Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

Con chim tu hú đẻ nhờ - Quyên Di


Đôi chim. (Minh họa: Jenny Friedrichs/Pixabay)
GARDEN GROVE, California (NV) – Mùng Bốn Tết… Bầu trời trong xanh mà vẫn có những hạt mưa bụi lấm tấm. Mẹ tôi bảo đó là mưa Xuân. Ông Hồng Châu, bố chị Bích Khuê, khẽ đọc mấy câu thơ Nguyễn Bính:
“Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.” (1)
<!>
Người lớn ngồi nói chuyện với nhau và chơi tam cúc. Bà Hồng Châu khoe có đôi “tịnh vường.” (2) Ông Hồng Châu bảo vợ:
“Mợ khéo là hay! Chơi tam cúc mà có gì lại bày ra cả! Thế là làm sao!”
Hình như bà Hồng Châu hiểu theo nghĩa khác, hai má đỏ ửng, sửa lại dáng ngồi cho ngay ngắn, nghiêm chỉnh hơn. Bố tôi liếc nhìn mẹ tôi thật nhanh. Hai ông bà cười kín đáo.
Các anh chị em tôi mải mê với mấy xu và hào được mừng tuổi. Chị Bích Khuê xin phép bố mẹ chị và bố mẹ tôi đưa tôi ra cánh đồng xem hoa cỏ mùa Xuân. Bố mẹ chị Bích Khuê bằng lòng. Mẹ tôi thì dặn với:
“Đi chơi cho vui. Mà cô Bích Khuê nhớ đưa em nó về sơm sớm nhé, ngộ nhỡ mưa ướt đầu, cả hai chị em bị cảm.”
Cả gia đình ông bà Hồng Châu và gia đình bố mẹ tôi đều là người Hà Nội. Chiến tranh khiến hai nhà phải tản cư, trôi dạt nhiều nơi, cuối cùng đến làng Thượng Vĩ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cha xứ và người dân xóm đạo ở đấy thương chúng tôi, cho vào ở chung một nếp nhà gỗ rộng rãi mà chủ nhà đã đi đâu xa mãi không thấy về. Ông bà Hồng Châu giữ đạo thờ Tổ Tiên. Gia đình tôi theo đạo Công Giáo. Thế mà hai gia đình sống chung với nhau rất hòa hợp.

Năm ấy tôi mới lên 6. Chị Bích Khuê hơn tôi 9, 10 tuổi chi đó. Hai chị em hợp tính nhau, cùng thích thiên nhiên cây cỏ, không ưa nơi tụ họp đông đảo, ồn ào. Vì thế mà hai chị em gần gũi nhau. Chị Bích Khuê thương tôi như em ruột của chị. Chị là con một, không có em trai, em gái nào cả.
Bao giờ đi đâu với nhau tôi cũng đòi chị Bích Khuê cầm tay dắt đi. Bàn tay chị mềm, mát mà lại ấm. Tôi không biết diễn tả thế nào cho rõ. Thật thế, bàn tay chị mát và ấm.
Hôm nay chị Bích Khuê mặc áo cánh màu xanh nõn chuối, trông chị như một cây chuối non, tươi tắn và đầy sức sống. Thật ra chị có cái áo dài màu hồng đẹp tuyệt. Chị mặc cái áo ấy suốt trong ba ngày Tết. Nhưng hôm nay đã là Mùng Bốn, không còn phải chào khách đến nhà nữa, chị không phải diện áo dài mà mặc áo cánh. Với lại, đi ra cánh đồng, ai lại mặc áo dài tha thướt!
Tôi ngước mắt nhìn chị, hỏi:
“Chị Bích Khuê này, lúc nãy chị có nghe bố chị đọc mấy câu thơ gì không?”
Chị trả lời:
“Có. Mà chị không nhớ hết.”
Tôi cười:
“Thế mà em nhớ hết đấy! Chị Bứt Huê phục em không?”
Chị cũng cười:
“Chị phục em chứ…”
Rồi trêu tôi:
“Phục nhất là cách Chúc gọi tên chị.” Tôi đỏ mặt, vùng vằng:
“Chị lại trêu em! Em không chơi với chị nữa!”

Chả là tôi có tật nói ngọng. Mà tên chị, cả hai tiếng tôi đều nói ngọng. “Bích” thì tôi nói thành “Bứt,” vì không phát âm được những tiếng có vần “ich.” Còn “Khuê” thì tôi nói thành “Huê,” vì không phát được âm “khờ” mà chỉ phát được âm “hờ” thôi.
Chị Bích Khuê vẫn cười, còn dọa: “Nếu Chúc không chơi với chị thì chị bỏ tay Chúc ra, không dắt nữa nhé!” Rồi chị làm như muốn buông tay ra thật. Tôi cuống quýt:
“Ấy, chị đừng buông tay em! Em chơi với chị… suốt đời…”
Chị Bích Khuê cười thật tươi. Tôi không biết ví nụ cười của chị tươi như gì, đành ví nụ cười ấy như hoa chuối nở đỏ, lấp ló sau tàu lá xanh mướt. Thấy chị cười, tôi yên tâm.
Một lát sau, tôi tiếp tục câu chuyện bỏ dở:
“Em nhớ hết mấy câu thơ bố chị đọc đấy. Mà em còn biết đổi thành câu thơ khác nữa cơ!”
Đôi mắt chị Bích Khuê đen láy như hạt nhãn, đã tròn, bây giờ lại tròn hơn. Chị nói:
“Chúc nói thật đấy à? Mà Chúc đổi thành câu thơ khác như thế nào?”
Tôi nhẩn nha đọc: “Lòng trẻ còn như cây lụa trắng, Mẹ già chưa bán chợ làng xa.” Đây là câu thơ bố chị đọc. Bây giờ em đổi lại thành: “Lòng chị còn như cây lụa trắng, Mẹ hiền chưa gả chị làng xa.”


Bầy chim di cư. (Minh họa: Jplenio/Pixabay)

Cho đến bây giờ tôi vẫn lất làm lạ lùng cho trí nhớ của đứa bé 6 tuổi là tôi thuở ấy. Chả biết sao, cái gì có tí thơ phú là tôi nhớ ngay, mà đã nhớ thì không quên nữa.
Chị Bích Khuê, hai má đỏ hây hây. Chị nắm tay tôi chặt hơn một tí, rồi hỏi, giọng không được tự nhiên: “Chúc còn bé! Biết gì là gả với cưới! Chỉ nói xằng thôi!”
Tôi cãi ngay:
“Em biết chứ! Gả là bố mẹ chị cho chị đi lấy chồng, đúng không?”
Chị Bích Khuê bảo:
“Thì đúng. Nhưng mà đến lúc ấy thì chị không dắt Chúc đi chơi nữa đâu.” Tôi trả lời ngay:
“Em biết! Thế nên em mới nói “Mẹ hiền chưa gả chị làng xa’ đấy.”
Rồi tôi xui chị:
“Hay là chị đừng lấy chồng. Chị dắt tay em đi suốt đời nhé, nhé!”
Chị Bích Khuê bảo:
“Em tôi nói nhảm rồi. Thôi, không nói chuyện ấy nữa!”

Có tiếng con chim gì nó hót “tu… tu… hú… tu… tu… hú…” Sau đó là hàng loạt các tiếng chim khác hót loạn cả lên. Tôi hỏi chị Bích Khuê:
“Chị có nghe cái con chim gì nó hót buồn cười quá đấy không? Nó hót cái gì mà tu hú, tu hú… À, mà chị này, anh Tuấn nhà em muốn đi tu đấy!”
Chị Bích Khuê bật cười:
“Anh Tuấn nhà em định đi tu à? Anh ấy tu… hú đấy!”
Tôi hỏi:
“Thế là làm sao hở chị?”
Chị trả lời:
“Nghĩa là anh ấy không tu được đâu. Anh ấy đẹp giai quá mà cũng nghịch quá, hay nói bông lơn… trêu chị!”
Anh Tuấn và chị Bích Khuê sàn sàn tuổi nhau. Anh Tuấn đẹp giai, vui tính. Chị Bích Khuê không khó chịu anh Tuấn khi anh ấy trêu chị, nhưng hai người hình như chẳng có tình ý gì với nhau. Chị xem anh Tuấn như ông anh… đồng tuổi.
Con chim lúc nãy lại hót “tu… tu… hú… tu… tu… hú…” Cả một đám chim khác lại tranh nhau hót lên loạn xạ. Tôi giật giật tay chị Bích Khuê, hỏi:
“Đâu? Đâu? Con chim ấy đâu, em không thấy! Chị chỉ cho em thấy đi!” Chị Bích Khuê trả lời:
“Nó đậu trên tận ngọn cây cao, chị cũng không thấy. Nhưng mà chị biết nó.”
“Biết là biết thế nào hở chị?”
“Biết là biết nó bạc lắm!”
Tôi nói:
“Nó bạc lắm à? Thế ra lông nó trắng như bạc à? Vậy chắc nó đẹp lắm, phải không chị?”
Chị Bích Khuê đáp:
“Không, lông nó đen đủi. Nó xấu lắm. Xấu cả hình dạng lẫn tính nết.”
Con chim xấu xí ấy lại hót “tu… tu… hú… tu… tu… hú…” Sau đó bầy chim đủ loại lại hót loạn xạ. Chị Bích Khuê bảo:
“Đấy! Chim tu hú xấu lắm, ác lắm nên những con chim khác cùng nhau hót to đuổi nó đi đấy!”

Thế rồi chị cắt nghĩa cho tôi hiểu. Chị bảo:
“Người ta dựa vào tiếng nó hót mà đặt tên cho nó là chim tu hú. Mỗi khi một con tu hú kêu là nó thông báo cho các con chim khác biết nó đã chiếm cái lãnh thổ này rồi, những con tu hú khác lo mà tránh xa. Mà ngay cả các loài chim khác cũng liệu thần hồn. Tiếng chim tu hú kêu cũng là tín hiệu của con chim trống rủ rê con chim mái đến gặp nó. Chúng ở với nhau rồi con chim mái đẻ trứng. Tu hú mái không chịu làm tổ để đẻ mà nó đẻ nhờ vào tổ một loài chim khác. Thường thì nó chọn tổ chim chích hay cà cưỡng vì trứng những loại chim này với trứng của nó có độ to giống nhau. Nó đánh lừa cho chim chích mẹ hay cà cưỡng mẹ tưởng trứng của nó cũng là trứng của con chim ấy. Mà nó ác lắm! Khi đẻ một quả trứng vào tổ con chim kia rồi, nó lấy chân, lấy mỏ hất một quả trứng của con chim kia cho rơi xuống đất. Chim chích mẹ hay cà cưỡng mẹ ngây thơ lắm, “đếm” thấy số trứng vẫn nguyên như thế thì cho đó đều là trứng của mình nên ấp tất cả. Trứng tu hú nở ra con sớm nhất. Còn bé mà đã gian ngoan, nó hất tất cả những quả trứng trong tổ xuống đất, để một mình nó hưởng thức ăn của chim mẹ đem về và vì thế nó lớn như thổi. Đến khi nó đủ lông đủ cánh thì vụt bay đi không hề lưu luyến”.

Cắt nghĩa xong chị bảo:
“Đấy chị bảo nó bạc là vì nó vừa độc ác vừa vô ơn, chứ không phải là lông nó trắng như bạc đâu. Phải nói là nó bạc ác mới đúng. Vì thế mà khi nó cất tiếng hót thì tất cả các loài chim khác đều cất lớn tiếng mà xua đuổi nó. Kẻ bạc ác thì chẳng được ai thích cả.”
Tôi nghe chị nói xong thì lòng buồn rười rượi. Lần đầu tiên thằng bé 6 tuổi biết được trên đời có những kẻ bạc ác. Hóa ra không phải tất cả mọi sinh vật đều tốt. Nó chợt hiểu người ta cũng vậy, không phải ai cũng tốt.
Ra đến cánh đồng, hai chị em hầu như quên con chim tu hú bạc ác để say sưa với cảnh đẹp thiên nhiên. Cỏ non xanh mát trên cánh đồng mênh mông. Mưa Xuân trang điểm những ngọn cỏ bằng những viên ngọc bé tí sáng long lanh. Có những cây mơ mọc dại nở hoa trắng toát, nhẹ lay động trong gió Xuân. Chị Bích Khuê nắm tay tôi mà chạy chân trần trên cánh đồng. Khuôn mặt chị ngước lên. Đôi chân chị như bay bổng lên khỏi mặt đất. Chị đẹp và thanh thoát như một cô tiên.


Bầy chim di cư. (Minh họa: Jplenio/Pixabay)

Sau này lớn lên, tôi mê thơ cổ, đọc những câu thơ của Thôi Hiệu:
“Xuân du phương thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì,
Thu ẩm hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.” (3)
Tôi lại nhớ đến buổi đi chơi Xuân hôm ấy. “Phương thảo địa” của người xưa chắc cũng chỉ đẹp như cánh đồng làng Thượng Vĩ ngày đầu Xuân là cùng.
Thế rồi tôi lại đọc bài thơ “Xuân Tứ” của Lý Bạch:
“Yên thảo như bích ty,
Tần tang đê lục chi.
Đương quân hoài quy nhật,
Thị thiếp đoạn trường thì.
Xuân phong bất tương thức,
Hà sự nhập la vi?” (4)
Tôi cũng lại nhớ đến cánh đồng làng Thượng Vĩ. Cỏ nước Yên có biếc như tơ thì cũng chỉ biếc như cỏ cánh đồng Thượng Vĩ là cùng.
Rồi tôi đọc lục bát trong truyện Kiều: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (5) thì thấy chẳng khác gì cảnh cánh đồng Thượng Vĩ, cũng “cỏ non xanh tận chân trời.” Còn hoa lê trong truyện Kiều biến thành hoa mơ trong cánh đồng Thượng Vĩ.

Nhớ lời mẹ tôi dặn, chị Bích Khuê đưa tôi về. Hai chị em hầu như quên mất con tu hú bạc ác, nếu trên đường về không gặp nó nữa. Ngờ đâu lúc đi ngang qua chỗ cũ, hai chị em lại nghe tiếng tu hú kêu. Chị Bích Khuê khe chau mày, nói nho nhỏ:
“Ơ hay cái con tu hú này, sao mày về đây sớm thế? Người lớn bảo đến Tháng Ba tu hú mới về đẻ trứng cơ mà!”
Lần đầu tiên tôi thấy miệng chị Bích Khuê thốt ra tiếng “mày.” Chắc là chị giận con tu hú lắm!
Nhưng rồi chị lấy lại bình tĩnh, ân cần dạy tôi:
“Mình đã nương nhờ đâu thì phải biết ơn những người ở đấy. Như nhà hai chị em mình đang nương nhờ người xóm đạo làng Thượng Vĩ thì phải biết ơn cha xứ và giáo dân ở đây. Được nương nhờ mà về sau không biết ơn thì không sống phải đạo làm người.”
Chị nói năng, dạy bảo tôi như một người lớn.
Những ngày mùa Xuân qua đi và rồi những ngày tản cư của chúng tôi cũng qua đi. Khi thấy có những dấu hiệu bất an, ông bà Hồng Châu và bố mẹ tôi bàn bạc với nhau rồi cuối cùng cả hai gia đình đều hồi cư Hà Nội. Ông bà Hồng Châu và bố mẹ tôi khôn ngoan hơn chim chích hay cà cưỡng mẹ nhiều. Khi thấy không an toàn, bố mẹ chị Bích Khuê và bố mẹ tôi đều “dọn tổ” mà đi để cả gia đình, nhất là con cái không lâm vào tình trạng bất an, nguy hiểm.

Một ngày nọ có người từ Thượng Vĩ trốn được về Hà Nội, đến nhà tìm bố mẹ tôi. Người này kể rằng cha già Nến, cha xứ xóm đạo, bị người ta xông vào nhà xứ bắt đi. Họ trói hai tay cha lại, buộc vào đuôi một con trâu. Con trâu kéo cha chạy rong khắp làng với đôi chân khẳng khiu không giày dép. Theo sau là những kẻ cầm roi dâu đánh đập cha túi bụi. Họ kết tội cha là quân gian ác, bóc lột dân nghèo! Trong số những người đánh đập cha có cả những người tản cư, được cha và giáo dân ở đây giúp đỡ nơi ăn chốn ở. Khốn thương! Cả đời cha chỉ biết cưu mang người cùng khổ mà bây giờ bị kết tội là quân gian ác bóc lột dân nghèo. Chắc những người này có họ hàng ruột thịt với chim tu hú!

***
Gia đình chúng tôi di cư vào Nam, được chính phủ cho tạm cư ở bệnh viện Bình Dân đôi ba tháng. Sau đó bố mẹ tôi gom góp, vay mượn, mua được một căn nhà gỗ ở cuối chợ Vườn Chuối. Hàng xóm của chúng tôi toàn là bà con miền Nam hiền lành, bộc trực và chất phác. Họ giúp đỡ chúng tôi, những người chân ướt chân ráo đến cư ngụ trong khu xóm này, một cách thật thà, không chút tư lợi. Tôi lớn lên ở đó cho đến ngày vượt biên tìm đất sống khác. Tôi nương nhờ xã hội Mỹ mà xây dựng cuộc sống mới, mang ơn đất nước, xứ sở này.

Rất nhiều lần, gã đàn ông không còn tuổi trẻ là tôi nhớ về xóm đạo làng Thượng Vĩ, nhớ cha già Nến. Nhớ xóm chợ Vườn Chuối. Nhớ những ngày đầu trên đất Mỹ. Tôi nhớ và nhớ ơn. Tôi không muốn làm con chim tu hú.
Và tôi nhớ chị Bích Khuê. Nhớ bàn tay mềm mại, mát mà ấm của chị. Nhớ hôm Mùng Bốn Tết chị mặc áo cánh màu xanh nõn chuối. Nhớ chị tươi mát như một thân chuối non. Nhớ nụ cười thắm của chị như hoa chuối đỏ tươi lấp ló sau tàu lá chuối xanh.
Chị Bích Khuê ơi, suốt đời em nhớ chị mặc dù em không được “chơi với chị suốt đời,” cũng không được chị nắm tay dẫn đi suốt đoạn đường trần. Tôi nhớ lời chị dặn: “nương nhờ ai thì phải biết ơn, đừng bạc ác như con chim tu hú”.
Em không muốn làm chim tu hú. Tôi nhớ lời chị dặn: “nương nhờ ai thì phải biết ơn, đừng bạc ác như con chim tu hú”.
Em nhất định không làm chim tu hú. Suốt đời!

Quyên Di

Chú thích:
(1) “Mưa Xuân,” Nguyễn Bính.
(2) “Tịnh vường”: tượng vàng. Thật ra là đôi “tượng đỏ” (tịnh hồng) trong bộ bài tam cúc.
(3) Mùa Xuân dạo chơi trên miền đất có cỏ thơm. Mùa Hạ thưởng ngoan ao sen xanh. Mùa Thu uống rượu hoa cúc. Mùa Đông ngâm bài thơ tuyết trắng.
(4) Cỏ nước Yên xanh biếc như tơ. Cây dâu nước Tần lả cành xanh xuống. Đang lúc chàng nhớ đến ngày trở về thì cũng chính là thiếp đau lòng đứt ruột. Gió Xuân và thiếp không hề biết nhau. Hà cớ gì mà lọt vào màn của thiếp?
(5) “Đoạn Trường Tân Thanh” (câu 41, 42,) Nguyễn Du.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét