Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 02/11/2022 - ĐHL


Pháp tổ chức ‘‘hội nghị quốc tế’’ huy động viện trợ giúp Ukraina vượt qua mùa đông
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp Hội Đồng Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 21/10/2022. REUTERS - PIROSCHKA VAN DE WOUW -Trọng Thành Quốc tế tiếp tục hậu thuẫn Ukraina trong cuộc chiến chống Nga xâm lăng. Hôm qua, 01/11/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Ukraina Volodymir Zelensky có cuộc điện đàm. Pháp dự kiến tổ chức một hội nghị quốc tế tại Paris vào tháng tới để huy động các hỗ trợ cho Ukraina.
<!>
Trong cuộc điện đàm hôm qua, hai tổng thống Pháp và Ukraina nói đến ‘‘một hội thảo quốc tế nhằm giúp các khu vực dân sự của Ukraina có đủ sức chống chịu trong mùa đông sắp tới’’, dự kiến tổ chức vào ngày 13/12/2022. Điện Elysée cho biết cụ thể là việc chuẩn bị cho hội nghị, cùng với các đối tác khác của Ukraina, ‘‘sẽ sớm được khởi động’’.

Hãng tin Anh Reuters dẫn lời bộ Ngoại Giao Pháp, cho biết thêm là hội nghị quốc tế này ‘‘cũng có mục tiêu xác định một phương pháp làm việc và thiết lập một mạng lưới gồm Ukraina và các nhà tài trợ nhằm bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của Ukraina và khả năng hỗ trợ của cộng đồng quốc tế’’. Cụ thể, Paris với sự hậu thuẫn của nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, sẽ tập trung cung cấp cho Ukraina máy phát điện, các thiết bị chạy điện, đèn điện, lò sưởi, nhiên liệu, vật liệu cách nhiệt cho nơi.

Vẫn theo phủ tổng thống Pháp, Paris và Kiev sẽ tổ chức một hội nghị song phương vào ngày 12/12, nhằm huy động sự tham gia của các doanh nghiệp Pháp.

Liên Hiệp Châu Âu, trong đó có phần đóng góp của nước Pháp, đã hỗ trợ Ukraina tổng cộng khoảng 22 tỉ đô la.

Trong cuộc điện đàm hôm qua với tổng thống Ukraina, tổng thống Pháp một lần nữa nhấn mạnh đến việc nước Pháp sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina, ‘‘đặc biệt về hệ thống phòng không’’.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua trong chuyến công du Nhật Bản đã hội đàm với thủ tướng Nhật Kishida Fumio. Theo đài Nhật NHK, hai bên cam kết ‘‘tiếp tục các trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào Nga, và hậu thuẫn Ukraina để chấm dứt cuộc xâm lăng’’. Đức hiện là chủ tịch luân phiên nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất (G7). Năm tới Nhật Bản sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch G7.

Nga tham gia trở lại Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina


Các tầu chở hàng, trong đó có những tàu theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraina, chờ qua eo biển Bosphore, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 31/10/2022. REUTERS - UMIT BEKTAS
Trọng Thành
Nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã mang lại kết quả. Hôm nay, 02/11/2022, chính quyền Nga thông báo trở lại Thỏa thuận Sáng Kiến Hắc Hải, cho phép bảo đảm an ninh cho hoạt động xuất khẩu lương thực Ukraina qua Biển Đen.

Hãng tin AFP dẫn lời bộ Quốc Phòng Nga, theo đó : ‘‘Nga cho rằng các bảo đảm nhận được cho đến hiện tại dường như đã đủ, và quyết định thực thi trở lại thỏa thuận’’. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan xác nhận việc nối lại các hoạt động xuất khẩu lương thực Ukraina qua ngả Biển Đen kể từ trưa hôm nay.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết cụ thể : ‘’Nhờ sự can dự của một tổ chức quốc tế, cũng như nhờ vào sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, (Nga đã nhận được) các bảo đảm bằng văn bản, cần thiết, từ phía Ukraina về việc không sử dụng hành lang nhân đạo, và các cảng của Ukraina được chỉ định để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vào các hành động thù địch chống lại Nga’’.

Trước đó, vào tối hôm qua, theo thông báo của Trung tâm Điều phối Chung quốc tế (JCC), phụ trách việc thực thi Sáng Kiến Hắc Hải, toàn bộ việc đi lại của tàu chở ngũ cốc ở khu vực Biển Đen phải ngừng hoạt động kể từ hôm nay, 02/11/2022. Điện Kremlin đã cảnh báo tàu Ukraina sẽ gặp ‘‘nguy hiểm’’, khi tiếp tục sử dụng hành lang nối liền các cảng biển miền nam Ukraina với eo biển Bosphore (Thổ Nhĩ Kỳ), cửa ngõ ra Địa Trung Hải, nếu không có sự đồng thuận của Nga.

Ngày hôm qua, 01/11, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án ‘‘quyết định đơn phương của Nga một lần nữa lại đe dọa an ninh lương thực toàn cầu’’, sau cuộc điện đàm với đồng nhiệm Ukraina Volodymir Zelensky. Theo tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky, cần có ‘‘một phản ứng quốc tế nghiêm khắc chống lại mọi biện pháp cản trở xuất khẩu thực phẩm Ukraina’’. 45 quốc gia, trong đó có 33 nước châu Phi, phụ thuộc vào lương thực đến từ Ukraina.

Ngày hôm qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ - đồng bảo trợ Sáng Kiến Hắc Hải cùng với Liên Hiệp Quốc - tiếp tục các nỗ lực ngoại giao. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ RecipErdogan đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga Vladimir Putin về chủ đề này. Sau cuộc điện đàm, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ‘‘tin tưởng’’ vào khả năng đạt được một giải pháp.

Ukraina : Cuộc sống tại nhiều nơi được giải phóng vẫn chưa trở lại bình thường


Người dân Kharkiv, Ukraina, chờ lấy nước sạch từ vòi nước công cộng trong thành phố, ngày 31/10/2022. AP - Sam Mednick
Phan Minh
Quân đội Ukraina chuẩn bị tiếp tục phản công tại mặt trận miền đông, theo trục Kharkiv-Izioum-Lyman. Tình hình ở mặt trận này không tiến triển kể từ đầu tháng 10. Thị trấn nhỏ Kozatcha Lopan nằm ở phía bắc Kharkiv đã được Ukraina giải phóng hôm 11/09/2022, tuy nhiên cuộc sống của hàng nghìn cư dân ở đây dường như còn lâu mới trở lại bình thường.

Từ Kozatcha Lopan, đặc phái viên Anastasia Becchio và Boris Vichith gửi về bài phóng sự :

Tiếng đạn pháo vang vọng đến sảnh tòa thị chính, các lối vào đều được bảo vệ bằng bao cát. Khoảng 10 người đang chờ được phân phát lương thực. Nhà của bà Nadiia, 60 tuổi, có nhiều cửa sổ bị hất tung và mái nhà bị hư hại do mảnh đạn pháo.

Bà nói : « Chúng tôi sợ. Hôm qua cũng có bắn phá, hôm kia cũng vậy. Chúng tôi ẩn náu trong tầng hầm của nhà. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi ngủ trong nhà, nhưng mỗi khi nghe thấy tiếng bắn pháo, là chúng tôi đi trú ẩn. »

Những tiếng nổ ở phía xa không làm cho Oleksandr hoang mang. Ông đang xếp hàng xin giấy thông hành. Các lối ra vào của thị trấn đều được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ những người dân đã được cơ quan an ninh phỏng vấn và nhận được giấy thông hành mới có thể rời khỏi thị trấn.

Ông nói : « Bà có nghe thấy tiếng nổ không ? Tôi có cảm giác thời gian gần đây ngày càng có nhiều tiếng nổ hơn. Từ 2-3 ngày nay, các tiếng nổ thậm chí còn dồn dập hơn. Cũng có những khoảnh khắc bình yên, nhưng giờ thì chúng tôi cảm thấy căng thẳng. »

Viktor, 63 tuổi, thì phàn nàn về việc điện, nước và khí đốt vẫn chưa được khôi phục tại khu vực ông sống.

Ông cho biết : « Chúng tôi không thể tắm rửa, cạo râu. Họ đang làm gì vậy ? Chúng tôi phải nạp điện cho điện thoại ở những nhà có điện. Hiện giờ là tháng 11, chúng tôi cần điện và khí đốt. »

Viện trợ nhân đạo mà mọi người mong đợi sẽ không tới vào hôm nay, con phố chính vắng tanh và tiếng nổ thì ngày càng lớn.

Trung Quốc : Nhà máy Foxconn sản xuất iPhone tăng lương để giữ nhân viên


Ảnh minh họa: Bên ngoài một nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 27/05/2010. AFP - STR
Phan Minh
Foxconn, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc, đang làm mọi cách, trong đó có việc tăng lương cho người lao động. Biện pháp này nhằm giữ chân những người bất bình với các biện pháp y tế và sợ hãi trước sự lây lan của Covid-19 sau khi ở đây phát hiện một trường hợp dương tính.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

Như mỗi lần sự ổn định bị đe dọa, cụ thể trong trường hợp này là nguy cơ trục trặc trong khâu sản xuất của nhà máy xuất khẩu lớn thứ 3 Trung Quốc, cơ quan chức năng phải vào cuộc. Bí thư Thành ủy thành phố cho biết phải duy trì sản xuất và trật tự xã hội bên trong khuôn viên nhà máy Foxconn Trịnh Châu, nơi có tới 300.000 nhân viên và trong những ngày gần đây đã có một phần bỏ đi, và để thực hiện yêu cầu này của chính quyền thì phải tăng lương.

Anh Qin, 30 tuổi, công nhân thời vụ cho biết : « Foxconn đã thay đổi chính sách. Bây giờ nhà máy giả thêm cho chúng tôi 400 nhân dân tệ, tức khoảng 60 euro mỗi ngày. Tình hình vừa có thay đổi, chúng tôi nhận được tin nhắn trên điện thoại. Tình hình dịch Covid quá nghiêm trọng, không ai muốn đi làm nữa. Khi đợt lây nhiễm đầu tiên bùng phát, nhiều người đã từ chức và bỏ đi. Nếu kiếm sống đơn giản chỉ là ăn, làm việc và lây Covid thì thực sự là không đáng. »

Xét nghiệm dương tính, sau đó là bị cách ly trong khu tập thể mà công nhân không muốn. Giống như những người khác, anh Qin được đưa bằng xe buýt đêm đến một căn hộ cách ly của chính quyền địa phương. Một cách để trấn an số ít nhân viên khác vẫn đang làm việc trong nhà máy.

Anh Qin nói tiếp : « Tình hình dịch bệnh vẫn còn nghiêm trọng ở Trịnh Châu và có ít người làm việc trong nhà máy. Tôi thấy rằng họ đã khởi động một chiến dịch tuyển dụng mới, nhưng chúng tôi thấy rằng ngay cả các lãnh đạo cũng không đi làm. Tôi đã gọi cho một đồng nghiệp ngày hôm qua. Anh ấy nói là chỉ có một mình tại dây chuyền lắp ráp. »

Theo nguồn tin của Reuters, sản lượng iPhone có thể giảm 30% trong nhà máy, nhưng tập đoàn đã phủ nhận thông tin này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét