Nhắc Nhở! Tuần Này: Đổi Giờ! Đổi Giờ!
Kính thưa quý vị, kể từ 2 giờ sáng Chủ Nhật 6 tháng 11 năm 2019, toàn nước Mỹ sẽ đổi giờ. Nghĩa là đồng hồ của quý vị phải vặn lui một giờ, hay trừ thêm một giờ. Nếu hôm nay, quý vị thức dậy lúc 7 giờ sáng, thì bắt đầu từ Chủ Nhật, khi quý vị thức dậy sẽ thấy đồng hồ chỉ 6 giờ sáng. Nghĩa là quý vị ngủ bớt một giờ. Nhiều người thắc mắc về việc đổi giờ, cho rằng điều này sẽ gây rắc rối, nếu họ quên vặn tới trước đồng hồ. Không sao. Điện thoại thông minh, computer và laptop sẽ giúp quý vị điều đó.
Ý niệm đổi giờ được đề ra từ thế kỷ thứ 19 ở các nước miền ôn đới, là nơi có ngày đêm dài ngắn khác biệt rõ rệt theo mùa trong năm. Vào mùa xuân và mùa hè, mặt trời mọc sớm hơn và lặn muộn hơn. Mọi người tận dụng ánh sáng ban ngày để dậy sớm hơn, làm việc sớm hơn và đi ngủ sớm hơn nhằm giảm bớt năng lượng thắp đèn. Vì ý nghĩa này mà có quy ước vặn đồng hồ sớm thêm một giờ ở Hoa Kỳ được gọi là Daylight Saving Time, tức là giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày.
Vào mùa thu và mùa đông ban đêm dài hơn ban ngày, việc lái xe trong đêm sẽ rất nguy hiểm cho tài xế, vì vậy việc đổi giờ chấm dứt trong tháng 11.
Xin nhắc lại, kể từ 2 giờ sáng Chủ Nhật 6 tháng 11, quý vị nhớ vặn đồng hồ bớt thêm một giờ.
Nam Hàn: Halloween Đẫm Máu! Mọi Người Thương Tiếc Trên 150 Nạn Nhân Chết Trong Vụ Giẫm Đạp ở Lễ Hội Halloween. Muốn Có Câu Trả Lời?
(Hình: Các khu tưởng niệm tạm bắt đầu xuất hiện gần hiện trường. Người đến thăm đặt hoa và ghi những lời thương tiếc.)
Các thân nhân bị sốc khi tìm lại thi thể người thân của mình, các phụ huynh tìm kiếm con em của họ, và cả nước tìm kiếm câu trả lời hôm Chủ Nhật (30/10/2022), sau khi ít nhất 153 người thiệt mạng khi một đám đông tràn vào một con hẻm nhỏ, giẫm đạp nhau trong một lễ hội Halloween ở Nam Hàn.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã tuyên bố phút mặc niệm trên cả nước và chỉ định quận Itaewon nổi tiếng của Hán Thành là vùng bị thảm họa sau đêm thứ Bảy (29/10/2022).
“Nhận được tin như bị trời giáng”, một người cha đã bật khóc khi nhận thi thể con gái mình từ một nhà xác ở thủ đô Hán Thành.
các viên chức đặc trách ứng phó khẩn cấp cho biết một đám đông khổng lồ đang mừng hội Halloween ở Itaewon đã tràn vào một con hẻm, làm ít nhất 153 người thiệt mạng, hầu hết trong số họ ở độ tuổi 20. Các viên chức cấp cứu nói số người chết có thể còn tăng lên.
Đường phố trở nên chật kín người kêu cứu, trong khi các nhân viên cấp cứu tuyệt vọng tìm cách giải thoát các thi thể bị mắc kẹt và làm hô hấp nhân tạo cho những người nằm rải rác trên mặt đất.
Gia đình và bạn bè tuyệt vọng tìm kiếm tin tức của người thân tại các trung tâm cộng đồng đã biến thành các trung tâm tìm kiếm thông tin người mất tích.
Bộ Nội vụ cho biết, ít nhất 90% nạn nhân đã được xác định tính đến giữa trưa. Việc xác định một số công dân ngoại quốc và thanh thiếu niên chưa có thẻ căn cước bị chậm.
Các đài tưởng niệm tạm bắt đầu xuất hiện gần hiện trường. Người đến thăm đặt hoa và ghi những lời thương tiếc.
Tổng thống Yoon chia buồn với các nạn nhân và mong những người bị thương phục hồi nhanh chóng. “Đây thực sự là một bi kịch”, ông nói, đồng thời tuyên bố sẽ điều tra nguyên nhân của thảm họa. “Một thảm kịch và thảm họa đáng lẽ không nên xảy ra đã xảy ra ngay giữa trung tâm Hán Thành vào đêm qua”.
Ông Choi Sung-beom, trưởng Trạm cứu hoả Yongsan nói nhiều người trong số những người thiệt mạng ở gần một hộp đêm. Ông nói, những người ngoại quốc thiệt mạng bao gồm những người đến từ Trung Quốc, Iran, Uzbekistan và Na Uy.
Các nhân chứng mô tả đám đông ngày càng trở nên ngỗ ngược và kích động khi trời tối. Hỗn loạn nổ ra ngay trước 10 giờ 20 phút tối (13 giờ 20 GMT) xảy ra vụ giẫm đạp.
Ông Choi cho biết tất cả các trường hợp chết đều có khả năng do va quệt trong con hẻm.
Một nhà xác tạm được dựng lên trong một tòa nhà bên cạnh hiện trường. Khoảng bốn chục thi thể được đưa ra trên cáng có bánh xe và chuyển đến một cơ sở chính phủ để xác định danh tính, theo một nhân chứng của Reuters.
Quận Itaewon nổi tiếng với giới trẻ Nam Hàn cũng như người ngoại quốc, hàng chục quán bar và nhà hàng chật kín vào thứ Bảy để phục vụ lễ Halloween sau khi các hoạt động kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng trong 3 năm đại dịch.
Các nhà lãnh đạo quốc tế đã gửi lời chia buồn, bao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.
Tổng thống Yoon đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các Phụ tá cấp cao và ra lệnh thành lập một lực lượng đặc nhiệm để bảo đảm nguồn lực để điều trị những người bị thương và mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nguyên nhân của thảm họa.
Thảm họa này là thảm họa chết người nhiều nhất ở Nam Hàn kể từ vụ chìm phà năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh Trung học.
Trước Ngày Bầu Cử Quốc Hội Mỹ Giữa Kỳ 2022: Tin Giả Tràn Ngập Khắp Các Mạng Xã Hội!
- Ngày 29/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ 8/11/2022, tình trạng tin giả, thông tin sai lạc, các thuyết âm mưu tràn ngập trên rất nhiều mạng xã hội, theo ghi nhận của giới quan sát.
Cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 có ý nghĩa quyết định đối với chính sách của Tổng thống Joe Biden trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Thông tin sai lạc có thể tác động nhiều đến quyết định bỏ phiếu của cử tri.
Một trong số các thuyết âm mưu phổ biến nhất trên các mạng xã hội là việc cựu Tổng thống Donald Trump thất cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 do gian lận phiếu bầu. Tường trình của thông tín viên Guillaume Naudin từ Hoa Thịnh Ðốn:
“Tin giả có mặt ở khắp nơi, đặc biệt trên các mạng xã hội. Cách nay ít hôm, báo New York Times đã thử kiểm kê xem các loại thuyết âm mưu nào được loan truyền nhiều nhất trên Intenet. Không có gì ngạc nhiên khi chủ đề trở lại thường xuyên nhất là việc gian lận làm thay đổi kết quả bầu cử.
Bất chấp việc luôn hoàn toàn không có bằng chứng, cựu Tổng thống Donald Trump liên tục khẳng định thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020đã bị tước đoạt. Những người ủng hộ ông Trump tin tưởng vào điều này, và phổ biến quan điểm nói trên. Thông tin sai lạc này được loan truyền đến khắp nơi, một phần thông qua các ứng cử viên được cựu Tổng thống ủng hộ. Họ truyền đi những thông điệp dối trá này tại các địa phương. Làn sóng tin giả loan truyền này có thể ví như một “cơn sóng thần”, khó xác định được về số lượng.
Một chủ đề khác cũng được loan tải phổ biến là việc vận chuyển lậu phiếu bầu. Người ta nói đến việc có những người vận chuyển các lá phiếu giả mạo để làm sai lạc kết quả bầu cử. Một loại thông tin sai lạc phổ biến khác là thuyết âm mưu “grooming” chống những người chuyển giới, khi tố cáo họ bạo hành tình dục trẻ em. Số lượng thông điệp về chủ đề này đã tăng gấp 4 lần so với tháng 1/2022 trên Twitter. Loại thuyết âm mưu này được những người ủng hộ Trump cuồng nhiệt loan tải rộng rãi: Kết quả là có đến 48 triệu lượt chia sẻ.
Các loại thông tin về các thuyết âm mưu như thế này chủ yếu bằng tiếng Anh, nhưng cũng bằng nhiều thứ tiếng khác được nói nhiều tại Hoa Kỳ, như tiếng Hoa, tiếng Việt. Có nhiều người nỗ lực để kiểm chứng tính xác thực của thông tin, nhưng thách thức là ghê gớm, đặc biệt liên quan đến tiếng Tây Ban Nha. Một số điều tra cho thấy cả một khối tin sai lệch khổng lồ.
Tại sao lại là ngôn ngữ của người Mỹ gốc Latinh? Trước hết vì đây là một cộng đồng đông người, một khối cử tri quan trọng. Nhưng cũng bởi vì các phương tiện truyền thông tiếng Tây Ban Nha ít nói về chính trị hơn tiếng Anh. Nhiều cư dân nói tiếng Tây Ban Nha không có điều kiện theo dõi tình hình chính trị bằng ngôn ngữ này. Môi trường này như vậy thuận lợi cho các thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu”.
Theo Lời Khai, Kẻ Tấn Công Ông Paul Pelosi Có Ý Định Bắt Cóc Bà Nancy Pelosi!
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tham dự lễ tang ở Vatican hôm 29/06/2022, ảnh tư liệu. (Ảnh: Tiziana Fabi/AFP via Getty Images)
Theo một bản tóm tắt mới lời khai của nghi phạm với cảnh sát sau khi bị bắt, kẻ tấn công ông Paul Pelosi đã định bắt cóc Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California).
Nghi phạm David DePape, bị cáo buộc là kẻ tấn công, nói với các sĩ quan cảnh sát San Francisco rằng ông ta sẽ giữ bà Nancy Pelosi và nói chuyện với bà ấy, theo bản tóm tắt trong một bản khai hữu thệ của FBI hỗ trợ các cáo buộc liên bang chống lại nghi phạm DePape.
“Nếu bà Nancy nói với DEPAPE ‘sự thật,’ ông ta sẽ để bà đi, và nếu bà ấy ‘nói dối,’ ông ta sẽ bẻ gãy‘ xương bánh chè của bà,’” bản khai hữu thệ viết. “DEPAPE chắc chắn rằng bà Nancy sẽ không nói ‘sự thật.’” Trong quá trình thẩm vấn, DEPAPE đã nói rõ rằng ông ta coi bà Nancy là ‘thủ lĩnh của một loạt’ những lời nói dối của Đảng Dân Chủ.”
Nghi phạm DePape “sau đó cũng giải thích rằng bằng cách làm gãy xương bánh chè của bà Nancy, bà ấy sẽ phải ngồi xe lăn đến Quốc hội, điều này sẽ cho các thành viên khác của Quốc hội thấy rằng các hành động [của họ] đều có hậu quả,” đặc vụ FBI viết trong bản khai.
Một mục tiêu khác của vụ đột nhập này rõ ràng là sử dụng bà Nancy Pelosi để “làm mồi nhử thu hút một cá nhân khác” đến với nghi phạm DePape, mặc dù cá nhân đó vẫn chưa được xác định.
Bà Nancy Pelosi nói với các đồng sự của bà sau vụ tấn công rằng “một người đàn ông bạo lực đã đột nhập vào nhà của gia đình chúng tôi, yêu cầu đối chất với tôi và tấn công dã man chồng tôi là Paul.”
Theo bản khai của FBI, nghi phạm DePape đã đột nhập vào dinh thự của bà Pelosi ở San Francisco vào sáng sớm ngày 28/10 và đi vào phòng ngủ nơi ông Paul Pelosi đang ngủ. Nghi phạm DePape cho biết ông ta đang tìm bà Nancy Pelosi. Ông Paul Pelosi nói rằng bà ấy không có ở đó. Nghi phạm DePape nói rằng ông ta sẽ đợi, ông Paul Pelosi cho biết. Nghi phạm DePape kể lại đã nói với ông Paul Pelosi rằng ông ta muốn trói ông [Paul Pelosi] lại để có thể nghỉ ngơi một chút vì “ông ta mệt mỏi vì phải xách ba lô đến dinh thự của bà Pelosi.”
Nghi phạm DePape sau đó đã tháo những chiếc cà vạt xoắn ra khỏi túi của mình trong khi ông Paul Pelosi bắt đầu chạy đến một chỗ khác trong ngôi nhà. Nghi phạm DePape “đã chặn ông và họ cùng nhau quay trở lại phòng ngủ,” theo bản khai..
Đó là khi ông Paul Pelosi vào phòng tắm và gọi 911.
Theo bản ghi âm, ông Paul Pelosi nói với một sĩ quan cảnh sát rằng ông đang ở cùng “một người bạn” và người bạn đó muốn đợi vợ của ông.
Viên sĩ quan trực giác rằng có điều gì đó bất ổn và đã cử cảnh sát đến nhà, các nhà chức trách San Francisco cho biết.
Nghi phạm DePape nói với cảnh sát rằng ông nghĩ cuộc gọi sẽ dẫn đến một phản ứng của cảnh sát nhưng ông ta không rời đi “bởi vì, giống như những Tổ phụ lập quốc của Mỹ trước người Anh, ông ta đang chiến đấu chống lại chế độ chuyên chế mà không có lựa chọn đầu hàng”, theo bản khai hữu thệ của FBI.
Nghi phạm DePape và ông Paul Pelosi di chuyển xuống tầng dưới. Theo bản khai, khi các sĩ quan gõ cửa trước, ông Paul Pelosi đã mở cửa. Cảnh sát đã nhìn thấy nghi phạm DePape và ông Paul Pelosi đang giằng co cùng một chiếc búa, các nhà chức trách San Francisco cho biết. Nghi phạm DePape đã giằng cây búa tấn công ông Paul Pelosi ít nhất một lần trước mặt các sĩ quan cảnh sát.
Đó là khi các cảnh sát khống chế nghi phạm DePape xuống đất và hỗ trợ y tế cho ông Paul Pelosi.
Nghi phạm DePape nói với các sĩ quan rằng hành động của ông Paul Pelosi dẫn đến việc ông “phải nhận hình phạt thay thế”, theo bản khai hữu thệ.
Cả nghi phạm DePape và ông Paul Pelosi đều được đưa đến bệnh viện để điều trị. Theo văn phòng của bà Nancy Pelosi, ông Paul Pelosi đã phải phẫu thuật vì bị nứt hộp sọ và bị chấn thương ở tay.
Tình trạng của ông Paul Pelosi “tiếp tục cải thiện,” bà Nancy Pelosi cho biết trong một tuyên bố vào cuối tuần qua.
Nghi phạm DePape bị buộc tội tấn công và âm mưu bắt cóc.
Ông ta phải đối mặt với án tù lên đến 50 năm nếu bị kết án về cả hai tội danh trên.
Tình Hình Chiến Sự: Ukraine Không Tin Nga Hoàn Tất Huy Động Quân!
(Hình: Lính mới tuyển mộ Nga lên xe lửa tại Prudboi, vùng Volgograd của Nga ngày 29/9/2022.)
- Ngày 28/10/2022, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố của Nga rằng cuộc động viên một phần của họ đã hoàn tất. Ông Zelenskyy nói hiệu suất kém của các lực lượng thân Mạc Tư Khoa có nghĩa là Nga có thể cần thêm người.
“Chẳng bao lâu Nga có thể phải cần thêm một làn sóng mới để tham gia cuộc chiến”, ông Zelenskyy nói trong bài diễn văn qua video.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết việc triệu tập 300.000 quân trừ bị để sang Ukraine chiến đấu đã hoàn tất.
Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, cho biết hôm 28/10 ông nhận cuộc điện đàm từ người đồng cấp Iran, Hossein Amirabdollahian, và đã yêu cầu Tehran ngừng chuyển võ khí cho Nga.
Ukraine và các đồng minh phương Tây cáo buộc Iran gửi máy bay không người lái “kamikaze” tới Nga để rồi Nga sử dụng trong các cuộc không kích tàn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine. Iran phủ nhận cáo buộc này.
“Tôi yêu cầu Iran chấm dứt ngay lập tức dòng võ khí mà Nga sử dụng để giết thường dân và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine”, ông Kuleba nói.
Ông Amirabdollahian lặp lại phủ nhận của Iran về việc cung cấp võ khí cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, truyền thông nhà nước Iran đưa tin.
“Chúng tôi có quan hệ tốt với Nga và đã có hợp tác quốc phòng từ trước đó, nhưng chính sách của chúng tôi đối với cuộc chiến ở Ukraine là tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không gửi võ khí cho các bên xung đột, ngừng chiến tranh và chấm dứt việc thất tán của người dân”, ông Amirabdollahian nói.
Máy bay không người lái của Iran đã trở thành võ khí quan trọng trong kho võ khí của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine và thường được sử dụng trong tháng qua để nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng năng lượng thiết yếu.
Chiến Tranh Ukraine: Bốn Triệu Người Bị Cúp Điện, Theo Báo Cáo Của Tổng Thống Zelensky
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay hôm 28/10/2022, Tổng thống Ukraine thông báo một đợt cúp điện “chưa từng có” ảnh hưởng đến tổng cộng gần 4 triệu người, nhất là tại vùng thủ đô Kyiv, do các cơ sở năng lượng của Ukraine đã bị hư hại nặng nề bởi các cuộc oanh kích của quân Nga.
Theo hãng tin AFP, trong bài phát biểu hàng ngày, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết: “Trong nhiều thành phố và quận huyện, điện sẽ phải bị cúp để ổn định tình hình. Những đợt cúp điện này ảnh hưởng đến gần 4 triệu người”.
Sau những vụ oanh kích gần đây của quân Nga vào các nhà máy điện, chính quyền Ukraine đã phải cắt điện vài tiếng đồng hồ mỗi ngày tại nhiều vùng, để tránh tình trạng bị mất điện hoàn toàn. Công ty quản lý mạng lưới điện DTEK báo trước là trong những ngày tới sẽ có những đợt cúp điện nặng nề hơn và kéo dài hơn.
Trên mạng Telegram hôm 28/10, cựu Tổng thống Dmitri Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia của Nga, viết rằng nguồn điện cho Ukraine sẽ được tái lập, nếu Kyiv công nhận các vùng mới bị Nga sát nhập.
Về phần Mạc Tư Khoa, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 28/10 thông báo là trong khoảng hơn một tháng đã hoàn tất việc động viên 300.000 quân dự bị, trong đó có 41.000 lính đã được bổ sung cho các đơn vị đang chiến đấu ở Ukraine và 41.000 lính đang được huấn luyện, nhưng đã có mặt ở các vùng chiến sự.
Trong khi đó, trên mạng Telegram, lãnh đạo thành phố Sebastopol trên bán đảo Crimea bị Nga sát nhập thông báo là sáng sớm hôm nay, Hải quân Nga đã chống trả một cuộc tấn công bằng drone tại Vịnh Sebastopol nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga. Toàn bộ các drone này đã bị bắn rơi. Thông báo được đưa ra vào lúc lực lượng Ukraine đã mở một cuộc phản công để giành lại các vùng lãnh thổ ở miền Nam nước này.
Hôm 28/10, Hoa Kỳ thông báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Kyiv, lần đầu tiên bao gồm cả các ăng-ten vệ tinh nhân tạo lấy từ các kho vũ khí của quân đội Mỹ, trị giá tổng cộng khoảng 275 triệu Mỹ kim, nhằm tăng cường khả năng liên lạc của quân đội Ukraine.
Tổng Thống Ukraine: ‘Đạn Pháo Chỉ Làm Tăng Thêm Lòng Kiên Cường, Không Làm Chúng Tôi Gục Ngã!’
(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm 27/10/2022, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy đứng giữa trời tối bên cạnh đống đổ nát của một máy bay không người lái bị bắn rơi và cam đoan rằng các cuộc tấn công trên diện rộng của Nga nhắm các nhà máy điện sẽ không làm suy sụp tinh thần Ukraine.
Trong bài phát biểu qua video, ông Zelenskyy cho biết Kyiv đã bắn hạ 23 máy bay không người lái trong hai ngày qua.
Nga đã nhắm hàng chục phi đạn và máy bay không người lái vào mạng lưới phát điện của Ukraine trong hai tuần qua, gây ra thiệt hại lớn và gây mất điện.
Ông Zelenskyy khẳng định: “Các cuộc pháo kích sẽ không làm chúng tôi khuất phục - nghe quốc ca của kẻ thù trên đất của chúng tôi còn đáng sợ hơn những phi đạn của kẻ thù trên bầu trời của chúng tôi. Chúng tôi không sợ bóng tối”.
Kyiv và bốn khu vực khác có thể phải cắt nguồn cung cấp điện lâu hơn kế hoạch sau các cuộc tấn công của Nga, một viên chức cấp cao cho biết trước đó vào hôm 27/10.
Ông Zelenskyy cho biết tới nay Nga đã thực hiện hơn 8.000 cuộc không kích và bắn 4.500 phi đạn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 28/10 loan báo Mỹ sẽ cung cấp 275 triệu Mỹ kim viện trợ quân sự thêm cho Ukraine, bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị từ kho dự trữ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ,
“Chúng tôi cũng đang làm việc để cung cấp cho Ukraine khả năng phòng không mà nước này cần với hai hệ thống NASAMS đầu tiên do Mỹ cung cấp đã sẵn sàng để giao cho Ukraine vào tháng tới và chúng tôi đang làm việc với các đồng minh và đối tác để tạo điều kiện chuyển giao các hệ thống phòng không của riêng họ cho Ukraine”, ông Blinken nói.
Tình Báo Ukraine: Nga Duy Trì Lực Lượng “Tinh Nhuệ Nhất” Tại Kherson!
- Ngày 30/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay cuộc phản công tái chiếm thành phố Kherson, thủ phủ tỉnh miền Nam Kherson, phải kéo dài đến cuối tháng 11/2022, theo dự báo của tình báo quân sự Ukraine, do việc Nga tập trung tại đây các đơn vị “tinh nhuệ nhất”.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), có trụ sở tại Hoa Thịnh Ðốn, dẫn lời lãnh đạo Cục Tình báo Quân sự Chính của Ukraine (GUR), ông Kyrylo Budanov, cho biết: khoảng 40.000 binh sĩ tại các vùng chiếm đóng thuộc tỉnh Kherson, trong đó chủ yếu là các đơn vị tinh nhuệ thuộc các lực lượng nhảy dù, đặc nhiệm và Thủy quân Lục chiến. Các đơn vị Nga tập trung tại thủ phủ Kherson và cả hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Dnipro.
Về phần mình, Bộ Chỉ huy Tác chiến miền Nam của Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang tiếp tục đưa các binh sĩ mới được động viên đến hữu ngạn sông Dnipro, nơi quân Nga bắt đầu lập phòng tuyến từ ngày 29/10, bất chấp việc các tân binh có dấu hiệu “xuống tinh thần và thiếu huấn luyện”. Trung tâm Kháng chiến Ukraine cũng cho biết quân Nga đang cưỡng bức dân thường xây dựng các công sự ở Kherson.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga, hôm qua, tuyên bố quân Nga đã đẩy lùi 5 cuộc tấn công trên bộ của Ukraine tại các hướng Mylove, Sukhanove, Pyatikhatky, Ishchenka, Bruskinske và Sadok, phía Bắc tỉnh Kherson. Một Cố vấn quân sự Nga ở Kherson khẳng định quân Nga chưa chuẩn bị cho các cuộc giao tranh trên đường phố tại thành phố Kherson.
Trước đà phản công khó cưỡng lại của quân đội Ukraine, chính quyền Nga quyết định triệt hạ các cơ sở hạ tầng điện lực dân sự của Ukraine. Chính quyền tỉnh Mykolaiv, tỉnh giáp ranh với tiền tuyến Kherson, đang sẵn sàng cho một mùa Đông hoàn toàn không có điện. Phóng sự của hai thông tín viên Anastasia Becchio và Boris Vichith của Đài RFI gửi về từ Mykolaiv:
“Trên một tấm bản đồ treo tường lớn, ông Vadim Danilkiv, Phó Giám đốc cơ quan điện lực của tỉnh Mykolaiv, chỉ vào một trong những nhà máy điện chính trong khu vực, vừa bị phi đạn của Nga phá hoại. Ông nói: “Quân Nga chủ ý phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Các nhà máy điện lớn đều đã bị tấn công và hư hại. Tháng vừa qua là tháng khó khăn nhất về điện”.
Ở khu vực Mykolaiv cũng như những nơi khác, biện pháp cắt điện kéo dài vài tiếng đồng hồ đã được áp dụng để phòng ngừa nguy cơ toàn bộ mạng lưới phân phối điện bị nghẽn mạch do quá tải. Ông Vadim Danilkiv cảnh báo tình hình sẽ không sớm được cải thiện. Ông nói:
“Chừng nào Ukraine chưa giành chiến thắng, tình hình như hiện nay sẽ tiếp tục. Chúng tôi đang chuẩn bị cho mọi tình huống. Chúng tôi thậm chí đang lên kế hoạch đối phó với kế hoạch mất điện hoàn toàn. Một mùa Đông rất khó khăn đang chờ đợi chúng tôi, tất cả mọi người đều phải sẵn sàng. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo đảm rằng mọi người có ánh sáng, hơi nóng và nước sạch, nhưng mặt khác, chúng tôi biết rằng những kẻ khủng bố nhằm mục đích tước đoạt của chúng tôi tất cả những điều này”.
Chiến Tranh Ukraine: Bầu Không Khí Dè Chừng, Nghi Kỵ Tại Các Vùng Bị Nga Sáp Nhập
- Ngày 29/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay 1 tháng đã trôi qua từ khi Mạc Tư Khoa sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine. Bao trùm lên các vùng chiếm đóng là một bầu không khí khác thường. Các cư dân, thậm chí giữa bạn bè hay láng giềng, nhiều khi cũng phải dè chừng nhau. “Ai ủng hộ phe nào?” là điều mà nhiều người tự hỏi.
Trở về từ Kherson và Melitopol, thông tín viên Anissa el Jabri của Đài RFI gửi về bài phóng sự:
“Một chiếc tàu chạy trên sông Dniepr, nối thành phố Kherson và các làng mạc lân cận. Thường mang theo nhiều túi, gói đồ, dù đi một mình hay cùng gia đình, các hành khách đều ngồi sát nhau trên những chiếc ghế gỗ. Nhiều người ngồi nghe, nhiều người kể chuyện. Không ngần ngại, người phụ nữ này cười và bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng tình hình của chúng tôi sẽ sớm trở nên tốt hơn là ở vùng đất phía Ukraine do Zelensky kiểm soát. Ở đây, chúng tôi được bảo vệ. Nga sẽ còn hiện diện tại đây”.
Trên cầu tàu, khi được hỏi, một hành khách hỏi lại chúng tôi: Bà là gián điệp hay là một nhà báo? Câu hỏi có vẻ mang tính giễu cợt, nhưng cũng phản ánh một thực tế. Nhiều người nhìn đi chỗ khác hoặc trả lời đầy vẻ lảng tránh: “Tôi không thể nói gì, đó là vì đang có thiết quân luật”.
Tại Melitopol, đôi khi người ta ngập ngừng, chọn lựa kỹ từ ngữ. Hôm thứ Ba, một xe hơi bị gài bom đã phát nổ trước trụ sở chính quyền thân Nga khiến 6 người bị thương. Khi được hỏi: “Ai đã gây ra vụ này?”, một người đàn ông đáp: “Chúng tôi không có thông tin đáng tin cậy. Có thể là quân du kích … họ có thể làm nhiều điều … có thể là vậy”.
Anh dùng chữ “du kích” chứ không phải là “khủng bố” như từ ngữ trong thông cáo của chính quyền mới. Đi bên cạnh, mẹ của anh này thừa nhận là gia đình đã nói với họ là nên thận trọng hơn và học cách im lặng.
Nga Nói Xác Định Được Máy Bay Không Người Lái Đã Tấn Công Hạm Đội Biển Đen ở Crimea
(Ảnh: Tàu của Hạm đội Biển Đen của Nga neo đậu tại vịnh Sevastopol, thuộc Crimea bị Nga sáp nhập, ngày 31/3/2014. Vào ngày 29/10/2022, ít nhất 2 tàu Nga tại cảng Sevastopol đã bị hư hại.)
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay hôm Chủ Nhật (30/10/2022), Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã thu hồi và phân tích xác của chiếc máy bay không người lái được sử dụng để tấn công các tàu của Hạm đội Biển Đen của họ ở Crimea một ngày trước đó, phát giác ra rằng máy bay không người lái được trang bị hệ thống định vị do Gia Nã Ðại sản xuất.
Bộ này cho biết Ukraine đã tấn công Hạm đội Biển Đen gần Sevastopol bằng 16 máy bay không người lái vào đầu ngày thứ Bảy 29/10 và rằng các “chuyên gia” của Hải quân Anh đã giúp điều phối cái mà Mạc Tư Khoa gọi là một cuộc tấn công khủng bố, một tuyên bố mà Anh bác bỏ.
Nga cho biết họ đã đẩy lùi cuộc tấn công nhưng các tàu bị nhắm mục tiêu có liên quan đến việc bảo đảm hành lang xuất cảng ngũ cốc ra khỏi các cảng Biển Đen của Ukraine.
Các viên chức Ukraine cho rằng chính Nga có thể phải chịu trách nhiệm về các vụ nổ, mà nước này lấy cớ để rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, một động thái làm suy yếu nỗ lực xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Thông tấn xã Reuters đã không thể xác minh ngay lập tức tuyên bố của bên nào.
Bộ cho biết trong một tuyên bố: “Theo kết quả thu hồi thông tin từ bộ nhớ của máy thu điều hướng, việc phóng máy bay không người lái được thực hiện từ bờ biển gần thành phố Odesa”.
Tuyên bố cho biết các máy bay không người lái đã di chuyển dọc theo khu vực an ninh “hành lang ngũ cốc”, trước khi đổi hướng để hướng đến căn cứ Hải quân của Nga ở Sevastopol, thành phố lớn nhất trên bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Bộ cho biết một trong những máy bay không người lái dường như đã xuất phát từ trong khu vực an ninh của hành lang ngũ cốc.
Bộ Quốc phòng nói: “Điều này có thể cho thấy thiết bị bay này được phóng đi từ một trong những tàu dân sự do Kyiv hoặc các khách hàng phương Tây thuê để xuất cảng nông sản từ các cảng biển của Ukraine”.
Nga Đình Chỉ Tham Gia Thỏa Thuận Xuất Cảng Ngũ Cốc Ukraine
(Hình: Quang cảnh tại hải cảng biển ở Odesa của Ukraine sau khi bắt đầu lại hoạt động xuất cảng ngũ cốc, ngày 19/8/2022.)
- Ngày 30/10/2022, Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Nga đình chỉ tham gia vào một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian điều giải để xuất cảng nông sản từ các cảng của Ukraine sau các cuộc tấn công nhắm vào các tàu ở Crimea, Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Bảy, giáng một cú vào thỏa thuận kéo dài được ba tháng nhằm giảm bớt tình trạng eo hẹp toàn cầu về nguồn cung ngũ cốc.
Nga nói các lực lượng Ukraine, với sự hỗ trợ của máy bay không người lái (drone), đã tấn công các tàu của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, thành phố lớn nhất ở Crimea do Nga sáp nhập, vào rạng sáng ngày thứ Bảy.
“Xét đến hành động khủng bố của chế độ Kyiv với sự tham gia của các chuyên gia Anh chống lại các tàu của Hạm đội Biển Đen và các tàu dân sự tham gia bảo đảm an ninh ‘hành lang ngũ cốc’, phía Nga đình chỉ tham gia vào việc thực thi các thỏa thuận về xuất cảng các sản phẩm nông nghiệp từ các cảng của Ukraine”, bộ nói trong một tuyên bố.
Bộ nói trước đó rằng các cuộc tấn công bằng drone ngày thứ Bảy phần lớn đã bị đẩy lùi, với thiệt hại nhỏ cho một tàu quét mìn của Nga.
Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, cáo buộc Nga “hăm dọa” và “bịa ra các cuộc tấn công khủng bố” trên lãnh thổ của chính họ vào ngày thứ Bảy sau các vụ nổ ở bán đảo Crimea ngày thứ Bảy.
Phát biểu của ông là dường như là phản ứng trước cáo buộc của Nga rằng Ukraine đứng sau các vụ nổ.
Kể từ khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 22 tháng Bảy, vài triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất cảng từ Ukraine.
Trưởng đặc trách viện trợ của Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths chỉ nói hôm thứ Tư rằng ông “tương đối lạc quan” rằng thỏa thuận sẽ được gia hạn qua mốc giữa tháng 11.
Theo thỏa thuận, Ukraine có thể bắt đầu xuất cảng ngũ cốc và phân bón trở lại ở Biển Đen, vốn đã bị đình trệ khi Nga xâm lược nước láng giềng vào ngày 24 tháng Hai. Thỏa thuận xuất cảng ban đầu được nhất trí là có hiệu lực trong 120 ngày.
Mỹ Tố Cáo Nga Có Âm Mưu Biến Cung Cấp Lương Thực Thực Phẩm Thành Vũ Khí!
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu (EU) cũng như Hoa Kỳ đều có phản ứng sau thông báo đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc mà Mạc Tư Khoa đưa ra hôm 29/10/2022.
Theo thông tấn xã AFP, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua xem quyết định của Mạc Tư Khoa là “quá đáng” và không có lý gì để Nga làm vậy. Phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ tố cáo Mạc Tư Khoa biến hoạt động cung cấp lương thực thực phẩm thành vũ khí.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Stéphan Dujarric, kêu gọi các bên làm mọi việc để duy trì thỏa thuận. Ông lưu ý điều quan trọng sống còn là các bên phải loại trừ mọi hành động có thể gây nguy hiểm cho việc duy trì “Sáng kiến Hắc Hải”.
Lãnh đạo ngành ngoại giao Âu Châu, Josep Borrell, hôm 30/10 kêu gọi Mạc Tư Khoa thay đổi quyết định và duy trì thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc Ukraine từ các cảng của nước này nhìn ra Biển Đen để tránh làm hại đến “trục đường chính xuất cảng ngũ cốc và phân bón” mà thế giới rất cần để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực do tác động từ chiến tranh Ukraine.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước cùng với Liên Hiệp Quốc làm trung gian để Nga và Ukraine ký kết tại Istanbul hôm 22/07 thỏa thuận liên quan đến xuất cảng ngũ cốc và phân bón qua ngả Biển Đen, hôm qua 29/10, cho biết Ankara không nhận được thông báo chính thức của Mạc Tư Khoa về việc rút khỏi thỏa thuận. Tuy nhiên, thông báo của Nga đang đặt chính quyền của Tổng thống Erdogan trước áp lực và thậm chí có thể khiến quan hệ Nga - Thổ căng thẳng. Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer của Đài RFI cho biết thêm chi tiết:
Quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều mà các viên chức Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại trong thời gian qua, đang đặt đất nước của Recep Tayyip Erdogan vào thế khó xử và có nguy cơ tạo căng thẳng giữa Ankara và Mạc Tư Khoa.
Trong những tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã có một số lời chỉ trích đối với người đồng nhiệm Nga, nhất là về việc Mạc Tư Khoa duy trì việc cản trở xuất cảng phân bón và ngũ cốc. Nhưng ở hậu trường, ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực để bảo đảm thỏa thuận sẽ được kéo dài sau khi hết hạn vào ngày 19/11. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận với ông Vladimir Putin, đặc biệt đề xuất việc xuất cảng nông phẩm Nga qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Với tư cách là người đồng bảo trợ để thỏa thuận được ký kết và giám sát việc thực hiện từ một trung tâm điều phối chung (JCC) ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu nhiều áp lực. Cứu vãn thỏa thuận, Ankara không chỉ có lợi về kinh tế, mà trên hết là đạt được lợi ích về mặt ngoại giao. Đó là sự tín nhiệm về vai trò hòa giải và về sự hiện diện hiện nay, như phát ngôn viên của Tổng thống Erdogan mới đây đã nhấn mạnh, theo đó thổ Nhĩ Kỳ là “nước duy nhất có thể nói chuyện được với Putin (…) và có kết quả”.
Nga Cáo Buộc Mỹ Hạ Thấp “Ngưỡng Nguyên Tử!”
- Ngày 30/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay chính quyền Nga khẳng định việc Mỹ tăng tốc khai triển vũ khí nguyên tử chiến thuật B61 tại Âu Châu sẽ làm hạ thấp “ngưỡng nguyên tử”, tức cho phép Hoa Kỳ dễ dàng hơn trong việc quyết định sử dụng vũ khí nguyên tử trên chiến trường.
Thông báo của Mạc Tư Khoa được đưa ra trong bối cảnh Ukraine và các đồng minh cáo buộc Nga tìm cớ sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Ukraine, sau hàng loạt thất bại quân sự trên chiến trường.
Hãng tin Anh Reuters dẫn lại phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Alexandre Grouchko, với hãng tin nhà nước Nga Ria Novosti. Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhận định: “Chúng tôi không thể làm ngơ trước các dự án hiện đại hóa vũ khí nguyên tử, cũng như các loại bom quy ước tại Âu Châu…. Hoa Kỳ đang hiện đại hóa các vũ khí này, tăng cường độ chính xác và giảm mức độ công phá, có nghĩa là cho phép biến chúng thành các vũ khí được sử dụng trên chiến trường, như vậy họ đã hạ thấp ngưỡng nguyên tử”. Thứ trưởng Ngoại giao cảnh báo, Mạc Tư Khoa sẽ phải xem xét các biện pháp đối phó.
Cáo buộc của Nga được đưa ra sau thông tin của báo mạng Politico chuyên về chính trị Mỹ, ngày 26/10. Politico cho biết là chính quyền Mỹ, trong một cuộc họp kín của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), thông báo sẽ tăng cường khai triển bom nguyên tử chiến thuật B61-12, phiên bản hiện đại hóa của bom nguyên tử B61. Các loại bom mới này sẽ được chuyển đến một số căn cứ Không quân tại Âu Châu vào tháng 12 tới, sớm hơn ít tháng so với lịch trình trước đó. Theo một số nghiên cứu của Liên đoàn các nhà Khoa học Mỹ (Federation of American Scientists), được Reuters trích dẫn, bom B61-12 “có sức công phá thấp hơn các phiên bản trước, nhưng chính xác hơn và có thể xuyên sâu vào lòng đất”.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ thông tin Politico đăng tải. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Oscar Seara, việc bom nguyên tử B61-12 hiện đại hóa được đưa đến Âu Châu “không hề liên quan đến các diễn biến hiện tại ở Ukraine và việc khai triển nói trên cũng không hề được đẩy nhanh”. Ngũ Giác Đài nhấn mạnh là việc hiện đại hóa vũ khí nguyên tử B61 là một kế hoạch đã có từ lâu, và đã được tiến hành trong nhiều năm.
Hiện tại quân đội Nga có khoảng 2.000 vũ khí “nguyên tử chiến thuật”, trong lúc Hoa Kỳ có khoảng 200, và một nửa trong số đó hiện đã được bố trí tại một số căn cứ ở Ý Ðại Lợi, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hòa Lan. Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 27/10 công bố Chiến lược Nguyên tử (Nuclear Posture Review). Theo một viên chức Ngũ Giác Đài, lập trường mới về răn đe nguyên tử của Mỹ nhằm “gây khó khăn hơn cho quyết định của đối thủ” về việc sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt, và Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ khí nguyên tử để chống lại “các cuộc tấn công rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, bất kể với sức công phá ra sao, kể cả với các vũ khí phi nguyên tử”, nhắm vào nước Mỹ và các đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ.
Ba Lan Chọn Công Ty Mỹ Xây Nhà Máy Nguyên Tử Đầu Tiên của Mình!
- Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ trích thuật tin của thông tấn xã Reuters cho hay Công ty Mỹ Westinghouse Electric sẽ xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết ngày thứ Sáu (28/10/2022), xác nhận một quyết định được chờ đợi từ lâu nhằm giảm lượng phát thải carbon của nước này và dần dần chấm dứt sử dụng than đá.
Trong bối cảnh Nga tiến hành chiến tranh ở nước láng giềng Ukraine, việc Ba Lan chọn đối tác từ Mỹ nêu bật sự chú trọng của Warsaw vào mối quan hệ của họ với Hoa Thịnh Ðốn vào thời điểm mà an ninh của nước này đang được chú ý.
“Chúng tôi xác nhận dự án năng lượng nguyên tử của chúng tôi sẽ sử dụng kỹ thuật an toàn, đáng tin cậy của @WECNuclear”, ông Morawiecki nói trên Twitter.
“Sự hợp tác của Hoa Kỳ trong dự án này có lợi cho tất cả chúng ta: chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, củng cố an ninh năng lượng Âu Châu và làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược Hoa Kỳ-Ba Lan”, Phó Tổng thống Kamala Harris nói trên Twitter.
Bà Harris đã nỗ lực giúp Westinghouse giành được hợp đồng cùng với Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm và đã giao tiếp với ông Morawiecki vài lần trong năm qua, một viên chức Tòa Bạch Ốc cho biết. Viên chức này cho biết thêm dự án sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho người Mỹ.
Việc lựa chọn Westinghouse và lựa chọn Mỹ gửi đi một thông điệp tới Tổng thống Nga Vladimir Putin “về sức mạnh và sự gắn kết của liên minh Hoa Kỳ-Ba Lan”, một viên chức cao cấp của chính phủ Mỹ cho biết.
Warsaw trước đó tìm kiếm một đối tác để xây dựng công suất nguyên tử 6-9 gigawatt (GW) và cấp tài trợ bằng vốn chủ sở hữu lên tới 49% cho dự án. Họ định chọn kỹ thuật này cho ba lò phản ứng đầu tiên đến trước cuối năm 2022, với lò đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 2033.
“Chúng tôi hiểu rằng quyết định này là cho ba lò phản ứng đầu tiên và chúng tôi dự liệu là Ba Lan có ý định cuối cùng sẽ xây dựng sáu lò phản ứng AP1000 từ Westinghouse và sẽ đưa ra quyết định chính thức về bộ ba lò phản ứng thứ hai vào một thời điểm sau đó”, viên chức Mỹ nói.
Các nguồn tin cho biết Ba Lan sẽ chọn kỹ thuật trước và điều này sẽ cho biết đối tác sẽ là ai, và sau đó sẽ thảo luận các chi tiết của hợp đồng sau đó.
Ba Tây: Vòng 2 Bầu Cử Tổng Thống, Cử Tri của Jair Bolsonaro Báo Trước Không Chấp Nhận Thất Bại
- Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) đưa tin cho hay hôm 30/10/2022, sau chiến dịch tranh cử kéo dài căng thẳng, 156 triệu cử tri Ba Tây được kêu gọi đi bỏ phiếu vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống để quyết định lựa chọn Tổng thống mãn nhiệm cực hữu Jair Bolsonaro hay Luis Inaco Lula da Silva, ứng viên cánh tả, ai sẽ lãnh đạo đất nước trong trong 4 năm tới. Vòng bầu cử dự kiến nhiều bất trắc với kết quả phiếu bầu sát sao có thể gây tranh cãi.
Thông tín viên Sarah Cozzolino của Đài RFI tại Rio de Janeiro ghi nhận ý kiến của những người ủng hộ ứng viên Bolsonaro:
Trong khu phố Tijuca, bà Rosenir tới dể mua một chiếc áo thun in hình Tổng thống để chông bà mặc khi đi đi bỏ phiếu. Bà biết là tỷ lệ phiếu bầu sẽ rất sát sao.
Bà nói: “Tôi sẽ không nói với các vị là tôi yên tâm được bởi vì lần này cũng giống như ở vòng đầu tôi đã không yên tâm. Chúng tôi lo lắng vì chúng tôi muốn một đất nước Ba Tây tốt đẹp hơn”.
Ở tuổi 61, cử tri đến từ Nordesta này từng ủng hộ ông Lula, nhưng cách đây 4 năm bà đã chọn Jair Bolsonaro, vì theo bà vì ông Bolsonaro phù hợp với những tinh thần phúc âm. Trong trường hợp thất bại, bà cho biết sẽ đi biểu tình. Bà nói: “Nếu phải xuống đường, tôi sẽ đi như tôi đã từng tham gia nhiều cuộc biểu tình khác”.
Trước cửa trung tâm thương mại, Severo và Leticia vừa đi phát truyền đơn, mang theo lá cờ Ba Tây.
Ông Severio cho biết: “Ở tầm này của giải vô địch, ai cũng biết phải bầu cho ai. Việc chúng tôi làm chỉ đơn giản là bày tỏ khát khao được thấy Bolsonaro là nhà vô địch”.
Còn cô Leticia thì cho biết: “Những người qua đường khen chúng tôi đã can đảm khi tới đây. Thực ra chúng tôi xuất hiện trước hệ thống phạm tội hoành hành trong những kẻ bảo thủ, họ muốn chúng tôi im miệng, muốn cắt đứt với tôn giáo của chúng tôi, kiểm soát việc giáo dục của con cái chúng tôi”.
Theo hai người này, Jair Bolsonaro đã bị gây khó dễ trong quá trình bầu cử. Họ báo trước là sẽ không chấp nhận ứng viên của họ thất bại.
Trung Quốc: Biểu Tình ở Tây Tạng Phản Đối Phong Tỏa Chống Covid
- Ngày 29/10/2022, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) trích thuật tin của thông tấn xã AFP cho hay vài trăm người Tây Tạng đã biểu tình tại thủ phủ Lhasa, phản đối các quy định phong tỏa chống dịch khắc nghiệt với chủ trương Zero-Covid.
Theo thông tấn xã AFP, điều đáng nói là hiếm khi xảy ra biểu tình tại Tây Tạng, một vùng tự trị ở miền Tây Trung Quốc bị chính quyền Bắc Kinh kiểm soát nghiêm ngặt.
Người dân thủ phủ Lhasa của vùng tự trị Tây Tạng phải sống trong cảnh phong tỏa với các biện pháp Zero-Covid nghiêm ngặt suốt từ 3 tháng qua. Trong số người biểu tình, có nhiều lao động ngoại tỉnh đòi chính quyền để họ rời khỏi thủ phủ Lhasa để trở về quê nhà.
Các video được chia sẻ trên trang Douyin, mạng video Tiktok phiên bản Trung Quốc, cho thấy vài trăm người xuống đường biểu tình hôm thứ Tư 26/10 và bị cảnh sát chặn lại. Một số hình ảnh khác cho thấy có đụng độ giữa một đám đông và cảnh sát. Một người giận dữ cho biết dân chúng bị giam nhốt quá lâu, áp lực tâm lý quá lớn, không thể kìm nén được, trong khi đã mất hết thu nhập.
Nhìn rộng ra Trung Quốc, hôm 28/10, chính quyền ghi nhận có hơn 1.000 ca nhiễm mới trên toàn quốc. Trước đó, tập đoàn Foxconn, có trụ sở tại Đài Loan, đối tác chuyên lắp ráp sản phẩm cho hãng Mỹ Apple, hôm thứ Tư thông báo phát giác một ổ lây nhiễm Covid-19 ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới tại thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), miền Trung Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde ngày 28/10/2022 cho biết thêm chi tiết:
“Từ hơn 1 tuần nay, nhà máy của Foxconn đặt tại thành phố Trịnh Châu hoạt động khép kín nhằm duy trì sản xuất điện thoại iPhone 14. Toàn bộ các ca dương tính với virus corona và các ca tiếp xúc với những người nhiễm Covid-19 bị cách ly. Căng-tin bên trong nhà máy không hoạt động. 300.000 nhân công phải ăn ngay tại khu ký túc xá. Họ chỉ có thể di chuyển, nếu đeo khẩu trang và chỉ được đi theo các tuyến đường mà các đội y tế đã xác định nghiêm ngặt.
Thế nhưng, nhiều nhân viên nhà máy chia sẻ trên các mạng xã hội là những biện pháp kể trên cũng đã không giúp ngăn ngừa được lây nhiễm. Một công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính và bị cách ly trong khu nhà ở của nhân công kể lại: “Trong ký túc xá của chúng tôi, có một công nhân khác đã bị cách ly 5 ngày. Thế mà vẫn chưa có ai đến gặp anh ấy. Ở đây có những người bị sốt, ho…. Có một nữ công nhân không có chăn đắp trong khi cô ấy đang bị sốt. Chúng tôi thậm chí còn không biết mình có dương tính hay không. Không ai đến gặp chúng tôi, họ chỉ cấp cho chúng tôi thức ăn. Nhưng chúng tôi không được xét nghiệm, cứ chờ đợi như vậy thôi”.
Đối mặt với sự thiếu chăm sóc, trong khi thực phẩm nhiều khi được tiếp tế chậm, cơn giận đang bùng nổ trên các mạng xã hội, nhưng các mạng đã nhanh chóng bị chính quyền kiểm duyệt. Về phần ban lãnh đạo công ty, họ khẳng định là chỉ có “một số ít nhân viên” nhiễm Covid-19 tại nhà máy của Foxconn. Nhà máy của Foxconn vốn được xem là một thành phố nằm trong thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, miền Trung đất nước. Giới kỹ thuật được trấn an là việc sản xuất điện thoại thông minh vẫn “tương đối ổn định”.
Đại Hội Đảng CS Trung Quốc: Còn Nhiều Bí Ẩn Vụ Hồ Cẩm Đào
(Ngô Nhân Dụng)
(Hình: Sau cùng viên Phụ tá nâng được Hồ Cẩm Đào đứng lên và kéo đi. Họ Hồ dừng chân, ghé xuống nói gì đó, Tập Cận Bình gật đầu nhè nhẹ nhưng không quay lại nhìn.)
Hình ảnh Hồ Cẩm Đào bị sỉ nhục ngay trong đại hội đảng cho thấy Tập Cận Bình đã củng cố địa vị vững chắc, không còn lo bị các “lãnh tụ kỳ cựu” quấy phá nữa.
Cộng sản Trung Quốc đã từng dùng đại hội đảng làm cơ hội thanh trừng nội bộ; không những cất chức mà còn cố tình làm nhục các cán bộ lãnh đạo cao cấp. Năm 1959, đại hội đưa ra một Nghị quyết lên án Bành Đức Hoài là “phần tử phản cách mạng theo chủ nghĩa sửa đổi (tu chính chủ nghĩa)”. “Bành Nguyên Soái” từng được suy tôn là anh hùng khi chỉ huy quân đội Trung Cộng trong cuộc chiến tranh Nam Hàn 1952, nhưng đã “phạm tội” phản đối chính sách kinh tế “Bước Nhảy Vọt” của Mao Trạch Đông. Trong thời Cách Mạng Văn Hóa hỗn loạn, từ 1966, Tập Trọng Huân, thân sinh của Tập Cận Bình, cũng bị tố là một “phần tử phản đảng” và bị đầy đọa nhiều năm.
Dân Trung Hoa không được chứng kiến những cuộc thanh trừng nội bộ đó.
Ngày nay khác, vì có internet. Trong tuần trước, cả thế giới được thấy cảnh cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, bị kẹp nách kéo ra khỏi hội trường. Tuy nhiên, hơn 1 tỉ dân Trung Quốc chỉ được thấy cảnh Hồ Cẩm Đào lúc bỏ phiếu bầu Trung ương Đảng và sau đó là hình ảnh lúc bế mạc, cái ghế của ông, bên tay trái Tập Cận Bình, bị bỏ trống. Đến cuối tuần, Tân Hoa Xã mới giải thích trên Twitter rằng Hồ Cẩm Đào mệt mỏi nên được dẫn ra ngoài nghỉ ngơi. Và nói thêm, sức khỏe ông đã khả quan!
Không ai tin những lời giải thích đó; nhưng cũng không ai dám đặt câu hỏi: Chuyện gì đã xảy ra?
Báo chí ngoại quốc phải nghiên cứu những đoạn phim để tái lập lại thứ tự câu chuyện đã xảy ra.
Trong gần 2.000 đại biểu dự đại hội, hàng ghế chủ tọa là hình ảnh Tập Cận Bình ngồi bên phải Hồ Cẩm Đào, người đứng đầu đảng Cộng sản 10 năm trước. Giang Trạch Dân, người tiền nhiệm của Hồ, cũng chỉ chính thức nắm quyền 10 năm, không tới dự được vì đã 96 tuổi. Bây giờ Tập Cận Bình phá lệ thời hạn 10 năm, chính thức làm Tổng Bí thư suốt đời!
Trước khi đại hội công bố ban chấp hành trung ương mới, người ta thấy Hồ Cẩm Đào, ngồi giữa Tập Cận Bình và Lật Chiến Thư, thò tay ra mó vào một tập tài liệu. Hình chụp bản tài liệu hé mở sau này cho biết trong đó có danh sách Trung ương Đảng, toàn là tay chân của Tập Cận Bình.
Không ai biết Hồ Cẩm Đào sờ vào sấp giấy đó để làm gì. Ông ta có định nêu ý kiến khác thường nào không? Chỉ Lật Chiến Thư, ngồi bên trái Hồ, đưa tay chặn lên tập giấy, kéo về phía mình và đặt dưới một tấm bìa màu đỏ, trong khi ghé tai nói nhỏ với Hồ.
Tập Cận Bình ngồi phía bên kia, liếc mắt nhìn không nói gì, rồi quay đầu nhìn sang bên mặt. Hình như đó là một tín hiệu, một nhân viên Phụ tá chạy ngay tới ghé tai nghe lệnh, Tập Cận Bình đập ngón tay lên một tờ giấy trước mặt. Hồ Cẩm Đào ngồi im liếc mắt nhìn cảnh đó và lắng nghe. Viên Phụ tá quay sang nói nhỏ với Hồ rồi đưa cánh tay mặt tay nâng ông già đứng dậy.
Hồ Cẩm Đào rút ra khỏi tay viên Phụ tá, không chịu đứng lên. Viên Phụ tá phải ra đứng phía sau, dùng cả hai tay nhấc hai bên ông già lên, nhưng cũng không được. Trong lúc đó, Hồ Cẩm Đào vẫn đưa tay sờ lên tập giấy trước mặt Tập Cận Bình, bị Tập ngăn lại.
Sau cùng viên Phụ tá nâng được Hồ Cẩm Đào đứng lên và kéo đi. Họ Hồ dừng chân, ghé xuống nói gì đó, Tập Cận Bình gật đầu nhè nhẹ nhưng không quay lại nhìn. Hồ đặt tay lên vai Thủ tướng Lý Khắc Cường, ngồi bên tay mặt Tập Cận Bình, Cường gật gật nhưng cũng không quay đầu nhìn lại.
Khi Hồ Cẩm Đào còn đứng đầu Trung Cộng, Lý Khắc Cường là một người có triển vọng lên thay, vốn được Hồ nâng đỡ khi làm Chủ tịch Đoàn Thanh Niên Cộng sản. Tay chân thân tín của Hồ đều được đào tạo trong “Đoàn” này, trong đó có Vương Dương và Hồ Thuấn Hoa. Vương Dương đứng hàng thứ tư trong Thường Vụ Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2017, Hồ Thuấn Hoa từng làm Phó Thủ tướng. Cả ba người thuộc “Đoàn Phái” này, năm nay đều bị Tập Cận Bình cho về hưu.
Khi Hồ Cẩm Đào được dẫn ra ngoài, bước đi sau lưng 19 lãnh tụ cao nhất đảng ngồi trên bàn chủ tọa, không một người nào quay đầu lại chào tiễn. Tất cả đều giữ nét mặt lạnh lùng, nhìn thẳng trước mặt, coi cảnh tượng áp giải ông Chủ tịch cũ ra ngoài hội trường diễn ra sau lưng mình là bình thường, không khác gì cảnh con ruồi bay trên chén trà trước mặt. Mấy người đang nói chuyện với nhau cứ tiếp tục nói không nghỉ!
Người ngồi bên tay trái Hồ Cẩm Đào là Lật Chiến Thư khi thấy họ Hồ bị lôi đứng lên và kéo đi, đã nhỏm dậy tính bước theo, nhưng đã được người ngồi sau mình là Vương Hỗ Ninh níu tay giữ lại. Lật Chiến Thư đang đứng hàng thứ ba trong ban Thường Vụ nay đã tới tuổi 72, phải về hưu. Nhưng Vương Hỗ Ninh mới 67, thua Tập Cận Bình 2 tuổi, đã được thăng từ hàng thứ 5 lên hạng 4 và vẫn giữ vai trò lý thuyết gia của đảng, với nhiệm vụ phổ biến Tư tưởng Tập Cận Bình!
Hồ Cẩm Đào chắc sẽ được yên hưởng tuổi già vì không còn cơ hội nào để chống đối. Số mệnh ông còn may mắn hơn ông tổ là Hồ Tôn Hiến, một nhân vật nổi tiếng đối với người Việt Nam vì được Nguyễn Du kể trong Truyện Kiều. Sống vào thế kỷ 16, Hồ Tôn Hiến đã lập nhiều công trạng dẹp trừ “giặc Oa”, những tay thảo khấu thường cướp bóc vùng duyên hải Trung Quốc, trong đó có Từ Hải. Nhưng vào cuối đời, Hồ Tôn Hiến bị bỏ tù, được tha thì chết vì bị đầu độc, năm 1563. Khi người con đem xác bố về tính chôn cất ở làng, ở tỉnh An Huy bây giờ, thì dân chúng phản đối, phải bỏ áo quan bên đường mà chạy. Khi Nhật Bản tấn công chiếm Cao Ly (1592–98) Hồ Tôn Hiến lại được phục hồi, dân Hàng Châu lập đền thờ.
Hình ảnh Hồ Cẩm Đào bị sỉ nhục ngay trong đại hội đảng cho thấy Tập Cận Bình đã củng cố địa vị vững chắc, không còn lo bị các “lãnh tụ kỳ cựu” quấy phá nữa. Nhưng cũng cho thấy những người Cộng sản không còn chút tình nghĩa đồng chí nào nữa. Đó là một bài học cho dân Trung Hoa cũng như dân Việt Nam!
Chiến Lược Quốc Phòng Mới của Mỹ Nhận Định: Trung Quốc Vẫn Là Mối Đe Dọa Hàng Đầu Thế Giới!
(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.)
Trung Quốc vẫn là thách thức hàng đầu đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, trong khi Nga vẫn là mối đe dọa ‘cấp tính’ trong lúc Mạc Tư Khoa tiếp tục cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine, theo Chiến lược Quốc phòng mới được công bố của Ngũ Giác Đài.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu với báo giới tại Ngũ Giác Đài hôm 27/10/2022 rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất với ý đồ định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh để làm việc đó.
Một viên chức quốc phòng cấp cao không muốn nêu tên cho biết Trung Quốc tiếp tục gầy dựng ‘khả năng thách thức Hoa Kỳ một cách có hệ thống trên mọi mặt: quân sự, kinh tế, kỹ thuật và ngoại giao’.
Theo ông Austin, thách thức từ Trung Quốc đã dẫn đến việc tăng cường khả năng phòng thủ trên tất cả các lĩnh vực chiến tranh, đặc biệt là không gian và không gian mạng, để làm rõ cho bất kỳ đối thủ tiềm năng nào hiểu rằng cái giá phải trả cho hành động xâm lược Hoa Kỳ hoặc các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ lớn hơn bất kỳ lợi ích nào có thể mường tượng.
Báo cáo chiến lược này được đưa ra khi cả Trung Quốc và Nga đều leo thang gây hấn với láng giềng. Trung Quốc nhiều lần đe dọa sẽ kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết, và Nga đã xâm lược Ukraine vào tháng Hai và tiếp tục tấn công các thị trấn và thành phố của Ukraine bằng phi đạn và thậm chí là bằng máy bay không người lái kamikaze do Iran sản xuất.
Một phiên bản mật của báo cáo đã được công bố cho Quốc hội vào đầu năm nay.
Một viên chức quốc phòng cấp cao khác cũng ẩn danh cho biết võ khí nguyên tử sẽ tiếp tục là nền tảng trong khả năng răn đe của quân đội Hoa Kỳ.
Theo viên chức này, chiến lược quốc phòng mới cho thấy Mỹ đang phải đối mặt với hai nước cạnh tranh có võ khí nguyên tử là Nga và Trung Quốc.
“Các năng lực phi nguyên tử khác có tiềm năng bổ sung nhưng không thể thay thế khả năng răn đe nguyên tử trong một số trường hợp”, viên chức này nói.
Các Mối Đe Dọa Lớn Khác
Việc Nga gây hấn với Ukraine đề ra ‘mối đe dọa tức thì và sắc bén’, Bộ trưởng Austin nói, khiến Mỹ phải tăng cường hiện diện quân sự ở Âu Châu từ khoảng 80.000 quân lên hơn 100.000 người.
Vẫn theo lời ông, khác với Trung Quốc, ‘Nga không thể thách thức Hoa Kỳ một cách có hệ thống về lâu dài’.
Vị viên chức cấp cao này nói thêm rằng “Nga tuyệt đối không được phép tấn công NATO”, như Hoa Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO).
Tuy nhiên, viên chức này lo ngại rằng những thất bại của Nga trên chiến trường Ukraine có thể khiến nước này càng dựa dẫm hơn vào lực lượng nguyên tử trong tương lai.
Các mối đe dọa khác được đề cập trong Chiến lược Quốc phòng 2022 bao gồm Bắc Hàn, Iran và các phần tử cực đoan bạo lực toàn cầu.
Iran vẫn là một sự hiện diện gây bất ổn ở Trung Đông và là nhà tài trợ lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố, trong khi vẫn tiếp tục phát triển các khả năng nguyên tử cho phép Tehran sản xuất vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, theo báo cáo, ‘Iran ngày nay không sở hữu võ khí nguyên tử’ và Mỹ ‘hiện tin rằng Iran không theo đuổi một võ khí nguyên tử’.
Bắc Hàn cũng tiếp tục mở rộng khả năng nguyên tử và phi đạn để đe dọa các lực lượng Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Chiến lược 2022 phần lớn là sự tiếp nối của Chiến lược Quốc phòng năm 2018 dưới thời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, vốn xoay trục cơ bản từ việc chủ yếu chống lại những kẻ cực đoan sang tập trung trước tiên vào một cuộc chiến tiềm tàng với một đối thủ cạnh tranh gần ngang hàng.
Năm 2021, Hoa Kỳ đã kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm ở A Phú Hãn. Hoa Kỳ vẫn còn một số quân ở Somalia, Iraq và Syria nhưng phần lớn đã chuyển khỏi các chiến dịch lớn chống khủng bố.
Chiến lược mới đòi hỏi nhiều tiến bộ hơn trong kỹ thuật từ võ khí siêu thanh đến trí tuệ nhân tạo. Bộ trưởng Austin cho biết ngân sách tài khóa 2023 bao gồm hơn 130 tỉ Mỹ kim cho nghiên cứu và phát triển quốc phòng, ngân sách nghiên cứu lớn nhất trong lịch sử của Bộ.
Vương Quốc Anh: Rắc Rối Nhiều Vấn Đề, Khi Một Người Gốc Ấn Độ Làm Thủ Tướng!
(Ngô Nhân Dụng)
(Hình: Tân Thủ tướng Anh Quốc, Rishi Sunak.)
Nước Anh đã thay đổi: Ông vua vẫn là người lãnh đạo Thiên Chúa Giáo, ông Thủ tướng theo Ấn Độ Giáo, đô trưởng thành phố Luân Đôn là tín đồ Hồi Giáo, và vị lãnh tụ đối lập kết hôn với một người theo Do Thái Giáo. Người sau cùng thuộc một sắc dân thiểu số lên làm Thủ tướng Anh là Benjamin DDo Tháii, nhưng ông đã bỏ đạo gốc Do Thái từ trước.
Rishi Sunak còn là một người Ấn Độ hay không? Rất khó nói, dù khi tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Tài chánh ông đã là người đầu tiên không đặt tay trên Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo mà dùng cuốn Bhagavad Gita, một Thánh thi Ấn Độ Giáo. Gia đình Sunak, bên nội cũng như bên ngoại, đều di cư từ Ấn Độ qua Phi Châu từ nhiều đời, trước khi sang lập nghiệp ở Anh. Ông lên làm Thủ tướng đúng ngày thánh lễ Diwali, một dịp cho dân chúng Ấn Độ reo mừng. Ông cũng là vị Thủ tướng “da đen” đầu tiên ở Anh quốc, 14 năm sau khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ. Sunak trở thành Thủ tướng mà không cần do dân bầu, sau khi được các đại biểu đảng Bảo Thủ trong Quốc hội tín nhiệm bầu làm lãnh tụ đảng. Ông cũng là vị Thủ tướng trẻ nhất, 42 tuổi, trong vòng 200 năm.
Ông mới được bầu vào Quốc hội bảy năm trước, một thời gian quá ngắn để chuẩn bị lên nắm quyền cao nhất. Ông đã được Boris Johnson mời làm Bộ trưởng Tài chánh vì kinh nghiệm hoạt động trong ngành đầu tư, với công ty Goldman Sachs. Tháng Bảy vừa qua, khi Johnson bị nhiều tai tiếng, ông từ chức, cùng với Bộ trưởng Y tế Sajid Javid, lôi kéo theo 50 Bộ trưởng và Thứ trưởng cùng rút lui trong 2 ngày.
Khi Johnson phải từ chức, Rishi Sunak giành vai lãnh tụ đảng Bảo Thủ với bà Liz Truss, bị thua với tỷ số 57-43 phần trăm. Ông chỉ trích chính sách của bà Truss là mơ mộng như “kể chuyện thần tiên”. Quả nhiên, bà Liz Truss chống lạm phát bằng cách cắt giảm thuế, đồng tiền Anh tụt giá, thị trường chứng khoán sụp đổ, chính phủ của bà chỉ thọ được 45 ngày. Đảng Bảo Thủ, gần 200 trong số 357 đại biểu, bỏ phiếu đưa Sunak lên thay.
Rishi Sunak tiêu biểu cho một người di dân đầy tham vọng và sẵn sàng hội nhập, đồng hóa vào xã hội Anh, trong truyền thống đảng Bảo thủ. Bố là một Bác sĩ, mẹ là dược sĩ, cả hai đều di cư từ Phi Châu qua Anh. Ông học Winchester College, một ngôi trường trung học của “giới quý tộc” từ sáu thế kỷ nay, với học phí $52.000 một năm; học Đại học Oxford rồi đậu MBA tại Đại học Stanford bên Mỹ.
Sunak thú nhận rằng ông chỉ có bạn bè trong giới quý tộc (aristocrats) và thượng lưu (upper class), không ai thuộc giới lao động (not working class), mặc dù hồi trẻ ông cũng làm bồi bàn trong một tiệm ăn Ấn Độ và đi giao hàng cho tiệm thuốc.
Sau khi xảy ra vụ George Floyd, một người Mỹ da đen chết khi bị một cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ trong vòng 9 phút khiến cả thế giới xúc động, biểu tình phản đối, Sunak đã kể kinh nghiệm của chính bản thân cũng từng bị kỳ thị vì gia đình ông là những di dân sống ở nước Anh, và họ đã vượt qua tất cả những chướng ngại đó.
Một cuộc phỏng vấn hỏi dân chúng Anh khi nghe tên ông Thủ tướng thì nghĩ tới điều gì, đa số trả lời là nghĩ tới chữ “rich, giàu!” Nhưng nói Sunak “giàu” không đủ, phải gọi là “giàu quá xá” (super rich). Tài sản của ông lên tới 730 triệu đồng bảng Anh, 830 triệu Mỹ kim. Nữ hoàng Queen Elizabeth II khi tại thế cũng chỉ làm chủ 370 triệu đồng bảng, 420 triệu Mỹ kim. Sunak có nhiều tiền là nhờ bà vợ ông, Akshata Murty, là con gái một tỉ phú Ấn Độ, người sáng lập công ty Infosys thuộc hàng lớn nhất nước. Vợ chồng ông có ít nhất ba ngôi biệt thự ở nước Anh.
Dân chúng Anh đã quen thấy người giàu có lên nắm quyền, không coi đó là một chướng ngại, miễn là những người đó không đặt ra các luật lệ thiên vị cho chính mình. Đầu năm 2022, báo chí đã phanh phui một tin lạ: Bà vợ ông Bộ trưởng Tài chánh Sunak không đóng thuế cho chính phủ Anh trong lúc ông chồng đang bắt dân đóng thêm thuế! Lý do là vì nước Anh không phải là địa chỉ “cư ngụ chính thức” của bà Murty; bà không bắt buộc phải khai báo những lợi tức kiếm được ở ngoại quốc, dù rất cao! Tương tự, báo chí cũng tìm ra rằng ông Sunak là một “di dân hợp pháp ở Mỹ” với một ngôi nhà trị giá $6 triệu Mỹ kim ở Santa Monica, California. Sunak đã trả lại “thẻ xanh” cho chính phủ Mỹ.
Dân Anh có vẻ tin tưởng Rishi Sunak là người có khả năng đối phó với tình trạng kinh tế suy yếu sau trận đại dịch Covid 19. Một phần cũng vì họ thấy ông đã tiên đoán trúng những hậu quả do chính sách của bà Truss gây ra. Ông được lòng mọi người vì trong thời gian bệnh dịch vẫn giữ được nền kinh tế không suy sụp, nhờ chính phủ chịu trả tiền lương cho nhân viên các công ty bị sa thải vì bệnh dịch, với tiền trợ cấp cho các xí nghiệp trị giá hàng tỉ Mỹ kim. Trong khi đó Sunak vẫn theo chủ trương như cựu Thủ tướng Margaret Thatcher, không muốn nhà nước can thiệp vào kinh tế.
Đó là một chủ trương khó theo đuổi trong thời gian này. Chính phủ Anh sẽ phải can thiệp nhiều hơn, khi hầu như không có gì “chạy” trong cả xã hội. Hệ thống Y tế Quốc gia (N.H.S.National Health Service) không chạy, đường xe lửa đình đốn, lương bổng tăng nhưng lạm phát lên cao hơn.
Đó là cơ hội để lãnh tụ đảng Lao Động đối lập Keir Starmer yêu cầu hãy tổ chức bầu cử ngay. Sau khi đảng Bảo Thủ đã nắm quyền suốt 12 năm, còn ba năm nữa mới đến ngày dân được bầu Quốc hội mới, cuộc nghiên cứu dư luận của tổ chức YouGov cho biết 63% dân Anh muốn tổ chức bầu Quốc hội sớm.
Nếu dân Anh bỏ phiếu ngay bây giờ, đảng Lao Động hy vọng được 56% dân ủng hộ, sẽ chiếm đa số áp đảo và lên nắm quyền. Ông Keir Starmer đã đề nghị một chương trình tranh cử: Đầu tư thêm tiền cho N.H.S., sẽ quốc hữu hóa hệ thống đường xe lửa, lập một công ty quốc doanh phát triển “năng lượng sạch”.
Nhưng Rishi Sunak còn cầm quyền được trong ba năm, ông sẽ không chấp nhận bầu cử sớm. Nếu số ông vẫn may mắn như trong quá khứ, trong thời gian tới ông có thể xoay chuyển tình trạng kinh tế nước Anh vì tình trạng “cùng tắc biến”, cái gì xuống mãi sẽ có lúc phải đi lên!
Nam Hàn Miễn Thị Thực Cho Hơn 100 Quốc Gia, Nhưng Không Có Việt Nam!
(Hình: Khách du lịch xếp hàng tại cửa đi ở phi trường Gimpo ở Hán Thành, thủ đô của Nam Hàn, hôm 29/9/2020.)
- Mạng báo Zing loan tin ngày 28/10/2022 cho hay Việt Nam không nằm trong danh sách hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Nam Hàn vừa có thỏa thuận miễn thị thực nhập cảnh (visa) khi đến du lịch từ 30 đến 90 ngày.
Cụ thể, tại khu vực Đông Nam Á, bốn nước được miễn thị thực vào Nam Hàn gồm Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai Á và Brunei. Trong đó, du khách Brunei đến Nam Hàn được lưu trú tối đa 30 ngày không cần xin visa; còn du khách từ Thái Lan, Tân Gia Ba và Mã Lai Á được lưu trú tối đa miễn visa là 90 ngày.
Ngoài bốn nước Đông Nam Á như vừa nêu, tại Á Châu người mang sổ thông hành Bahrain, Kuwait, Qatar, UAE, Do Thái, Oman, Saudi Arabia, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và Kazakhstan không cần xin visa khi du lịch Nam Hàn.
Nam Hàn miễn visa cho công dân 8 nước Phi Châu, 14 nước châu Đại Dương, 32 nước Mỹ Châu và 42 nước Âu Châu.
Riêng đảo Jeju có quy chế đặc biệt được miễn thị thực và thời gian lưu trú 30 ngày trên đảo cho hầu hết du khách trên thế giới. Tuy nhiên du khách chỉ được bay thẳng đến Jeju và đây là hành trình cuối.
Bình Thuận: Công Ty Khai Thác Titan Thiếu Biện Pháp An Toàn Khiến Bốn Công Nhân Chết!
(Hình: Hiện trường vụ sạt lở mỏ titan Nam Suối Nhum, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.)
- Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin của truyền thông trong nước cho hay vào ngày 28/10/2022, Ủy ban Nhân dân Huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, họp báo về vụ sạt lở mỏ titan Nam Suối Nhum khiến bốn công nhân tử nạn hôm 15/10 vừa qua.
Truyền thông nhà nước loan tin dẫn kết luận điều tra được Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Thuận Nam công bố tại cuộc họp báo. Theo đó, vào thời điểm tổ chức di dời cát tại bãi thải thuộc khai trường 1, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tân Quang Cường đã không xây dựng phương án để tổ chức di dời, không có phương án bảo đảm an toàn lao động cho công nhân, công nhân không được trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ an toàn lao động.
Thực tế đó khiến khi xảy ra vụ sạt lở cát vào chiều ngày 15/10, có bốn công nhân bị vùi lấp khi đang làm việc và chết.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Tân Quang Cường có trụ sở chính đặt tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Ông Nguyễn Hoàng Trung, ngụ tại Phan Thiết, là Giám đốc và là người chịu trách nhiệm chính khi quyết định áp dụng phương pháp dùng lực nước để di dời cát thải tại bãi thải của khai trường 1.
Việc khai thác quặng titan có trong cát ven biển miền Trung đã tạo ra những ảnh hưởng rất xấu đến môi trường trong nhiều năm nay.
Vào tháng 11 năm 2013, bùn đỏ từ các khu vực khai thác titan tại huyện Hàm Thuận Nam đã tràn vào khu vực nhà dân, ruộng đồng, làm thiệt hại rất nhiều hoa màu.
Tháng Ba, năm 2014, một cuộc biểu tình lớn tại khu khai thác titan ven biển tỉnh Ninh Thuận, đã dẫn tới bạo động, đốt nhà xưởng, và vài người bị bắt.
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng Thăm Trung Quốc: Hai Phía Xích Lại Gần Nhau, Khắng Khít Sống Chết Có Nhau Hơn!
(Hình: Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp tại Hà Nội vào tháng 11/2017.)
Trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc muốn gởi thông điệp gì tới nhau? Những vấn đề nào sẽ được bàn luận và hai nước sẽ giải quyết những bất đồng ra sao?
Các chuyên gia về An ninh và Quan hệ Quốc tế mà Ðài Á Châu Tự Do (RFA) phỏng vấn trong bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi đó.
Thắt Chặt Quan Hệ Hai Đảng
Theo kế hoạch, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Bắc Kinh vào Chủ Nhật, ngày 30/10 theo lời mời của ông Tập Cận Bình, người vừa được đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo quốc gia đầu tiên thực hiện chuyến thăm Bắc Kinh sau Đại hội Đảng lần thứ 20 của nước này, và cũng là lần đầu ông Trọng công du ngoại quốc sau đợt đột quỵ hồi năm 2019.
Ông Nguyễn Thế Phương, Tiến sĩ ngành An ninh hàng hải, cho biết chuyến đi lần này của Tổng Bí thư Trọng thực ra là đã được lên lịch từ vài tuần trước đây rồi. Sức khoẻ của Tổng Bí thư Trọng cũng đã tốt hơn và Trung Quốc cũng vừa xong Đại hội Đảng. Đây là thời điểm thuận lợi để lãnh đạo hai Đảng gặp nhau.
Theo ông Phương, về phía Việt Nam, chuyến thăm sẽ là một lần nữa khẳng định vai trò rất quan trọng của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chuyến thăm cũng nhằm duy trì mối quan hệ và liên lạc quan trọng giữa hai Đảng trong bối cảnh môi trường quốc tế tương đối phức tạp như hiện nay.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do qua email, ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College), cho rằng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối tháng 10, sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc là một bước đi hợp lý thể hiện chính sách đối ngoại mềm dẻo của Việt Nam.
Theo ông Khang, Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp đồng nghĩa với việc chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ ít có thay đổi, và thậm chí họ có thể trở nên cứng rắn hơn khi Tập đã không còn vướng mắc với các vấn đề trong nước, nhất là khi sáu thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị đều là những nhân vật thân tín với Tập.
Tổng Bí thư Trọng là lãnh đạo đầu tiên được mời đến thăm Trung Quốc sau đại hội Đảng sẽ giúp tái khẳng định cam kết của Việt Nam với Trung Quốc là Hà Nội không có ý định liên minh với nước thứ ba để chống lại Trung Quốc, bất chấp các chỉ dấu cho thấy Việt Nam đang ngày càng xích lại với Mỹ hơn:
“Thêm vào đó, chuyến thăm trong khuôn khổ trao đổi giữa hai Đảng cũng thể hiện rằng bất chấp các bất đồng trên biển, Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng tình đồng chí với Đảng Cộng sản Trung Quốc và hy vọng hai bên có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai.
Về phía Trung Quốc, việc họ mời Tổng Bí thư Trọng cho thấy họ cũng mong muốn hai bên tiếp tục đối thoại để hạn chế những hiểu lầm không đáng có đối với những phát triển gần đây trong quan hệ Mỹ-Việt. Trung Quốc cũng không mong muốn xảy ra xung đột với Việt Nam khi vấn đề Đài Loan quan trọng hơn rất nhiều đối với nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Tập”.
Trung Quốc Ngăn Cản Việt Nam Xích Lại Gần Mỹ
(Ảnh: Ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng gặp nhau tại Hà Nội vào tháng 11/2017.)
Tiến sĩ Nguyễn Thế Phương cho rằng, nhân chuyến thăm lần này, Trung Quốc cũng sẽ cố gắng kéo Việt Nam gần hơn về phía Trung Quốc trong mối quan hệ tam giác Việt-Mỹ-Trung.
Mặc dù tương quan mối quan hệ Việt-Trung thì Việt Nam cần Trung Quốc hơn, đặc biệt là về vấn đề kinh tế, nhưng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đầu tiên tới thăm Trung Quốc sau Đại hội Đảng của nước này cho thấy một phần nào đó Trung Quốc cũng khá là coi trọng mối quan hệ với Việt Nam:
“Dưới góc độ quan hệ quốc tế mà nói thì Việt Nam là một trong những quốc gia có tiếng nói khá có trọng lượng ở khu vực Đông Nam Á. Trong khoảng thời gian gần đây thì mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ được cải thiện khá là nhanh chóng. Và đứng dưới góc độ của Trung Quốc thì việc để Việt Nam được tự do gần hơn quá nhiều với phương Tây cũng là một mối đe dọa mang tính chiến lược.
Cho nên là việc mời Việt Nam cũng là một cách mà Trung Quốc muốn gắn kết hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam, bằng cách là không để cho Việt Nam xích lại quá gần với quỹ đạo của phương Tây. Trung Quốc tạo ra một môi trường láng giềng thân thiện hơn”.
Để làm được điều này, Trung Quốc có một số “công cụ” kiềm chế, không cho Việt Nam đi quá xa về phía Mỹ và phương Tây. Ông Phương nói:
“Thực tế mà nói Trung Quốc họ có nhiều công cụ lắm. Ví dụ như là về kinh tế thì rõ ràng là xuất-nhập cảng của Việt Nam phụ thuộc tương đối nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là nhập cảng nguyên liệu thô, buôn bán biên mậu…. Cho nên là nội cái việc Trung Quốc gây sức ép về mặt kinh tế không thì cũng đã là một thông điệp cho thấy rằng Việt Nam đừng nên đi quá xa.
Công cụ thứ hai là gây sức ép trên thực địa. Ví dụ như các sự kiện HD-981 hay Trung Quốc gửi tàu khảo sát, khai triển các tàu cảnh sát biển của họ trong cần đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc là xung quanh các đảo mà Việt Nam đang nắm giữ cũng là một thông điệp”.
Bên cạnh đó, công cụ về ý thức hệ cũng rất quan trọng. Bởi vì, hai Đảng Cộng sản có chung một nền tảng ý thức hệ, thể chế giống nhau, cho nên họ sẽ có chung một số mối đe dọa. Ví dụ như là diễn biến hòa bình, là những vấn đề có liên quan đến dân chủ, nhân quyền….
Trung Quốc có thể tận dụng những yếu tố đó để thuyết phục Việt Nam rằng nếu như Việt Nam đi gần với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam giữ được quyền lực, hạn chế được những tác động mang tính đe dọa tới chế độ từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Những Vấn Đề Chính Được Bàn Luận
Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thế Phương, khi hai Tổng Bí thư gặp nhau thì điều quan trọng nhất là trao đổi về vấn đề xây dựng Đảng:
“Bởi vì đây sẽ là chuyến thăm Đảng với Đảng thì vấn đề có thể được bàn đến nhiều nhất chính là vấn đề liên quan đến xây dựng Đảng, tăng cường mối quan hệ về mặt ý thức hệ; Thứ hai là duy trì các kênh liên hệ giữa Đảng với nhau
Và cái thứ ba là tìm cách tạo ra một nền tảng mới để thứ nhất là tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là về mặt kinh tế và chính trị; và thứ hai là làm sau đó để giảm thiểu cái tiềm năng xung đột giữa hai bên, đặc biệt là trong các vấn đề có liên quan đến lãnh thổ và lãnh hải”.
Một nhà nghiên cứu giấu tên nhận định chuyến đi lần này là nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các vấn đề về an ninh và kinh tế sẽ được ưu tiên bàn luận:
“Trung Quốc mặc dù vẫn giữ chính sách Zero COVID (không COVID) nhưng vẫn muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, cho nên khi cả hai quốc gia cũng sẽ đặt ra vấn đề về kinh tế.
Thứ hai là vấn đề về an ninh. Cả Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có điểm chung, đó là đặt sự ổn định chính trị và sự cầm quyền của họ lên trên, cho nên họ sẽ trao đổi kinh nghiệm về vấn đề này”.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, bất chấp dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại Việt-Trung năm 2021 vẫn đạt 165,8 tỉ Mỹ kim, tăng 24,6% so năm trước. Với kết quả này, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất cảng lớn thứ hai của Việt Nam.
Thảo Luận Về Bất Đồng
Ngược lại, vấn đề an ninh ở khu vực Biển Đông và Mekong là những điều mà nhà nghiên cứu giấu tên cho là sẽ cản trở mối quan hệ song phương. Do đó, chuyến thăm lần này sẽ không đề cập nhiều đến các nội dung này:
“Trong những vấn đề cản trở giữa hai quốc gia có Biển Đông và MeKong. Về vấn đề Mekong có lẽ Việt Nam cũng sẽ không đề cập nhiều. Nhưng còn vấn đề Biển Đông thì phía Việt Nam sẽ thúc đẩy giải quyết những bất đồng mà Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán”.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thế Phương nhận định cả hai nước hiện nay đều muốn thảo luận một cách hài hòa, duy trì các bất đồng ở mức có thể kiểm soát được:
“Một số vấn đề gọi là bất đồng giữa hai nước thì chắc chắn là sẽ được thảo luận. Nếu có thảo luận thì sẽ làm sao để duy trì sự bất đồng ở một mức độ có thể kiểm soát được. Tức là vẫn có bất đồng nhưng mà phải làm thế nào để kiểm soát được để vấn đề để nó không làm cho mối quan hệ bị trật đường ray”.
Ông Vũ Xuân Khang cho biết do chuyến thăm nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, các vấn đề liên quan đến tranh chấp và bất đồng sẽ ít được đề cập công khai:
“Nếu có đề cập thì hai bên cũng sẽ nhấn mạnh vào đối thoại và hợp tác chứ không tạo hình ảnh là quan hệ Việt-Trung đang gặp những vướng mắc không thể tháo gỡ được.
Thay vào đó hai bên sẽ có những trao đổi về công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng. Việt Nam và Trung Quốc có thể có những bất đồng trong chính sách đối ngoại, nhưng hai nước có rất nhiều điểm tương đồng trong chính sách đối nội”.
Một số điểm tương đồng trong chính sách đối nội bao gồm được ông Khang nêu ra gồm: cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, và phát triển kinh tế dựa trên xuất cảng từ nguồn vốn ngoại quốc đầu tư.
Hoàn Cầu Thời Báo: Chuyến Viếng Thăm của Ông Trọng “Minh Chứng Rằng, Việt Nam Luôn Luôn Chọn Tầu! Chứ Không Đứng Về Phía Mỹ!”
(Hình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 12/11/2017.)
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo vừa có bài xã luận của một nhà nghiên cứu cho rằng, chuyến đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến Trung Quốc ngay khi ông Tập Cận Bình vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba cho thấy “Việt Nam sẽ không đứng về phía Mỹ”.
Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10/2022 đến ngày 2/11 theo lời mời của ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước.
Ông Trọng là nhà lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên thăm chính thức nước này sau khi Bắc Kinh sắp xếp xong nhân sự cho năm năm nữa, đây cũng là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi ông Trọng bị đột quỵ hồi năm 2019.
Tác giả của bài viết - ông Li Kaisheng, Phó Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải - khẳng định:
“Chuyến thăm của ông Trọng một lần nữa minh chứng rõ ràng rằng Việt Nam sẽ không đứng về phía Mỹ trong trò chơi cường quốc.
Trên thực tế, Việt Nam đã công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bất chấp sức ép của Hoa Thịnh Ðốn.
Sau chuyến thăm, hai nước có thể khai triển các biện pháp tiếp theo nhằm tăng cường giao tiếp và làm sâu sắc hơn hợp tác, nhằm thúc đẩy hai nước củng cố quan hệ hợp tác trong bối cảnh toàn cầu phức tạp”.
Tác giả cho rằng, chính sách về Trung Quốc của Hà Nội có lợi cho việc ổn định tình hình ở Biển Đông, cũng như thúc đẩy các nước Đông Nam Á khác hiểu rõ hơn về tình hình khu vực và thúc đẩy Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) trở nên thân thiện với Trung Quốc.
Ông Li nhận định, khi tăng cường hợp tác quân sự và an ninh với Mỹ, Việt Nam cũng sẽ tính đến cảm giác và lập trường của Trung Quốc, hơn nữa, với tư tưởng khác nhau, Chính phủ Việt Nam luôn hết sức cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của Mỹ.
Học giả Trung Quốc nói, cả hai nước có sự tương tác lịch sử chặt chẽ, có nền văn hóa tương đồng cao và đều là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cho nên “khi quan hệ giữa hai nước có những khúc mắc, trao đổi giữa các bên thường đóng vai trò quan trọng trong việc liên lạc và phối hợp, tạo thêm sự ổn định cho sự phát triển của quan hệ hai nước”.
Bài viết của Li Kaisheng không cho biết các “khúc mắc” này là gì, tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc về các hành động liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Hà Nội có tuyên bố chủ quyền.
Lực lượng cảnh sát biển hai nước từng đâm va, xịt vòi rồng vào nhau khi Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 hạ đặt ở Biển Đông năm 2014, hay vụ tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 cùng ba tàu hải giám của Trung Quốc thực hiện thăm dò dầu khí ở bãi Tư Chính năm 2019.
Bài viết ngay trước chuyến thăm của ông Trọng quy kết cho “sự cạnh tranh quyền lực lớn đã làm bùng phát thêm nhiều bất ổn ở Đông Nam Á”.
Bản tiếng Anh của Hoàn Cầu Thời Báo, được quản lý bởi Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói các nước phương Tây “tung ra một đợt tấn công ý thức hệ mới vào các nước xã hội chủ nghĩa” bằng cách bày ra cái gọi là cuộc đối đầu “dân chủ chống chuyên quyền”, trong khi đó phía Mỹ tăng cường tập trung vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho rằng, việc các nước xã hội chủ nghĩa tăng cường hợp tác là điều bình thường, sẽ giúp các nước này giữ vững quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện quốc gia và bảo vệ lợi ích chung của mình trên trường thế giới.
Kết thúc bài xã luận, ông Li lưu ý Trung Quốc luôn chủ trương chung sống giữa các nước có hệ thống chính trị khác nhau, nghĩa
Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền Kêu Gọi: Giới Trẻ Việt Nam Tiếp Tục Đấu Tranh Vì Quyền Con Người!
(Ỷ Lan)
(Hình: Hội nghị của FIDH tại Paris, thủ đô của Pháp, từ ngày 23 đến 26/10/2022.)
Chủ tịch Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) kêu gọi giới trẻ Việt Nam ở khắp nơi tiếp tục đấu tranh về quyền con người, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ khi có thể.
Bà Alice Mogwe, Chủ tịch của FIDH, nói với thông tín viên của Ðài Á Châu Tự Do (RFA) trong một cuộc phỏng vấn nhân Hội nghị lần thứ 41 của FIDH diễn ra tại Paris, Pháp từ ngày 23 đến 26/10/2022.
FIDH được thành lập từ năm 1922 với mục tiêu bảo vệ hòa bình bằng cuộc đấu tranh cho nhân quyền. Từ một nhóm người nhỏ địa phương, ngày nay FIDH đã trở thành một tổ hợp quốc tế với 192 chi hội trong 117 quốc gia năm châu, trong có Việt Nam mà đại diện là Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR).
Do có quy chế tham vấn tại Liên Hiệp Quốc, nên FIDH nắm giữ nhiều hồ sơ nhân quyền trên thế giới để cập nhật và lên tiếng báo nguy. Là tổ chức nhân quyền lâu đời nên quá trình đóng góp của FIDH cũng gia tăng theo với thời gian. Những đóng góp quốc tế quan trọng có thể thấy ra qua một vài ví dụ điển hình như phá án tử hình cho hai Cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh trong những năm đầu thế kỷ hai mươi.
Nói với RFA, bà Alice Mogwe nhận định:
“Trong Lễ Khai mạc tối nay, chúng tôi nghe từ giới trẻ nói về nhân quyền cho tương lai, về những thách thức mà tuổi trẻ phải đối diện. Quyền kỹ thuật số là một trong những phương liệu của họ – khá đông người ngay nay có thể sử dụng cell-phones (điện thoại di động), Whatsapp, đủ thứ hình thức khác để phát huy chính kiến, và hành xử tự do ngôn luận, thiết lập mạng lưới liên lạc với nhau.
Tôi muốn nói với giới trẻ ở Việt Nam hay bất cứ đâu trên trái đất, khi nhân quyền bị xâm phạm, là lúc chúng ta phải tiếp tục đấu tranh. FIDH đang có mặt để hậu thuẫn và liên đới, hỗ trợ các bạn những gì chúng tôi có thể hỗ trợ”.
Bà Alice Mogwe nói đến chủ đề của hội nghị lần này là “Hành động con đường độc nhất đưa tới Hy vọng” để kêu gọi mọi người quan tâm đến nhân quyền trên thế giới đoàn kết và hành động dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
“Việc phải làm để phá thế kẹt và đạt mục tiêu, là bạn phải liên kết với những bạn khác. Rất kỳ diệu và quan trọng cho một Mạng liên kết hậu thuẫn”. - Bà Alice Mogwe nói.
Trong hội nghị lần này của FIDH, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã gửi một thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của xã hội dân sự:
“Xã hội Dân sự là điều cần thiết để gìn giữ hòa bình, phát triển và tôn trọng quyền của mỗi người. Xã hội dân sự đánh vang lên cho tiếng nói ẩn khuất bên lề, những tiếng nói tự do và độc lập”.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc vừa có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến ngày 22/10 vừa qua vào khi tình hình đàn áp nhân quyền ở Việt Nam bị quốc tế đánh giá là nghiêm trọng.
Ngay trước chuyến thăm của ông tới Hà Nội, 14 tổ chức nhân quyền quốc tế bao gồm Human Rights Watch, Ân xá Quốc tế, Điều 19 (Article 19), Dự án 88 (The Project 88) đã gửi một bức thư ngỏ kêu gọi người đứng đầu Liên Hiệp Quốc yêu cầu Hà Nội trả tự do cho bốn lãnh đạo xã hội dân sự Việt Nam đang bị cầm tù vì cáo buộc tội trốn thuế. Cáo buộc này đã bị các đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc đánh giá là không có căn cứ.
Các tòa án ở Việt Nam trong năm nay đã kết án tù từ hai đến năm năm đối với bốn nhà hoạt động môi trường với cùng tội danh trốn thuế. Trong số những người bị kết án có bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc tổ chức xã hội dân sự Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) - người được Giải thưởng Môi trường Goldman vào năm 2018.
Cũng tại hội nghị của FIDH lần này, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Âu Châu - bà Maria Arena cho biết Quốc hội Âu Châu đã làm ngơ trước các vi phạm nhân quyền của những đối tác như Việt Nam.
Bà cho biết Liên Hiệp Âu Châu đã đặt nhân quyền và dân chủ vào nội dung chủ yếu trong các liên hệ ngọai giao, đặc biệt qua các Hiệp ước Mậu dịch. Nhưng khi các nước đối tác vi phạm nhân quyền trầm trọng, thì Liên Hiệp Âu Châu lại làm ngơ.
Bà nói rằng, muốn bảo vệ nhân quyền, dân chủ thật sự, phải có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, chứ không thể tiếp tục làm ăn bình tường (“business as usual”) khi các quyền cơ bản không được tôn trọng.
Việt Nam và EU ký Hiệp ước Mậu dịch Tự do (EVFTA) vào tháng 6/2019. Vào tháng 2/2020, Nghị viện Âu Châu chính thức phê duyệt Hiệp định này bất chấp những kêu gọi từ một số tổ chức nhân quyền và các Dân biểu Âu Châu, đề nghị EU phải gây sức ép hơn nữa với Việt Nam về vấn đề nhân quyền trước khi thông qua Hiệp định này.
Đồng Tâm: Chính Quyền Xã Xây Nhà Văn Hóa, Trên Đất Nhà Thờ Bị Người Dân Phản Đối!
(Hình: Các giáo dân đặt tượng Đức Mẹ tại nhà văn xóa xã Đồng Tâm ngày 22/12/2020.)
Hai năm sau biến cố Đồng Tâm, chính quyền xã thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội lại có kế hoạch xây dựng công trình công cộng trên mảnh đất thuộc sở hữu của nhà thờ Thượng Lâm cho dù vấp phải sự phản đối của giáo xứ.
Theo Fanpage Đồng Tâm-Mỹ Đức-Hà Nội, chính quyền xã Đồng Tâm có kế hoạch xây dựng, cải tạo nhà văn hóa tại khu vực đất Song Bát vào ngày 28/10. Mảnh đất này có diện tích hai mẫu đất (mẫu Bắc Bộ 3.600 mét vuông), thuộc Giáo xứ Thượng Lâm.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Thoan, Linh mục chính xứ Thượng Lâm, qua tin nhắn với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết, khu đất này thuộc về giáo xứ Thượng Lâm cách đây hơn 100 năm, do Cha Loan (Hội thừa sai) mua để giúp việc dầu đèn nhà thờ.
Theo linh mục này, đến năm 1956 có giấy của ông Nguyễn Chí Trực- Chủ tịch tỉnh Hà Đông (tỉnh cũ) cấp nhằm giúp các ông bõ nhà thờ và dầu đèn, và tránh bị nhập vào quỹ đất Hợp tác xã.
Bản sao giấy Quyết Nghị về việc để lại ruộng đất cho nhà thờ xứ ở xã Đồng Tâm do ông Chủ tịch tỉnh Hà Đông ký vào ngày 27/6/1956 thể hiện, “Ủy ban hành chính tỉnh đồng ý để lại cho nhà thờ xứ ruộng 2 mẫu đất... để xử dụng vào việc thờ cúng và cho những nhà tu hành có điều kiện sinh sống làm việc tôn giáo”.
Tuy nhiên, tới năm 1972, chính quyền xã Đồng Tâm tự động chiếm dụng khu đất này, linh mục Thoan cho biết qua tin nhắn:
“Khi linh mục Viên (linh mục Gioan Nguyễn Trọng Viên - PV) về giáo xứ năm 2012, ngài đã làm đơn xin chính quyền địa phương trả lại đất.
Từ khi về quản giáo xứ năm 2018, tôi có 12 lần gửi đơn lên chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị trả lại đất cho giáo xứ để có đủ diện tích sinh hoạt tôn giáo ngoài trời, nhưng chính quyền vẫn không giải quyết. Hiện nay, chính quyền xã Đồng Tâm đang có dự án xây lại nhà văn hóa ở đó”.
Một người dân ở thôn Hoành nói trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, cho biết khu đất Song Bát trước kia là ruộng và nhiều giáo dân Thượng Lâm tận dụng để trồng rau muống trước khi chính quyền xã cho người đổ đất san nền và sau đó xây dựng nhà văn hóa xã.
Chính nơi này là địa điểm người dân xã Đồng Tâm dùng để giữ 37 cảnh sát cơ động trong vụ bắt con tin giữa tháng Tư năm 2017 khi nhà chức trách Hà Nội đưa lực lượng vào để trấn áp người dân trong xã trong vụ tranh chấp 59 hecta đất ở đồng Sênh.
Một người thuộc giáo xứ Thượng Lâm cho hay, nhà thờ Thượng Lâm thường tổ chức sự kiện tôn giáo ở khu vực Song Bát, nhưng gần đây thường bị ngăn cản bởi chính quyền xã.
Cũng theo bà này, hồi năm 2021, giáo dân dựng rạp, tượng và trang trí Noel ở khu vực này nhưng bị chính quyền đưa người đến tháo dỡ và chở đi nơi khác.
Trong bài viết “Linh mục Nguyễn Văn Thoan cần xem xét lại!” đăng trên trang báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân hồi tháng 12/2020, cho rằng linh mục Nguyễn Văn Thoan - Giám quản Thượng Lâm-Phúc Lâm, cùng một số công dân theo Thiên chúa giáo tại Đồng Tâm ngang nhiên dựng thánh giá, dựng tượng Đức mẹ ở ngoài và trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Hoành.
Cũng theo trang này, điểm sinh hoạt văn hóa của nhân dân thôn Hoành, hoàn toàn không liên quan bất kỳ tôn giáo nào.
Báo Hà Nội Mới trong năm 2020 cũng có bài viết nói Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý về chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình trường học và nhà văn hóa thôn ở xã Đồng Tâm.
Fanpage Đồng Tâm-Mỹ Đức-Hà Nội cho biết, trong buổi sáng ngày 27/10, giáo viên của Trường Phổ thông Trung học Mỹ Đức B đã gặp gỡ các học sinh theo đạo Công giáo ở Đồng Tâm để yêu cầu họ không được tham gia vào việc tranh chấp đất.
Phóng viên nhắn tin và liên lạc với Fanpage trên để xác minh nhưng không nhận được câu trả lời. Chúng tôi cũng gọi điện thoại vào số máy của Trường Phổ thông Trung học Mỹ Đức B và Uỷ ban Nhân dân huyện Mỹ Đức để hỏi về sự việc trên nhưng không có ai nghe máy.
Đồng Tâm cũng là nơi xảy ra tranh chấp đất đai xung quanh khu vực đồng Sênh có diện tích 59 hecta. Người dân trong xã nói đây là đất của dân địa phương trong khi chính quyền Hà Nội nói đó là đất quốc phòng và có kế hoạch trao nó cho một doanh nghiệp quốc phòng để làm dự án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét