Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2023

ĐÒN THÙ - Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

             
hình minh hoạ
Lê Quý Bê, nguyên Thiếu tá Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng. Dù là một tù nhân, anh luôn giữ được tác phong một Quân nhân; tuân hành nội qui tuyệt đối, mực thước và ngăn nắp. Anh em tù xem anh như một Niên trưởng đáng kính, mặc dù trong đội tù còn nhiều người lớn tuổi và có chức vụ cũ cao hơn Vóc người tầm thước, vai ngang, trán rộng, thoạt nhìn đã thấy Bê là người trầm tĩnh và nghị lưc. Ðôi mắt to đen núp dưới cặp lông mày rậm quắc thước đủ khiến cho người đối diện nể vì.
<!>
Nhiều mẫu chuyện được truyền miệng thời Bê giữ chức vụ Quận trưởng tại một Quận nổi tiếng mất an ninh trong tỉnh QN. Anh thành lập một toán quân “Ðặc nhiệm” trang phục bộ bà ba đen và mũ tai bèo. Vào những đêm tối trời, Bê đích thân chỉ huy đội quân giả dạng ấy đi phục kích hay lùng sục các thôn ấp có nhiều gia đình bị tình nghi tiếp tế cho Cộng sản. Với chiến dịch đó, bọc VC nằm vùng bị quét sạch.

Từ đó, Bê đã bình định toàn diện các Xã ấp trong Quận. Nền an ninh của địa phương đã phục hồi. Ghe thuyền di chuyển bình yên trên dòng sông có nhiều thổ sản nổi tiếng tại hai miền xuôi và ngược.

Bọn Cộng sản mất địa bàn hoạt động, mất cả nguồn tiếp tế quan trọng, chúng quyết tâm lấy lại đất, giành lại dân, xây dựng niềm tin cho các cơ sở đã bị phá vỡ. Ðiểm đột khởi đầu tiên của chiến dịch là Quận lỵ của Bê.

Ðêm mồng 1 rạng ngày mồng 2 tháng 9 năm 1970, bằng một lực lượng chính qui cấp Trung đoàn phối hợp với các đơn vị địa phương, Cộng quân tấn công vào Bộ chỉ huy Chi khu với chiến thuật tiền pháo hậu xung. Những quả đạn pháo kích đầu tiên phát nổ bên góc trái tiền đồn, rồi dồn dập trút xuống trung tâm ngọn đồi quận đường. Lực lượng đồn trú im hơi lặng tiếng. Dân chúng đợi chờ quân ta phản pháo nhưng thất vọng. Họ có cảm tưởng là đơn vị phòng thủ hoàn toàn bị tê liệt ngay trong đợt pháo đầu tiên.

Ðịch quân cũng đánh giá như thế và pháo lệnh công đồn bắt đầu. Bên Quận lỵ chờ đến thời điểm này, trái sáng của pháo binh diện địa mới bay về tỏa sáng cả bầu trời. Những bóng người đội nón tai bèo, vai khoác khăn dù đồng loạt tiến vào hàng rào phòng thủ thứ nhất. Khi đối phương tràn vào đúng vị trí của các loại mìn định hướng gài sẵn, như một cuộc tập trận, mìn đồng loạt nổ vang. Toán xung kích của địch ngã rạp như cơn bão thổi qua đám lau sậy.

Lực lượng VC công đồn tiếp tục xung phong đợt hai như những con sóng cố đánh sập bờ đê. Lần này, chúng vượt qua được hàng rào phòng thủ thứ nhì, vừa tiến vào đúng tầm đạn cá nhân, lực lượng ta đồng loạt nổ súng, thi nhau ném lựu đạn cùng với những tràng đạn từ mấy ổ đại liên đã đốn ngã phần lớn quân địch.

Trước hỏa lực quá hùng mạnh của quân phòng thủ, Việt cộng lâm vào thế bị động không thể tiến sâu vào mục tiêu được nữa, nên đành phải rút lui. Dù bỏ chạy nhưng quân ta đâu để chúng chào thua dễ dàng như vậy. Các trực thăng chiến đấu lập tức vào trận bằng cuộc truy kích rất ngoạn mục. Chiếc vận tải cơ C123 thả trái sáng yểm trợ như một thiên thần rọi kính chiếu yêu làm bạt vía bầy quỷ đỏ!

Trời vừa tờ mờ sáng, dân chúng đã ùa vào Quận lỵ. Họ reo mừng khi thấy Bộ chỉ huy Chi khu được bảo toàn và quận đường vẫn đứng uy nghi trên khu đồi lộng gió. 22 xác Cộng quân đặt trước sân Chi khu cùng với vũ khí bỏ lại là một chiến thắng lớn lao trong công cuộc bảo vệ niềm tin trong quần chúng. Yếu tố thành công của trận đánh là nhờ tin tức qua mật báo của Nhân dân chính xác cùng với kế hoạch hợp đồng tác chiến khá sít sao. Ngoài ra, tính điềm tĩnh và tài chỉ huy của Thiếu tá Lê Quý Bê cũng vô cùng nổi bật.

Trước thời điểm tháng 3 năm 75, Quận lỵ bị áp lực của quân Bắc Việt nặng nề, nhưng Thiếu tá Bê quyết không bỏ dân, bỏ Quận. Ðến lúc Tiểu khu ra lệnh rút quân về Tỉnh lỵ, Bê mới tuân hành. Trên đường di tản bị Việt cộng truy kích và cả toán quân lọt vào ổ phục kích, anh và đoàn tùy tùng bị địch bắt sống. Chúng ra lệnh cởi giày, anh chống cự. Thế là cả bọn thi nhau nện báng súng vào đầu, vào ngực, máu tuôn xối xả. Với những vết thương trầm trọng, thuộc cấp không hy vọng Bê sống sót, nhưng không ngờ anh hồi tỉnh như có một sức mạnh siêu nhiên nào tiếp cứu.

***
Những năm tháng trong tù, Lê Quý Bê không hề vi phạm nội qui dù là điều rất nhỏ nhặt. Quản giáo đội thường nhấn vào “điểm nổi bật” đó của Bê để bạn tù theo gương.

Không phải là một nhà tu hành, nhưng Bê có phong thái đạo mạo như một thiền sư, ăn chay và giữ giới luật nhà Phật rất nghiêm túc. Bê nguyện ăn chay trường từ ngày đơn vị anh chỉ huy đã bẻ gãy trận tấn công của VC vào quận lỵ. Nhìn tử thi của lính Bắc việt, những khuôn mặt măng tơ còn vương nét dại khờ, lòng anh xúc động lạ thường. Họ chỉ là những thiếu niên 16, 17 tuổi, cùng lứa tuổi với con anh ngày ngày tung tăng cắp sách đến trường, vòi quà và se sua quần áo mới.

Hà nội đã lùa cả lứa tuổi thiếu niên đi cầm súng với lời thề sinh Bắc tử Nam. Ðảng đã xiềng chân họ vào những khẩu đại liên, trọng pháo, xe tăng gọi là tình nguyện “Tử thủ vì Tổ quốc, vì Nhân dân”. Chúng đã thể hiện sự ngu ngơ của trẻ con. Khi có lệnh xung phong là dựa vào số đông ào tới mục tiêu tạo nên trận chiến biển người. Khi có lệnh lui binh, chúng chỉ biết cắm đầu chạy càng xa mục tiêu càng tốt như trẻ con chơi trò đuổi bắt. Bê đã chứng kiến cảnh đơn vị mình nã đạn vào lưng họ như ngắm bắn vào những tấm bia người đang di động. Kẻ có tâm Phật nào mà khỏi chùn tay!

Theo quy định, 3 tháng thăm nuôi một lần. Món quà chính của gia đình mang cho Bê là xì dầu, tương chao và muối xào sả ớt. Dầu tằn tiện đến đâu thức ăn chay cũng không đủ, Bê thường xin muối hột từ nhà bếp ăn thêm. Thấy vậy, một số anh em tù biếu ít rau, anh luôn luôn từ chối. Bê nói: “Kiếm được một vài cọng rau rừng là công lao mồ hôi nước mắt; nếu Cán bộ bắt gặp, anh em phải chịu bao nhiêu hình phạt”.

Thật vậy, nhặt mót được ngọn rau, cái củ mà qua mắt được Cán bộ thì đêm đó ấm bụng, không may bị “chộp” thì tù lại vướng vào cái “vòng luân hồi”. Ðây là từ ngữ riêng của tù ám chỉ cái vòng lẩn quẩn của hình phạt vi phạm nội quy về mục “cải thiện linh tinh”.

Nầy nhé: Nội quy cấm tù cải thiện, vi phạm sẽ bị kỷ luật. Hình phạt thông thường là hạ tiêu chuẩn phần ăn, từ một chén cơm sắn còn nửa chén. Mức ăn như thế còn phải đi lao động nặng thì sức người nào chịu nỗi. Càng đói tù càng phải cải thiện để độn thêm. Và như vậy là tái phạm nội quy. (Cải thiện là vi phạm nội quy bớt tiêu chuẩn phần ăn đói cải thiện vi phạm là...). Cứ như thế mà xoay vần thành một vòng tròn không dứt.

Anh bạn tù có óc châm biếm không đồng ý cái nhóm từ “vòng luân hồi” nó có vẻ tà phái duy tâm quá. Anh đề nghị thay thế bằng nhóm từ “vòng logic hữu cơ” nó vừa mang tính duy vật vừa hợp thời đại của “đỉnh cao trí tuệ”!

Bớt tiêu chuẩn phần ăn là biện pháp trừng trị nhẹ nhàng nhất của nội quy. Nhưng đối với tù, đó là hình phạt khủng khiếp nhất. Tiêu chuẩn mỗi bữa ăn là sắn độn cơm vừa đầy một chén B52 (loại chén sắt của Trung cộng). Với phần ăn “chọc ngứa bao tử” còn bị cắt bớt thì tù nào chẳng lo sợ.

Chính sách của Hà nội chủ trương hành hạ tù chính trị miền Nam. Ðể che mắt thế giới bằng tấm vải thưa: “Khoan hồng nhân đạo”. Sau năm 1975, Phạm Văn Ðồng về thăm Quảng Ngãi đã không giấu diếm nói chuyện huỵch tẹt với đám Cán bộ rằng: ”Bọn ngụy quân, ngụy quyền được Ðảng tha chết là nhân đạo lắm rồi. Ðiều nên nhớ là không được cho chúng nó ăn no, bắt chúng nó phải lao động sản xuất, vợ con chúng nó phải cưỡng bách đi kinh tế mới”.

Hà nội có kế hoạch rập khuôn theo Liên xô, các Sĩ quan và viên chức phục vụ dưới chế độ Nga hoàng đều bị lưu đày tại Tây Bá Lợi Á. Ðến năm 1979, sự giao hảo giữa chính quyền Bắc kinh và Hà nội lâm vào tình trạng môi hở, răng lạnh nên kế hoạch lưu đày tù chính trị và gia đình tại các vùng trung du Bắc Việt bị bãi bỏ.

Ðói hành hạ tù ngày lẫn đêm khiến họ ăn bất cứ con vật nào họ bắt được. Cào cào, châu chấu, bọ ngựa, bò cạp được tù xếp vào nhóm tên “khoa học” mới: “loài tôm rừng”. Ốc sên, con mối, và sùng sống trong gỗ mục, xếp vào “món ăn vương giả của Từ Hy Thái Hậu.” Còn thịt chuột, thịt rắn thuộc loại “cao lương mỹ vị”. Dù đã được “phân chất” và “thử nghiệm” thực tiển trên “lâm sàng bao tử” của tù nhưng thỉnh thoảng vẫn bị trúng độc đưa đến tình trạng tử vong do nọc độc của loài bò cạp, rắn rít, ốc ma và nấm độc. Từ đó, tù mới phát sinh ra các loại “chuyên viên cải thiện” có vẻ an toàn hơn nhưng không kém phần nguy hiểm.

Nguyễn Hát, thuở ngoài đời nổi tiếng hào hoa. Không hiểu áp dụng phương pháp nào mà Hát “tậu” ngoài bà vợ chính còn thêm 2 người tình luôn luôn bám chân anh. Nhiều lúc Hát điên đầu vì “chiến tranh” xảy ra các trận đánh ghen một mất một còn giữa các bà. Liên Hiệp Quốc còn có khả năng hòa giải những cuộc xung đột trên khắp thế giới, còn anh chàng Hát nhiều khi bất lực trước những trận xung thiên của các bà. Kinh nghiệm hay nhất của Hát là “thả nổi”, nghĩa là bỏ đi mấy ngày liền để các bà thấm thía nỗi trống vắng rồi tự giảng hòa với nhau.

Khi vào tù, người hào hoa năm xưa bị 3 bà bỏ quên, chỉ còn cha già 80 tuổi thỉnh thoảng lên trại tù thăm Hát. Lần cuối cùng, ông cụ đem cho anh một cuốn kinh Phật bảo: “Ðã đến lúc con nên tu niệm”. Cụ trao cuốn kinh mà bên ngoài được bọc bằng nhiều lớp bánh tráng ngọt để qua mắt cán bộ. Tay cầm cuốn Kinh mà lòng Hát trĩu nặng.

Trước mặt cha già anh đã để rơi những giọt nước mắt trên đôi gò má xanh xao. Nước mắt sám hối, nước mắt vì tình đời bội bạc hay nước mắt xót thương cha già? Không biết nữa. Chỉ biết cuốn Kinh phật gần anh không được bao lâu. Sau một lần xét phòng giam, Hát lơ đễnh để quên cuốn Kinh trong ba-lô bị Cán bộ phát hiện và tịch thu. Thế là chàng bị hành hạ suốt một tuần lễ trong nhà cùm với lý do “Tuyên truyền tôn giáo”. 7 ngày trong hầm kỷ luật, chàng suy niệm và chợt ngộ ra rằng: “Hễ tình cho quá nhiều thì nhận chẳng bao nhiêu!”

Hát là một “ma soeur cô đơn” đói lả người quanh năm. Hễ cùng thì tất biến và Hát trở thành “chuyên viên Avec” thượng thặng. Mỗi cuối tuần, Hát chỉ cần xách một cái soong trống không đến gặp anh em vừa được gia đình thăm nuôi xin làm một “hợp đồng kẻ có của người có công”. Mỗi người góp một món: nếp, đậu hay đường, Hát thì có công đi nấu. Thế là sau 1 giờ, 4 người quây quần vui vẻ bên nồi chè thơm lừng. Nghề chạy bếp tuy khá vất vả vì phải trốn tránh Cán bộ thường xuyên săn đuổi, nhưng lại đắc dụng cho cái bao tử bị đói bốn mùa của Hát.

Dân mình có câu “sinh nghề tử nghiệp”, một khi vận rủi nó buộc vào người thì hãy coi chừng có ngày bị lâm nguy bởi cái nghề của bạn đấy. Trường hợp này không rơi vào nghề chạy bếp của anh chàng “Avec” mà rơi vào nghề “đi trên dây tử thần”của anh chàng Tờ...

Phạm Văn Tờ nguyên là Sĩ quan Tiếp liệu Sư đoàn Không quân, thân cận với giới có cánh mà vẫn không thoát được trong ngày “vỡ tổ”. Tờ thuộc loại lớn con, dềnh dàng. Trước khi vào tù anh nặng 80kg, bụng phệ, da dẻ hồng hào bóng mịn. Thuở ngoài đời, bữa ăn sáng tệ nhất phải là một tô phở lớn kèm ổ bánh mì và ly cà phê sữa đá, vào tù với tiêu chuẩn phần ăn ít ỏi Tờ không chịu nổi bèn nghĩ ra một nghề độc đáo: “Ði trên dây tử thần.”

Biệt tài của anh giống như loài nhím, đào trộm củ sắn mà cây sắn vẫn còn xanh tươi. Trong cái túi bao cát của Tờ mang đi làm hàng ngày, có một vật “bất ly thân”. Ðó là thanh lồ ô dài khoảng 2 tấc có hình dáng như một lưỡi lê. Nội quy cấm tù nhân cất giữ vật dụng bằng sắt thép nên anh đã tôi luyện thanh lồ ô cho đủ độ cứng và bền bằng cách ngâm bùn và un khói. Thanh lồ ô trở thành con dao có thể gọt, cạo, cắt, xén vừa là một loại thuỗng có thể đào, bới, chấn, moi bất cứ trên vùng đất nào. Anh dùng cây lồ ô đào sâu bên dưới gốc cây sắn, cắt một vài củ rồi lắp đất lại như cũ.

Khi ra trận có lần nào Tờ tỏ ra “điếc không sợ súng” chứ từ ngày nhập tù anh đã tỏ ra có bản lĩnh “đói không sợ cùm”!

Ði đêm có ngày gặp ma, chàng chuyên viên “đi trên dây tử thần” lâm nguy rồi!

Lần này anh gặp ma thật. Ma Giám thị trưởng còn kinh khiếp hơn ma cà rồng chuyên hút máu người. Lão bắt gặp anh đang hành nghề của loài nhím moi trộm sắn. Cái củ sắn tươi quý hơn loại nhân sâm Ðại hàn chưa kịp hồi dương cơn đói Tờ đã bị tống vào nhà cùm.

Chiều hôm sau, Ban giám thị đem Tờ ra tố khổ trên toàn tổng trại. Từ một củ sắn do chính tay tù phá rừng, đốt rẫy, đào đất trồng xuống, giờ đây Tờ bị kết án ăn cắp sắn của Nhân dân, phá hoại tài sản Xã hội Chủ nghĩa. Mới bị cùm 24 giờ mà trông anh tái xanh hốc hác như người bị bệnh lâu ngày.

Ðứng trên bục cao, hai chân run rẩy, Tờ đọc bản tự kiểm trong cơn thổn thức. Nước mắt anh tuôn thành dòng trên hai gò má trũng sâu. Trong bản tự kiểm, cán bộ buộc Tờ tự xỉ vả mình là: “Kẻ hèn hạ, không khắc phục được bản thân, còn mang nặng bản chất tư sản hưởng thụ trên sức lao động của người khác. Ðảng đã tha tội chết mà không chịu cải đổi tính tình để trở thành người lương thiện...”

Vừa đọc đến đấy, Tờ vứt bản tự kiểm xuống đất. Trong một thoáng bất ngờ, anh cởi chiếc áo tù để lộ tấm thân tàn tạ, vẹo vọ, nhăn nhúm trước mặt mọi người rồi hai tay chụp vào lớp da bụng kéo dài ra cả gang tay. Khi buông ra, da đùn lại thành nhiều lớp xếp vào nhau, giống như đống da bò mới lột. Mắt nhìn thẳng vào đám Cán bộ, anh nói:

“Ngày mới vào tù, tôi nặng 80 ký lô, bây giờ chỉ còn 40 ký, xin các ông hãy nhìn thẳng vào thân thể nầy đây mới nhận chân được cái đói triền miên của tù cải tạo!”

Trước cảnh thương tâm, anh em tù không tránh khỏi xúc động. Nhìn vào bộ xương bọc da của Tờ rồi nghĩ đến thân thể của mình thì nào khác gì nhau. Máu uất hận bỗng dưng căng đầy trên mắt người tù. Cả hội trường bắt đầu lao nhao.

Cái hoạt cảnh bất ngờ ấy kéo dài không quá 5 phút đồng hồ. Tức thì, công an bảo vệ bủa vây tràn ngập. Tiếng đạn lên nòng, tiếng chân người chạy rầm rập. Cả toán quân vũ trang súng AK, M16 chĩa thẳng vào đám tù, chuẩn bị một cuộc đàn áp. Chúng ra lệnh từng người đặt hai tay lên đầu, lần lượt rời khỏi Hội trường. Trong giây phút hỗn loạn ấy, Tờ biến mất.

Sáng hôm sau, xác Tờ được đặt trước cổng trại kèm theo một tấm bảng có ghi dòng chữ:

“Tên phản động Phạm văn Tờ đã vượt trại, mang ý đồ chống phá Cách mạng, hành hung Cán bộ, bị xử lý”.

Từ hôm đó, tù nhân bị kiểm soát gắt gao khi nhập trại. Cán bộ tịch thu tất cả thức ăn cải thiện và cấm tù không được đến gần nhà bếp. Tiêu chuẩn quà thăm nuôi cũng bị giới hạn khắc khe 3 ký lô cho một lần tiếp tế. Cấm mang vào trại các thức ăn khô...

Riêng Lê Quí Bê bị gọi lên Ban giám thị viết kiểm điểm về việc ăn chay vì họ cho đó là hình thức truyền giáo; mà tuyên truyền tôn giáo là vi phạm nội quy nặng nề. Chúng cấm anh nhận những thức ăn chay của gia đình mang vào và buộc anh phải ăn theo tiêu chuẩn của nhà bếp.

Thực đơn trường kỳ của tù là món canh cải “toàn quốc” với ít mắm nêm hay mắm ruốc. Thỉnh thoảng có món lá sắn luộc xào mỡ. Theo viện phân chất thuộc “Đỉnh cao trí tuệ đảng ta” thì mức bổ dưỡng của 6kg lá sắn tươi bằng 1kg thịt bò. Bởi vậy, đám “Đầy tớ của Nhân dân” luôn luôn nhường lá sắn cho “chủ” là Nhân dân, còn Cán bộ thì khiêm nhường xin lãnh phần thịt bò.

Những ngày sau đó, Bê vẫn tiếp tục từ chối loại canh có pha mắm nêm hay mắm ruốc, đổi canh lấy muối. Biết được, Ban giám thị cấm nhà bếp cấp muối cho anh.

Gia đình Bê thăm nuôi ngày mỗi thưa, thức ăn chay thiếu hụt, bạn tù cùng lán thỉnh thoảng biếu anh ít muối đậu hay muối sả nhưng có thấm vào đâu. Dần dà, sức khỏe suy yếu vì thiếu chất muối; đôi chân anh sưng phù không đủ sức đi lao động.

Ban giám thị đưa anh đi điều trị với điều kiện phải tuân thủ theo quy chế của Bệnh xá.

2 ngày sau, Bê bị trả về lại đội, lý do anh từ chối thức ăn của Bệnh xá. Ban Giám đốc trại xem thái độ bất tuân lệnh Y sĩ điều trị là hành động chống đối, nên quyết định biệt giam anh.

Trong thời gian bị biệt giam, món canh nhà bếp anh không đụng tới chỉ dùng nước lã chan vào cơm. Thấy biện pháp biệt giam không khuất phục được ý chí và quyết tâm của Bê, chúng đưa anh nằm riêng ở một chòi chất tranh, bất chấp quy chế tù nhân bịnh nặng được nằm tại khu cách ly. Chúng theo dõi rất nghiêm ngặt và cấm tù nhân lai vãng gần chòi tranh.

Sức khỏe của Bê suy kiệt khá nhanh do bệnh phù thủng phát tán toàn thân. Anh phải dùng gậy để lê đôi chân sưng vù bọng nước. Bọn chúng quyết không cho Bê ăn muối, còn Bê thì vẫn bình thản dùng nước lã trộn cơm thay canh. Thời gian sau, chân anh không còn có thể nhắc lên được nữa, nên phải bò đến nhà bếp để nhận cơm.

Chủ đích triệt hạ tính kiên cường của Bê, bọn Giám thị lý luận: Nó đã từ chối nằm Bệnh xá tức là phủ nhận mình là một bệnh nhân, vì vậy mọi việc nó phải lo liệu.

Vâng, chính anh đã tự lo liệu. Người tù đầy nghị lực nầy nhờ đức tin đã vượt thắng tất cả. Cái chết đối với anh chỉ là sự giải thoát khỏi thế giới trầm luân này và cũng chỉ có cái chết anh mới thật sự đến được miền tự do vĩnh cửu.

Thời gian sau nầy, Bê hoàn toàn tịnh khẩu. Cán bộ tra hỏi anh không trả lời. Chúng quát tháo, anh chắp tay niệm Phật.

Do phải bò nhiều nên hai đầu gối của Bê bị nhiễm trùng, vết thương lở loét bày ra hai đầu xương trắng hếu. Ruồi bọ không ngừng tấn công vào vùng thịt ngày thêm thối rữa. Hàng ngày, anh em tù chứng kiến cảnh Bê lết đi trên đoạn đường đầy đá sỏi như một người ăn xin ngoài đời, lòng mọi người không khỏi tủi hờn.

***
Giám thị trưởng ít khi đi kiểm tra tận các trại tù trong giờ kiểng chưa báo thức. Sáng nay, sương mù còn phủ dày đặc trong miền thung lũng và bóng đêm còn che khuất những lối đi, lão giám thị đã đi dạo quanh khu trại mấy vòng rồi ghé vào chòi tranh có Bê nằm. Hiện tượng bất thường nầy khiến tù nhân đâm nghi ngờ.

Khác với thông lệ, giờ lao động sáng nay, đội Thợ Mộc được lệnh xuất trại sớm. Vừa đến nơi, tù đã thấy lão Giám thị có mặt tại đó tự bao giờ. Lão vừa gọi trưởng toán mộc tìm ván để đóng hòm thì tên Y sĩ của trại cũng vừa đến. Hắn hoát mồm báo cáo tù phạm Lê quý Bê đã chết. Ðể chứng tỏ mình thi hành chức năng đúng nghiêp vụ, hắn thêm: “Báo cáo thủ trưởng, em đã phát hiện trên cổ tử thi có một đường bầm tím vắt ngang”.

Chợt lão giám thị quắc mắt nhìn tên Y sĩ, rồi quát:
- “Ðủ rồi, không cần đồng chí báo cáo thêm ”.

Tên Y sĩ quay lưng bỏ đi, anh trưởng toán mộc đưa đề nghị:
- “Muốn đóng một quan tài phải đo kích thước của người chết.”
Lão lưỡng lự khá lâu trước lời yêu cầu của Phúc, trưởng toán mộc. Cuối cùng lão chỉ định đích thân anh ta đến đó.
Phúc cực kỳ sửng sốt khi nhìn thấy Bê nằm chết trên nền đất mà hai chân lại vắt ngang lên cây đà chất tranh. Tròng mắt tử thi gần như lọt ra ngoài hố mắt, hàm răng cắn chặt vào chiếc lưỡi thè lè tím ngắt. Như điều Cán bộ Y sĩ đã báo cáo, trên cổ Bê có một đường bầm tím. Ðây là một trường hợp chết vì bức tử không ai che giấu được. Với tư thế nằm chết như vậy, chứng tỏ Bê đã trải qua một cơn vùng vẫy dữ dội. Nhìn cặp chân mềm nhũn treo đong đưa trên đà gỗ, Phúc biết ngay bọn đồ tể đã bẻ quặp chân Bê trên đà ngang để giảm bớt sức chống cự trước khi dùng thanh sắt đè cổ.

Vừa bước chân ra khỏi cổng trại, Phúc bị lão Giám Thị Trưởng chận lại hỏi một câu mà chỉ có tù mới hiểu ý:

- “Tên họ anh là gì? Ở đội mấy? Có thuộc nội quy không?”

Lão chậm rãi ghi từng chi tiết câu trả lời của Phúc vào cuốn sổ tay. Ðây là nội dung một lời cảnh cáo được ngụy trang:

- “Nếu không giữ kín những điều đã nhìn thấy thì bản nội quy là dây thòng lọng sẽ siết cổ họng nhà ngươi!”

Vào buổi trưa cùng ngày, một phái đoàn từ Thành phố đến trại tù gồm đại diện các cơ quan: Tòa án, Công an, Viện kiểm sát, Y sĩ giảo nghiệm và Chuyên viên chụp hình. Trước khi chôn cất nạn nhân, họ thực hiện các thủ tục gian trá mà bạo quyền thường xử dụng để che mắt Nhân dân trong nước và Quốc tế về thủ đoạn tàn ác của chúng. Phần kết luận trong tờ biên bản hẳn nhiên là: “Tù cải tạo Lê Quý Bê cắn lưỡi tự tử”.

Lê Quý Bê bị bức tử cùng với hàng ngàn tù cải tạo khác do bàn tay của những tên đồ tể xuất thân từ lò Vô-sản chuyên-chính được rải khắp các trại tù. Những viên chức và Chiến sĩ bảo vệ miền Nam tự do bị kẹt lại trong các nhà tù của Cộng sản đã nhận chịu bao đòn thù vô cùng tàn bạo của cường quyền Hà nội. Họ bị sát hại, bị thủ tiêu được ngụy tạo bằng nhiều lý do: phản động, trốn trại, ám sát cán bộ, cướp súng hay tự tử... Một phần khác chết vì kiệt sức, tai nạn lao động, bệnh tật không được điều trị.

Vì ảnh hưởng độc hại của những năm tháng dài thiếu chất dinh dưỡng, lao động khổ sai và tinh thần bị đàn áp thường trực, khi ra tù nhiều người phát sinh bệnh tâm thần, ung thư, lao phổi, sốt rét, tiểu đường và đủ loại bệnh nan y khác. Người cựu tù chết trong bệnh tật, trong đói nghèo và cô đơn.

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét