Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 94 : SẤM SÂN SEN SINH - Đỗ Chiêu Đức


Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi
"Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi 運去雷轟薦福碑" trong văn học cổ của tiếng Nôm ta gọi là SẤM ĐẤT TAN BIA. Câu nói nầy có xuất xứ như sau :Đại văn Hào đời Tống là Phạm Trọng Yêm 范仲淹 khi làm Quận Thú ở Nhiêu Châu (thuộc Quận Ba Dương tỉnh Giang Tây hiện nay). Một hôm có thư sinh Trương Hạo 張鎬 lưu lạc giang hồ đến xin cứu giúp. Phạm thương vì người tài hoa mà chửa gặp thời, định giúp đỡ, nhưng Phạm là một ông quan thanh liêm, không lấy đâu ra tiền để giúp.
<>
 Cuối cùng ông bèn đến nhờ trụ trì chùa Tấn Phúc, xin cho thư sinh kia được in một số bản văn ở thạch bia phía sau chùa bán mà độ nhật để về quê. Đây là bản văn khắc trên đá với bút pháp của Âu Dương Tuân 歐陽詢, là một trong Sơ Đường Tứ Đại Thư Pháp Gia 初唐四大書法家, nên rất được mọi người ưa chuộng.
Nhà sư Trụ trì vì nể mặt Phạm Trong Yêm mà chấp thuận, còn hướng dẫn cho cách để in ấn. Phạm lại phải giúp thư sinh mua sắm giấy mực, bàn chải... định sáng ngày sẽ khởi công. Nào ngờ đêm hôm đó trời mưa to gió lớn, sấm sét đánh bể tan bia đá kia luôn. Thế là khỏi in ấn gì hết cả !
Số của chàng thư sinh nầy đã xui rồi, lại càng thúi củ hủ hơn nữa, cho nên mới nói là :
" Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc bi "
Khi đã hết thời rồi, thì sấm sét cũng đánh bể bia của chùa Tấn Phúc là vì thế ! Trong bài Văn tế Nguyễn Thị Tồn, là hiền thê của mình, cụ Bùi Hữu Nghĩa có viết câu :

Ở theo thời, làm theo thế, qua khỏi tuần SẤM ĐẤT TAN BIA;
Bay kịp chúng, nhảy kịp thời mới đặng hưởng Gió Thần Đưa Gác.

"Gió Thần Đưa Gác" là Gió thần đưa đến Gác Đằng Vương, đây cũng là một điển tích và là vế đầu của điển tích Sấm Đất Tam Bia với cặp đôi như sau :

時 來 風 送 騰 王 閣, Thời lai phong tống Đằng Vương Các,
運 去 雷 轟 薦 福 碑。 Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc bi.

Muốn biết "Thời lai phong tống Đằng Vương Các" như thế nào, mời xem lại Điển Tích Văn Học 22 : GÁC ĐẰNG sẽ rõ.

SẤM còn là tiếng Sấm vang động, thường được dùng để chỉ :

1. Nổi cơn thịnh nộ như sấm sét : Như khi Từ Hải nghe Thúy Kiều kể lể lại đầu đuôi cuộc đời chìm nổi của mình đã bị nhiều người gạt gẫm hãm hại thì :

Từ Công nghe nói thủy chung,
Bất bình nổi trận đùng đùng SẤM VANG.


2. Tiếng tăm lừng lẫy khi thi đỗ đại khoa : Theo 2 câu thơ cuối trong lá xăm thứ 86 của Quan Âm Linh Xăm 觀音靈簽 là : Nhược đắc Vũ môn tam cấp lãng, Kháp như bình địa nhất thanh lôi 若得禹門三級浪,恰如平地一聲雷。Có nghĩa :

Gía như vượt Vũ Môn tam cấp,
Thì tựa như bình địa sấm vang !

Trong Sơ kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái có câu :

Đất bằng một tiếng SẤM VANG,
Bảng hùm tỏ Phạm, tháp nhàn diễn Trương.

Trong văn học cổ có rất nhiều SÂN, theo thứ tự ABC... ta có :

- SÂN CHU, TRÌNH : là Sân của Chu Hy 朱熹, còn gọi là Chu Tử và Anh em Trình Hạo 程颢, Trình Di 程颐, còn gọi là Trình Tử. Các ông là những nhà giáo dục chủ trương phát huy đạo Nho, gọi là Tống Nho. Tiêu biểu cho nền học thuật lúc bấy giờ. Trong truyện thơ Nôm lục bát "Phù dung tân truyện 芙 蓉 新 傳" của Cư sĩ Trúc Lâm (chưa rõ tên thật) ở Tứ Kỳ Hải Dương chuyển thể từ tác phẩm Thôi Tuấn Thần xảo hội phù dung bình 崔俊臣巧會芙蓉屏 trong Kim Cổ Kỳ Quan của Trung Hoa có câu :

Mở mang sử Mã, kinh Lân,
Sâu nguồn Thù Tứ, rộng sân CHU, TRÌNH.

- SÂN ĐÀO : là Sân nhà của Đào Tiềm, tự là Uyên Minh. Một ẩn sĩ nổi tiếng đời nhà Tấn, thích trồng bông cúc ở hàng rào phía đông, nên nổi tiếng với câu thơ "Thái cúc đông ly ha, du nhiên kiến nam sơn 採菊東籬下,悠然見南山。Có nghĩa : Hái cúc dưới rào đông, xa trông thấy núi nam. Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Nhị Độ Mai có câu :

Mười năm theo việc vương kỳ,
SÂN ĐÀO mấy lớp, đông ly bỏ rèm.

Trong Truyện Kiều, khi Kim Kiều vừa thề thốt hẹn ước xong, thì...

Nàng thì vội trở buồng thêu,
Sinh thì dạo gót SÂN ĐÀO bước ra.

- SÂN ĐÀO, LÝ : Sân trồng cây đào cây lý, là loại cây mùa hè cho bóng mát, mùa thu cho trái chín để ăn, là loại cây hữu dụng; nên dùng để chỉ người tài giỏi. Theo sách Tư Trị Thông Giám 資治通鑑 có ghi tích :
Tễ Tướng đời Đường dưới thời Võ Tắc Thiên là Địch Nhân Kiệt 狄仁傑, giỏi nhìn người và dùng người đã tiến cử rất nhiều quan viên văn võ giỏi giắn để giúp đỡ cho triều đình. Có người nói với Đich Nhân Kiệt rằng :"Đào lý mãn thiên hạ tận tại công môn 桃李遍天下盡在公門". Có nghĩa : Đào lý của cả thiên hạ nầy đều từ nhà của ông mà ra cả !
Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ông Như Hầu Nguyễn Gia Thiều có câu :

SÂN ĐÀO LÝ mây lồng man mác,
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.


- SÂN HÒE : là Sân có trồng cây HÒE. Theo Tống Sử...
Vương Hựu 王祐(923~986)tự là Cảnh Thúc, người đất Tân Huyện tỉnh Sơn Đông, là đại thần đời Bắc Tống. Ông trồng ba cây HÒE trong sân đình và ước nguyện có con làm đến bậc Tam Công. Qủa nhiên, về sau người con thứ của Vương Hựu là Vương Đán làm đến chức Tể Tướng. nên...
SÂN HÒE là sân của con cái đến chầu chực vấn an cha mẹ. Khi ở lầu xanh, Thúy Kiều đã nhớ đến cha mẹ em út với 2 câu :


SÂN HÒE đôi chút thơ ngây,
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình.
Còn...
- SÂN QUẾ HÒE trong văn học cổ dùng để chỉ con cái thành đạt như tích nêu trên hay dùng để chỉ con cái nhà quyền qúy. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã kết thúc truyện với gia đình vinh hiễn quyền qúy của Kim Trọng bằng 2 câu :

Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc một SÂN QUẾ HÒE !

- SÂN LAI : là Sân nhà của Lão Lai Tử, một trong Nhị Thập Tứ Hiếu 二十四孝 là 24 người con có hiếu thời xưa. Theo Hiếu Tử Truyện :
LÃO LAI TỬ 老莱子 là ẩn sĩ của nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc, cày ruộng sinh sống ở đất Mông Sơn, là người con chí hiếu; Tuy đã trên 70 tuổi nhưng ông vẫn thường ăn mặc như trẻ con, tay lắc trống bỏi cho cha mẹ được vui lòng. Một hôm, bưng nước vào cho cha mẹ uống, ông bị vấp ngã té trước mặt cha mẹ, sợ cha mẹ buồn ông bèn giả vờ giãy nảy và khóc lên như trẻ nhỏ, khiến cho cha mẹ phải bật cười vui vẻ. Nên SÂN LAI là Sân của người con chí hiếu. Khi ở lầu Ngưng Bích, cụ Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều nhớ về cha mẹ bằng câu :

SÂN LAI cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.


- SÂN MÂY : là Sân có vẽ hình rồng mây, là sân đình của nhà vua ngày xưa. Khi Từ Hải đã "Năm năm hùng cứ một phương hải tần" thì cũng đã xưng vương "Thiếu gì cô qủa thiếu gì đế vương", nên khi Thúy Kiều báo ân báo oán thì xử án ở "Triều đình riêng một góc trời" của mình và Từ Hải; Vì thế khi tha cho Hoạn Thư khỏi tội, thì vị tiểu thư này mới :

Tạ lòng lạy trước SÂN MÂY,
Cửa viên lại thấy một dây dẫn vào.

- SÂN PHONG : là Sân có trồng nhiều cây Phong 楓 là cây đến mùa thu lá sẽ trở vàng và đỏ rất đẹp. Cung điện nhà Hán thuở xưa có trồng nhiều cây phong, nên SÂN PHONG là sân chầu của nhà vua, như trong truyện thơ Nôm Nhị Độ Mai có câu :

Bách quan đóng chặt SÂN PHONG,
Tiếng xe chen ngựa vẻ lồng cân đai.

- SÂN TUYẾT : là Sân phủ đầy tuyết. Theo Chu Tử Ngữ Loại朱子語類, Trình Di 程頤, tự là Y Xuyên 伊川 là một danh nho đời Tống, học trò đến xin học rất đông. Khi Du Tạc 遊酢 và Dương Thời 楊時 tìm đến ra mắt để xin vào học, thấy thầy đang nhắm mắt dưỡng thần, hai người bèn đứng im không dám động đậy. Đến khi Trình Di mở mắt ra nhìn thấy thì tuyết đã đổ xuống phủ chỗ đứng của hai người cao đến hơn một thước (xưa khoảng hơn 2dm).
Vì tích trên mà ta còn có thành ngữ TRÌNH MÔN LẬP TUYẾT 程門立雪 (là Đứng trong tuyết trước cửa nhà thầy Trình) để chỉ : Sự quyết tâm cầu học và lòng kính trọng của học trò đối với thầy. Trong truyện thơ Nơm Bích Câu Kỳ Ngộ có câu :

Bâng khuâng một mối viễn hoài,
Khi trong SÂN TUYẾT, khi ngoài trời tây.


Không gọi là SÂN TUYẾT thì gọi là SÂN TRÌNH cũng thế. Như trong truyện thơ Nôm Luc Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu nói về chàng Lục Vân Tiên :

Theo thầy nấu sử xôi kinh,
Tháng ngày bao quản SÂN TRÌNH lao đao.

Trong truyện thơ Nôm "Bích Câu Kỳ Ngộ" thì gọi là CỬA TRÌNH, khi nói về chàng Tú Uyên cầu học cũng có câu :

Thông minh sẵn có tư trời,
Còn khi đồng ấu mãi vui CỬA TRÌNH.

SEN VÀNG : do chữ Nho là KIM LIÊN 金蓮 mà ra. Theo Nam Sử : Thời Nam Bắc Triều 南北朝 có Đông Hôn Hầu 東昏侯 của nước Tề dùng vàng đúc thành những đóa hoa sen dán trên mặt đất, rồi cho bà Phan Phi xinh đẹp bước lên những đoá hoa sen đó mà đi để cho ông ta khen rằng : Phan Phi bộ đóa đóa liên hoa 潘妃步朵朵蓮花 ! Có nghĩa : Bước chân của Phan Phi, mỗi bước là một đóa sen vàng.
Vì tích trên, trong văn học cổ thường dùng GÓT SEN hay SEN VÀNG để chỉ bước đi của các bà các cô, nhất là các người đẹp. Như khi cả nhà đều đi mừng "sinh nhật ngoại gia" thì Thuý Kiều đã bày tiệc để mời Kim Trọng đến gặp gỡ, nên khi...

Thời trân thức thức sẵn bày,
GÓT SEN thoăm thoắt dạo ngay mái tường.
Cách hoa sẻ dặng tiếng vàng,
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông.


Khi "Đến nhà vừa thấy tin nhà, Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về" thì Thúy Kiều lại đi tìm Kim Trọng lần nữa :

GÓT SEN sẻ động giấc Hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần...

Khi tảo mộ về nhà, đêm đó Thúy Kiều mơ thấy Đạm Tiên đến báo mộng :

Thoắt đâu thấy một tiểu kiều,
Có chiều phong vận, có chiều thanh tân.
Sương in mặt, tuyết pha thân,
SEN VÀNG lãng đãng, như gần như xa...

Theo Đổng Trọng Thư 董仲舒(179-104 Trước Công Nguyên)là nhà chính trị và tư tưởng đời Tây Hán đưa ra lý luận "Thiên địa nhân, vạn vật chi bổn dã. Thiên sanh chi, địa dưỡng chi, nhân thành chi 天地人,万物之本也。天生之,地养之,人成之". Có nghĩa : Trời Đất Người là 3 cái căn bản của vạn vật, Trời sanh ra vạn vật, Đất nuôi dưỡng vạn vật và Con người gầy dựng nên vạn vật. Nên trong văn học cổ hay ví công ơn cha mẹ từ sinh ra, nuôi nấng đến gầy dựng cho con cái được nên người, gọi là công ơn SINH THÀNH, chữ Nho nói là SINH THÀNH CHI ÂN 生成之恩.
Khi gia đình gặp tai biến, Thúy Kiều đã phải cân nhắc giữa tình và hiếu rồi mới đưa ra quyết định :

Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn SINH THÀNH.
Quyết tình nàng mới hạ tình,
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.


Hẹn bài viết tới,
Thành ngữ Điển tích : SONG, SÔNG

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét