“Việt Cộng ở phía tàu mắc cạn hình như đã đến gần tuyến vì tôi nghe tiếng súng mỗi lúc một chát chúa hơn. Tiếng súng phòng thủ của tiểu đoàn 5 chỉ còn là cầm chừng vì mỗi lúc tôi thấy một thưa hơn… Tôi nằm đắp chung poncho với cô gái. Hơi ấm từ người nàng làm tôi khó chịu, không phải tôi khó chịu cô gái mà tôi khó chịu tôi. Đời thuở nhà ai, trong hoàn cảnh này, người ta ai cũng phải lo mà giữ sức khỏe, còn tôi, tôi lại muốn phung phí sức khỏe. Bộ chưa đủ mệt hay sao?... Bàn tay tầm bậy của tôi mầy mò tứ tung trong poncho.
<!>
Cô gái không có thái độ hoan hô hay đả đảo gì ra mặt, nhưng người cô ta đang từ âm ấm chuyển dần sang nóng, hơi thở dồn dập và rõ tiếng hơn. Đến một lúc thuận tiện, tôi tìm một vị thế thích hợp. Nhưng vị thế thuận tiện đã không có với chúng tôi. Cát dính lung tung lên người chúng tôi, ở dưới hố thì hố được đào cong vòng như cái võng, kéo nhau lên trên miệng hố, đạn Việt Cộng bay loạn xạ ở tầm rất thấp. Rất thèm, nhưng thôi thì đành chịu, lắc đầu, chép miệng, ngậm ngùi.”
Trích đoạn trên từ cuốn hồi ký Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy. Chuyện xảy ra vào ngày 26 tháng 3 năm 1975, khi các tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến tập trung trên bờ biển Thuận An để xuống tàu rút về Nam. Cuộc di tản thất bại. Dân chúng và các binh sĩ thuộc các binh chủng khác đã tràn ra bờ biển, tranh dành nhau xuống tàu gây nên cảnh hỗn loạn, bắn giết nhau. Hoạt cảnh trên xảy ra khi những binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đành phải quay trở lại, lập phòng tuyến chống lại Việt cộng đang tràn tới. Binh sĩ tập họp tạm thời không đội ngũ, súng ống vá ráp nhặt nhạnh được gì dùng nấy. Phòng tuyến chỉ là tạm bợ, trước sau gì cũng bị địch quân tràn ngập. Trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng như vậy, ông Trung Úy Cao Xuân Huy xài súng lung tung. Súng này súng khác. Súng trên tay, súng trong người. Cứ loạn cả lên!
Súng là một nét nam nhi. Không súng như hoạn quan hay dùng súng sai mục tiêu như dân gay, õng ẹo liền! Nam nhi đâu thấy! Nam nhi nên súng phải như thép. Oai hùng và nghễu nghện. Đó là nói về súng khi chinh chiến. Còn khi súng ở thế nghỉ cũng èo uột chun choen. Chuyện thường tình như vậy, ai chẳng biết, dù thuộc giới có súng hay không.
Trong giờ giải phẫu sinh lý, giáo sư hỏi: “Các em hãy cho tôi biết bộ phận nào của cơ thể sẽ tăng kích thước lên gấp bốn lần ở trạng thái hưng phấn?”
Một nữ sinh ngồi ở hàng ghế đầu cười khúc khích, che miệng ấp úng:
“Hì, hì…”
Đợi câu trả lời không được, giáo sư nói tiếp:
“Đó là đồng tử của mắt! Còn cái không nói, chỉ hì hì… thì giỏi lắm chỉ tăng lên được gấp đôi thôi!”
Chỉ tăng gấp đôi, vậy mà không phải muốn là được. Khi cơ thể tàn lụi với thời gian, súng siếc nản lắm. Mà chẳng cứ súng, thứ gì trong cơ thể cũng xuống cấp.
Trên thời móm mém nhai chẳng vỡ
Dưới lại chun choen nhét chẳng vào!
Nói như vậy nhưng anh hùng về chiều cũng chẳng nên nản chí. Không phải khi tuổi tác chồng chất lên cao là súng hết gân guốc. Cũng còn vớt vát được. Thậm chí 70 hoặc 80 tuổi đôi khi súng vẫn cương cường như ai. Dĩ nhiên chẳng có thể đến hẹn lại lên như thuở thanh xuân mà phải dỗ dành phát mệt. Nhiều súng khó tính dỗ dành cũng cứ gặp nhau làm ngơ. Trước đây thì… thày chạy. Vài năm gần đây có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Danh sách các anh hùng cứu bồ gồm Viagra, Levitra, Cialis. Bạn nào muốn thấy công đức của các vị anh hùng này thì cứ mở TV xem mục quảng cáo có mấy ông vừa tắm vừa hát vang nhà vang cửa thì biết!
Anh hùng có anh hùng chính hiệu, có anh hùng… rơm! Loại anh hùng hại súng này đang hoành hành tại Việt Nam. Đó là các loại thuốc dỏm bán đầy ở các chợ trời và ngay cả trong nhà thuốc nữa. Thuốc dỏm không phải là không có công hiệu, trái lại nó công hiệu quá trớn. Dựng cờ cứu nước, nước cứu xong rồi, cờ vẫn hiên ngang không chịu cuốn! Như trường hợp anh H.Q.T., cư ngụ ở Vĩnh Long, trung tuần tháng 3 vừa qua, đã phải đưa vào cứu cấp tại Bệnh Viện Bình Dân trong tình trạng súng như khúc cây, đau tức ở vùng hạ bộ, tiểu tiện khó khăn. Lý do: anh dùng Viagra dỏm. Anh T. cho biết, sau khi dùng ¼ viên thấy hiệu nghiệm. Hai ngày sau, thuốc vẫn còn hiệu nghiệm! Súng ống nhất định không chịu thao diễn nghỉ! Hoảng quá, anh vội cầu cứu tới bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Thành Như phải dùng phẫu thuật để… hạ cờ! Nếu để trễ hơn sẽ đưa tới tình trạng xơ hóa chú nhỏ, nếu có trở về tình trạng cũ thì súng ống cũng hết xài. Chỉ có nước cho vào kho phế liệu! Như trường hợp anh D., 34 tuổi, cư ngụ ở Tiền Giang. Anh cứ cờ bay cờ bay đến 4 ngày mới tìm tới bệnh viện. Bác sĩ cũng đành bó tay. Mới 34 tuổi đã vĩnh viễn giã từ vũ khí. Thảm thương thay!
Súng cương cường quá đáng vì dùng thuốc dỏm là một chuyện. Nhiều nam nhi bình thường cũng… rối loạn cương dương. Rối loạn cương dương là một danh từ văn hoa để chỉ tình trạng lảng nhách: khi cần thì súng ống ủ rũ, khi không cần thì cương cường vươn lên. Có ông đang ngồi họp, đang đi trên đường, không có kích thích gì cả, tự nhiên cờ bay thẳng cánh, can cũng không được. Vậy mà khi trận chiến bày ra, cuộc cờ sắp vui thì súng ống lại… đi ngủ ! Theo các công trình nghiên cứu tại Việt Nam thì có 15,7% nam giới nước ta bị chứng bệnh lảng xẹt này. Theo một cuộc điều tra của Khoa Tiết Niệu, bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, thì bệnh này phát triển tùy theo tuổi tác và ngành nghề. Lứa tuổi từ 18 đến 30: 10,8%; từ 41 đến 50: 44%; trên 60 tuổi: 57%. Theo ngành nghề thì công chức: 74%; công nhân: 6,5%; nông dân: 3,2%; cựu chiến binh: 14%; nhà văn nhà báo: 1,6%; thương gia: 6,5%. Kết quả này không được các nhà điều tra giải thích gì cả. Tại sao có giới bị ít, có giới bị nhiều? Chịu! Tôi chỉ chú ý tới điểm các nhà văn nhà báo chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Cứ trăm ông mới có 1,6 ông dính. Đâu tới lượt mình!
Súng có nhiều loại. Súng lục, súng trường, súng liên thanh, súng đại bác… Súng bắn nước cũng có nhiều cỡ. Lớn nhỏ tùy theo… ý trời. Các nam nhi mới lớn, chiến trường chưa xông pha vẫn cứ hay thắc mắc là khẩu súng cơ hữu của mình có đủ khả năng chiến đấu không? Hơi đâu mà lo. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã chẳng từng thơ: rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả / ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau đấy sao! Nhưng con tạo nhiều khi cũng chơi khăm. Cứ 200 trự thì có một trự được phú cho khẩu súng có cũng như không, chẳng nên cơm nên cháo gì cả. Như anh chàng Sergei, cư dân của một ngôi làng không được nêu tên tại Tây Bá Lợi Á chẳng hạn. Súng của anh khi cờ bay cũng chỉ vỏn vẹn được có 5 phân! Năm phân là một con số vô ích. Chẳng vào tới đâu cả.
Anh phải tìm lên thủ đô Mạc Tư Khoa tìm tới nhà giải phẫu tài ba Mikhail Sokolshchik thuộc Trung Tâm Y Khoa Giải Phẫu Quốc Gia để điều chỉnh súng. Nhà… sửa súng này đã có 13 năm kinh nghiệm trong nghề, đã tiến hành hàng ngàn vụ, từ những vụ đổi giống từ nữ nhi sang nam tử đến những vụ tai nạn gẫy súng hoặc súng thiếu kích cỡ. Anh Sergei đã phải chi ra 2500 đô để tân trang súng. Trong một cuộc giải phẫu kéo dài tới 11 tiếng đồng hồ, chuyên viên sửa súng Mikhail đã cắt rời phần đầu súng của bệnh nhân, cấy nó vào phần trên cánh tay trái của anh để giữ cho nó sống. Sau đó ông cắt hai lớp da trên phần dưới cánh tay rồi quấn quanh một ống nối bằng chất silicone. Thủ thuật kế tiếp là nối phần của quý vào với chiếc ống này, lấy cả phần tân trang mới này ra khỏi cánh tay và nối lại với phần gốc ở vị trí cũ. Thế là xong. Anh Sergei có một khẩu súng kích cỡ dài tới gần 17 phân. Phẫu thuật gia Mikhail cho biết là súng tuy là tân trang nhưng dùng tốt như súng mới, có thể bắn vung vít và làm sưng bụng được như các khẩu súng thông thường khác!
Bắn vung vít, nói vậy mà không phải vậy! Có họa là sức voi! Nhịp bắn tùy theo từng người. Các nhà điều tra và thống kê thích qui chuyện bắn biếc theo từng dân tộc. Theo điều tra của hãng bao cao su Durex thì dân Pháp ngày nay đang chiếm huy chương vàng về bắn. Trung bình mỗi năm 137 lần. Theo sát là dân Hy Lạp: 133 lần; Serbia: 131 lần, đồng hạng với dân Hung Gia Lợi. Còn con rồng cháu tiên thì sao? Thưa 87 lần, tần số bắn chỉ bằng 64% so với huy chương vàng Pháp! Bà Khuất Thị Hải Oanh thuộc Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội tại Hà Nội cho rằng như vậy, đối với người Việt Nam, cũng coi là được!
Súng là một cách nói đánh lạc hướng. Thực ra cái củ lẳng có rất nhiều tên. Khỏi điểm hết ra đây, hải nội chư quân tử cũng đã đọc lên vanh vách. Nhưng cái tên cúng cơm của nó thì ai cũng ngại nói ra. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc vừa có một bài viết trên diễn đàn Talawas mang cái tên rất dân gian. Bài “ Con c..”. Cái tên nghe đã thấy thách thức. Đó là tôi đã mạn phép dùng hai dấu chấm để dấu đi một nguyên âm và một phụ âm, được trang điểm thêm dấu á dấu nặng đàng hoàng. Bài viết đã mang cái vật thể ở miệt dưới lên một nấc rất cao: nấc văn hóa!
“Mang tính văn hóa, c.. không phải chỉ là một vật thể mà còn là một ký hiệu, hơn nữa, một ẩn dụ, tồn tại như một biểu tượng, nghĩa là vừa là nó lại vừa không phải là nó. Nó là biểu tượng của vô số điều khác nhau: với các nhà sinh học, nó là biểu tượng của sự truyền giống; với các nhà đạo đức, nó là biểu tượng của xác thịt và của sự phàm tục, một đối cực của tinh thần và sự linh thiêng; với các nhà nữ quyền, nó là khí cụ dùng để trấn áp; với các nhà thẩm mỹ truyền thống, nó là biểu tượng của sự tục tằn; với các nhà thẩm mỹ theo khuynh hướng cách tân, nó là… cách mạng..v..v..
Tính biểu tượng ấy làm cho c.. trở thành từ đa nghĩa và đa tầng: nó thâu tóm trong nó cả lịch sử nhận thức và lịch sử thẩm mỹ của một cộng đồng. Người ta đối diện với nó không phải chỉ với tư cách một cá nhân mà còn với tư cách của một tập thể và một lịch sử. Cảm giác thích thú hay khó chịu của người đọc khi đọc bài viết này là một thứ phản ứng có điều kiện, được hình thành dần dần qua thời gian, với vô số những tác động từ bên ngoài, chứ tuyệt đối không phải là một cái gì tự nhiên nhi nhiên. Bắt chước cách nói đã thành sáo ngữ, tôi có thể nói thế này: bạn hãy cho tôi biết bạn có cảm giác như thế nào khi đọc chữ “con c..” trong bài viết này, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai.”
Bạn là ai? Tôi đâm ra bối rối! Cái thứ con người cứ phải giấu giấu giếm giếm, tưởng như thể là một thứ rất hạ tiện bỗng được khoác cho những thứ vừa to lớn vừa trí thức vừa đụng tới lịch sử. Không phải là lịch sử của một triều đại, một dân tộc đâu nhé, mà là lịch sử của… văn minh nhân loại!
Cái mà từ đầu bài tới giờ tôi gọi một cách lảng nhách là súng đã được nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc bơm lên thành một vật thể quan trọng. Nó là cái mà ông Ba Mươi cũng phải sợ. Nguyễn Hưng Quốc đã nhắc lại một truyện tiếu lâm ngày xưa.
Một hôm, một con cọp đến rình rập quanh một mái nhà tranh lụp xụp cạnh một khu rừng. Nó nghe hai vợ chồng trong nhà chuyện trò. Người chồng hỏi: “Nghe nói dạo rày cọp hay ra bắt người lắm, mình có sợ không?” Người vợ đùa, bỗ bã: “C.. còn không sợ, sợ gì cọp.” Con cọp không hiểu “c..” là gì nên rất đỗi hoang mang. Nó nghĩ thầm: đó hẳn là một con vật gì ghê gớm lắm, nhất định là ghê gớm hơn cả cọp. Từ hoang mang đến sợ hãi, nó lặng lẽ bỏ đi. Trên đường, tình cờ nó gặp một bà già. Bà già kinh hoàng, ngồi thụp xuống và co rúm người lại, nhưng con cọp trấn an: “Đừng sợ. Tôi không ăn thịt bà đâu. Tuy nhiên, bà phải thành thực trả lời tôi câu hỏi này: con c.. là con gì mà nghe nói còn ghê gớm hơn cả cọp thế?” Bà già nhanh trí, hiểu ngay, bèn trả lời: “Ối dào, ông ấy khủng khiếp lắm. Ông ấy cắn tôi một cái mà đến nay đã mấy chục năm rồi vết thương vẫn chưa lành.” Nói xong, bà lấy tay quẹt vào dưới đáy quần rồi dí vào mũi cọp. Con cọp ngửi mùi, phát khiếp, phóng chạy như bay, tự nhủ: “Độc thật! Nguy hiểm thật!”
Cái thứ mà cọp phát khiếp, nhà thơ Hồ Xuân Hương lại na ná gọi là… cọc! Nó cũng ghê gớm lắm.
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không!
Dù ai nói đông nói tây, tôi vẫn cứ khoái gọi cái mà chúng ta nói tới là súng. Nghe vừa oai hùng, vừa chinh chiến, vừa khói lửa mịt mù, vừa trưởng thượng, vừa quyền uy, vừa hùng dũng, vừa gân guốc hết biết.
Súng đã nằm từ đầu bài với Tháng Ba Gãy Súng của nhà văn Cao Xuân Huy. Cuối bài, tôi muốn nhắc đến thơ của ông bạn Hoàng Xuân Sơn cảm đề Tháng Ba Gãy Súng.
Không thể nào không nhớ
đạn nổ rền trong đầu
bảng tên đời mốc thếch
gãy súng rồi về đâu!
Gãy súng
gãy súng
tháng ba gãy
tay gờm chân dợm chạy
tháng ba dợm chạy
gãy súng rồi
chạy đâu!
Súng gãy, chạy đâu được! Có chạy về nhà cũng không xong. Nước non gì nữa!
Song Thao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét