Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

Tin Sinh Hoạt Ăn Tết Với Người Không Nhà (Homeless) và Tin Đó Đây Theo Dòng Thời Sự. - Lê Văn Hải


Mừng Xuân Mới! Nhóm Mõ Nhân Ái Đưa Không Khí Tết Quý Mão 2023, Đến Với Khách Không Nhà (Homeless) *Sinh hoạt Mừng Xuân truyền thống, (trên 20 năm) khá đặc biệt, độc đáo, không phân biệt sắc tộc, đậm Tình Người, ít nơi nào có!
<!>

-Trong những ngày qua, cả tiểu bang California, mưa bão gió lạnh, kéo dài chưa bao giờ thấy, suốt vài tuần lễ, đây là thời điểm khắc nghiệt nhất với những mảnh đời bất hạnh không nhà. Chỉ riêng người Việt, theo chúng tôi biết, đã có 2 trường hợp qua đời, vì không chịu nổi cái giá rét lạnh cóng ngoài trời, lẫn niềm cô đơn cùng cực trong tim.

Trong mục đích đưa không khí Lễ Tết, mang chút niềm vui an ủi, đến với Khách Không Nhà, những người sa cơ lỡ bước trên đường đời, giờ không có một chỗ trú ngụ, không thân nhân, cô đơn lạnh giá trong những ngày Lễ cuối năm và đầu năm.

Sáng Thứ Sáu, 29 Tết! nhằm ngày 20 tháng 1 năm 2023. Trong bữa cơm phục vụ Homeless 2 ngày trong tuần, Anh trưởng và Quý Anh Chị Em thiện nguyện trong Nhóm Mõ Nhân Ái, đã có những sinh hoạt Đón Mừng Năm Mới với họ, qua các tiết mục vui ngày Tết: Lì Xì ai cũng có! và Rút thăm có thưởng, lấy hên cho Năm Mới Âm Lịch, Tết Quý Mão 2023! Ai ai cũng vui vẻ, tươi cười chúc nhau Năm Mới tốt đẹp như ý! “Happy New year!” Riêng những người trúng số, reo vui: “Tôi là người may mắn nhất!...trong năm!” một và người ngoại quốc, cũng biết tí tiếng Việt, tươi cười: “Chuc mung nam moi!”

Bữa ăn tiễn năm cũ rất đặc biệt, ngoài cà phê, những món ăn nóng hổi, khách còn được tặng 1 bao thực phẩm “to go” ê hề mang về. Có cả những vật dụng cần thiết, chống cái lạnh khắc nghiệt mùa Đông.

Buổi cơm hôm nay, đánh dấu năm thứ 29, mà Nhóm đã đeo đuổi trong công tác nhân đạo này. Sống chết, vui buồn với những mảnh đời, bị gạt ra khỏi bên lề xã hội!

Tuy có nụ cười, nhưng không dấu được nước mắt đau thương. 2 tuần qua, mây đen u ám luôn bao phủ cả bầu trời, trút xuống những cơn mưa lạnh dữ dội, rỉ rả cả ngày lẫn đêm! Gió bão, kèm theo những luồng không khí lạnh cóng từ Bắc cực thổi về. Người trong nhà êm ấm, còn chịu không nổi, hướng chi phải ở ngoài trời, thì chịu sao thấu! Nên rất nhiều người đã qua đời, trong đó có 2 người Việt Nam!... còn khá trẻ!

Mùa Đông, vẫn là những thời điểm khốn khổ, khắc nghiệt nhất trong năm. Nhưng năm nay, nỗi khổ đau, phải chịu đựng, còn nhân lên gấp bội phần!

Trong những ngày qua, chúng tôi nhận được những tin thật buồn. Trong số những người qua đời, có 2 người Homeless Việt Nam, theo sự diễn tả của các bạn gần lều, vì không chịu nổi cái lạnh, đã nằm chết cứng trong lều, khi xe cứu thương đến, bỏ lên “băng ca” còn thấy 2 dòng máu đỏ vẫn từ trong mũi trào ra! Hình ảnh sao mà đau xót, thương tâm quá!

Nhóm Mõ Nhân Ái đã gom lời cầu nguyện, cho Hương Linh những mảnh đời khốn khổ, sớm được tiêu diêu miền tiên cảnh, quên đi kiếp người, sao lại quá cùng cực ở chốn trần gian này.

Ở thời điểm thiêng liêng, trước ngày Giao Thừa, mừng Đất Trời đổi mới. Hy vọng Năm Mới, với hình ảnh Con Mèo dễ thương, tư thái an bình, quý phái, nằm nhàn nhã, là điềm báo sẽ có nhiều May Mắn hơn năm cũ, thay đổi tốt hơn cho năm mới, đến với những mảnh đời khốn khổ! Không Nhà! (Homeless!)





Việt Nam tê liệt, vì đang có bất ổn chính trị ở thượng tầng, các cấp dưới bất an, lo ngại, không hoạt động! Ảnh hưởng mạnh đến kinh tế, xã hội!



-Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đang mạnh tay chống tham nhũng, đó chỉ là danh nghĩa, thật ra ai cũng biết, là thanh toán phe nhóm với nhau!
Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hay còn gọi là “đốt lò” đã và đang dẫn đến tình trạng bất ổn, khủng hoảng trong chính trị thượng tầng, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp và giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra quan sát với VOA.

Hai nhà trí thức cũng nhận xét rằng những hậu quả khác của “đốt lò” là tâm lý hoang mang, lo sợ trong các cấp của bộ máy nhà nước, dẫn đến tâm lý “không tích cực”, “không muốn làm việc”, “không dám hoạt động”. Thực trạng đó cũng được nhiều người nói đến trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA.
Như VOA đã đưa tin, trong diễn biến mới nhất của “đốt lò”, Đảng Cộng sản Việt Nam và quốc hội gần đây đã bỏ phiếu “cho thôi chức” chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Xuân Phúc vì ông phải chịu trách nhiệm chính trị về nhiều cán bộ dưới quyền, trong đó có hai phó thủ tướng, ba bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
"Mọi hoạt động bình thường bị xáo trộn. Hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương hiện làm việc không hiệu quả. Mọi người không muốn làm việc vì làm thì sợ bị sai. Nó là bất ổn chính trị ở tầng cao nhất" (Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp)

Đón nhận thông tin kể trên, trong khi nhiều người dân hoan hỉ, cũng có nhiều người khác bày tỏ trên mạng xã hội rằng càng có nhiều vụ kỷ luật, bắt bớ quan chức, bầu không khí đất nước càng ngột ngạt, trì trệ, đi xuống.

Khủng hoảng thượng tầng

Vào sáng mùng 2 Tết, tức ngày 23/1, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, viết trên trang Facebook cá nhân có hơn 12.000 người theo dõi: “Ổn định chính trị vĩ mô quan trọng không kém ổn định kinh tế vĩ mô. Năm mới cầu chúc cho đất nước là luôn có được cả hai sự ổn định này!”
Từ góc nhìn của mình, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, đánh giá về tình hình chính trị thượng tầng của Việt Nam sau các diễn biến hồi cuối năm 2022:

“Rõ ràng đang có sự bất ổn về chính trị ở Việt Nam. Cuộc chiến chống tham nhũng là đấu tranh nội bộ với nhau. Nó tạo ra bất ổn vì mọi người về mặt tâm lý mà nói là không tích cực. Mọi hoạt động bình thường bị xáo trộn. Hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương hiện làm việc không hiệu quả. Mọi người không muốn làm việc vì làm thì sợ bị sai. Nó là bất ổn chính trị ở tầng cao nhất”.
Đây là trạng thái bất bình thường. Có lẽ gọi là khủng hoảng thì đúng hơn. (Giáo sư Nguyễn Đình Cống).

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một tiếng nói phản biện được biết tiếng rộng rãi lâu nay, có chung suy nghĩ rằng ở trong nơi mà ông gọi là “tầng lớp trên”, có thể đang có tình trạng hoang mang:

“Nói là trì trệ cũng được, là bất ổn cũng được. Thực chất của trạng thái này làm một số người lo sợ, không dám hoạt động gì. Không biết ngày hôm nay là ông Phúc, ngày mai đến lượt mình hay chưa. Đây là trạng thái bất bình thường. Có lẽ gọi là khủng hoảng thì đúng hơn”.
Tuy nhiên, trong khi tiến sĩ Hà Hoàng Hợp hàm ý nói đến sự chênh lệch không quá lớn giữa các phe phái trong cuộc đấu tranh nội bộ của đảng cầm quyền ở Việt Nam, giáo sư Nguyễn Đình Cống lại cho rằng đang có tình trạng “chịu ép một bề”, còn ở phía bên kia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang “nắm hết” và bộ máy “làm theo ý của ông ấy”.

Ảnh hưởng kinh tế, xã hội

Trong bối cảnh được tiến sĩ Hà Hoàng Hợp gọi là “không thể dự đoán được về ổn định chính trị thượng tầng”, một số lĩnh vực quan trọng của đất nước đang bị đình trệ nặng nề. Đứng hàng đầu là bộ y tế và khu vực y tế công, với việc không đấu thầu, không mua thuốc, mua thiết bị nữa.
“Hơn 14 tháng nay hệ thống này không hoạt động hay chỉ hoạt động thoi thóp”, ông Hợp nói.

Tiếp đến là lĩnh vực xây dựng đường sá, cầu cống, hạ tầng giao thông cũng dừng lại, vẫn theo nhà nghiên cứu của Viện ISEAS-Yusof Ishak. Tương tự, hệ thống hạ tầng cơ sở thông tin đang bị trì trệ, tiến sĩ Hợp nói.

‘Đốt lò’ không làm người ta phấn khởi, tin tưởng. ‘Đốt lò’ làm cho người ta sợ. (Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp)

Khối các doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng theo vì họ gặp vướng mắc trong hệ thống ngân hàng và thị trường vốn có tầm quan trọng “vô cùng to lớn”. Sau khi các tỷ phú Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC; Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tân Hoàng Minh; và Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bị bắt, thị trường huy động vốn chỉ còn bằng 30% so với trước, ông Hợp đưa ra con số so sánh.
Ngay cả phía tư nhân cũng “tự bảo vệ” bằng cách “không làm gì nữa”, nhà nghiên cứu này bình luận với VOA và nói thêm:
“Hiện nay, nói thẳng ra là chưa bao giờ có sự vô lý xảy ra như thế. Đây là hệ lụy trực tiếp từ việc ‘đốt lò’ mà ra. ‘Đốt lò’ không làm người ta phấn khởi, tin tưởng. ‘Đốt lò’ làm cho người ta sợ”.

Trong con mắt của ông, tiến sĩ Hợp nhìn thấy ‘đốt lò” là trận chiến giành quyền lực hơn là nỗ lực thành thực để chống tham nhũng. Ông nêu ra ví dụ để củng cố cho lập luận của mình:
“Chống tham nhũng trong 10 năm đến nay xử lý được hơn 1.700 vụ, so với hệ thống có vài trăm nghìn vụ phải đưa ra xử lý mà không xử lý được. Thì kết quả người ta nhìn thấy ngay là nó chỉ có ở tuyên truyền thôi, nó không có trong thực tế”.

Không thể cải tạo hệ thống?

Nhà nghiên cứu này cho rằng để chống tham nhũng thành công, đảng cộng sản cầm quyền cần phải có 3 chân kiềng là minh bạch, pháp quyền và sự tham gia của người dân:
“Phải minh bạch. Nói rõ ra trường hợp nào tham nhũng đến mức độ nào, hỏng đến đâu, mọi người cùng biết. Thứ hai là nền tảng quan trọng nhất về mặt pháp lý, đúng hay sai, có tội hay không có tội. Thứ ba là sự tham gia của rất đông người dân. Rất nhiều người nhìn vào sự việc, người ta sẽ thấy nó rõ ràng, dẫn đến xử lý minh bạch hơn, đúng pháp luật hơn”.

Về phần giáo sư Nguyễn Đình Cống, ông có nhận định bi quan về tương lai công cuộc chống tham nhũng nói riêng và chính trị Việt Nam nói chung.
Trước hết là từ vai trò của đảng cầm quyền, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bị xem là “xơ cứng” dưới con mắt của giáo sư Nguyễn Đình Cống, cho đến các cán bộ tham mưu cho ông Trọng, bị đánh giá là “chỉ biết nói dựa”:

“Theo dõi cuộc họp Ban chấp hành Trung ương không thấy người nào dám đề đạt cải cách. 200 người đấy nhìn vào thấy không có sinh khí. Không ai dám nói một câu gì phản biện. Sinh khí trong đảng không còn. Không còn ai có thể đề xuất đúng đắn nữa. Những quân sư, nhưng vị tham mưu cho ông Trọng chỉ nói dựa theo ý của ông ấy thôi, mà sự hiểu biết của ông Trọng hiện nay kém rồi”.
Theo giáo sư Cống, để thoát ra khỏi tình trạng kể trên, phải có những lực lượng bên ngoài mạnh dạn đấu tranh, phê bình, phản biện, nhưng với việc ông Trọng nắm chắc công an và an ninh trong tay, các tiếng nói phản biện đã và đang bị trấn áp nghiêm trọng:
“Hở ra một cái là họ mang còng số 8 đến. Hiện nay họ đàn áp kinh khủng, làm cho người trong đảng không dám mở mồm, người bên ngoài co vòi lại. Tình trạng này rồi nó suy sụp dần dần, chứ còn cải tạo thì rất khó vì không có lực lượng nào đảm nhận chuyện ấy cả”.

VOA cố gắng liên lạc với Đảng Cộng sản Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ về các nhận định, bình luận kể trên, nhưng không nhận được hồi đáp.


Phải chăng Ông Phúc rớt đài, là do vợ và người thân dính đến vụ Việt Á!


-Ông Phúc được cho là người có công trong giai đoạn kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt
Cú rớt đài của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – vốn buộc phải từ chức do có cáo buộc vợ và người thân của ông dính đến vụ tham nhũng nổi cộm – đã khởi động những vòng đua tranh chính trị mới, khi Đảng Cộng sản cân nhắc xem ai sẽ trở thành chủ tịch nước kế tiếp theo, các nguồn tin và các nhà phân tích nói với kênh Channel News Asia của Singapore.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm, 65 tuổi, là ứng cử viên nổi bật vào lúc này, các nguồn tin chính phủ cho biết và nói thêm rằng quá trình lựa chọn chính trị ở quốc gia cộng sản này thường bí ẩn và bất định cho đến phút chót.
Các nguồn tin đã yêu cầu được giấu tên do sự nhạy cảm khi nói về giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam hôm 18/1 đã chấp thuận cho ông Phúc từ nhiệm, một ngày sau khi ông đệ đơn xin thôi chức trong lúc những người theo đường lối cứng rắn trong Đảng tăng cường đàn áp tham nhũng.
Động thái này của Quốc hội chỉ là sự phê chuẩn mang tính hình thức cho điều đã được Trung ương đảng quyết định để kết thúc sự nghiệp chính trị của ông Phúc.
“Tôi nghĩ lý do chính là vợ và một số người nhà của ông Phúc bị cáo buộc dính đến một số vụ án tham nhũng,” Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, cho biết.

Bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông Phúc và thân nhân của ông bà được cho là nằm trong vụ tai tiếng lừa đảo về bộ xét nghiệm COVID-19 có quy mô 170 triệu đô la Mỹ.
“Trong các thông báo chính thức, Đảng không đề cập đến những chuyện tham nhũng này vì tôi nghĩ họ muốn giữ thể diện cho ông Phúc và cũng để bảo vệ tiếng thơm và hình ảnh của Đảng trước công chúng,” ông Hiệp phát biểu trong chương trình ‘Asia Tonight’ của kênh CNA.
“Họ không muốn người dân tin hoặc nghĩ rằng ngay cả những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng tham nhũng.”

Trong những ngày đầu của đại dịch hồi tháng 3 năm 2020, Việt Nam đã công bố bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 đầu tiên được sản xuất trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Với số tiền 800.000 đô la được cấp từ ngân sách nhà nước, dự án hợp tác giữa Học viện Quân y và công ty tư nhân Việt Á được cho là sẽ sản xuất bộ xét nghiệm rẻ hơn, theo các nhà nghiên cứu của dự án.
Tuy nhiên, theo điều tra, dự án này hóa ra là một trong những vụ lường gạt lớn nhất lịch sử Việt Nam.

Trước khi vụ việc được phát hiện, hàng triệu bộ xét nghiệm gian dối đã được bán với giá cao cho các trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở 62 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước, công an cho biết.
Nhà chức trách nói rằng vụ lường gạt này sở dĩ xảy ra được là do hối lộ các quan chức để được họ hậu thuẫn.

Đây là một trong những vụ án tham nhũng nổi cộm nhất ở Việt Nam khiến cho Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ khi đó là ông Chu Ngọc Anh bị mất chức và bị bắt giữ.
Vụ này nằm trong số nhiều vụ án hàng đầu trong chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt ở Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt.
Một vụ bê bối khác gây chấn động đất nước và vụ các chuyến bay giải cứu để hồi hương công dân Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài trong lúc dịch.

Tất cả những vụ việc này xảy ra khi ông Phúc còn nắm quyền thủ tướng cho đến tháng 4 năm 2021, khi ông được bầu làm chủ tịch nước.
Mặc dù triệt tiêu tham nhũng là ưu tiên của giới lãnh đạo Việt Nam trong nhiều năm, nhưng sự chú ý đã tập trung nhiều vào nạn tham nhũng trong đại dịch kể từ năm ngoái.
Điều này là do không giống các vụ án tham nhũng khác, vụ bê bối bộ xét nghiệm đã khiến công chúng quan tâm và phẫn nộ vào lúc cuộc sống của người dân bị đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng, giáo sư Carlyle Thayer nói với CNA.
“Vụ tham nhũng COVID thực sự quá đáng giận. Nó ảnh hưởng đến người dân, những người thực sự bị sốc và phẫn nộ khi biết rằng các quan chức trục lợi trên nỗi khổ của người dân,” ông Thayer, giáo sư danh dự từ Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học New South Wales, Úc, cho biết.

Các cuộc điều tra và trấn áp sau đó đã dẫn đến con số chưa từng có các quan chức chính phủ bị loại bỏ, bao gồm hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng. Hơn 130 quan chức, nhà ngoại giao và doanh nhân đã bị bắt.

Ông Phúc, nhà lãnh đạo cao nhất bị nhắm đến trong cuộc điều tra, đã phải chịu trách nhiệm cuối cùng về những sai phạm của nhiều quan chức trong số này, chính phủ cho biết.
Ông Trọng, người được bầu lại vào nhiệm kỳ thứ ba hiếm hoi hồi năm 2021, đang đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng vốn đã đưa đến những biến động trong nền chính trị Việt Nam.
“Trước đây, chính quyền Việt Nam truy lùng những người phạm tội tham nhũng. Giờ đây họ mở rộng tới những người tiếp tay hay khuyến khích tham nhũng. Và những mạng lưới này đang bị phanh phui,” ông Thayer nói.
“Đảng đang nghĩ cách chống tham nhũng hiệu quả hơn. Một trong những cách làm là bắt các quan chức phải chịu hậu quả không chỉ về việc họ làm, mà cả những gì người thân và thuộc cấp của họ làm,” Tiến sĩ Hiệp nói.

Các cuộc thanh trừng mới đây đã để lại những chiếc ghế trống trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cao nhất.
Sự thay máu chính trị được cho là sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ trở nên hướng nội hơn khi trong các quan hệ quốc tế, các nhà phân tích cho biết.

Ông Phúc, cùng với ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng và là cựu bộ trưởng ngoại giao, đều là những gương mặt quen thuộc đối với các lãnh đạo nước ngoài. Các bộ trưởng mới lên thay có rất ít kinh nghiệm về quan hệ đối ngoại, Giáo sư Thayer nói.
Dưới nhiệm kỳ thủ tướng của ông Phúc, Việt Nam đã có tăng trưởng kinh tế trung bình 6% một năm và ký được một số thỏa thuận thương mại tự do cho Việt Nam.
Ông được nhiều người ghi nhận là đã đẩy nhanh các cải cách có lợi cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp và nhà phân tích có cảm nhận trái ngược về việc liệu môi trường chính trị bất trắc ở Việt Nam có cản trở đầu tư nước ngoài và tăng trưởng kinh tế hay không.
“Cho đến nay chính quyền Việt Nam đã làm việc này một cách rất có tính toán và có phối hợp để kiểm soát các tác động,” Tiến sĩ Hiệp nói về nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam.
“Có những vấn đề trước mắt. Nhưng họ có thể trả cái giá ngắn hạn này để đạt được mục tiêu về lâu dài, đó là kiểm soát tham nhũng và cải thiện tính minh bạch trong chính phủ và cả trên thị trường,” ông nói thêm.

Giáo sư Thayer nói rằng với việc nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ - tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã vượt qua các mục tiêu chính thức và tăng trưởng 8% hồi năm ngoái - tác động tiêu cực của việc thay máu lãnh đạo đối với nền kinh tế của đất nước có thể sẽ không nhiều.


Nhiều câu hỏi: Trong vòng 18 tháng, ông Tập ba lần đổi tư lệnh chiến khu trung ương!

(Mary Hong)


(Ảnh: Các binh sĩ Quân Giải phóng Nhân dân đứng trước một màn hình lớn khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trình bày tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập chính quyền ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2019.)

*Ông Tập muốn giành được sự ủng hộ của quân đội
*Những bất thường trong Quân đội
*Đảo chính trong nước có thể xảy ra

Bộ Tư lệnh Chiến khu Trung ương (CTC) của Trung Quốc đã bổ nhiệm vị tư lệnh thứ ba trong vòng một năm rưỡi. Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng hành động này là một nỗ lực khác của ông Tập Cận Bình nhằm bảo đảm có người thân tín trong quân đội. Nhưng một số điểm bất thường cũng chỉ ra sự bất an của ông Tập trong mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Hôm 18/01, ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), đã phong quân hàm cấp tướng cho ông Hoàng Minh (Huang Ming), tư lệnh mới được thăng chức của CTC ở Bắc Kinh. Thượng tướng 60 tuổi Ngô Á Nam (Wu Yanan) đã từ chức tư lệnh CTC.

Trước đó, ông Ngô đã thay thế Tư lệnh tiền nhiệm Ất Hiểu Quang (Yi Xiaoguang) hồi tháng 01/2022.
Ông Ất đảm nhận chức vụ này từ tháng 08/2021 và được thuyên chuyển sang Chiến khu Đông Bộ khi ông Ngô tiếp quản.

Không rõ chức vụ hiện tại của ông Ngô là gì. Tuy nhiên, ông đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước CCTV hôm 13/01 trong bản tin nói về cuộc họp mở rộng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của CMC
Ông Tập muốn giành được sự ủng hộ của quân đội
CTC bảo vệ 7 tỉnh, trong đó có Bắc Kinh, nơi đặt sở chỉ huy. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là bảo vệ thủ đô và hỗ trợ hoạt động tại các chiến khu khác.

Hôm 19/01, nhà bình luận Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng ông Tập đã thăng cấp tướng cho cả ba tư lệnh CTC. Việc thường xuyên thay đổi chỉ huy CTC và thăng chức cho thấy ông Tập đã cố gắng lấy lòng quân đội bằng cách mở rộng đội ngũ tướng lĩnh của mình.

Kể từ khi ông Tập trở thành Chủ tịch CMC vào năm 2012, ông đã thăng chức cho một số tướng lĩnh để xây dựng nhóm người thân tín của mình trong quân đội. Chẳng hạn, ông đã thăng hàm tướng cho bảy quân nhân cao cấp hồi tháng 01/2022.
Tuy nhiên, ông Lý nghi ngờ tính hiệu quả của những nỗ lực từ ông Tập. Khi nói về lý lịch của những người được bổ nhiệm, ông Lý cho hay, “Cả ông Ngô và ông Hoàng đều là người của ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou), Quân đoàn 16 ở Đông Bắc.”
Ông Từ, trước đây là phó chủ tịch CMC và là người quyền lực thứ hai trong quân đội Trung Quốc, được cho là không trung thành với ông Tập Cận Bình. Ông Từ qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2015, nhưng bị cách chức và bị điều tra về tội hối lộ hồi tháng 03/2014.

Dữ liệu công khai cho thấy ông Hoàng trước đây là tham mưu trưởng của Quân đoàn 16, và được thăng cấp thiếu tướng hồi tháng 07/2014.

Ông Ngô là phó tư lệnh của Quân đoàn 16 hồi tháng 07/2013 và được thăng cấp thiếu tướng hồi tháng 07/2014.
Ông Lý cho biết ông Tập cần sự an toàn cho một vị trí thực chất như chỉ huy của một chiến khu. Tuy nhiên, không có nhiều người mà ông có thể thực sự tin tưởng.
“Ông ấy phải dựa vào các vị trí chính thức để thu phục họ,” ông Lý cho hay.

Những bất thường trong Quân đội
Vào ngày 03/01/2018, ông Tập Cận Bình đã ban hành các chỉ thị huấn luyện quân sự trong một buổi lễ huy động lớn tại một căn cứ huấn luyện và yêu cầu quân đội nâng cao khả năng chiến thắng cũng như tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Kể từ đó, ông Tập đã ký một lệnh huy động hàng năm, được gọi là Quân lệnh số 1, cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vào ngày làm việc đầu tiên sau ngày 01/01.
Tuy nhiên, không có thông tin gì về Quân lệnh số 1 cho năm 2023, và hai tuần đã trôi qua kể từ ngày 01/01 năm nay.

Hôm 14/01, nhà bình luận Thẩm Chu (Shen Zhou) cho biết trong một bài báo rằng việc không có Quân lệnh số 1 cho năm 2023 có thể là do hành động khiêu khích quân sự gần đây của PLA ở Biển Đông đã phơi bày điểm yếu của Bắc Kinh.
Ông cũng nghi ngờ rằng cuộc “Cách mạng Giấy Trắng” chống phong tỏa, vốn đã buộc ông Tập phải từ bỏ chính sách zero COVID, đã khiến ông Tập cân nhắc thêm. “Nếu xảy ra chiến tranh, điều khiến ông Tập quan tâm nhất có thể là sự đảo chính trong nội bộ, điều mà sẽ nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền,” ông Thẩm cho hay.

Các cuộc biểu tình bằng giấy trắng diễn ra sau khi một vụ cháy chung cư kinh hoàng ở thành phố Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) xảy ra ở phía tây bắc Trung Quốc, khiến 10 người, bao gồm cả trẻ em, thiệt mạng hồi tháng 11/2022. Nhiều người cho rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của ĐCSTQ là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này.
Do đó, một số người biểu tình đã giơ những tờ giấy trắng như một biểu tượng của sự thương tiếc, và để phản đối sự kiểm duyệt đồng thời bày tỏ sự kháng nghị của họ đối với chế độ cộng sản.

Đảo chính trong nước có thể xảy ra
Sự bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc, kết hợp với việc chính quyền đột ngột dỡ bỏ các hạn chế đi lại và các hạn chế COVID khác, đã dẫn đến thiệt hại nhân mạng thảm khốc đối với người dân Trung Quốc. Trong số những người tử vong có cả các quan chức và lãnh đạo quân đội cao cấp.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, người con của một quan chức cao cấp nói với The Epoch Times rằng đã có nhiều lời phàn nàn về khả năng lãnh đạo phòng chống COVID-19 của ông Tập trong số các nguyên thủ quân đội đã về hưu, vì nhiều sĩ quan đã về hưu sống trong các khu chung cư quân sự của ĐCSTQ đã qua đời trong những làn sóng lây nhiễm COVID này.

Thiên Minh (Tian Ming) (hóa danh) cho biết một điều gì đó lớn như đảo chính trong giới quan chức cao cấp có thể xảy ra trước tháng Ba, khi ĐCSTQ tổ chức hai cuộc họp chính trị hàng đầu hằng năm kéo dài nhiều tuần được gọi là Lưỡng Hội.
Có lẽ ông Tập quả thực đã lo lắng.

Cuối năm 2022, ông Tập kêu gọi các thành viên Bộ Chính trị duy trì sự thống nhất cao với Ủy ban Trung ương Đảng, để ủy ban này có thể tiếp tục thực hiện “sự lãnh đạo mạnh mẽ, tập trung, và thống nhất” tại cuộc họp sắp tới.
Ông yêu cầu các thành viên Bộ Chính trị nhanh chóng báo cáo Ủy ban Trung ương những quyết sách và vấn đề lớn, cũng như những diễn biến quan trọng trong lĩnh vực họ phụ trách.

Trong bài diễn văn Năm Mới 2023, ông Tập cũng sử dụng một giọng điệu xoa dịu.
“Việc những người khác nhau có mối quan tâm khác nhau hoặc có quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề là điều tự nhiên,” ông nói, mặc dù không rõ chính xác ông đang đề cập đến ai.


Ngũ Giác Đài lên kế hoạch cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thăm Đài Loan

(Lê Vy)


-Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thăm Đài Loan vào cuối năm nay, Punchbowl News đưa tin hôm thứ Hai, trích dẫn một quan chức trực tiếp liên quan.

Punchbowl cũng nói rằng kế hoạch cho chuyến đi đang ở “giai đoạn đầu” và các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden kỳ vọng ông McCarthy sẽ đến thăm vào một thời điểm nào đó trong mùa xuân.
Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện dưới sự lãnh đạo của ông McCarthy đã tăng cường ưu tiên chống lại Bắc Kinh, với một Ủy ban về cạnh tranh Mỹ – Trung được thành lập ngay trong tháng này dưới nhiệm kỳ Quốc hội mới. Quốc phòng Đài Loan là một mục chính trong chương trình nghị sự của nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Gallagher của bang Wisconsin, người được ông McCarthy chọn để lãnh đạo ủy ban.

Trước đó, ông McCarthy từng nói rằng ông “rất thích” đến thăm Đài Loan nếu được bầu làm Chủ tịch Hạ viện. Tuyên bố được đưa ra vài ngày trước chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi tới hòn đảo vào tháng 8 năm ngoái.
Bắc Kinh đã phản ứng quyết liệt trước chuyến thăm ngày 2/8 của bà Pelosi bằng việc phong tỏa gần như hoàn toàn Đài Loan, sau đó là các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật xung quanh hòn đảo với quy mô chưa từng có.

Chính phủ Trung Quốc cũng cắt đứt một loạt kênh liên lạc với Mỹ, bao gồm cả về biến đổi khí hậu và trao đổi quân sự – động thái được Nhà Trắng cho là “phản ứng thái quá”.
Chủ tịch Hạ viện là chức vụ đứng thứ hai trong danh sách kế vị Tổng thống, sau phó Tổng thống, theo Hiến pháp Hoa Kỳ. Chủ tịch Hạ viện cuối cùng đến thăm Đài Loan trước bà Pelosi là Newt Gingrich, một đảng viên Cộng hòa, vào năm 1997, dưới thời Tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton.

Các nhà phân tích tại Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị có trụ sở tại New York, lưu ý rằng chuyến thăm của bà Pelosi có thể đã tạo tiền lệ mà các lãnh đạo khác của Hạ viện sẽ cần phải đi theo, trong bối cảnh lưỡng đảng thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Ban đầu, ông Biden dường như tìm cách ngăn cản bà Pelosi tới Đài Loan, nhưng sau đó khẳng định rằng sự phân chia quyền lực giữa nhánh hành pháp và lập pháp khiến ông không có quyền ngăn cản Chủ tịch Hạ viện.

Tổng thống Biden sau đó khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công quân sự từ Đại lục. Nhận xét này đã đặt ra câu hỏi về lập trường lâu dài của Hoa Kỳ về “sự mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã tiếp tục phủ nhận rằng họ đã thay đổi chính sách đối với Đài Loan.


Hoa Kỳ: Giá tem sẽ tăng từ 22/01 khi Ủy ban Bưu chính chấp thuận cho USPS tăng chi phí!

(Tom Ozimek)

Tem sắp trở nên đắt đỏ hơn sau khi Bưu điện Hoa Kỳ (USPS) đề nghị tăng giá vài tháng trước và được Ủy ban Điều tiết Bưu chính (PRC) chấp thuận gần đây. Giá tem bắt đầu tăng từ Chủ Nhật, ngày 22/01.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang khiến các gia đình Mỹ gặp khó khăn cũng gây áp lực lên USPS, USPS vốn cho biết hồi tháng 10/2022 rằng họ đã đưa ra kế hoạch tăng giá để “bù đắp lạm phát leo thang.”

Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố hôm 07/10 rằng họ đã đề nghị một loạt các đợt tăng giá, bao gồm tăng giá tem và tăng phí bảo hiểm thư tín, chuyển tiền, và thuê hộp thư bưu điện.
Những mức giá mới này, vốn được PRC chấp thuận vào cuối tháng 11/2022, bao gồm mức tăng giá xấp xỉ 4.2% cho mỗi Thư Hạng Nhất, Thư tiếp thị USPS, Gói Dịch vụ, và Dịch vụ Đặc biệt.

Giá xuất bản phẩm định kỳ tăng 3.5%.

PRC cho biết về quyết định điều chỉnh giá: “Gần như tất cả các tỷ lệ được quy định đối với Dịch vụ Bưu chính trong thủ tục này (tức là, 4.200% cho mỗi loại sản phẩm) là kết quả của sự gia tăng lạm phát.”
Áp lực lạm phát Mặc dù lạm phát của Hoa Kỳ đã giảm bớt phần nào trong những tháng gần đây, nhưng dữ liệu Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) mới nhất cho thấy giá cả trong tháng 12/2022 đã tăng 6.5% tính theo năm và giảm 0.1% tính theo tháng.

Một thước đo lạm phát khác sử dụng phương pháp tương tự mà chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng để đo lường CPI trong những năm 1980 đặt con số lạm phát của tháng 12/2022 ở mức cao hơn đáng kể là 14.5%.
Chỉ số lạm phát CPI của chính phủ là 6.5%/năm là tỷ lệ hàng năm chậm nhất trong hơn một năm và con số này đang có xu hướng giảm trong những tháng gần đây.

Theo lệnh điều chỉnh giá của PRC, chi phí gửi một bức thư nặng 1-ounce sẽ tăng từ 60 xu lên 63 xu, trong khi bưu thiếp trong nước sẽ tăng từ 44 xu lên 48 xu.
Về Dịch vụ Đặc biệt, giá Lệnh Chuyển tiền sẽ tăng 6.7% và giá Dịch vụ Hộp thư Bưu điện sẽ tăng 4.5%. Dịch vụ Đặc biệt duy nhất không tăng giá là Xác thực Thẻ Tín dụng.

Một danh sách toàn diện về tất cả các thay đổi về giá đã có sẵn với lệnh điều chỉnh giá của PRC.
USPS bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát
Văn phòng Tổng Thanh tra USPS (OIG) đã báo cáo rằng lạm phát đã có tác động đáng kể đến Dịch vụ Bưu chính do các hạn chế về đầu tư, tăng lương gắn liền với các thỏa thuận thương lượng tập thể, hạn chế tăng giá, và thiếu sự hạn chế rủi ro đối với chi phí nhiên liệu tăng.
Hai phần ba trong số 82 tỷ USD chi phí hàng năm của USPS dành cho chi phí lao động, với gần ba phần tư lực lượng lao động của USPS được điều chỉnh chi phí sinh hoạt hai lần một năm.

Ngoài ra, các hạn chế về đầu tư tài sản lưu động, chi phí nhiên liệu, và các thỏa thuận liên minh khiến Dịch vụ Bưu điện gặp bất lợi so với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.
Những điều chỉnh về chi phí sinh hoạt này là một phần trong các thỏa thuận thương lượng tập thể của USPS và tách biệt với các khoản tăng lương hàng năm mà nhân viên Bưu điện nhận được.

Theo báo cáo của OIG, các nhân viên đủ điều kiện đã nhận được khoản điều chỉnh là 1,935 USD vào tháng 07/2021, số tiền này cao hơn khoảng mười lần so với số tiền họ nhận được vào tháng 07/2020.
Các doanh nghiệp ít bị ràng buộc bởi các thỏa thuận nghiệp đoàn đối mặt với áp lực chi phí nhỏ hơn so với Dịch vụ Bưu chính.

Báo cáo của OIG lưu ý rằng USPS không hạn chế giá nhiên liệu bằng cách mua nhiên liệu cho tương lai với mức giá đã định trước trước đó, như một cách mà các doanh nghiệp có thể giảm thiểu tác động của biến động giá.

Khủng hoảng biên giới phía Nam Hoa Kỳ: Ma túy, buôn người và các băng đảng tràn lan!

(Antonio Graceffo)


(Ảnh: Bức tường 'The Faces of Fentanyl' (Những khuôn mặt của Fentanyl) hiển thị hình ảnh những người Mỹ mất mạng vì dùng fentanyl quá liều, tại trụ sở của Cơ quan Phòng chống Ma túy (DEA) ở Arlington, Virginia, hôm 13/07/2022.)

Theo ước tính, có khoảng 20 triệu người Mỹ nghiện ma túy. Riêng chất gây nghiện Fentanyl đã chiếm 2/3 trong số 110,236 ca tử vong do dùng thuốc quá liều và đã cướp đi mạng sống của hơn 73,000 người Mỹ chỉ riêng trong năm 2021. Fentanyl hiện là chất gây nghiện chủ yếu mà các băng đảng Mexico đang buôn lậu vào Hoa Kỳ.
Luồng vận chuyển ma túy bất hợp pháp qua biên giới phía nam là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với quốc gia của chúng ta và là vấn nạn mà chính phủ Biden có ít hành động nhất.

Ngày càng có nhiều loại ma túy đang bị thu giữ tại biên giới phía nam hơn bất kỳ nơi nào khác trên toàn quốc, chỉ riêng ở San Diego đã thu giữ hơn 5,000 pound. DEA báo cáo rằng các băng đảng Mexico đang nhập cảng các tiền chất từ Trung Quốc và sản xuất fentanyl ngày càng nhiều hơn để phân phối ở Hoa Kỳ.
Trong một báo cáo hồi tháng 08/2022, Biện lý Hoa Kỳ Randy Grossman đã mô tả fentanyl là một “cuộc khủng hoảng quốc gia”. “Số lượng fentanyl mà chúng tôi đang thu giữ ở biên giới thật đáng kinh ngạc. Số lượng các vụ bắt giữ và tử vong liên quan đến fentanyl trong địa hạt của chúng tôi lớn chưa từng có.”

Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy này, 10,000-pound (4,535 kg) bột fentanyl đã bị thu giữ vào năm 2022. Ngoài ra, DEA đã thu giữ gần 131,000-pound (59,420 kg) methamphetamine, hơn 4,300-pound (1,950 kg) heroin và 444,000-pound (201,395 kg) cocaine.
Mặc dù các băng đảng ma túy Mexico hiện đang kiếm được nhiều tiền hơn từ fentanyl so với các loại ma túy khác, nhưng những người này cũng kiếm được bộn tiền từ việc buôn người. Các chính sách biên giới mở dưới thời ông Biden đã tạo điều kiện cho các băng nhóm buôn lậu người vào Hoa Kỳ với số lượng lớn hơn nhiều. Theo một vài ước tính, các băng đảng này đang kiếm được tới 13 tỷ dollar mỗi năm nhờ buôn người, và họ sử dụng số tiền này để thuê thêm tay chân cho các hoạt động buôn bán ma túy của mình. Hồi tháng 04/2022, Bộ An ninh Nội địa đã phát động chiến dịch “Chống buôn người,” với kinh phí tài trợ 60 triệu dollar vốn chỉ là một phần nhỏ so với số tiền mà các băng đảng này kiếm được.

Năm 2021 chứng kiến sự gia tăng rõ rệt của bạo lực băng đảng. Các cuộc tấn công vào thường dân vô tội ngày càng trở nên phổ biến. Trong suốt sáu năm qua, ước tính có khoảng 140,000 người Mexico phần lớn đã bị các băng đảng sát hại và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Ở Celaya, một trong những thành phố nguy hiểm nhất của Mexico, có khoảng 800 vụ án mạng vào năm 2020, gia tăng đáng kể so với 80 vụ như báo cáo vào năm 2010. Trong năm 2021, các vụ án mạng giảm xuống còn 640 vụ nhưng lại có hàng trăm vụ mất tích. Số người bị sát hại trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Bạo lực băng đảng ở Châu Mỹ Latinh càng gia tăng, thì càng có nhiều người vô tội bị thiệt mạng, và càng có nhiều người muốn trốn sang Hoa Kỳ, làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Texas John Cornyn đã đệ trình Đạo luật Phòng thủ Đường hầm Xuyên Biên giới Bất hợp pháp của DHS để ngăn chặn 230 đường hầm bên dưới biên giới Hoa Kỳ-Mexico được các băng đảng ma túy và buôn người sử dụng. Dự luật vẫn chưa được ký ban hành do các thống đốc của các tiểu bang biên giới cảm thấy căng thẳng trước làn sóng người nhập cư bất hợp pháp và ma túy tràn vào. Thống đốc Đảng Dân Chủ California Gavin Newsom đã chỉ trích các chính sách biên giới của Tổng thống (TT) Joe Biden, cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng nhập cư có thể phá vỡ tiểu bang của ông nếu TT Biden cho phép Đề mục 42 hết hiệu lực. Thống đốc Texas Greg Abbott đồng ý với quan điểm này, nói rằng nếu Đề mục 42 hết hiệu lực, biên giới phía nam sẽ trở thành một cảnh tượng “hoàn toàn hỗn loạn.”

Cả hai vị thống đốc này đều nhận được món quà Giáng sinh sớm khi Tối cao Pháp viện tạm thời gia hạn các hạn chế nhập cư. Một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa đã phản hồi rằng nhờ có Đề mục 42 được áp dụng ngay tại chỗ, những người cố gắng nhập cảnh trái phép vào đất nước này sẽ bị trả về Mexico. Ông cũng yêu cầu Quốc hội tăng ngân sách cho an ninh biên giới.
Dường như vị thống đốc tiểu bang có lập trường chủ động nhất về vấn đề nhập cư bất hợp pháp và tội phạm song hành là Thống đốc Abbott, người đã khởi xướng Chiến dịch Ngôi sao cô đơn (Operation Lone Star). Chiến dịch này là một nỗ lực phối hợp giữa Bộ An toàn Công cộng và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas để bảo vệ biên giới. Mục đích là để ngăn chặn các băng đảng, tội phạm, buôn lậu ma túy và vũ khí, và buôn người. Cho đến nay, Chiến dịch Lone Star đã dẫn đến việc bắt giữ 336,000 người nhập cư bất hợp pháp và 23,000 vụ bắt giữ tội phạm, với 20,000 trong số đó là những vụ bắt giữ trọng tội. Vào năm 2022, DPS đã thu giữ hơn 354 triệu liều fentanyl.


(Ảnh: Những người nhập cư bất hợp pháp vượt sông Rio Grande đang đi bộ dọc theo hàng rào dây kẽm gai ở Eagle Pass, Texas, hôm 22/05/2022.)
Pew Research nhận thấy rằng Đảng Cộng Hòa ủng hộ an ninh biên giới và trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp. Trái lại, các thành viên Đảng Dân Chủ lại quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra con đường cho những người ở lại trong đất nước này một cách bất hợp pháp đạt được tư cách pháp nhân. Vấn nạn buôn bán ma túy và buôn người sẽ không bị ngăn cản nhờ có các chương trình được thiết lập để giúp những người nhập cư bất hợp pháp có được giấy phép lao động và thẻ thường trú nhân. Dù với bất cứ lý do gì, điều này sẽ mời gọi nhiều hơn nữa các vụ nhập cư bất hợp pháp. Hiện tại, Đề mục 42 sẽ được giữ nguyên, mặc dù ông Biden tin rằng bằng cách nào đó Đề mục 42 sẽ làm cho tình hình biên giới trở nên tồi tệ hơn. Tối cao Pháp viện sẽ bắt đầu các phiên điều trần về việc bãi bỏ Đề mục 42 vào ngày 01/03.

Mặc dù Đề mục 42 vẫn có hiệu lực và cung cấp một số biện pháp bảo vệ trước nạn nhập cư bất hợp pháp, nhưng miễn là tình trạng này vẫn có thể tồn tại, thì các băng đảng sẽ tiếp tục kiếm tiền từ việc buôn lậu ma túy và buôn người vào Hoa Kỳ. Số tiền này sau đó được sử dụng để mua vũ khí và thuê tay chân, dẫn đến nhiều người vô tội ở Mexico và Châu Mỹ Latinh phải chịu đau khổ và mất đi sinh mạng.


Na Uy bắt giữ cựu thành viên hàng đầu của Tập đoàn Wagner xin tị nạn


-Ông Andrei Medvedev, một cựu thành viên cấp cao của tập đoàn hợp đồng quân sự tư nhân Nga Wagner, xin tị nạn ở Na Uy.
Một cựu thành viên cấp cao của tập đoàn hợp đồng quân sự tư nhân Nga Wagner xin tị nạn ở Na Uy và đang bị giam giữ vì tình nghi nhập cảnh bất hợp pháp vào quốc gia Scandinavia này, nhà chức trách cho biết hôm thứ Hai 23/1.

Ông Jon Andreas Johansen thuộc cảnh sát di trú Na Uy nói với thông tấn xã Associated Press rằng ông Andrey Medvedev người Nga “đã bị bắt theo Đạo luật Di trú và đang được đánh giá xem liệu ông có nên bị giam hay không”. Tờ báo VG của Na Uy cho biết việc giam giữ ông này không nhằm mục đích trừng phạt mà là một biện pháp an ninh.
Ông Medvedev, người nói rằng ông lo sợ cho mạng sống của mình nếu quay trở lại Nga, được cho là đã nhập cảnh bất hợp pháp vào Na Uy sau khi băng qua biên giới của nước này với Nga vào đầu tháng này.

Ông Vladimir Oschkin thuộc nhóm bất đồng chính kiến Nga Gulagu.net, nhóm đã giúp Medvedev trốn khỏi Nga, cho biết ông được giam giữ bảo vệ trong một ngôi nhà an toàn và đã được chuyển đến một cơ sở di trú an toàn mà không có lời giải thích.
Luật sư người Na Uy của ông Medvedev, Brynjulf Risnes, nhấn mạnh với đài truyền hình NRK rằng thân chủ của ông không bị nghi ngờ phạm bất kỳ hành vi phạm tội nào và rằng ông không quen với các biện pháp an ninh mới, chặt chẽ hơn của Na Uy dành cho ông.
“Các biện pháp an ninh quan trọng đã được đưa ra. Ông Medvedev gặp vấn đề trong việc thích nghi với chúng,” ông Risnes nói với NRK.

Trong một đoạn video do Gulagu đăng tải, ông Medvedev cho biết ông đã bị Nga bắn trước khi vào quốc gia Scandinavi. Cảnh sát Na Uy nói họ đã được lực lượng biên phòng Nga thông báo về dấu vết trên tuyết cho thấy ai đó có thể đã vượt biên giới trái phép.
Cơ quan Điều tra Hình sự Quốc gia Na Uy, cơ quan tham gia điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine, cho biết họ đang thẩm vấn ông Medvedev, người “có tư cách nhân chứng.” Ông Osechkin nói cựu chiến binh này đã nói chuyện với các nhà điều tra vào thứ Sáu 20/1.

Ông Medvedev, người đã chạy trốn kể từ khi đào tẩu khỏi Tập đoàn Wagner, được cho là đã nói với Gulagu.net rằng ông ta sẵn sàng kể tất cả những gì mình biết về tập đoàn bán quân sự mờ ám này và chủ nhân của nó là Yevgeny Prigozhin, một triệu phú có quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Medvedev cho biết ông rời Tập đoàn Wagner sau khi hợp đồng của ông được gia hạn sau thời hạn từ tháng 7 đến tháng 11 mà không có sự đồng ý của ông.

Ông nói rằng ông sẵn sàng làm chứng về bất kỳ tội ác chiến tranh nào mà ông đã chứng kiến và phủ nhận tham gia vào bất kỳ tội ác nào.
Tập đoàn Wagner, dẫn đầu các cuộc tấn công chống lại lực lượng Ukraine, bao gồm một số lượng lớn các tù nhân được tuyển mộ từ các nhà tù Nga. Tập đoàn đã ngày càng trở nên có ảnh hưởng ở Châu Phi.


Quân đội Myanmar ném bom một làng, 7 người thiệt mạng!


(Ảnh: Máy bay chiến đấu của Myanmar thả bom trong tập trận hồi năm 2018)

-Ít nhất 7 dân thường thiệt mạng khi lực lượng vũ trang Myanmar tiến hành các cuộc không kích vào một ngôi làng ở vùng Sagaing miền trung nước này, theo tin của một nhân chứng và đài BBC Tiếng Myanmar.

Quốc gia Đông Nam Á này đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội tiếm quyền cách đây gần hai năm, chấm dứt một thập kỷ thực hiện các bước đi thận trọng hướng tới dân chủ, đồng thời gây ra phẫn nộ trên toàn cầu và khiến những người chống đối ở trong nước thành lập lực lượng du kích.
Theo lời thuật lại của một nhân chứng và bản tin bằng tiếng Myanmar của BBC, nhưng Reuters không thể kiểm chứng độc lập, các máy bay quân sự đã thả bom xuống một buổi lễ quyên góp của khu dân cư ở làng Moe Tarr Lay thuộc thị trấn Katha vào tối thứ Tư 18/1.

Reuters không thể liên lạc được ngay với người phát ngôn của chính quyền để đề nghị đưa ra bình luận.
Bảy dân làng đã thiệt mạng, thi thể của một số người bị cháy đến mức không thể nhận dạng được, trong khi ít nhất 5 người khác bị thương, theo lời của nhân chứng và truyền thông.

Zin, một cư dân 44 tuổi chứng kiến vụ ném bom, cho biết hàng chục ngôi nhà bị phá hủy, đường dây điện và liên lạc bị cắt đứt ở một số huyện.
"Một số thi thể bị đốt cháy khủng khiếp đã được chôn cất vào đêm qua và những thi thể khác sẽ được chôn cất vào hôm nay", Zin, không nêu tên đầy đủ vì lý do an ninh, nói với Reuters qua điện thoại.

Ông cho biết dân làng Moe Tarr Lay đã chạy trốn vì sợ các cuộc không kích tiếp theo.
Myanmar chìm trong giao tranh kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 2/2021. Các phong trào kháng chiến, một số có vũ trang, đã nổi lên khắp đất nước và quân đội đã đánh lại bằng vũ lực sát thương.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu chấm dứt bạo lực và hối thúc quân đội Myanmar trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.


Tin Việt Nam

Cựu Giám Đốc Bệnh Viện Tim Hà Nội Bị Truy Tố Với Khung Phạt Từ 10-20 Năm Tù



(Hình: Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Nguyễn Quang Tuấn trong một kỳ họp Quốc hội ở Hà Nội.)
- Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, ông Nguyễn Quang Tuấn, bị truy tố theo khung hình phạt từ 10-20 năm tù.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành ngày 18/1/2023 nêu rõ ông Tuấn thông đồng với hai doanh nghiệp hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu. Hành động này bị nói gây thiệt hại hơn 50 tỉ đồng cho Bệnh viện Tim Hà Nội và Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Tội danh “vi phạm trong đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng’ mà Viện Kiểm Sát Tối cao áp trong trường hợp ông Tuấn theo khoản 3, Điều 222, Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.
Vào tháng 10/2021, ông Nguyễn Quang Tuấn bị Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao khởi tố với cùng tội danh. Lúc đó Cơ quan Cảnh sát Điều Tra thuộc Bộ Công an (C03) tiến hành thực hiện lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Quang Tuấn.

Ông Nguyễn Quang Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội vào tháng 8/2012. Đến giữa tháng 3/2020 ông được bổ nhiệm chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thuộc Bộ Y tế.

Bộ Công an CSVN từng xác định ông Nguyễn Quang Tuấn khi còn là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã ký những văn bản liên quan đến việc thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế. Trong vụ này Bộ Công an đã bắt giam chín bị can.
Khi về làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Tuấn cũng bị cho gây nên những bất mãn khiến xảy ra vụ 222 Bác sĩ, nhân viên của bệnh viện này nghỉ việc.

Ông Nguyễn Quang Tuấn từng là đại biểu Quốc hội Khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021 thuộc đoàn Thủ đô Hà Nội. Trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Quang Tuấn có tên trong danh sách 868 người ứng cử. Tuy nhiên, đến ngày 16/5, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 687/NQ-HĐBCQG về việc rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn ra khỏi danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại thành phố Hà Nội.

Vào đầu tháng 1 vừa qua, ông Tuấn bị thu hồi danh hiệu “công dân thủ đô ưu tú” năm 2016 và 2021.


Giám Đốc Sở Y Tế Kiên Giang Bị Cách Chức


(Hình: Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang liên quan đến vụ vi phạm đấu thầu thiết bị y tế của Việt Á.)
- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, ông Hà Văn Phúc, bị bãi hết các chức vụ đang nắm giữ.

Truyền thông nhà nước loan tin dẫn thống nhất tại cuộc họp vào sáng ngày 18/1/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang như vừa nêu. Theo đó ông Hà Văn Phúc bị thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và các chức vụ khác đang đảm nhiệm.
Vào tháng 8/2022, ông Phúc bị kỷ luật cảnh cáo do đã phê duyệt dự toán mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á vi phạm quy định pháp luật đấu thầu.

Tin cho biết Hội đồng Nhân dân tỉnh Kiên Giang có kế hoạch họp trong ngày 18/1 để thực hiện quy trình tiếp theo cho ông Hà Văn Phúc thôi các chức vụ gồm Ủy viên ủy Ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021-2023; tuy nhiên do bận đột xuất nên quy trình này sẽ được thực hiện trong thời gian tới.


Cựu Chủ Tịch FLC Trịnh Văn Quyết Bị Đình Chỉ Hoạt Động Nghề Luật Sư


(Hình: Ông Trịnh Văn Quyết tại văn phòng FLC ở Hà Nội hồi năm 2018.)
- Đoàn Luật sư Hà Nội vào ngày 17/1/2023 ban hành quyết định tạm đình chỉ việc hành nghề Luật sư đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Mạng báo Tiền Phong loan tin dẫn quyết định như vừa nêu của Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Lý do tạm đình chỉ việc hành nghề Luật sư đối với ông Trịnh Văn Quyết được nêu ra do ông này đã bị Cơ quan cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian đình chỉ hoạt động nghề Luật sư đối với ông Trịnh Văn Quyết là từ khi có quyết định bị khởi tố đến khi có quyết định khác thay thế hay có bản án có hiệu lực pháp lý của cơ quan tiến hành tố tụng.
Vào ngày 29/3/2022, ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc có hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra vào ngày 10/1/2022.

Đến ngày 23/8/2022, ông bị khởi tố thêm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.


Thái Bình: Hai Trung Tâm Đăng Kiểm Bị Khám Xét Khẩn Cấp


(Hình: Khám xét khẩn cấp tại hai Trung tâm Đăng kiểm Xe cơ giới tỉnh Thái Bình ngày 18/1/2023.)
- Hai trung tâm đăng kiểm tại tỉnh Thái Bình vào ngày 18/1/2023 bị khám xét khẩn cấp.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Công an tỉnh Thái Bình thông báo cho truyền thông nhà nước về biện pháp vừa nêu. Cụ thể hai trung tâm đăng kiểm bị khám xét khẩn cấp là Trung tâm 17.02D tại huyện Đông Hưng và Trung tâm 17.01D tại Thành phố Thái Bình. Cả hai trung tâm thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình.
Hai trung tâm này bị Cơ quan CSĐT phát giác có dấu hiệu đưa và nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi trong khi đăng kiểm xe cơ giới.

Vào ngày 17/1, Giám đốc và chín viên chức Trung tâm Đăng kiểm 28-01S tại tỉnh Hòa Bình bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”.
Tính đến nay đã có 16 tỉnh, thành trên cả nước có những trung tâm đăng kiểm dính líu đến nạn “hối lộ”, đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ”, và “giả mạo trong công tác”; cũng như phải ngưng hoạt động vì các lý do khác như thiếu nhân sự…

Đó là các tỉnh/thành Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Tp. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Sơn La, Thái Bình.


Điện Biên: Bắt Tạm Giam Hạt Trưởng Hạt Kiểm Lâm Huyện Tuần Giáo


(Hình: Thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Văn Cường.)
- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên – Đinh Văn Cường, vừa bị khởi tố bị can và bắt tạm giam.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Điện Biên cho truyền thông hay tin trên trong ngày 17/1/2023, đồng thời cho biết ông Cường bị bắt do liên quan đến vụ án khai thác trái phép rừng phòng hộ năm 2021, vi phạm quy định về Quản lý rừng tại Điều 233 Bộ luật hình sự.

Theo công an, ông Đinh Văn Cường đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình cho phép Trần Duy Tuấn, trú tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, và Trương Văn Cường, trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, khai thác trái phép 1.278 cây gỗ Thông 3 lá có trữ lượng là 794.244 mét khối trên diện tích 8,04 hecta rừng phòng hộ tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Liên quan đến vụ án này, đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt năm người để điều tra giải quyết. Trong đó có Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo; Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trần Duy Tuấn; Công chức Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo… về tội “Vi phạm quy định về quản lý rừng”.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống Tham nhũng, Tiêu cực tỉnh Điện Biên cũng đã đưa vụ án phá rừng tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, vào diện theo dõi, chỉ đạo.


Tịnh Thất Bồng Lai: Tòa Yêu Cầu Giám Định Tình Trạng Bệnh Đối Với Ông Lê Tùng Vân


(Hình: Bị án Lê Tùng Vân được dìu đến tòa trong phiên xét xử trước đó.)
- Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa đề nghị ông Lê Tùng Vân (người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai) có mặt tại Hội đồng giám định y khoa tỉnh Long An để kiểm tra sức khỏe.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 18/1/2023 dựa theo nội dung thông báo của Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa.
Việc Tòa yêu cầu ông Lê Tùng Vân đi kiểm tra sức khỏe do hôm 19/12/2022, người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai nay đổi tên thành Thiền Am Bên bờ Vũ trụ đã có đơn gửi tòa xin hoãn chấp hành hình phạt tù năm năm do sức khỏe yếu vì tuổi già, mang nhiều bệnh tật như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, thiếu máu mạn tính, hẹp mạch vành, hội chứng viêm loét dạ dày….

Ba ngày sau khi nhận được đơn của ông Lê Tùng Vân, Tòa án Nhân dân huyện Đức Hòa đã ra quyết định trưng cầu giám định và đề nghị Trung tâm Giám định y khoa tỉnh Long An tiến hành giám định tình trạng bệnh đối với ông Lê Tùng Vân. Tuy nhiên, đến nay, ông Lê Tùng Vân vẫn chưa đến trung tâm này để giám định.

Trước đó, trong phiên xét xử vào ngày 5/12/2022, ông Lê Tùng Vân bị tuyên phạt năm năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”. Thời hạn phạt tù tính từ ngày 3/11/2022.
Các đệ tử của ông gồm Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, mỗi người bị án 4 năm tù; Lê Thanh Nhị Nguyên 3 năm 6 tháng tù và bà Cao Thị Cúc (chủ hộ) ba năm tù.


Tin Cộng Ðồng

Ðại Hội Ðiện Ảnh Tuy Xa Mà Gần: Cơ Hội Để “Người Việt Xem Phim Việt ở Pháp”

(Chi Phương)
Sau mùa đầu tiên với nhiều kết quả tích cực, Ðại hội Ðiện ảnh Đông Dương “Si Loin Si Proche” – “Tuy Xa Mà Gần” trở lại với khán giả Pháp vào ngày 26-29/1/2023, giới thiệu những bộ phim mới “độc” và “lạ” của 3 nước Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Nhiều bộ phim chưa từng được công chiếu tại Pháp, tiêu biểu như Trịnh và Em và Trở lại Hán Thành – Retour à Hán Thành.

Ðại hội Ðiện ảnh Tuy Xa Mà Gần là nơi gặp gỡ, hội tụ của điện ảnh ba nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt, được tổ chức tại trung tâm văn hóa Noisiel ‘La Ferme du Buisson’, ngoại ô Paris, Pháp. Năm 2022, vào mùa đầu tiên của Ðại hội Ðiện ảnh, ban tổ chức đã ghi nhận hơn 2500 khán giả đến xem. Mùa thứ hai của Ðại hội Ðiện ảnh năm nay cũng diễn ra trong dịp Tết nguyên đán như năm 2022, một cái hẹn cho những người thuộc cộng đồng Đông Dương cũ và những người quan tâm đến điện ảnh ’tuy xa mà gần’ với nhiều điểm mới lạ hơn.

RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với ban tổ chức Ðại hội Ðiện ảnh về mùa thứ hai này.
Trước tiên, xin cảm ơn ông Nara Keo-Kosal Giám đốc nghệ thuật của Tuy Xa Mà Gần và đồng tổ chức, Giám đốc rạp chiếu phim, ông Dominique Toulat tại La Ferme du Buisson, đã dành thời gian trả lời Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI).

Là những người lên ý tưởng và xây dựng chương trình Ðại hội Ðiện ảnh, hai ông đánh giá thế nào về kết quả của mùa đầu tiên của Tuy Xa Mà Gần diễn ra vào tháng Một năm 2022?

Dominique Toulat: Đối với chúng tôi, điều tuyệt vời nhất đó là khán giả đến xem không chỉ là những người có mối liên hệ cá nhân nào đó với 3 nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt, mà còn cả những người không có liên hệ nào, họ đến khám phá những bộ phim từ xứ xa. Tôi thấy rất vui khi thấy nhiều người đến từ 10 giờ sáng và xem hết phim này đến phim khác, cho tới tối. Không chỉ vậy mà họ còn bao gồm nhiều thế hệ, già có trẻ có. Thực sự là lúc đó chúng tôi rất phấn khởi khi mà tất cả mọi người nói với chúng tôi rằng “hẹn gặp lại vào năm sau nhé, và các ông chắc chắn là sẽ tổ chức liên hoan tiếp nhé!

Nara Keo-Kosal: Tôi thì rất xúc động khi có nhiều người lặn lội đường xa đến để xem phim Việt-Lào-Cam Bốt. Có những người đến từ các vùng khác của nước Pháp hoặc từ ngoại quốc.

Các ông chuẩn bị mùa thứ hai của liên hoan ra sao? Liệu chương trình cũng như quy cách tổ chức Tuy Xa Mà Gần đã rõ ràng hơn? Ban tổ chức có cảm thấy bớt căng thẳng hơn so với mùa đầu tiên hay không?
Dominique Toulat: Chúng tôi rất háo hức, nhưng cũng khá căng thẳng vì mọi thứ trở nên cụ thể hơn. Nhưng chúng tôi cũng có cảm giác bị chậm trễ. (Bởi vì đến nay, chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm). Tại liên hoan năm nay, có rất nhiều phim chưa từng được công chiếu ở Pháp, thậm chí là lần đầu tiên ở Âu Châu. Do vậy chúng tôi phải lo liệu làm phụ đề, dịch phụ đề sang tiếng Pháp và những công đoạn chuyển đổi phim mà nhà sản xuất cung cấp để chiếu ở rạp của chúng tôi. Trên thực tế, mỗi một mùa liên hoan đều sẽ có những điều mới mẻ, do vậy là một đợt căng thẳng mới. Khi mà mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp thì chúng tôi lại bị một áp lực, đó là cần phải làm tốt hơn nữa.

Nara Keo-Kosal: Thực ra vào mùa đầu tiên, chúng tôi không nhận thức được rõ về quy cách tổ chức Ðại hội Ðiện ảnh ra sao và chúng tôi cũng không căng thẳng lắm. Có thể chúng tôi sẽ bị căng thẳng vào năm nay, bởi vì chúng tôi biết rằng sẽ có cả ngàn người đến và như vậy thì những phim công chiếu ở đây phải hay và các chương trình cũng như hoạt động bên lề của liên hoan cũng phải thú vị.

Có thể thấy rằng chương trình của liên hoan năm nay có thêm nhiều điểm mới lạ so với năm 2022, như bàn tròn về ‘sự hiện diện của các diễn viên gốc Á trong điện ảnh Pháp’, hay cuộc gặp của tác giả sách Jeanne Truong với công chúng…. Thêm vào đó, nhiều đạo diễn hay của các bộ phim được giới thiệu tại đây cũng sẽ có mặt, giao lưu với công chúng. Xin ban tổ chức cho biết thêm thông tin?
Dominique Toulat: Năm nay, có khoảng 15 người, đạo diễn, diễn viên hay nhà sản xuất được mời đến dự liên hoan. Đây quả là một điều tuyệt vời đối với chúng tôi. Năm 2022, nhiều người không đến được vì lý do đại dịch. Chúng tôi rất vinh hạnh vì sự có mặt của đạo diễn Việt Nam Bùi Thạc Chuyên, cùng với phim Tro Tàn Rực Rỡ (Glorious Ashes). Bộ phim này đã giành giải Khinh Khí Cầu Vàng tại Ðại hội Ðiện ảnh Ba Châu Lục vào năm 2022. Đây là dịp để đạo diễn trao đổi với công chúng bởi chúng tôi thấy rằng điều này rất quan trọng. Đạo diễn Việt có thể thấy được cảm nhận và đánh giá trực tiếp của công chúng từ các nước khác. Họ thấy một bộ phim được thực hiện ở Việt Nam ra sao…. Chúng tôi cũng đã giải thích cho các đạo diễn về điểm độc đáo của La Ferme du Buisson đó là sự hiện diện của những kiều bào Việt-Lào-Cam Bốt tại khu vực này. Hầu hết các đạo diễn cũng bày tỏ quan tâm vì đây cũng là một câu chuyện của đất nước họ, mối liên hệ giữa Việt Nam ở đây và Việt Nam ở đó. Văn hóa Việt vẫn tồn tại bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nếu như tại mùa đầu tiên, một trong những mục tiêu của ban tổ chức là tạo chỗ đứng cho những đạo diễn trẻ thì năm nay một số phim được giới thiệu là do các đạo diễn kỳ cựu thực hiện. Một số phim cũng đoạt giải và thậm chí có tên trong danh sách bình chọn của giải Oscar danh giá, như phim ‘Đứa trẻ trong sương’ của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm. Ngoài ra cũng có phim gây tranh cãi như Em và Trịnh. Phải chăng, ban tổ chức đã đưa ra các tiêu chí rõ ràng hơn trong việc chọn phim công chiếu tại liên hoan?

Nara Keo-Kosal: Thực ra, chúng tôi lựa chọn phim trên hết là dựa vào chất lượng của phim và đạo diễn chứ không liên quan gì đến việc phim đó có gây tranh cãi hay không.

Dominique Toulat: Trên thực tế, liên hoan vẫn rất quan tâm đến sự sáng tạo của các đạo diễn mới nổi. Chúng tôi đã chọn công chiếu một số bộ phim vừa mới hoàn thiện vào năm nay, như phim Trở lại Soeul của đạo diễn trẻ người Pháp gốc Cam Bốt Davy Chou. Đó là những người mà chúng tôi muốn hỗ trợ và theo dõi thành quả nghệ thuật của họ. Về phim Tro tàn rực rỡ, vừa đoạt giải Khinh Khí Cầu Vàng, thực ra thì chúng tôi đã có thông tin và đã chọn trước khi phim này đoạt giải. Chúng tôi cũng đã khám phá ra phim tài liệu Đứa Trẻ Trong Sương, được công chiếu ở một Ðại hội Ðiện ảnh khác ở Pháp vào năm 2022. Hiện giờ những bộ phim này đã được giải hay bầu chọn thì càng tốt. Điều mà chúng tôi mong muốn nhất đó là những bộ phim này có thể được công chiếu ở các rạp chiếu phim khác ở Pháp sau khi Ðại hội Ðiện ảnh của chúng tôi kết thúc, ví dụ như là phim Tro Tàn Rực Rỡ.

Vào năm 2022, một trong những mục tiêu của ban tổ chức Tuy Xa Mà Gần đó là giúp cho điện ảnh của 3 nước Đông Dương được biết đến rộng rãi, đặc biệt là tìm được nhà phát hành phim ở Pháp. Cho đến nay quá trình này đã được tiến hành ra sao?

Dominique Toulat: Trên thực tế, tôi đã liên lạc với nhiều nhà phát hành nhưng quả thật là điều này rất khó. Ví dụ như năm 2022, chúng tôi giới thiệu phim Vị, chúng tôi đánh giá rất cao và hy vọng có thể được chiếu ở các nơi khác. Nhưng tình hình của các rạp tại Pháp dù có chút khởi sắc nhưng vẫn còn khá phức tạp sau đại dịch. Họ do dự và e ngại với những phim mới. Đây là điều mà chúng tôi hy vọng nhưng là công việc của nhà sản xuất phim. Điều mà chúng tôi có thể cho họ thấy đó là những phim đó có khán giả.
Ðại hội Ðiện ảnh Tuy Xa Mà Gần tôn vinh điện ảnh của 3 nước Việt Nam, Lào Cam Bốt, nhưng việc sản xuất phim của mỗi nước là khác nhau, liệu ban tổ chức có gặp phải khó khăn gì khi chọn phim công chiếu?

Nara Keo-Kosal: Theo tôi được biết, ở Việt Nam, chúng tôi có nhiều phim mới ra để lựa chọn hơn so với Cam Bốt hay Lào. Do đại dịch, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vào năm nay, khi chọn lựa phim để công chiếu, sao cho số lượng phim đến từ 3 nước là ngang nhau.

Dominique Toulat: Đúng là gần đây có nhiều phim mới cho ra mắt tại Việt Nam hơn là tại Lào và Cam Bốt và quy mô sản xuất phim giữa ba nước cũng khác nhau. Đó là một khó khăn. Ngoài ra chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc liên hệ với nhà sản xuất hoặc đạo diễn của một số phim mà chúng tôi quan tâm, hoặc khi liên lạc được thì họ trả lời quá chậm. Hơn nữa, tất cả các phim đều chưa có phụ đề tiếng Pháp nên chúng tôi phải lo phụ đề. Đây cũng là một hạn chế về số lượng phim mà chúng tôi có thể giới thiệu. Có một số phim mà chúng tôi cũng muốn công chiếu nhưng chúng tôi biết giới hạn của mình đến đâu, có thể làm phụ đề cho bao nhiêu phim.

Đôi lúc, chúng tôi cũng lấy làm tiếc vì không thể giới thiệu một số phim hay triển lãm vào năm nay vì thời gian có hạn và chúng tôi phải lựa chọn. Nhưng tôi tin rằng chúng tôi đã chọn ra những phim với thể loại rất đa dạng, khoảng 30 phim ngắn và phim lẻ. Khi tổ chức Ðại hội Ðiện ảnh, chúng tôi không chú trọng đến việc mọi người sẽ yêu thích phim hay không, mà điều cốt yếu là mọi người quan tâm và đến xem phim tại liên hoan.

Yếu tố ngôn ngữ và dịch thuật là một trong điểm độc đáo của Ðại hội Ðiện ảnh Đông Dương Tuy Xa Mà Gần?

Dominique Toulat: Đúng vậy, chúng tôi thấy rất quan trọng khi có thể tôn trọng các nền văn hóa và ngôn ngữ, mặc dù cá nhân tôi không nói bất cứ tiếng nào từ 3 nước này. Thế nhưng, tôi cho rằng rất quan trọng khi mọi người đến Ðại hội Ðiện ảnh, có thể nghe tiếng Pháp, tiếng Khmer, tiếng Việt. Đây thực sự là một điều tuyệt vời khi có được sự hòa quyện về ngôn ngữ. Chúng tôi cũng biết được rằng một số người đang sinh sống ở Pháp nhưng gặp khó khăn khi nói tiếng Pháp, do vậy họ sẽ thấy hài lòng khi có thể nghe lại tiếng mẹ đẻ của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét