Từ chiếc máy Vietnamese Public Radio, giọng đọc tiếng mẹ đẻ còn ngượng ngùng của các em trong Ban Ca Nhạc Alpha, Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Từ Bị Thủ Ðức, tôi nghe người ấm lại. Nghe lòng ấm hẳn lại! Các em đọc Thông báo. Các em ca. "Ngày bao hùng binh tiến lên. Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến...". Ối! Thương sao là thương! Nôn nao! Xao xuyến! Các em hát hay tôi hát! Không, tôi đã từng hát hơn nửa đời rồi. Bây giờ không còn hùng hồn nổi nữa! Tôi vặn bớt âm thanh cho vừa đủ nghe. Cho êm dịu hơn. Cho hồn mình nổi trôi về dĩ vãng theo lời ca tiếng nhạc dặt dìu của các ca sĩ ... hậu duệ Thủ Ðức.
Tháng 3 năm 1965, tôi theo các bạn đồng nghiệp trình diện Trung Tâm Tuyển Mộ và Nhập Ngũ số 2 tại Tháp Chàm, Ninh Thuận. Rồi lên xe lửa vô Sàigòn, đến Thủ Ðức. Vào Ðại Ðội 13. (Sao không là 12 hay 14 mà là 13? Ghê quá hỉ!) Nhưng, những ngày tháng tại đây đã để lại trong tôi biết bao niềm thương nỗi nhớ. Ðại Ðội trưởng, Ðại úy Hoan, người nói tiếng Bắc, giọng Bùi Chu, hiền khô! Trung Úy Ðỉnh, Trung Ðội Trưởng. Cũng là người Bắc. Lại cũng hiền khô. Tôi được hai vị này ưu đãi tận tình. Những bài tập đầu tiên tôi còn có mặt. Bị hít đất, thụt dầu vài lần. Nhưng, còn đoạn đường chíến binh, bò hỏa lực, vượt sông, hành quân dã trại, gì gì nữa... tôi không được nếm mùi tập luyện.
Thật là xấu hổ! Sau 4 tuần đầu, cứ mỗi buổi sáng Ðại Ðội vừa ra đến bãi Tập, đồi Tăng Nhơn Phú, là Trung Úy Ðỉnh chạy vespa đến, gọi: - Huệ đâu? Trình diện tôi. Và cứ thế, cho đến hết giai đoạn I, tôi thường được về Ðại Ðội cất súng, ba lô... lên Bộ Chỉ Huy của Trường làm báo và học võ thuật Thái Cực Ðạo. Gần suốt thời gian này, gia đình vợ con ở Phan Rang không ai thăm nuôi tôi. Ngày lễ gắn Alpha, được phép về Sàigòn, tôi đi theo anh Pha, người Nha Trang ở cùng Phòng, về Hòa Hưng thăm Ba Già Nuôi của anh. Có cả anh Thúy, nằm giường trên tôi. Gia đình Bà Mẹ Nuôi gốc Huế. Tôi rất vui với các em nhỏ như gặp lại các em học sinh thân yêu của mình. Ai hỏi tới đâu, trả lời tới đó. Gia đình vợ con, có bao nhiêu người cũng kể tuốt tuột.
Nhà này nhiều con cháu quá! Tôi không nhớ hết tên. Anh Thúy đẹp trai nhất. Ðược các cô chiếu cố nhiều nhất. Chúng tôi được chiêu đãi quá sức nhiệt tình, thân mật, tươm tất, phủ phê. Chiều chủ nhật, trở lại quân trường. Anh Pha nói xa nói gần: - Ê Huệ! Mày hay thiệt! Mới đến nhà Bà Già có một lần, đã chiếm cảm tình các cô rồi đó! Tôi thành thật : - Anh Pha! Nói chơi hoài, tội nghiệp! Tôi có làm gì đâu! Pha vừa xếp quà vừa cười mỉm: - Chính cái chỗ mày không làm gì, mấy cổ mới khoái mày. Tao thấy cô Chín cứ nhìn mày hoài. Cổ nói đã quen biết mày ở đâu lâu rồi. Cổ còn có quà đặc biệt cho mày nữa đó! Mày còn chối?
Tôi trả lời như phân bua: - Anh và anh Thúy cũng có mà! Thúy đổ dầu vào lửa: - Anh Pha và tao đâu có duyên bằng mày! Không chừng trong gói quà có thư của người đẹp nữa! Không tin cứ mở ra coi đi! Nửa tin nửa ngờ. Không muốn các anh và những người bạn xung quanh dòm ngó, tôi chống chế: - Làm gì có chuyện đó! Toàn kẹo với bánh khô không đây nè! Tôi vừa nói, vừa mở; nhưng cũng vừa lấy người che dấu. Quả thật, các anh nói đúng!
Bình Dương, ngày 15-5-65
Ông Huệ, Khi ông về đến Trường, lá thư này đang nằm im trong gói quà được ông khám phá ra. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn tin rằng nó sẽ làm dịu đi nỗi nhớ nhà da diết trong ông. Ðó là tâm trạng của người trai xa nhà, tùng chinh nhập ngũ. Họ thường bần thần suốt một thời gian dài, hồi tưởng lại những cảm xúc về quê nhà... Thưa ông, Mấy tuần trước, cả nhà đều rộn ràng sắm sửa chuẩn bị tiếp đón "ba người ngự lâm pháo thủ", từ Thủ Ðức về phép. Chị Năm tôi nửa đùa nửa thật lập đi lập lại nhiều lần, và cho biết chi tiết. Anh Pha là người anh trong gia đình quen biết ở Nha Trang. Anh Thúy là bạn anh Pha và một người nữa. Người này gốc Huế, ở Phan Rang.
Khi gặp ông, tôi như gặp lại một người thân yêu đã xa cách từ rất lâu. Hình dáng, gương mặt, nét cười hiền hòa, hơi ấm của bàn tay chai sạm... hình như rất thân quen. Lục tìm trong ký ức, tôi vẫn không sao nhớ được, tôi dã từng gặp ông ở đâu!? Giờ thì, tôi biết tại sao rồi! Bởi những dòng chữ ông viết để lại cho me Bảo Linh, bà xã ông, dặn dò trước lúc nhập ngũ. Con tôi, bạn cùng trường của Bảo Linh, đã đọc cho tôi nghe từng lời một. Những trăn trở của ông trước cuộc sống tương lai của Bảo Linh. Tôi cũng tìm thấy một phần hình ảnh, tâm tư mình trong đó.
Nó đã từng là những suy nghĩ của tôi. Tôi đã thao thức mấy đêm liền. Suy nghĩ thật nhiều trước khi đánh liều viết thư cho ông. Và tôi tự hỏi: "Tại sao mình lại viết ra những cảm xúc tự thân để trao gởi cùng ông?" Thưa ông, có những con người sống giữa bao người thân yêu, nhưng tâm hồn họ vẫn cô đơn. Họ như lạc lõng giữa thế giới mà những gì họ làm như xa lạ với người xung quanh. Tôi viết tiếp thư cho ông, lúc gần 5 giờ sáng. Có lẽ giờ này ông và các bạn cũng đã thức dậy tập thể dục, vừa chạy vừa la vang trên các con đường quân trường sũng nước mưa đêm qua. Tôi dạo một vòng quanh nhà máy để cái lạnh buốt xương thấm vào người. Lúc này sao thèm vô cùng một chút ấm áp của gia đình, bên cạnh những người mình thương yêu.
Ông biết không, chỉ cách Thủ Ðức của ông hơn 20 cây số, mà bầu trời Bình Dương sáng nào cũng phủ mờ sương. Một màn khói mong manh, trắng đục bao trùm lên vạn vật. Những vườn cây ăn quả lặng im không lay động trong sương sớm, cho ta một cảm giác tĩnh lặng, cô đơn khó tả. Có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông cho ra đời bản Ðêm Ðông trong tâm trạng giống như tôi bây giờ. Cuối tuần rồi, tôi và KN, con gái duy nhất của tôi. lấy lý do đi thăm Anh Pha, để... coi mắt ông trước. Mẹ con tôi chờ ông trước cổng Trường, trong tiếng sấm sét rền vang, báo hiệu một cơn mưa lớn. Bầu trời nhuộm màu lam ảm đạm. Mây bay xuống thật thấp. Ðâu đây mưa rơi lác đác trên mái cổng gác, trên mái tôn. Không biết tại anh Pha không thông báo cho ông, hay ông ngại vì chưa quen biết, hoặc vì mưa mà ông không ra, hay sức khỏe ông có vấn đề gì. Vì tôi cũng đọc được câu châm ngôn của các anh "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Chắc chắn các ông chịu không nổi gian khổ cực nhọc từ môi trường an nhàn, thoải mái bước vào khuôn khổ kỷ luật sắt thép của nhà binh...
Bàng hoàng! Tôi ép lá thư lên ngực. Cảm nhận sâu sắc tâm tư tình cảm của người đàn bà, nhất là người mẹ hết lòng lo cho con. Bắt gặp tấm lòng của tôi ưu tư lo lắng cho con, cô đã đồng thanh tương ứng. Dầu vậy, tôi không dám viết thư cho cô. Ðánh động tâm tư sầu mộng của người khác, là một việc nhạy cảm. Nhưng, Thứ bảy cô đã đến thăm tôi với tên giả mà Anh Pha, Anh Thúy không hề biết. Cứ ngỡ là người nhà của tôi, các anh không đi theo. Mấy hôm sau, tôi nhận được thư. Cũng với phong bì màu trắng, không giống bao thư thường thấy, dường như cô tự cắt, xếp theo ý riêng mình, như lá thư trước.
Bình Dương, ngày...
Anh! Ðừng giận vì em không dám gọi anh bằng ngôn từ thương yêu. Anh biết không, ngày hôm qua, sau khi đi thăm anh về, mang nhiều xúc động với nụ cười trên môi. Tại sao em không nói được tròn ý những suy nghĩ của mình với anh, để anh ngồi như... gỗ đá, trả lời lấy lệ. Mặc kệ, em chỉ biết lòng em đang hướng về anh là đủ. Bước xuống xe, vào nhà mà em còn run rẩy. Ðầu óc em bay bỗng ở tận đâu đâu. Em chạy vào phòng, nằm lặng thinh thật lâu để trấn tĩnh nhịp đập của trái tim mình. Mãi trưa hôm sau, bụng đói cồn cào, em ra ngoài kiếm gì để ăn trưa. Thế mà, em đã để lại bát thức ăn hầu như còn nguyên vẹn trước đôi mắt tròn xoe kinh ngạc của KN, con em. Ðầu óc em mênh mang. Cuộc hôn nhân không tình yêu với bố KN kéo dài 10 năm, đã làm em quên đi những rung động tự nhiên của trái tim mình.
Vậy mà, cơ trời dung rủi làm sao, BL. con anh lại thường kể về quá khứ của anh. Anh có rất nhiều tính tình, phong cách của người đàn ông mà em hằng mong đợi. Và những mối giao cảm vô tình nào đã đem tâm hồn em xích lại gần anh hơn. Nói điều này, anh đừng cười em nha! Trước đây, có lần em tự hỏi, tại sao trong cuộc đời không được gặp người đàn ông giống như anh. Tình yêu? Từ lâu, em xem nó giống như món hàng xa xỉ bày trong tủ kính. Chỉ cho em nhìn ngắm, mà không thể nào em có được. Em đã từng ao ước, khi em buồn có một vòng tay ôm em vào lòng, san sẻ với em những lo toan của cuộc sống. Có một bờ vai vững chắc để em tựa đầu gục khóc. Bờ vai yêu thương sẽ hứng những giọt nước mắt yếu đuối đàn bà, chứ không phải là chiếc gối vô cảm, vô tri, vô thức.
Những buổi sáng sớm, chạy xe đi làm trong cơn mưa tầm tã, sấm chớp liên hồi. Nước mưa hòa lẫn trong nước mắt, xốn xang cho phận mình, phận người! Em nhớ anh! Có lẽ giờ này anh cũng đang dãi gió dầm mưa trên bãi tập bùn sình lầy lội. Cũng như anh, trách nhiệm làm người, làm cha, làm mẹ trên vai nặng trĩu, cứ bắt mình phải tiến bước, vượt qua. Giờ đây, với tình yêu đơn phương này có đưa em qua gian khổ, cho em tin những gì tốt đẹp của ngày mai không?! Ðêm hôm qua đến nay, từng lời nói của anh đã theo em suốt đoạn đường dài từ cổng Trường Bộ Binh Thủ Ðức về đến cổng sở làm Bình Dương. Lúc nào em cũng như thấy nụ cười hiền hòa, chân chất của anh. Cả cá tính con người như gói ghém trong nụ cười đó. Nụ cười cho em bao niềm tin, sưởi ấm lòng em xuyên suốt và trải dài đoạn đường em về sau buổi gặp đầu tiên.
Chiều hôm đó, mưa kéo dài dai dẳng. Gió mạnh thổi những hạt mưa thành hằng ngàn mũi kim quất mạnh vào da thịt mình.Vậy mà, em không cảm nhận được cái đau và lạnh ấy chút nào! Chiều nay, em đi làm khi cơn mưa vừa chợt đến. Chỉ là cơn mưa nhỏ cuối mùa với những hạt lất phất bay, không đủ làm ướt chiếc áo khoát ngoài; nhưng để lại trong lòng em một nỗi nhớ vô vàn "Em nhớ anh"! Dù rằng, chúng ta chưa một lần hò hẹn, chưa trao nhau nụ hôn đầu tiên, cũng chưa cho những cảm xúc yêu đương nồng nàn. Vậy mà, nỗi nhớ vẫn len lén đến, vì giữa hai tâm hồn chúng ta đã liên kết nhau bằng sợi dây tinh thần bền chặt. Thèm được một lần dạo chơi cùng anh, nơi mà chỉ có thiên nhiên, gió và cây cỏ mới nghe nhịp đập con tim của hai ta. Anh hãy để dành những ngày nghỉ phép cuối giai đoạn I, anh hãy dành cánh tay rắn chắc, gương mặt sạm nắng cho em ở ngày gặp lại. Anh nhé!
Và rồi, tuần nào cũng như tuần nào, cánh thư màu trắng, không đề tên người gởi cứ đều đặn đến với tôi. Ngày... Anh! Ở lứa tuổi chúng ta, tình yêu không xuất phát từ những rung động bồng bột nhất thời, mà nó chỉ đến khi hai tâm hồn đồng cảm, hướng về nhau. Không hiểu sao lúc này, hình ảnh anh choáng nhiều phần, hay toàn phần, trong tâm trí em đến thế. Anh nè! Phải cố rèn luyện, tuân theo kỷ luật, đừng để bị phạt. Em nghe nói, mấy ông ở 301 dữ lắm. Anh cẩn thận đó. Ðừng phân tâm, không tập trung vô học tập, thì em khổ lắm! Anh biết không! Nhớ anh, em lại nhớ về Vũng Tàu. Nhớ những sáng tinh mơ, chạy bộ ra biển, ngắm mặt trời lên, hít vào đầy lồng ngực vị mằn mặn, rin rít. Ngắm những chú còng gió vội vã, lính quýnh chạy vào hang. Và bàn chân trần được dẫm đạp lên trên những viên cát se tròn vo, ngộ nghĩnh của các chú dã tràng. Những buổi hoàng hôn, chạy xe đạp ra biển ngắm ráng chiều đỏ ối dần dần khuất sau dãy núi Lớn. Và nhìn say sưa sóng biển đánh vào bờ Bãi Sau trắng xóa, rồi rút nhanh ra xa. Ước gì nỗi buồn của em cũng rút ra khơi, xa thật xa như sóng biển dại dương...
Bình Dương, ngày...
Anh, Nghe anh Pha, anh Thúy kể về cuộc sống người... tân binh, mồ hôi lộn nước mắt, lòng em tự dưng chùng xuống. Anh nên giữ sức khỏe không phải cho riêng anh, mà cho cả em nữa. Anh yên tâm đi. Cơ trời đã đưa anh đến với em, ông sẽ không lấy mất anh sớm đâu! Vì chẳng lẽ, cuộc đời em cứ sống thiếu tình yêu mãi sao, Anh? "Hãy yêu như chưa yêu lần nào Hãy cho em môi hôn ngọt ngào Hãy đưa em về nơi cuối trời Giấc mơ yêu cùng anh trọn đời".. Em đã mượn lời nhạc Nguyễn Ánh 9 - người cùng quê Phan Rang với anh đó - để nói lên niềm ước mơ của mình. Anh có nghĩ giống em không? Hãy đan những ngón tay yêu thương vào tay em, cho em cảm nhận được hơi ấm của tình yêu. Bình Dương, ngày... Anh, Em nhớ anh! Nỗi nhớ quay quắt, không thể chịu được lại dâng tràn trong em. Nhớ lời anh nói, giọng nhẹ nhàng, ân cần dặn dò em từng chút một. Từ rất lâu, bạn bè nói chuyện về tâm trạng đang yêu của họ, em thường quay đi cười thầm "Gì mà lụy vì tình dữ vậy"!... Nhưng giờ đây, trái tim yêu đang thổn thức trong em. Lòng cứ muốn nói với anh rằng: Hãy về đây với em, cho em được ôm anh một lần, một lần thôi! Nhân gian thường nói: Tình yêu mãnh liệt nhất là mối tình đầu và mối tình cuối. Có lẽ điều này đúng, vì nỗi nhớ nhung đang đốt cháy lòng em. Mỗi ngày trôi qua, nhất là những ngày sau khi thăm anh từ Trường Bộ Binh Thủ Ðức về, làm em ... thức đủ trắng đêm. Hình ảnh anh lại dày lên trong tâm trí em. Lúc nào em cũng như tâm sự thầm cùng anh. Ôi! Ngày gặp lại, em mong nó đến thật nhanh. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, lòng em đã run lên vì hạnh phúc! Xin anh... đừng là bóng râm, chỉ để cho em dừng chân nghỉ tạm giữa trưa hè nắng gắt! Xin anh... đừng là bếp lửa sưởi ấm chốc lát lúc đêm mưa lạnh giá! Xin anh, hãy là một mái ấm gia đình thật sự để em được làm người vợ hiền bên cạnh người chồng mà em rất mực yêu thương, kính phục.
Anh ơi! Anh đâu có biết, những mâu thuẫn luôn dằn xé trong em. Có những lúc em rất sợ, không dám bảo anh... bỏ trốn, đi với em đến một phương trời xa. Nơi đó chỉ có hai chúng ta... Em tự bào chữa, Quân Ðội thì có hằng triệu người. Còn em... chỉ có mỗi mình anh thôi. Nhưng, ngược lại, em vẫn muốn anh rồi ra là một người lính kiêu hùng, đem lại cho đời, cho người và cho em một tình yêu Tổ Quốc và tình yêu Gia Ðình chân chính, đúng nghĩa, đáng trân trọng, đáng tự hào! Em thích nghe các anh hát vang dội quân trường: - Ðường trường xa muôn vó câu bay dập dồn. Ðoàn hùng binh... Và, em thích thú rung cảm mãnh liệt: - Ngày bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết chiến... Em nguyện sẽ sống xứng đáng, góp sức làm rạng danh huy hiệu mà anh đang mang, Cư An Tư Nguy. Em tự nguyện sát cánh bên anh đem lại chút gì lợi ích cho dân tộc, phần nào san sẻ những khó khăn, đau khổ của người lính chiến và của đồng bào mình. Anh và em sẽ cố gắng, nha anh!
Bính Dương, ngày...
Anh ơi! Làm sao cho em vơi bớt nỗi nhớ nhung này đây? Sự bận rộn của công việc vẫn không làm phai nhạt hình ảnh anh trong tâm trí em. Em nhớ anh vô cùng! Anh có biết không? Tình yêu này làm cuộc sống em có ý nghĩa, hạnh phúc hơn. Nhưng nỗi nhớ dày vò em từng ngày. Em vui theo giờ phút đến thăm anh. Và hụt hẫng buồn khi phải ra về. Dường như em không mấy có thiện cảm với các anh huynh trưởng ‘alpha một gạch’ trực nhật đến báo hết giờ, ‘đuổi’ các anh vô trường. Từ hai tuần qua, không được lên thăm anh, người em cứ thẩn thờ. Thật buồn! Ôi Tình yêu! Hình như nó đã quật ngã em rồi! Anh đâu có biết! Khi em cất lên lời hứa "chờ anh", lòng em thật rung động vì em sung sướng biết rằng, rồi ra, anh sẽ thương em. Còn mấy tuần nữa là anh học hết Giai đoạn I. Phải không? Em nhớ anh rất nhiều. Thương khuôn mặt sạm nắng, đen như... "Mai liên" (Miên lai). Thương bàn tay rắn chắc. Thương nụ cười hiền hòa. Thương ánh mắt biểu hiện ý chí cương nghị. Lúc này, ca ngày em đi làm từ 5 giờ sáng. Ca đêm, sáng 5 giờ về nhà. Gặp lúc các cô sinh viên ôn thi, gây tiếng động nửa khuya, vừa chập chờn ngủ, lại giật mình thức giấc. Phần nhớ anh, phần thiếu ngủ nên trông em phờ phạc hẳn. Khi anh về phép, hãy đưa em đến một nơi nào đó thật bình yên, để em duỗi cả thân thể, khoan khoái, ngủ một giấc ngon lành. Hứa với em nhá, anh thương yêu!
Ngày 25 Anh,
Một tuần mới bắt đầu... Ði thăm anh về, được nghe anh nói. Ðó là ngày có những nốt nhạc reo lên tưng bừng trong em và đi theo em vào giấc ngủ trước khi chìm vào cơn mơ. Em như thấy anh bên em. Ru em vào mộng. Em rất vui vì mình còn khỏe, trí óc mình còn minh mẫn để có thể làm thêm được nhiều việc. Ðôi lúc, cũng thấy mình cứ bị cuộc sống cơm áo gạo tiền lôi đi vùn vụt! Em thèm một bãi cỏ xanh phủ đầy bóng mát, với làn gió nhè nhẹ, cho em nằm thư giãn. Tất cả lo âu, phiền muộn bỏ lại sau lưng. Khung trời bình yên đó bao giờ đến với em? Một năm. 2 năm hay 10 năm? Em cũng chẳng biết nữa! Nếu 1 năm mà chúng ta mới gặp nhau, có lẽ em sẽ trở thành hòn vọng phu hóa đá mất thôi! Một bài hát nào đó, ca rằng: "Cho em một ngày, một ngày thôi..." Tình yêu mầu nhiệm như thế đó! Chỉ cần một ngày cho nhau là đủ, đủ tăng thêm sức mạnh, sống tiếp cuộc đời gian lao còn lại. Và tình yêu chúng ta vượt ra ngoài những ngôn từ yêu thương. Môi chúng ta không cần thốt lên những lời tình ái, nhưng hai tâm hồn chúng ta đã gởi trọn cho nhau, hòa lẫn vào nhau rồi! Anh có cảm nhận được điều đó không?
Anh thương yêu! Những cánh thư chan chứa tình yêu cứ đến hằng tuần. Biết không thể kéo dài được nữa, sẽ đưa nhau vào đường cùng, không lối thoát, tôi viện đủ lý do không ra gặp mặt nàng. Giai đoạn I chấm dứt. Tôi được chọn học ngành, chuyển qua Trường Hành Chánh Tài Chánh, ngay Ngả Năm Chuồng Chó, Sàigòn. Nhưng, tôi nài nỉ anh Pha và Thúy nói giúp rằng: tôi học giai đọan 2 về Binh chủng Biệt Ðộng Quân tại Dục Mỹ, Nha Trang. Xa xôi! Hẻo lánh! Chưa có địa chỉ rõ ràng. Nàng khoan gửi thư. Xin đợi. Thời gian khập khểnh trôi trong niềm khắc khoải cố quên một hình bóng, lại thường nhớ, thường mong chờ, ngóng đợi. Tôi cố gắng dằn lòng, xếp lại những trang thư... diễm tình! Không thấy động tịnh gì. Có lẽ, nàng không biết địa chỉ mới. Ðã thoát nạn!
Cuối năm 1966, nghỉ phép Tết, từ Phú Yên tôi về thẳng Hòa Hưng thăm Bà Già Nuôi. Yên trí! Bình tâm! Chắc chắn là nàng đã yên vui sống hạnh phúc bên chồng con, như tôi đã khuyên nhũ nhiều lần. Ít nhất, bây giờ, nàng cũng có thêm hai đứa con trai kháu khỉnh nữa rồi!. Tôi chuẩn bị sẵn mấy bao lì xì để cho các con cô. Xuống taxi. Thay vì bấm chuông, tôi luồn tay vào mở cốt cửa cổng. Bày chó sủa vang. Không biết chúng hoan nghinh, chào mừng hay giành nhau buông lời trách móc đây. Cô Mười, người em gái Út nhất nhà, chạy vội ra. Nhìn thấy, cô vừa la chó bảo im, vừa nắm níu tay tôi, vừa nói vọng vào nhà: - Anh Huệ về Má ơi! Cả nhà dừng tay công việc may gia công, chạy ra đón tôi. Qua một phút nhốn nháo, tất cả đều im bặt. Không ai nói lời nào.
Có vẻ gì lạ lẫm. Tôi chào từng người. Ði từ nhà trước ra sau bếp, vừa hỏi thăm, vừa cố ý mong tìm gặp nàng. Cô Mười nhìn chị Năm, chị Sáu, chị Bảy... như hỏi ý. Mắt cô rươm rướm muốn khóc. Cứ ngỡ, cô vòi vĩnh đòi quà nên nũng nịu, tôi vỗ về: - Phần quà của Út đây! Chút nữa anh quên mất! Mười không nói, kéo tay tôi đến bàn thờ giữa nhà, chỉ vào bên trong. Nghĩ rằng là cô bảo tôi thắp nhang cho Ông bà như một thủ tục của gia đình, tưởng nhớ công ơn tiên tổ.
Vô cùng ngạc nhiên đến độ sững sờ! Khuất sau lư hương đầy chưn nhang, tấm ảnh của một nữ quân nhân ngành Quân Y đang nhìn tôi trìu mến! Thoáng một phút ngỡ ngàng, tôi nhắm mắt. Rồi quay lại nhìn. Ánh mắt vẫn không rời tôi. Hốt nhiên, tôi bật kêu ‘Trời’!
Choáng váng! Ðôi mắt buồn vời vợi không rời tôi như trách móc, như than oán, và dường như... mừng rỡ được gặp mặt tôi. Lòng quặn thắt! Nước mắt lăn dài. Lần đầu tiên tôi khóc! Không đúng! Phải nói là lần thứ ba. Lần đầu gặp lại me sau hai mươi năm thất lạc. Lần thứ hai, ngày me nhắm mắt từ giã cõi đời. Và bây giờ! Hoàn cảnh khác nhau. Tình huống khác nhau. Ðối tượng khác nhau. Nhưng ánh mắt dường như không mấy khác! Ánh mắt của người đàn bà. Của người mẹ. Của người yêu. Tôi cúi mặt. Bao nhiêu hình ảnh, ngôn ngữ, cử chỉ, cánh thư, tâm tư tình cảm nàng đã dành cho tôi dồn dập dày xéo, bóp nát trí óc, tim gan tôi.
Cuồng quay! Ðau đớn! Thì ra, bị từ chối khéo, nàng đã âm thầm đăng ký vào Nữ Quân Nhân. Ra Trường, nàng không chịu ở Sàigòn, nhất quyết tình nguyện đi phục vụ chiến trường Bình Giả đang hồi sôi sục. Nàng đã bị thương trong trận mưa pháo. Nhưng rồi, mặt trận Bình Giả đã qua, không ai tìm thấy xác nàng. Gia đình coi như nàng đã hy sinh. Xem thư nàng để lại, cả nhà phát giác ra rằng, nàng đã yêu tôi thiết tha. Không liên lạc được với tôi, những cánh thư đi không người nhận được trả lại; nàng thầm hiểu rằng tôi đã tránh né, chối từ tình cảm của nàng.
Ðôi mắt nàng như thầm nhắc nhở tôi lời nàng đã từng nồng nàn tâm sự: - Anh à! Tình yêu và lý tưởng, đối với em tuy hai mà một. Không tương đố. Không tương tranh. Mà hỗ tương, bổ túc cho nhau. Hai nửa của con tim. Em yêu anh! Em thấy cuộc đời đầy hoa gấm! Mở cửa con tim. Mở cửa trí tuệ! Mở cửa thiên đường! Làm việc, phụng sự, hy sinh, thua thiệt, mất mát... đều gần như không đáng lưu tâm, không biết mệt mỏi. Cầm tay tôi, lời e ấp mà trở nên đanh thép khô khan như một ‘thông điệp’, lạnh lùng như một ‘tối hậu thư’: - Nếu phải mất anh, không được chung sống bên anh vì bất cứ vì lý do gì, nói cách khác, nếu không tròn ước nguyện, em sẽ tìm cho mình một tình yêu cao thượng hơn. Tình yêu người lính chiến. Tình yêu dân tộc. Tình yêu quê hương. Như anh đã hiểu, tổ quốc đang hồi dầu sôi lửa bỏng, cần sự hy sinh, bất luận nam hay nữ. Em không ra ngoài thông lệ, quy luật đó. Phải không anh?
Tay tôi bị lắt mạnh, Bé Khôi Nguyên, con nàng, trao một tập thư dày cộm với chiếc khăn thêu hai chữ Hoa Huệ (tên nàng và tôi) trong hình hai trái tim khép hờ lên nhau. Xót xa, cảm khái, thán phục theo dòng nước mắt khô khốc, quến đặc như tro tàn ba cây hương ngập ngừng nhỏ đổ xuống lư, rớt tràn ra bàn thờ, ngún cháy cả tim tôi. Bịn rịn từ giã, tôi thẩn thờ bước ra sân. Mấy con chó ngúc ngoắt đuôi chạy theo bên tôi, bỗng sủa vang về hướng cửa ngõ. Một người con gái đẩy cửa cổng bước vào!
Bửu Truyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét