Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Dạ Khúc (Sérénade) - Hai Trăm NămCô Đơn - Vương Trùng Dương

“Khi tôi muốn ca hát về tình yêu thì tình yêu lại biến thành đau khổ. nhưng khi tôi chỉ muốn hát về đau khổ thì đau khổ lại hoá thành tình yêu”.(Franz Schubert)
Nhạc sĩ người Áo Franz Schubert (1797-1828) là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất vào Thời kỳ Cổ Điển (1730-1820) & Thời Kỳ Lãng Mạn (1800-1910) ở Âu Châu. Nhạc sĩ tài danh của nhân loại nhưng lúc sinh thời, ông gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống và tình yêu. Nhạc phẩm Sérénade của Franz Schubert được phổ biến khắp nơi trên thế giới trong hai trăm năm.
<!>
Franz Schubert, Ludwig van Beethoven, Franz Liszt là học trò nổi tiếng của nhạc sĩ Ý Antonio Salieri (1750-1825) nhưng tên tuổi của Schubert không được nổi tiếng lúc sinh thời.

Schubert sống lang bạt, nay đây mai đó “Gần như cả cuộc đời, Schubert không có được một mái nhà, lại cũng chẳng có được chiếc dương cầm để bầu bạn. Vì vậy có nhiều sáng tác của chính mình, Schubert chưa bao giờ được nghe qua. Thường xuyên trong cảnh bữa đói, bữa no, sáng tác trong giá rét, Schubert có thói quen soạn nhạc vào buổi sáng, thích đi xem kịch, uống bia với bạn bè…”. Schubert nghèo đến nỗi, hàng ngày ông thường đến nhà bạn mượn piano để sáng tác.

Trong bài viết trước đây, tôi đã đề cập đến nhạc phẩm Sérénade (Khúc Nhạc Chiều, Dạ Khúc). Đây là một trong những tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng nhất, được rất nhiều ca sĩ nổi danh trình bày, và rất nhiều người yêu thích từ xưa đến nay.

Theo ghi nhận, Franz Schubert sáng tác Sérénade vào năm 1826 để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu. Để làm cho nàng bất ngờ, Schubert nhờ bạn thân là ca sĩ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Tối đó, người ta bí mật khiêng cây đàn piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn lãng mạn và độc đáo. Thế nhưng, Schubert lại quên không đến. Trớ trêu thay, cô gái lại đem lòng yêu chính chàng ca sĩ, thay vì nhạc sĩ Schubert. (Có lẽ chỉ là giai thoại để đánh dấu hoàn ảnh sáng tác nhạc phẩm?).

Gần đây, có tài liệu cho rằng, nhạc phẩm nầy sáng tác vào năm 1823 trong tâm trạng buồn chán, đổ vỡ với mối tình thầm kín trong nỗi bất hạnh của Franz Schubert!

Lied tiếng Đức với nghĩa là bài hát. Lied thường được soạn cho ca sĩ hát solo và piano hoặc violon. Người Đức sử dụng thuật ngữ đặc biệt Kunstlied (Ca Khúc Nghệ Thuật) để chỉ thể loại này. Franz Schubert đã sáng tác khoảng 600 Lieder (số nhiều của Lied).

“Schubert đã không lọt vào mắt xanh của nhà mạnh thường quân nào đó trong giới quý tộc của Áo hay Châu Âu thời bấy giờ. Cả sự nghiệp đồ sộ với trên dưới một ngàn tác phẩm, nhưng vì không có phương tiện, sinh thời chỉ có khoảng 10% những sáng tác của ông được in ấn”.

Vì vậy nhạc phẩm Sérénade được coi như nằm trong Lieder của Schubert mà trong khoảng thời gian đó nhạc sĩ không có tiền để mua giấy bút để chép lại đầy đủ.

Năm 1815 Franz Schubert mới 18 tuổi, gửi sáng tác của ông đến nhà thơ Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832), nhưng buồn thay, chẳng màng đáp lại. Với 70 bài thơ của Goethe được Schubert phổ nhạc nhưng nhà thơ chẳng quan tâm. Có lẽ cây đại thụ của thi ca Đức cho rằng “chàng nhóc ngưới Áo” dựa vào tên tuổi của ông nên lấy thơ phổ nhạc (?).

Mãi đến năm 1830, hai năm sau khi Schubert qua đời, lần đầu tiên nhà thơ Goethe mới thưởng thức bản lied Erlkonig qua tiếng hát của nữ ca sĩ Wilhelmine Schroider-Devrient. Thi nhân ân hận gởi những giọt lệ muộn màng đến một thiên tài đã âm thầm đem lại phép màu để văn thơ của Goethe thêm tỏa sáng.

Trước đây tôi có viết về “mối tơ duyên” giữa thi ca và âm nhạc. Có nhiều bài thơ được phổ nhạc, nhờ đó được phổ biến rộng rãi và nhiều người biết đến.

Nhân đây, nhắc đến đôi chút về thơ phổ nhạc ở thập niên 60, 70 ở miền Nam VN. Bài thơ Màu Tím Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan, sau năm 1954 bị cấm phổ biến ở miền Bắc vì tiêu cực, ủy mị… Bài thơ nầy được các nhạc sĩ ở miền Nam dựa vào bài thơ và ý thơ, phổ thành các ca khúc như: Những Đồi Hoa Sim của Dzũng Chinh, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà của Phạm Duy, Màu Tím Hoa Sim của Trọng Khương và Duy Khánh, Màu Tím Hoa Sim của Song Ngọc… và có thêm vài ca khúc dựa vào ý thơ nầy.

Bài thơ Mắt Người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng cũng vậy, cấm phổ biến ở miền Bắc nhưng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc Đôi Mắt Người Sơn Tây. Bài thơ Đôi Bờ của Quang Dũng do nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc… trở thành những ca khúc trữ tình được thịnh hành ở miền Nam VN.

Cũng giống như trường hợp giữa Schubert và Goethe. Năm 2018, tôi viết bài Song Ngọc, Dòng Nhạc Của Một Thời Để Nhớ, ghi lại câu chuyện:

Nhạc sĩ Song Ngọc cho biết: “Năm 1961, lúc ấy tôi mới 18 tuổi, do một tình cờ tôi phổ nhạc bài Tiễn Biệt của Nguyên Sa. Tôi có được bài Tiễn Biệt do một người bạn gái chép tặng. Tôi đã rung cảm với Tiễn Biệt và phổ thành ca khúc Tiễn Đưa. Sau đó được biết thi phẩm Tiễn Biệt là của ông Nguyên Sa, tôi tìm đến anh Nguyên Sa, lúc đó nhà anh tại đường Pasteur Sài Gòn.

... Sau khi trình bày tự sự, tôi còn nhớ anh Nguyên Sa đã nói: “Lần sau, trước khi phổ thơ của ai, cậu nhớ xin phép trước rồi sẽ phổ nhé!”... Trước lúc ra về tôi bạo dạn hỏi: “Thưa anh, anh có cho phép em ghi tên anh vào nhạc phẩm nầy không?”. Ông Nguyên Sa trả lời cụt ngủn: “Thôi, khỏi”.

Không ngờ Tiễn Đưa sau đó đã một thời được quần chúng yêu chuộng. Khi được nhà xuất bản Diên Hồng phát hành, Tiễn Đưa đã ghi tên tác giả - Thơ: Nguyên Sa, phổ nhạc Song Ngọc, mặc dù ông Nguyên Sa đã bảo “Thôi, khỏi...”.

… “Song Ngọc vui tính và hay bông đùa, khi tôi gợi lại câu chuyện trên, anh cho biết, lúc đó mình là học sinh, mới sáng tác, Nguyên Sa là giáo sư Triết nên “hai phương trời cách biệt” sau nầy cũng sinh hoạt văn nghệ với nhau, ông thầy đeo một bông mai, mình có ba cái nhưng vẫn “kính nhi viễn chi”…

“Sau đó, trong tuyển tập Tình Ca Song Ngọc, ngoài hai ca khúc Tiễn Đưa và Mai Tôi Đi, có mười bốn bài thơ của Nguyên Sa được phổ nhạc: Ru Khúc Tháng Tám, Năm Ngón Tay, Cần Thiết, Chiếc Hố, Kỳ Diệu, Nga, Chuyến Tàu Tình Ái, Tôn Nữ Thanh Hằng, Phân Thân, Hãy Đưa Tôi Ra Bờ Sông, Đẹp, Chờ Người Không Hẹn Đến, Chim Về Biển Lớn, Ru Điệu Trăm Năm”.

Trong 16 năm sáng tác, nhạc sĩ thiên tài đoản mệnh Franz Schubert để lại cho đời gần một ngàn tuyệt tác nhưng lúc sinh thời không được ca ngợi… cho đến khi lìa trần!

Trở về với cát bụi, Franz Schubert yên nghỉ tại nghĩa trang Währing, cách không xa ngôi mộ của nhạc sĩ Beethoven (qua đời vào tháng 3/1827). Năm 1888 mộ phần của ông được đưa về nghĩa trang trung tâm của thành Vienne, trong khu vực dành cho các nhạc sĩ nổi tiếng của nước Áo như Gluck, Beethoven, Johannes Brahms, Hugo Wolf…

Thiên tài âm nhạc, nhà soạn nhạc người Áo Wolfgang Mozart (1756-1791) mất ngày 5/2/1791, để lại di sản âm nhạc lừng danh trên thế giới. Nhưng khi lìa đời quá hẩm hiu, đi theo chiếc xe ngựa của đám tang ông, chỉ có một con chó!

Ở đời, biết bao cảnh tượng đau lòng đã xảy ra như vậy với những nhân tài của nhân loại, trong cao dao của ta có câu: “Lúc sống, thời chẳng cho ăn. Đến khi thác xuống, làm văn tế ruồi”.

Nhạc sĩ Trúc Phương (1933-1995) được xưng tụng là “Ông Hoàng Boléro” nhưng những năm cuối đời sống trong cảnh bần cùng, bi tảm “gia tài chỉ còn đôi dép”! Nhiều ca sĩ trong nước “ăn nên làm ra” nhờ những ca khúc của ông nhưng không trả bản quyền và đến nỗi không có bông hoa nào trên mộ ông! (Ở hải ngoại có Thanh Thuý với tấm lòng đầy nhân ái, sau đó là Giao Linh, Sơn Tuyền, Phương Hồng Quế… và Trần Quốc Bảo).

Như đã đề cập trong bài viết trước đây của tôi:

“Với bốn nhạc sĩ tài danh sáng tác bốn ca khúc Sérénade nổi tiếng nhất:

1. Sérénade số 13 của Mozart, thường được gọi là “Eine Kleine Nachtmusik” (tiếng Đức, có nghĩa “Tiểu Dạ Khúc”

2. Sérénade của Schubert thường được biết với tên “Sérénade de Schubert”

3. Sérénade của Tosti được gọi tắt là “La Serenata”

4. Sérénata của E. Toselli được mang tên Serenata “Rimpianto” (tiếng Ý: Rimpianto có nghĩa là Luyến Tiếc).

Ở Việt Nam hai ca khúc Sérénade của Shubert và Toselli được Phạm Duy chuyển sang lời Việt (Sérénade của Shubert với tựa Dạ Khúc) và (Sérénata của Toselli với tựa là Chiều Tà).

Giống như Sérénade, Nocturne thường gọi là Dạ Khúc (khúc nhạc đêm) xuất hiện khoảng thế kỷ 18. Frédéric Chopin (1810-1849) là nhạc sĩ sáng tác rất nhiều Nocturne (21 bài).

Nocturne in E minor, Op. posth. 72, No. 1 (Nocturne in E minor – Dạ Khúc cung Mi thứ) Chopin sáng tác vào năm 1827, đầu tiên của ông được công bố vào năm 1855.

Nhạc sĩ Franz Liszt (1811-1886) nhận định: “Chỉ duy nhất một thiên tài như Chopin mới đem lại cho thể loại dạ khúc tính chất nhạy cảm tinh tế và tình yêu mãnh liệt nồng cháy đến thế. Các Nocturne thơ mộng của Chopin không chỉ hát lên những bài ca du dương lòng người với những hoài niệm thanh cao dịu ngọt, mà còn lay động đến tâm trí con người những nỗi day dứt hoang mang đến ngộp thở”.

Giữa quãng thời gian Thời Kỳ Cổ Điển (1730-1820) & Thời Kỳ Lãng Mạn (1800-1910) ở Âu Châu đã xuất hiện nhiều thiên tài âm nhạc đã để lại kho táng âm nhạc phong phú nhất trên thế giới.

Nocturne cung Đô thăng thứ (Nocturne in C-sharp minor) do Chopin sáng tác năm 1830 và được công bố năm 1870, là một trong những bản nocturne hay nhất của ông. Bản nhạc này được chọn làm nhạc chính cho phim The Pianist, một bộ phim rất xúc động với bối cảnh là các trại tập trung của Đức Quốc xã.

Ở Việt Nam có các nhạc phẩm Dạ Khúc của Nguyễn My Ca (lời: Hoàng Mai Lưu), Dạ Khúc của Nguyễn Văn Quỳ vào thời tiền chiến. Ở hải ngoại có Dạ Khúc của Phạm Anh Dũng. Trước năm 1975 có Dạ Khúc Cho Tình Nhân của Lê Uyên Phương…

Với Sérénade, Nocturne, Dạ Khúc… (dù không có lời) nhưng với giai điệu, tiết tấu cũng mường tượng hình ảnh cô đơn, mang nỗi buồn man mác xa xôi!

Thông thường những nhạc phẩm với hình ảnh chiều tàn với Giai Điệu (Le Mélodie) nhẹ nhàng với cung bậc trầm/bổng, Tiết Tấu (Le Rythme) khoan thai dễ ru vào lòng người.

Điển hình các khúc với hình ảnh liên quan đến chiều qua các nhạc phẩm của các nhạc sĩ từ thời tiền chiến và trước năm 1975 ở miền Nam VN:

Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh, Lá Đỗ Muôn Chiều của Đoàn Chuẩn & Từ Linh, Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ, Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước, Chiều của Dương Thiệu Tước (thơ Hồ Dzếnh), Bóng Chiều Xưa (Tango) của Dương Thiệu Tước, Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn, Nương Chiều, Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy, Chiều Thu Ấy, Chiều Hoang Vắng của Lam Phương, Đò Chiều của Trúc Phương, Chiều Thương Đô Thị của Song Ngọc & Hoài Linh, Ý Nhạc Chiều của Nguyễn Hiền, Chiều Tím của Đan Thọ (lời Đinh Hùng), Hình Ảnh Một Buổi Chiều của Lâm Tuyền (lời Dạ Chung), Khúc Nhạc Chiều Mơ của Ngọc Bích, Chiều Cố Đô của Hoàng Thi Thơ, Đà Lạt Hoàng Hôn của Minh Kỳ & Dạ Cầm, Chiều Làng Em (vui vẻ), Chiều Cuối Tuần của Trúc Phương, Tình Khúc Chiều Mưa của Nguyễn Ánh 9, Nhớ Một Chiều Xuân của Nguyễn Văn Đông, Sương Lạnh Chiều Đông của Mạnh Phát, Một Chiều Đông của Tuấn Khanh…

Với hình ảnh đời lính vẫn thuần túy về nghệt thuật trong những ca khúc trữ tình: Chiều Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông, Chiều Trên Phá Tam Giang của Trần Thiện Thanh (thơ Tô Thuỳ Yên), Chiều Hành Quân của Lam Phương, Chiều Biên Khu của Tuấn Khanh, Chiều Trong Rừng Thẳm của Anh Việt…

Nhưng có khi nhanh, dồn dập khi “Màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng…” như Đêm Đô Thị của Y Vân. Đây là ca khúc rất tiệt kiệm lời ca nhất vì trong 3 điệp khúc có 6 câu với “Lá lá lá lá la la, lá lá lá lá la” cũng thật thú vị.

Nếu so sánh với 4 ca khúc nhạc chiều với các nhạc sĩ lừng danh trên thế giới: Mozart, Schubert, Tosti và E. Toselli như trên… thì nhạc chiều của các nhạc sĩ Việt Nam rất phong phú.

(Tôi cũng thuộc “thành phần thính giả” khó tính khi chọn nhạc để thưởng thức nhạc phẩm với nhạc sĩ và ca sĩ. Trước kia mua casette, CD… chỉ có một, hai ca khúc yêu thích, và chỉ nghe ca khúc đó. Trong thời gian bị Covid-19, bị cấm cung ở nhà trong 16 tháng, buổi sáng ra backyard uống cà phê, ngắm cây cảnh, buổi chiều ngồi trong garage viết lách, nghe nhạc. Nhờ có YouTube nên tha hồ chọn ca khúc để thưởng thức “Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói buồn bay lên cao”! Nếu không có nó, dễ bị stress vì tin tức toàn là chuyện chết chóc, thảm họa, tang thương, mạng sống qua mong manh, ranh giới giữa sống và chết trong gang tấc, không thể nào lường! Với nhạc cổ điển Tây phương, nay có Ipad cũng là phương tiện để ru tuổi già vào giấc ngủ).

Trở lại Sérénade của Franz Schubert, qua lời Việt: Dạ Khúc của Phạm Duy:

“Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người
Thấy run run trong chiều phai.
Vẻ sầu của đoá cười
Tình bền của lứa đôi
Thoáng hương trong chiều rơi.
Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời
Cho người thôi khóc thương ai
Cho niềm yêu đến bên tôi.
Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu
Ru người qua chốn thương đau
Cho làn nước mắt chìm sâu.
Tình đời toả mát màu
Chiều nay là lúc đầu
Nói cho nhau nghe đời sau.
Nhẹ nhàng người đắm sầu
Kể lể chuyện kiếp nao
Có ai chia lìa nhau.
Một ngày đó tóc mây đã phai mầu
Có chờ ta oán trách đâu
Có vì duyên kiếp không lâu.
Ðời sẽ thấy chúng ta sống không cầu
Cho tình cứ úa phai mau
Cho người cứ mãi phụ nhau.
Dù một ngày đời sẽ vỡ tan rồi
Người về khuất chân trời
Nhớ nuôi cho hương một chiều
Vương vấn đời…!
Cuộc tình vĩnh viễn xa vời
Chỉ còn thương nhớ mà thôi!”
Có nhiều ca sĩ trình bày, với tôi, tiếng hát Thái Thanh trước năm 1975 rất tuyệt, từ xưa đến nay.

Mời nghe lại qua YouTube:


Nếu dựa theo nguồn tin mới về thời điểm nhạc phẩm Sérénade của F. Schubert như vậy thì đến nay tròn hai trăm năm. Hai thế kỷ đã qua của nhạc sĩ tài danh nhưng mệnh bạc!

Triết gia Kierkegaard cho rằng “Tôi chỉ có một người bạn, và đó là tiếng vọng. Tại sao nó lại là bạn của tôi? Vì tôi yêu nỗi buồn của mình, và tiếng vọng không cướp mất nó. Tôi chỉ có một người bạn tâm tình, và đó là sự im lặng của trong đêm”. Và khi bóng đêm hiện về, trong im lặng, cô tịch thường gợi nhớ nỗi buồn của quá khứ.

Với tôi, 48 năm tròn, vẫn mang nặng quá khứ (có thể cũng là sự trùng hợp đâu đó với những người lâm vào hoàn cảnh như tôi, còn ở quê nhà hay nơi xứ người) trải qua thăng trầm của cuộc đời.

Ngày 17 tháng 3 năm 1975, gia đình chị Cả (chị Hai) và chị Sáu theo đoàn quân “di tản chiến thuật” từ Pleiku theo tỉnh lộ 7B về Tuy Hòa, Nha Trang… Theo tin tức đài BBC, cuộc di tản thảm khốc kinh hoàng xảy ra trên lộ trình di chuyển nhưng tôi không biết tin số phận thế nào?

Ngày 24/3, cảm thấy Đà Lạt bất an, vợ tôi xin phép nghỉ dạy, mang hai đứa con nhỏ về gia đình ở Nha Trang (trong lúc đang mang thai đứa con gái út)…

Cuối tháng 3/1975, Đà Lạt “di tản chiến thuật” lúc 6 giờ chiều theo Ql 27 từ Đà Lạt xuống Phan Rang (Ninh Thuận). Buổi chiều hôm đó, Trần Ngọc Phụng mượn chiếc xe Lambretta của tôi nhưng khi trả lại thì hết xăng mà tôi không biết. Khi đơn vị di chuyển, tôi cưỡi xe Lambretta từ quân trường đến bên kia hồ Xuân Hương thì hết xăng đành vất xe và cái xách marin nhà binh, đeo ba-lô bám theo xe đò xuống Phan Rang. Khi đến đèo Ngoạn Mục (ranh giới giữa tỉnh Tuyên Đức & Ninh Thuận) xe cộ bị tắc nghẽn, ứ đọng nên phải lội bộ một quãng đường dài… Đến Phan Rang trong lúc hỗn loạn, tôi quay ra Nha Trang tìm thân nhân. Lội bộ trên QL I nhưng không có phương tiện nào ra Nha Trang, chỉ thấy đoàn người từ miền Trung chạy vào Sài Gòn. Quay trở lại đơn vị thì đã di chuyển, thôi đành theo đoàn người xuôi Nam.

Ngày 2/4, khi đến Bình Tuy, tin tức cho biết Nha Trang thất thủ, tôi tuyệt vọng không biết thân nhân trong đại gia đình còn kẹt lai hay trôi dạt phương nào!

Thế là từ đó, tôi lang thang trên các bãi biển từ Bình Tuy, Phan Thiết vào Sài Gòn rồi ra Vũng Tàu. Không biết tin gia đình hai người chị và vợ con ở đâu, thế nào? Mẹ già và gia đình anh chị ở Hội An cũng bặt tin!

Hai lần ra Vũng Tàu tìm thân nhân, ở đó, có cơ hội “dọt” lên tàu ra khơi nhưng tôi không thể nào đi. Đây là quãng thời gian, cô đơn, nghiệt ngã, tâm trạng rối bời… Những buổi chiều lang thang trên các bãi biển trong nỗi tuyệt vọng! Làm sao dứt bỏ tất cả người thân tín để sống nơi xứ người dù biết rằng ở lại sẽ nhận hậu quả cay đắng nhưng không còn lựa chọn nào hơn!

Năm 2021, nhà thơ Triều Hoa Đại trong phỏng vấn (trò chuyện) với tôi cho tập san Ngôn Ngữ và tuyển tập Văn Học Đốt Lửa Soi Rừng. Khi tôi chia sẻ vào thời điểm tháng 4/1975, anh đặt câu hỏi, nếu quay ngược thời gian, ra đi hay ở lại?. Tôi trả lời dứt khoát vẫn với quyết định ở lại. Giữa hai cái giá nghiệt ngã phải trả thì lương tâm của người con, người chồng, người cha… vào lúc đen tối mà còn có nhau, dù đắng cay nhưng đành chấp nhận.

Tôi rất mê ngắm biển lúc hoàng hôn, và có nhiều kỷ niệm khó quên từ thuở nhỏ còn đi học ở phố cổ Hội An, rong chơi ở Cửa Đại… tháng ngày ở Nha Trang với người yêu… Nhưng với tôi trước thực trạng các bãi biển trong tháng 4/1975 toàn là xám đen, tăm tối!

Lúc đó, hành lý mang theo chỉ còn cái radio bỏ túi nhưng chỉ nghe tin tức, toàn là tin xấu, lòng quặn đau, không còn bụng dạ nào nghe nhạc, dù là những bản nhạc buồn…

Nay tuổi già, nơi xứ người, vào thời điểm nầy, nghe Sérénade, Nocturne, Dạ Khúc với cung bậc và lời ca rất thấm thía.

Nữ sĩ Hoa Kỳ Louisa May Alcott (1832-1988) với câu nói: “Hãy giữ gìn ký ức của mình, hãy bảo vệ chúng…” thật chí lý. Nhà lập quốc HK Benjamin Franklin (1706-1790) với lời khuyên: “Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm ngày hôm nay” nên ghi lại đôi dòng, vì nếu không viết sẽ phôi phai theo tuổi tác và thời gian!

Little Saigon, April 2023

Vương Trùng Dương
VTrD Serenade.doc

Không có nhận xét nào: