Xin cảm ơn Mũ xanh Phạm Văn Tiền đã viết lại trận phục kích ngày 29 tháng 6 năm 1966 tại Phong Điền của Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến. Trong trận đánh cuối cùng này người anh ruột duy nhất của tôi, Don Bosco Nguyễn Cầu, đã tử trận cùng vị Tiểu Đoàn Trưởng Trung Tá Lê Hằng Minh.
meohoang Nguyễn Cần
Thủy Quân Lục Chiến lại lên đường tham dự HQ Lam Sơn 283 truy kích địch tại mặt trận Ðông Bắc Quảng Trị. Nhiều sư đoàn cộng sản Bắc Việt đã lợi dụng tình hình bất ổn tại hậu phương của ta,...nên đã xua quân chiếm một số thôn hẻo lánh do các đơn vị “địa phương quân” trấn giữ. Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến thanh toán địch tại các vùng từ Thôn Bích La Hậu về hướng Bắc. Còn Tiểu đoàn 2 TQLC tại khu Gia Ðẳng. Cuộc chạm súng thật ác liệt đã xãy ra cùng ngày. Từ Gia Ðẳng I tiến chiến Gia Ðẵng II dọc theo hương lộ lộ 555, đơn vị đã phải trả một giá khá đắt. Nhiều binh sĩ bị thương vong khi khoảng cách ta và địch quá gần...
Thiếu úy Nguyễn Tuấn Kiệt bạn cùng khóa K20 trung đội trưởng trung đội 2/ÐÐ3 đã bị tử thương vào lúc 6 giờ chiều khi điều động đơn vị mình xung phong vào vị trí địch. Ðại đội 2 của tôi cũng gần 10 mạng hy sinh. Như bao lần trước, lệnh tiến chiến mục tiêu bằng bất cứ giá nào cũng phải được thi hành. Trung đoàn 808 Việt cộng đã phải chịu một tổn thất khá nặng khi các Ðại đội trong tiểu đoàn cùng đồng loạt đánh bật chúng ra khỏi vị trí lúc nữa đêm. Sáng ngày hôm sau trong lúc truy kích địch để bắt tay với tiểu đoàn bạn ta đã phát giác nhiều xác địch bị bỏ lại trên đường chúng rút lui, cùng rất nhiều vũ khí, đặc biệt ta đã bắt sống hàng chục tù binh, khi chúng chui rúc lẫn trốn tại các bụi rậm dọc theo 2 bên bờ sông Vĩnh Ðịnh. Toàn bộ đơn vị được lệnh lui về Huế để ăn mừng chiến thắng. Thiếu tá Tiểu đòan Trưởng Lê Hằng Minh, cùng các đại đội trưởng đều được thăng cấp tại mặt trận trong dịp nầy. Riêng bản thân tôi được ân thưởng 1 anh dũng bội tinh với ngôi sao vàng.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 29-6-1966 tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến rời vị trí đóng quân tại ngã ba An Hòa Huế để lên đường hướng về Ðông Hà dự cuộc Hành quân hỗn hợp với Ðồng Minh. Di chuyển trên 30 GMC theo thứ tự đội hình, ÐÐ1, ÐÐ3, ÐÐCH, ÐÐ2, và ÐÐ4. Ðoàn xe được bao vùng bằng 2 chiếc phi cơ quan sát L19 do các phi công Hoa Kỳ điều khiển, liên lạc qua hệ thống cố vấn trưởng Ðại úy Campbell. Khoảng 10 giờ 30 sáng cùng ngày, khi xe cuối cùng của ÐÐ4 vừa qua khỏi cầu Phò Trạch quận Phong Ðiền thì toàn bộ tiểu đoàn đã bị lọt trọn vẹn vào trận vận động độn thổ phục kích của địch. Lực lượng Việt cộng gồm có Tiểu đoàn chính quy 800 được tăng cường thêm đơn vị phòng không C15 gồm súng nặng 12 ly 7, đại liên 50 có bánh xe, tăng cường thêm đơn vị C16 gồm súng cối 82 ly, SKZ 57 ly và 2 cây đại bác 75 ly. Ðơn vị nầy nhắm đánh xe tăng và yểm trợ cho quân xung phong khi tiến cũng như giải quyết chiến trường. Quân số địch tham dự trận phục kích gần 700 người cộng thêm quân du kích địa phương.
Từ địa thế cao tại các hầm lô cốt cũ của quân đội Pháp để lại, địch đã mai phục từ 2 giờ sáng đồng loạt tác xạ tới tấp vào đoàn xe di chuyển, nặng nhất là khu trung tuyến nơi Bộ chỉ huy tiểu đoàn, gần như tất cả xe thuộc đại đội chỉ huy đều bị bốc cháy ngay đợt khai hỏa đầu tiên.Vì là xe đầu của ÐÐ2 theo sát Đại đội chỉ huy, nên tôi đã chứng kiến tận mắt những gì đã xãy ra thật chớp nhoáng và quá bất ngờ. Ðịch từ các hố cá nhân được đào sâu trong lòng đất, vùng dậy hò hét xung phong bằng kèn đồng dao găm và mã tấu. Ta không kịp phản ứng lúc ban đầu nên chúng tha hồ ra tay sanh sát.
Khi súng địch nổ bùng, các chiến sĩ TÐ2 Trâu-Ðiên phản ứng tự nhiên bằng cách nhảy khỏi xe, tràn qua trái, băng qua đồng trống lối vài chục thuớc để chiếm lỉnh cao địa ở dãy đường rầy xe lửa. Nhưng địch đã nằm đầy nhóc tại phía này và quân ta đã xung phong vào chỗ chết Trung úy Sơn-Xil cùng toàn bộ trung đội cảm tử quân của ông ta đã đền xong nợ nước. Xác ông ta nằm bên ven lộ cạnh thi hài vị Tiểu đoàn trưởng bầm dập bởi nhiều nhát đâm, nhát chém. Các sĩ quan khác như đại úy Hảo y sĩ trưởng Tiểu đoàn, Thiếu úy Thái Bông trưởng ban 3, Thiếu úy Hưởng may mắn sống còn nhờ chạy lẩn khuất vào cái bụi rậm bên phải lộ sau khi đã bị thương nhẹ. Ðặc biệt cố vấn trưởng TÐ đại úy Campbell bị địch cố tình bắt sống dẫn đi, nhưng ông ta đã thoát được nhờ sự can thiệp kịp thời các phi tuần võ trang. Người may mắn nhất trong trận đánh nầy là đại úy Trần Kim Ðệ ÐÐT/ÐÐCH.
Riêng cái chết của Thiếu úy Nguyễn Cầu trưởng ban 5 tiểu đoàn vẫn còn là niềm ám ảnh mãi trong trí tôi cho đến lúc sau nầy. Anh bị thương nặng bởi nhiều vết thương khác nhau trên cơ thể, nhưng khi tôi đến tiếp cứu, anh vẫn còn tỉnh táo lạ thường. Anh nhờ tôi trao lại gia đình anh cái bóp đầy giấy tờ kỷ niệm khi đơn vị về hậu cứ, nói những lời từ biệt sau cùng. Anh Cầu tiếp tục lẩm bẩm đọc kinh trong khi miệng vẫn còn ngậm xâu chuỗi... và anh đã về với Chúa chỉ vài giây sau đó.
Các đại đội tác chiến còn lại hầu như nguyên vẹn dưới sự điều động của Tiểu đoàn phó tiếp tục bung rộng, truy kích..., một bộ phận còn lại tập trung vào việc tải thương. Dù đã bị thất thế, trong lúc Việt cộng mai phục ở vị trí do chính địch chọn lựa. Tuy vậy, ai gục thì đành chịu, còn lại tỉnh táo tựa lưng vào nhau tiếp tục chiến đấu. Còn địch thì chẳng còn kịp rút lui vào những dãy đồi trọc chập chùng bát ngát chạy dài tới vùng Cận Sơn. Chúng là những tấm bia di động tốt nhất các trực thăng võ trang, cùng đơn vị bạn TÐ5 Nhảy Dù đã được trực thăng vận cấp kỳ vào trận địa.
Chắc rằng sự thiệt hại của ta khá nặng, nhưng chẳng thấm vào đâu so với sự tổn thất to lớn của địch. Ðại tá Ngô quang Trưởng, tư lệnh SÐ1, đã có mặt tại chiến trường ngay vào trưa hôm đó. Ông đã phải nói lời thành thật rằng “Trong đời binh nghiệp của ông, kể cả hồi Pháp, chưa hề thấy trận phục kích nào lại biến thành trận phản kích tuyệt vời như trận đánh tại cây số 34 trên quốc lộ 1 ngày 29/6/1966 của tiểu đòan 2 TQLC”. Sau này được biết là có cán bộ Việt cộng nằm vùng trong bộ chỉ huy hành quân Quân đoàn 1, nhằm tiêu diệt trọn ổ Tiểu đoàn 2 Trâu Điên để trả thù cho các vụ biến loạn Phật Giáo.
Buổi chiều cùng ngày đoàn xe quay ngược trở về Huế với đầy đủ lực lượng hùng hậu còn lại của 4 đại đội tác chiến. Qua đêm tại vùng ngọai ô Phú Bài để rồi sáng ngày hôm sau đó, toàn bộ được không vận về hậu cứ Thủ Ðức.
Mũ xanh Phạm Văn Tiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét