Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

Luật sư Nguyễn Thanh Tuân: Toà Trọng tài Quốc tế mở văn phòng ở VN là ‘trường hợp khá đặc biệt’ - VOA

Các phóng viên bên ngoài trụ sở của PCA ở La Hay, Hà Lan, ngày 12/7/2016.

Luật sư Nguyễn Thanh Tuân ở Tp. Hồ Chí Minh nói với VOA rằng việc Toà Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) mở văn phòng tại Việt Nam là “một trường hợp khá đặc biệt,” tương đương với việc họ mở “Tòa đại sứ” tại quốc gia này, dù đã có văn phòng PCA ở Singapore. Thế nhưng, theo nhận định của ông, nếu có xảy ra trường hợp Việt Nam khởi kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, thì văn phòng này sẽ không đóng vai trò là “Nơi giải quyết tranh chấp”.

<!>

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

VOA: Đề nghị luật sư cho biết ý kiến về ý nghĩa của việc Tòa Trọng tài thường trực PCA thành lập Văn phòng đại diện của PCA tại Việt Nam nói chung?

Ls. Nguyễn Thanh Tuân: Trước hết, tôi xin được điểm qua đôi nét về quan hệ đối ngoại của tổ chức Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA):

Theo thông tin từ PCA, có ba hình thức hợp tác chủ yếu trên cơ sở các thỏa thuận chính thức giữa PCA, tổ chức liên quốc gia được thành lập theo các Công ước La Hay (1899 và 1907), với các quốc gia thành viên và/hoặc với các tổ chức quốc tế ở phạm vi toàn cầu. Đó là các hình thức: Host Country Agreement, Cooperation Agreement và Representative Office (Agreement).

Trong phạm vi của hình thức Thỏa thuận Nước chủ nhà (Host Country Agreement) giữa PCA và các quốc gia thành viên, thì quốc gia thành viên tham gia thỏa thuận sẽ chấp thuận cho sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành quá trình tố tụng trọng tài quốc tế vụ việc (ad-hoc) theo quy tắc của PCA. Cũng như nhiều quốc gia thành viên của Công ước La Hay nói trên, Việt Nam đã ký Host Country Agreement với PCA vào ngày 23/6/2014.

Trong phạm vi của hình thức Thỏa thuận hợp tác (Cooperation Agreement) giữa PCA với rất nhiều tổ chức, trung tâm trọng tài quốc tế hoạt động trong lĩnh vực giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế ở phạm vi toàn cầu, PCA và các tổ chức, trung tâm trọng tài đó đã ký các Thỏa thuận hợp tác. Hầu hết các thỏa thuận như vậy sẽ cho phép PCA tổ chức các phiên xử hay các cuộc họp của PCA trong cơ sở của các tổ chức hay trung tâm đó, cũng như sẽ cho phép PCA nhận được các trợ giúp do thông qua sự dàn xếp của các dịch vụ trợ giúp tại địa phương cho các sự kiện nói trên của PCA. PCA đã ký Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào ngày 28/10/2019.

Dưới hình thức Hiện diện trực tiếp (Phygical precence) của PCA ở ngoài trụ sở chính của Tòa này, đối với một số khá ít quốc gia thành viên có chọn lọc của Công ước La Hay, PCA đã ký thỏa thuận với từng quốc gia thành viên nói trên để thiết lập Văn phòng Đại diện (VPĐD) của mình tại đó.

Có thể coi như việc thiết lập VPĐD của PCA tại một quốc gia cũng gần giống như việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, cấp đại sứ giữa PCA và quốc gia thành viên tương ứng, với một VPĐD tương tự như một “tòa đại sứ”, là tài sản thuộc sở hữu, hay thuộc quyền sử dụng của PCA ở nước nơi PCA đặt VPĐD. Đó là vì khi PCA lập VPĐD ở một quốc gia, thì trụ sở của VPĐD của PCA ở đó, với cơ sở hạ tầng có diện tích đủ lớn và với tiện ích đủ tốt sẽ thích hợp để làm địa điểm miễn phí cho việc tiến hành các công việc thuộc phạm vi dịch vụ của PCA như trọng tài, hòa giải, xác định sự thật và các hoạt động khác ...

Cho tới nay, ngoài VPĐD mới mà sẽ được thiết lập ở Việt Nam, PCA trước đây mới chỉ ký thỏa thuận đặt VPĐD của PCA tại ba (03) quốc gia cho ba khu vực khác nhau trên thế giới, đó là Maritius (09/2010, cho khu vực châu Phi); Singapore (01/2018, cho khu vực châu Á); và Argentina (10/2019, cho khu vực Mỹ La-tinh).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu và ông Hugo Siblesz, đại diện PCA, ngày 27/10/2021. Photo Bao Quoc Te.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu và ông Hugo Siblesz, đại diện PCA, ngày 27/10/2021. Photo Bao Quoc Te.

Ý nghĩa của việc đặt Văn phòng đại diện của PCA tại Việt Nam nói chung

Việc CPA đặt VPĐD tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng.

Trước hết, có thể coi đây là một là trường hợp rất đặc biệt, vì nếu chỉ xét về khía cạnh địa lý, thì châu Á, đặc biệt là khu vực ASEAN, sẽ có tới hai (02) VPĐD của PCA, gồm Văn phòng tại Singapore và Văn phòng tại Hà Nội. Điều làm chúng ta ngạc nhiên là, vì sao khi đã có VPĐD ở Singapore, mà nay PCA còn lập thêm VPĐD tại Hà Nội?

Điều này phải chăng đã thể hiện sự quan tâm của PCA đến xu hướng diễn biến tình hình trong giai đoạn mới trong khu vực, đặc biệt là xu hướng diễn biến tình hình tranh chấp biển và cạnh tranh sức mạnh mang tính chiến lược giữa các siêu cường trên cả hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương? Thêm một VPĐD của PCA trong khu vực sẽ tạo cho các bên tranh chấp có khả năng lớn hơn, thuận lợi hơn trong việc lựa chọn địa điểm giải quyết các tranh chấp, phù hợp với bản chất tranh chấp, mục đích và các mối quan hệ đối ngoại đa chiều, tế nhị (tạm gọi là “khẩu vị đối ngoại”) của các bên tranh chấp.

Tiếp theo, đây rõ ràng là cơ sở rất thuận lợi để nâng cao thêm vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, là cơ hội để Việt Nam phấn đấu trở thành một trung tâm giao lưu quốc tế được ưa chuộng ở châu Á, như Singapore hay Tokyo..., qua việc Việt Nam được PCA quảng bá như một địa điểm tiềm năng và nơi cung cấp các dịch vụ bổ trợ cho quá trình giải quyết các loại tranh chấp quốc tế, các hội nghị quốc tế, đặc biệt là các hội nghị, hội thảo quốc tế về UNCLOS (1982) mà có liên quan đến Biển Đông.

Ngoài ra, nếu xét thêm các lý do khác để PCA chọn Việt Nam làm nơi đặt thêm VPĐD thứ tư ở ngoài trụ sở chính của PCA, thì có thể phải lưu ý đến vị trí địa lý và mức độ liên quan đến Biển Đông của Việt Nam. Việt Nam là một trong năm quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền biển ở Biển Đông, nhưng Việt Nam lại là quốc gia có chiều dài bờ biển tiếp giáp với phần lớn nhất trong chiều dài của Biển Đông, và cũng có tranh chấp biển liên quan đến phần lớn diện tích Biển Đông, trong đó phần tranh chấp lớn nhất là với Trung Quốc, thành viên khác của UNCLOS (1982).

Khu vực tranh chấp biển của Việt Nam cũng rộng nhất khi so với bốn nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền còn lại ở Biển Đông, nên sẽ tạo cho Việt Nam có nhiều vấn đề hơn, khả năng tranh chấp lớn hơn, và cũng tạo nên một vị thế đặc biêt để Việt Nam buộc phải có những hành xử “để người ta trông vào”. Đó có thể là một lý do để PCA ưu tiên tăng cường hợp tác với Việt Nam, và quảng bá cho Việt Nam nhiều hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Cuối cùng, những điều nói trên có thể cũng là lý do có sức nặng để PCA tìm thấy Việt Nam như một khách hàng, và một đối tác tiềm năng có quan điểm thống nhất về ủng hộ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, đồng thời cũng có khả năng góp phần giúp PCA thực hiện nguyên tắc “luôn sẵn sàng phục vụ” (accessible at all times) để các nước trong khu vực Indo-Pacific có thể tìm thấy sự thuận tiện hơn nữa trong việc sử dụng các dịch vụ pháp lý của PCA.

VOA: Riêng về vấn đề tranh chấp Biển Đông, việc PCA có mặt ở Việt Nam có ý nghĩa gì trong con đường pháp lý mà Việt Nam đã từng đề cập nhưng chưa công bố xúc tiến bất kỳ vụ kiện nào đối với Trung Quốc?

Ls. Nguyễn Thanh Tuân: Tôi không phải là một chuyên gia về Luật Biển (UNCLOS 1982) hay về giải quyết tranh chấp chủ quyền, nên trong vấn đề này chỉ xin bày tỏ một số ghi nhận và quan điểm tuần túy của cá nhân, như sau:

Ghi nhận hai luồng quan điểm về sự cần thiết của việc khởi kiện của Việt Nam đối với Trung Quốc ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, dư luận quốc tế và trong nước của Việt Nam thể hiện hai luồng quan điểm liên quan đến việc giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Luồng quan điểm thứ Nhất cho rằng Việt Nam cần theo gương Philippines khởi kiện Trung Quốc, ngay và luôn, tại PCA trên cơ sở Công ước về Luật Biển (1982). Những người giữ quan điểm này dựa vào nhận định rằng vụ kiện giữa Philippines chống lại Trung Quốc là vụ tranh chấp (chỉ) giữa hai quốc gia, do một Hội đồng Trọng tài đã được thành lập theo quy tắc xét xử của PCA riêng cho vụ kiện đó. Vì vậy mà phán quyết của Hội đồng Trọng tài sẽ chỉ có giá trị pháp lý cho riêng hai bên tranh chấp, mà sẽ không trở thành án lệ (precedent) có giá trị áp dụng cho tất cả các tranh chấp khác có bản chất và tình tiết tương tự mà liên quan đến khu vực Biển Đông. Chính vì vậy, nếu Việt Nam muốn bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông, thì cần phải kiện Trung Quốc bằng một vụ kiện riêng để tìm kiếm có một phán quyết có lợi cho mình.

Luồng quan điểm thứ Hai cho rằng Việt Nam không nhất thiết, hoặc chưa đến lúc, phải đi kiện Trung Quốc, bởi vì trong phán quyết năm 2016 của Trọng tài cho vụ kiện Philippines vs. China liên quan đến Biển Đông, thì đã có nhiều phần của phán quyết đề cập đến cả những vấn đề có tính nguyên tắc, như là giải thích Công ước về Luật biển (1982), qua đó bác bỏ yêu sách lãnh thổ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc (ở toàn bộ Biển Đông), hay yêu sách quy chế đảo và vùng đặc quyền kinh tế cho các bãi đá được tôn tạo, bồi đắp thành “đảo” và/hoặc cho các thực thể vốn dĩ không có con người sinh sống người từ trước ở Biển Đông...

Theo những người chủ trương “khoan hãy kiện”, nhiều phần của phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận, đồng tình, trong đó đặc biệt có những điểm có hiệu lực trên toàn Biển Đông mà lại rất có lợi cho việc vận dụng UNCLOS để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, bao gồm Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa, của Việt Nam, một khi “đường lưỡi bò” đã bị vô hiệu hoá. Chính vì vậy mà phần vừa đề cập tương ứng trong Phán quyết Trọng tài 2016 cũng có thể được coi như “án lệ” (precedent) về Biển Đông mà có thể áp dụng cho tất cả các thành viên UNCLOS, trong các vụ việc có liên quan đến quyền tự do lưu thông và các quyền của quốc gia ven biển ở Biển Đông. Những “án lệ” như vậy đã tương đối đủ để xác định và bảo vệ phần cơ bản trong chủ quyền trên biển của Việt Nam.

Ngoài ra, những người chủ trương “khoan hãy kiện” cũng còn e rằng vụ kiện của Việt Nam, nếu có, sẽ có một Hội đồng trọng tài mới, mà trọng tài viên thì cũng chỉ là con người, nên nhỡ đâu họ bênh Trung Quốc mà ra phán quyết khác với phán quyết của vụ Philippines vs. China, thì có thể lại ... gay cho Việt Nam chăng.

Ý nghĩa của sự có mặt ở Việt Nam của PCA trong con đường pháp lý thông qua việc khởi kiện đối với Trung quốc về Biển Đông

Về câu hỏi này của VOA, trước hết tôi tin rằng sự kiện PCA lập VPĐD ở Việt Nam sẽ không có ý nghĩa quan trọng cụ thể nào đối với một vụ kiện, nếu có, của Việt Nam đối với Trung Quốc mà có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Trước hết, một khi Việt Nam đã đưa tranh chấp giữa Việt Nam với bất kỳ một bên tranh chấp nào khác ra PCA, thì đất nước Việt Nam, một bên tranh chấp và là nơi có VPĐD của PCA tại Việt Nam, sẽ không thể là “Nơi giải quyết tranh chấp”, kể cả trong khi cần hòa giải để giải quyết tranh chấp theo quy tắc của PCA, trừ trường hợp các bên tranh chấp cùng thỏa thuận (hy hữu) chọn Việt Nam và VPĐD của PCA tại Việt Nam là Nơi/Cơ quan giải quyết tranh chấp.

Nếu các bên tranh chấp không cùng thỏa thuận chọn Việt Nam là nơi giải quyết tranh chấp và/hoặc là VPĐD của PCA ở Việt Nam là cơ quan thụ lý giải quyết đơn kiện, thì Nơi/cơ quan giải quyết tranh chấp tiềm năng trong trường hợp này có vẻ như sẽ là Singapore (VPĐD của PCA ở Singapore) hay chính trụ sở chính của PCA tại Hà Lan.

Vậy là chẳng phải Việt Nam sẽ chẳng được “nhờ” gì ở VPĐD của PCA ở Hà Nội một khi Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra PCA liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, hay sao?

Ngoài ra, khi quyết định khởi kiện, Việt Nam trước tiên cũng cần phải xem xét tổng thể các khía cạnh, điều kiện để có quyết định hợp lý, chẳng hạn như thời điểm khởi kiện; lý do khởi kiện, các tranh chấp cần được giải quyết trong vụ kiện, mục đích của việc khởi kiện; và hậu quả pháp lý, bao gồm lợi ích cụ thể có thể giành được từ việc khởi kiện và phán quyết của Trọng tài ... Đối với việc xem xét để ra quyết định khởi kiện Trung Quốc, nếu cần, thì Việt nam cũng chẳng “nhờ” được gì ở VPĐD của PCA tại Việt Nam. Chẳng phải như vậy hay sao?

VOA: Xin chân thành cảm ơn Luật sư.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét