Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

LHQ: Hàng trăm công nhân Việt Nam bị cưỡng bức lao động cho công ty Trung Quốc ở Serbia - VOA

Công nhân Việt Nam gần công trường xây dựng của nhà máy Linglong của Trung Quốc ở Zrenjamin ở Serbia. Các chuyên gia nhân quyền LHQ nói các công nhân này bị cưỡng bức lao động ở đây. Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc quan ngại về các cáo buộc rằng hàng trăm công nhân Việt Nam bị “buôn bán” sang Serbia để làm việc cho các công ty Trung Quốc và kêu gọi các chính phủ liên quan hành động ngay lập tức để bảo vệ những lao động di dân này. Lời kêu gọi của LHQ được đưa ra vài tháng sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về việc hàng trăm công nhân Việt Nam tham gia xây dựng một nhà máy của Trung Quốc ở Serbia đang kêu cứu vì phải sống và làm việc trong các điều kiện tồi tệ.

<!>

Trong một tuyên bố mà Cao uỷ Nhân quyền Liên Hợp Quốc đưa ra hôm 21/1, các chuyên gia của tố chức liên chính phủ toàn cầu cho biết rằng một nhóm khoảng 400 lao động di dân Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn người sang Serbia và bị ép buộc làm việc tại đây.

“Chúng tôi vô cùng quan ngại rằng những lao động di dân này có thể đã bị buôn bán vì mục đích lao động cưỡng bức và đang sống cũng như làm việc trong những điều kiện tồi tệ ở Serbia có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khoẻ của họ,” tám chuyên gia độc lập do Hội đồng Nhân quyền LHQ chỉ định nói trong tuyên bố.

Vào cuối tháng 11 vừa qua, các hãng tin AP, AFP, Euronews và nhiều báo quốc tế cùng đưa tin về việc có khoảng 500 công nhân Việt Nam đang phải sống trong các khu nhà tạm không có máy sưởi và nước ấm, bị đói khát, không có tiền và cũng không được các nhà chức trách địa phương giúp đỡ. Theo các bản tin này, những công nhân Việt Nam tham gia xây dựng một nhà máy lớn của hãng lốp xe Trung Quốc có tên Shandong Linglong Tyre ở thành phố Zrenjamin, miền bắc của Serbia.

Một nhóm bảo vệ nhân quyền ở Serbia lúc đó đưa ra cảnh báo rằng các công nhân Việt Nam có thể là nạn nhân của nạn buôn người hoặc bóc lột nô lệ.

Các chuyên gia của LHQ hôm 21/1 trích dẫn các thông tin mà họ nhận được cho biết rằng có tám công ty, bao gồm các hãng tuyển dụng lao động của Việt Nam và các công ty xây dựng của Trung Quốc đăng ký tại Serbia, được cho là có dính líu đến các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong việc này. Các chuyên gia không đưa ra tên của các công ty bị cáo buộc nhưng cho biết đã gửi thư tới 8 doanh nghiệp này và nhắc lại nghĩa vụ của họ về trách nhiệm giải trình theo Nguyên tắc Hướng dẫn của LHQ về Kinh doanh và Quyền con người.

Những công nhân Việt Nam được AP và AFP phỏng vấn lúc đó nói rằng họ không được trả lương, sống như trong tù và rằng thực tế khác hẳn với những gì họ được hứa hẹn cũng như kêu cứu để được rời khỏi nơi đó.

Hãng lốp Shandong Linglong của Trung Quốc được truyền thông quốc tế trích dẫn nói hồi tháng 11 rằng họ không trực tiếp tuyển dụng các công nhân Việt Nam và đỗ lỗi cho nhà thầu phụ Trung Quốc cũng như công ty tuyển người ở Việt Nam.

“Chúng tôi cũng băn khoăn trước những cáo buộc rằng các tổ chức xã hội dân sự đã không được phép tiếp cận các địa điểm có người lao động để hỗ trợ,” các chuyên gia LHQ nói trong tuyên bố.

Nhóm chuyên gia này kêu gọi chính phủ Việt Nam, Trung Quốc và Serbia phải đảm bảo rằng các doanh nghiệp hoạt động dưới quyền của họ và có trụ sở trên lãnh thổ của họ phải tôn trọng quyền con người của tất cả những lao động này.

“Điều này không chỉ bao gồm các danh nghiệp dùng lao động nhập cư mà còn bao gồm các cơ quan tuyển dụng lao động,” các chuyên gia LHQ nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát các cơ quan tuyển dụng lao động nhằm ngăn chặn nạn buôn người vì mục đích cưỡng bức lao động một cách hiệu quả.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA. Một người phát ngôn của bộ hồi tháng 11 nói rằng các cán bộ phía Việt Nam không được báo cáo gì về “bạo lực và quấy rối” tại nhà máy của Trung Quốc nhưng lúc đó cho biết đang theo dõi tình hình.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic được AP và AFP trích lời nói hồi tháng 11 rằng chính phủ của ông sẽ cố giúp đỡ các công nhân Việt Nam nhưng sẽ không giải tán các nhà đầu tư nước ngoài vì “khó khăn lắm” mới đưa được họ vào Serbia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét