Từ trái qua phải: đảo Superiore (dei Pescatori), hòn Malghera, đảo Bella. Du khách đến hồ Maggiore không thể bỏ qua tiết mục đáp phà đi thăm viếng các đảo. Hồ có tổng cộng 11 đảo lớn nhỏ. Từ Stresa, chúng tôi chỉ đến ba đảo gần, đẹp và đáng xem nhất. Nhóm đảo này người Ý gọi là Isole Borromee (Borromean Islands) với diện tích tổng cộng là 0.2km2 gồm ba đảo có người ở và hai đảo con không thích hợp để ở.
Tên nhóm đảo này có nguồn gốc từ gia đình Borromeo khi họ mua chúng hồi đầu thế kỷ 16 và họ vẫn còn sở hữu các đảo Isola Bella, Isola Madre, San Giovanni hiện nay.
Những chuyến phà như thế này lưu thông thường trực trên hồ Maggiore
Mỗi đảo có nét đặc thù và vẻ đẹp riêng. Isola Bella với dinh thự và vườn thượng uyển huy hoàng xa hoa sang cả. Trái lại, Isola dei Pescatori giữ nét đẹp một xóm chài hiền hòa mộc mạc, mặc dù nhà cửa khang trang và tiện nghi hơn. Còn Isola Madre mang nét đẹp lạ lẫm của những thực vật và sinh vật du nhập từ những miền đất xa xôi trên thế giới.
1. Isola Bella
Đảo Bella có hình dáng trông như một du thuyền khổng lồ, nhất là về đê
Isola Bella dài 320 m và rộng 180 m là đảo được nhiều du khách ưa chuộng nhất của tất cả 11 đảo trên hồ Maggiore. Nhìn từ xa, nó trông giống như một chiếc tàu du lịch "cruise ship" khổng lồ trên mặt nước. Điều đó có thể chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên, nhưng cũng có thể là sự cố ý của chủ nhân. Biến đổi một cái đảo đất đá lởm chởm gần 60 ngàn m2 thành một dinh thự lộng lẫy quả là một kỳ công đáng hãnh diện và chiêm ngưỡng. Phải mất 40 năm và trải qua vài thế hệ trong gia tộc, dự án mới hoàn thành.
Cung điện (Palazzo) Barromeo bốn tầng lầu là một ví dụ điển hình của lối kiến trúc Lombardi Baroque tinh xảo đầy tính chất mỹ thuật. Những phòng tráng lệ nhất nằm ở tầng trệt, nhất là phòng khánh tiết danh dự rộng lớn có ban công và mái vòm.
Quanh hội trường, du khách có thể đi ngắm khán phòng tân cổ điển, phòng âm nhạc có trưng bày một số nhạc cụ giá trị chọn lọc, phòng "Huy chương", có tên gọi như vậy vì đó là phòng trưng bày các đồ trang trí bằng gỗ mạ vàng kể về cuộc đời của thánh Carlo Borromeo (1538–1584), một nhân vật làm rạng danh gia tộc.
Phòng trưng bày thảm gồm một số những tấm thảm Flemish dệt bằng lụa và vàng từ thế kỷ 16 rất hiếm quý. Nhiều phòng khác trưng bày tranh sơn dầu của các danh họa, đồ nội thất, tượng thạch cao, đèn trần chùm pha lê.
Mặc dù trong các phòng trưng bày, lâu lâu tôi thấy có bảng cấm chụp ảnh nên tôi cũng e dè không đưa máy lên bấm vì tính tôi nhát. Nhưng thật ra đâu phải phòng nào cũng có nhân viên bảo vệ trông chừng, cũng không có máy thu hình gắn trên góc phòng. Đến khi thấy nhiều du khách chụp ảnh một cách "vô tư", tôi cũng chụp luôn. Trả 12 euros để viếng đảo này mà không chụp hình kỷ niệm thì cũng tiếc. Sau cùng tôi nghĩ chắc người ta chỉ cấm dùng đèn "flash" thôi.
Phần mang nhiều óc sáng tạo nhất của cung điện phải nói là tầng hầm. Ở đó có sáu phòng được thiết kế như là những hang động (grotto) và được trang trí toàn bằng vỏ sò ốc và sỏi đủ màu phản ảnh các chủ đề khác nhau dưới thủy cung. Phải công nhận và thán phục tài khéo léo và óc mỹ thuật của mấy ông thợ Y-ta-lồ từ 350 năm về trước mà giỏi quá. Tôi cũng phục tinh thần tự giác của du khách vì nếu mỗi người lén cạy một mảnh vỏ ốc mang về nhà làm kỷ niệm thì hết "Bella".
Một trong 6 phòng với sàn nhà, vách tường, trần nhà, cột nhà toàn bằng vỏ sò ốc và sạn sỏi ở tầng hầm (grotto) của cung điện. Ý tưởng xây "grotto" này của Vitaliano VI và kiến trúc sư Fillippo Cagnulo vào năm 1685 và phải mất 100 năm mới hoàn tất.
Tượng phụ nữ nằm ( the reclining lady) được cho là tạc theo mẫu của chủ nhân, nữ bá tước Borromeo Isabella D'Adda bằng đá cẩm thạch trắng, tuy đẹp nhưng mang lại cảm giác buồn trong gian phòng lạnh lẽo.
Khu vườn có lối thiết kế độc đáo ruộng bậc thang mười tầng hình thành một kim tự tháp bị cắt mất đỉnh nhọn. Vườn được trang điểm dồi dào bằng biết bao là tháp tượng điêu khắc, lan can, rào giậu. Dạo qua những lối đi trong khu vườn sẽ dẫn du khách đến khán đài lộ thiên, một kiến trúc tinh tế ba bậc có tường vách trang trí bằng đá khắc chạm phù điêu và tượng nói lên sự vinh quang của gia tộc Borromeo.
Từ tầng thượng của khu vườn cao hơn 37 m, du khách có thể phóng tầm nhìn trọn mọi phía góc 360o đầy ấn tượng các ngọn núi xung quanh vịnh. Một tầng của khu vườn có ao bông súng, những bồn hoa đẹp mắt, những hàng giậu xiên chéo tạo nên một bầu không khí lãng mạn dẫn đến "Giardino dell'Amore" (Vườn Tình Yêu) đầy thực vật kỳ lạ, cội cây hùng vĩ, hoa tươi khoe sắc suốt cả khu vườn.
Isola Bella đặt tên theo nữ bá tước Borromeo là Isabella D'Adda. Trước năm 1632, đảo này được gọi là Isola Inferiore, một cái tên khiêm nhường cho một xóm chài nhỏ có vách đá nhô rất cao khỏi mặt nước. Thế rồi đến năm đó, Carlo III Công tước Milan, một nhân vật rất thế lực thuộc họ tộc Borromeo, bắt đầu xây dựng một "palazzo" (dinh thự) để làm quà dành riêng cho vợ ông, Isabella D'Adda. Đảo có tên Bella (đẹp) từ đó. Carlo III ủy nhiệm cho kiến trúc sư Crivelli Milanese Angelo toàn bộ công trình xây dựng, kể cả ngôi vườn nhiều tầng vô cùng độc đáo. Công trình bị gián đoạn một thời gian khi Carlo III bị lây nhiễm bệnh dịch hạch đang hoành hành khắp nơi.
Việc xây dựng tiếp tục khi Carlo III giao hòn đảo lại cho các người con là Hồng y Giberto III (1615-1672) và Vitaliano VI (1620-1690). Họ giao phó công trình cho kiến trúc sư Carlo Fontana, biến dinh thự này thành một nơi xa hoa thường tổ chức những tiệc tùng dạ hội linh đình có cả trình diễn âm nhạc kịch nghệ cho giới quý tộc của châu Âu.
Còn khu vườn thì mãi đến đời người cháu là Carlo IV (1657-1734) mới xây cất xong và khánh thành năm 1671.
Đảo Bella đạt được sự thành công xã hội cao nhất dưới thời của Giberto V Borromeo (1751-1837) làm chủ. Những vị khách thời đó gồm Edward Gibbon, vợ chồng Napoleon và Joséphine de Beauharnais, hoàng hậu Caroline vợ vua George IV của vương quốc Anh. Caroline của Brunswick, công chúa xứ Wales. Người ta nói rằng Caroline yêu thích nhóm đảo thần tiên này quá, cố thuyết phục gia đình Borromeo bán bớt một đảo cho bà, nhưng không được. Sau cùng bà đành mua Villa d'Este ở thị xã Cernobbio trên bờ hồ Como cũng trong vùng đó của nước Ý.
Đảo Bella chỉ cách bờ tại Stresa 400 m, đi phà chỉ mất mươi phút. Ngoài phà lớn có sức chở cả trăm hành khách do nhà nước quản trị điều hành còn có ca nô nhỏ do tư nhân làm chủ đưa khách với giá thuê bao rẻ hơn, không bó buộc giờ giấc và nơi đến. Để bảo đảm sự an toàn, chúng tôi luôn luôn đi phà. Một điều lạ là không như trên máy bay, hành khách đi phà không "bị" nghe căn dặn về các biện pháp cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp. Tôi chẳng thấy một chiếc phao cấp cứu cá nhân nào trên phà cả.
2. Isola Madre
Isola Madre tiếng Ý có nghĩa là Đảo Mẹ, dài 330 m ngang 220 m, lớn nhất trong nhóm đảo Borromean và với tất cả 11 đảo trong hồ Maggiore. Đảo có một công viên rộng 20 mẫu Anh được coi là một trong những vườn thực vật theo phong cách Ăng-lê ấn tượng nhất và được bảo tồn tốt tại Ý. Cung điện của nó mặc dù không có người ở nhưng vẫn được trang trí huy hoàng lộng lẫy với những tuyệt phẩm nghệ thuật tượng, tranh, thảm, gốm thời các thế kỷ từ 16 đến 19 của Ý.
Thoạt đầu khi sở hữu đảo này vào thế kỷ 16, gia đình Borromeo lợi dụng khí hậu ôn hòa trên đảo nên bắt đầu trồng các loại cây có chất chua như chanh, bưởi và nho. Trong thế kỷ 19, vườn cây dần dần phát triển thành khu vườn thực vật kiểng. Người có công lao trong việc này là Vitaliano IX trong gia tộc Borromeo vì ông là một nhà thực vật học rất đam mê. Trong hơn 50 năm, ông không ngừng nỗ lực để mở rộng bộ sưu tầm thực vật có giá trị từ mỗi góc lục địa trên thế giới.
Thời gian trôi qua đã không làm phai mờ sự hấp dẫn của đảo Madre. Hiện tại vườn thực vật của đảo sở hữu nhiều cổ thụ và nhiều loại điểu cầm như công, vẹt, gà sao, chim trĩ… sưu tầm từ Nam Mỹ tới Châu Á, nhiều đến độ du khách có cảm tưởng như đang đến những vùng đất xa lạ vòng quanh thế giới.
Một con công trắng trên cây cao thỉnh thoảng cất tiếng "tố hộ" đối đáp với đồng loại ở đâu đó trong khu vườn.
Nằm sát rìa đảo, cung điện lịch sử thuở nào thì ngày nay mang vẻ khổ hạnh và được dùng như một bảo tàng. Bên trong, những phòng chứa đầy đồ nội thất, tranh vẽ và thảm thêu v.v. phác họa lại khung cảnh huy hoàng mà gia đình Borromean từng sinh sống. Bộ sưu tập búp bê, bộ sưu tập đồ sứ Trung Hoa quý giá được những du khách ưa thích đồ cổ đứng lại xem và trầm trồ. Đặc biệt nhất là nhà hát với sân khấu và những búp bê "marionettes" được cấu tạo rất tinh xảo cho thấy các thế hệ gia chủ rất chú trọng đến nghệ thuật.
Bên cạnh dinh thự là một nhà nguyện kiến trúc neo-Gothic được trang trí thanh lịch với những tượng bằng đất nung, nhìn ra một ao tròn đầy hoa súng, lau sậy và hoa diên vĩ.
3. Isola dei Pescatori
Isola dei Pescatori còn có tên đảo Superiore, dài 350 m, ngang 100 m, được coi là một trong những nơi đẹp nhất trên hồ Maggiore. Đây là đảo duy nhất thuộc nhóm đảo Borromean còn tiếp tục duy trì cuộc sống bằng nghề chài lưới cổ truyền với dân số năm 1971 là 208 người. Nhưng số dân thực sự hành nghề chài lưới chỉ còn khoảng 50 người. Số còn lại làm nghề bán hàng lưu niệm, hàng ăn uống, dịch vụ du lịch. Do đất khan hiếm, nhà cửa được xây lại thành nhiều tầng làm chỗ ở có đầy đủ tiện nghi cho thuê với giá phải chăng, hợp với mức tiêu xài của đại đa số khách du lịch.
Nét đặc trưng của một xóm chài nhỏ hiền hòa với khung cảnh trữ tình thơ mộng qua nhiều thế kỷ đã quyến rũ du khách. Các con phố nhỏ không xe cộ lưu thông với những căn nhà gọn gàng khang trang và nhịp sống linh hoạt giản dị. Những cửa hàng nho nhỏ và những quán ăn đồ biển tươi đều do gia đình làm chủ san sát gần khu bến ghe phà. Vào buổi tối, chuyến phà cuối cùng rời bến trả lại bầu không khí im lặng trong buổi hoàng hôn, đảo lung linh ánh đèn phản chiếu trên mặt nước hồ, tạo nên một bức tranh gợi nhiều liên tưởng.
Ngoài những nhà tư nhân cho thuê phòng và cung cấp bữa ăn sáng (bed and breakfast), trên đảo còn có hai khách sạn cỡ trung thường phải đặt trước rất lâu mới có chỗ trống.
PH-HCA
Mời quý bạn xem tiếp ký sự của CY.
3. Mặt trời trên hồ Maggiore
Hình ảnh cảnh sông nước núi non lúc bình minh và hoàng hôn dường như lúc nào cũng tạo cảm hứng mạnh và mang lại cho người xem một cảm giác êm đềm. Nhóm chúng tôi thực hiện chuyến đi hồ Maggiore lần này cũng chỉ nhằm mục đích chính là ngắm và thu vào ống kính cảnh mặt trời mọc và lặn.
Trong số các thể loại nhiếp ảnh, tôi thích chụp hình cảnh thiên nhiên vì tương đối dễ. Lúc nào nó cũng đứng yên một chỗ sẵn đó, chẳng mất đi đâu, tôi tha hồ chụp. Chụp cảnh sông nước núi non lúc bình minh và hoàng hôn hơi tốn công một chút, phải canh lúc mặt trời vừa mọc và lúc nó sắp lặn ở đường chân trời.
Không như tất cả các bạn ảnh cùng nhóm đều có máy ảnh tốt, tôi chỉ dùng một máy nhỏ đã già. Một máy ảnh mua từ 5 năm trước được coi là già, quá già. Thời hiện đại "hại điện" pin bây giờ, máy ảnh nhỏ loại bỏ túi và ngay cả điện thoại cầm tay đổi mới liên tục mỗi năm, ngày càng tân tiến mà giá cả lại càng rẻ, ai cũng có mấy cái, việc chụp hình trở nên rất dễ dàng đối với tất cả mọi người. Nhắc tới "pin", máy ảnh của tôi bị hết "pin" hai lần trong chuyến đi Pháp Ý 2 tuần vì quên nạp điện qua đêm; may mà tôi có mang theo cái điện thoại Galaxy S5 chụp ảnh cũng đẹp ra phết.
Tôi lấy làm an ủi khi hiểu rằng máy ảnh chiến không phải là yếu tố quyết định duy nhất tạo nên ảnh đẹp mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhất là phải canh đúng lúc. Vì vậy tôi cứ theo các bạn trong nhóm nhà nghề thi thố.
Áp dụng lời khuyên trong cẩm nang nhiếp ảnh, "Hãy tìm các vị trí mà bạn có thể nhìn thấy cả ánh nắng yếu ớt từ mặt trời, đồng thời cũng có thể thu được các yếu tố tiền cảnh đáng chú ý và cả bóng trong cảnh vật", bốn giờ sáng, chúng tôi đã ơi ới gọi nhau thức dậy làm vệ sinh cá nhân xong là xách máy ảnh rời khách sạn đi ra bờ hồ chờ mặt trời lên cho kịp lúc để chụp hình. Không biết mặt trời mọc lúc nào, thôi thì chịu khó sẵn sàng sớm cho chắc ăn.
Đi qua vài con đường xuống dốc nhỏ hẹp vắng tanh, 15 phút sau chúng tôi đã tới bờ hồ, mỗi người rảo mắt tìm địa điểm tốt ưng ý. Theo tâm lý dân chụp ảnh, ai cũng nghĩ "đứng ở vị trí này chụp mới đẹp nè" và khoe khám phá của mình. Cuối cùng thật buồn cười, ảnh của NAG nào cũng đều có góc cạnh "độc đáo" giống nhau cả.
Lối đi dạo (promenade) dọc bờ hồ ở thị trấn Stresa ngang qua một công viên nhỏ có trồng những bụi hoa tú cầu rất đẹp. Loài hoa này rất hợp với điều kiện thổ ngơi vùng quanh hồ Maggiore vốn rất giàu chất khoáng cho nên có được nhiều màu sắc khác biệt. Nó được ưu tiên trồng nhiều ở đây, đẹp độc đáo hơn các nơi khác là vì vậy.
Ngoài ra công viên cạnh bờ hồ còn có các bức tượng trang trí hoặc tượng đài kỷ niệm cũng đẹp. Tượng điêu khắc của Ý bảo đảm đẹp vì nói đến Ý là nói đến tài nghệ mỹ thuật. Chúng tôi chấm địa điểm này, mỗi đứa một góc chuẩn bị rình chờ mặt trời nhú lên sau rặng núi trên mặt hồ là đúng rồi.
Khoảnh khắc mặt trời mọc và lặn để có thể chụp được ảnh đẹp nhất trong buổi bình minh hoặc hoàng hôn thường chỉ diễn ra trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi không muốn bị lỡ mất cơ hội "ngàn năm một thuở" này nên ai ai cũng đã chuẩn bị sẵn sàng camera để "bắn". Camera (máy ảnh) bắt nguồn từ chữ La Tinh "camera obscura" có nghĩa là phòng tối. Không ngờ người ta có thể dùng một phòng tối để bắn hình (shoot picture). Nhưng chẳng ai "ăn hình" mà chỉ "ăn ảnh", tiếng Việt mình hay thiệt!
Nhờ trời thương mấy đứa dân gốc Mít bỏ công lặn lội từ Bắc Mỹ xa xôi tới đây, thời tiết mấy hôm nay rất tốt, trời trong không mây mù, không hanh nóng, không gió, điều kiện ánh sáng và màu trời thích hợp. Chân Yếu tôi chẳng cần phải lấy hết can đảm đi ra cầu tàu (pier) làm gì, rủi lạng quạng mất thăng bằng té xuống hồ thì khốn. Tôi cứ đứng xa mé nước cho chắc ăn, đồng thời chụp lén hai người bạn ảnh nhà nghề và cô cháu hướng dẫn viên đang chăm chú nhìn qua ống kính về hướng mặt trời.
Do ảnh chụp ngược sáng (nói tắt của ngược ánh sáng mặt trời, "contre- soleil"), tiền cảnh trở thành bóng đen (silhouette) tạo điểm nhấn tương phản trông cũng hay. "Silhouette" tạo cảm xúc bí ẩn cho bức ảnh. Liệu sức mình không thể mang vác máy DSLR và chân máy cồng kềnh, đi đâu tôi cũng chỉ dùng cái máy Nikon Coolpix P90 từ 5 năm nay lấy nét tự động cho đơn giản cuộc đời.
Với tâm hồn trẻ trung, cô cháu nảy ý định dùng mười ngón tay tạo khung trái tim nhốt mặt trời. Chúng tôi mất khá nhiều công sức sắp xếp vị trí dàn cảnh, chụp đi chụp lại nhưng chỉ được vài bức ảnh tạm được như thế này thôi thì mặt trời đã lên khỏi nói. Nhốt mặt trời trong trái tim coi bộ khó.
Khi mặt trời lên qua khỏi rặng núi, ánh nắng trở nên sáng lóa chói chang, màn chụp ảnh mặt trời mọc kể như xong. Chúng tôi dành thì giờ còn lại trong ngày để đáp phà đi thăm các đảo. Đến chiều trở vào bờ, chúng tôi nán lại nơi bến phà chụp vài bức ảnh lúc hoàng hôn. Lúc ấy đông người, mất đi cái vẻ yên tĩnh riêng tư và nhất là chúng tôi không có được điểm thuận lợi để chụp mặt trời lặn sau đỉnh núi.
Tôi có cảm tưởng cảnh mặt trời lặn trên hồ Maggiore diễn ra chậm và kéo dài hơn. Mặt trời chìm dần sau một đỉnh núi cao nhưng ánh sáng của nó vẫn còn chiếu lên những dãy núi thấp hơn.
Về đến cao ốc nơi thuê nhà trọ, trong lúc đứng ở tiền sảnh chờ thang máy (chờ vì ở đấy chỉ có một cái thang máy duy nhất nhỏ xíu chỉ vừa đủ cho bốn người), tôi lơ đãng đọc chơi mấy tờ giấy ghim trên bảng thông cáo. Thì ra ở thị trấn nhỏ này cũng có dịch vụ "delivery" pizza! Phải chi chúng tôi biết sớm hơn!
Tất cả ảnh trên đây tôi đều nhờ các nhu liệu Lightroom và Photoshop cải thiện phẩm chất (enhance) trong giai đoạn hậu kỳ (post production): chỉnh đổi màu, thêm độ sắc nét, chỉnh cho ngay bức ảnh bị xéo, cắt xén khung, thay đổi kích thước v.v. Chụp ảnh chỉ tốn nửa giờ, "enhance" ảnh mất cả ngày như chơi mới tạm gọi là vừa ý.
Bốn ngày du ngoạn hồ "Mát Giò" (Maggiore) đầy thú vị của chúng tôi rồi cũng qua, và "mặt trời vẫn mọc" (The Sun Also Rises, tựa quyển tiểu thuyết đầu tay của Ernest Hemingway) như tự bao giờ.
Cũng xin nhắc lại ở đây, Stresa từng được Ernest Hemingway đưa vào quyển tiểu thuyết đầu tay "A Farewell to Arms" (Giã Từ Vũ Khí) khi ông nhắc đến khách sạn Grand Hotel Des Iles Borromées, đảo Isola Pescatori và vài địa điểm khác của hồ Maggiore. Trên thực tế, ông đã sống tại đây năm 1918 lúc ông 19 tuổi. Khi Thế Chiến Thứ Hai đang đi vào giai đoạn quyết liệt, để thỏa chí phiêu lưu, ông tình nguyện đầu quân và đến chiến trường Ý làm tài xế xe cứu thương. Không ngờ chính ông bị thương và được đưa đến Stresa để phục hồi. Âu cũng là định mệnh khiến cho ông được bao lần ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn thơ mộng trên hồ Maggiore mà chính Leonardo da Vinci cũng đã từng đến đây chứng kiến và ca ngợi.
Phan Hạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét