Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Thi Hạnh: Từ Hồi Ức Bi Tráng Đến Những Vần Thơ Tình Đau Đáu Trong Tim - Trần Thu Miên

(Thi Hạnh, ảnh chụp năm 2020)

Thi Hạnh, bút hiệu của nhà văn, nhà thơ, và nhạc sĩ ca khúc, vượt biển đến Na Uy (Norway) lúc gần lên mười tuổi, lớn lên ở miền đất hoàn toàn xa lạ, nơi cộng đồng di-dân-tỵ-nạn gốc Việt rất thưa thớt, nhưng cô sáng tác thi ca văn chương bằng tiếng Việt.  Với tôi, đây là một hiện tượng đáng quý và đáng vinh danh để làm gương cho những thế hệ trẻ gốc Việt khắp các miền đất trên địa cầu, những nơi xa biệt Việt Nam.  Trong bài này, tôi chia sẻ cảm nhận về tác phẩm văn xuôi “Một Cuộc Hành Trình” (MCHT), và tác phẩm thơ “Bẻ Đôi Huyền Thoại” (BĐHT) của cô, rồi mời bạn đọc theo dõi cuộc mạn đàm để biết thêm chân dung đặc sắc của vị nữ lưu văn nghệ này.

<!>

Hồi Ức Bi Tráng

Tác phẩm “Một Cuộc Hành Trình” là một truyện ký ngắn, kể lại hồi ức về hành trình vượt biển của cô gái, chưa lên mười, để được đoàn tụ với bố và anh chị đã vượt biển đến Na-Uy (Norway) tỵ nạn.  Đọc truyện ký của tác giả,  nhất là người đã có kinh nghiệm vượt biên đường biển, không thể nào không hình dung hay không hồi tưởng lại hình ảnh và kinh nghiệm bi thương của hàng trăm ngàn đồng bào Việt vượt biên đường bộ hay đường biển, trong số ấy có anh em, bạn bè, người quen, hay chính bản thân mình. Người đi suôn sẻ, người gặp hãi hùng như chông gai, bãi mìn, cướp rừng, bão tố, cướp biển, bệnh tật, tuyệt vọng, chết trong rừng hoang, hay chết ngoài biển khơi. Mỗi người tỵ nạn Việt, mỗi thuyền nhân Việt có kinh nghiệm hãi hùng bi thương riêng nên khó mà so sánh. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng chuyến hải hành bỏ quê nhà của tôi, chắc chắn, không hãi hùng bi tráng bằng chuyến vượt biển của Thi Hạnh. Cô vượt biển lúc còn bé bỏng, tôi chạy trốn quê nhà khi sửa soạn bước vào tuổi hai mươi. Tôi vượt biển với bạn cùng lứa tuổi, nhưng cô vượt biển với người anh họ. Tôi vượt biển trên một tuần giang hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà dù mình không là lính Hải Quân, nhưng cô lênh đênh trên con thuyền bé nhỏ. Tôi không bị đói khát như cô phải chịu đựng trên chuyến tàu vượt biển.

Dù chuyến vượt biên tỵ nạn có thế nào đi nữa, đối với rất nhiều người Việt Tỵ Nạn hay Thuyền Nhân, kinh nghiệm vượt biên vẫn là kinh nghiệm hãi hùng, khó quên. Một trong những hậu quả tâm lý gây ra từ kinh nghiệm bi tráng hãi hùng là chứng rối loạn tâm thần mà người đã phải chứng kiến, chịu đựng những sự kiện hay tình huống bi thương vượt sức phải chịu hậu quả. Tiếng Anh gọi tình trạng bệnh lý này là Post-Traumatic Stress Disorder (PTSD). Người lớn phải đương đầu với hậu quả kinh nghiệm bi tráng nhiều hơn trẻ em. Dựa theo bằng chứng y khoa thì trẻ em, nói chung, có khả năng phục hồi sau những biến cố hãi hùng dễ dàng hơn người lớn, trừ khi các em phải chịu đựng thương tích nặng vì bị tra tấn dã man, hay trực diện với cảnh chết chóc. Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh của Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention-CDC), người bị PTSD thường phải sống lại kinh nghiệm đau thương, bị ác mộng hay gặp khó khăn về giấc ngủ, dễ nổi giận khi các kỷ niệm cũ khơi lại, v.v… Tôi có dịp làm việc chung với một nhóm chuyên gia Hoa Kỳ từ năm 2013 đến 2017 tại Hàn Lâm Viện Quốc Gia về Khoa Học, Kỹ Thuật, và Y Khoa Hoa Kỳ (National Academies of Sciences, Engineering, Medicine) để đánh giá hệ thống phục vụ sức khoẻ tâm thần cho cựu chiến binh Hoa Kỳ, nhất là những người đã tham gia trong chiến tranh Afghanistan và Iraq. Uỷ Ban được quốc hội Hoa Kỳ uỷ quyền thu thập dữ kiện liên quan đến tình trạng tâm thần của cựu quân nhân và hệ thống phục vụ sức khoẻ tâm thần cho họ trên toàn quốc, và một trong những bệnh tâm thần các cựu chiến binh cho biết họ phải chịu đựng là bệnh PTSD. Bệnh trạng này cũng đưa đến hậu quả xấu như tự tử. Thống kê từ nhiều nguồn đã ghi nhận rằng trung bình hàng năm số phần trăm cựu quân nhân Hoa Kỳ tự tử cao hơn thường dân tại Hoa Kỳ. Nhiều bạn bè và người tôi quen, ngay cả những người vượt biển suôn sẻ đã phải chịu đựng các ác mộng về kinh nghiệm vượt biên dù thời gian đã lâu. Bản thân tôi, thuở đầu đời tỵ nạn, có những đêm giật mình toát mồ sau ác mộng bị lính Việt Cộng rượt bắt hay đi lạc vào vùng bom đạn tan hoang. Có rất nhiều lần tôi nằm mơ chiếc nệm giường của mình đang lênh đênh ngoài biển khơi, ngồi thoắt dậy hò hét cầu cứu, đến khi tỉnh lại mới biết mình nằm mơ. Trong truyện ký MCHT, không thấy tác giả kể lại những ác mộng sau chuyến vượt biển hay kinh nghiệm đói khát lo sợ vẫn còn ám ảnh mình. Có lẽ vì lúc ấy tác giả còn bé nên dễ vượt qua được các kinh nghiệm đói khát và bi tráng hơn người lớn tuổi.

Thi Hạnh kể lại kinh nghiệm bi tráng trên chuyến vượt biển từ hồi ức thơ ngây làm người đọc, nhất là người đã trải qua hoàn cảnh tương tự, có thể rướm nước mắt dễ dàng.

“Đã nhiều ngày qua, không một hạt cơm trong bụng, người ta thấm môi tôi bằng những hạt nước hiếm hoi. Tôi mơ màng, tưởng chừng như đang trở về bên mái nhà thân quen…” (MCHT, tr. 8).

Khi ta đói khát, kiệt sức, ta thường có những ảo tưởng như nhìn được ăn bữa cơm no, thấy một dòng sông trong mát, hay về lại một nơi thân yêu.

Cô bé vượt biển trong MCHT, dù chưa học xong tiểu học đã bị hay được mẹ gửi gắm đi vượt biên tìm tự do, tìm cơm áo vì quê nhà, buổi giao thời bao cấp, không đáp ứng được nhu cầu cần thiết để con người được sống đúng phẩm giá con người. Gia đình cô cũng như nhiều gia đình dân Miền Nam cùng thời đã phải chịu cảnh kẻ ở người đi. Người ra đi chấp nhận cái chết, người ở lại chấp nhận mất mát, nhưng mọi người cùng chia chung niềm hy vọng: Tự Do. Cô đã phải lần lượt chia tay bố và anh chị lúc còn bé, có lẽ khoảng 5 hay sáu tuổi.  Cuối cùng chỉ con cô và mẹ ở lại.

(Hình phải: Thi Hạnh, ngày còn ở Việt Nam)

“Tôi đã lớn hơn vài tuổi, và những người trong gia đình tôi thì cứ lần lượt ra đi. Cuối cùng chỉ còn lại hai má con.

Sau này tôi hỏi má:
– Sao mình không đi một lượt cùng nhau mà phân tán lẻ tẻ như thế hở má?

Má tôi bình tĩnh:
– Nhà mình nghèo, tiền đâu mà trả cho chủ tàu một lượt, nên góp được cho đứa nào thì má lo cho đứa đó đi trước, hơn nữa…

Má ngập ngừng:
– … đi hết, lỡ mất cả thì sao.

Má nói lỡ “mất cả” nghĩa là; mất mạng cả nhà, hoặc nếu bị bắt thì khi trở về cũng sẽ không còn nhà để ở nữa, vì đã bị tịch thu.

Gia đình tôi tám người, đi sáu lần mới hết, năm lần vượt biên, và tôi là người đã leo lên chuyến tàu cuối cùng ấy…” (MCHT, tr. 16).

Điều làm tôi ngạc nhiên là không thấy tác giả kể lại cảm xúc sợ hãi của mình lúc phải chia tay mẹ xuống thuyền. Nhiều em bé cùng tuổi như tác giả đã sợ hãi khi phải chia tay bố mẹ hay gia đình dù chỉ đi xa vài ngày, huống hồ là đi vượt biển, sống chết như trở bàn tay. Năm tôi 11 tuổi, bố mẹ gửi vào học ở tu viện Châu Sơn, dù không xa nhà bao nhiêu, nhưng lúc lên xe Lam rời nhà, rời làng tôi đã rướm nước mắt. Rồi có những buổi chiều ở ngoài sân đá banh tôi cũng đã khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Còn cô gái sắp lên 10, Thi Hạnh, bước xuống thuyền ra khơi có vẻ bình thản và can đảm quá. Có thể vì cô đã chứng kiến những lần ra đi của bố và anh chị, và tất cả người nhà cô đã đến miền đất mới an lành nên cô thản nhiên lên đường ra đi để đoàn tụ với gia đình và tin rằng mẹ cô sẽ đi sau cô. Cũng có thể là mẹ cô đã hứa hẹn cho cô điều chăng? Chả thế mà dù trực diện với sự chết, chịu đựng đói khát trên biển, cô bé thuyền nhân kể lại kinh nghiệm hãi hùng bằng giọng văn rất hồn nhiên ngây thơ chứ không rợn rùng kinh hãi như ta đọc những câu chuyện được kể lại từ những nhân chứng từ những cuộc vượt biển hãi hùng của người miền Nam Việt Nam sau chiến tranh.

“Chiếc thuyền bé nhỏ được thả trôi theo con sóng bềnh bồng. Những con sóng tung tăng nhảy múa như thường ngày, bỗng dưng hôm nay như có mùi khiêu khích, trêu chọc…” (MCHT, tr. 31).

Khi đói khát, tất cả những thức ăn thức uống dù tầm thường và quen thuộc đến đâu cũng trở thành cao lương mỹ vị. Cô bé thuyền nhân, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông, đã nếm đủ thiếu thốn, đói khát, nay được ăn miếng bánh chuối thì không còn gì ngon hơn.

“Tôi hí hửng vừa đi vừa ngấu nghiến, ăn vội vàng cái bánh chuối như sợ chậm một chút thì sẽ có ai đó giật mất nó trên tay của mình. Ăn xong vẫn còn thèm, liếm mép vẫn thấy thơm. Lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức một mùi vị thơm ngon như thế…” (MCHT, tr. 43).

Đọc Thi Hạnh kể lại cảm giác lúc được ăn bánh chuối sau những ngày đói khát như người nhận được món quà tuyệt hảo làm tôi nhớ đến những bữa ăn no nê sau khi tàu vượt biển cập bến. Ký ức hao mòn của tôi còn sót lại lác đác vài hình ảnh và kỷ niệm của chuyến hải hành định mệnh sau chiến tranh. Tôi và ba người bạn đồng hành may mắn lên được giang pháo hạm HQ 329 của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà, rời bến Bạch Đằng khoảng 3 giờ sáng ngày 30 tháng  4, 1975, chạy trốn quê nhà trong những giờ phút Sài Gòn hấp hối. Tôi nhớ tàu này có súng đại bác và súng lớn, nhưng khi ra khơi tàu bị hư máy và được một tàu Hải Quân khác kéo đến bến tàu thuộc vịnh Subic Bay, Phi Luật Tân, một căn cứ quân sự Hoa Kỳ thời ấy. Chuyến đi khoảng 7 ngày mà tưởng dài như vô tận. Khi chúng tôi lên bờ, mọi người được đón tiếp chu đáo từ chỗ ngủ đến nơi ăn uống, dù ở lều nhưng mỗi người được một chỗ nằm riêng, thoải mái. Sáng đầu tiên lúc nhiều người còn muốn ngủ nán, chị bạn trong nhóm đi đâu về tuyên bố rộn rã: “Có sữa tươi, trứng luộc, trứng chiên, dậy mà ăn kẻo kết.” Nghe chị bảo, tôi và hai anh bạn ngồi nhỏm lên ngay.  Với tôi, những thứ này đều là cao lương. Cả tuổi thơ ở nhà và thời niên thiếu trong trường Đệ Tử (nội trú) của các cha dòng Châu Sơn, tôi chưa từng được uống một ngụm sữa tươi mát lạnh, ăn quả trứng gà luộc, hay trứng chiên. Chị bạn trong nhóm 4 người chúng tôi là con nhà đại gia Sài Gòn mà còn háo hức vì các món ăn ấy huống hồ tôi. Hai anh bạn và tôi nhanh nhẹn dụi mắt đứng lên đi tìm đến phòng ăn. Chiều hôm qua, tàu vào bến trễ, ai cũng mệt lả sau hành trình dài nên cần ngủ hơn cần ăn vì lúc ở trên tàu đã được ăn. Tôi quên mất phòng ăn ở trong một lều vải to hay phòng rộng lớn, nhưng khi đến đã có nhiều người đang xếp hàng xôn xao, chen lấn  để nhận thức ăn. Lúc xếp hàng đứng chờ thức ăn, ngửi được mùi thơm hấp dẫn đến chảy nước miếng. Nhiều người tỵ nạn ngơ ngác, hoang mang về tương lai nên lúc được đón tiếp đã ăn vội vã, và lén lút lấy thức ăn để dành vì sợ nhỡ ngày mai không được ăn no nê như lúc này. Chúng tôi cũng đã uống sữa tươi và ăn từ trứng luộc đến trứng chiên một cách ngon lành, nhưng hậu quả hơi bi đát. Khi ba thằng đã no bụng, không thể ăn uống gì nữa, về lại lều tính ngủ thêm, nhưng vừa bước đến chỗ nằm, chị bạn mặt mũi xanh lè, hối hả chạy tìm nhà cầu. Và chỉ vài phút sau thì đến phiên chúng tôi cũng phải cắn răng đi tìm nơi để trút cơn buồn… nếu không sẽ vãi ra quần. Đúng là sướng khổ khó ai lường được. Thi Hạnh có kinh nghiệm đẹp hơn chúng tôi vì cô đã thưởng thức những miếng bánh chuối thơm ngon dị thường, và còn giữ lại được hương vị và cảm giác khoái khẩu lâu trong miệng.

Ăn xong vẫn còn thèm, liếm mép vẫn thấy thơm. Lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức một mùi vị thơm ngon như thế…” (MCHT, tr. 43).

Trở lại chuyến hành trình của tác giả, trong khoảng thời gian không dài, cô bé thuyền nhân đã phải đương đầu với sự chia lìa người thân yêu đến hai lần.  Lần thứ nhất chia tay mẹ giữa đêm, nhưng tác giả kể lại cuộc chia tay này một cách rất hồn nhiên.

“Nửa đêm, má đánh thức tôi dậy, mắt tôi lim dim, chân tôi không vững, tôi hỏi má:
– Mình đi coi cải lương hở má?

Không trả lời, má mặc thêm cho tôi một bộ quần áo, bộ áo mới mà má chỉ cho tôi mặc mỗi lần đi chơi xa. Xong xuôi, má lay tôi cho tỉnh và dặn:
– Con cầm tờ giấy này và đi ra bờ biển, ai hỏi đi đâu thì bảo đi cầu tiêu, nghe chưa.” (MCHT, tr. 19).

“… Tôi cầm tờ giấy má trao và lững thững đi về phía biển.” (MCHT, tr. 20).

Có lẽ tác giả tưởng được mẹ cho đi xem cải lương, “Mình đi coi cải lương hở má?.” Nhưng đi coi cải lương sao lại ra bờ biển? Trẻ thơ hồn nhiên dễ tin nên không đặt câu hỏi như người lớn. Vì thế, tác giả kể về cuộc chia tay mẹ đi vượt biển như một việc rất bình thường, không khóc lóc, không gào thét, không chống cự, không cố bám víu tay mẹ để ở lại. Trong một điện thư, tác giả cho biết sở dĩ cô không khóc lúc chia tay mẹ vì tưởng được mẹ cho đi xem cải lương. Sau những ngày gian khổ trên biển, và sau khi lên được đất liền, cô bé thuyền nhân mới nhận ra rằng cô đang ở một nơi chốn hoàn toàn xa lạ. Bởi vậy lúc phải chia tay ông anh họ, người thân duy nhất trên cuộc hành trình lưu xứ, cô đã khóc sướt mướt. Tôi cũng đã khóc lúc phải tiễn bạn rời trại tỵ nạn đi định cư vì buồn và cô đơn, nhưng tác giả đã khóc, có lẽ, vì lo sợ bị bỏ rơi nhiều hơn là buồn và cô đơn như tôi.

(Hình trái: Thi Hạnh với anh, ở trại tị nạn Galang, Indonesia)

“Tôi khóc sướt mướt khi được đưa lên một chiếc tàu lớn. Mọi người xung quanh tôi tay vẫy tay, tiễn đưa nhau, người ra đi, kẻ ở lại… Nhìn quanh, chẳng thấy ai quen biết trên chiếc tàu đi cùng. Tôi khóc nức nở, nhất định không chịu buông anh Trung ra…” (MCHT, 64).

Cuối cùng thì cô bé được đoàn tụ với ba và các anh chị ở Na-Uy, xứ sở có dân số ít hơn dân số Sài Gòn hay Hà Nội. Hiện nay di dân gốc Việt chỉ có xấp xỉ trên 20 ngàn, một con số rất khiêm nhường so với các cộng đồng gốc Việt ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cô bé thuyền nhân này, có lẽ, khác với rất nhiều thiếu nhi tỵ nạn cùng lứa tuổi về lòng ham muốn được nói và đọc tiếng Việt. Ở hoàn cảnh dù không thuận tiện, gia đình cô đã khuyến khích và tạo điều kiện để cô học thêm tiếng Việt. Có lẽ nhờ tác giả có lòng yêu mến tiếng Việt từ ngày còn bé mà sau này cộng đồng gốc Việt Hải Ngoại có được nhà thơ, nhà văn, và nhạc sĩ ca khúc Thi Hạnh.

Tôi thèm được nói tiếng Việt với những người hàng xóm hoặc tỉ tê tâm sự với những bạn bè trong lớp, kể cho họ biết thêm lý do tôi hiện diện nơi đây. Tôi bắt đầu tìm đọc những sách vở Việt Nam, nhưng thời ấy, nhất là ở Na Uy, khó khăn lắm mới tìm được sách vở tiếng Việt, nhất là sách dành cho lứa tuổi chẳng lớn chẳng nhỏ như tôi. Hiểu được nỗi lòng của cô con gái út, ba tôi mới đặt mua sách vở, báo chí từ Hoa Kỳ…” (MCHT, tr. 71).

Đọc tự truyện của Thi Hạnh làm tôi nhớ những thiếu niên Việt-Miên-Lào vượt biên không thân nhân vào đầu thập niên 80 ở thế kỷ 20. Tháng 8 năm 1980, tôi được cơ quan Bác Ái thuộc giáo phận Jackson, Mississippi thuê làm chuyên viên nhân xã vụ (social worker) để thành lập chương trình tìm cha mẹ nuôi cho các em thuyền nhân gốc Việt-Miên-Lào đang sống tại các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á. Chương trình được tài trợ để mang các em dưới 18 tuổi sang định cư tại Hoa Kỳ. Misissippi ở cuối thế kỷ 20 vẫn còn là bang chậm tiến và nghèo so với những bang khác. Jackson là thủ phủ bang Mississippi và đến nay vẫn còn là nơi thưa thớt dân gốc Việt. Nhiều người tỵ nạn gốc Việt chỉ đến Mississippi một thời gian rất ngắn rồi bỏ đi vì không đương đầu được với nỗi buồn và sự cô độc. Trong số này có bản thân tôi đã bỏ đi Mississippi sau hai năm mà tưởng đã dài hơn hai thế kỷ. Ngoài tình trạng nghèo ra, bang này còn bị mang tiếng về sự kỳ thị dân da mầu rất trầm trọng. Tuy thế, vẫn có nhiều người Mỹ da trắng tử tế và rộng lượng nên đã sẵn sàng đứng ra bảo trợ cho dân tỵ nạn gốc Việt đến định cư. Việc làm chính của tôi là tìm các gia đình Mỹ hội đủ điều kiện của bộ xã hội chuyên về phục vụ gia đình và trẻ em sẵn sàng nhận các thiếu niên tỵ nạn gốc Đông Dương làm con nuôi tạm. Con nuôi tạm có nghĩa là vì không ai có quyền ký giấy cho các em trở thành con nuôi thật sự theo luật pháp Hoa Kỳ. Tôi được cơ quan bác ái Công Giáo uỷ quyền làm nhân chứng ký giấy tờ cho các em được nhận làm con nuôi tạm thời.

Người Việt thì đã hiếm hoi mà một số gia đình cha mẹ nuôi của các em lại ở rải rác trong những vùng hẻo lánh, hiu quạnh. Tôi bỗng trở nên người anh duy nhất của các em. Dù vừa làm vừa học, tôi đã sẵn sàng đi thăm các em bất cứ lúc nào. Ở tuổi 20, sống một mình, tôi có thể đến thăm các em dễ dàng. Thời ấy chưa có điện thoại cầm tay nên các em hay cha mẹ nuôi chỉ có thể liên lạc với tôi qua điện thoại văn phòng hay nhà. Có em gọi điện thoại cho tôi giữa đêm để tâm sự, để khóc, hay đòi bỏ nhà đi. Có những lần nghe các em khóc vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, tôi cũng lặng lẽ khóc theo vì tôi hiểu được sự cô đơn, cô độc, và nỗi nhớ nhà của các em. Đọc truyện ký của Thi Hạnh, tôi nhớ hai em gái, một em 10 tuổi, một em 11 tuổi gốc Việt nhưng sinh ở Cambodia, em này đã phải chứng kiến cuộc càn quét diệt chủng của Pol Pot và không có tin tức gì về gia đình. Còn em kia thì đi với họ hàng, nhưng đã bị bỏ rơi ở đảo vì họ hàng không muốn nhận trách nhiệm nuôi dưỡng em. Hai em này cùng lứa tuổi với Thi Hạnh khi cô vượt biển tìm tự do, nhưng Thi Hạnh may mắn được đoàn tụ với bố và các anh chị.

Sau hai năm, tôi nghỉ làm để tiếp tục việc học. Khi tôi ra đi, có em đã khóc và đã đòi bố mẹ nuôi đưa đi thăm tôi dù tôi ở xa các em cả ngàn cây số. Hơn 40 năm, bây giờ đọc “Một Cuộc Hành Trình” của Thi Hạnh làm tôi rưng rưng nhớ. Tôi đã bôn ba nhiều nơi ở Hoa Kỳ nên hoàn toàn mất liên lạc với hầu hết các em trong chương trình con nuôi ngày xưa. Tác phẩm của Thi Hạnh đã đánh thức dậy những kỷ niệm về các em còn sót đọng trong tâm thức tôi.

(Hình phải: Thi Hạnh, ngày đầu đến Na Uy)

Trên phương diện nghệ thuật, bố cục của tập truyện ký ngắn “Một Cuộc Hành Trình” nên được sắp xếp thế nào cho các diễn biến của sự kiện và tình huống được liên tục, làm tăng thêm sự thu hút cho độc giả.  Bút pháp chưa diễn đạt được sự kinh hoàng, cùng cực, hay lo sợ của tác giả dù có những đoạn văn tác giả đã gợi cho độc giả tưởng tượng ra được những sự kiện và tình huống bi đát, thê thảm trên chuyến vượt biển của mình. Về cách sử dụng từ ngữ, có những đoạn văn tác giả dùng từ làm mất tính trung thực của sự kiện, thí dụ: “Những con sóng tung tăng nhảy múa như thường ngày, bỗng dưng hôm nay như có mùi khiêu khích, trêu chọc…” (MCHT, tr. 31).  Thông thường thì độc giả tưởng tượng được bầy chim biển “tung tăng nhảy múa” dễ dàng hơn là những con sóng biển.  Có thể tác giả kể lại cảm nghiệm trung thực từ hồi ức của một cô bé nên những gì cô nghe được hay chứng kiến khác với người lớn. Tuy nhiên, trên phương diện lịch sử di dân gốc Việt, cách riêng lịch sử thuyền nhân Việt ở thế kỷ 20, tập truyện ký hay tự truyện của Thi Hạnh sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thêm dữ kiện sống động của nhân chứng thuyền nhân ở tuổi thiếu nhi. Tôi không có kiến thức về ngôn ngữ và văn chương Na-Uy để thưởng thức bản viết bằng Norwegian, nhưng ta có thể khẳng định rằng, Thi Hạnh vì được giáo dục và lớn lên trong nền văn hoá này nên cách hành văn và diễn đạt tư tương của cô hẳn đã được nuôi dưỡng và trưởng thành trong nền văn hoá bản xứ. Tiếng Việt của người gốc Việt ở Na-Uy cũng đã được biến đổi theo đà hội nhập của người Việt vào nền văn hoá bản xứ. Đây là sự biến hoá rất bình thường qua sự giao lưu của các nền văn hoá dị biệt. Với tôi, giá trị của tập truyện ký song ngữ ngắn này là ở tấm lòng yêu mến tiếng Việt của tác giả. Hy vọng tác giả sẽ tiếp tục sáng tác và đóng góp cho văn học nghệ thuật Việt Hải Ngoại càng ngày càng phong phú.

Những Vần Thơ Đau Đáu Trong Tim.

Đọc tập thơ “Bẻ Đôi Huyền Thoại” (BĐHT) xuất bản 2018, ta cảm nhận được mẫu số chung của tình yêu trai gái trong thơ của Thi Hạnh và thơ tình thế giới. Tình yêu ở thời đại nào, dân tộc nào, hay văn hoá nào cùng chia chung những điều mà ít có cặp tình nhân nào không kinh qua. Chẳng hạn như niềm mơ ước chung của những cặp tình nhân khi bắt đầu yêu.

và anh nhé…
… xin hãy làm cơn gió
thoảng qua hồn những lúc thương đau
để em biết dẫu mai đời giông tố
vẫn còn anh…
… và ta vẫn còn nhau !!!

(Ta Vẫn Còn Nhau, BĐHT)

Những câu thơ đầy nhạc điệu, gợi ý, gợi hình trên, chuyên chở tình tự hồn nhiên trong sáng hy vọng của tình nhân thấm nhập vào tim người đọc dễ dàng. Nhưng tình yêu, đôi khi, không tiếp diễn êm đềm hay nồng nàn như tình nhân mong muốn.  Có những cuộc tình như diều đứt giây lúc đang bay bổng trong gió, hay cây cầu gẫy nhịp giữa dòng sông rộng. Và lúc tình nhân phải đương đầu với chia lìa thì khó ai thoát được ray rứt, hoang mang, tiếc nuối. Thi Hạnh diễn tả về đoạn cuối cuộc tình dù có tiếc nuối trống vắng, nhưng không đẫm lệ tan tác, rã rời tuyệt vọng hay hận thù.

khi mình đã hết song đôi
khi đường xưa dấu chân người đã phai
tóc hờn tóc uá trên vai
mi hờn mi rót giọt dài má môi
nhịp cầu tay cắt làm đôi
nửa kia theo gót chân người khuất xa
giờ còn nửa cuối riêng ta
đem về ấp ủ để mà (nhớ thương?)

(Cắt Một Nhịp Cầu, BĐHT)

Đọc hai câu lục bát trong đoạn thơ trên: “nhịp cầu tay cắt làm đôi/nửa kia theo gót chân người khuất xa,” tôi liên tưởng đến hai câu lục bát trong Kiều: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc nửa soi dặm đường.” Cũng là chia ly, nhưng Kiều không chủ động được tình huống, nàng chỉ biết than tiếc. Phụ nữ ở thời phong kiến phải tuỳ thuộc vào những người đàn ông trong đời mình. Phụ nữ ở thế kỷ 21 đã được cởi trói khỏi những ràng buộc đạo lý, phong tục, truyền thống do đàn ông đặt ra rồi ép buộc phụ nữ phải tuân theo. Tôi rất thích hai câu lục bát của Thi Hạnh vì đã nói lên được sự tự chủ và độc lập của phụ nữ trên phương diện tình yêu, mình tự quyết định yêu, rồi tự quyết định chia tay, không phải ép mình sống theo khuôn mẫu xã hội cũ mà “Tam tòng tứ đức,” “Công dung ngôn hạnh,” đã là các giáo điều bắt phụ nữ phải sống và hành động theo phái nam. Có những vợ chồng không hạnh phúc, nhưng người vợ không đủ can đảm để chia tay chồng. Với Thi Hạnh thì không phải thế, nhà thơ đủ bản lĩnh và can đảm để từ bỏ liên hệ tình cảm khi tình yêu trở thành sự buồn đau.

người về nữa làm chi thêm đau nhói
câu thơ buồn gian dối của hôm nao
em đã đốt, ân tình tan theo khói
để hai ta không ai nữa cấu cào…

(Bẻ Đôi Huyền Thoại, BĐHT)

Trách nhiệm làm vợ làm mẹ hay trách nhiệm gia đình ràng buộc ta vào những khuôn khổ hàng ngày. Ai cũng có những lúc ngồi nhớ lại thời thanh xuân khi đời mình chưa ràng buộc vào những giới hạn của trách nhiệm. Và đôi khi, cũng như Thi Hạnh, ta nhớ về một thời tự do bay nhày hồn nhiên.

thèm những phút giây bạn bè đông đủ
những ngày thuở xưa…
chưa vướng nợ tình
những ngày chưa phải lo toan cơm áo
cho chồng
đôi giầy mới cho con đi học
thèm những giây phút bình yên.

(Thèm Những Giây Phút Bình Yên, BĐHT)

Thế nhưng tình yêu và tự do là hai điều mâu thuẫn. Khi yêu, ta dâng hiến đời mình cho người yêu, và như thế, ta cũng tự từ bỏ tự do của mình. Sự cô đơn thời thanh xuân không giống như sự cô đơn khi ta đã yêu và đã sống với người yêu. Khoảng trống của tình yêu là khoảng trống vô tận.

ta gói ta…
… vào khoảng trống tình yêu
để thấy tim ta…
… còn quá nhiều nhung nhớ
để thấy mùa thu vàng trong hơi thở
để thấy đời…
… vỡ lỡ giấc chiêm bao

(Khoảng Trống Tình Yêu, BĐHT)

Đúng vậy, khi ta đương đầu với trống vắng của tình yêu, thế giới quanh ta cũng bao trùm lạnh lùng hoang vắng. Trăng có lẽ đã là biệu tượng của lãng mạn khi ta có người tình bên cạnh, nhưng trở thành biểu tượng của hoang vu cô độc lúc đời vắng bóng tình yêu.

trăng treo một góc ven trời
vẫn ta…
với một góc…
ôi!
lạnh lùng.

(Vẫn Ta, BĐHT)

Hay

bỗng dưng…
… hoa cỏ thẫn thờ
vàng phai sắc lá bên bờ rụng rơi
đêm tàn…
nửa mảnh trăng vơi
dường như cũng nhớ đến người có hay?…

(Bỗng Dưng, BĐHT)

Những đoạn thơ trích dẫn sau đây cho ta hình dung được sự chia lìa vĩnh biệt của một người vợ phải chia tay chồng hay một người yêu phải chia tay người mình yêu lần cuối.

em đã phải đợi chờ từng giây phút
để được nhìn thấy anh
một lần cuối trong đời
giọt mưa chiều hay nước mắt chợt rơi
mà nghe chua sót
hơn cả những lời than trách

(Lần Cuối, BĐHT)

Dường như tôi nhìn thấy màu tang trắng trong tâm sự chia lìa Thi Hạnh diễn tả qua những vần thơ trên.  Thêm vào là những vần thơ trích dẫn sau đây trong bài “Tròn Năm” lại gợi thêm cho ta về một cuộc vĩnh biệt nào đấy, rất gần với thi sĩ, bởi vì người ta thường dùng những thời điểm như đầy năm hay tròn năm để nói về sinh nhật của trẻ thơ hay cúng giỗ hay người qua đời được một năm.

cũng đã tròn năm rồi anh nhỉ
từ ngày hai đứa chúng mình xa
vần thơ đem cắt làm hai mảnh
mảnh của riêng anh đã nhạt nhòa?…

(Tròn Năm, BĐHT)

Trong thơ Thi Hạnh ta cũng cảm nghiệm được thân phận phù du của kiếp người. Thật ra không có gì phi lý hơn là thân phận làm người như Albert Camus đã giải thích. Điểm hẹn cuối cùng của kiếp người là sự chết.

có người mới hôm qua
còn nơi đây cười nói
mà nay đã khơi xa
chới với

(Giá Buốt, BĐHT)

Điều phi lý là ta được sinh ra làm người để rồi phải chết, nhưng ngàn năm qua thế giới  chung quanh vẫn tiếp diễn và thời tiết vẫn luân lưu đổi mùa.  Ý thức được sự phù du của kiếp người là ý thức được sự phi lý của nhân sinh.

tôi thấy tôi hờ hững
giữa núi đồi chớm thu
khi lá vàng đổi sắc
tôi… chỉ là phù du?…

(Gục Ngã, BĐHT)

Trái tim của nhà thơ là trái tim của cuộc đời và cũng là trái tim của thiên nhiên. Tâm hồn thi sĩ có lẽ khác với tâm hồn người thường bởi vì thi sĩ muốn ôm ấp trọn vẹn cuộc đời và thiên nhiên như là của chính mình.

có lẽ hồn tôi là chiếc lá
thở dài khi nắng tắt hoàng hôn
…..

có lẽ đời tôi là con suối
vỗ về những phiến đá rêu xanh

(Có Lẽ, BĐHT)

Thơ văn của Thi Hạnh là thơ văn của thế hệ Việt lớn lên và trưởng thành nơi xứ người. Chính vì thế mà ta không nên đọc thơ hay văn của Thi Hạnh bằng con mắt Việt thuần tuý của thời đã qua. Như tôi đã bàn rằng ngôn ngữ là biểu tượng văn hoá sống động. Và văn hoá sống động thì luôn luôn thay đổi để thích ứng và hoà nhập vào đời sống và xã hội xung quanh.

Thi Hạnh là ai? Cô đã có quá trình sáng tác ra sao, sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Na-Uy như thế nào? Cuộc mạn đàm sau đây, hy vọng, tạo ra được vài nét về phong cách văn học nghệ thuật của cô. Mời bạn cùng tôi mạn đàm với nhà thơ, nhà văn, và nhạc sĩ ca khúc Thi Hạnh.

TTM. Chào cô, cảm ơn cô đã nhận lời tham gia vào cuộc bút đàm viễn liên dù chúng ta chưa từng gặp gỡ nhau. Xin cô cho biết bắt đầu sáng tác thơ, văn từ khi nào?

Thi HạnhDạ thưa, TH bước vào con đường sáng tác trước tiên bằng thơ, sau đó mới tới văn và nhạc. TH nhớ là từ thời trung học, lớp 7 hoặc lớp 8 gì đó. Mục đích chỉ là để duy trì vốn liếng tiếng Việt ít ỏi của mình. Từ nhỏ TH thích những câu có vần có điệu như đồng dao, ca dao, tục ngữ v.v… nên đã tập tành gieo vần thành những câu thơ, tuy rất vụng về nhưng không ngờ đó là sự bắt đầu, và rồi dần dà TH bước vào sự đam mê thi ca cho đến bây giờ.

TTM. Cho phép tôi tặng cô lời khen. Gần nửa thế kỷ qua, tôi vẫn quan tâm đến việc gìn giữ và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng Việt Hải Ngoại. Nếu gia đình Việt Hải Ngoại nào cũng có được những người con như cô thì tiếng Việt sẽ phát triển tốt đẹp. Thưa cô, những gì thôi thúc cô sáng tác?

TH. Chỉ viết theo cảm xúc nên đôi khi rất phiếm diện, nhưng thiết nghĩ là mình chỉ viết cho mình, viết để trải lòng, viết để ghi lại những cảm xúc của mình, rồi thì dần dà TH đã mạnh dạn chia sẻ với bạn bè, riết thành thói quen, và thơ như đã trở nên người bạn đồng hành thân thiết, nên cứ lâu lâu không viết thì lại nhớ, nhớ thì lại viết, chỉ thế thôi ạ.

TTM. Tính đến hôm nay cô đã có bao tác phẩm, và gồm những thể loại nào?

TH. Dạ thưa TH đã có những tác phẩm sau đây:

* Hạnh Phúc Đơn Sơ, thơ, 2006
* Quanh Vùng Tóc Rối, thơ, 2008
* Những Chuyện Linh Tinh, văn, 2014
* Bẻ Đôi Huyền Thoại, thơ, 2018
* Một Cuộc Hành Trình, văn, 2018

Ngoài ra TH còn có những tác phẩm in chung với bạn bè, và góp bài trong những tuyển tập của Đồng Tâm và Phụ Nữ Việt. TH cũng có những sáng tác trong lãnh vực âm nhạc, và hứa hẹn sẽ cố gắng phát hành những album nhạc trong tương lai.

TTM.  Các tác phẩm của cô chuyển đạt những ý tưởng gì?

TH. Dạ thưa, với thơ thì chỉ là cảm xúc về tình yêu, tình đời, tình người. Riêng với văn thì TH đã viết những mẫu chuyện rất ngắn gọn về những đề tài rất thường trong cuộc sống, và đã được gom lại trong tuyển tập Những Chuyện Linh Tinh. Với Một Cuộc Hành Trình thì đây là cuốn tự truyện về chuyến vượt biên của TH, được viết bằng 2 ngôn ngữ, Việt – Na Uy, vì TH muốn kể lại cho những thế hệ sau này, để con cháu của chúng ta biết được tại sao cha mẹ chúng lại rời bỏ VN, lại có mặt ở Na Uy.

TTM. Ý nghĩ rất hay và cần thiết cho việc gìn giữ và phát triển văn hoá Việt Hải Ngoại. Lịch sử di dân, tỵ nạn, và vượt biên là căn bản cần thiết để các thế hệ tương lai có chỗ đứng và có điểm tựa cho việc phát triển căn cước và căn tính Việt Hải Ngoại. Ngoài thơ và văn, tôi mới được biết cô sáng tác ca khúc nữa. Động lực nào thôi thúc cô sáng tác? Và xin cô chia sẻ đôi lời về ca khúc đã đoạt giải Sáng Tác Mới của SBTN.

TH. Vâng, thí dụ như nhạc phẩm Đi Tìm Tình Nhân Loại mà TH đã may mắn đoạt giải nhất trong cuộc thi Sáng Tác Mới kỳ 3, do đài truyền hình SBTN thực hiện vào năm 2013-14. Đấy là trong lần về thăm lại VN, TH thấy những đứa trẻ con đi bán vé số trên các vỉa hè và quanh những quán ăn. TH chợt thấy đau lòng vì những đứa bé này đáng lý ra phải được đến trường, phải được ăn được học chứ đâu lại phải dầm mưa giãi nắng thế này. Lúc đó TH mới nghĩ đến cái tình người, giá như…

(Hình phải: Thi Hạnh, ảnh chụp năm 2021)

Lời bài nhạc thế này:

Lang thang trong ngõ vắng
tìm gì hỡi em yêu,
đi tìm tình nhân loại
bên quán cóc đìu hiu?

Lang thang trong ngõ tối
tìm gì giữa hoang vu,
em đi tìm hơi ấm
trong đêm trắng sương mù?

Đời dạy em biết yêu thương
hay đời dạy em nhiều oán hờn?
Đời dạy em biết tơ vương
hay đời dạy em toàn gian dối?

Đời dạy em biết thứ tha
mà đời quên tha thứ?
Vì đời nhiều phôi pha
và tin yêu nhạt nhoà?

Lang thang trong đêm vắng
em tìm được gì không
hay lòng người đá lạnh
nên em vẫn âm thầm?

TTM. Đấy là một ca khúc rất nhân bản. Lời ca và dòng nhạc quen thuộc nên dễ đi vào lòng người nghe. Tôi không theo dõi các chương trình văn nghệ nên nếu cô không cho biết thì tôi đã không có cơ hội nghe ca khúc này.
Bạn đọc có thể bấm vào link sau đây để nghe (sáng tác: Thi Hạnh – trình bày: Nguyên Khang).

Xin cho biết Cô bắt đầu sáng tác từ khi nào?

TH. Thật ra thì đến với thơ, văn, cũng như nhạc, tất cả đều là tình cờ nên TH không nhớ rõ. Chỉ nhớ sau năm 2000, khi mạng lưới internet thịnh hành hơn thì TH đã tham gia các nhóm văn học nghệ thuật trên mạng và quen được với nhiều anh chị cùng sở thích, thế rồi có nhiều anh chị đã phổ thơ của TH. Vài năm sau đó, thì TH cũng nghĩ ờ sao mình không thử viết nhạc, và những bài nhạc đầu tiên thì TH đã phổ thơ của Tiểu Thảo. Sau đó được các anh chị khuyến khích vì nhạc cũng dễ nghe, và từ đó thì TH bén duyên với nhạc luôn.

TTM. Cô học nhạc ở đâu và sử dụng nhạc cụ gì?

TH. Sử dụng keyboard. Vốn thích hát từ nhỏ nên TH có học đàn được 3 năm. Sau này vào sư phạm thì TH được học thêm căn bản nhạc lý bên khoa âm nhạc của trường.

TTM. Những ca khúc cô sáng tác thuộc chủ đề gì?

TH. Đa số là nhạc trữ tình, và một số ít về quê hương và thân phận. 

TTM. Xin cho biết thêm ngoài sinh hoạt thơ, văn, cô có sinh hoạt ca hát không?

THBiết trời không cho mình giọng ca nên không có mộng làm ca sĩ, TH chỉ hát vui với bạn bè, hát chung trong ca đoàn và đôi khi hát demo những bài nhạc của mình sáng tác thôi ạ. 

TTM. Xin cho biết thi sĩ hay văn sĩ nào ảnh hưởng đến sáng tác của mình?

TH. Cũng không rõ, nhưng từ nhỏ thì TH có duyên đọc được thơ của Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân, Xuân Quỳnh, thậm chí cả Kiều của cụ Nguyễn Du v… và sau này thì TH được tặng 2 tập thơ của Trần Trung Đạo và rất thích, vì những bài thơ của chú đánh động tâm hồn mình, những khắc khoải, những nỗi niềm đau đáu dành cho quê hương dân tộc như bừng sáng, như được ve vuốt để những khao khát về một VN tự do, dân chủ càng mãnh liệt hơn.

TTM. Cô nhắc đến nhà thơ và nhà tư tưởng Trần Trung Đạo. Tôi cũng đồng ý với cô về thi tài của ông, nhất là tài sử dụng ngôn ngữ thi ca của ông. Xin cô chia sẻ đôi điều về mình (tên cha mẹ đặt, bút hiệu), và lịch sử đời mình kể từ ngày thơ ấu, đến trưởng thành.

TH. Tên thật là Mai Thảo, và Mai Thảo cũng là tên một nhà văn tên tuổi của VN mình, nên khi sáng tác Thảo mới lấy bút hiệu là Thi Hạnh. Ba là người Thanh Hóa và má TH là người miền Trung, Bình Định, di cư vào Nam theo đoàn người vào năm 1954. TH được sinh ra ở Vũng Tàu. Lúc hơn 9 tuổi thì má cho đi vượt biên với người anh họ. Hai anh em đến đảo Galang, Indonesia, và khi đến Na Uy thì TH được 10 tuổi, và ở Na Uy từ đó cho tới bây giờ.

Từ lúc mới làm thơ thì TH lấy nhiều bút hiệu khác nhau lắm, giờ cũng không nhớ mình đã có tới bao nhiêu bút hiệu, nhưng kể từ năm 2003, khi internet bắt đầu bước vô mọi nhà thì những sinh hoạt văn học nghệ thuật trên các trang mạng điện tử cũng bắt đầu khới sắc, và TH đã tham gia với tên Thi Hạnh. 2 chữ Thi Hạnh được đảo ngược từ tên Hạnh-Thi, đó là tên mà TH đã đặt cho đứa con gái đầu lòng. Hạnh là hạnh phúc, Thi là thơ. TH ao ước cuộc đời của bé sẽ là những bài thơ hạnh phúc.

TTM.  Có kỷ niệm nào vui nhất đời?

TH. Dạ thưa, kỷ niệm thì nhiều, nhưng vui nhất đời thì nghĩ mãi chưa ra.

TTM. Có lẽ cô có quá nhiều niềm vui nên khó tìm ra được niềm vui nhất đời mình.  Thế kinh nghiệm nào bi tráng nhất đời?

THĐó là những ngày trong chuyến vượt biên, cứ tưởng tượng như mình là một tráng sĩ lao vào cuộc chiến với những con sóng dữ, một sống hai chết.

TTM. Kinh nghiệm vượt biển Đông của người dân Miền Nam Việt Nam sau chiến tranh là một kinh nghiệm cực kỳ bi tráng và kinh hoàng, không chỉ là của người Việt, nhưng là của nhân loại trong thế kỷ 20. Xin cô chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ về những sinh hoạt văn nghệ của mình.

TH. Sinh hoạt của TH khá đa dạng vì ngoài văn thơ, TH còn viết nhạc, ca hát và làm MC cho các chương trình văn nghệ, nên kỷ niệm thì rất nhiều. Thương quý và trân trọng nhất vẫn là TH có cơ hội quen biết với nhiều anh chị trong giới văn nghệ, quen từ mạng ”ảo” nhưng đã gặp gỡ nhau, trân quý nhau và trở thành những người bạn thân tình.

TTM. Tôi đồng ý với cô về sự giao hảo văn nghệ, nhất là những sinh hoạt hay liên hệ văn nghệ thuần tuý, ca ngợi chân thiện mỹ nhưng không ca ngợi chủ nghĩa hay tôn vinh lãnh tụ.  Cô mưu sinh bằng nghề gì?

TH. Tốt nghiệp sư phạm, nên nghề chính là dạy học ạ.

TTM. Như vậy tôi xin chào cô giáo nhá. Tôi nghĩ học trò của cô rất may mắn vì các em được học với cô giáo có tâm hồn tràn ngập thi ca. Theo tôi, thường thì các cô giáo hay thầy giáo có trái tim nghệ sĩ rất dễ thông cảm được với học sinh của mình. Sinh hoạt mỗi ngày của cô giáo ra sao?

THNgoài công việc kiếm cơm và viết lách ra thì TH cũng có rất nhiều những thú vui tiêu khiển khác như trồng trọt, câu cá, bắt cua vào mùa hè, hái nấm, hái trái rừng vào mùa thu, mùa đông thì trời lạnh và nhiều tuyết nên chỉ ở trong nhà thôi. Ngoài ra TH cũng tham gia tích cực trong những sinh hoạt của cộng đồng người Việt, những sinh hoạt văn nghệ ở Na Uy và Châu Âu nên thời khóa biểu cũng khá là dày.

TTM. Có dự tính gì về sinh hoạt thi ca trong tương lai?

THDự tính in thêm một tập thơ và chọn lọc lại những nhạc phẩm của mình và gom thành một hoặc hai album nhạc collection.

TTM. Tôi mong được đón nhận những sáng mới. Cô có thông điệp nào chia sẻ với độc giả không?

THXin mượn nơi đây để tri ân đến quý bằng hữu, quý độc giả đã dành sự ưu ái cho những sáng tác của TH trong nhiều năm qua.

TTM. Cảm ơn cô và chúc cô tiếp tục sáng tác để làm đẹp và làm phong phú thêm cho văn nghệ và văn hoá Việt Hải Ngoại. Mong gặp lại cô trong các sáng mới.

Các hô hào về việc gìn giữ văn hoá Việt của nhiều vị lãnh đạo cộng đồng người Việt Hải Ngoại chỉ là những tiếng trống chiêng vang lên rồi tắt lịm nếu không có những sinh hoạt văn học nghệ thuật, nhất là những sáng tác mới. Chúng ta không thể sống lại dĩ vãng hay sống theo văn hoá Việt của người Việt trong nước. Những người như Thi Hạnh chính là những người đang đóng góp tích cực cho việc gìn giữ gia tài văn hoá Việt truyền thống để làm nền tảng cho văn hoá Việt Hải Ngoại đương đại. Chúng ta như cây cỏ được trồng ở những vùng đất mới nên muốn sống còn thì phải hoà nhập vào thời tiết của những miền đất mới để đơm hoa kết trái.  Và hoa quả mới, dĩ nhiên, sẽ có mầu sắc và mùi vị mới.

Mời độc giả và thân hữu đọc thêm thơ và nghe ca khúc của Thi Hạnh trên mạng: https://thihanhthi.wordpress.com/

Trần Thu Miên

1 nhận xét:

Tuệ Kiên nói...

Cô giáo mười tuổi đã vượt biển thành công, lại đầy ắp tình yêu quê hương, nhân loại. Văn, thi, nhạc của Thi Hạnh chứng tỏ Cô yêu tiếng Việt nồng nàn. Cũng nhờ yêu văn chương Việt Nam, mà Cô vẫn giữ được nguồn gốc tị nạn Việt Nam của mình, thật đáng khen, thật đáng khâm phúc. Hy vọng những người bạn trẻ thế hệ hai, ba tiếp tục giữ vững lập trường chống Cộng Sản, vì CS chính là nguyên nhân của chết chóc, của đau thương mà toàn dân Việt Nam đang phải gánh chịu...