Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Cuộc đời và sự nghiệp ca sĩ Quỳnh Giao (1946 – 2014)

Ca sĩ Quỳnh Giao
Những ai yêu âm nhạc trước năm 1975 chắc hẳn sẽ chưa quên được cô ca sĩ Quỳnh Giao với giọng hát cao vút, trong vắt như pha lê, có người còn gọi cô là “tiếng hát thuỷ tinh”. Không những được biết đến là một nữ ca sĩ nổi danh từ sớm, cô còn được biết đến là một người am hiểu kiến thức âm nhạc, nghệ thuật sâu rộng. Ngoài ra, Quỳnh Giao còn thể hiện tài năng trong lãnh vực viết lách, có thể nói cho tới giờ phút này, ít ai có được những thuận lợi để viết về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ của mình hơn là Quỳnh Giao. Quỳnh Giao sinh ngày 8 tháng 10 năm 1946 tại Vỹ Dạ của cố đô Huế, cô có khuê danh là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang. Quỳnh Giao có thân thế thuộc “Hoàng phái” từ cha mẹ là ông Ưng Quả và danh ca Minh Trang.
<!
Thân Phụ Quỳnh Giao là Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905 – 1951), ông là cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh, tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, người con thứ 11 của vua Minh Mạng và là em vua Thiệu Trị. Ưng Quả được biết đến là một học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các đại học thời độc lập. Học Giả Ưng Quả từng là Thái Tử Thiếu Bảo khi dạy học Thái Tử Bảo Long, Hiệu trưởng trường Quốc Học tại Huế, giám đốc Nha Học Chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ… Ngoài ra, ông còn là một người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển.

Ông Ưng Quả mất vào năm 1951 sau một cơn truỵ tim, khi Quỳnh Giao mới lên năm.

Thân mẫu Quỳnh Giao là danh ca Minh Trang, bà khuê danh là Nguyễn Thị Ngọc Trâm (1921-2010) , là con gái của Thượng Thư Nguyễn Hy. Minh Trang là cháu ngoại của Công Chúa Công Tằng Tôn Nữ Tốn Tùy, tức Mỹ Lương Công Chúa. Công Chúa Mỹ Lương được người đương thời tôn xưng là “Ngài Chúa Nhất” vì là chị cả của vua Thành Thái. Danh ca Minh Trang từng tốt nghiệp Tú Tài Pháp, làm biên tập viên và xướng ngôn viên song ngữ Pháp-Việt trong lãnh vực phát thanh từ thời Pháp. Nghệ danh Minh Trang được bà sử dụng từ khi hát cho đài Pháp Á vào thời sơ khai của nền tân nhạc Việt Nam.

Quỳnh Giao sống ở Huế đến năm bảy tuổi thì vào Sài Gòn sống với thân mẫu và kế phụ là Dương Thiệu Tước – một nghệ sĩ đã góp phần khai phá nền tân nhạc cải cách, nhạc sư đàn Tây Ban Cầm và là cháu nội của danh sĩ, Thượng thư Dương Khuê.

Một phần do huyết thống cùng với sống trong môi trường âm nhạc nên Quỳnh Giao có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ.

Ngay từ khi danh ca Minh Trang lập ban thiếu nhi đầu tiên mang tên “Thiếu sinh nhi đồng” thì Quỳnh Giao đã cùng anh trai tham gia vào ban cùng với tiếng hát thiếu nhi của Mai Hương, Bích Chiêu, Bạch Tuyết, Kim Chi, Quốc Thắng và Tuấn Ngọc….

Khi vừa vào lớp trung tiểu học, Quỳnh Giao đã tham gia học nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc (trường có thêm Ban Kịch Nghệ sau này), cô được danh sư Ðỗ Thế Phiệt (dì Ngọc Thuyền trong gia đình) dìu dắt về dương cầm và được nhạc sĩ Hùng Lân chỉ dạy về nhạc lý. Với nhạc sĩ Hùng Lân, Quỳnh Giao là một trong những học trò xuất sắc nhất của ông. Sau bảy năm học nhạc, đến năm 1963, Quỳnh Giao tốt nghiệp thủ khoa về dương cầm lẫn nhạc pháp, và sau này còn được sự dìu dắt về thanh nhạc của một giáo sư người Pháp, được gọi là Madame Robin.
Quỳnh Giao là nghệ sĩ dương cầm xuất sắc

Quỳnh Giao là một dương cầm thủ xuất sắc, cô đã trình tấu cùng nhiều danh cầm Việt Nam và ngoại quốc trong Dàn Nhạc Giao Hưởng của trường Quốc Gia Âm Nhạc dưới sự điều khiển của Nhạc Trưởng Ðỗ Thế Phiệt và nhiều lần xuất hiện trong các chương trình hòa nhạc tại Ðông Nam Á.

Vào năm 1961, khi bà Minh Trang đang cộng tác với ban Tây Hồ của nhạc sĩ Hoàng Trọng thì bị mất giọng do căn bệnh hen suyễn nên Quỳnh Giao được mời vào hát thay thế cho mẹ, khi ấy cô mới 15 tuổi. Từ đó Quỳnh Giao vừa đi học vừa đi hát tại các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Ðội, Tiếng Nói Tự Do và đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam sau này, trong các ban nhạc của Vũ Thành, Hoàng Trọng, Hoàng Lang, Phạm Duy, Anh Ngọc, v.v….

Trong lĩnh vực phát thanh có đào tạo chuyên nghiệp thời bấy giờ, các ca sĩ không được chọn ca khúc mà phải trình bày những bản nhạc có hòa âm sẵn theo yêu cầu tại chỗ của nhạc trưởng. Ngoài giọng ca, các ca sĩ còn phải biết ký âm pháp, giỏi nhạc, một ngày phải hát nhiều bài khác nhau trước máy vi âm được phát thanh trực tiếp. Và Quỳnh Giao là một trường hợp tiêu biểu cho các ca sĩ đài phát thanh lúc bấy giờ.

Bên cạnh việc ca hát là chính thì từ năm 1968, Quỳnh Giao còn dạy dương cầm tại gia về nhạc cổ điển Tây phương. Cũng trong thời gian này Quỳnh Giao lập gia đình, cô sinh được một cô con gái là Dương Ngọc Bảo Cơ sau này tốt nghiệp cử nhân về Giáo Dục tại Hoa Kỳ.

Ngày 24 tháng 4 năm 1975, Quỳnh Giao cùng chồng, con rời Việt Nam sang cư ngụ tại thành phố Annandale, tiểu bang Virginia. Tại Annandale, Quỳnh Giao hầu như ngưng mọi hoạt động về ca nhạc ngoài việc tiếp tục mở lớp dạy dương cầm và thỉnh thoảng thực hiện vài băng nhạc có tính cách lưu niệm do chính cô tự đàn và hát.

Trong thời gian ở hải ngoại, Quỳnh Giao thực hiện hai băng cassette có chủ đề “Hát Cho Kỷ Niệm” vào năm 1983 và 1988. Cô tự đệm lấy dương cầm với phần phụ họa của Văn Phụng và vài nhạc sĩ khác, Quỳnh Giao trình bày lại những ca khúc hay nhất của tân nhạc với lời giới thiệu của các nghệ sĩ Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Cung Tiến, Thái Thanh, Kim Tước, Châu Hà, Mai Thảo, Lê Văn, Duyên Anh, Bùi Bảo Trúc, Phạm Văn Kỳ Thanh, v.v… Năm 1986, Quỳnh Giao được nhà văn Duyên Anh mời trình bày đĩa nhạc “Còn Thoáng Chiêm Bao.”

Cũng trong giai đoạn này, Quỳnh Giao cộng tác và lưu diễn ở một số nơi với nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, nhưng cơ hội không nhiều vì sinh hoạt văn nghệ chưa phát triển rực rỡ như sau này. Đến năm 1988, 1989, Quỳnh Giao cùng Kim Tước và Mai Hương trình bày nhạc Cung Tiến với dàn nhạc thính phòng của nhạc công người Mỹ tại miền Bắc, miền Nam California, Chicago và Minnesota. Ðó là lúc khán giả biết đến những ca khúc mới và thuộc loại khó diễn tả nhất của nhạc sĩ Cung Tiến, như 10 bài “Vang Vang Trời Vào Xuân” phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Và đặc biệt nhất là tác phẩm Hoàng Hạc Lâu, phổ thơ Thôi Hiệu qua phần cảm dịch của Vũ Hoàng Chương.
Từ trái qua phải: Mai Hân – Mai Hương – Quỳnh Giao.

Năm 1990, Quỳnh Giao tái giá với chuyên gia kinh tế học Nguyễn Xuân Nghĩa – sau này là nhà bình luận hợp tác với các đài phát thanh quốc tế và các tờ báo Việt Ngữ tại Hoa Kỳ. Năm 1991, Quỳnh Giao cùng chồng về sống tại California.

Từ đó, Quỳnh Giao bắt đầu quay lại với âm nhạc và phát hành nhiều đĩa nhạc có giá trị nghệ thuật, đa số với hoà âm của Duy Cường như Khúc Nguyệt Quỳnh (1992), Tiếng Chuông Chiều Thu (1996), Chiều Về Trên Sông (1997), Ngàn Thu Áo Tím (1998), Hành Trình Phạm Duy (1999), Hình Ảnh Một Buổi Chiều (2000), Tình Khúc Văn Phụng & Hoàng Trọng (2001), Thơ Tình Phổ Nhạc (2002), Hoa Xuân (2003), Trở Về Thôn Cũ (2005) và Tình Khúc Phạm Duy (2006).

Bên cạnh đó, Quỳnh Giao còn hợp tác với nhiều trung tâm để hoàn thành đĩa “Ðêm Tàn Bến Ngự – Tình Khúc Dương Thiệu Tước” (1995) với tiếng hát của Kim Tước, đĩa “Tình Khúc Văn Cao” (1995) cùng tiếng hát Mai Hương và có những ca khúc ghi âm riêng lẻ trong nhiều đĩa phát hành từ 1993 đến 2006.


Kim Tước – Mai Hương – Quỳnh Giao
Quỳnh Giao cũng cùng với Kim Tước và Mai Hương tạo thành ban tam ca Tiếng Tơ Đồng ở hải ngoại để nhắc nhớ về ban nhạc Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng từng nổi tiếng trước năm 1975 khi còn ở trong nước.
 
Năm 1997, Quỳnh Giao thực hiện cho ban Việt ngữ đài BBC chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam. Ðược phát thanh hàng tuần 20 buổi, chương trình thuộc loại “nhạc sử” vì nói về 60 năm tân nhạc cải cách Việt Nam từ thời mới bắt đầu năm 1938 đến sau này. Nhờ nội dung phong phú cùng bản nhạc hiệu là Bến Xuân của Văn Cao do chính Quỳnh Giao diễn tả, Suối Nguồn Tân Nhạc được khán thính giả yêu thích nên là một trường hợp hiếm hoi được BBC cho phát lại lần thứ hai.

Năm 1986, nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 65 của nhạc sĩ Phạm Duy, Quỳnh Giao đã có bài viết được đăng trên tờ Văn Học xuất bản tại California. Sau đó là một bài về nhạc sĩ Vũ Thành vào năm 1987 khi ông vừa tạ thế. Ðược sự động viên và khuyến khích của nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi ấy phụ trách tờ Văn Học, Quỳnh Giao đã viết nhiều hơn từ tùy bút đến truyện ngắn cho Văn Học và các tờ báo định kỳ khác. Khởi đầu là đề tài âm nhạc, gần như một loại tự truyện về thế giới tân nhạc Việt Nam, những bài viết của cô đều gây được sự thích thú cho người đọc.

Bên cạnh đó Quỳnh Giao còn tham gia trong chương trình “Câu Chuyện Văn Nghệ” ở Người Việt TV do Nam Phương và Lê Hồng Quang đồng phụ trách.

Tháng 10, năm 2011, tờ Người Việt cho xuất bản “Tạp Ghi Quỳnh Giao”, một cuốn sách thuộc loại ăn khách với 67 bài trên hơn 400 trang. Năm 2012, khi Quỳnh Giao chuẩn bị hoàn thành cuốn thứ hai thì ngã trong vườn và bị thương nặng. Sau một cuộc giải phẫu vào tháng Năm, việc sử dụng tay trái của cô đã bị trở ngại, vì thế lớp dạy đàn mở ra từ mấy chục năm trước coi như chấm dứt.

Đầu năm 2014, Quỳnh Giao bị ho nhiều nhưng cô tưởng mình bị cảm lạnh nên chỉ chữa trị bình thường, nhưng sau 1 tháng vẫn không dứt bệnh. Đến đầu tháng Ba thì cô bị mất giọng, lúc đó Quỳnh Giao mới được xe cấp cứu đưa vào nhà thương và hôm sau thì biết được tin bản thân bị ung thư phổi.

Sau hơn bốn tháng điều trị bằng hóa trị rồi xạ trị, Quỳnh Giao yếu dần về thể lực nhưng lúc này thần trí vẫn minh mẫn, lạc quan. Sau đó, tình hình sức khoẻ cô trở nên nghiêm trọng khi phải thường xuyên dùng ống dưỡng khí và đối phó với nhiều biến chứng.

Đến rạng sáng thứ Tư, ngày 23 Tháng 7 năm 2014, Quỳnh Giao lặng lẽ gỡ ống dưỡng khí và ra đi thanh thản trong giấc ngủ trước sự bàng hoàng ngơ ngác của chồng con.
CD HOA XUÂN | Tiếng hát QUỲNH GIAO | Hoà âm DUY CƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét