bổ nhiệm giám mục được thực hiện theo tiến trình thông thường sau đây: Khi có nhu cầu, vị Hồng y hoặc Giám mục giáo phận sẽ gửi lên Tòa Thánh Vatican một danh sách gồm ba ứng viên được coi là xứng đáng nhất để đảm nhận chức vụ này. Các cơ quan hữu trách của Tòa Thánh sẽ sử dụng nhiều nguồn thông tin khác nhau để thẩm định về mỗi ứng viên. Tất cả tiến trình tham khảo và “điều tra” này hoàn toàn được bảo mật. Nếu không chấp nhận cả ba ứng viên được đề cử này thì Tòa Thánh sẽ trả hồ sơ về cho giáo phận. Nếu tìm được ứng viên thích hợp, Tòa Thánh sẽ thông báo danh tánh người được chọn cho giáo phận và yêu cầu bản quyền thông báo quyết định của Tòa Thánh cho người được đề cử, đồng thời yêu cầu vị này cho biết ý kiến. Nếu ứng viên trả lời chấp thuận, Tòa Thánh sẽ tiến hành thủ tục cần thiết để Đức Thánh Cha chính thức ký tự sắc bổ nhiệm.


Tòa Thánh cũng quy định ngày công bố bổ nhiệm thư, đồng thời báo cho giáo phận và tiến chức biết ngày đó. Tại Việt Nam, tiến trình bổ nhiệm phức tạp và rắc rối hơn. Sau khi tìm được ứng viên thích hợp, Tòa Thánh sẽ thông báo danh tánh ứng viên này cho Nhà nước để tham khảo ý kiến. Theo thỏa thuận hiện nay, Nhà nước phải cho biết ý kiến trong khoảng thời gian mà hai bên đã qui định. Trên thực tế, có những trường hợp Nhà nước trả lời nhanh chóng khoảng vài ba tháng; có những trường hợp khác đã triển hạn nhiều lần và cũng có những trường hợp Nhà nước không chấp thuận người được tiến cử. Sau khi nhận được trả lời đồng thuận của Nhà nước, Tòa Thánh mới thông báo cho giáo phận và tiếp tục những thủ tục cần thiết khác. Khi báo tin cho giáo phận về ngày công bố bổ nhiệm thư thì Tòa Thánh cũng báo tin cho một vài cơ quan Nhà nước.”



Nói một cách ngắn gọn, với thỏa thuận này, thì “Nhà nước không có quyền đề cử một giám mục, nhưng họ có quyền từ chối một vụ bổ nhiệm.”

Trong thực tế, với việc hy sinh đặc quyền bổ nhiệm Giám mục, Giáo hội đã cho phép nhà cầm quyền cộng sản xen vào công việc nội bộ, nhất là nắm quyền chủ động trong công việc quan yếu nhất là chọn người lãnh đạo Giáo hội, điều đó không chỉ làm cho Giáo hội bị động, dễ bị kiểm soát, làm mất đi những năng động thừa sai, mà còn chấp nhận đánh đổi thứ quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền tự do tôn giáo để đổi lấy một "tình hữu nghị viển vông".


Việc "Tòa thánh được phép cử một vị Đại diện Thường trú" xét về phương diện ngoại giao, hai bên mới chỉ đạt được thỏa thuận ở cấp độ nhỏ nhất, theo đó, vị Đại diện Thường trú chỉ có vai trò liên lạc giữa Tòa Thánh và nước sở tại về phương diện phụng tự.

Nói cách khác, tiến trình bang giao Vatican – Việt Nam vẫn chưa có gì. Bao lâu, Tòa Thánh chưa có vị Sứ Thần Tòa Thánh (đại sứ Tòa thánh) tại Việt Nam, thì tiến trình bang giao vẫn chưa xong. Trong khi, với chính sách ngoại giao "đu giây", "nhỏ giọt" như hiện nay, có lẽ, Tòa thánh sẽ còn phải "mất nhiều", và không biết tới bao giờ hai bên mới có thể "thiết lập quan hệ ngoại giao" trong khi điều quan trọng nhất, là quyền tự do tôn giáo thì Tòa Thánh đã chính thức chối từ.


Nhìn tổng thể, trong suốt 33 năm Tòa Thánh chủ trương hy sinh các đặc quyền để "đối thoại", với mong ước thiết lập bang giao Việt – Vatican, thì có vẻ như, chỉ có Vatican mong, còn Việt Nam chưa bao giờ muốn, trừ khi Trung cộng bật đèn xanh!



Lm. Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét