Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Khi Litva bé nhỏ thành nhà vô địch Âu châu chống TC


Hôm 18/11, Litva trở thành quốc gia Âu đầu tiên cho mở văn phòng đại diện ngoại giao Đài Loan, kể từ 18 năm qua, khiến Bắc Kinh tức giận cực độ. Đây không phải lần đầu tiên Litva khiêu khích Bắc Kinh. Các chuyên gia về TC ở Âu châu giải mã chính sách chống TC của chính quyền Vilnius. Cái gai nhỏ ở Âu châu tiếp tục đâm sâu vào chân người khổng lồ TC. Litva lại có thêm hành động thách thức Bắc Kinh. Hôm thứ Năm (18/11), đất nước nhỏ bé này trở thành quốc gia Âu châu đầu tiên cho mở văn phòng đại diện ngoại giao của Đài Loan.
<!>
« Điều quan trọng ở đây là vấn đề ngữ nghĩa : Là văn phòng đại diện Đài Loan chứ không phải là văn phòng Đài Bắc như tên gọi mà Bắc Kinh chấp nhận », Grzegorz Stec, chuyên gia về quan hệ TC với các nước Đông Âu, thuộc Mercator Institute for Chinese Studies ( Merics), nhấn mạnh.

Hàng loạt khiêu khích
Hành động chưa từng có cho vùng lãnh thổ Á châu mở một cơ quan đại diện gần như là sứ quán này diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ- Trung đang hồi căng thẳng xung quanh vấn đề quy chế của Đài Loan.

Không có gì ngạc nhiên trong bối cảnh hiện nay Bắc Kinh đã phản ứng tức thì, đánh giá quyết định của Litva là « đặc biệt bỉ ổi ». Siêu cường Á châu còn thêm rằng từ giờ Litva phải « tự gánh lấy trách nhiệm về tất cả những gì sẽ đến với nước này ». Một đe dọa mập mờ muốn ám chỉ điều tồi tệ nhất sẽ còn đến với Vilnius.

« Chúng tôi đang trải qua một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. TC không còn đại sứ tại Litva từ tháng 7/2021 và chúng tôi cũng đã rút đại sứ của mình về », chuyên gia hàng đầu về TC tại Litva, Konstantinas Andrijauskas, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế, thuộc Đại học Vilnius cho biết.

Nhưng không chỉ có vấn đề đại diện ngoại giao Đài Loan. Từ nhiều tháng qua, Litva nhiều lần hành động như kiểu David khiêu chiến người khổng lồ Goliath Á châu .

Hồi tháng 5/2021, Vilnius quyết định ra khỏi « nhóm 17+1 », một tổ chức ngoại giao bao gồm TC và 17 quốc gia Âu châu . Không chỉ hài lòng ra khỏi nhóm, Litva còn kêu gọi những nước khác làm theo mình.

Tiếp đó, chính phủ Litva hồi tháng 9/2021 còn « khuyên » những người đang dùng điện thoại thông minh TC nên khẩn trương vứt bỏ đi, đồng thời khuyên can những người chưa dùng đừng nên mua điện thoại TC. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Litva đã kết luận rằng những nhà chế tạo điện thoại TC như Xiaomi đã cài đặt các phần mềm gián điệp vào trong các máy điện thoại của họ.

« Có thể nói Litva là nước đã có những biện pháp chống TC triệt để nhất Âu châu », Chuyên gia về quan hệ TC với các nước Đông Âu thuộc Đại học Jagellon, Cracovie, Ba Lan nhận xét.

Chính phủ mới thù nghịch với TC hơn
Không phải ngẫu nhiên mà quốc gia vùng Baltic này lại trở thành nước đi đầu Âu châu chống TC. Có rất nhiều yếu tố nguyên nhân. Bắt đầu từ « một loạt sự cố không hay hồi 2019 đã làm kịch phát tâm lý chống TC ở Litva », theo Una Bērziņa-Čerenkova, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu TC, thuộc Đại học Riga ( Latvia).

Tháng 8/2019, khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông diễn ra tại Vilnius, các quan chức sứ quán TC tại Litva bị tố cáo đã tổ chức và tham gia vào các hoạt động chống các cuộc biểu biểu tình nói trên. « Những việc làm đó là vi phạm nghiêm trọng chức năng nhiệm vụ của nhân viên ngoại giao và đã gây phản ứng gay gắt », chuyên gia Una Bērziņa-Čerenkova cho biết.

Vài tháng sau đó, một nữ du khách TC bị ghi hình khi đang nhổ một cây thánh giá ở Đồi Thánh giá, một trong những địa điểm tôn giáo linh thiêng nhất của Litva. Đó là hành vi phá hoại gây sốc cho cả nước nhất là đó không chỉ là địa điểm tôn giáo mà còn là nơi hành hương chính trị. Cây thập giá mà du khách TC nhổ đi, đã được đặt ở đó như là biểu tượng cho sự ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, nhà nghiên cứu của Đại học Riga giải thích thêm.

Sau công luận là đến lượt chính phủ cũng trở nên thù địch hơn với Bắc Kinh khi những người bảo thủ phe trung hữu thắng trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 10/2020. Chủ trương đối ngoại của phe này là ưu tiên quan hệ với Mỹ.

Bà tân thủ tướng Ingrida Šimonytė, chỉ định ông Gabrielius Landsbergis làm ngoại trưởng. Ông này có người ông là Vytautas Landsbergis, từng là tổng thống đầu tiên của Litva thời hậu Xô Viết, và là một trong những gương mặt lớn chống các chế độ Cộng Sản trong lịch sử đất nước này.

Chính phủ quyết định chính sách đối ngoại theo hướng ủng hộ những nước chia sẻ các giá trị chính trị của Litva. Theo chuyên gia Konstantinas Andrijauskas, thuộc Đại học Vilnius. Litva đã phát chán « với những chờ đợi được hưởng lợi kinh tế mà TC đã hứa hẹn từ nhiều thập kỷ qua và đến giờ cũng chưa được là bao », chuyên gia Grzegorz Stec nhận định.

Nhà nghiên cứu thuộc Merics nói thêm là Vilnius « đánh cược là rời xa TC ra thì sẽ được nhiều hơn là mất ». Bắc Kinh thực ra có rất ít phương cách để gây áp lực với quốc gia này vì « Litva là một trong những nước trong Liên Hiệp Âu Châu ít lệ thuộc kinh tế vào TC nhất », theo Konstantinas Andrijauskas.

Một tấm gương để noi theo ở Âu châu ?
Hiện tại, TC đang cố làm cho một vài công ty xuất khẩu sản phẩm sữa của Litva phải khốn đốn, đồng thời đe dọa chặn các đoàn tàu hàng tới Litva. « Nhưng việc đó không không có gì nặng nề so với viễn cảnh, quốc gia này có thể sẽ có một nhà máy chế tạo bán dẫn đầu tiên của người khổng lồ Đài Loan TSMC ở Âu châu nếu như quan hệ kinh tế với Đài Loan phát triển sâu », chuyên gia Grzegorz Stec nhận định.

Hành động của Vilnius cũng gửi đi một tín hiệu đến Washington. « Với việc chỉ trích Bắc Kinh đồng thời xích gần lại Đài Loan, Litva nhắc Hoa Kỳ rằng họ là đồng minh tin cậy, cùng chia sẻ các giá trị của Mỹ ở khu vực này của địa cầu và Hoa Kỳ sẽ có lợi khi bảo vệ Litva trước các tham vọng khu vực của Nga và Belarus », Emilian Kavalski phân tích.

Với TC, các khiêu khích của Litva càng trở nên nguy hiểm khi những hành động như vậy « cho thấy siêu cường Á châu này có thể suy yếu đến mức nào nếu không có vũ khí kinh tế để gây áp lực với một nước khác », theo Emilian Kavalski. TC không thể đe dọa quá mạnh đối với Litva vì sợ gây thù chuốc oán với Liên Hiệp Âu Châu . Trong số các cường quốc phương Tây thì Liên Âu vẫn ít thù địch nhất với TC, theo phân tích của chuyên gia Una Bērziņa-Čerenkova.

Nếu như cuộc đối đầu này nghiêng về phía Litva, thì sẽ có nguy cơ những nước Âu châu khác theo gương quốc gia vùng Baltic này. Khi đó người khổng lồ Goliath Á châu sẽ phải đối mặt với một đội quân những David khác. « Những nước lớn như Đức hay Pháp quá lệ thuộc về kinh tế vào TC. Nhưng sẽ rất thú vị khi thấy ảnh hưởng từ chính sách của Litva đối với các nước khác như Cộng Hòa Séc hay Hungary », Emilian Kavalski nhận định.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, phe bảo thủ ở Cộng Hòa Séc đã giành được đa số. Chính phủ nước này có thể sẽ noi theo tấm gương Litva. Trong khi đó, ở kỳ bầu cử 2022 tới, cử tri Hungary có thể sẽ bỏ rơi Viktor Orban, người bạn lớn của Tập Cận Bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét