Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Hiểu biết thêm với GS Huỳnh Chiếu Đẳng


Kính thưa quí bạn
Hôm nay chúng ta cũng nói chuyện đời thường
1. Anh Nguyễn Văn Đạt nói về tiếng Việt: Bác Sĩ, Tiến Sĩ, Thạc Sĩ…
2. Anh Vũ Xuân Hoài giải đáp câu đố vui hôm qua, và thêm chi tiết về bằng cấp tại Mỹ. Câu đố mới.
3. Bác Sĩ Phạm Anh Dũng hỏi về : Khi Reply mất chi tiết email của người gửi xin các bạn giúp dùm.
4. Hình vẽ giống y hình chụp. Rằng hay thì thật là hay….

HCD 29-Sep-2022
-----------
Nếu các bạn không thấy hình thì nên dọc Microsoft Word attached.
<!>


Kính thưa các bạn thắc mắc về cấp Bác Sĩ Tiến sĩ Thạc sĩ... được anh Đạt giải đáp thêm như sau: (tôi giữ nguyên layout)

From: Dat Nguyen <nguye vdat 1@ gmail. com>
Sent: Thursday, September 29, 2022 10:40 SA

To: huy017 1@ gmail. com
Subject: Nói về tiếng Việt: Bác Sĩ, Tiến Sĩ, Thạc Sĩ…

Thưa anh Đẳng:
Sẵn dịp trong QVD đang nói về đề tài trên, em xin chia sẻ ký ức của riêng em về về đề tài nầy.

1. Nói về tiếng Doctor ở Mỹ:

1. 1. Trước hết, mặc dù chữ Doctor có nguồn gốc từ chữ Teacher, không ai gọi Teacher là Doctor, ngoại trừ trường hợp người Teacher đó có bằng cấp có chữ Doctor. Thí dụ như Teacher Jill Biden được gọi là Doctor vì bà ta có bằng cấp Doctor of Education.

1. 2. Tất cả những ai có bằng cấp có chữ “Doctor”, trong bất cứ ngành nào cũng đều có thể được gọi là Doctor. Ngoại trừ một vài trường hợp chẳng hạn như bằng cấp Juris Doctor. Thí dụ như Joe Biden có bằng cấp Juris Doctor nhưng không ai gọi Joe Biden là Doctor (trong khi Jill Biden có bằng cấp Doctor of Education thì được gọi là Doctor). Barack Obama và Michele Obama đều có bằng cấp Juris Doctor nhưng không ai gọi họ là Doctor cả.

1. 3. Thông thường, tiếng “Doctor” được hiểu ngầm là nói tắt của tiếng Medical Doctor. Thí dụ như trên một chuyến bay (đang ở trên không) có người bị ngất xỉu, tiếp viên hàng không hỏi trên máy bay có ai là Doctor hay không (để nhờ giúp bệnh nhân kia) thì những người có bằng cấp Doctor như Jill Biden không lên tiếng, vì họ biết rằng tiếng Doctor ở đây là nói tắt của tiếng Medical Doctor mà thôi, không ám chỉ những Doctor khác.

1. 4. Nếu nói về các chương trình học ở các đại học Mỹ để được cấp bằng có chữ “Doctor” thì rất dài dòng; càng đi vào chi tiết thì càng dễ bị sai sót vì mỗi ngành mỗi khác, và mỗi trường mỗi khác cho từng ngành… Một chi tiết đúng cho ngành nầy có thể không đúng cho ngành khác. Ngay cả trong cùng một ngành, chi tiết đúng cho trường nầy có thể không đúng cho trường khác. Ngay cả trong cùng một ngành của cùng một trường cũng có các trường hợp khác nhau. Thí dụ như School of Public Health ở Havard University có chương trình Doctor of Public Health (Dr. PH) mà cũng có chương trình Ph.D (in Public Health).

2. Nói về tiếng Việt (Bác Sĩ, Tiến Sĩ, Thạc Sĩ):

2. 1. Nói chung (vì có những trường hợp ngoại lệ) thì tiếng Bác Sĩ thời VNCH được dùng để nói về Bác Sĩ Y Khoa (giống như tiếng Doctor của Mỹ thông thường được dùng để chỉ Medical Doctor, xin xem mục số 1. 3 ở trên). Trong khi đó chữ Tiền Sĩ được dùng để gọi những người có bằng cấp có chữ “Doctor” nhưng không phải trong ngành Y học (thí dụ như bằng Ph.D, Dr.PH, Ed.D…).

Đó là lý do tại sao người Việt chúng ta gọi ông Anthony Fauci là Bác Sĩ Fauci (vì ông nầy có bằng cấp Medical Doctor) và gọi ông Henry Kissinger là Tiến Sĩ Kissinger (vì ông nầy có bằng Ph.D). Trong khi ở Mỹ cả hai đều được gọi là Doctor (Doctor Fauci và Doctor Kissinger).

2. 2. Đúng như các ông/bà Nguyễn Dương (Jean Aimarre) và Dinh Nguyen đã vạch ra, thời VNCH chử Thạc Sĩ được dùng để chỉ những người có bằng cấp cao nhất trong ngành của họ, thường thường tốt nghiệp ở Pháp (Thạc có nghĩa là rộng/cao). Thời VNCH có rất ít người được gọi là Thạc Sĩ, và học vị Thạc Sĩ thời đó được coi là có uy tín không thua kém Tiến Sĩ nếu không muốn nói là hơn cả Tiến Sĩ. Thí dụ như Thạc Sĩ Vũ Quốc Thúc, sinh năm 1920, đậu bằng thạc sĩ (kinh tế học) ở Pháp năm 1950, cùng lúc và cùng trường với cựu Thủ Tướng Pháp Raymond Barre. Trước năm 1975 Thạc Sĩ Vũ Quốc Thúc từng giữ các chức vụ như Bộ Trưởng Giáo Dục, Giám Đốc Ngân Hàng QGVN, Khoa Trưởng trường Đại Học Luật Khoa, Quốc Vụ Khanh đặc trách tái thiết, kinh tế…. Sau năm 1975 ông sang định cư ở Pháp và làm giáo sư kinh tế học ở Đại Học Paris cho đến lúc nghỉ hưu năm 1988. Thí dụ dài dòng nầy là để cho thấy rằng học vị Thạc Sĩ thời VNCH không thấp hơn bất cứ học vị nào khác.

2. 3. Sau năm 1975 tiếng Việt có nhiều thay đổi. Một số thay đổi là do tiếng Việt là một “Sinh Ngữ” nên sự thay đổi theo thời gian là một chuyện đương nhiên. Tuy nhiên có nhiều những thay đổi là do sự thiếu hiểu biết nên dùng chữ sai, hay nói đúng hơn là không biết dùng chữ nào cho đúng để diễn tả ý mình nên dùng đại chữ nào mình đã học lóm được nên dùng không đúng chỗ. Đây là một chuyện dài vô tận nên chúng ta không bàn ở đây. Xin trở lại chữ Thạc Sĩ. Ngày nay người VN dùng chữ Thạc Sĩ để chỉ những người có bằng cấp tương đương với bằng Master của Mỹ, tức là có học một hay hai năm sau chương trình đại học. Trong thời VNCH chúng ta gọi học vị này là Cao Học. Thời VHCH, nhiều trường đại học ở VN có các chương trình Cao Học, tương đương với chương trình Master ở Mỹ. Và cũng có vài trường có cả chương trình Tiến Sĩ, như trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn có cấp bằng Tiến Sĩ (hình như gọi là Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp, tương đương với một bằng Tiến Sĩ ở Pháp).

2. 4. Sau năm 1975, ở VN không những học vị Thạc Sĩ đã bị “xuống cấp” mà còn có các học vị khác cũng bị cùng chung số phận. Thí dụ như thời VNCH các trường cao đẳng (đào tạo kỹ sư) được xem là rất có uy tín so với các trường đại học văn khoa, luật khoa, khoa học (đào tạo cử nhân). Vì muốn vào các trường cao đẳng thì phải qua các cuộc thi tuyển khó khăn, có khi với hàng ngàn thí sinh mà chỉ tuyển chọn có năm ba chục sinh viên (thí dụ như các trường cao đẳng Công Chánh, Điện Học, Hoá Học… ở Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ), trong khi với các trường đại học văn khoa, luật khoa, khoa học thì chỉ cần ghi danh sau khi đã đậu Tú Tài là được học. Nếu làm việc cho chính phủ thì chỉ số lương cho Kỹ Sư cũng cao hơn so với Cử Nhân (chỉ số 470 thay vì 430).

Ngày nay ở VN chữ Cao Đẳng được dùng để chỉ những trường đào tạo các sinh viên chi học 2 năm sau bậc trung học (tương đương với các trường Community College nhỏ ở Mỹ). Học vị cao đẳng ngày nay thấp hơn học vị cao đẳng thời VNCH rất nhiều. Có thể nói học vị cao đẳng ở VN ngày nay chị tương đương với học vị Cán Sự hay Kiểm Sự thời VNCH (lúc đó chỉ số lương là 350).

Chỉ là vài hàng ghi lại theo trí nhớ, nếu có gì sai sót xin anh Đẳng và mọi người chỉ bảo.

Em Đạt

HCD: Cám ơn Đạt, xin gởi các bạn cùng đọc.
-----------


Thưa các bạn anh Hoài giải đáp câu đố vui hôm qua, và thêm chi tiết về bằng cấp tại Mỹ (tôi để nguyên layout)

From: Hoai Vu <hoai. vu 1@ gmail. com>
Sent: Thursday, September 29, 2022 10:36 SA

To: HCD G. <huy017 1@ gmail. com>
Subject: Xe nào đang chạy?

Kính anh Đẳng,

Câu hỏi anh đặt ra làm em nhớ tới những bài toán Vật Lý năm đệ nhất thời còn học ở CVA ngày xưa.


Đây là hiện tượng quán tính (inertia). Tất cả ba trường hợp A, B và C đều có hai cách trả lời thỏa đáng. Xe A hoặc là đang chạy thẳng và đạp thắng (giảm vận tốc), hoặc là đang chạy giật lùi và nhấn ga (tăng vận tốc). Xe B hoặc là đứng yên, hoặc là đang chạy (tới hoặc lui) với chuyển động đều (vận tốc là hằng số). Xe C hoặc là đang nhấn ga (tăng vận tốc) chạy tới, hoặc là đang chạy giật lùi và đạp thắng (giảm vận tốc).

Cùng một loại tính này là những bài toán vật lý sau đây:

1. Tại sao khi thang máy bắt đầu đi lên ta lại có cảm giác cơ thể của mình "nặng" hơn bình thường và khi thang máy đi xuống thì ta có cảm giác ngược lại, tức là thấy "nhẹ" hơn bình thường?

2. Xe chở một vật nặng ở băng ghế sau. Hệ số ma sát giữa mặt ghế và vật đó là 0.8. Khi tài xế nhấn ga chạy tới, gia tốc tối đa của chiếc xe là bao nhiêu nếu ta không muốn vật đó trượt trên băng ghế sau?
----------------
Hôm nọ gửi anh một bài nói về chương trình Ph.D. ở Mỹ mà lại quên nói thêm một điểm quan trọng. Hầu hết các trường đại học đều coi trọng sinh viên học Ph.D., và phần lớn các giáo sư đều đối xử với sinh viên rất nhã nhặn. Đối xử khó khăn thì đôi khi có, nhưng quan liêu thì rất ít khi. Hội đồng thi (cho Oral Preliminary Exam, Qualifying Exam và Final Defense) thì trường cho phép sinh viên chọn lựa chứ không chỉ định. Sinh viên phải nộp một "Nomination for the Doctoral Committee" cho trường và thường thường là họ chấp thuận. Họ cho phép mình chọn các giáo sư vì tự mình biết những giáo sư nào có đủ khả năng để duyệt xét luận án của mình. Sự chọn lựa này hết sức quan trọng. Phải kỹ lưỡng suy tính "chọn mặt gửi vàng". Lý do là một khi đã chọn xong hội đồng thi thì khó có thể thay đổi được, và phải có lý do chính đáng. Lý do "ông này khó quá, hành hạ tôi đủ điều" không chính đáng. Đó là hậu quả của "academic freedom" trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Nói thí dụ như hệ thống đại học công lập ở California (University of California, UC), ngay đến như ông khoa trưởng, viện trưởng hoặc thống đốc tiểu bang cũng không có thẩm quyền đuổi một giáo sư ra khỏi một doctoral committee. Chỉ khi nào giáo sư đó tình nguyện rút chân ra thì sinh viên mới được quyền nominate một giáo sư khác thay thế. Do đo, hễ chọn một giáo sư nào hắc ám là cuộc đời anh sinh viên khốn nạn, không có lối thoát!

Kính anh,

Hoài

HCD: Cám ơn anh Hoài xin gởi đến các bạn cùng đọc.
-----------------

--------------------
From: Pha.m Anh Du~ng <phamanhdung1 1@ gmail. com>
Date: Thu, Sep 29, 2022 at 8:14 AM

Subject: Khi Reply mất chi tiết email của người gửi
To: Huynh Chieu Dang <huy017 1@ gmail. com>

Anh Huỳnh Chiếu Đẳng kính thân

Tôi dùng gmail như anh và có câu hỏi sau đây nhờ anh giúp.
Lấy 1 ví dụ, tôi vừa nhận được email của anh A nội dung là "Chúc bạn vui vẻ".

Thường mỗi khi trả lời tôi click vào Reply thì tất cả chi tiết của email anh A kể cả nội dung "Chúc bạn vui vẻ" hiện lên trong email tôi đang viết trả lời.
Mới 2 hôm nay không còn như vậy nữa. Khi click vào Reply, tôi không còn thấy dấu vết gì của email anh A kể cả nội dung "Chúc bạn vui vẻ"nữa.

Muốn như vậy tôi chỉ có cách click vào forward để cho cái chi tiết email kể cả chi tiết "Chúc bạn vui vẻ" hiện ra và thật bất tiện.
Tôi thử dùng browser khác như Firefox thay cho Google Chrome cũng không thành công.

Mới khoảng 2 ngày bị vậy. Tôi lần mò vào setting không làm gì được và vào google search cũng không thấy ai nêu ra vấn đề này.
Tôi hy vọng anh có cách giúp như những lần khác anh giúp trong quá khứ

Thân kính

Phạm Anh Dũng


HCD: Thưa Bác Sĩ tôi thử trong Gmail của tôi cũng giống y chang như Bác Sĩ mô tả trên, tức là không thấy origine message đi theo email reply. Tôi bí xị luôn.
Xin post cạu hỏi của Bác Sĩ Dũng lên đây để bà con nào biết chỉ dùm.

Tạm thời Bác Sĩ hãy làm như hình dưới đây: (thay vì click reply, chúng ta click forward, origine message sẽ đi theo, lúc đó chúng ta ghi address người gởi email vào chỗ chữ To, như hình dưới


---------------


Chinese painter Leng Jun


Mọi chi tiết trong bức tranh này, từ những sợi tóc đến những sợi quần áo, đều được vẽ với chi tiết chính xác.

HCD: Rằng hay thì thật là hay, các bạn có ý kiến chi không.

Riêng tôi thấy họa sĩ Leng Jun vẽ đến trình độ như hình chụp, ít người làm được, nhưng tôi thắc mắc rằng công lao tập luyện, thời gian vẽ tấm tranh trên khá lớn kết quả cuối cùng thì chỉ bằng cái máy ảnh làm việc mất 1/10 giây đồng hồ.

Nếu nói vể kết quả thì nó y như câu chuyện “Thiền Sư Qua Sông”

Có câu chuyện kể về hai vị, một Thiền sư, một đạo sĩ qua sông như sau. (Đạo sĩ ở đây có nghĩa là người tu tiên có phép thần thông).

Một hôm tình cờ một thiền sư và một đạo sĩ gặp nhau ở một bến sông.
Đạo sĩ muốn thi thố thần thông cho Thiền sư xem, nên nói:
- Huynh, chúng ta hãy cùng đi qua sông đi.

Thiền sư bảo:
- Huynh cứ tự nhiên qua trước đi.

Đạo sĩ liền vén áo đi trên nước như đi trên đất bằng. Qua tới bờ bên kia đạo sĩ đưa tay ngoắc, ý bảo Thiền sư hãy đi qua như mình.

Bấy giờ đò vừa cập bến, Thiền sư bước xuống đò.

Khi tới bờ sông bên kia, thiền sư thấy đạo sĩ đứng chờ vẻ mặt rất tự đắc, thiền sư không nín được bèn hỏi:
- Huynh luyện tập bao lâu mới được phép thần thông đi trên mặt nước như trên đất bằng như vậy?

Đạo sĩ đáp:
- Phải luyện tập mất ba mươi năm, tôi mới được như vầy.

Thiền sư cười:
- Công phu ba mươi năm của huynh chỉ đáng giá hai xu. Tôi tốn có hai xu tiền đò mà thôi.

Bởi đạo sĩ luyện tập ba mươi năm cũng qua sông được, còn thiền sư chỉ tốn hai xu cũng qua sông được, có hơn gì đâu.
---------------
Câu đó vui mới của anh Hoài như sau:

Cùng một loại tính này là những bài toán vật lý sau đây:

1. Tại sao khi thang máy bắt đầu đi lên ta lại có cảm giác cơ thể của mình "nặng" hơn bình thường và khi thang máy đi xuống thì ta có cảm giác ngược lại, tức là thấy "nhẹ" hơn bình thường?

2. Xe chở một vật nặng ở băng ghế sau. Hệ số ma sát giữa mặt ghế và vật đó là 0.8. Khi tài xế nhấn ga chạy tới, gia tốc tối đa của chiếc xe là bao nhiêu nếu ta không muốn vật đó trượt trên băng ghế sau?

HCD: Hồi đi học đi dạy thì những câu hỏi như trên với tôi là chuyện hàng ngày không khó, giờ đây tôi chỉ nhớ lờ mờ mà thôi.


--
Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "Tình Thân".
Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email đến tinh-than+unsubscribe@googlegroups.com.
Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập https://groups.google.com/d/msgid/tinh-than/008601d8d454%24802fd770%24808f8650%24%40gmail.com.



Van bang Bac si Tien si Thac si, giai dap cau do vui, hoi ve Gmail.doc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét