Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Các hành động của ĐCSTQ đã dẫn đến sự hòa giải giữa Nam Hàn và Nhật Bản - Minh Ngọc


Mục lục : 1.Thay đổi quan trọng về thái độ đối với các tranh chấp lịch sử 2.Một ‘NATO thu nhỏ’ ở Châu Á  3.Bắc Hàn phóng hỏa tiễn 4.Các hành động của ĐCSTQ đã dẫn đến sự hòa giải giữa Nam Hàn và Nhật Bản 5.NATO thu nhỏ’ hình thành vì tình thế bắt buộc do ĐCSTQ gây ra  Sau 12 năm gián đoạn các chuyến thăm qua lại giữa lãnh đạo hai nước Nam Hàn và Nhật Bản, chuyến công du Nhật Bản mới đây của Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol được xem như một chuyến đi phá tan tình trạng đóng băng này.
<!>
Một nhà phân tích chính trị nói với The Epoch Times rằng Nhật Bản và Nam Hàn đã đạt được “sự hòa giải mang tính thời đại” và tạo ra một “NATO thu nhỏ” ở châu Á bằng cách tăng cường mối bang giao giữa hai nước trong vai trò là một liên minh dân chủ trước các mối đe dọa từ Trung Quốc, Bắc Hàn, và Nga.

Tổng thống Yoon đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại một hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo hôm 16/03, nơi hai nguyên thủ quốc gia hứa sẽ lật sang trang sử mới sau những năm tháng thù địch do lịch sử chung phức tạp giữa các quốc gia của họ.

Ông Yoon đã trở thành tổng thống Nam Hàn đầu tiên đến thăm Nhật Bản theo sự sắp xếp của đôi bên sau 12 năm. Tại hội nghị thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ phát triển quan hệ song phương và theo đuổi các lợi ích chung về an ninh, kinh tế, và nghị trình toàn cầu.

Hai bên không đưa ra tuyên bố chung nhưng đồng thuận trong các thông cáo tương ứng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện mối bang giao. Trong một thông cáo, ông Yoon cho biết hai nước đã đồng ý khôi phục quan hệ song phương ngay lập tức để giảm thiểu những thiệt hại mà công dân của họ phải gánh chịu do những căng thẳng đang diễn ra giữa hai nước.

Trong thông cáo tương ứng, ông Kishida nói rằng ông và ông Yoon đã đồng ý phát triển hơn nữa quan hệ song phương và chuyến thăm của ông Yoon là một bước tiến lớn hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Yoon cũng nói rằng hai bên đã đồng ý rằng Nam Hàn, Hoa Kỳ, và Nhật Bản phải hợp tác chặt chẽ để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn. Và hai bên cũng đã đồng ý nối lại “ngoại giao con thoi” bằng các chuyến thăm thường kỳ giữa hai nguyên thủ quốc gia.

Hôm 16/03, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông báo sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất cảng vật liệu bán dẫn trọng yếu sang Nam Hàn. Đáp lại, Seoul cho biết họ sẽ rút đơn khiếu nại đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO) về các hạn chế của Nhật Bản.
Thay đổi quan trọng về thái độ đối với các tranh chấp lịch sử

Mối bang giao của hai quốc gia đã bị vướng mắc do các tranh chấp lịch sử, bao gồm cả việc người Hàn bị cưỡng bức lao động tại các công ty Nhật Bản trong thời kỳ Nhật Bản cai trị thuộc địa Nam Hàn từ năm 1910–1945 và việc bóc lột phụ nữ Nam Hàn trong các nhà thổ do quân đội Nhật Bản điều hành.


Các cụ bà Nam Hàn từng phải làm “phụ nữ mua vui” Kim Bok-Dong (trái) và Gil Won-Ok (phải), những người bị buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến, tham gia một cuộc biểu tình cùng những người ủng hộ khác để yêu cầu Tokyo xin lỗi vì bắt phụ nữ vào các nhà thổ quân sự trong Đệ nhị Thế chiến bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul vào ngày 12/08/2015. (Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images)

Năm 2018, Tòa án Tối cao Nam Hàn ra phán quyết ủng hộ việc các công ty Nhật Bản được hưởng lợi từ lao động cưỡng bức chi trả các khoản bồi thường. Tuy nhiên, Nhật Bản lập luận rằng tất cả các vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965 giữa hai quốc gia.

Trước khi ông Yoon đến thăm Nhật Bản, chính phủ Nam Hàn cho biết hôm 06/03 rằng họ sẽ sử dụng quỹ địa phương để bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thay vì buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường. Hành động này là một sự thay đổi đáng kể so với thái độ cứng rắn [trước đây] của Nam Hàn, vốn yêu cầu các công ty Nhật Bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường.
Một ‘NATO thu nhỏ’ ở châu Á

Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một tác giả, nhà bình luận chính trị người Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ và là cộng tác viên của Epoch Times, cho biết việc tăng cường quan hệ giữa Nam Hàn và Nhật Bản là một “sự hòa giải mang tính thời đại.” Liên minh dân chủ giữa hai quốc gia này sẽ tạo ra một “NATO thu nhỏ” ở châu Á.

Ông Trần cho biết trong chương trình bình luận trên YouTube của mình rằng Nhật Bản và Nam Hàn đều là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ và có quan hệ sâu rộng với Ấn Độ, Úc, và Đài Loan — tất cả các quốc gia này giờ đây đều đã được kết nối thông suốt.

“Nam Hàn đã và đang gặp khó khăn với các tranh chấp lịch sử với Nhật Bản do cảm giác thù hận mãnh liệt mà các đảng phái chính trị cánh tả ở nước này khuấy động. Do chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ [ở cả hai quốc gia], Nam Hàn đã có ác cảm với Nhật Bản còn xã hội Nhật Bản thì lại phân biệt đối xử với người Nam Hàn, khiến cả hai bên đều rất không hài lòng,” ông Trần nói.

“Tuy nhiên, Nam Hàn rốt cuộc đã quyết định bỏ qua chuyện cũ, không chỉ vì họ bị đe dọa bởi Bắc Hàn, mà còn vì họ bị đe dọa bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga.”

Ông cho biết thêm: “ĐCSTQ ban đầu nghĩ rằng có khoảng cách giữa Nhật Bản và Nam Hàn để họ khai thác, nhưng giờ đây Nam Hàn đã biết rằng không thể tin cậy ĐCSTQ.”

“Sự hòa giải giữa Nhật Bản và Nam Hàn hoàn toàn tương phản với việc tăng cường mối bang giao gần đây giữa Trung Quốc, Nga, và Iran để tạo thành một trục ma quỷ.”
Bắc Hàn phóng hỏa tiễn

Bắc Hàn đã phóng một hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đặc biệt là Hwasong-17, vào vùng Biển Đông thuộc Nam Hàn hôm 16/03, chỉ vài giờ trước khi ông Yoon đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh.


Một vụ thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 tại một địa điểm không được tiết lộ ở Bắc Hàn hôm 24/03/2022. (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn/Dịch vụ Thông tấn Bắc Hàn qua AP)

Quân đội Nam Hàn tiết lộ rằng Bắc Hàn đã phóng hỏa tiễn 2 giờ 40 phút trước khi ông ông Yoon khởi hành tới Nhật Bản, theo báo Nam Hàn Dong-A Ilbo. Hỏa tiễn này đã bay theo hướng đông bắc trong hơn một giờ, đi được quãng đường khoảng 621 dặm (994 km) và hạ cánh xuống vùng biển phía đông giáp biên giới Trung Quốc và Nga.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng báo cáo rằng hỏa tiễn này đã bay ở độ cao tối đa khoảng 5,700 dặm (9,120 km) và hạ cánh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản sau 70 phút bay.
Các hành động của ĐCSTQ đã dẫn đến sự hòa giải giữa Nam Hàn và Nhật Bản

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia và nhà phân tích chính trị Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói rằng một trong những yếu tố thúc đẩy sự hòa giải giữa Nam Hàn và Nhật Bản là chính sách ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ.

Ông nói với The Epoch Times hôm 17/03 rằng “Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn đang ở trong một liên minh ba bên mà ĐCSTQ đang cố gắng phá vỡ. Bắc Kinh thao túng bán đảo Triều Tiên bằng cách chơi trò nước đôi với Bắc Hàn. Hành động này dẫn đến một mối đe dọa an ninh quốc gia lớn đối với Nam Hàn và trong hoàn cảnh như vậy, Nam Hàn không có lựa chọn nào khác ngoài việc khai triển THAAD, khiến cho ĐCSTQ không hài lòng.”

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense, hay Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối) là một hệ thống chống hỏa tiễn do Hoa Kỳ thiết kế và sản xuất được lắp đặt tại Nam Hàn từ năm 2016 đến 2017 như một bức tường thành chống lại một cuộc tấn công hỏa tiễn tiềm ẩn của Bắc Hàn.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã khẳng định rằng việc khai triển THAAD ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc và kể từ đó đã áp dụng một loạt biện pháp chống lại Nam Hàn.

Ông Vương cho biết ĐCSTQ đã gây huyên náo rất lớn kể từ khi THAAD đi vào hoạt động, nhưng đảng này không đề cập gì đến mối đe dọa mà Bắc Hàn gây ra cho Nam Hàn.

“Tổng thống Nam Hàn thời ấy là ông Moon Jae-in, một người cánh tả hoàn toàn ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và rất yếu ớt trước Bắc Hàn,” ông Vương cho hay.

“Sau khi ông Yoon theo tư tưởng bảo tồn truyền thống lên nắm quyền, ông ấy đã nhận ra tình cảnh khó khăn của Nam Hàn, nên ông ấy buộc phải có những điều chỉnh và thay đổi đáng kể đối với tình hình đất nước, mà việc đầu tiên trong số đó là khôi phục liên minh Mỹ-Hàn và thay đổi liên minh đó từ một liên minh song phương thành một liên minh toàn cầu.”

“Bước thứ hai là hòa giải với Nhật Bản. Trung Quốc là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và Bắc Hàn cũng đang phát triển vũ khí hạt nhân. Tại thời điểm này, vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa lớn đối với Nhật Bản và Nam Hàn, một thực tế không thể bỏ qua. Trong trường hợp này, kẻ thù chính của Nam Hàn không phải là Nhật Bản mà là các chế độ cộng sản Trung Quốc và Bắc Hàn. Họ mới là những mối đe dọa thực sự.”
‘NATO thu nhỏ’ hình thành vì tình thế bắt buộc do ĐCSTQ gây ra

Ông Vương cho biết các hành động của ĐCSTQ đã buộc Nhật Bản và Nam Hàn hình thành liên minh “NATO thu nhỏ” ở châu Á.

Ông cho biết Hoa Kỳ đã cùng với Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan thành lập một liên minh vi mạch bán dẫn bốn bên vào năm ngoái (2022). Tại thời điểm đó, Nam Hàn vẫn do dự trong việc chọn bên vì nước này phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và Hoa Kỳ về an ninh.

“Sự ủng hộ ngầm của ĐCSTQ đối với Bắc Hàn và Nga cũng như chính sách ngoại giao ‘chiến lang’ của họ đã thúc đẩy Nam Hàn gia nhập một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo và buộc nước này phải hòa giải với Nhật Bản, thúc đẩy việc hình thành một liên minh ba bên,” ông Vương nói.

“Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine cũng là một chất xúc tác. Trước đây, người ta nghĩ rằng chiến tranh là một tương lai xa vời, nhưng kể từ khi ông Putin đột ngột quyết định xâm lược Ukraine, người ta nhận ra rằng điều gì cũng có thể xảy ra và không gì là không thể. Và với một số người, ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình còn đáng sợ hơn cả ông Putin.”

Trong một cuộc họp báo hôm 24/02, ông Kishida nói, “Ukraine của ngày hôm nay có thể là Đông Á của ngày mai.”

“Nói như thế có nghĩa là, [ông Kishida] và ông Yoon đã đạt được sự đồng thuận về nhận định này,” ông Vương nói.

Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

XEM THÊM


--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét