Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Một Căn Nhà Xưa ở Việt Nam - Vi Cúc - Thanh ơn

Là một nghệ nhân có thâm niên trong nghề làm gốm, ông Nguyễn Văn Buôl, ngụ tại phường 5, thành phố Vĩnh Long đã xây dựng nên một căn nhà bằng gốm đỏ tươi, bên trong bày trí với rất nhiều đồ cổ. Những món đồ đã từng gắn bó với cuộc sống của người dân Nam Bộ từ thời xa xưa nay đã được giữ gìn và tái hiện lại.
<!>
Căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc xưa với 3 gian, 2 chái và được làm từ nguyên liệu thiên nhiên là đất sét nung. Vì thế, nhìn tổng thể căn nhà rất chắc chắn tạo cảm giác mát mẻ, thoải mái và hoài cổ.

Điểm nhấn độc đáo của ngôi nhà thông qua những chi tiết như: tường rào, kèo, cột, đòn dông, mái nhà,... đều được làm bằng gốm. Ngoài ra, những cây cột lớn bên ngoài còn được chủ nhân khắc họa với những hình ảnh về miền đất Nam Bộ trù phú. Đó là những tiểu cảnh sinh hoạt hằng ngày, người dân canh tác lúa nước, những lễ hội văn hoá và cả những con vật thân thuộc như trâu, bò cũng được tái hiện.

Niềm đam mê đặc biệt với gốm và mong muốn truyền đạt những nét văn hoá truyền thống Nam Bộ của cha ông để lại cho con cháu sau này, chủ nhân của căn nhà gốm đã tái hiện một căn buồng với bộ bàn ghế, bàn trang điểm, giường ngủ cổ xưa kết hợp với nhau rất hài hoà và đẹp mắt.

Ông Nguyễn Văn Buôl (chủ nhân của ngôi nhà gốm) chia sẻ: “Tôi đã từng sống ở một làng nghề làm gốm và gốm cũng là một chất liệu đặc trưng của Vĩnh Long. Vì thế, tôi muốn xây dựng một ngôi nhà bằng gốm để phần nào giữ lại linh hồn của đất, của quê hương Nam Bộ mình. Khi xây dựng ngôi nhà này tôi ý thức được mình phải bám theo văn hóa, lịch sử của vùng đất phương Nam. Chẳng hạn như cây cột, cây kèo được thiết kế là một ngôi làng, rồi lễ hội mùa xuân, quết bánh phồng ngày Tết... đều là những chủ đề làm nên những kỉ niệm".

Là người muốn lưu giữ lại nét văn hóa Nam Bộ xa xưa, nên theo ông Buôl đã làm thì phải làm cho tới. Bên trong căn nhà, ông đã sưu tầm rất nhiều đồ cổ, đồ đồng quý hiếm. Những món đồ đã gắn bó với người dân Nam Bộ từ rất lâu: bộ cân đòn, bộ đèn dầu xưa, bộ tách trà, những cây đờn dân tộc...

Bên ngoài căn nhà lại là một dấu ấn khác với những dụng cụ canh tác, sinh hoạt của người Nam Bộ thân thương được lưu giữ lại. Đối với ông Buôl, ngôi nhà gốm này không chỉ là nơi để ở, mà còn chứa đưng cả tình yêu, niềm đam mê với cái nghề mà ông đã gắn bó với cả đời mình.

Một góc nhỏ hội tụ những đồ cổ quý được ông Buôl sưu tập để mang đến dấu ân riêng biệt cho ngôi nhà của mình. Những gì ông tái hiện cũng chính là một niềm vui khi mang đến cho mọi người một cái nhìn sâu sắc về miền đất Nam Bộ, đặc biệt là giới trẻ ngày nay cần hiểu hơn về những giá trị xưa cũ để góp phần giữ gìn và phát triển.

Căn nhà gốm không chỉ là nơi lưu giữ những món đồ cổ xưa mà còn là ngọn lửa nuôi hy vọng của một người nghệ nhân gắn bó với nghề làm gốm và mảnh đất Nam Bộ từ bao đời: “Dù sau này chất liệu gốm có trở nên mai một thì vẫn còn giữ được dấu ấn đặc trưng của những sản phẩm bằng gốm cho thế hệ mai sau”.

VI CÚC - THANH SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét