Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Thủ tướng Campuchia: Nếu có tiến bộ, chính quyền quân sự Myanmar được hoan nghênh tại ASEAN - VOA

 
Ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia, hồi tháng 11/2021 (ảnh tư liệu).

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm thứ Ba 25/1 xác nhận rằng ông đã mời người đứng đầu tập đoàn quân sự cầm quyền ở Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với điều kiện ông ta phải đạt được tiến bộ trong việc thực thi kế hoạch hòa bình mà ông ta đã đồng ý vào năm ngoái.Ông Hun Sen, chủ tịch ASEAN, cho biết ông sẽ nói chuyện với thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing vào ngày 26/1. Ông Hun Sen lưu ý rằng kể từ cuộc họp ngày 7/1 giữa hai ông ở Myanmar, nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi đã bị kết án 4 năm tù giam, và máy bay quân sự đã được triển khai hoạt động.

<!>

Ông Min Aung Hlaing cầm đầu một cuộc đảo chính ở Myanmar hồi năm ngoái và ASEAN đã thực hiện một động thái bất ngờ khi cấm chính quyền của ông ta tham gia các cuộc họp quan trọng do không tuân thủ "bản kế hoạch đồng thuận" gồm 5 điểm của ASEAN, trong đó có việc chấm dứt thù địch và cho phép đối thoại.

"Ông (Hun Sen) nói rằng ông đã mời Ngài Min Aung Hlaing tham dự hội nghị cấp cao ASEAN nếu có tiến bộ trong việc thực hiện 5 điểm đã nhất trí", một tuyên bố trên trang Facebook của ông Hun Sen cho biết tóm tắt về cuộc điện đàm của ông với Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob.

"Nhưng nếu không có tiến bộ, ông ấy phải cử một đại diện phi chính trị đến dự các cuộc họp của ASEAN", vẫn theo tuyên bố.

Với tư cách là chủ tịch mới của ASEAN, Campuchia thể hiện rằng họ muốn chìa tay ra chứ không phải là cô lập chính quyền quân sự ở Myanmar, nhưng ông Hun Sen đã bị một số nhà lãnh đạo ASEAN, bao gồm cả Malaysia, Indonesia và Singapore, gây áp lực là không được nhượng bộ về kế hoạch 5 điểm đã được cả Liên Hiệp Quốc lẫn Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Việc lật đổ chính phủ được bầu của bà Suu Kyi ở Myanmar là một bước lùi đối với ASEAN và những nỗ lực của ASEAN để thể hiện họ là một khối hội nhập và đáng tin cậy.

Chuyến thăm Myanmar của ông Hun Sen gây lo ngại trong khối rằng nó làm cho người ta nghĩ ASEAN có lẽ đã công nhận các tướng lĩnh Myanmar, những người đã điều hành một cuộc đàn áp đẫm máu đối với các lực lượng ủng hộ dân chủ.

Các rạn nứt đã lộ ra trong vấn đề Myanmar và ông Hun Sen hồi tuần trước đã công kích Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, gọi ông ấy là kẻ kiêu ngạo vì đã bày tỏ lo ngại về việc ông Hun Sen gặp thủ lĩnh quân đội Myanmar.

Bản kế hoạch đồng thuận của ASEAN bao gồm việc ngăn chặn các hành vi tấn công và cho phép một đặc phái viên của ASEAN được tiếp xúc đầy đủ với tất cả các bên trong cuộc xung đột.

Nhà lãnh đạo Malaysia Ismail Sabri nói với ông Hun Sen rằng cần phải xuống thang tình hình Myanmar và trả tự do cho bà Suu Kyi và tất cả các tù nhân chính trị, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia.

(Reuters)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét