Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

Loan Tango - Duy Xuyên


Vào những năm 1945-1948, thành phố Nha Trang rất thanh bình. An lạc. Dân cư hiền hòa, mộc mạc. Phố thị chỉ vỏn vẹn từ Chợ Đầm đến Ga Nha Trang bằng ba lối đi chính: *Phan Bội Châu đến Ga Nha Trang, hoặc từ Chợ Đầm theo con đường Hoàng Tử Cảnh đến Mã Vòng hay phình ra thêm một tí xíu nữa với con đường Trần Quý Cáp đến tượng đài Kim Thân Phật Tổ, thì Nha Trang cũng đã là một thị xã rộng lớn, to đẹp, trong mắt tuổi thơ của lũ trẻ chúng tôi. Tôi thích nhất vẫn là những đêm trăng sáng, ôm mùng, mền ra biển nằm ngủ dưới bầu trời trong vắt, ngàn sao đêm lấp lánh ... cho đến lúc ông mặt trời từ dưới nứớc, lòm còm, ngoi đầu mọc lên, đỏ rực cả một chân trời, lũ trẻ chúng tôi mới thu xếp hành trang, trả bãi cát trắng phêu cho thành phố biển mộng mơ.
<!>
Chúng tôi, bọn con trai thi nhau nhảy ùm xuống nước, hụp lặn rồi để mình trần trùi trụi, ôm hành trang về nhà, chuẩn bị cho một ngày học mới bắt đầu.

Vào dạo đó đã ghi lại một kỷ niệm chan chứa trong tâm trí lúc tôi chỉ là một cậu học trò 13 - 14 tuổi sống với gia đình trong khu xóm Xương Huân nhỏ xíu, chỉ vỏn vẹn có ba con đường chính là Lý Thường Kiệt, Nguyễn Công Trứ và Phan Đình Phùng.

Làng Xương Huân, không phải là ngoại ô của thị xã Nha Trang, nhưng cũng chẳng phải thuộc về thành phố tí nào... vì các con đường này, đất đá còn lởm chởm, cứa nát chân lũ trẻ còn đi chân đất, đầu trần, quần cụt, để đến trường, ê a… tập đánh vần.

Tôi muốn kể lại cho các bạn nghe một vài câu chuyện của tuổi thơ, để bạn bè đọc cho vui! Mà chính bản thân tôi cũng đang đi truy tầm, moi móc quá khứ của tuổi thơ ngày nào còn vương vãi đâu đó!

Phải rồi, tôi đang lần mò mở tung, từ những giọt mồ hôi rơi lã chã trên vệ đường khi tranh từng đường banh giữa lòng đường. Mà cũng có thể tôi đang đi tìm bóng hình của con bé Loan Tango, nó hao hao giống thần vệ nữ Solo Hope, thủ thành của Đội Banh Nữ Mỹ ngày nay.

Hai ba tuần trước tôi có tường thuật lại một trận cầu, giữa những cô gái Mỹ tranh tài với các Hoa Anh Đào của xứ Phù Tang cũng chỉ vì thủ thành Solo Hope trông giống như Loan Tango của đội banh tôi, cái tuổi 12 - 13 gì đó!

Kỷ ức tôi từ ngày đó, hơn 70 năm sau, lại trỗi dậy như những nỗi nhớ tha thiết của tuổi mộng mơ. Quá khứ chỉ là chuyện huyễn hoặc, vu vơ, song nó đeo đuổi tôi cũng hơn 70 năm trời!

Hoài niệm về ký ức luôn hành hạ suốt một đoạn đường dài. Tôi mong tìm lại thủ môn của đội banh mà mỗi bên 6 đứa, tranh tài giữa lòng đường đất đá lởm chởm!
Khi có xe đạp đi qua, hai thủ môn của hai đội hô to: "Tránh xe! Tránh xe!" Nghe khẩu lệnh đó, cả hai đội banh đương nhiên giạt vào lề đường, để cho xe đạp tự do qua lại.

Đội banh của tôi gồm 5 thằng đực rựa mà lại có một đứa con gái thủ thành. Thao Loan là tên thật của nó, nhưng tóc nó chải bồng bềnh, đo đó chúng tôi đặt 'nick name' cho nó là 'Loan Tango'. Con nhỏ này xem ra, cũng thích mọi người gọi nó là Loan Tango hơn là tên Loan đơn độc và thuần khiết của nó!

Vào khoảng thập niên 40 đó, lúc còn 12 -13 tuổi, Thao Loan cũng đang sống với ba má nàng trong một căn nhà nhỏ ở đường Lý Thường Kiệt, vùng phụ cận của Nha Trang, vì hồi dó Xương Huân là một ngôi làng nhỏ nằm rải rác trên dòng sông Cái uốn khúc.

Một buổi tối mùa hè trong nhà oi bức, tôi đem cây đàn măn-đô-lin và chiếc chiếu ra trước sân nhà, vừa đàn vừa hát nhạc bản "Bà Tư Bán Hàng có bốn người con" vừa nằm ngủ ngoài sân cho đỡ nóng.

Tối hôm đó cũng như bao nhiêu buổi tối khác, bầu trời Nha Trang, ngàn sao đêm thắp sáng, lập lòe. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng sóng vỗ thì thầm vọng về từ những bờ cát xa xa.

Thét rồi ai cũng quen, cũng rất thản nhiên. Đêm đó, con Loan Tango xuất hiện, nó trịnh trọng nói với tôi:
- Phe thằng Phước Méo rủ phe mình đá banh tối nay. Phe nào thua phải chung 6 cây kẹo bạc-hà cho phe kia!

Tôi dáp:
- Đá thì đá! Chơi liền! Sợ gì!

Thế là Loan Tango phóng chạy thật nhanh. Trong phút chốc phe thằng Phước Méo đã dàn quân trên sân đất đá lởm chởm với đội hình 1-2. Phe Cây Bàng cũng ra quân với đội hình tấn công 1-4-1.

Mới 15 phút đầu của trận đấu, đội thằng Phước Méo đã thua liên tiếp 0-2. Kết quả chung cuộc đội Cây Bàng thắng 3-1. Loan Tango nhận kẹo chiến thắng mang về cho nó và tôi. Kẹo thơm mùi bạc-hà hòa lẫn với hương tóc Loan Tango nghe dìu dịu. Các trận banh cũng thưa dần theo thời gian vì tuổi thơ càng ngày càng lớn theo năm tháng.

******

Rồi nắng theo Hạ về!

Tôi theo Thao Loan dưới nắng ấm khi tan trường về.
Vài giọt nắng lung linh hôn nhẹ lên suối tóc Loan, tưởng chừng như những sợi tơ vàng óng ánh, đang trải dài trên dòng suối lặng lờ trôi.

Hồi đó, Loan trao cho tôi một miếng ổi chua ngâm cam thảo, tôi chấm muối ớt, rồi cắn nhè nhẹ một miếng, trao cho Loan nửa miếng còn lại, đưa vào miệng để nghe răng môi của hai đứa tê dại đầu luỡi.

Tôi nghe những hốc thịt muốn vỡ tung như thủy triều dâng... Oà vỡ! Từ ngày đó, đôi mắt của Loan với mái tóc bềnh bồng óng ả những sợi tơ vàng, bao giờ cũng hiện hữu trong ngăn tim tôi...

******

Ngày tôi đi có mưa phùn bay vạn nẻo. Có Loan lặng thinh vẫy tay chào giã biệt.

Loan ở lại với hai giọt lệ rưng rưng!

Biền biệt từ ngày đó đến giờ, chưa gặp lại Loan một lần nào. Nàng khóc, tôi mất Thao Loan thật sự.

Trên con đường hiu quạnh, tôi đi tuy ray rứt thật như những vụn vỡ của lý trí vẫn còn âm ỉ trong tim óc, chìm sâu trong quên lãng để cuối những con đường tôi đã đến chỉ còn lại mong manh những sợi tóc bay bềnh bồng của nàng, chói chang dặm nhớ, nóng bỏng trên những hạt cát thật mịn màng của những ngày đi hoang, tôi chưa hề biết vương vấn mái tóc ai đang lộng gió chiều về.

Hồi đó thật vô vàn hạnh phúc.

Phải rồi, hồi đó Thao Loan xinh hơn thiên sứ để cứu những đường banh ngỡ như thua thấy rõ. Mắt Thao Loan to, tròn như hai viên bi của vùng trời huyền thoại.

Hôm nay, hồn tôi lẳng lặng về xóm nhỏ, quê tôi! Con đưòng làng nho nhỏ, đất đá gồ ghề, có bong dáng Loan Tango. Con đường Lý Thường Kiệt, Nha Trang của tôi đó!Nhatrang tuổi thơ, có dòng sông Cái uốn khúc quanh năm, hiền hòa, sóng nước trong veo, bao bọc thôn xóm tôi, dân cư hiền lành chất phát... có Thao Loan mái tóc bồng bềnh đong đưa trong gió như khói sương mẹ thổi cơm chiều.

Thao Loan hay Loan Tango của ngày tháng xa xưa đó, còn có đôi mắt buồn rười rượi. Mắt nàng vẫn hằn sâu trong tiềm thức chưa quên trên con đuờng tôi đã đi qua mà khi ngoảnh lại, nghìn trùng xa cách ngậm ngùi. Nhớ thuong ai!

Rồi bỗng những ngày tôi chưa kịp quên, chợt đôi mắt của Thao Loan xuất hiện làm ngơ ngác tâm tư tôi với triền miên nỗi nhớ.

Thao Loan đứng truớc mặt tôi chờ đợi rồi biền biệt mất hút, chỉ bỏ quên mắt nàng trong những tế bào của ngăn tim, noi đó vẫn còn bóng dáng em nhỏ xíu, đang ngủ yên... miệt mài trong khoảnh khắc.
- Thao Loan! Em đó sao!

Con bé thủ môn này gieo một ấn tuợng lớn trong tâm hồn tôi từ đó.

Về những lần sau này, khi xem những trận banh nữ Mỹ mà Solo Hope bắt banh, tôi mới kịp khám phá ra nguời nữ thủ thành của Mỹ trông giống như Loan Tango của đội bóng Lý Thuờng Kiệt.

Tôi nghe lõm bõm, tiếng được tiếng mất của các bình luận gia thể thao đã nói: “Thủ môn Solo Hope là một người có nhiều tranh cãi."

Tôi không hiểu Solo Hope bị tranh cãi điều gì nhưng Loan Tango của chúng tôi có nhiều điều làm cho cả hai đội banh có lần tranh cãi, suýt thụi nhau.

Thủ thành ngổ ngáo:

Loan Tango thường bị đội đối phương cho là ngổ ngáo vì hai trụ gôn được quy dịnh là 4 bước chân. Nhưng khi hai bên đang tranh từng đường banh, Loan Tango bèn xích 2 trụ gôn lại cho gần nhau hơn. Đối phương phát giác, nó ngọt giọng với mọi người:
- Em có biết gì đâu! Có lẽ tại gió bay... gió bay... mây thổi, mà chúng xích lại gần nhau, chứ em chả… em chả!

Loan Tango xưng với mọi người bằng em ngọt lịm như đường phèn nên không mắc lòng ai. Ngay cả đội đối phương, cũng có hai ba thằng bênh vực con Loan Tango, có mái tóc bay bồng bềnh, mắt sâu hun hút, nên lúc nào nó cũng thắng thế.

Loan Tango rất cao giò, chân dài ngoằn, hai tay dang rộng và trụ thành đã được xê dịch vào, thì khó có cầu thủ nào đá thủng được lưới nó. Vào cái tuổi 20 như Solo, thì Loan Tango đẹp hơn Solo nhiều, vạm vỡ và hấp dẫn hơn Solo Hope gấp bội phần.

Có thể bóng hình của Solo làm tôi liên tuởng đến Loan Tango, do đó tôi đã ái mộ Solo cũng như những năm tháng xa xưa tôi đã từng xem Loan Tango là thần tượng siêu việt của tôi mà không ai có thể so sánh với nàng đuợc.

Chiều hôm qua ngày 22 tháng 7 năm 2015, tôi ngồi xem đội tuyển quốc gia Mỹ, thi đấu vòng tứ kết với Jamaica, trong giải Gold Cup. Chỉ trong 35 phút đầu của trận đấu, thủ môn của Mỹ dở ẹc, để thua hai trái banh lãng nhách vì anh ta định vị trí của mình không đúng chỗ.

Trái banh thua 0-1 vì anh ra hơi sớm, bị lố nên anh vói tay không tới, để đẩy banh qua khỏi khung thành.

Còn trái banh thua thứ 2 (0-2) ở phút thứ 34:28'', vị trí thủ thành của anh đứng không đúng, nên lại để bị thua thêm một trái nữa thật lãng xẹt.

Tôi tắt máy TV, không thèm xem nữa. Tôi hét lớn:
- Còn Solo đâu?! Loan Tango đâu?

Phải rồi, nếu 'Ông Goal', thủ thành, dở ẹc đó, được thay thế bởi Solo Hope, thần tuợng bóng đá của tôi, thì Mỹ đâu có bị mất Huy Chư ơng Vàng của Giải Gold Cup 2015 này!

Phải đó, ngày xưa, thật xa xưa kia, đội banh chân không của chúng tôi, thường thi đấu trong lòng đuờng, đất đá lởm chởm, gồ ghề mà lúc nào thần tuợng của tôi cũng nhảy lên thật cao, xẹt trái, nhào phải đẩy những đường banh thua thấy rõ.

Thậm chí đôi khi hậu vệ của chúng tôi truy cản trái phép bị phạt đền, Loan Tango dang hai chân ra, ngực chồm về phía truớc, hai tay dang rộng, chờ banh của đối phưong đá vào, nàng chụp quả banh vào lòng, rồi giả vờ ngã xuống đất tỉnh bơ, sau đó nàng lồm cồm đứng dậy, phát banh lên cho đồng đội.

Một hôm nàng sẩy chân té lên vệ đường, đầu gối chảy máu. Thế là tôi, bao giờ cũng được nàng xăn quần lên khỏi đầu gối, để cho tôi săn sóc vết thương bằng cách dùng bàn tay của tôi, bịt chặt chỗ máu đang chảy. Thế là máu được cầm lại và trận đấu tiếp tục tranh tài.

Nói gì thì nói, tôi định tắt TV, không thèm xem nữa nhưng vẫn mong cho đội tuyển Mỹ gỡ huề và lội ngược dòng lịch sử.

Tôi bèn mở lại TV, đúng lúc Mỹ gỡ 1-2. Hy vọng lại vươn lên trong lòng người. Mỹ chỉ còn thua một bàn mong manh và đội Mỹ thường hay lội ngược dòng kết quả.

Tôi miệt mài ngồi xem.

Ước mong sắp thành sự thật, khi tiền đạo của Mỹ tràn vào vùng cấm địa của Jamaica, lại đội đầu cao ra khỏi khung thành hay đá banh ra ngoài.

Tôi hét lớn:
- Morgan đâu?!

Tôi tự nhủ thầm:
-Nếu có Morgan thì Mỹ đã gỡ huề 2-2 rồi. Buồn tênh như một ngày Loan đi hoang chưa về.

Niềm vui lại thắp sáng, khi tiền vệ số 8 của Mỹ, một mình thoát xuống, vượt sâu vào vùng cấm địa, anh dùng má trái của bàn chân phải ... đưa banh ra ngoài. Trời ơi là trời!

Tôi thở dài thất vọng:
- Nếu ta thay thể toàn bộ các tiền vệ nam bằng các tiền vệ nữ thì Mỹ được hôn chiếc Cúp năm 2015 rồi.

Tôi uớc mong các trận cầu tranh giải quốc tế để cho đội nữ giao đấu đại diện cho đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ và cho các cầu thủ và huấn luyện viên của Mỹ về vườn đuổi gà cho vợ là vừa.

Trở lại con bé Loan Tango, một thời tôi yêu em...

Từ ngày ra khỏi trại tù cộng sản đến giờ, Loan Tango ở đâu tôi vẫn chưa biết! Tôi dự định sau này sẽ tìm hiểu cho rõ thêm.

Do đó, nàng là nguyên nhân của cả một dòng đời dai dẳng 70 năm ray rứt tôi mãi mãi!

Năm 1960, tôi qua Singapore du học, có những buổi sau khi hết giờ học, tôi lang thang khắp sân truờng Nee-Soon - University, cố ý đi tìm Thao Loan vì trước đó tôi cũng được nghe có nhiều sinh viên Việt Nam đến đây học các ngôn ngữ khác trên thế giới, trong đó có Loan Tango.

Nee-Soon là một Viện Đại Học dạy nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha ...
Tôi cũng cố ý truy lùng trên các hành lang, thư viện hoặc trong các câu lạc bộ sinh viên nội trú, đôi khi tôi ngơ ngác nhìn lên trời thấy mây bay lững lờ trông giống nhu những vầng mây trên biển Nha Trang về đêm có sao trời lấp lánh, tôi thường nhớ đến những ngày thơ ấu ở ngoại ô Ngọc Hội, quê ngoại, nhớ gia đình và quê hương lúc đó tôi còn tản cư về vùng Đại Điền Tây, vùng Phú Lộc để tránh quân đội Viễn Chinh Pháp tấn công, thả bom mịt mù trong khói lửa. Những ngày như vậy, tôi cũng nhớ lại những trưa hè, ngồi dưới gốc dừa trên biển truớc Ty Bưu Điện nghe tiếng sóng vỗ thì thầm!

Những lúc như thế, tôi mong sao được gặp lại Loan Tango, giữa lòng đường năm cũ! Nhung làm sao tìm lại được bóng dáng người xưa?

Sinh viên Việt Nam không có mấy ai đang học ở Singapore của Lý Quang Diệu mà tôi hòng tìm với kiếm!

Sau đảo chánh hụt năm 1960, lại hạn chế các sinh viên Việt Nam du học, bây giờ lại hiếm hoi hơn.Trên phố Batu Road có một tiệm Việt Nam đang bán guốc Dakao cũng có lẻ tẻ người Việt, người Trung Hoa đến mua, tôi cứ ngỡ tất cả đều là nguời Việt, nên làm quen để tìm tin tức Loan Tango của tôi.

Chủ tiệm là người Bắc, không biết qua đây buôn bán hồi nào nhung cô con gái của chủ tiệm khoảng đôi mươi, nói tiếng Việt lơ lớ và thường dùng tĩnh từ, trạng từ đitrước động từ như tiếng Anh “Bố mẹ tôi rồi đi khỏi!” Thay vì phải nói: “Bố mẹ tôi đi khỏi rồi!”

Tôi cũng có một trở ngại thật lớn là không biết họ của Loan Tango là gì! Nên khi tôi đến tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Singapore để hỏi thì các Tham Vụ Ngoại Giao đều hỏi họ của Thao Loan vì nơi đây cũng như Mỹ bây giờ, đều lưu trữ danh sách sinh viên bằng Họ. Thế là tôi đành chịu thua.

Sau đó, tôi được chuyển qua Mã Lai, làm sĩ quan liên lạc Việt Nam tại Trumg Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến thuộc Tiểu Bang Dua-Sun-Tua. Tôi làm việc đơn độc một mình tại Police Field Forces Training Center khá lâu và những ngày rảnh rỗi tôi cũng thường đi dạo các phố chính mong tình cờ gặp lại người xưa.

Mã lai hồi đó gọi là Đại Mã Lai Á, gồm có 12 tiểu bang. Singapore là một trong 12 tiểu bang của Đại Mã Lai Á. Sau đó ngài Lý Quang Diệu tách Singapore ra khỏi Đại Mã Lai Á và thành lập nước Tân Gia Ba (Singapore) như ngày nay.

Tại KuaLa Lumpur, có nhiều tiệm Việt Nam hơn. Mỗi lần vào các tiệm Việt Nam, tôi đều hỏi thăm tin tức liên quan đến con bé cầu thủ bắt banh của dội Cây Bàng, tôi cứ khổ sở đứng trước quầy 'cashier' diễn tả về hình dáng của nàng, hy vọng người thu ngân sẽ biết! Nhưng ở tiệm nào cũng vậy, các cô cashier thường lắc đầu ''No!”

Có một cô chủ của một tiệm bán áo len đan bằng tay, hàng được gởi từ Đà Lạt. Cô chủ chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, đã trả lời rất từ tốn, lễ phép với tôi:
- Thưa chú, con không biết vì con đâu dám hỏi tên khách hàng. Thỉnh thoảng cũng có các chị Việt Nam hay trả bằng 'chi phiếu du lịch' con sẽ lưu ý ai tên Loan, con sẽ gọi chú nghen.

Tôi thở dài tràn đầy thất vọng và nghĩ rằng mình cũng đã lớn tuổi lắm rồi đó! Cô ta lại hăm hở nói tiếp:
- Hay chú để lại số phone đi. Khi nào gặp khách có tên "LON" dù là LON Nguyễn hay Lon Lê, con sẽ phone cho chú. Hay thỉnh thoảng chú trở lại tiệm con, coi ra sao nghen chú!

Tôi định sẽ ghé lại tiệm này thường xuyên, may ra tìm được một "Loan" mới. Nào ngờ một thời gian sau, tôi được biết cô chủ tiệm "Tơ Sợi - Lụa Là" này là con gái của viên Thiếu Tá Tùy Viên Quân Sự của Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Mã Lai. Tôi gài 'Số de' lui xe cho sớm, kẻo mà đụng vào các quan chức ngoại giao thì mau mau 'cuốn chiếu' hồi hương.

Buồn ơi! Chào em!

Vài năm trôi qua mà hình dáng của nguời xưa vẫn hun hút biền biệt.

Một hôm, khi vào một tiệm khác, cô bán hàng đưa ra một đề nghị thực tế. Cô bán hàng là nguời Bắc, nói tiếng Hà Nội trong veo:
- Bác à, hay là 'Bác Anh' tả thử vài nét để 'cô em này' xem thử, rồi em sẽ rán kiếm giùm cho Bác anh.

Tôi đáp :
- Cô ấy cao khoảng 1m70, nguời gầy gầy, tóc thuờng kẹp gần đến thắt lưng. Ngực… (tôi định nói ngực no tròn, nhưng khi nhìn lại cô bán hàng, tôi không dám kể tiếp nữa vì sợ cô ấy hiểu lầm là tôi đang tả hình dáng cô ấy).

Nghe thấy cô bán hàng thay đổi thái độ, tôi bèn lấy tấm hình cũ ra cho cô ấy xem ngay. Một vài khách hàng thấy vậy cũng xúm lại bao quanh tôi, để xem và nhìn tôi dò xét. Tôi thấy nguờng nguợng.

May mắn thay, có một cô sinh viên khách hàng nghe tôi tha thiết đi tìm:
- Ô la-là! Con nhỏ này đang học Chemistry hay Bio-chemistry gì đó! "

Tôi vội hỏi nhanh:
-Loan, họ gì cô?
- Sorry, anh. Em có thấy cô ấy một vài lần trong Lab, khi thực tập nhưng không biết họ đâu anh.

Tôi hỏi vội:
- Tên truờng?
- University of Science.
- Đường nào cô?
- Inter Road.

Sau đó, tôi vội vàng đến Đại Học Khoa Học, tọa lạc ngay thủ đô Mã Lai.
Lần này tôi đến tận thư viện của đại học để truy tầm tông tích nguời xưa, thủ môn ngổ ngáo, Loan Tango của đội banh Cây Bàng vào thập niên 1940's.

Tôi đi lang thang từng kệ sách, từng hành lang, và gặp sinh viên Việt Nam nào tôi cũng chuyện trò rồi thăm dò Loan Tango nhưng chẳng có một ai biết nàng.

Và điều rất khôi hài, gặp sinh viên Việt Nam nào tôi cung lấy hình đưa cho họ xem để dễ nhận dạng. Tôi cứ diễn đi diễn lại như thế hết người này đến người khác, tôi đem cái hình cũ của Loan Tango triển lãm lưu động khắp nơi trên đất nuớc Singapore và Mã Lai.

Sau 75…

Mãi đến một hôm, trên một chuyến xe lửa đêm sau năm 1980 của con tàu Thống Nhất, trên tuyến đường Nha Trang- Saì Gòn, bỗng nhiên có một vị khách lớn tuổi đứng trước mặt tôi, la lên thích thú, không khác nào tìm ra… một vật vừa bị đánh mất.
- Anh, anh còn nhớ Loan Tango của đội banh Cây Bàng không?

Tôi mừng rỡ đứng dậy. Nhưng hỡi ôi, một người đàn bà lớn tuổi, da mặt nhăn nheo. Vài chiếc răng không còn nữa.

Cuối cùng, cuộc hành trình tìm kiếm người xưa rồi cũng kết thúc vào một buổi tối trên con tàu đêm năm 1980, mà tôi đã bỏ gần 50 năm trời đi lùng Loan Tango, khắp mọi nơi. Tôi đã la cà mọi chỗ với nỗi sầu oà vỡ.

Tôi vừa mừng, vừa ngoảnh lên nhìn. Tôi cảm thấy như thiên sứ đổ sụp. Tiếng nói của Thao Loan bây giờ hoàn toàn khác hẳn với tiếng thì thầm của Thao Loan ngày xưa khi tôi nghe lần đầu tiên lúc nàng còn 18 tuổi! Tiếng nói của Thao Loan bây giờ rồ rồ, chứ không như tiếng nói ngây thơ ngập ngừng, e thẹn như sóng vỗ thì thầm của một cô gái trẻ!

Thanh âm ngày nào! Đêm đó, bầu trời lập lòe sao đêm, xa xa còn văng vẳng tiếng ai nói nhỏ bên tai:
-Tôi yêu em!

Tôi cảm thấy thất vọng vì sau mấy chục năm tìm kiếm người xưa" mà tôi hằng mong đợi, bao lâu nay! Thà cứ sống trong mộng du với chuyện tình ấp ủ hơn là sự thật với thời gian phũ phàng!

Duy Xuyên  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét