Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

Chuyện "Điên Nặng" ở Texas: - Vì Đâu Nên Nỗi? - Nguyễn văn Hoa

 

* Lời giới thiệu: Ông bạn đồng môn thời Trung học của tôi, Nguyễn Văn Hoa, là người đã gần 40 năm “lăn lộn” trong nghề “điên nặng” sau khi tốt nghiệp Phú Thọ ở Sài Gòn và hiện định cư tại Hoa Kỳ. Ông đã về hưu và Tết vừa rồi đã phải đón xuân trong một hoàn cảnh “không điện, không nước và cũng không Internet” tại Austin, thủ phủ của tiểu bang Texas! Điện là “nghề của chàng” nên trong một email viết ngày Mùng 10 Tết Tân Sửu ông vừa “than trời” cũng vừa “than người” về những ngày “điên nặng”. Vì là một kỹ sư điện, ông không chỉ than thở mà còn có những ý kiến chuyên môn phân tích sự kiện để tìm hiểu vấn đề… Thư hơi dài nhưng cũng mời các bạn ráng đọc hết (nếu đủ kiên nhẫn)!
<!>
Sau ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, tôi khấp khởi mừng thầm vì năm Canh Tý – năm tuổi của tôi – sắp hết mà chưa có điều gì xui xẻo lớn xảy đến. Không dè đến đêm 27 và 28 tháng Chạp, trời Austin (Texas) trở mưa lớn, và nhiệt độ tụt xuống đến 20° Fahrenheit (khoảng ­7° Celsius); và sáng hôm sau, 29 tháng Chạp, khoảng 11 giờ sáng nhà tôi bị cúp điện. Điện nhà tôi do thành phố Austin cung cấp dưới cái tên nghe rất kêu là “Austin Energy.” Nghĩ trong đầu là không bao lâu sẽ có điện trở lại, vợ chồng tôi hồn nhiên ăn cơm trưa dưới ánh nến (mua dùng cúng Tết), và rồi kiên nhẫn ăn tối và bực bội cúng giao thừa cũng dưới ánh nến. Đồng thời, chúng tôi lạnh cóng vì không có điện thì máy sưởi dùng động cơ điện thổi hơi ấm ra ngoài không chạy, đành phải mở lò gas nấu ăn lên để giữ ấm một phần nào. Bước sang năm Tân Sửu lạnh lẽo trong bóng tối, không có máy sưởi ấm, không có Internet, không ti-vi tin tức, và cạn pin điện thoại di động, chúng tôi vào giường buổi tối với hai ba lớp quần áo dày cộm.
Theo lời khuyên của thành phố, để giữ ống nước khỏi đóng băng, chúng tôi để tất cả các vòi nước trong nhà nhỏ giọt suốt ngày đêm. Mấy ngày đầu năm mới, trời Austin lạnh kinh hồn, hai đêm liền nhiệt độ tụt xuống đến 5 và 6°F (khoảng ­15°C), và tuyết rơi liên miên chồng chất đến 10–12-inch (khoảng 0.3 m), phủ lấp mái nhà và đường đi. Ở Austin, hai điều kiện thời tiết hà khắc này chưa bao giờ xảy ra cùng một lúc. Trong mấy ngày kế tiếp, nhiệt độ nằm lì dưới nhiệt độ đóng băng 32°F, chúng tôi bị “cầm tù” vì đường sá đầy tuyết và nước đá, không đi lại được, và chỉ có cách “tử thủ” và tìm cách sống còn trong nhà mình. Nhờ để nước nhỏ giọt, ống nước lạnh từ ống nước chính của thành phố vào nhà không bị đóng băng, nhưng nhiệt độ quá thấp khiến cho ống nước nóng chạy trong tường từ máy nước nóng vào nhà kém may mắn hơn, bị đóng băng (và bị vỡ vì nước đóng băng thì tăng thể tích); vậy là chúng tôi mất nước nóng.
Sau hơn một tuần mất điện, chúng tôi có điện lại tối mồng 7 Tết. Trước đó hai ngày, lúc trời ấm lại bình thường, ống nước nóng rã băng và phun nước ào ào từ trong tường ra ngoài, và chúng tôi phải gọi người khóa nước từ ống dẫn chính của thành phố và như thế hoàn toàn mất . . . nước.
Hôm nay, ngày mồng 10 Tết, chúng tôi đang chờ thợ ống nước tới sửa. Từ năm cũ đến nay, vì lúc đầu thiếu ánh sáng và sau đó thì mất nước, hàng ngày chúng tôi nấu nước nóng và dùng khăn mặt lau người; đó là phương pháp “tắm khô” tôi từng dùng thời còn trẻ bỏ nhà đi bụi đời. Vẫn cố gắng nấu ăn (vì không thể ra ngoài) nhưng khi rửa chén và nồi niêu soong chảo phải dùng phương pháp rửa tô của các bà bán bún bò gánh ngày xưa ở Huế: chỉ một thau nước nhỏ và cái khăn lau mà các bà “rửa” hết tô này sang tô khác suốt ngày. Ngày nay, chúng tôi “tiến bộ” hơn vì có các cuộn paper towel rất tốt và dễ dùng. Và phương pháp cổ điển này sẽ còn được dùng ít nhất là ba, bốn ngày nữa.
Thực ra, trong tuần lễ “mất điện” đó, điện có trở lại vài ba lần, nhưng lần nào cũng chập chờn khoảng 10 hay 15 phút rồi biến mất. Lần điện tái xuất giang hồ lâu nhất là khoảng nửa tiếng đồng hồ trước nửa đêm mồng 4 Tết. Sau đó, tôi nghe tin tức nói ERCOT (Electric Reliability Council of Texas) lúc đó đã ra lệnh cho Austin Energy và các công ty điện lực ở Texas cúp điện luân phiên. ERCOT là cơ quan điều hành hệ thống điện và chỉ huy các công ty điện lực trong tiểu bang.
Cúp điện luân phiên là một cách giải quyết vấn đề thiếu điện; công ty điện lực chia vùng phục vụ thành từng khu, cho mỗi khu có điện 45 phút rồi cúp đi, và đóng điện cung cấp cho khu khác. Không may cuộc cúp điện luân phiên thất bại ê chề và khiến cho hơn 40 phần trăm khách hàng toàn tiểu bang bị mất điện tuốt luốt. ERCOT cho biết, lúc đó nếu không ngưng kịp thời, chỉ trong vòng vài phút hay vài giây là tai ương xảy đến: toàn thể hệ thống điện Texas sẽ sụp đổ hoàn toàn, và sẽ cần vài tháng mới có thể phục hồi. Về mặt kỹ thuật, các viên chức có trách nhiệm trong việc quyết định và thi hành công tác cúp điện luân phiên này xứng đáng được thưởng huy chương vàng về sự . . . bất tài.
Vì Sao Nên Nỗi?
Là một kỹ sư điện hồi hưu, chúng tôi đã từng làm việc gần 40 năm trong ngành điện lực Hoa Kỳ, trong đó khoảng 13 năm là hội viên của Reliability Assessment Subcommittee (RAS) là tiểu ban có nhiệm vụ nghiên cứu, tiên liệu, và tìm cách ngăn ngừa những vụ cúp điện rộng lớn ở Bắc Mỹ, tương tự như vụ cúp điện Texas trong tuần lễ vừa qua. RAS là một ủy ban thuộc North American Electric Reliability Council (NERC), NERC là cơ quan tầm Bắc Mỹ chỉ huy và bao gồm các cơ quan như ERCOT. Theo lời yêu cầu của anh bạn trẻ Nguyễn Đình Hiếu đang biên tập và trình bày cho Nguyệt san KBC, chúng tôi ghi lại dưới đây một số cảm nghĩ tại sao “dân Texas phải gánh chịu những ngày ‘thảm thương’ như thế. Lỗi tại ai hay lỗi tại . . . Trời?” (nguyên văn thư của Hiếu).
Lỗi tại . . . Trời.
Dĩ nhiên đổ lỗi cho ông Trời, hay “khoa học” hơn là đổ thừa cho hiện tượng “biến đổi khí hậu,” là cách giải thích dễ dàng và an toàn nhất. Mưa lạnh và tuyết rơi cộng thêm nhiệt độ cực kỳ (nói một cách tương đối) lạnh giá lúc đầu khiến cho các đường dây tải điện đến khách hàng bị đứt, khách hàng mất điện. Đồng thời, thời tiết giá lạnh làm cho các cơ quan điện lực thiếu khả năng cung cấp điện (“thiếu điện”), càng làm cho việc phục hồi điện cho khách hàng khó khăn và trì trệ.
Nước mưa và tuyết tan thành nước đọng trên dây truyền điện, gặp lạnh đông thành đá, và khiến cho dây nặng quá sức, bị đứt ra rơi xuống, và không thể tải điện từ nhà máy đến người tiêu thụ. Texas lại có rất nhiều cây cối; nước đọng trên lá và cành cây khiến cành cây trĩu nặng, gãy lìa ra khỏi thân cây, và hoặc là rơi đè lên nối tắt hoặc là kéo đứt các dây phân phối dẫn điện vào nhà khách hàng. Tóm lại, dây điện đứt là do thời tiết ông Trời gây ra, người đành ngậm đắng nuốt cay mà khó có thể làm gì được.
Nhưng tại sao thiếu điện? Trong một số năm gần đây, do chính sách của chính phủ và khuynh hướng của quần chúng cổ võ việc bảo vệ môi sinh và ngăn ngừa hiện tượng sưởi ấm toàn cầu, Texas cũng như nhiều tiểu bang khác đã thiết trí nhiều nhà máy phát điện dùng năng lượng gió cũng như khai thác triệt để năng lượng mặt trời. Cả hai loại “nhiên liệu” tái tạo này có sẵn trong thiên nhiên, người ta chỉ tốn tiền xây nhà máy và dụng cụ, sau đó dùng “miễn phí.” Austin Energy lôi cuốn khách hàng tư gia thiết trí các tấm pin quang điện trên mái nhà để giảm bớt nhu cầu dùng điện, và do đó giảm nhu cầu xây cất nhà máy phát điện, bằng cách tặng tiền mặt (gọi là “rebate”) cho khách hàng giảm bớt chi phí. Thí dụ, các tấm pin quang điện giá $25,000, Austin Energy có thể tặng cho khách hàng $10,000 tiền mặt. Khách hàng còn có thể được miễn thuế lợi tức một phần (40 phần trăm chẳng hạn) của chi phí $15,000 còn lại. Từ các chính trị gia đến công ty điện lực và khách hàng, ai nấy đều thơ thới hân hoan, vờ quên mất rằng sẽ có một lúc nào đó gió không thổi và mặt trời không hiện ra, lấy điện đâu ra để khách hàng dùng và có được những tiện nghi của đời sống văn minh?
“Lúc nào đó” đã xảy ra. Trời mưa lạnh và tuyết rơi tan thành nước và đông đá trên cánh quạt của các trụ phát điện dùng năng lượng gió, bão tuyết dữ với gió thổi mạnh có thể bẻ gãy các cánh quạt này, và các trụ phát điện phải ngưng hoạt động. Năng lượng gió trở thành vô dụng. Tuyết và mây mù che khuất mặt trời, dân Texas đành hôn chia tay với năng lượng mặt trời; nhu cầu dùng điện tưởng là đã giảm nay lại càng gia tăng hơn vì trời lạnh giá và thiếu ánh sáng mặt trời. Ôi thôi, thế là anh em ta cùng nhau hô lên là thiếu điện.
Lỗi tại . . . Người
Theo ý kiến thô thiển của chúng tôi, đổ lỗi “thiếu điện” cho ông Trời thì quả là lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Nhà nghiên cứu kế hoạch điện lực luôn luôn tâm niệm công ty điện lực có “nghĩa vụ phụng sự” (obligation to serve) khách hàng trong mọi trường hợp. Ở một cửa hàng bách hóa, nếu khách hàng đến mua một đôi giày mà cửa hàng không có, khách phải ra về hay tìm mua ở cửa hàng khác. Công ty điện lực không thể làm như thế, bất cứ lúc nào khách hàng bật đèn lên hay cắm một dụng cụ vào ổ điện, khách mong đợi đèn đỏ lên hay dụng cụ hoạt động ngay lập tức.
Để thực hiện sứ mạng của mình, công ty điện lực phân biệt hai loại khả năng của hệ thống phát điện: Một là “năng lượng” (energy) tương tự lượng kilowatt-giờ công ty điện lực đọc đồng hồ tính tiền khách hàng tư gia. Hai là “khả năng cung cấp điện” (capability) là công suất điện có thể cung cấp bất cứ lúc nào khách hàng cần tới. Trước đây, khả năng “được công nhận” (accredited) của các nguồn điện dùng năng lượng tái tạo bị quy là rất thấp. Thí dụ, căn cứ theo thống kê về hoạt động thực sự của nhà máy phát điện dùng gió, người ta chỉ công nhận khả năng của chúng khoảng 6-10 phần trăm, và các nguồn điện mặt trời khoảng 3-5 phần trăm. Ngoài ra, NERC và các cơ quan như ERCOT còn đòi hỏi mỗi công ty điện lực phải có đủ khả năng cung cấp điện cho khách hàng ở thời điểm dùng điện cao nhất trong năm, cộng thêm “số dư dự trữ” (reserve margin) thường là 15-18 phần trăm nhu cầu tối đa của khách hàng. Như thế, dù “có chuyện gì xảy ra,” công ty điện lực vẫn đủ khả năng đối phó với tình thế bất trắc.
Trong những năm gần đây, do chính sách của chính phủ, các yếu tố kinh tế, và tâm lý quần chúng, nguồn điện dùng năng lượng tái tạo trở thành những mặt hàng quý giá. Khả năng được công nhận của nhà máy gió được nâng lên đến 60-80 phần trăm, năng lượng mặt trời đến 30-50 phần trăm. Song song với sự “sáng tạo” ra các khả năng cung cấp điện ma, người ta không còn đòi hỏi công ty điện lực có thêm số dư dự trữ, với lý do các hệ thống điện nối liền với nhau và có thể giúp đỡ lẫn nhau khi cần. Họ vờ quên mất rằng khi thời tiết khắc nghiệt xảy đến trong một diện tích rộng lớn như cơn bão lạnh Texas vừa qua, công ty nào cũng bị ảnh hưởng, cũng bị thiếu điện, và không thể trợ giúp công ty khác. Không còn tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn (chứa lúa để ngừa đói, để dành áo phòng khi lạnh) như cái thuở không mấy xa xưa ấy.
Xem ra, lý do khiến Texas thiếu điện và nạn cúp điện kéo dài hơn mười ngày là lỗi tại... người. “Người” ở đây có thể hiểu là các chính trị gia hay các nhà quản trị điện lực ở cấp cao nhất; từ năm, mười, hay mười lăm năm nay, họ đã dần dần tạo nên những chính sách và đường lối đưa lại hậu quả chẳng đặng đừng như đã thấy. Ta cũng có thể đổ lỗi cho các kỹ sư thiếu khả năng tìm ra bột để khuấy thành hồ. Nhưng trong một quốc gia dân chủ như Hoa kỳ, trách nhiệm tối hậu là của người dân. Họ đã bỏ phiếu bầu người lãnh đạo, đặt viên chức có thẩm quyền vào những chức vụ quyết định, và chấp thuận các chính sách đề ra. Nếu chưa kể họ đã tận hưởng những lợi lộc phát sinh từ các chính sách đó.
Tôi đã thấy rõ và tiên liệu những gì sẽ xảy đến, và dĩ nhiên không đồng ý với những chủ trương “cấp tiến” đó. Nhưng tôi là thiểu số. Vì vậy mà phe tôi bị thất cử.
Nguyễn văn Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét