Hồi chuông
của ngôi giáo đường trong khu phố cổ vang lên thánh thót, tiếng ngân hòa theo
gió nhập vào cây cỏ rồi loãng dần trong không gian, nhưng dư âm vẫn đọng lại
trong hồn người một chút cảm giác lâng lâng như thức tĩnh hồn ai đang chìm đắm
trong mê say. Cạnh khu phố
cổ trầm mặc là một thành phố mới được xây dựng những năm gần đây, thành phố rất
sinh động tấp nập đông nguời qua lại dọc theo những hành làng. Hơn trăm những
cửa hiệu, nhà hàng, quán cà phê sang trọng… với những bảng hiệu màu sắc lộng
lẫy rực rỡ ánh điện. Cergy hôm nay được mệnh danh là thành phố đại học vì nhiều
viện đại học, trường lớn danh tiếng của Pháp đều tập truug về đây. Tôi về thành
phố nầy đã lâu, ngay từ lúc người ta mới khởi công xây cất. Căn nhà tôi nằm ven
rừng, cạnh con sông L'Oise mà dòng nước chảy lặng lờ vắt ngang khu phố cổ, nay
đã biến thành nơi bến cảng của du thuyền.
<!>Ở đây, ngày tháng qua rất nhanh, tôi đã
cảm nhận được sự mầu nhiệm của thiên nhiên với bốn mùa thay đổi, khi hoa xuân
vừa chớm nụ, khách yêu hoa chưa kịp thưởng lãm đã thấy hạ sang. Nắng hồng mới
ấm ngọn lá thì gió thu chợt đến mang những chiếc lá vàng đi và trên cành chỉ
còn lại những chùm tuyết mùa đông. Thời gian quả vô tình như chiếc bóng lặng lẽ
trôi. Tôi đã thấm trọn nỗi buồn trong xương tủy của kẻ xa xứ, và thông cảm cho
những tâm hồn nghệ sĩ, vì chỉ có họ mới cảm nhận được cái bóng của thời gian
chắp cánh. Họ đã sống và hòa với nhịp thở của thời gian nên nắm bắt được quá
khứ, và giữ cho dòng thời gian không bị đứt đoạn, tan loãng. Họ đã minh họa nó
qua áng văn, vần thơ, điệu nhạc để hoài niệm một thời xa khuất….Đôi khi vượt
trước cả thời đại để vọng lên tâm khúc bằng thứ ngôn ngữ riêng biệt mà người
đương thời còn ngỡ ngàng, chưa hòa điệu!
Thưở ấy nhà
cửa còn rải rác, chung quanh là những cánh rừng xanh, con đường trải đá xanh
dẫn vào phố đã mòn và ngả màu bạc, hai bên là những căn nhà xây theo lối kiến
trúc cổ, cửa sổ nhà nào cũng trồng hoa hồng trông rất đẹp. Ngôi giáo đưòng cổ kính có từ thế kỷ 12 nằm
ngay trung tâm quảng trường phố chính, gác chuông được kiến trúc theo thời
trung cổ Roman, nhưng tháp nhà thờ cao nhọn và trong nhà thờ thiết kế nhiều cửa
kính màu theo lối Gô tích trông rất đẹp và hùng vĩ. Ngày xưa dân cư ngụ ở đây
rất ít, do đó chẳng cần phải mở mang thêm đường sá vì họ thường đi bộ, đôi khi
vào những ngày hội lễ mới dùng xe ngựa và hơn nữa người ta muốn giữ những di
tích cũ. Dọc con đường chính là những cửa hiệu, quán rượu, quán rất đông người,
ngoài những ghế ngồi bày biện ở trong, ghế bàn
còn được bày
trước sân
dưới gốc cây Trắc cổ thụ. Ở Pháp, gu
uống rượu tùy theo từng vùng, miền, người Pháp thường thích đến các quán rượu ngồi
thưởng thức ly rượu đỏ, ngồi hàng giờ nhâm nhi tách café, ly bia đọc báo, hay
tán chuyện gẫu. Nay mảnh đất ấy thay đổi, đã là phố mới, khu duới dành cho nhà
ga, xe điện ngầm, xe buýt và xe hơi; tầng trên là thành phố nổi dành cho khách
bộ hành. Nếu ai không phải là ngưười địa phương lâu năm khó mà biết được những
dấu vết hoang sơ đầy thơ mộng ban đầu. Dọc theo con lộ về Paris là những cánh
đồng vàng rực hoa Hướng Dương như tấm thảm bạt ngàn, thỉnh thoảng có những đồi
cỏ dại. Màu hoa Forsythia vàng rực rỡ chen lẫn với
những nụ đao lấm tấm hồng, trông như một bức tranh ấn tuợng.
Cạnh Cergy -Pontoise là thành phố Auvers Sur Oise. Lần
theo dấu vết xưa qua những phiến đá tường đã phủ màu thời gian, chiều xuống ánh
nắng dần phai nhìn con phố cổ bên dòng sông Oise trầm mặc hơn. Con đường chính,
ngay trước quán trọ Ravoux, trạm dừng chân chót, hai tháng cuối đời của nhà
danh họa Van Gogh trên căn gác xép chạm mái. Từ khu nhà ga cũ đến ngôi giáo đường
cổ đường lên dốc khá quanh co, tìm đến ngôi nhà thờ nơi bìa làng Van Gogh đã dừng
chân nơi đây và họa bức tranh mặt ngoài hậu cung nhà thờ diễn tả một kiến trúc
không theo phép phối cảnh nhưng bằng những đường cong quẹo. Từ ngôi nhà thờ
theo con đường làng ra khỏi vòm cây phong là cánh đồng mênh mông hiu quạnh, nơi
an nghỉ của danh họa Van Gogh và ngôi mộ bên cạnh là người em trai Théodore.
Trong hoang vắng, hai ngôi mộ quá đơn sơ
của họa sĩ nghèo mộ chỉ lấp mà không xây, bia được cuốn bằng dây thừng! Đất Trời
cũng cảm động xót xa cho người họa sĩ tài hoa nên kết những
loài hoa cỏ đầy màu sắc rực rỡ thành tấm thảm phủ lên ngôi mộ.
Ngược lên miền Normandie không xa là ngồi làng Giverny
nơi có viện bảo tàng của danh họa Claude Monet cha đẻ trường phái ấn tượng. Con
đường từ Cergy đến làng Giverny chạy xuyên qua vùng Vexin français, bình nguyên
phía Tây Bắc Paris, vùng đất phì nhiêu phủ màu xanh của đồng cỏ, ruộng lúa mì,
cụm rừng... Sông ngòi chảy uốn khúc, xoáy mòn lớp đất vôi tạo nên một địa hình
mấp mô gồm đầm lầy, thung lũng và đồi gò nối tiếp nhau. Kỳ vĩ hơn tất cả chính
là dòng sông Seine, cửa ngõ thông thương từ Paris ra biển cả. Dòng sông chảy
ngoằn ngoèo soi bóng hàng cây dương liểu, sườn dốc cheo leo, những tòa dinh thự
lâu đài...Từ xa xưa nơi đây đã in dấu chân từng đoàn quân La Mã. Những phế tích
do tàn phá của chiến tranh suốt nhiều thế kỷ, chứng tỏ từ lâu dân cư đã sống gắn
bó với mảnh đất và dòng sông.- Do cảnh sắc độc đáo cùng với môi trường sinh vật
phong phú, một khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập tại vùng này vào năm 1995
(Parc naturel régional du Vexin français). Thỉnh thoảng dọc bên vệ đường
hay giữa cánh đồng ta còn gặp những cây thập giá bằng đá vôi chạm trổ, bốn
nhánh hình tam giác, người xưa dùng làm cột mốc ranh giới giữa các xứ đạo, các
đất đai sở hữu. Ngày nay di sản nông thôn này trở thành biểu tượng cho vùng
Vexin français. Làng Giverny nằm dọc theo sườn phía nam dãy đồi, bên cạnh hợp
lưu nơi sông Epte đổ vào sông Seine.
Công ty tôi
làm việc nằm trong khu thương mại, một trong những khu sầm uất nhất Paris. Vì
cư ngụ ở ngoại ô nên vào Paris tôi phải mất hơn nửa giờ, không kể thời gian đợi
tàu lửa rất lâu. Tôi lại có thói quen thích ngồi quán cà phê ngắm thiên hạ qua
lại, sau đó mới đến sở. Cái thói quen từ thưở còn đi học ở Sai Gon vào những
ngày cuối tuần thường đến nhà hàng Givral nằm trên đại lộ Tự Do Lê Lợi để nghe
các văn nghệ sĩ, nhà báo tán gẫu và bàn chuyện thời sự, nhà hàng La Pagode nằm
trên Tự Do Lê Thánh Tôn hay nhà hàng Brodard ngồi cùng bạn bè uống café hay ăn
kem ngắm khách bộ hành qua lại. Tưởng qua đây cái thú xưa sẽ chẳng còn vì thời
gian eo hẹp nhưng Paris là thiên đường của các quán cà phê, quán rượu, bất cứ
con đường nào trong Paris cứ đi mấy chục bước cũng có quán cà phê.
Ở những thế kỷ trước và đến nay một số quán vẫn còn là nơi hội tụ những văn
nghệ sĩ, triết gia đến gặp nhau chuyện trò, diễn thuyết về những nét đẹp và
chiều sâu ý tưởng trong văn chương. Quán Café De Flore năm trên đại lộ Saint
Germain uận 6 Paris ngày trước là nơi quy tụ những danh nhân của Pháp đến gặp
gỡ nhau. Những khuôn mặt vang bóng một thời của Pháp đã từng đến: Maurice
Barrès: Nhà văn, nhà chính trị, Charles Maurras: hà thơ, nhà chính trị, Hàn lâm
viện, Remy de Gourmont: nhà văn, Charles Marie Georges (Joris - Kart Huysmans):
Nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật, Eugène Lonesco: nhà văn, Emil Cioran: triết
gia, nhà văn, Benjamin Fondane: nhà văn, Georges Abert Maurice: triết gia, nhà
văn, nhà thơ, Simone de Beauvoir: triết
gia, nhà văn, Guillaume Apolinaire: nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật, Louis
Aragon: nhà thơ, nhà văn , nhà báo, Andre Breton: nhà thơ, nhà văn, Léon - Paul
Fargue: nhà thơ, nhà văn, Jacques Bainville: nhà báo, nhà sử học, Pablo Ruiz
Picasso: nhà danh họa, Ossip Zadkine: nhà điêu khắc, ..vv…
Ở Paris
ngoài những hội trườnglớn sang trọng như Le Palais des Congrès de Paris,
Maubert - Mutualité, FIAP…, còn có những nhà hàng Việt Nam nằm trong khu Á Châu
thuộc quận 13 là nơi thường hay tổ chức diễn thuyết những đề tài văn học, hoặc là
điểm hẹn gặp gỡ của những văn nghệ sĩ nổi tiếng ở Paris và khắp nơi đến. Những
văn nghệ sĩ thường đến những quán cà phê nhà hàng Paris
trong đó có họa sĩ Vĩnh Ấn, ông thuộc
hoàng phái và qua Pháp năm 1951 lúc còn trẻ vừa đi học vừa đi làm. Họa
sĩ Vĩnh Ấn thường gặp bằng hữu văn nghệ sĩ ở những quán cà phê Paris, lần nào
ông cũng đọc thơ của Paul Valéry(1871- 1945),
Jacques Prévert(1900- 1977) Appollinaire Guillaum e (1880-1918)…, hoặc nói chuyện văn chương Pháp.Ông vẽ
tranh theo trường phái siêu thực và đã nhiều lần tranh của ông được triển lãm quốc tế và được
giải thưởng huy chương vàng. Trong một
dịp gặp gỡ các họa sĩ và bằng hữu, có họa
sĩ hỏi về ý tưởng của một bức tranh. Họa sĩ Vĩnh Ấn không ngước mặt về phía người
hỏi, mắt vẫn chăm chú vào tấm tranh tiếp tục đưa bức tranh khác cho các bạn
xem, và trả lời:
«Xem tranh thì xem bằng mắt và cảm nhận bằng tâm hồn, đừng nghe bằng tai».
Họa sĩ Lê Tài Điểm là một trong những người nghệ sĩ đặc biệt ở Paris, râu tóc
ông để dài trông rất bụi đời. Ông qua Pháp du học giữa thập niên 60 của thế kỷ
trước. Ông dạy học, vẽ tranh sơn dầu và điêu khắc châấ liệu thạch cao. Tranh của
ông thuộc trường phái siêu thực và đã nhiều lần triển lãm tại Paris. Ngoài giơ
dạy học, ông đến quán cà phê ngồi uống rượu đỏ suy tưởng cuộc đời đến khuya mới
về nhà.
Nhà báo Trần Tam Tiệp có bút hiệu Đạo Cù, trước năm 1975 ông làm chủ bút một tờ báo quân đội. Ông qua Pháp giữa thập
niên 60 và là người sau năm 1975 rất
tích cực, bỏ tiền giúp đỡ văn nghệ sĩ ở trong nước. Ông cũng là
một trong những người sáng lập ra Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại cùng Nữ sĩ Minh Đức
Hoài Trinh, nhà thơ Nguyên Sa, nhà báo Tô Vũ và LS Trần Thanh Hiệp, nhưng ông với
nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh mới là những thành viên tích cực. Ông thích ra quán uống
rượu đỏ và gặp gỡ bằng hữu.
Nhạc
sĩ Lê Trạch Lựu tác giả ca khúc tiền chiến Em Tôi. Ông qua Pháp du học vào thập
niên 50 và là một ký giả của nhiều tờ báo Pháp. Ông thích ngồi quán uống rượu đỏ
và nói chuyện đời.
Nhà báo Trần Trung Quân trước năm 1975 là một soạn giả Cải lương, sau năm 1975
ông là người viết những tuồng cải luơng đầu tiên ở hải ngoại. Sau đó ông chuyển
sang viết văn và làm báo chuyên nghiệp. Ông dùng quán cà phê làm nơi ngồi viết
bài, và tờ báo của ông vẫn còn lưu hành mãi đến hôm nay.
Nhà báo Phạm Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Ích, trước năm 1975 là giáo sư dạy Triết
ở Sài Gòn. Từ ngày qua Paris ông viết báo, ông làm đủ thứ nghề để nuôi tờ báo
nhưng vì báo của ông thường vạch những thói xấu của cuộc đời nên ông nghèo vì
làm báo. Ông đến quán cà phê uống từng giọt đắng để ngẫm cuộc đời.
Thú ngồi
quán rượu, uống cà phê là tính đặc trưng của ngưòi Pháp. Vào những ngày nắng
đẹp dù tiết trời lạnh người ta cũng bày những ghế bàn ra trước vỉa hè, và ngồi
ở ngoài trời, mặc dầu giá mắc hơn ngồi ở
bên trong quán. Những ngày mùa đông quán cà phê càng đông khách hơn vì khách
vào quán tìm ly rượu ấm lòng. Ở những khu du lịch những quán ngoài vỉa hè vẫn
chật khách ngồi, dưới chân họ là lò sưởi, và khách còn được nhân viên phục vụ
quán trao cho mỗi người một cái mền nhỏ vừa sưởi vừa đắp để chống lạnh, nhưng
cũng rất ít người cần đến tấm mền, ly rượu mạnh, tách cà phê đã giúp cho họ bớt
lạnh để ngắm đường phố và khách bộ hành qua lại, đó là thú ngồi cà phê Paris.
Để có cái thú này, tôi phải lấy chuyến xe khởi hành đi Paris sớm hơn một
chuyến. Cũng may giờ làm việc của sở tôi có trễ hơn những công sở hành chánh
khác. Từ khi có tuyến xe điện ngầm nối liền khu tôi với Paris, khoảng cách và
thời gian thu ngắn lại, cũng đỡ vất vả cho những nguời làm xa. Quanh khu tôi là
vùng kỹ nghệ và khu đại học. Chẳng thế mà tuyến đường xe điện ngầm từ Paris vào
tôi là tuyến rất đông người, nhất là những giờ cao điểm sáng hay chiều khó mà
tìm được chỗ ngồi, nhiều khi hành khách phải đứng từ lúc lên cho đến khi xuống.
Người ta đã quá quen cảnh chen lấn nhau như cá hộp, họ chỉ mong có chỗ đứng
trong xe để được đúng giờ.
Mỗi sáng
cũng vào giờ thường lệ tôi đợi xe đi Paris và ngồi toa hạng nhì, đây là một
phần của toa hạng nhất nhường lại dành cho những người không hút thuốc. Chỉ có
những người đi quen trong giờ cao điểm mới biết mà chọn toa nầy; nếu l
à những
người ít đi thì có thể lầm là toa hạng nhất. Dĩ nhiên chẳng ai muốn lầm để bị
phạt oan nên toa luôn vắng khách. Cũng nhờ
hơi hướm của toa hạng nhất mà nó ít ồn ào, do đó, những người muốn yên tĩnh hay
muốn đọc sách đều rất thích toa nầy. Những bộ mặt khách rong toa gặp nhau đã
nhiều năm trở nên quen thuộc, họ ăn mặc rầt lịch sự, đa số là dân làm việc văn
phòng. Họ biết nhau, chào nhau nhưng ít nói chuyện. Không khí trong toa tuy có
"lạnh"vì cái lịch sự khép kín giữ khoảng
cách của giới trí thức, thế mà lại hay! Ở trong toa thu hẹp ấy, dù có chung
không gian nhưng vẫn có cõi riêng! Tôi bước lên tàu, trong toa vẫn những khuôn
mặt quen ấy đang chăm chú đọc sách, tôi biến nhanh vào chỗ ngồi cũ và lấy sách
ra đọc tiếp đoạn văn của tác giả người Pháp nói về tấm lòng người mẹ. Dù bất cứ
giống người nào trên trái đất thì tình mẫu tử đều diệu vợi và cao đẹp như nhau.
Có nhiều đoạn làm tôi bùi ngùi, bủn rủn! Tay cầm sách mà đầu miên man suy
tưởng. Những khúc phim dĩ vãng ráp nối chẳng đầu đuôi cứ chợp chờn. Tôi nhớ những
nắn tháng thời còn nhỏ bên mái ấm gia đình ở Hà Nội thật êm đềm và hạnh phúc,
thưở đó những người Hà Nội thuộc thế hệ cha mẹ tôi trở về trước Hà Thành mệnh
danh là đất thanh lịch. Ngày đó tiếng súng chống thực dân chỉ nổ trong vùng xa
xăm bưng biền chiến khu, dân Hà Nội chưa ly tán. Tôi chợt nhớ đến Tết Mậu Thân
chiến tranh đổ ập vào thành phố Huế, Sai Gon,…khói lửa đạn bom giăng mù mịt.
Nhà cháy, tường xiêu, xác người nằm phơi trên hè phố la liệt, có nhiều xác còn
quá trẻ! Tôi tự hỏi:"Những người này còn trẻ hơn tôi làm sao hiểu được thấu
đáo những từ cao xa, hoa mỹ «cách mạng và giải phóng'?!». Tôi ghét chiến tranh
và oán những người khởi xướng gieo thù hận, nhưng chẳng biết nhắm vào ai! Tôi
chỉ biết vì họ, những người đã nhân danh cách mạng, giải phóng mà nhà tôi bị
cháy, bạn bè tôi chết, sản nghiệp của mẹ tôi chắt chiu trong kinh doanh từ khi
bỏ xứ Bắc vào Nam bỗng một ngày tiêu tan!
Ngày tôi bị tổng động viên vào lính cũng là ngày xác của thằng bạn thân học
cùng lớp với tôi ở đại học ngày trước đã từ chiến trường mới đưa về, mẹ nó chết
ngất trước cổ quan tài con! Còn mẹ tôi cũng tiễn con lên đường đầy nước mắt!
Tôi vẫn ghi khắc nét lo âu tiều tụy trên khuôn mặt mẹ, nhất là đôi mắt buồn. Cả
một đời bà ước mơ và chờ đợi nhưng chẳng bao giờ toại nguyện. "Mẹ tôi lùc
còn chiến tranh hằng cầu nguyện quê hương sớm thanh bình để con mình khỏi chết
trận. Sau khi hết chiến tranh lại cầu nguyện con thoát lao tù.Và giờ đây cầu
nguyện quê hương được tự do dân chủ". Nghĩ đến đây, dòng lệ trong tôi tự
trào. Suốt đời tôi làm cho mẹ buồn!".
Khi đoàn tàu chui vào hầm, đèn trong toa bỗng sáng hơn. Tôi cất cuốn sách trong
cặp, liếc sang những người phía hàng ghế bên, tôi bỗng thấy bộ mặt của họ trắng
nhợt, khúc đường cong ánh đèn trong xe lung linh, trông mặt họ càng tái hơn.
Tôi chợt nghĩ: "Đâu phải chỉ có người chết mới có độc qưyền ngự trị trong
lòng đất mà những người sồng cũng đang di chuyển trong cõi chết". Đến trạm
N.P. vắng hoe, tàu dừng lại vài phút. Có ít người khách từ các toa khác xuống.
Tàu gần chuyển bánh bỗng có người thiếu phụ bế trong tay đứa con nhỏ vội vã
bước lên tàu. Bà ta hơi ngập ngừng do dự, trong tư thế nửa muốn kiếm chỗ, nửa
muốn đổi toa khác. Cuối cùng bà ấy tiến về hàng ghế tôi vì còn chỗ trống đối
diện, có lẽ chỉ có tôi là người ngoại quốc duy nhất trong toa nầy. Tôi nép vao
phía trong, nhường khoảng trống chính diện cho mẹ con bà. Đứa bé ré lên khóc
gây sự chú ý cho mọi người. Tôi có dịp quan sát cháu bé và bà kỹ hơn. Thiếu phụ
trước mặt tôi là người đàn bà trẻ đẹp, mặt sáng như trăng nhưng do bụi đường
chấm phá làm ủ rủ nét thanh tao. Nàng còn trẻ lắm, cái tuổi còn cắp sách đến
trường, thế mà đời lại phải xiêu bạt từ phương trời xa xăm miền Đông Âu loạn
lạc! Chủ thuyết Cọng Sản đã làm băng hoại xứ sở nàng! Cũng là người Tây phương
có một nền văn minh lâu đời, đất đai, quặng mỏ lại trù phú, nhưng xứ sở bị tàn
phá bỡi chiến tranh nên nghèo đói, do đó mới trôi giạt sang Paris, một phương
trời xa để tha phương cầu thực!
Paris, thủ
đơ ánh sáng, cái nôi nhân quyền và là một trong những kho tàng văn hóa của nhân
loại. Với nhũng công trình kiến trúc cổ như lâu đài thành quách, giáo đường
..vv.. Nhìn toàn cảnh Paris như một bức tranh ấn tượng đầy màu sắc, và khi về
đêm lcàng lộng lẫy, rực rỡ hơn. Đứng từ xa đã trông thấy ngôi Thánh đường Sacré
Cœoeur trên đồài Montmatre, nổi bật giữa nền trời xanh trong, ngôi đền ngoài sự
linh hiển còn là một công trình nghệ thuật. Chỉ nhìn vào màu khối đá trắng toát
ta cũng cảm thấy sự uy nghiêm hùng vĩ của ngôi thánh đường. Nằm bên sườn đồi là
khu phố lộng sắc màu trưng bày những bức tranh thuộc nhiều trường phái. Đây là
những điểm gặp gỡ của những tâm hồn nghệ sĩ và du khách cùng hướng về cái đẹp.
Dọc theo những con đường hẹp đan nhau, đó, đây, những họa sĩ đang miệt mài
trong cảm hứng sáng tạo. Cách đó không xa, vài nhóm nhạc sĩ đang hòa nhạc, họ
thả hồn trong những bản giao hưởng mà từ đằng xa đã nghe âm thanh réo rắc.
Từ đồi
Montmartre xuống khu phố sang trọng Champs Elysées, đại lộ được mệnh danh đẹp
nhất thế giới, rồi ngang nhà thờ Notre Dame để đến vườn Luxembuorg qua khu phố
Latin vào những con đường cổ trải đá, những ngôi nhà xưa mái tháp, mặt tiền
được điêu khắc trạm trổ như trong những câu chuyện thần thoại cổ tích. Mạch
sống của Paris là những con đường ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, chằng chịt san sát nhà
hàng, cửa hiệu, quán café, nơi ấy lúc nào cũng đông khách và vỉa hè luôn rộn rã
bước chân người. Nhưng Paris quyến rủ hơn khi bước vào thu, những con đường
ngập lá vàng, hàng cây dọc bên bờ sông Seine vi vu trong gió. Chiếc cầu bắc
ngang sông soi mình trong bóng nước. Dòng sông thơ mộng ấy là nguồn cảm hứng
của biết bao nghệ sĩ, họ dệt cho đời những thiên tình sử còn ghi lại trong văn
học nghệ thuật.
Nếu Paris
thơ mộng, đẹp như bức tranh cổ cho những tâm hồn thơ mộng, thì nơi ấy vẫn có
những mảnh đời vụn vỡ! Giới thượng lưu sống trong nhung lụa, tháp ngà của thời
đại hoàng kim mới, còn giới bụi đời sống mờ nhạt trong cõi trần ai, xa rời thế
giới cực kỳ vật chất, lắt lay ở các vỉa hè và hầm Métro. Trong giới nầy không
phải ai cũng là hành khất, có đủ hạng người, từ những người truớc kia từng làm
chủ một công ty, giám đốc một xí nghiệp hay thuộc giới trí thức khoa bảng đến
những kẻ sa cơ. Do nhiều hoàn cảnh khác nhau đã xô đẩy họ phiêu bạt giang hồ,
không nhà không cửa, sống lắt lay dưới các hầm Métro hay góc kẹt cầu. Đa số rơi
vào cuộc sống buông thả bắt nguồn từ sự tan vỡ hạnh phúc gia đình! Số ít do cái
thú thích kiếp sống lãng tử. Có một qũy xã hội để trợ cấp cho những người nầy
như chỗ ăn ở, nhất là, ở một số tụ điểm trong Paris mỗi tối có những xe chở đầy
thực phẩm nấu chín đến phân phát cho từng người. Nhưng nạn ăn xin lan tràn ở
Paris ngày càng nhiều, khởi đi từ họa Cộng Sản Đông Âu đã xô đẩy bao tâm hồn
vào nơi gió bụi!
Có lần tôi
và người bạn là TS Nguyễn Tấn Phước, anh
làm việc ở một công ty gần chỗ tôi làm. Hôm đó anh rủ tôi đến Opéra ngồi uống café, lúc chúng tôi
gần về có một người vô gia cư đến xin tiền. Bạn tôi trả lời:
«Chúng tôi chưa trả tiền cà phê nên rất tiếc không có tiền lẻ!».
Người vô gia cư nói: « Các ông có
phiếu ăn nhà hàng cho tôi xin một tấm?»
,Nhìn dáng tiều tụy của ông tôi thấy động lòng nên mở cặp lấy nguyên tập phiếu
ăn nhà hàng mà tôi vừa được công ty cấp cho hồi chiều đem ra biếu ông. Tôi nghĩ
với tập phiếu này ông sẽ ăn được cả tháng.
Người bạn tôi nói:
«Chiến tranh đã làm cho nhiều gia đình ly tán và nghèo đói. Anh và nhà văn An
Khê khởi xướng giúp cho anh em thương phế binh VNCH là điều tốt. Việc từ thiện
là việc nghĩa nên có nhiều hội tư nhân của người Pháp, và các đoàn thể tôn giáo
đứng ra giúp đỡ những người cơ nhỡ này. Ở đây rất đông người vô gia cư tụ về
nên tôi thường giữ một số tiền lẻ để chia cho những người này, nhưng mỗi lần
chỉ ítiền người thôi!».
Rời quán cà phê tôi và người bạn xuống hầm métro để trở về nhà, dưới hầm chúng
tôi bỗng gặp lại người vô gia cư vừa mới đó, đang đứng xé từng tấm phiếu ăn chia
cho những người vô gia cư khác. Tôi trố mắt nhìn và xúc động, cảm thấy tấm lòng
của mình qúa nhỏ bé, tôi chỉ dám chia tình thương cho một người, còn người vô
gia cư kia không giữ tập phiếu ăn cho riêng mình mà lại đem chia cho những
người đồng cảnh. Đó mới là tình yêu đồng loại.
Tiếng khóc của đứa bé ré lên phá tan không khí tĩnh mịch trong toa gây sự chú ý
của bao cặp mắt. Bà mẹ trẻ cố dỗ nhưng cháu bé lại càng khóc lớn. Tôi cảm thấy
bối rối vì không giúp được gì. Một bà khách lớn tuổi ngồi hàng ghế bên lên
tiếng: "Cháu sao khóc thế?". Bà nói tiếp: "Thời tiết mấy hôm nay
bỗng trở lạnh, nên mặc quần áo thật ấm cho cháu!".
Người mẹ trẻ
lúng túng quay sang trả lời:"Cám ơn Bà cháu mặc rất ấm. Cháu khóc chắc đã
đói! ".
-"Cháu
có ăn được chocolat?" ,một bà khách khác hỏi.
-Cảm ơn Bà,
cháu còn quá bé, chưa dùng chocolat được! ". Bà mẹ trẻ vừa quay lại trả
lời vừa cởi áo khoác, rồi vạch áo trong để lộ một bên vú trắng ngần, căng đầy
sữa trước bao cặp măt mở lớn tròn xoe. Quả thật họ ngạc nhiên là phải, họ ngạc
nhiên không phải nhìn thấy cái ngực trần, vì đối với người Âu Mỹ, nhất là phụ
nữ Pháp, họ thích khoe thân hình có bộ ngực đẹp vào những buổi hè ở bãi biển.
Còn trường hợp nầy, giữa thủ đô Paris đầy tráng lệ lại có người phụ nữ trẻ đẹp
vạch vú cho con bú trước công chúng, thay vì nó chỉ xuất hiện ở nhà quê hay nhà
riêng. Hình ảnh người mẹ âu yếm con thật đẹp, đầy cảm động như bức tranh sơn
dầu "Tình mẫu tử" của danh họa người Mỹ Mary Cassatt cuối thế kỷ 19,
đầu thế kỷ 20, thuộc trường phái ấn tượng.
Đứa bé thấy vú
mẹ chúi vào bú ngấu nghiến, tôi cảm nhận vài cặp mắt theo dõi đều loáng ánh reo
vui như chia niềm hạnh phúc.. Một trẻ thơ trong vòng tay mẹ, được bú mẹ vừa
hưởng dòng dinh dưỡng và thêm tình cảm thân thuộc đó là hạnh phúc. Riêng tôi
cũng cảm thấy bồi hồi nhìn cháu bé đang hưởng một hạnh phúc tuyệt vời, đó là
tình mẹ. Người xưa đã
nói :«Nếu hỏi điều kỳ diệu nhất trong thế giới này là gì, thì đó là trái
tim của mẹ ». Mẹ là tiếng gọi đầu đời của trẻ thơ, là dòng sữa ngọt nuôi nấng
con thơ lúc chào đời dạy con bắt đầu học nói, hát ru con ngủ, chăm sóc lúc con
thức và tập cho con những bước đi đầu tiên. Người xưa còn nói: «Thượng Đế không
thể có mặt ở khắp mọi nơi nên ngài đã sinh ra các bà mẹ để thay mặt ngài chăm
sóc đàn con». Tình mẹ diệu vợi luôn luôn nồng ấm hòa nhập với mạch sống hạnh
phúc đau khổ của con. Lòng mẹ hân hoan
sung sướng khi thấy con khôn lớn, thành đạt trong xã hội, và sãn sàng chia sẻ
những muộn phiền lo âu khi con gặp những thất bại trên đường đời. Trong lịch sử
Việt Nam những gương hy sinh của mẹ cho con trong thời loạn và thời bình những
chuyện đó nhiều vô kể. Tình mẹ được thể hiện trong những tác phẩm văn học và
nghệ thuật qua thi văn, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, điện ảnh, sân khấu... Người
nghệ sĩ dù đã đem tài năng, tim óc để diễn
tả về khối tình tuyệt vời đó nhưng vẫn không tả hết về tấm lòng cao cả bao la
sâu thẳm của người mẹ! Tôi lại miên man hồi tưởng thời
thơ ấu.
Xe ngừng trạm sau, ở những toa khác có rất nhiều hành khách lên xuống,
nhưng toa tôi ngồi chỉ có một người khách lên tàu, đó là một bé trai, tuổi độ
lên tám, mái tóc vàng dợn sóng dài lỏa xỏa trên gương mặt hốc hác, xanh xao,
trông càng lem luốc! Em mặc ở trong một chiếc áo sơ mi, ngoài là chiếc len cũ
màu xanh rêu. Chiếc quần vải xám đậm đã sờn gối. Nếu được chăm sóc kỹ trông em
chắc sẽ khác, và khuôn mặt đầy nét thông minh sẽ kháu khỉnh hơn. Thương thay
chiến tranh đã cướp đi tương lai, hạnh phúc và tuổi thơ ngây của em!
Tàu chưa kịp đóng cửa khởi hành thì em đã nghêu ngao hát một bài ca của xứ
sở. Tôi không hiểu gì về lời ca, nhưng biết chắc em chưa biết nhiều về âm nhạc.
Em cố hát to cốt gây chú ý hành khách để xin tiền. Tiếng hát nghe não lòng, có
lẽ em đã khóc trong tiếng hát cho thân phận làm người! Nhưng lời ca đó đã loãng
trong sự hững hờ, vì hành khách ngày nào cũng nghe nên đã quá nhàm! Hơn nữa
trên các tuyến đường xe điện ngầm của Paris đầy rẫy những nghệ sĩ hát dạo, kẻ
bụi đời và hành khất. Mặc dù hát dạo nhưng những nghệ sĩ nầy chơi nhạc rất điêu
luyện, họ trình tấu rất nhuyễn những nhạc phẩm thời trang đang thịnh hành, và
nhiều bài giao hưởng. Sau khi chơi xong một hay hai bản nhạc, họ thường được
hành khách tặng cho ít tiền lẻ. Thỉnh thoảng cũng có những nghệ sĩ chuyên
nghiệp trình bày những buổi hòa nhạc giao hưởng cho khách bộ hành thưởng lãm.
Em bé hát xong, cầm chiếc lon đi dọc theo hai dãûy ghế xin tiền. Hành khách
vẫn mải mê trên trang sách, hình như họ tảng lờ tiếng kêu thống thiết của em!
Riêng tôi cũng muốn tặng em ít tiền nhưng bản tánh Á Đông khiến tôi do dự! Sự
tế nhị không cho phép tôi móc tiền ra bố thí cho kẻ khác, khi mà mẹ con người
đối diện tôi cũng thuộc diện cậu bé nhưng đang làm một hành khách?! Tôi không
thể xúc phạm đến tự ái của bà, dù bà chẳng để ý đến những suy nghĩ của tôi. Để
tránh bối rối, tôi giả đò nhắm mắt ngủ khi em bé đến hàng ghế. Tôi cảm thấy
thèn thẹn khi khước từ lời van xin của em bé. Tôi bỗng lạnh toát vì dĩ vãng lại
chợt về: "Tôi đã từng bị bỏ đói trong tù, đã từng ăn củ chuối, uống nước
lã cầm hơi hay nhai những loài cỏ dại để đỡ đói….Và cũng từng thèm những hạt
cơm, mẩu đường, miếng tóp mỡ…Tôi đã chịu bao nhiêu mùa giá rét nơi rừng sâu núi
thẳm trong manh áo tả tơi! Nghĩ đến mà rùng mình về những ngày khốn khổ
ấy!".
Tiếng loảng xoảng những đồng bạc cắc rơi không đều nhau trong lon thiếc
nghe ròn rã như pha lê vỡ. Tôi mở bừng mắt thấy người thiếu phụ trẻ đang nhoẻn
miệng cười, còn em bé cúi đầu, mồm nói tiếng cảm ơn. Tôi liếc sang những hàng
ghế bên thấy mọi cặp mắt đều thò lõ đổ về phía bà. Họ quay lại nhìn nhau, không
nói gì nhưng chắc hẳn trong tâm tư mỗi người đều có chút bâng khuâng. Họ và tôi
không thể ngờ tiếng van xin của em bé lại được một người hành khất khác chia
xẻ.
Ôi! Quả thật chỉ có những kẻ khốn cùng mới thông cảm và thương nhau! Lá
rách đùm lá nát!
Đến trạm kế tiếp, người thiếu phụ ẵm con xuống, mọi người đều nhìn theo,
dáng mẹ con bà khuất sau phía cầu thang. Em bé hát rong đổi sang toa khác tiếp
tục hát bản nhạc quen thuộc. Tôi bước ra khỏi hầm métro đi lang thang vài đường
phố mà đầu vẫn in hình ảnh khốn khó của những người tị nạn ấy, rồi chợt thở dài!
Làm sao dứt bỏ đưọc mọi phiền muộn trong cõi nhân gian, vì ngay nừ thuở sơ khai
con người đã biết chiến tranh, thù hận và tình yêu? PCon người là thực thể của
xã hội nên những điều tốt xấu, thiện
ác luôn sẵn có trong mỗi con người, và chỉ có tình yêu
mới thật là cao qúy. Sự chia sẻ tình thương giữa những người nghèo với nhau đó
là tình yêu, cho dù chiến tranh và thù hận đã tạo nên nhiều đau thương khốn
khổ, nhưng cuộc đời vẫn có những nét đẹp vì còn có rất nhiều người vẫn trân trọng
tình yêu, đượm thắm tình nhân loại. Tôi đi hàng giờ trong miên man suy tưởng
đến sở mới chợt nhớ mình đã bỏ quên thói quen ngồi café!
Đỗ Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét