Lời Giới Thiệu: Tác giả Hoàng Ðình Báu là hạm trưởng hộ tống hạm Kỳ Hòa (HQ-09) trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông xuất thân Khóa 11 Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Ông hiện định cư tại Hoa Kỳ sau trên 10 năm trong ngục tù Cộng Sản.Hộ tống hạm Kỳ Hòa HQ-09, hình chụp những năm 1960. (Hình minh họa: history.navy.mil) - Ðầu năm 1974 tôi được chỉ định làm hạm trưởng hộ tống hạm Kỳ Hòa (HQ-09). Suốt năm đó HQ-09 có hai nhiệm vụ chính: Tuần tiễu vùng Trường Sa và yểm trợ các giàn khoan dầu của Hoa Kỳ ngoài khơi từ Vũng Tàu đến Côn Ðảo. Mỗi chuyến công tác kéo dài ba tháng nên việc nghỉ bến để tiếp tế lương thực, dầu và nước là Vũng Tàu, đôi lúc cũng ghé Côn Sơn để nghỉ ngơi và tiếp tế.
Ðến năm 1975 khi các tỉnh ở Cao Nguyên Trung Phần bị lọt vào tay Cộng Quân. Ðầu Tháng Hai thì Huế và Quảng Trị bắt đầu rối loạn, Sư Ðoàn 1 đóng tại Huế đang được di tản vào Ðà Nẵng. Vào thời điểm này HQ-09 được lệnh chuẩn bị ra công tác khẩn cho Vùng 1 Duyên Hải. Ðây được coi như là chuyến công tác cuối cùng của HQ-09 mà hằng năm vào dịp 30 Tháng Tư vẫn còn ghi đậm trong lòng thủy thủ đoàn đã từng phục vụ trong những ngày tháng cuối cùng đó.
Sáng ngày 26 Tháng Ba, 1975, chiến hạm khởi hành ra Vùng 1 Duyên Hải.
Lúc 6 giờ sáng ngày 28 Tháng Ba, 1975, chiến hạm tới cửa Sơn Trà để chờ lệnh.
Các tin tức nhận được từ Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải và do dân chúng tỏa ra bằng ghe cập vào chiến hạm lúc sáng như sau: Tối hôm trước Cộng Quân pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Duyên Hải bằng hỏa tiễn 122 ly và sơn pháo 130 ly, làm hư hại chiếc trực thăng của Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải, Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Toàn thành phố bị thiết quân luật 24/24. Lính của các quân binh chủng di chuyển về Ðà Nẳng quá đông, không nơi ăn chốn ở, gia đình ly tán. Lợi dụng cơ hội này đặc công Cộng Sản trà trộn để phá hoại nên có nhiều tiếng súng và vài đám cháy nhỏ xảy ra trong thị xã. Các đơn vị cơ giới hạng nặng cùng các chiến xa, quân xa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đậu dài từ cầu Trịnh Minh Thế cho đến bờ biển Tiên Sa. Một vài nhóm quân nhân đã uy hiếp một tàu Hải Quân, buộc phải đưa họ tách bến. Nhưng tàu này bất khiển dụng nên rất may là không có gì đáng tiếc xảy ra. Với tình hình đó HQ-09 được lệnh không vào Ðà Nẵng mà cũng không cập cầu Tiên Sa.
Chiến hạm vận chuyển với hai máy tiến một, chạy lòng vòng ngoài cửa Ðà Nẵng để chờ lệnh. Chiến hạm quan sát thấy hàng trăm ghe tàu đủ loại đang tiến ra biển; một số ghe tiến về chiến hạm rồi cập vào để đưa một số binh sĩ và thường dân lên boong tàu.
Vào 12 giờ trưa ngày 28 Tháng Ba, 1975, chiến hạm nhận lệnh xuôi về Qui Nhơn để đón Sư Ðoàn 23 Bộ Binh di tản. Trên đường đi, chiến hạm cũng đã vớt nhiều đồng bào từ Quảng Ngãi, Cù Lao Chàm và Cù La Ré. Phần đông họ đi trên các ghe thúng hoặc ghe nhỏ. Chiều hôm đó chúng tôi đã chứng kiến bao cảnh thương tâm mà không sao cứu giúp được. Ðó là các đồng bào đang ở trên sà lan do các tàu dòng của hãng thầu RMK kéo về Sài Gòn. Tàu kéo thì quá chậm, trên sà lan lại quá đông người, lẫn lộn với nhiều binh sĩ đầy đủ súng ống. Trời nóng như đốt, không nước, không lương thực thì chuyện rối loạn là điều không tránh khỏi. Chiến hạm không thể đến gần để giúp đỡ vì lúc đó trên tàu cũng đang đầy người, nếu đến gần không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ðành bấm bụng cho tàu chạy lướt qua, để lại đàng sau những tiếng la cầu cứu lẫn tiếng súng.
Lúc 8 giờ sáng ngày 29 Tháng Ba, 1975, đến Qui Nhơn, lúc bấy giờ đã thấy hiện diện nhiều chiến hạm gồm LSM, LST, WHEC, DER và rất nhiều tiểu đỉnh của Vùng 2 Duyên Hải đang di tản, một số quân nhân của Sư Ðoàn 23 từ bờ ra biển. Bãi biển Qui Nhơn với bãi cát vàng được ôm ấp bởi hàng trăm cây dừa xanh tươi, nay nhìn vào chỉ thấy lửa và khói.
Đến 12 giờ trưa ngày 29 Tháng Ba, 1975, chiến hạm được lệnh tác xạ để phá hủy ba bồn dầu ở ngã ba quốc lộ 1 và đường vào thị xã. Cùng vài chiến hạm bạn, sau gần nửa giờ tác xạ, ba bồn dầu đã bị phá hủy, khói đen cao ngất che phủ một góc trời.
Lúc 4 giờ chiều cùng ngày, chiến hạm được lệnh về Nha Trang. Ðến 4 giờ sáng ngày hôm sau thì tàu đến hòn Pyramid, nằm ngoài khơi Nha Trang. Tàu tiếp tục xuống Hòn Yến rồi Hòn Dung để chờ sáng sẽ vào Nha Trang bằng ngõ Cầu Ðá phía bên Hải Học Viện.
Trời sáng dần, biển êm, gió nhẹ, chiến hạm bắt đầu nhiệm sở tác chiến. Trên đài chỉ huy nhìn hướng 10 giờ là Hòn Tre với đài kiểm báo trên đỉnh như còn say ngủ. Bên hướng 3 giờ là con đường Duy Tân với bao biệt thự xinh đẹp cùng một dãy các ki-ốt dọc theo bờ cát trắng. Xa xa là “Chụt,” phi trường, quân trường Hải Quân Nha Trang. Xa hơn nữa là Xóm Bóng, Hòn Chồng, Ðồng Ðế. Tất cả đều lần lượt thấy rõ qua mắt thường.
Chiến hạm chạy từ từ, thận rọng, quan sát. Có lúc chiến hạm chạy sát bờ biển Nha Trang đến nỗi có thể thấy rõ người đi bộ. Ðặt ống nhòm nhìn càng rõ hơn, toàn người và người. Tuyệt nhiên không thấy xe thiết giáp nào của Cộng Sản cả. Có vài chiếc xe hơi rọi đèn pha ra phía biển, không biết có còn ai ngồi trong đó. Lúc đi ngang qua khách sạn lớn của thành phố, chiến hạm thấy có nhiều người đang đứng trước khách sạn này, có người lấy nón vẫy cầu cứu.
Từ Cầu Ðá đến Xóm Bóng, bờ biển Nha Trang dài độ 6 cây số, chiến hạm đi qua rồi vòng trở lại Cầu Ðá. Quan sát kỹ nhưng chẳng thấy bóng dáng T 54 của Cộng Sản như lời đồn đãi lúc bấy giờ. Thủy thủ đoàn làm việc ngày đêm, ngoài việc đi phiên hải hành thường lệ, họ còn giúp đỡ đồng bào lúc lên tàu. Kiểm soát an ninh và trật tự vì có nhiều binh sĩ quá giang, nhiều đàn bà và trẻ em đang cần sự giúp đỡ. Bận rộn nhất là nhân viên nhà bếp, luôn luôn phải có cơm nóng và nước uống cho đồng bào. Tôi còn nhớ tên một vài người đã làm việc rất tích cực như giám lộ Long và Thiếu Úy trọng pháo Dũng trong chuyến công tác này.
Ngày hôm sau chiến hạm được lệnh tuần tiễu ngoài khơi vùng biển Nha Trang. Chỉ thị của Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh, tư lệnh Vùng 2 Duyên Hải kiêm tư lệnh tiền phương sau khi mất Ðà Nẵng, là: Tuần tiễu và chận bắt các tàu lạ xâm phạm hải phận Vùng 2 từ Nha Trang đến Cam Ranh. Vào lúc này, các tàu lạ mang quốc tịch Trung Quốc và Liên Xô di chuyển về phía Nam rất đông. Các thương thuyền này ngang nhiên xâm phạm hải phận Việt Nam một cách trắng trợn.
Tôi báo cáo lên cho Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải và xin chỉ thị. Lần này tôi được lệnh không ngăn chận nó mà chỉ theo dõi và báo cáo mà thôi. Số lượng tàu ngoại quốc đi sát bờ biển Việt Nam càng lúc càng đông, đến nỗi không thể nào kiểm soát hết; vả lại các thương thuyền lạ này có trọng tải và vận tốc lớn, nên chiến hạm ta không đủ khả năng bám sát được. Có lần chiến hạm thử chặn đầu một thương thuyền có mang cờ Búa Liềm bằng cách chớp đèn, nhưng nó vẫn tiến mà không hề giảm tốc độ. Buộc lòng chiến hạm phải né sang một bên, nếu không tránh kịp sẽ bị đứt làm đôi.
Ngày 2 Tháng Tư, 1975, chiến hạm được lệnh tiến đến “Chụt,” một làng nhỏ cách Cầu Ðá Nha Trang độ 1 km, để phá hủy hai bồn dầu của kho xăng nằm dưới chân núi đối diện phía bên kia con đường. Các bồn xăng sơn màu bạc, từ chiến hạm nhìn vào giống như hai ống khói khổng lồ nhô lên trong đám dừa xanh. Tôi yêu cầu sĩ quan trọng pháo lên đài chỉ huy để chuẩn bị dùng 76 ly tác xạ vào hai bồn dầu dó. Chiến hạm tiến gần sát thêm vào mục tiêu; giám lộ Long và sĩ quan đương phiên xác định điểm neo. Lúc đó là 10 giờ sáng, trời tốt, biển động nhẹ, gió nhẹ. Khoảng cách mục tiêu cần tác xạ là 1 hải lý. Nhân viên vào nhiệm sở tác xạ, tất cả sẵn sàng. Tôi nhìn kỹ mục tiêu lần chót trước khi ra lệnh tác xạ.
Tôi cũng như mọi người trên tàu đều thấy rõ hàng ngàn đồng bào đang lũ lượt lên dốc núi để qua bên kia Cầu Ðá, họ đang hướng về bến cảng nơi đó có hàng trăm ghe thuyền đang chờ đợi để di tản về Sài Gòn. Các ụ súng cũng báo cáo thấy rất đông đồng bào đang di chuyển ngang qua bồn dầu. Tôi ra lệnh ngưng tác xạ, theo dõi mục tiêu và chờ lệnh. Tôi báo cáo lên phòng hành quân của Tư Lệnh Hoàng Cơ Minh rằng mục tiêu không thể tác xạ được vì đồng bào đang đi qua đó rất đông. Vài phút sau tôi lại được lệnh bằng mọi giá phải triệt hạ hai bồn dầu đó. Biết không thể nào từ chối việc thi hành lệnh cấp trên, tôi chỉ cho sĩ quan trọng pháo nên bắn lên các đỉnh núi cao nằm phía sau kho xăng đó.
Khẩu trọng pháo 76 ly bắt đầu nhả đạn, từng viên, từng viên nổ chát chúa rung chuyển cả con tàu, tạo nên những cột khói trắng trên đỉnh núi cao, tựa hồ như những đám khói cuả các người đốt rừng để trồng trọt.
Sau khi tác xạ theo lệnh xong, tôi lên máy báo cáo: Ðã tác xạ 10 viên 76 ly. Bên kia hỏi cho biết kết quả. Tôi trả lời không trúng mục tiêu. Sau đó tôi bị dằn vặt bởi lời báo cáo này. Nhưng tôi không biết phải làm gì hơn, trong khi tất cả nhân viên trên chiến hạm cũng như tôi ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm.
Xem Thêm
Mar 22, 2021
Mar 21, 2021
Mar 21, 2021
Ngày hôm sau, chiến hạm lại được lệnh tiêu hủy hai bồn dầu đó, trước khi rút về Cam Ranh nhận lệnh mới. Chiến hạm trở lại “Chụt” lần nữa, vẫn còn thấy nhiều người qua lại gần bồn dầu. Vì lý do nhân đạo tôi liền báo cáo về Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải là tôi sẵn sàng chịu nhận mọi trách nhiệm vì không thể tác xạ vào hai bồn dầu này được.
Ngày 5 Tháng Tư, 1975, chiến hạm khởi hành về Cam Ranh mang theo gần 500 đồng bào và binh sĩ. Số người quá đông nên vấn đề ăn uống và vệ sinh bắt đầu khó khăn. Chiến hạm cập cầu Cam Ranh lúc 12 giờ trưa. Một số đông đồng bào rời tàu để tìm phương tiện khác vào Sài Gòn. Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải đã di tản nên không thể liên lạc được, một vài thủy thủ còn lang thang trên cầu tàu, xa xa các bồn dầu Cam Ranh đã tiêu hủy từ các ngày trước chỉ còn lại đống tro tàn.
Ngày 8 Tháng Tư, 1975, sau 14 ngày chiến hạm liên tục hoạt động không ngơi nghỉ. Hai máy chánh bắt đầu có trở ngại, máy quá nóng nên chiến hạm cho chạy một máy, máy kia nghỉ. Nước ngọt và dầu cặn đã bắt đầu cạn mà không có nơi tiếp tế. Tôi báo cáo mọi hư hỏng về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sài Gòn xin được về để sửa chửa và tiếp tế. Một ngày sau Bộ Tư Lệnh cho chiến hạm về Phan Thiết để tuần tiễu từ mũi Kê Gà đến Vũng Tàu. Tại đây chiến hạm sẽ nhận tiếp tế dầu, nước từ các chiến hạm bạn đang cùng công tác trong vùng. Khi nhận được tiếp tế đầy đủ, chiến hạm lại tiếp tục chở đồng bào và quân nhân từ Phan Thiết về Vũng Tàu.
Ngày 16 Tháng Tư, 1975, mới được lệnh về Sài Gòn để sửa chữa.
Ngày 17 Tháng Tư, 1975, chiến hạm ráng lết về Sài Gòn với một máy chánh tả. Cập cầu HQCX vị trí 1 cho đồng bào lên bờ. Các thủy thủ bắt đầu dọn dẹp vệ sinh. Tôi rời tàu, ra cổng HQCX gọi Honda ôm để về nhà. Trên đường đi tôi bị ám ảnh bởi cảnh đọa đày trên sà lan mà đồng bào ta đang chịu đựng, làm lòng tôi nôn nóng muốn mau về để thấy mặt vợ con. Tôi nghĩ lại mình còn có hạnh phúc hơn nhiều người.
Ngày hôm sau tôi vào hạm đội và trình diện Hải Quân Ðại Tá Nguyễn Xuân Sơn, tư lệnh Hạm Ðội. Ông cũng là vị hạm trưởng đầu tiên nhận lãnh chiến hạm HQ-09 năm 1960 tại Hoa Kỳ. Ông nói tôi phải đưa lệnh công tác sửa chữa gấp cho HQCX, đồng thời xúc tiến ngay việc lãnh gạo và nhiên liệu để sẵn sàng công tác. Ðặc biệt lần lãnh gạo này được cấp đầy kho, điều đó cũng đã nói lên ý định của hạm đội chuẩn bị cho một cuộc di tản sắp tới.
Ngày hôm sau Ðại Tá Sơn bị cách chức và Hải Quân Ðại Tá Phạm Mạnh Khuê lên thay thế. Một buổi họp khẩn cấp các hạm trưởng của hạm ðội, Ðại Tá Khuê tuyên bố: “Anh em yên chí, chúng ta vừa mới thả hai trái bom CBU ở Long Khánh, Cộng Quân đang bị chận đứng. Mọi công tác vẫn như thường lệ, việc chuẩn bị chiến hạm di tản hủy bỏ.” Tất cả mọi người lặng lẽ ra về.
Tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư, 1975, là một tuần lễ thê thảm của HQCX. Máy chánh, máy điện rả ra mà chẳng có thợ xuống ráp lại. Mỗi ngày có một đốc công xuống xem qua rồi lên, họ lắc đầu nói chờ “part” v.v. Các nhân viên chiến hạm cũng điểm danh đầy đủ, có một sĩ quan vào chào từ biệt tôi để đi Hoa Kỳ ngày 20 Tháng Tư, 1975, anh nói đã có vé máy bay vì bà xã làm ở cơ quan Mỹ.
Chiều 29 Tháng Tư, 1975, các chiến hạm từ cầu A cho tới sở Hàng Hà đều đầy nghẹt người, riêng các chiến hạm đậu trong HQCX thì ít người hơn vì vào lối này phải có người hướng dẫn. Trung Tá Trị, hạm trưởng HQ-406, đang đậu vị trí ngoài cùng gặp tôi đang lúc anh đưa gia đình ngang qua HQ-09, anh bảo tôi cùng đi nhưng gia đình tôi chưa vào được nên tôi từ chối.
Chiều lại, tôi tập họp nhân viên trên tàu, mọi người nhìn tôi chờ đợi. Tôi nói tàu mình hư không thể chạy được, anh em nào muốn đi thì qua HQ-406, tối nay sẽ khởi hành. Riêng bản thân tôi thì ở lại, vì vợ con tôi không vào được. Một vài người qua HQ-406, còn bao nhiêu hầu như cùng ở lại chiến hạm như tôi.
Tối hôm đó tôi vào phòng truyền tin để theo dõi việc di tản. Trong phòng đã có sẵn hai nhân viên vô tuyến đang đàm thoại với những chiến hạm bạn. Tôi chỉ sợ nếu có một chiến hạm bị bắn cháy trên đoạn đường từ Sài Gòn ra Vũng Tàu thì cuộc di tản của chúng ta sẽ như thế nào? May thay đám du kích Việt Cộng hai bên bờ sông Lòng Tào và Soài Rạp chưa đủ sức để làm chuyện này.
Sáng 30 Tháng Tư, 1975, đứng trên đài chỉ huy tôi chỉ thấy một vài chiến hạm còn lại đang cột ngoài phao ở giữa sông, hay cập bến tại các cầu tàu. Phần đông các chiến hạm đều bị bất khiển dụng, chỉ có một số ít chiến hạm không đi, mặc dầu còn khiển dụng một máy hoặc cả hai máy. Lý do vì không có hạm trưởng hay cơ khí viên. Nhưng không phải vì thế mà chiến hạm bị bỏ ngỏ. Tất cả vẫn nhiệm sở tác chiến. Họ là những người lính, nên dù ở hoàn cảnh nào, họ cũng đều tuân lệnh và chiến đấu hết mình.
HQ-09 cũng vậy, tất cả vào nhiệm sở để chiến đấu dù tuyệt vọng. Nếu ông Dương Văn Minh không tuyên bố đầu hàng, chắc chắn các chiến hạm còn lại cũng phải một sống một chết với Cộng Quân.Hình chụp lúc 9 giờ sáng ngày 17 Tháng Giêng, 1963, hộ tống hạm Kỳ Hòa HQ-09. (Hình minh họa: Flickr manhhai)
Lúc 11 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Tôi tập họp anh em trên chiến hạm một lần chót: “Tôi nói anh em đã nghe rồi, chúng ta đầu hàng. Bây giờ các anh em có quyền về nhà.”
Trước khi về, anh Quản Nội Trưởng cho anh em mang gạo về mà ăn. Cứ mở kho, ai mang được bao nhiêu thì mang.
Tôi thay thường phục lái xe về nhà. Tôi mang theo xách tay, trong đó có hai khẩu súng (một Ru-lô và một Colt 45). Theo xe tôi có Hạ Sĩ Thành, anh là trọng pháo nhưng luôn luôn sát cạnh để lo ăn uống và giúp đỡ cho tôi khi cần. Vừa ra khỏi HQCX tôi quẹo phải đường Cường Ðể. Trước hết tôi thấy bao nỗi kinh hoàng còn ghi dấu hai bên đường. Nào là các xe hơi, xe Jeep, xe Honda nằm đầy la liệt với hàng đống vali và xách tay cùng hàng đống hình ảnh và búp bê rơi tung tóe. Ðến đường Hiền Vương tôi quẹo trái, gần ngang cổng Nha Hàng Không Dân Sự thì gặp phải một chiếc T 54 của Cộng Sản đang tiến nhanh ngược chiều về phía tôi, tôi nép qua phải, chút nữa là tôi bị cán nát. Ðây là lần đầu tiên tôi thấy tận mắt T 54.
Về đến nhà, tôi thấy vợ con tôi và một số bà con đang ngồi bẹp dưới sàn nhà. Có lẽ mọi người cũng như tôi đã chờ đợi suốt đêm qua, nhưng mỗi người chờ đợi mỗi cách. Gia đình và bè bạn thì chờ tôi về để đưa đi. Còn tôi và toàn thể nhân viên trên chiến hạm thì chờ đợi những giờ phút cuối cùng của lịch sử trong đời quân ngũ. Một lúc sau chẳng ai nói với ai một điều gì, mọi người tự giải tán trong nặng nề và u uất. Tôi đưa cho Hạ Sĩ Thành khẩu Colt 45 và một ít tiền để anh về xe, anh ở tận Cần Thơ. Từ đó tôi chẳng bao giờ gặp lại mặt anh.
Những ngày đầu Tháng Năm, Sài Gòn như lên cơn sốt bệnh tật. Nhà nhà đóng cửa, ngoài đường xe cộ chạy loạn xạ, một chiếc đâm vào nhà tôi làm sập cánh cửa sắt, mặc dầu nhà tôi ở trong hẻm nhỏ. Người lái xe chẳng ai xa lạ, mà là một cậu xì ke nhà đầu xóm. Cậu ta vừa mới vớ được chiếc xe Jeep của ai mới bỏ sáng nay nên lái chạy chơi, có người còn cầm súng bắn lên trời mừng chiến thắng. Sực nhớ còn khẩu Ru-lô trong túi xách, tôi bảo vợ tôi lấy tờ báo gói lại rồi đem ném vào đống rác ở chợ Bàn Cờ. Vợ tôi lặng lẽ ra đi một lát sau bà về bảo đã làm xong nhiệm vụ. Tôi tự nhủ thầm, hôm nay tôi mới thực sự giã từ vũ khí.
Ngày 2 Tháng Năm, 1975, tôi đứng dậy sau một ngày nằm dài như người mê man. Tôi cố đi một vòng quanh khu Bàn Cờ chỗ tôi ở. Hai bên đường cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam treo đầy, các “bộ đội giải phóng” “hồ hởi phấn khởi” mặc đồ đen, đồ xanh, có người quấn khăn rằng, có người đội nón tai bèo. Họ vừa chạy xe Honda vừa bóp còi inh ỏi.
Một tuần sau tôi lại đi lần nữa để xem có gì khác lạ không, khi đi ngang qua rạp hát Văn Hoa trên đường Ðiện Biên Phủ gần Ngã Bảy, tôi thấy bộ đội miền Bắc đóng đầy trong đó, ngoài cổng có hai tên đầu đội nón cối, chân đi dép râu, tay cầm AK báng đỏ đứng gác. Nhìn chung quanh đường tôi chẳng còn thấy bong dáng cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đâu cả mà thỉnh thoảng có vài lá cờ đỏ sao vàng bay trên nóc các cao ốc. Tôi nghĩ bụng, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chỉ chiến thắng có vài ngày thôi, họ hy sinh nhiều nhất mà thua cũng mau nhất.
Vài ngày sau tôi đạp xe chạy xuống bến Bạch Ðằng. Hôm đó trời mưa lất phất, dẫn xe đạp qua gần cầu B, tôi thấy vài chiến hạm còn đậu ngoài phao, nhìn về phía HQCX tôi thấy mũi tàu HQ-09. Tôi im lặng với bao niềm thương nỗi nhớ. Vĩnh biệt HQ-09!
Tôi đạp xe về nhà mà lòng tái tê.
(Hoàng Ðình Báu) [qd]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét