Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tới dự thượng đỉnh Liên Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 30/05/2022. REUTERS - JOHANNA GERON - Minh Anh
Ukraina đã giành được một chiến thắng trên mặt trận cấm vận dầu khí của Nga ? Hôm qua, 30/5/2022, sau một ngày họp căng thẳng, lãnh đạo các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã đạt được một đồng thuận về loạt trừng phạt mới, loạt thứ sáu, nhắm vào Nga. Thỏa thuận này đặc biệt cho phép thiết lập một lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga. Từ Bruxelles, đặc phái viên đài RFI, Valérie Gas cho biết cụ thể :
<!>
« Đúng vào nửa đêm, làn khói trắng bốc lên từ cuộc họp của lãnh đạo Liên Âu – hình ảnh ví von như cuộc bầu giáo hoàng thành công, một thông báo rất được trông đợi : Một thỏa thuận ngưng nhập khẩu khoảng 90% dầu hỏa của Nga từ đây đến cuối năm. Thỏa thuận liên quan đến việc giảm dần nhập khẩu dầu lửa qua đường biển, chiếm đến 2/3 lượng mua, cộng với việc Đức và Ba Lan cam kết ngưng nguồn nhập bằng đường bộ từ đây đến năm 2023.
Sự ngập ngừng của Hungary, vốn bị phụ thuộc nhiều vào dầu hỏa của Nga, cuối cùng cũng đã được giải quyết. Hungary đã có được một thời hạn để nhập khẩu và những bảo đảm về nguồn cung ứng để chấp nhận các đề xuất của Liên Âu và cho phép thông qua loạt trừng phạt mới nhắm vào Nga.
Nhiều biện pháp khác cũng được dự trù : Sherbank, ngân hàng lớn nhất của Nga chẳng hạn sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống SWIFT ; ba kênh truyền hình của Nga sẽ bị cấm hoạt động cũng như nhiều trừng phạt khác nhắm vào các cá nhân có can dự vào cuộc chiến sẽ được đưa ra.
Mục tiêu ở đây, đặc biệt là từ phía Pháp, là buộc Nga phải « đánh giá lại chi phí chiến tranh » của mình. Khi đồng thuận về những loạt trừng phạt mới, châu Âu cuối cùng đã vượt qua được những chia rẽ để thể hiện tình đoàn kết với Ukraina. »
Theo giải thích chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, cấm vận dầu lửa của Nga sẽ được tiến hành từng bước, ngừng nhập dầu thô trong sáu tháng tới, ngừng nhập các loại sản phẩm đã qua tinh chế, trong tháng tới/ Biện pháp này là vấn đề gai góc nhất gây nhiều tranh cãi do vấp phải sự phản đối từ Budapest. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, thủ tướng Hungary, Victor Orban hoan nghênh Liên Âu miễn trừ cấm nhập khẩu dầu hỏa bằng hệ thống ống dẫn trên bộ.
Cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu cũng nhất trí cấp một khoản tín dụng 9 tỷ euro cho Ukraina để trang trải nhu cầu tiền mặt trong trước mắt và điều hành nền kinh tế. Kiev ước tính mỗi tháng cần đến 5 tỷ euro. Châu Âu khẳng định đây là khoản « cho vay dài hạn » với lãi suất ưu đãi.
Kế hoạch “hợp tác” giữa Vệ Binh Quốc Gia Mỹ và quân đội Đài Loan
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tiếp thượng nghị sĩ Mỹ Tammy Duckworth tại Đài Bắc ngày 31/05/2022. VIA REUTERS - TAIWAN PRESIDENTIAL OFFICE
Trọng Nghĩa
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm nay, 31/05/2022, cho biết là Hoa Kỳ đang lên một kế hoạch “hợp tác” giữa lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Mỹ và Quân Đội Đài Loan, qua đó thắt chặt thêm quan hệ an ninh song phương khi đối mặt với điều mà chính quyền Đài Bắc gọi là mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong cuộc tiếp xúc với thượng nghị sĩ Mỹ Tammy Duckworth tại văn phòng tổng thống Đài Loan ở Đài Bắc, bà Thái Anh Văn ghi nhận bà Duckworth là một trong những nhà bảo trợ chính cho Đạo Luật Đối Tác Đài Loan, vốn đã nhận được hậu thuẫn của lưỡng đảng trong Nghị Viện Hoa Kỳ mặc dù vẫn chưa được ban hành.
Trong bối cảnh đó, nữ tổng thống Đài Loan cho biết: “Bộ Quốc Phòng Mỹ hiện đang chủ động lập kế hoạch hợp tác giữa Vệ Binh Quốc Gia Mỹ và lực lượng phòng vệ Đài Loan”.
Tuy bà Thái Anh Văn không đi sâu vào chi tiết, nhưng truyền thông Đài Loan gần đây cho rằng Đài Bắc có thể hợp tác với lực lượng Vệ Binh Quốc Gia bang Hawaii trong chương trình này.
Tổng thống Đài Loan còn nói thêm: “Chúng tôi mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn và sâu sắc hơn giữa Đài Loan-Hoa Kỳ trong các vấn đề an ninh khu vực”.
Vào tuần trước, bất chấp những nỗ lực vận động hành lang của họ, Đài Loan đã không được tham gia Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ - Thái Bình Dương IPEF, một sáng kiến hợp tác khu vực được tổng thống Mỹ Joe Biden khởi động tại Tokyo
Bà Thái Anh Văn nhắc lại Đài Loan sẽ tiếp tục bày tỏ thái độ sẵn sàng tham gia.
Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc cho là một vùng lãnh thổ của họ và luôn đe dọa thu hồi kể cả bằng võ lực.
Trung Quốc đưa 30 máy bay vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự gần Đài Loan để hù dọa chính quyền Đài Bắc. Hành động đe dọa mới nhất là Bắc Kinh hôm qua, 30/05/2022, đã cho 30 phi cơ quân sự đột nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, 2/3 trong số 30 chiếc máy bay quân sự Trung Quốc là chiến đấu cơ. Lực lượng Trung Quốc đã tiến vào khu vực phía tây nam của vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo, buộc Đài Loan phải triển khai lực lượng không quân và các hệ thống tên lửa phòng không để sẵn sàng đáp trả.
Đây là vụ thâm nhập lớn nhất kể từ tháng Giêng đến nay. Vào lúc đó, Bắc Kinh đã đưa đến 39 máy bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Khủng hoảng lương thực : Liên Âu cố mở lại các cảng biển Ukraina
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại thượng đỉnh châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 30/05/2022. REUTERS - POOL
Thùy Dương
Trong ngày thứ hai cuộc họp của các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, hôm nay 31/05/2022, bên cạnh các vấn đề về chuyển đổi năng lượng để bớt lệ thuộc vào khí đốt của Nga, 27 nước thành viên Liên Âu còn thảo luận về cuộc khủng hoảng lương thực do tác động từ chiến tranh Ukraina.
Liên Âu dự kiến nhiều biện pháp để vượt qua lệnh phong tỏa xuất khẩu lương thực, thực phẩm mà Nga áp đặt ở các cảng của Ukraina, đặc biệt là cảng Odessa, kể cả huy động lực lượng hải quân đặc nhiệm để hộ tống các tàu hàng.
Do việc vận chuyển ngũ cốc Ukraina sang các nước châu Âu bằng đường bộ hoặc đường sắt không thực sự hiệu quả vì các vấn đề cơ sở hạ tầng, nên Liên Âu đặt ưu tiên vào việc mở lại các cảng biển chính của Ukraina.
Theo trang tin Euractiv, Liên Âu sẽ không nhượng bộ đòi hỏi của Nga về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đánh đổi lấy việc không ngăn cản xuất khẩu lương thực, kể cả ngũ cốc của Ukraina, từ các cảng ở Biển Đen.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác mở hành lang an toàn
Cũng trong ngày hôm nay, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu cho biết đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 08/06 để thảo luận về việc triển khai « các hành lang an toàn » để vận chuyển ngũ cốc của Ukraina theo đường hàng hải. Theo AFP, ngày 30/05, tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Erdohan, cho biết sẵn sàng hợp tác với Ankara về tự do lưu thông hàng hóa ở Biển Đen, trong đó có cả việc vận chuyển ngũ cốc từ các cảng của Ukraina.
Trong video công bố đêm 30/05, tổng thống Ukraina Zelensky tố cáo Nga phong tỏa các cảng biển của Ukraina, cản trở Kiev xuất khẩu 22 triệu tấn ngũ cốc. Nguyên thủ Ukraina cho rằng nạn đói ở các nước vốn phụ thuộc vào nguồn ngũ cốc nhập khẩu có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng di dân mới và « đây rõ ràng là điều mà các nhà lãnh đạo Nga đang tìm kiếm ».
TT Mỹ không cung cấp cho Ukraina pháo phản lực có thể bắn tới Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khi đi thăm nhà máy chế tạo vũ khí Lockheed Martin, ở Troy, Alabama, Hoa Kỳ, ngày 03/05/2022. REUTERS - JONATHAN ERNST
Trọng Nghĩa
Mặc dù có những lời kêu gọi ngày càng khẩn thiết của Ukraina, tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/05/2022 đã loại trừ khả năng chuyển giao cho Ukraina các hệ thống phóng pháo phản lực tầm xa có thể bắn tới lãnh thổ Nga.
Phát biểu với các phóng viên vào sáng hôm qua, tổng thống Mỹ cho biết là Hoa Kỳ “sẽ không gửi sang Ukraina các hệ thống pháo phản lực có thể tấn công sâu vào bên trong nước Nga”.
Tuyên bố được ông Joe Biden đưa ra trong bối cảnh truyền thông Mỹ trong những ngày gần đây cho rằng Washington đang chuẩn bị chuyển giao các hệ thống pháo phản lực hàng loạt tầm xa (MLRS) cho chính quyền Kiev, sau khi Quốc Hội Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung 40 tỷ đô la cho Ukraina.
Một loại hệ thống phóng pháo phản lực thứ hai cũng đã được nhắc đến: Hệ thống Himars, với tầm bắn từ 70 đến 150 km, xa hơn nhiều so với các khẩu đội pháo M777 – chỉ có tầm bắn hiệu quả không quá 40km - hiện đang được chuyển giao cho Kiev.
Về các thông tin trên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby không xác nhận việc viện trợ cho Ukraina hệ thống pháo phản lực MLRS M270 - phương tiện hiện đại cơ động cao với tầm bắn 300 km. Một quan chức Mỹ hôm qua cho biết là Washington vẫn đang cân nhắc việc cung cấp các hệ thống pháo phản lực MLRS, nhưng là loại không có khả năng tấn công tầm xa.
Phía đảng Cộng Hòa đã lập tức chỉ trích tổng thống Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Lindsey Graham đã gọi quyết định của tổng thống Joe Biden là “hành vi phản bội Ukraina và bản thân nền dân chủ.” Theo ông Graham, “chính quyền Biden một lần nữa lại bị lời lẽ hung hăng của Nga đe dọa”.
Trong thời gian gần đây, các quan chức Ukraina đã nhiều lần yêu cầu được phương Tây cung cấp thêm vũ khí hạng nặng. Trên Twitter, ông Mykhaïlo Podoliak, cố vấn của tổng thống Ukraina, không ngần ngại chỉ trích: “Một số đối tác tránh giao vũ khí cần thiết vì sợ leo thang. Có thật là leo thang không, khi Nga đang dùng đến loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất, thiêu cháy những người còn sống. Có lẽ đã đến lúc (...) cung cấp cho chúng ta các loại MLRS (giàn phóng tên lửa hàng loạt)?”
Vào tuần trước tại Davos, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cũng cảnh báo rằng: “Các quốc gia đang chùn chân trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina phải hiểu rằng mỗi ngày mà họ bỏ ra để quyết định, cân nhắc các lập luận khác nhau, là mỗi ngày có thêm người bị giết”.
Paris sẽ “tăng cường” giao vũ khí cho Ukraina
Cũng về viện trợ quân sự cho Ukraina, tân ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ngày 30/05 đã khẳng định tại Kiev là Paris sẽ “tiếp tục và tăng cường” các hoạt động chuyển giao vũ khí cho Ukraina.
Trong một cuộc họp báo với đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kouleba, ngoại trưởng Pháp cho biết là chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron “đã thông báo quyết định của mình cho tổng thống Zelensky về việc tiếp tục và thậm chí tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina”.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Macron đã thông báo việc gửi thiết bị quân sự tới Kiev, đặc biệt là đại pháo tự hành Caesar, loại vũ khí mà chính ngoại trưởng Ukraina đánh giá là “đáng tin cậy và hiệu quả”.
Bà Colonna cho biết rằng các chuyến giao thiết bị quân sự khác có thể diễn ra trong “những tuần tới”. Ước tính tổng số tiền viện trợ mà Pháp cấp cho Ukraina đã lên đến hai tỷ đô la, cả quân sự lẫn nhân đạo.
Đối với ngoại trưởng Colonna,“Pháp không lâm chiến với Nga, nhưng rất quyết tâm trong việc cung cấp thiết bị quốc phòng cho Ukraina". Mục tiêu, theo bà Colonna, là “làm cho cái giá của việc tiếp tục chiến tranh trở thành không thể chịu đựng được đối với Nga”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét