Rạo rực tiếng trống mừng Xuân (Ảnh: Kevin Sullivan/Digital First Media/Orange County Register via Getty Images) Gần hai năm rồi tôi không còn gặp lại bà ấy nữa, không biết liệu bà còn mạnh khỏe hay đã ra đi… Nhưng nếu bà còn mạnh khỏe thì hẳn là tôi đã gặp (!). Trước đó ngày nào khi dắt con đi dạo quanh nhà, tôi cũng thấy một bà cụ khoảng ngoài 80 tuổi đi vơ vẩn chung quanh xóm, hẳn là nhà cụ cũng gần nhà tôi thôi. Sức của bà làm sao có thể đi xa…Có vẻ như bà đi bộ không vì mục đích thể dục. Bà chỉ đi cho đỡ tù túng vì bà cứ nhẩn nha, khi thì dừng lại ngắm hoa, khi thì nhặt nhạnh vài món đồ mà người trong nhà để ra trước bãi cỏ.
Mỗi lần thấy bố con tôi, bà đều mừng rỡ cười thật tươi và ngoắc tay chào hỏi. Trông thấy bà, tôi thường nghĩ đến mẹ tôi, cũng vóc dáng như thế, cũng giản dị và cởi mở, thích trò chuyện. Nhưng mẹ tôi mất hơn hai năm rồi, ngày mẹ mất tôi không về gặp mẹ lần cuối được, dù lúc đi tôi có hứa sẽ về.
“Xóm” tôi ở có khá đông người Việt, khoảng gần 30 phần trăm theo tôi ước đoán, xen lẫn giữa nhà của những người Mỹ, Mễ, Hàn, Hoa… Nhưng bà cụ dường như vẫn mừng lắm khi thấy một người đồng hương. Giờ đây mỗi lần đi dạo, tôi đều để ý xem có thấy bà đang loanh quanh không… Mong bà được an lành, khỏe mạnh.
Không xa nhà tôi là nhà một ông cụ cao lòng khòng. Ông ăn mặc tuềnh toàng như một ông già vùng quê hay trong xóm lao động ở Sài Gòn. Ông cụ không đi lòng vòng nhưng ngày nào cũng lúi húi chăm sóc vườn rau chung quanh nhà. Hơn hai năm trước, một lần tôi thấy ông đang ươm trồng hơn chục bụi chuối sứ, ở rìa đất sát đường, bên ngoài hàng rào. Có lẽ ông không thể để trống một rẻo đất nào. Tôi dừng lại hỏi thăm thì biết ông phải nhờ con cái đặt mua các cây chuối con ở nông trại xa, chuyển về. Tôi hỏi ông không sợ bị kẻ trộm chặt mất khi chuối trổ buồng sao thì ông bảo chuối ở xứ Mỹ này có đáng giá bao nhiêu đâu. Ông trồng như chỉ để nhớ lại những ngày xa xưa còn ở Việt Nam, với ao chuôm cùng các luống rau, vườn cà, bụi chuối xanh um.
Bây giờ thì những bụi chuối của ông cụ vẫn èo oặt, không phát triển mà còn thoi thóp sống, sau mấy trận gió Santa Ana khắc nghiệt. Ông cụ đã trồng xen vào đó là vài bụi mía, dưới đất đã xanh um những dây khoai lang. Hẳn là bữa cơm của ông thật đậm đà nhờ món đọt khoai lang luộc. Ơn trời, ông cụ còn khỏe mạnh lắm.
Đường “làng” trong vòng bán kính hai dặm quanh nhà mình, tôi đã quen thuộc lắm, nhờ những buổi sáng tinh mơ đi dạo. Một trong những lý do khiến tôi thích đi dạo là nhìn ngắm cách bài trí nhà cửa, khu vườn hàng xóm. Mỗi ngày tôi đều thay đổi “lộ trình” để được ngắm nhiều hơn, vì mỗi mùa khung cảnh đều thay đổi, không như xứ Sài Gòn chỉ hai mùa mưa nắng. Khá dễ đoán nhà nào của người Việt vì thường là chung quanh nhà nếu không có thanh long, ổi, mãng cầu thì thế nào cũng có chanh dây, mướp, nhãn, bầu bí, khoai môn. Đôi khi lẫn trong giàn hoa ti gôn thanh mảnh hồng thắm là các dây lá mơ gân guốc, khỏe khoắn.
Hai năm đại dịch hoành hành, siêu thị Home Depot gần nhà tôi ngày nào cũng đầy ắp người Việt mua những xe đầy phân bón, vật dụng sửa nhà, làm vườn. Tôi cũng “nghiện” đi Home Depot để học thêm cách làm vườn, để ngắm nghía đủ loại hoa kiểng… và để nhớ về những chợ hoa Tết ngày xưa. Rõ ràng ở xứ sở dư đầy đến mức thừa mứa thực phẩm rau trái này, công sức chăm sóc vườn cây, luống rau còn đắt hơn bỏ ra ít tiền, ghé vào siêu thị mua cả giỏ đầy rau trái. Người ta trồng rau không nhằm tự cung cấp thực phẩm, hay nhằm bớt tiền đi chợ. Người ta chỉ đơn giản đặt tâm tư mình, hồn mình vào cây trái, rau dưa như hoài niệm về một nơi chốn gọi là quê hương.
Chẳng thế mà ở vùng Little Saigon này đã có bao nhiêu những hội đồng hương, hội binh chủng cũ, hội trường lớp cũ, hội bạn xưa. Và cứ mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần các kỷ niệm ùa về, để kể cho nhau nghe… và nhiều khi tuy đã nghe đi nghe lại người ta vẫn còn muốn nghe. Để làm chi? Để thêm một lần “sống” với nó, nghe hơi thở của nó qua lối kể của bạn bè. Dĩ nhiên, ít ai kể lại những kỷ niệm đắng cay, ghê rợn, mà dù đôi khi chúng có được kể lại, thì dư vị cay đắng thuở nào nay cũng đã phôi pha.
Hơn nửa thế kỷ trước, ông Vũ Bằng sống ở Sài Gòn mà hồn ông phiêu du tuốt tận phương trời Bắc Việt xa xôi cách trở. Ông viết thiên tuyệt bút Thương nhớ Mười Hai với bao nhiêu hoài niệm đắm say, nồng nàn với bà vợ Lý Thị Quý, còn ở lại đất Bắc. Lồng trong đó là biết bao món ngon, phong tục, tập quán và cảnh trí của một miền quê cũ. Trong phần tự ngôn, Vũ Bằng bộc bạch:
“Thoạt đầu ai cũng tưởng chẳng làm sao. Cùng là đất nước, đi đâu mà chả thế? Từ Bắc vào Trung, đâu đâu lại không có những con mắt nhìn vào những con mắt mà như gói ghém cả một trời thương; từ Trung vào Nam, chỗ nào mà lại chẳng có những miệng cười, không nói ra lời mà hàm súc biết bao duyên thắm?
Vậy mà không; lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết. Trông bề ngoài thì không có gì khác lạ, nhưng cầm một cánh hoa khẽ đập vào thử mà xem: tiếng gỗ kêu nghe mệt mỏi, u buồn, mà nếu gõ mạnh thêm chút nữa, ta sẽ thấy gỗ vỡ tan, để lộ ra tảng mục lỗ chỗ như tổ ong, tiết ra một thứ bụi vàng hanh hao, nhạt nhẽo… Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn dắt tay nhau đi trên những con đường vắng vẻ ngào ngạt mùi hoa xoan còn thơm ngát hơn cả hoa cau, hoa bưởi. Người ta nhớ heo may giếng vàng; người ta nhớ cá mè, rau rút; người ta nhớ trăng bạc, chén vàng…”
Có thể nói không ngoa rằng, trong mỗi người Việt xa xứ đều có một thứ “thương nhớ mười hai”, hệt như ông Vũ Bằng, có điều người ta không đủ văn tài, không đủ lai láng để viết nên thiên tuyệt bút như thế. Chẳng phải ông Vũ Bằng từ lúc đặt bút viết đến khi hoàn thành Thương nhớ Mười Hai đã mất gần tròn mười năm đó sao. Hoài niệm vốn mong manh, người ta chỉ bắt được nó khi một lòng một dạ và chịu thương chịu khó để nó khỏi vuột khỏi tầm tay.
Tôi biết một chàng trai trẻ hiện sống ở Sài Gòn. Chàng trai ấy có một gia tài đồ sộ tuyền là những sách báo, thi-nhạc-họa thật hiếm hoi còn sót lại của miền Nam Việt Nam ngày xưa – ngày xưa tức là trước Tháng Tư năm 1975 – thuở mà có lẽ chàng trai trẻ này chưa chào đời. Nhưng như một thứ “duyên”, chàng trai đã bỏ rất nhiều công sức để sưu tầm lại những văn hóa phẩm quý giá ấy. Không những thế, chàng như còn đặt tất cả tâm hồn mình vào từng trang viết cũ, để hơi văn ngày xưa, cái rung động của tác giả ngày xưa thấm vào từng dòng chữ của chàng ngày nay, “cảo thơm lần giở trước đèn, phong tình cổ lục còn truyền sử xanh” như hai câu trong đoạn đầu Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã viết.
Không viết lại được, không kể lại được cái hoài niệm đẹp đẽ đã qua thì người ta còn nhiều cách để sống với nó. Tôi cũng quen một anh bạn, nhà anh ở Fontana, cách Little Saigon vài chục dặm. Bước vào nhà anh, tôi tin chắc nhiều người phải ngỡ ngàng vì hầu hết không gian trong nhà, ngoài sân, sau vườn đều chất đầy các đồ dùng, phương tiện của miền Nam Việt Nam. Khoảng gần 30 chiếc xe gắn máy, từ Velosolex, Mobylette cho đến Honda Dame, Suzuki; từ chiếc xích lô đạp, xích lô máy đến xe Lambro 550, taxi con cóc, thậm chí có cả xe thổ mộ. Từ xe nước mía đến chiếc bình tông, lon sữa Guigoz, từ những đĩa cải lương, máy pick-up cho đến chục giàn Akai… Và trong một góc nhà là nguyên căn hầm chất đầy súng ống, nón sắt, áo giáp, giày bott de saut… Anh kể cha anh nguyên là một người lính Biệt Động Quân đã tử trận từ lâu; nhớ cha anh dành hơn 10 năm để sưu tầm, mua bán, trao đổi các vật phẩm này, hầu có thể “thở” cái không khí lính trận và cái hồn của một xã hội VNCH đã qua đi.
Khi nàng xuân về (Ảnh: Kevin Sullivan/Digital First Media/Orange County Register via Getty Images)
Cái Tết của người Việt cũng thế thôi, dễ gì ở hải ngoại có thể “mang theo cả quê hương” như ông Mai Thảo viết, vì hồn phách của Tết xưa đã không còn. Ngay tại các khu vui Tết ở Sài Gòn, người ta đã phải phục dựng những cầu tre lắt lẻo, những đơm đó tre pheo, hay những mái tranh phên nứa cùng mảnh ruộng mạ non xanh. Các “ông đồ” thời đại cố sao chép phần nào hình ảnh ông đồ xưa. Bánh chưng, bánh tét không còn sôi sùng sục trong bếp. Chúng được bán đầy dẫy trong siêu thị rồi… Huống chi là ở xứ người.
Tuy vậy, cứ gần đến Tết là “người mình” ở hải ngoại đều nôn nao sắm sửa và bao nhiêu hồi ức được dịp ùa về, qua cành đào biếc, lộc xanh, qua cành mai vàng rực và những tràng pháo nổ vang trời, hít hơi pháo mà nhớ thuở còn bé xa xưa. Ngắm áo dài rực rỡ tung bay lại hồi tưởng về một thuở vàng son Sài Gòn cũ. Quê hương trong trí nhớ bao giờ cũng đẹp và không thể dửng dưng khi những ngày cuối năm tờ lịch treo tường mỏng dần. Đưa tay xé tờ lịch cuối có ai lại không nghĩ về “tháng ngày đã trôi qua, tình đã phôi pha, người khuất xa…” như tâm tình được thổ lộ của nhà văn Nguyễn Đình Toàn.
Tình dù thắm đến mấy mà cũng có lúc phôi pha thì các dư âm xưa rồi cũng hao mòn. Chúng ta bồi hồi phục dựng chút không khí ngày xưa, như một nỗ lực cố níu kéo lấy thời gian không gian cũ. Và chúng ta tự nhủ với lòng rằng, mối cảm hoài của mình cũng đang được biết bao “người Việt mình” chia sẻ. Còn những người mà tôi kể ở trên thật đáng phục. Họ có thể chỉ thực hiện, sống theo ý mình. Nhưng đó chính là cách lưu giữ lại những mảnh hồn quê, giữ lại chút bản sắc quê hương giữa bộn bề của thời đại.
Khi chúng ta trang nghiêm, lòng thành kính thắp nén hương trước bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết, và dạy con cái làm theo là chúng ta đang nối kết tiền nhân, hồn dân tộc với thế hệ tiếp theo. Tết đâu chỉ là một ngày hội, Tết còn mang theo bao niềm hy vọng cho những người Việt. Hy vọng những vàng son trong văn hóa Việt sẽ còn có lúc rực rỡ lại, như chim phượng hoàng tái sinh từ đám tro tàn. Chẳng phải quê hương chúng ta dù có lúc bị đô hộ hàng ngàn năm nhưng vẫn tồn tại đó sao?
Uyên Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét