Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

Bắc Cali: Giới Thiệu 2 Sinh Hoạt, Thứ Sáu & Thứ Bảy Tuần Này! và Kính Chuyển Tin Nóng Quốc Tế - Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI. - THƯ MỜI THAM DỰ LỄ CHÀO KÍNH QUỐC KỲ VNCH VÀ HOA KỲ ĐẦU THÁNG 8
Kính Mời: Quý Đại Diện Tinh Thần các Tôn Giáo Quý bậc Trưởng Thượng, Quý Nhân Sĩ Quý Hội Đoàn Quân Đội , Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quý Giới Truyền Thông Báo Chí, Đoàn Thể, Chính Đảng, Quý Đồng Hương, các em Sinh Viên Học Sinh và các cháu Hậu Duệ VNCH - Trong tinh thần tôn vinh, gìn giữ lá CỜ VÀNG THIÊNG LIÊNG và thân yêu của Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản.Quyết tâm bảo vệ thành trì chống cộng, chống sự xâm nhập của cs dưới bất cứ hình thức nào.Duy trì và phát huy những truyền thống Lễ nghi tốt đẹp để lại di sản cho các thế hệ mai sau.
<!>
Liên Đoàn Hướng Đạo Sinh Diên Hồng, Ủy Ban Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng và nhóm Phụng Sự Cộng Đồng cùng phối hợp thực hiện Nghi Lễ Chào Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ mỗi thứ bảy đầu tháng tại:
VƯỜN TRUYỀN THỐNG VIỆT (VIỆT HERITAGE GARDEN)
1499 Roberts Ave San Jose CA 95122.
Lúc 9:00 AM ngày Thứ Bảy 5 tháng 8 năm 2023

Trân trọng Kính mời quý Đồng hương, quý đại diện các Hội đoàn, Đoàn thể, Chính đảng Quý cơ quan Truyền thông, Báo chí và quý Chiến hữu QLVNCH tham dự

@ Để tránh việc tổ chức trùng ngày, giờ trong các sinh hoạt Cộng Đồng, chúng tôi ước mong các vị Đại Diện Hội Đoàn, Đoàn Thể đến buổi chào cờ thông báo cho Ban Tổ Chức biết để phổ biến rộng rãi trước quý đồng hương về những sinh hoạt của quý Hội đoàn, Đoàn thể Bắc Cali,...

@ Cô Brenda Huỳnh Insurance Solution Group sẻ giải thích những thắc mắc về Medicare Benefits giúp quý đồng hương và yểm trợ coffee và điểm tâm nhẹ buổi sáng.

@ Ban Tổ Chức Bầu Cử Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Mỹ trân trọng thông báo và cám ơn quý đại diện các thành phố vùng Bắc California , quý đại diện các Hội đoàn, Đoàn thể đã nhận Phiếu Bầu Cử đã yểm trợ, vận động, kêu gọi quý đồng hương miền Bắc California tham gia cuộc đầu phiếu để chọn một Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Mỹ xứng đáng để hoàn thành nhiệm vụ mà quý đồng hương miền Bắc California tin tưởng và giao phó.

Trân trọng thông báo: Ngày cuối cùng của cuộc đầu phiếu là ngày 31 tháng 7 năm 2023, Ban Tổ Chức Bầu Cử sẽ tổ chức một buổi họp khoáng đại để kiểm phiếu rõ ràng minh bạch với sự hiện diện của quý đại diện các Hội đoàn, Đoàn thẻ và quý đại diện Hội Đồng Đại Biểu tại một địa điểm tiện lợi ( Ngày, Giờ và Địa điểm sẽ được thông báo trân trọng sau khi Ban Bầu Cử nhận đầy đủ những thùng phiếu đã gửi đi )

Ban Bầu Cử kính mời quý vị dành chút thời giờ quý báu đến tham dự buổi lễ Chào Kính Quốc Kỳ VNCH và HK được tổ chức tại VƯỜN TRUYỀN THỐNG VIỆT vào sáng ngày Thứ Bảy tuần này 5 tháng 8 năm 2023 và XIN đề nghị mang theo tất cả những Phiếu Bầu Cử đã nhận từ Ban Bầu Cử ( những phiếu đã được bầu và những phiếu trắng chưa được quý đồng hương bầu chọn) hoặc quý vị có thể gửi qua đường Bưu điện đến địa chỉ:

Ban Tổ Chức Bầu Cử Ban Đại Diện Cộng Đồng VIỆT MỸ
1001 Cheswick Drive – San Jose - CA 95121
(Ban Bầu Cử xin hoàn trả lại cước phí bưu điện – Chân Thành Cảm Tạ)
T.M. Ban Tổ Chức Lễ Chào Kính Quốc Kỳ đầu tháng.

Trưởng Ban Tổ Chức .
ĐPQ/NQ Triệu Ngọc Hà. (408) 646 – 8752

Ủy Ban Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng Bắc Cali
Bác Sĩ Phạm Đức Vượng (408) 226 – 8844

Liên Đoàn Hướng Đạo Diên Hồng
Trưởng John Dũng (408) 605 – 5235

Nhóm Phụng Sự Cộng Đồng
Ông Đặng Long (408) 886 – 0178

Trân trọng kính mời.



KHÔNG QUÂN BẮC CALI HỌP MẶT ĐẦU THÁNG 8/2023

Thưa quý anh chị em KQBC,
Như thường lệ, chúng ta có buổi ăn trưa họp mặt thân mật Thứ Sáu đầu tháng 8 vào lúc 11:30 tại:
Pho 90 Degree
999 Story Rd Unit 9090,
San Jose, CA 95122 ·
(408) 993-9090

Trân trọng thân mời quý anh chị em bỏ chút thì giờ quý báu cùng đến tham dự với chúng tôi thật đông đủ, trước thăm hỏi hàn huyên, sau kể cho nhau nghe những kỹ niệm khó quên thời chinh chiến.

Mong lắm thay!!!
Người đưa tin: Nguyễn Phú Chính 237
-Lưu ý: Quỹ ăn trưa tháng 7 còn lại: $179,00

-Đặc biệt: Buổi họp mặt này nhằm vào tháng 8 Tây, tức tháng 7 Ta, có ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu, “Bông Hồng Cài Áo!” Một Bà Mẹ KQ, muốn tặng tất cả Quý Phu Nhân tham dự, một món quà đặc biệt, như một lời vinh danh và cảm tạ những Bà Mẹ KQ! nhân mùa lễ đặc biệt này!


Nhân Mùa Vu Lan 2023: Bao La Tình Mẹ!

-Ngày còn bé con cứ thắc mắc, tại sao trên đất nước Việt Nam Thân Yêu này, cái gì đẹp đẽ nhất, lớn nhất cũng mang dấu ấn sự tôn vinh Người Mẹ! Dòng sông lớn nhất ở đất Bắc nước ta, ít ai gọi là Sông Hồng, mà quen gọi là Sông Cái! Con đường nào lớn nhất, gọi là “Đường Cái!”. Thứ tiếng ta nói hàng ngày, cũng gọi là tiếng “Mẹ Đẻ!”.

Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết yêu thương, là “Đất Mẹ!” Trên dải đất nhỏ hẹp mang hình chữ S này, đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu! Từ đầu lịch sử với “Mẹ Trăm Con!” Ca dao VN bàng bạc Cái Cò!

Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường Mẫu giáo và do các cô truyền dạy. Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình, cũng gọi là “Đũa Cái”, “Đũa Cả!”.

Mẹ xứng đáng được tôn vinh, kính trọng như thế! Chỉ có những kẻ khốn nạn, mất hết tính người, “vô gia đình!” mới mừng rỡ “tiếng đầu lòng, con gọi…Sít Ta Lin!”

Nhân Mùa Vu Lan Báo Hiếu 2923, Kính Chúc các Bà Mẹ VN, luôn an vui, hạnh phúc, bên cạnh những đứa con thương yêu của mình!



Tin Quốc Tế Đó Đây

Singapore Mở Lại Án Tử Hình Một Phụ Nữ Lần Đầu Sau Gần 20 Năm!


(Ảnh: Khu phức hợp nhà tù Changi, Singapore.)

-Việc tử hình Saridewi Djamani là một trong hai vụ dùng hình phạt này trong tuần khi các nhà hoạt động nói rằng hầu hết các tử tù tại Singapore đều là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội

Singapore sẽ xử tử một phụ nữ lần đầu tiên sau gần 20 năm vào thứ Sáu, một trong hai vụ giết người được lên kế hoạch trong tuần này.

Saridewi Djamani, quốc tịch Singapore, đã bị kết án tử hình bắt buộc vào năm 2018, sau khi cô bị kết tội tàng trữ khoảng 30g heroin với mục đích buôn bán, theo Transformative Justice Collective (TJC), tổ chức theo dõi các vụ án tử hình.

Nếu nó được tiến hành, các nhà hoạt động tin rằng cô ấy sẽ là người phụ nữ đầu tiên bị xử tử ở Singapore kể từ năm 2004 khi Yen May Woen, một thợ làm tóc 36 tuổi, bị treo cổ vì tội buôn bán ma túy.

Trong khi đó Mohd Aziz bin Hussain, một người đàn ông Malaysia gốc Singapore, 56 tuổi, đã bị xử tử vào thứ Tư, theo TJC. Anh ta bị kết án tử hình vào năm 2018 sau khi bị kết tội buôn bán khoảng 50g heroin, nhóm này cho biết.

Singapore có một số luật về ma túy khắc nghiệt nhất thế giới và đã bị quốc tế chỉ trích trong những năm gần đây vì hành quyết các tù nhân bị kết án tội phạm ma túy.

Theo Kirsten Han, một nhà báo và nhà hoạt động đã dành cả thập kỷ vận động chống lại án tử hình cho Saridewi. Han nói: “Một khi cô ấy cạn kiệt các lựa chọn kháng cáo, vấn đề chỉ là thời gian cô ấy sẽ nhận được thông báo hành quyết.

“Các nhà chức trách không hề nao núng trước thực tế là hầu hết những người bị kết án tử hình đều đến từ các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương. Những người bị kết án tử hình là những người được coi là không thể thiếu bởi cả trùm ma túy và nhà nước Singapore. Đây không phải là điều mà người Singapore nên tự hào.”

Chính phủ Singapore cho rằng duy trì hình phạt tử hình là biện pháp ngăn chặn hiệu quả tội phạm liên quan đến ma túy, giữ cho thành phố an toàn và được công chúng ủng hộ rộng rãi. Nó cũng nói rằng các quy trình tư pháp của nó là công bằng.

Nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy Singapore là một trong số ít các quốc gia xử tử những người phạm tội liên quan đến ma túy vào năm ngoái, cùng với Trung Quốc, Ả Rập Saudi và Iran. Việt Nam cũng nằm trong nhóm này mặc dù số vụ tử hình không được biết đến.

Chiara Sangiorgio, một chuyên gia về án tử hình tại Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Không có bằng chứng nào cho thấy án tử hình có tác dụng răn đe duy nhất hoặc nó có bất kỳ tác động nào đến việc sử dụng và sự sẵn có của ma túy”. “Khi các quốc gia trên thế giới bãi bỏ án tử hình và tiến hành cải cách chính sách ma túy, thì chính quyền Singapore lại không làm như vậy.”

Cho đến nay, ít nhất 13 người đã bị treo cổ ở Singapore kể từ khi chính phủ nối lại các vụ hành quyết sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19.


Đan Mạch Muốn Hạn Chế Các Cuộc Biểu Tình "Báng Bổ Đạo Hồi"


(Hình: Một số thành viên nhóm "Những người yêu nước Đan Mạch" biểu tình trước Tòa Ðại sứ Iraq ở Copenhagen, Đan Mạch, ngày 24/7/ 2023.)

-Sau vụ đốt kinh Coran trong các cuộc biểu tình ở Thụy Điển và Đan Mạch, gây căng thẳng với một số quốc gia Trung Đông, hôm 30/7/2023, chính quyền Đan Mạch cho biết muốn hạn chế các cuộc biểu tình đốt kinh Coran vì lý do an ninh. Thụy Điển cũng đang tìm công cụ pháp lý phù hợp để ngăn chặn các cuộc biểu tình báng bổ đạo Hồi.

Theo yêu cầu của Ả Rập Saudi và Iraq, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào hôm 31/7 tại Djeddah, để thảo luận về việc người biểu tình ở Đan Mạch và Thụy Điển xúc phạm đạo Hồi. Trước căng thẳng với các nước Hồi giáo, Đan Mạch và Thụy Điển tìm giải pháp qua công cụ pháp lý, chẳng hạn như hạn chế các cuộc biểu tình như vậy. Từ thủ đô Stockholm của Thụy Điển, thông tín viên Carlotta Morteo của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:

"Ví lý do an ninh, chính phủ Đan Mạch sẽ tìm kiếm tất cả các biện pháp Tư pháp để đưa ra lệnh cấm một số cuộc biểu tình (báng bổ đạo Hồi), một cách nhất thời và không đụng chạm tới quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ.

Để hợp pháp hóa các trường hợp ngoại lệ này, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã nhắc lại rằng "các hành động báng bổ kinh Coran, do một số cá nhận thực hiện với mục đích chính là kích động, gieo rắc sự chia rẽ và hùa theo lập trường của những kẻ cực đoan".

Ông Lars Lokke Rasmussen cho rằng đây không chỉ là vấn đề về hình ảnh hay danh tiếng của Đan Mạch. Ngoại trưởng Đan Mạch rất có thể vẫn nhớ đến các vụ tẩy chay, các đe dọa giết người hay các cuộc khủng bố đã bị ngăn cản vào năm 2005, sau khi một tờ báo Đan Mạch đăng tải hình ảnh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed.

Thụy Điển cũng ghi nhận tình hình khẩn cấp tương tự. Stockholm cũng đang tìm kiếm một công cụ pháp lý. Tối hôm qua, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhận định rằng "tình hình này nguy hiểm (…) đối với an ninh quốc gia", sau sự việc đốt kinh Coran. Ông Kristersson sẽ phải tìm cách thỏa hiệp với liên minh cực hữu tại Quốc hội, đảng Những người Dân chủ Thụy Điển. Một số Nghị sĩ của đảng này đã đưa ra những tuyên bố bài Hồi giáo những ngày gần đây.

Trong lúc chờ đợi, theo những thăm dò gần đây, phần lớn người Thụy Điển và Đan Mạch ủng hộ việc cấm đốt kinh Coran".


Đức Giáo Hoàng Kêu Gọi Nga Trở Lại Với "Thỏa Thuận Ngũ Cốc Biển Đen"


(Ảnh: Một tàu chở ngũ cốc xuất cảng từ cảng Odessa của Ukraine chờ bốc hàng hôm 29/7/2022.)

-Hôm 30/7/2023, người đứng đầu đạo Công giáo, kêu gọi Mạc Tư Khoa khôi phục "Thỏa thuận ngũ cốc tại Biển Đen", tránh để nạn đói đe dọa sinh mệnh hàng chục triệu người. Về phần mình, Tổng thống Ukraine khẳng định phát biểu của giáo hoàng Francis là một kêu gọi "vô cùng quan trọng".

Theo báo Pháp Le Figaro, trước hàng ngàn tín đồ, khách hành hương, tập hợp tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, Giáo hoàng Francis kêu gọi: "Chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện cho nước Ukraine tử đạo, nơi mà chiến tranh phá hủy mọi thứ, kể cả lúa mì. Đây là một sự xúc phạm nặng nề đối với Thiên Chúa, bởi lúa mì là món quà của Ngài để nuôi sống nhân loại, tiếng khóc của hàng triệu anh chị em đang phải chịu đói thấu đến Thiên Chúa. Tôi kêu gọi những người anh em của tôi, chính quyền Liên bang Nga, hãy khôi phục Sáng kiến Biển Đen và để lúa mì có thể được vận chuyển an toàn".

Trong một thông điệp sau đó trên các mạng xã hội, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, nhấn mạnh, "phản ứng của các lãnh đạo tôn giáo trên toàn thế giới chốnng lại sự tàn bạo của các phi đạn Nga, chống lại việc phá hủy các sản phẩm nông nghiệp Ukraine là hết sức quan trọng để bảo vệ toàn thế giới". Ông Zelensly cam kết "Ukraine sẽ bảo đảm an ninh lương thực thế giới, đặc biệt cho nhân dân các nước Phi Châu và Á Châu… và điều chủ yếu là phải ngăn chặn bàn tay hủy diệt của Nga, và áp dụng đầy đủ Kế hoạch Hòa bình". Trong Kế hoạch Hòa bình 10 điểm Kyiv đưa ra vào tháng 11/2022 tại hội nghị G20, có điều khoản Nga phải rút toàn bộ quân khỏi Ukraine.

Trước đó, tại thượng đỉnh Nga-Phi Châu ở Saint Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa cấp miễn phí 50.000 tấn ngũ cốc cho một số nước Phi Châu. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc hôm 27/7 nhận định: Vài chục ngàn tấn ngũ cốc mà Tổng thống Nga hứa tặng chỉ là "hỗ trợ nhỏ", không thể bù đắp tác động khủng khiếp từ việc Nga rút khỏi Thỏa thuận Xuất cảng Ngũ cốc Ukraine.


Tổng Thống Ukraine Tuyên Bố: Chiến Tranh Lan Sang Đất Nga Là "Chuyện Dĩ Nhiên và Lẽ Công Bằng"


(Hình: Drone Ukraine rớt xuống Moscou City - trung tâm kinh doanh ở thủ đô Mạc Tư Khoa, nơi có nhiều cơ sở của chính phủ Nga, ngày 30/7/2023.)

-Trong một thông báo hàng ngày với truyền thông, hôm 30/7/2023, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky khẳng định "chiến tranh sẽ dần dần trở lại đất Nga".

Trên Twitter, Tổng thống Zelensky nhận định, vào ngày thứ 522 kể từ khi Nga tiến hành xâm lăng, Ukraine đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Nguyên thủ Ukraine nhấn mạnh rằng "các cơ sở quân sự, các địa điểm trung tâm mang tính biểu tượng của Nga" sẽ bị tấn công, và đây là một tiến trình "không thể tránh khỏi, là chuyện dĩ nhiên và hoàn toàn công bằng". Cũng trong thông điệp nói trên, Tổng thống Ukraine nhắc nhở người dân Ukraine chuẩn bị đối mặt với "các cuộc tấn công mới của các lực lượng khủng bố Nga nhắm vào lĩnh vực năng lượng và các cơ sở hạ tầng nhạy cảm khác của đất nước trong mùa Đông này".

Tuyên bố của Tổng thống Ukraine được đưa ra ngay sau khi Mạc Tư Khoa thông báo đã ngăn chặn được 2 vụ tấn công bằng drone, được cho là do Ukraine tiến hành, một vụ nhắm vào thủ đô Mạc Tư Khoa, vụ thứ hai nhắm vào bán đảo Crimea của Ukraine bị Nga sáp nhập từ năm 2014. Theo chính quyền Nga, trong tuần lễ vừa qua, đã có 3 đợt tấn công bằng drone nhắm vào Mạc Tư Khoa.

Ngoài ra, theo thông tấn xã AFP, trong đêm hôm qua, một drone của Ukraine đã oanh kích một trụ sở cảnh sát Nga tại tỉnh biên giới Briansk, giáp với vùng Đông-Bắc Ukraine. Tỉnh trưởng Nga cho biết không có nạn nhân nào trong vụ tấn công này.

Theo thông tấn xã Reuters, Mạc Tư Khoa một lần nữa đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Hôm 30/7, cựu Tổng thống Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, Dmitry Medvedev, khẳng định Ðiện Cẩm Linh "có thể sẽ phải dùng vũ khí nguyên tử nếu cuộc phản công của Ukraine thành công", "đơn giản là sẽ không có lựa chọn nào khác. Vì vậy, kẻ thù của chúng ta nên cầu nguyện cho (thành công của) các chiến binh của chúng ta. Như vậy họ sẽ được bảo đảm rằng ngọn lửa chiến tranh nguyên tử toàn cầu không bùng lên".

Ông Medvdev đã nhiều lần đe dọa dùng nguyên tử. Trước đây, Medvedev cũng đã nhiều lần bị chỉ trích có những tuyên bố đe dọa nguyên tử nhằm ngăn cản phương Tây tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.


Nga Củng Cố Lực Lượng Hải quân, Bổ Sung Thêm 30 Chiến hạm Các Loại


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và đồng nhiệm Congo, Brazzaville Denis Sassou Nguesso (trái), dự buổi lễ kỷ niệm ngày Hải quân Nga, ngày 30/7/2023, tại Saint-Pétersbourg.)

-Nhân Ngày Hải quân Nga, hôm 30/7/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến dự lễ duyệt binh, tại Saint Petersburg, phô trương lực lượng Hải quân.

Nguyên thủ Nga cũng thông báo sẽ bổ sung thêm 30 chiến hạm các loại vào hạm đội của nước này, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine vẫn căng thẳng. Nhiều lãnh đạo Phi Châu đã được mời tới dự sự kiện này. Từ thủ đô Mạc Tư Khoa của Nga, thông tín viên Jean-Didier Revoin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

"Cùng với nguyên thủ của 4 nước Phi Châu, Tổng thống Nga đã dự buổi lễ kỷ niệm ngày Hải quân Nga ở cố đô Nga Saint Petersburg, ngay sau thượng đỉnh Nga-Phi Châu, kết thúc một ngày trước đó.

Trước sự hiện diện của lãnh đạo Burkia Faso (Ibrahim Traoré), Mali (Assimi Goïta), CH Congo (Denis Sassou-Nguesso) và Eritrea (Isaias Afwerki), Tổng thống Nga đã hoan nghênh các thủy thủ "dũng cảm"của các chiến hạm và tàu ngầm Nga, nhất hạm đội biển Đen, hạm đội đóng vai trò quan trọng trong cuộc tấn công ở Ukraine qua việc thường xuyên tham gia vào các vụ oanh tạc.

Ông Putin nhấn mạnh: "Các thủy thủ của chúng ta đã dốc toàn bộ sức lực, thể hiện một chủ nghĩa anh hùng thực sự và đã chiến đấu dũng cảm, giống như tổ tiên vĩ đại của chúng ta". Nhưng ông Putin lại không ám chỉ đến các chiến dịch đang được tiến hành ở Ukraine.

Đây cũng là dịp để Tổng thống Nga chỉ rõ rằng Mạc Tư Khoa đang không ngừng củng cố sức mạnh của lực lượng Hải quân. 45 chiến hạm và tàu ngầm cùng 3.000 thủy thủ, tham gia vào lễ diễu hành, nhân ngày Hải quân Nga. Đây là ngày lễ mà người Nga tổ chức hàng năm trên khắp đất nước, từ biển Baltic cho đến vùng Vladivostok, qua vùng biển Caspi".


Cơ Quan Biên Giới EU: Lượng Người Đến Bất Thường, Tăng 10% Trong Nửa Đầu Năm 2023


(Hình: Ảnh do lực lượng Tuần duyên Hy Lạp cung cấp vào ngày 14/6/2023 cho thấy có rất nhiều người trên một tàu đánh cá bị hỏng sau đó bị lật và chìm ngoài khơi miền Nam Hy Lạp. Frontex ước tính hơn 132.370 nỗ lực đã được thực hiện để vào EU bất hợp pháp trong 6 tháng đầu năm 2023.)

-Nhập cư bất hợp pháp vào Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã tăng một phần mười trong nửa đầu năm 2023 so với một năm trước, cơ quan phụ trách về biên giới của khối cho biết hôm thứ Hai (31/7/2023), với các tuyến Địa Trung Hải chiếm phần lớn lượng người đến.

Frontex (Cơ quan Bảo vệ Biên giới Âu Châu) báo cáo có đến 132.370 người từ bên ngoài cố vào EU qua các cửa khẩu biên giới thông thường từ đầu năm cho đến cuối tháng 6, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ quan này cho biết các điểm giao cắt ở trung tâm Địa Trung Hải đã tăng hơn một phần ba và chiếm một nửa tổng số khi lượng người từ Tunisia đến Ý Ðại Lợi tăng lên. Lưu thông trên tất cả các tuyến đường khác vào EU đã giảm so với nửa đầu năm 2022.

Đầu tháng này, EU đã ký một thỏa thuận với Tunisia để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp đến khối này, nơi quyết tâm kiểm soát chặt chẽ những người đến bằng đường biển trước các cuộc bầu cử toàn Âu Châu sẽ diễn ra trong một năm.

EU từ lâu đã thúc đẩy giảm thiểu tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ Trung Đông, Phi Châu và Á Châu, bất chấp những lời chỉ trích từ các nhóm nhân quyền rằng họ đang ủng hộ những nhà cầm quyền kém dân chủ kém để đạt được điều đó.

Cơ quan giám sát nhân quyền của EU nói họ sẽ điều tra thỏa thuận Tunisia và đang xem xét liệu Frontex có tôn trọng nghĩa vụ nhân quyền hay không, bao gồm nghĩa vụ cứu người trên biển, đồng thời giúp quản lý biên giới bên ngoài của khối 27 quốc gia.


Bộ Trưởng Quốc Phòng Ý Ðại Lợi: Tham Gia Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc Là Một Quyết Định "Tồi Tệ"


(Ảnh: Các container hàng tại cảng Thanh Đảo, phía Đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, ngày 19/2/2021.)

-Ý Ðại Lợi đã đưa ra một quyết định "ngẫu hứng và tồi tệ" khi tham gia Sáng kiến Một Vành Đai-Một Con Đường (tên tắt tiếng Anh là BRI) của Trung Quốc cách đây 4 năm, cụ thể là vào năm 2019. Trong một cuộc phỏng vấn công bố ngày 30/7/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Ðại Lợi Guido Crosetto đã có nhận xét như trên.

Phát biểu trên báo Corriere della Sera, ông Guido Crossetto giải thích: "Quyết định tham gia Con Đường Tơ Lụa (Mới) là một hành động ngẫu hứng và tồi tệ" vì đã giúp Trung Quốc gia tăng xuất cảng sang Ý Ðại Lợi, nhưng lại không có tác động tương tự đối với xuất cảng của Ý Ðại Lợi sang Trung Quốc.

Theo vị Bộ trưởng nặng ký trong chính quyền Ý Ðại Lợi hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thế nào để rút ra khỏi thỏa thuận đã ký mà không làm tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh vì "Trung Quốc quả thực là một đối thủ cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng là một đối tác".

Ý Ðại Lợi đã ký kết thỏa thuận tham gia sáng kiến "Một Vành Đai, Một Con Đường" của Trung Quốc vào năm 2019 dưới thời chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Giuseppe Conte, trở thành quốc gia lớn duy nhất của phương Tây tham gia dự án của Bắc Kinh, bất chấp việc kế hoạch này luôn bị coi là công cụ công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế.

Tuy nhiên, ngay từ trước khi lên cầm quyền tại Roma sau chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2022, bà Giorgia Meloni đã không che giấu ý muốn rút nước Ý Ðại Lợi ra khỏi sáng kiến của Trung Quốc.

Sau cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/7 vừa qua, Thủ tướng Ý Ðại Lợi Meloni cho biết chính phủ vẫn đang cân nhắc về BRI và "sẽ đưa ra quyết định trước tháng 12" tới đây.

Khi để Ý Ðại Lợi tham gia sáng kiến của Trung Quốc vào năm 2019, Thủ tướng lúc bấy giờ, Giuseppe Conte, hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế kém hiệu quả của Ý Ðại Lợi.

Thế nhưng, theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong 4 năm qua, thỏa thuận này đã không mang lại lợi ích mong muốn, với xuất cảng sang Trung Quốc chỉ tăng nhẹ, đạt tổng cộng 16,4 tỉ Euro vào năm 2022 so với 13 tỉ Euro vào năm 2019. Ngược lại, xuất cảng của Trung Quốc vào Ý Ðại Lợi đã tăng vọt từ 31,7 tỉ năm 2019, lên thành 57,5 tỉ năm 2022. Không những thế, vào năm 2022, hai đối tác thương mại chính của Ý Ðại Lợi trong khu vực đồng Euro là Pháp và Đức đã xuất cảng nhiều hơn đáng kể sang Trung Quốc, mặc dù không nằm trong dự án BRI.

Trên nguyên tắc, thỏa thuân Ý Ðại Lợi-Trung Quốc về Con Đường Tơ Lụa Mới sẽ hết hạn vào tháng 3/2024 và sẽ tự động được triển hạn trừ phi một trong hai bên thông báo quyết định rút lui.


Thống đốc DeSantis đề xuất chấm dứt thương mại bình thường vĩnh viễn với Trung Cộng
(Tiêu Nhiên)


(Hình: Thống đốc Đảng Cộng hòa Florida Ron DeSantis)

-Trong chiến dịch tranh cử ở New Hampshire ngày 31/7, Thống đốc DeSantis của Florida đã đưa ra kế hoạch kinh tế, theo đó đề xuất chấm dứt tình trạng thương mại bình thường vĩnh viễn của Mỹ đối với Trung Quốc.

Tuyên bố Độc lập Kinh tế (Declaration of Economic Independence) của ông DeSantis được chia thành 10 phần, bao gồm đạt mức tăng trưởng 3%, thực hiện độc lập về năng lượng của Mỹ, kiềm chế Cục Dự trữ Liên bang (Fed), giảm “chi tiêu liên bang lãng phí” và cải cách hệ thống tiền lương cho người Mỹ đang đi làm.

Kế hoạch kinh tế tuân theo chính sách kinh tế bảo thủ là cắt giảm các quy định và chi tiêu.

Ông DeSantis cho biết trong một bài phát biểu tại Rochester, New Hampshire: “Chúng tôi sẽ tuyên bố nền kinh tế của chúng tôi độc lập với kế hoạch của giới tinh anh thất bại làm suy yếu nước Mỹ, những chi tiêu liên bang bất chấp hậu quả đã đẩy giá cả lên cao và đưa nước Mỹ đến bờ vực phá sản”.

Thống đốc của Florida này đặc biệt đề xuất chấm dứt tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc, đảo ngược tình trạng thâm hụt thương mại và cấm nhập khẩu hàng hóa được sản xuất bằng cách vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Kể từ năm 1980, hàng năm Quốc hội Mỹ đã xem xét tình trạng thương mại tối huệ quốc (Most Favoured Nation, MFN) của Trung Quốc, theo đó cũng gia hạn nó hàng năm. Năm 1998, Mỹ ban hành luật thay đổi quy chế tối huệ quốc trong thương mại sang quy chế quan hệ thương mại bình thường. Năm 1999, Trung Quốc gia nhập WTO. Ngày 27/12/2001, Tổng thống lúc bấy giờ là George W. Bush đã chính thức công bố tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Mỹ đối với Trung Quốc.

Trong đề xuất của mình, ông DeSantis cũng chỉ trích Fed đã làm tổn hại kinh tế Mỹ bằng cách tăng lãi suất. Tuần trước, ngay cả khi lạm phát đã giảm trở lại mức 3% nhưng Fed vẫn tăng lãi suất một lần nữa đưa lên mức cao nhất trong 22 năm. Ông DeSantis muốn bổ nhiệm một chủ tịch Fed tập trung vào duy trì ổn định của đồng USD chứ không phải vì áp lực chính trị, cho rằng Fed phải tập trung vào việc ổn định giá cả; người phụ trách đó không thể là nhà hoạch định trung tâm kinh tế vô trách nhiệm.

Chủ tịch Jerome Powell của Fed sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2026.

Thống đốc này cũng cam kết sẽ chặn các đề xuất về tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương “đưa chúng ta đến gần hơn với hệ thống tín dụng xã hội”.

Chính trị gia này cũng tiếp tục tấn công cái gọi là “chính sách theo chủ nghĩa thức tỉnh (woke)”, nói rằng ông sẽ tăng cường giám sát và xem xét kỹ lưỡng các nhà quản lý quỹ hưu trí – những người xem xét các yếu tố như biến đổi khí hậu khi đưa ra quyết định đầu tư. DeSantis cho biết ông cũng sẽ yêu cầu các trường đại học chịu trách nhiệm về các khoản vay của sinh viên và tìm cách cho phép các khoản vay đó được giải ngân thông qua tuyên bố phá sản.

Kế hoạch kinh tế cũng cấm nhập khẩu hàng hóa làm ra bằng cách vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ gọi kế hoạch mới của DeSantis là cực đoan.

Trong một bản ghi nhớ gửi cho các nhà tài trợ vào tuần trước, chiến dịch tranh cử của ông DeSantis đã thông báo về khởi động lại thông điệp “Nước Mỹ vĩ đại đã trở lại” sẽ là kinh tế, biên giới, Trung Quốc và văn hóa.

Bất chấp những nỗ lực vận động, tỷ lệ ủng hộ của DeSantis không đạt được tiến bộ đáng kể. Thống đốc Florida này vẫn ở vị trí thứ hai trong cuộc đua sơ bộ, kém xa cựu Tổng thống Donald Trump với 37 điểm, theo một cuộc thăm dò mới của New York Times/Siena College.


Đảo Chính Tại Niger: Cộng Đồng Kinh Tế Tây Phi Ra Tối Hậu Thư Đe Dọa Can Thiệp Quân Sự


(Hình: Tổng thống Nigeria, Bola Ahmed Tinubu (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh với các nhà lãnh đạo Tây Phi khác sau cuộc gặp ở Abuja Nigeria, Chủ Nhật, 30/7/2023.)

-Hôm 30/7/2023, Cộng Đồng Kinh Tế Tây Phi (CÉDÉAO), bao gồm 15 thành viên, trong đó có Niger, sau cuộc họp đặc biệt tại Nigeria, đã đưa ra tối hậu thư cho quân đội đảo chính ở Niger, yêu cầu lập lại trật tự Hiến định trong vòng một tuần, trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Mohamed Bazoum và khẳng định có thể can thiệp quân sự nếu cần.

Thông tín viên Serge Daniel của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại khu vực Tây Phi giải thích thêm:

"Chính Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Kinh tế các nước Tây Phi, chủ trì cuộc họp thượng đỉnh hôm qua, đã nhấn mạnh: "Nếu trong vòng một tuần nữa, các định chế ở Niger không được lập lại, thì một trong những lựa chọn của Cédéao có thể là can thiệp quân sự. Tại sao tổ chức này lại có phản ứng cứng rắn và có thể cực đoan, đối với nhóm quân sự đảo chính ở Niger mà không có thái độ tương tự đối với trường hợp ở Guinée, Mali, Burkina Faso, là những nước cũng do quân đội lãnh đạo?

Một nhà ngoại giao Ghana trả lời: "Đó là vấn đề khả tín. Nếu chúng tôi bỏ qua cuộc đảo chính này, thì nền Dân chủ sẽ gặp nguy hiểm hơn và Cooédéo chỉ còn là một định chế nào đó".

Một nhân vật khác thuộc tổ chức này giải thích rằng "ngay khi thượng đỉnh cuối cùng của Cédéao kết thúc tại Bissau, các chuyên gia đã làm việc về việc thành lập một lực lượng dự phòng tiểu khu vực. Dự án này gần như đã hoàn thành".

Tại Abuja, theo nguồn tin của chúng tôi, nhiều quốc gia đã thông báo sẵn sàng cung cấp lực lượng quân sự nếu cần thiết. Một nhà ngoại giao Nigeria còn nói rõ hơn: "Về phần mình, một số lực lượng của chúng tôi đã sẵn sàng, ở cách biên giới với Niger không xa, để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự".

Cédéao cũng quyết định đình chỉ tất các các giao dịch thương mại, tài chánh giữa các nước thành viên với Niger, đóng băng tài sản của các viên chức quân sự tham gia vào cuộc đảo chính do tướng Abdourahamane Tchiani lãnh đạo.

Theo thông tấn xã AFP, nhiều nước, trong đó có Mỹ và Nga đã lên án cuộc đảo chính. Hôm 31/7, theo thông tấn xã AFP, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ quyết định của Cedeao. Cũng giống Pháp, sáng nay, Đức quyết định đình chỉ viện trợ phát triển cho Niger.

Mặc dù có nguồn uranium dồi dào, với khoảng 20 triệu dân, Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.


Ủng Hộ ECOWAS, EU và Hoa Kỳ Kêu Gọi Chính Quyền Quân Sự Niger Ngừng Đảo Chính


(Hình: Lực lượng an ninh Niger chuẩn bị giải tán những người biểu tình ủng hộ chính quyền tập trung bên ngoài Tòa Ðại sứ Pháp ở Niamey, thủ đô của Niger, vào ngày 30/7/2023.)

-Liên Hiệp Âu Châu và Hoa Kỳ vừa kêu gọi chính quyền quân sự mới giành được quyền lực ở Niger vào tuần trước hãy dừng cuộc đảo chính của họ và để Tổng thống Mohamed Bazoum quay trở lại chức vụ.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell hôm thứ Hai (31/7/2023) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động của Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), tổ chức mà hôm Chủ Nhật đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người lãnh đạo đảo chính và cho họ thời hạn một tuần để từ bỏ quyền lực hoặc đối mặt với các biện pháp bao gồm "sử dụng vũ lực".

Ông Borrell nói trong một tuyên bố rằng ông Bazoum phải được trao trả lại quyền lực ngay lập tức. Ông cũng cho biết EU bác bỏ các cáo buộc về sự can thiệp của ngoại quốc và họ sẽ buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm về bất kỳ cuộc tấn công nào vào dân thường hoặc các nhân viên hay cơ sở ngoại giao.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng hoan nghênh điều mà ông gọi là sự lãnh đạo mạnh mẽ của ECOWAS để "bảo vệ trật tự Hiến pháp ở Niger" và nói rằng Hoa Kỳ tham gia kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Bazoum và khôi phục chính phủ được bầu cử dân chủ của Niger.

Những người lãnh đạo cuộc đảo chính nói họ đã ra tay vào tuần trước là để đáp lại điều mà họ mô tả là tình hình an ninh ngày càng tồi tệ ở Niger và việc chính phủ thiếu hành động chống lại các phần tử thánh chiến.

Trong một tuyên bố trên truyền hình nhà nước hôm thứ Hai, chính quyền quân sự đã cáo buộc cựu thực dân cai trị Pháp muốn sử dụng hành động quân sự để giải phóng Bazoum.


Biển Đông: Liên Hiệp Âu Châu Tăng Cường Hợp Tác Với Phi Luật Tân Về An Ninh Hàng Hải


(Hình: Chủ tịch Uỷ Ban Âu Châu Ursula von der Leyen (trái) và Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr trong cuộc họp báo chung tại dinh Tổng thống Malancanang, Manila, thủ đô của Phi Luật Tân, ngày 31/7/2023.)

-Trong chuyến công du Phi Luật Tân hôm 31/7/2023, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, bà Ursula von der Leyen khẳng định sẵn sàng hợp tác với Manila để bảo vệ an ninh hàng hải tại Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu công du Phi Luật Tân kể từ hơn nửa thế kỷ nay.

Theo thông tấn xã Reuters, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. tại Manila, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu cho biết cụ thể là Liên Hiệp Âu Châu có thể hợp tác với Phi Luật Tân về "chia sẻ thông tin, tiến hành đánh giá các đe dọa và xây dựng năng lực cho lực lượng tuần duyên" của quốc gia Đông Nam Á này.

Lãnh đạo Ủy Ban Âu Châu cũng tái khẳng định ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, năm 2016, xử thắng cho Phi Luật Tân trong vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông. Bà von der Leyen nhấn mạnh: "Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực có tính ràng buộc pháp lý, tạo cơ sở để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình". Bắc Kinh không thừa nhận phán quyết của Tòa.

Về phần mình, Tổng thống Marcos khẳng định: Phi Luật Tân và Liên Hiệp Âu Châu là "hai đối tác có cùng chí hướng", "chia sẻ các giá trị chung về dân chủ, thịnh vượng bền vững và toàn diện, pháp quyền, hòa bình và ổn định cũng như nhân quyền".

Cũng trong buổi làm việc hôm nay, lãnh đạo hai bên đã nhất trí về việc tái khởi động các đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), vốn bị đình trệ từ năm 2017. Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu hy vọng Hiệp định Thương mại này sẽ cho phép Liên Hiệp Âu Châu và Phi Luật Tân bước sang một "kỷ nguyên hợp tác mới".

Liên Hiệp Âu Châu là đối tác thương mại lớn thứ tư của Phi Luật Tân, và nếu FTA được ký kết, thì đây sẽ là Thỏa thuận Thương mại Tự do song phương thứ hai của Manila, sau Nhật Bản.

Bà Von der Leyen cũng cho biết Liên Hiệp Âu Châu sẽ hỗ trợ Phi Luật Tân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo thông tấn xã AFP, Liên Hiệp Âu Châu sẽ giúp Manila 466 triệu Euro để thúc đẩy "năng lượng xanh" và tái chế nhựa, cũng như cung cấp dữ liệu vệ tinh để giúp nước này đối phó tốt hơn với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Khí hậu là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Marcos. Lãnh đạo Phi Luật Tân chủ trương nâng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của đất nước lên 35% vào năm 2030.


Miến Ðiện Chính Thức Hoãn Cuộc Bầu Cử Đã Hứa Sau Cuộc Đảo Chính 2021


(Hình: Lãnh đạo Hội đồng Quân nhân Miến Ðiện, Tướng Min Aung Hlaing.)

-Chính quyền quân sự cầm quyền Miến Ðiện chính thức hoãn cuộc bầu cử mà họ hứa sẽ diễn ra vào tháng 8 năm nay sau cuộc đảo chính năm 2021, truyền hình nhà nước đưa tin tối 31/7/2023.

Lãnh đạo Hội đồng Quân nhân, Tướng Min Aung Hlaing, trong cuộc họp hôm 31/7 với Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NDSC) do quân đội hậu thuẫn, đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng.

Quân đội đã cam kết tổ chức bầu cử trước tháng 8 năm 2023 sau khi lật đổ chính phủ dân cử do Khôi nguyên giải Nobel Aung San Suu Kyi đứng đầu, nhưng quân đội viện dẫn bạo lực đang diễn ra là lý do để hoãn cuộc bỏ phiếu.

"Trong khi tổ chức một cuộc bầu cử, để có một cuộc bầu cử tự do và công bằng, cũng như để có thể bỏ phiếu mà không sợ hãi, vẫn cần có các biện pháp an ninh cần thiết và do đó, thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp cần phải được kéo dài", tuyên bố của chính quyền trên truyền hình nhà nước nói.

Miến Ðiện rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính, với phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận sau cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những người chống đối khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây được tái áp đặt.

Quân đội lên nắm quyền sau khi cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 2020 mà đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Các nhóm giám sát bầu cử không tìm thấy bằng chứng gian lận hàng loạt.

Việc lật đổ chính phủ dân cử của bà Suu Kyi đã làm chệch hướng một thập niên cải cách, giao dịch quốc tế và tăng trưởng kinh tế, đồng thời để lại dấu vết của những cuộc đời bị đảo lộn sau đó.


Tặng Cái Tát! Nga Và Belarus Không Được Mời Tham Dự Olympic Paris 2024!


(hình: Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế, ông Thomas Bach phát biểu hôm 26/7 tại Paris.)

-Tròn một năm trước ngày Thế Vận Hội Paris 2024, hôm 26/07/2023, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Hội quốc tế (CIO) Thomas Bach gửi lời mời đến 203 thành viên đại gia đình Olympic quốc tế. Hai nước Nga và Belarus không có trong danh sách được mời.

Phát biểu tại buổi lễ đánh dấu một năm nữa sẽ khởi tranh Olympic Paris 2024, Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết sự kiện này “sẽ mang tính toàn diện hơn, trẻ trung hơn, đô thị hơn và bền vững hơn”.

Ông Thomas Bach cũng khẳng định rằng Nga và đồng minh của họ (Belarus) trong cuộc chiến tranh với Ukraine sẽ không được mời tham dự. Tuy nhiên, IOC đã để ngỏ khả năng cho các vận động viên Nga và Belarus thi đấu với tư cách đội trung lập tại Olympic Paris 2024. Ông nhấn mạnh ‘‘các vị đã biết rõ lập trường của chúng tôi’’, CIO có ‘‘các điều kiện rất rõ ràng và các liên đoàn quốc tế sẽ áp dụng’’.

Chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Hội quốc tế có mặt tại Paris ba ngày trước buổi lễ hôm 26/7. Ông cho biết ‘‘đã có những ngày tuyệt vời tại Paris. Chúng tôi đã kiểm tra công việc của ban tổ chức (…), tất cả những điều này mang lại cho chúng tôi sự tin tưởng hoàn toàn’’.

Nghi thức kết thúc với các màn trình diễn tâng bóng nghệ thuật và môn nhảy breaking. Trước đó một ngày, lần đầu tiên ngọn đuốc Olympic của Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã ra mắt trên sông Seine, với sự hiện diện của nhà điền kinh huyền thoại người da đen Usain Bolt

Nga và Belarus không được mời tham dự Olympic Paris 2024

Phát biểu tại buổi lễ đánh dấu một năm nữa sẽ khởi tranh Olympic Paris 2024, Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết sự kiện này “sẽ mang tính toàn diện hơn, trẻ trung hơn, đô thị hơn và bền vững hơn”.

Ông Thomas Bach cũng khẳng định rằng Nga và đồng minh của họ (Belarus) trong cuộc chiến tranh với Ukraine sẽ không được mời tham dự. Tuy nhiên, IOC đã để ngỏ khả năng cho các vận động viên Nga và Belarus thi đấu với tư cách đội trung lập tại Olympic Paris 2024. Ông nhấn mạnh ‘‘các vị đã biết rõ lập trường của chúng tôi’’, CIO có ‘‘các điều kiện rất rõ ràng và các liên đoàn quốc tế sẽ áp dụng’’.

Chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Hội quốc tế có mặt tại Paris ba ngày trước buổi lễ hôm 26/7. Ông cho biết ‘‘đã có những ngày tuyệt vời tại Paris. Chúng tôi đã kiểm tra công việc của ban tổ chức (…), tất cả những điều này mang lại cho chúng tôi sự tin tưởng hoàn toàn’’.

Nghi thức kết thúc với các màn trình diễn tâng bóng nghệ thuật và môn nhảy breaking. Trước đó một ngày, lần đầu tiên ngọn đuốc Olympic của Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã ra mắt trên sông Seine, với sự hiện diện của nhà điền kinh huyền thoại người da đen Usain Bolt.

IOC cũng tiết lộ có hơn 7 triệu vé đã được bán cho Olympic Paris, đây sẽ là thế vận hội đầu tiên có sự bình đẳng giới. Vì IOC đã phân bổ chính xác số lượng suất như nhau cho các vận động viên nam và nữ.

Guatemala cũng không được mời vì nước này hiện đang bị đình chỉ tham gia các phong trào Olympic do cáo buộc chính phủ can thiệp vào sự độc lập của Ủy ban Olympic quốc gia Guatemala.


Chuyện lạ: Ấn Độ Quan chức nuốt 5.000 RUPEE để tiêu hủy bằng chứng nhận hối lộ!
(Phan Anh)


(Ảnh: Chụp màn hình)

-Cụ thể, ông Patwari Gajendra Singh đã đòi 5.000 RUPEE từ người khiếu nại Chandan Singh Lodhi để giải quyết một vụ án đất đai. Do bất bình với yêu cầu của vị quan chức này, anh Lodhi đã báo cáo sự việc với cơ quan cảnh sát.

Giám đốc SPE Sanjay Sahu cho biết: “Một người đàn ông sống ở làng Barkheda đã báo cáo với chúng tôi rằng ông Patwari đòi tiền hối lộ”.

Sau khi điều tra, đội cảnh sát Jabalpur Lokayukta đã đến Bilhari và bắt quả tang ông Patwari đang nhận hối lộ tại phòng riêng. Ngay khi bị bắt, ông Patwari đã cho những tờ tiền nhận được vào miệng, nhai và nuốt số tiền đó.

Cảnh sát yêu cầu ông ta nhổ những tờ tiền giấy ra, nhưng ông này vẫn chống đối. Vị quan chức này còn cắn ngón tay của một cảnh sát khi người này cố gắng mở miệng ông ta. Sau đó, ông Patwari được đưa đến bệnh viện huyện. Sau rất nhiều nỗ lực, các nhân viên y tế cuối cùng đã lấy được được một số mảnh tiền giấy từ miệng ông Patwari.


Giới chức cho biết đã lập hồ sơ tố cáo vị quan chức này và cuộc điều tra đang được tiến hành.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Ba Người Tại Sóc Trăng và Trà Vinh Bị Bắt Theo Cáo Buộc Chống Nhà Nước


(Hình: Công an 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh khởi tố và bắt giam Thạch Cương.)

-Vào ngày 31/7/2023, ba ông Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương bị Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh khởi tố và bắt giam theo cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Công an hai tỉnh ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gồm Sóc Trăng và Trà Vinh cho truyền thông nhà nước biết như vừa nêu. Cụ thể người bị bắt và khởi tố tại Sóc Trăng là ông Danh Minh Quang - sinh năm 1987, ngụ tại ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đạo Tâm, huyện Mỹ Xuyên; còn tại Trà Vinh gồm hai người là Thạch Cương - sinh năm 1987 và Tô Hoàng Chương - sinh năm 1986, đề ngụ tại ấp Lạc Sơn, xã Thạch Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang.

Công an hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh chỉ cho biết biện pháp bắt giữ và khởi tố ba người vừa nêu xuất phát từ nguồn tin phản ánh của người dân về việc trên địa bàn hai địa phương vừa nêu gần đây xuất hiện nhiều người bị cho là "lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội nhiều bài viết, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội và tình hình an ninh, trật tự ở địa phương".

Một trong 3 người vừa bị khởi tố và bị bắt là ông Tô Hoàng Chương, người hôm 28/6 cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết ông bị Công an tỉnh Sóc Trăng chặn xe, đánh đập sau khi đi thăm một người bạn tại xã Mỹ Tâm, huyện Mỹ Xuyên về.

Ông Tô Hoàng Chương cho biết ông từng đi phát sách Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa.

Vào ngày 25/6, Liên minh Người Khmers Kampuchea Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí lên án Công an tỉnh Sóc Trăng về "hành vi đối xử tàn bạo và vô nhân đạo" đối với ông Tô Hoàng Chương.


Bộ Ngoại Giao Lên Tiếng Vụ Một Người Việt Bị Bắn Chết ở Cam Bốt Do Xô Xát


(Hình: Được cho là nghi phạm bỏ chạy sau khi gây án.)

-Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về tình hình bảo hộ công dân trong vụ xô xát xảy ra tại thủ đô Nam Vang của Cam Bốt, khiến một công dân Việt Nam chết.

Truyền thông Việt Nam cho hay tin trên trong ngày 30/7/2023, nêu thêm, Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Cam Bốt đã yêu cầu phía Cam Bốt điều tra, bắt giữ hung thủ và phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước để thông báo cho gia đình nạn nhân cũng như hướng dẫn các thủ tục cần thiết để giải quyết vấn đề hậu sự.

Theo Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Cam Bốt, vụ xô xát xảy ra ngày 29/7, tại thủ đô Nam Vang, khiến một công dân Việt Nam (sinh năm 1988) chết.

Trước đó, Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin từ tờ Khmer Times cho biết, một người Việt Nam đã bị bắn chết tại thủ đô Nam Vang lúc 1 giờ 25 chiều 29/7. Một số nguồn tin cho biết nạn nhân và nghi phạm đã xảy ra tranh cãi. Khi nạn nhân bắt đầu rời đi thì bị nghi phạm rút súng bắn chết ngay tại chỗ.

Nghi phạm sau đó rời khỏi hiện trường trên một chiếc xe hơi Lexus RX300. Sau khi điều tra, cảnh sát Cam Bốt đã bắt giữ nghi phạm, theo báo chí Cam Bốt. Hiện chưa có thông tin về động cơ giết người. Thi thể của nạn nhân đã được đưa về chùa Stung Meanchey chờ người thân đến nhận.


Thừa Thiên-Huế: Cháy Rừng Thông Hơn 40 Năm Tuổi


(Hình: Tại hiện trường, lửa cháy lan rộng, trải dài trên diện tích lớn, đồi dốc, dưới đường dây điện cao thế. Các lực lượng đang nỗ lực ngăn lửa cháy lan.)

-Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đang khống chế vụ cháy rừng thông tại xã Thuỷ Bằng, thành phố Huế.

Vụ cháy rừng thông hơn 40 năm tuổi tại khu vực rừng thông đặc dụng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước Một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong ở xã Thủy Bằng, thành phố Huế, xảy ra vào đầu giờ chiều ngày 30/7/2023. Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Hoàng Hải Minh, được truyền thông loan trong cùng ngày, xác nhận vẫn chưa thống kê được diện tích rừng thông bị cháy.

Một lãnh đạo Chi Cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết trên tờ Lao Động rằng, khoảng 2 giờ 30 chiều 30/7, đơn vị nhận được tin xảy ra cháy rừng thông nên huy động lực lượng, phương tiện đến hiện trường để dập lửa.

Do khu vực xảy ra cháy là đường dốc, nhỏ hẹp nên các phương tiện chuyên dụng không thể tiếp cận. Các lực lượng phải chữa cháy thủ công.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy-Chữa cháy tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công an thành phố Huế cháy đang trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy. Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra.

Hôm giữa tháng 7/2023, một vụ cháy rừng phòng hộ tự nhiên núi đá đã xảy ra tại phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp tỉnh Ninh Bình.

Vụ cháy không gây thiệt hại về người tuy nhiên diện tích xảy ra cháy khoảng 4.000 mét vuông. Cơ quan chức năng hiện vẫn đang điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy.


Bà Rịa-Vũng Tàu: Thêm 13 Người Bị Khởi Tố Trong Vụ Thanh Tra Giao Thông Nhận Hối Lộ


(Hình: Nhóm 13 người mới bị khởi tố thêm là các cá nhân, chủ doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh bị cáo buộc có hành vi "đưa hối lộ".)

-Vào ngày 31/7/2023, Viện Kiểm sát tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông báo đã phê chuẩn quyết định khởi tố thêm 13 bị can liên quan đến vụ án đưa và nhận hối lộ tại thanh tra giao thông tỉnh này.

Truyền thông nhà nước loan tin trong cùng ngày cho biết nhóm 13 người mới bị khởi tố thêm là các cá nhân, chủ doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh bị cáo buộc có hành vi "đưa hối lộ".

Vào đầu tháng 5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Bà Rịa-Vũng Tàu (PC03) khởi tố 4 viên chức Đội Thanh tra Giao thông thuộc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về tội "nhận hối lộ", 5 cá nhân, chủ doanh nghiệp về tội "đưa hối lộ".

Sang tháng sáu, thêm hai viên chức Thanh tra Giao thông thuộc Sở Giao thông-Vận tải bị bắt và khởi tố về tội "nhận hối lộ".

Kết luận sơ bộ của Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nêu rõ ông Lâm Hữu Trí, Thanh tra Giao thông thuộc Sở Giao thông-Vận tải tỉnh này, trước đây sử dụng hai tài khoản ngân hàng để nhận tiền hàng tháng mà các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đóng. Mục đích để Thanh tra Giao thông bỏ qua các lỗi vi phạm.

Mỗi tháng, ông Lâm Hữu Trí rút tiền hay chuyển khoản chi tiền cho những người khác trong Đội Thanh tra Giao thông theo thỏa thuận ngầm giữa họ với nhau.


Sconnect Gửi Đơn Đến 4 Bộ Đề Nghị Can Thiệp Khi Hơn 3.000 Video Wolfoo Bị Youtube Xóa


(Hình: Phim hoạt hình Wolfoo được sản xuất bởi đội ngũ nhân sự người Việt.)

-Liên quan vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo (do Sconnect Việt Nam sở hữu) và Peppa Pig do EO sở hữu, mới đây Sconnect kêu cứu khi hơn 3.000 video Wolfoo bị YouTube xóa.

Tờ VTCNews trong ngày 31/7/2023 cho biết hôm 28/7, Sconnect đã gửi báo cáo về sự vụ hơn 3000 video Wolfoo bị xóa lên Cục bản quyền tác giả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Cục Phát thanh-truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đề nghị các cơ quan này hỗ trợ trao đổi với Google và YouTube để nền tảng này ngừng tiếp nhận và chấp thuận các yêu cầu đánh bản quyền các video Wolfoo thiếu căn cứ từ phía Entertainment One UK Limited tại Vương Quốc Anh – gọi tắt là EO sở hữu).

Vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig kéo dài từ đầu năm 2022 tới nay, hai bên đã và đang khởi kiện lẫn nhau tại tòa án các nước: Nga, Anh và Việt Nam.

Tuy nhiên sau khi Sconnect gửi đơn đến các bộ, ngành Việt Nam yêu cầu can thiệp đồng thời đưa ra các bằng chứng chứng minh quyền sở hữu của nhân vật Wolfoo, YouTube sau đó đã khôi phục lại một số video Wolfoo đang bị khóa, và mở lại quyền upload 19 kênh YouTube bị chặn của Sconnect.

Mặc dù vậy, từ đầu tháng 7/2023, Sconnect tiếp tục phát giác EO có hành vi lạm dụng quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đánh gậy bản quyền trên YouTube với các video Wolfoo, đáng chú ý là Google/Youtube đã tiếp nhận và tiếp tục khóa quyền upload nhiều kênh YouTube và xóa các video Wolfoo đã được YouTube mở ra trước đây.

Theo báo cáo của Sconnect, đơn vị này đã khiếu nại, trao đổi với YouTube nhưng không nhận được phản hồi, do đó Sconnect một lần nữa "kêu cứu" tới Hội truyền thông số Việt Nam-VDCA và Cục Bản quyền tác giả, Cục Phát thanh-truyền hình và Thông tin điện tử và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Luật sư Phạm Văn Anh, Trưởng phòng Pháp chế của Sconnect được tờ VTC News dẫn lời, khẳng định: "Các khung cảnh, bối cảnh trong video Wolfoo đều được tạo ra bởi nhân sự của Sconnect. Các âm thanh đều được thu âm trực tiếp từ các diễn viên lồng tiếng người Việt. Các hình ảnh, âm thanh này được tạo ra dựa trên nguyên liệu và nguyên tắc sáng tạo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, việc EO báo cáo vi phạm bản quyền đối với các khung cảnh, bối cảnh, âm thanh và việc YouTube chấp nhận các báo cáo của EO để xóa/gỡ bỏ video Wolfoo của Sconnect là không có căn cứ và không hợp pháp".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét