Nhiều người cho rằng ngủ riêng làm giảm hạnh phúc hôn nhân, một số nghiên cứu lại chứng minh 'ly hôn giấc ngủ' có thể là chìa khóa cho mối quan hệ lành mạnh hơn. Cuộc khảo sát tiến hành năm 2004 trên 1.057 người Mỹ trưởng thành đã kết hôn cho thấy chỉ 14% các cặp vợ chồng nói rằng họ mỗi người ngủ một giường. Trong một cuộc thăm dò với 2.000 người Mỹ trưởng thành do công ty chăn ga gối đệm Slumber Cloud ủy quyền thực hiện, gần một nửa số người được hỏi cho biết họ thích ngủ một mình hơn là ngủ cùng giường với người bạn đời. Lý do khá dễ hiểu: khoảng 1/5 cảm thấy người bạn đời của họ là nhân tố chính làm gián đoạn giấc ngủ của họ hàng đêm. Vậy thì vì sao ngủ riêng làm vợ chồng hạnh phúc hơn?
Một đêm không ngon giấc có thể biến những người yêu nhau thành những kẻ ghét nhau
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Y khoa Pittsburgh, ngủ chung giường với bạn đời mắc chứng ngủ không yên/mất ngủ... có thể khiến bạn mất 49 phút ngủ mỗi đêm. Khi một bên không có giấc ngủ ngon vì nửa kia, điều đó có thể sẽ dẫn đến xung đột giữa hai phía vào ngày hôm sau.
Thực tế chỉ ra rằng những cặp đôi có xu hướng ngủ không ngon giấc thường xuyên xảy ra xung đột so với những cặp thức dậy sau một đêm ngon giấc. Mặt khác, những người có giấc ngủ ngon thường có tâm trạng tốt, mức độ căng thẳng thấp hơn và kiên nhẫn hơn.
Sự cáu kỉnh với bạn đời khi họ khiến bạn ngủ không yên có thể làm hủy hoại mối quan hệ.
Ngáy, trằn trọc và trùm chăn kín đầu... là vài trong số nhiều lý do tại sao một số cặp vợ chồng chọn ngủ khác giường hoặc thậm chí khác phòng. Nằm thức lắng nghe người bạn đời của bạn ngáy trong khi bạn không thể đi vào giấc ngủ có thể dẫn đến sự tức giận, căng thẳng và giận dữ đối với đối phương.
Theo Jennifer Adams, tác giả cuốn sách "Sleeping Apart Not Falling Apart", ngủ trong phòng ngủ riêng biệt có thể giúp mối quan hệ phát triển mạnh mẽ vì cả hai đều không bị thiếu ngủ.
Ngủ riêng phòng cho phép các cặp vợ chồng điều chỉnh giờ giấc phù hợp hơn. Minh họa: Brightside.
Mỗi người có thể chủ động điều chỉnh giờ giấc ngủ cho phù hợp
Tina Cooper - một nhân viên xã hội - ngủ khác phòng với chồng, vì thói quen ngủ của họ trái ngược nhau. "Tôi là một con cú đêm, anh ấy là một người thích dậy sớm. Tôi cần những âm thanh dịu êm để có thể chìm vào giấc ngủ, trong khi anh ấy thích sự im lặng. Anh ấy thích một tấm nệm cứng, còn tôi thích những chiếc gối mềm mại, to. Vì tôi không thích ánh sáng mặt trời đầu ngày, anh ấy đã dành cho tôi phòng ngủ chính, nơi có ít ánh sáng hơn, trong khi anh ấy có căn phòng đón nắng, giúp anh được đón ánh bình minh yêu thích".
Cách bạn dành cả đêm ngủ chung với bạn đời cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động ban ngày. Sự hài lòng trong hôn nhân cũng như sức khỏe tâm lý và thể chất của bạn vì thế giảm sút. Việc thay đổi bản thân chỉ để làm hài lòng nhu cầu của đối tác có thể gây hại cho mối quan hệ về lâu dài.
Ngủ khác phòng đồng nghĩa với việc cả hai sẽ có một nơi riêng tư, nơi họ có thể thư giãn sau một ngày mệt mỏi.
Giấc ngủ bị xáo trộn có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn
Trong đêm, não của chúng ta trải qua các giai đoạn của giấc ngủ: ngủ nhẹ, ngủ sâu và REM (ngủ chuyển động mắt nhanh). Tuy nhiên, khi bạn làm gián đoạn chu kỳ này bởi việc thức dậy vào ban đêm, não của bạn dành nhiều thời gian hơn trong giai đoạn ngủ nhẹ và bỏ lỡ giai đoạn REM. Và nếu não không đủ thời gian để hoạt động ở giai đoạn REM, tình trạng cảm xúc và hiệu suất nhận thức của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Giấc ngủ bị gián đoạn cũng có thể gây ra các hậu quả sức khỏe ngắn hạn và dài hạn như tăng huyết áp, các vấn đề liên quan đến cân nặng, các vấn đề sức khỏe tâm thần, giảm chất lượng cuộc sống và các vấn đề liên quan đến sức khỏe khác.
Thùy Linh (Theo Brightside)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét