Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Hỏi bác GIAO CHỈ ? - Ng.Thế Vũ

Thiết quân luật ???Có hay không và....Hoa Kỳ, Vì đâu nên nỗi? 
Xin cáo lỗi với các bằng hữu quan niệm khác. Dù sao sỏi đá cũng cần có nhau..
Lời nói đầu: Năm trước tôi có dịp được mời lên nói chuyện trên diễn đàn Cali Today và có được số khán giả đáng khích lệ. Riêng có một lần qua đề tài về Việt Nam Cộng Hòa, tôi trả lời các câu hỏi của tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng tại San Jose, sau 1 tháng có gần 1 triệu khán giả. Đến hôm nay đầu năm 2021 đã lên đến vào khoảng 1 triệu và 400 ngàn khách ghé thăm buổi nói chuyện khoảng 50 phút. Cali Today cho biết có đến 40% khách coi từ Việt Nam. Từ thời gian đó tôi nhận được nhiều câu hỏi của các bạn trẻ bốn phương và tôi cũng chịu khó trả lời. 
<!>
Nhận thấy Youtube, Email và Facebook quả thực là phương tiện truyền thông hết sức hữu hiệu nên kể từ đầu năm 2021 xin ghi lại các câu hỏi đáp để chia xẻ với bằng hữu bốn phương. Phải thưa rằng, kiến thức và học vấn giới hạn nên trả lời trong khả năng. Khi đem phổ biến chỉ là để trình báo chứ không phải là giảng dạy. Sau đây là các câu hỏi đáp thời sự ghi lại vào tuần lễ số 1 của năm 2021.

Hỏi bác Giao Chỉ. Ng. Thế Vũ (MN)
 
Đang có tin đồn tổng thống sẽ ban hành Thiết quân luật tại Hoa Kỳ. Chuyện này có thể xảy ra không và ảnh hưởng ra sao. Trả lời. Đây là tin đồn, sự thực sẽ không xảy ra. Quân đội là tổ chức chống ngoại xâm hay tham dự chiến tranh. Rất hiếm khi dùng quân đội giải quyết các biến động trong nước gọi là Thiết quân luật. Tại Việt Nam hay Thái Lan trước đây thường có thiết quân luật nhưng sẽ không xảy ra quy mô trên toàn quốc tại Hoa Kỳ. Thiên tai hay biến loạn từng khu vực tại một thành phố, một tiểu bang có thể ban hành thiết quân luật ngắn hạn dùng quân đội vãn hồi trật tự cấp thời. Trong khu vực Thiết quân luật dân chúng sẽ tạm thời bị giới hạn rất nhiều về quyền tự do dân sự. Nếu là thiết quân luật toàn quốc tại Hoa Kỳ tức là biến động quốc gia. Hiến pháp không có chỉ dẫn về chuyện này. 

Tại các quốc gia kém mở mang, dân chủ chưa ổn định. Lãnh tụ hay chính quân đội thường đứng ra cầm quyền để giải quyết tình trạng biến động về chính trị hay dân chúng nổi loạn. Sẽ diễn tiến như sau: Quân đội và tổng thống cầm quyền chuẩn bị bí mật. Xe tăng và binh sĩ xuống đường nửa đêm. Bao vây quốc hội và các vị trí quan trọng tại thủ đô. Sau đó tổng thống tuyên bố Thiết Quân Luật thì mọi chuyện đã an bài. Giải tán quốc hội và tối cao pháp viện. Toàn quân toàn dân sẽ làm lễ suy tôn vị lãnh đạo quốc gia. Bầu lại quốc hội theo hiến pháp mới hay sửa lại hiến pháp cũ. Đúng nghĩa của chuyện Thiết quân luật như thế thì sẽ không xảy ra tại Hoa Kỳ. Quân đội Mỹ không phải là quân đội của riêng tổng thống. Trường hợp tại Hoa Kỳ hiện nay tổng thống không đủ uy tín và khả năng. Cũng không đủ lý do để ra lệnh cho quân đội đứng ra cầm quyền. 

Câu hỏi từ Sài Gòn: Vì sao nên nỗi. Xin nhắc lại để bác nhớ. Cháu là An thế Hải con của bố cháu là An như Duy cùng khóa với bác. Bố cháu đi tù về rồi bị bệnh qua đời. Mấy năm trước bác có gửi tiền về cho gia đình cháu. Bây giờ chúng cháu ổn định và dạy văn trên đại học nhưng rất quan tâm đến tình hình Mỹ. Xin bác cho biết thực sự ra sao ?.

Trả lời: Rất mừng được tin cháu hiện là giáo sư đại học. Tin tức về chính trị nước Mỹ thì tràn ngập trên máy cháu cũng đã biết rõ. Trên thực tế các bác ở Mỹ trên 40 năm nhưng đến năm nay qua nội chiến chính trị mới học hỏi được nhiều.Trước hết là tin giả phổ biến vô tội vạ. Nhưng nếu bình tĩnh thì cũng giải quyết được. Tin khác biệt lạ lùng thường là tin giả. Chẳng phải chờ đợi lâu. Một vài ngày hay một vài tuần là biết ngay. Có người tin và yêu tin giả. Đừng tranh cãi. Đó chính là giấc mơ mà thôi. Nhưng con số hơn 70 triệu cử tri Mỹ bầu cho ông Trump là tin thật. Dù yêu hay ghét ông cũng không ai ngờ là một người bất thường như vậy mà lại được dân chúng yêu thương cuồng nhiệt như thế. Đó là nói về người dân Mỹ. 

Mỗi kỳ bầu cử tổng thống, cử tri bầu theo đảng. Dù ai được đề cử thì cũng có hàng triệu phiếu căn bản của đảng viên hay cảm tình viên. Số phiếu quyết định hơn thua là do tranh cử. Thời kỳ ông Obama lên làm tổng tổng 8 năm, thực sự ở California bác không cảm thấy sóng gió. Bây giờ mới biết thời kỳ đó nhiều người dân Mỹ trắng nhất là nông dân miền Trung Mỹ rất hận thù.Tinh thần kỳ thị bị dấu kín nhưng vẫn hiện hữu. Ngày nay mới thấy rõ là họ vẫn hết sức kỳ thị các sắc dân khác gồm cả di dân. Bác nhìn nhận rằng người Mỹ trắng rất có lý do để oán hận cuộc sống. Đa số họ là nông dân không có cơ hội thăng tiến như mỹ trắng tại đô thị. Các chính trị gia lấy lòng cử tri luôn luôn nói rằng Hoa Kỳ là nước của di dân. Người Mỹ trắng nghĩ mình là thượng đẳng và ông cha họ mới là di dân khai phá ra đất nước này. 

Năm 2016 ông Trump tranh cử nói những điều trong niềm mơ ước của họ. Dù không công khai nhưng vị tân tổng thống chia xẻ với sắc dân da trắng trong giấc mơ một nước Mỹ vĩ đại trở lại với vai trò thượng đẳng. Cháu đã dạy đại học nên bác không cần nói về những chuyện thường tình. Bác muốn nói đến diễn tiến lịch sử của nền dân chủ Mỹ. Khi các tiền nhân anh hùng của Mỹ viết bản tuyên ngôn độc lập trở thành khuôn vàng thước ngọc của loài người thì cũng chỉ là lý thuyết. Khi các ngài viết bản hiến pháp trở thành cuốn Thánh Kinh dân chủ thì cũng chỉ để áp dụng với dân da trắng. Da đen vẫn còn là nô lệ. Hơn 200 năm trước Hoa Kỳ phải trải qua trận nội chiến 4 năm làm tan nát các đô thị miền Nam và chết cả hai bên trên 1 triệu người. Ông tổng thống miền Nam phải đầu hàng và ông tổng thống miền Bắc bị ám sát chết. Trước cuộc nội chiến người Mỹ vẫn là một dân tộc vị kỷ. Ta chỉ biết ta. Dù giải phóng nô lệ nhưng tinh thần kỳ thị vẫn tồn tại. 

Sau đó, như cháu đọc lịch sử thì đã biết. Người Mỹ tiếp tục mở nước bằng cách chinh phục đất đai miền Tây và miền Nam. Từ Đại Tây Dương Hoa Kỳ mở nước đến Thái Bình Dương. Đất nước mênh mông rất cần nhân công và trí thức nên đến giai đoạn di dân tham dự. Di dân đến từ Âu Châu và Á Châu. Cùng một lúc người Mỹ mở rộng tấm lòng như câu thơ khắc ở tượng đài Tự Do nước Pháp đã thân tặng. Hãy đem cho ta những kẻ nhọc nhằn nghèo khổ, những dân tỵ nạn bất hạnh…Tinh thần dân Mỹ từ vị kỷ trải qua hàng trăm năm mới trở thành vị tha. Không còn vì mình mà dân Mỹ đã vì người mà mở rộng vòng tay đón tha nhân. Di dân đến từ Nam Mỹ, từ các nước Âu châu sau thế chiến. Từ Nam Hàn sau trận Triều Tiên, từ Cu Ba và rồi đến người tỵ nạn từ Việt Nam. 

Gần đây nhất là tỵ nạn từ Đông Âu sau khi thiên đường Sô Viết tan rã rồi đến các nước Trung Đông. Nhưng ngày nay di dân quá đông. Họ chiếm trên 50% dân CA và những người Tàu nói Anh Ngữ không xong đã làm chủ các hãng điện tử. Dân Mễ có mặt tất cả mọi nơi. Rồi Hồi Giáo…Người Mỹ trắng thượng đẳng cảm thấy bất an và nhìn ngay thấy ông Trump là vị cứu tinh thần thánh. Họ đã trải qua nhiều năm sống không hạnh phúc với hình ảnh ông tổng thống da đen và cả nước tràn ngập di dân. Cũng như trăm năm trước nước Mỹ có 4 năm nội chiến binh đao vì muốn giải quyết vấn nạn nô lệ. Trăm năm sau từ 2016 đến 2020 là 4 năm khởi sự trận nội chiến chính trị cũng vì lý do tiềm ẩn về kỳ thị mầu da. 

Nước Mỹ là quê hương sáng tạo của 2 chữ cao quý là Tự do và Dân Chủ. Nhưng người Mỹ đang nhân danh Tự Do đánh phá vào nền móng của Dân Chủ. Căn bản của dân chủ là sinh hoạt chính trị truyền thống với đa số, thiểu số, tòa án, luật pháp và đạo đức lãnh đạo. Người Mỹ đã phải tự cải thiện nội tâm cả trăm năm để đi từ vị kỷ đến vị tha. Nay chỉ trong vỏn vẹn 4 năm của nhiệm kỳ thứ nhất, vị tổng thống ái kỷ tuyệt vời đã xây dựng nền móng của một dân tộc phá bỏ lương tâm chỉ yêu nước theo chủng tộc. Đó là nguồn gốc của mọi sự bất an hiện nay. Nhưng sau cùng mọi thứ phải trở lại bình thường. Hoa Kỳ sẽ mãi mãi là quốc gia của mọi sắc dân và tấm lòng vị tha phải mãi mãi ở lại với nhân loại. Cháu hãy vui lòng ghi nhận suy tư của bác và mở rộng tấm lòng để học hỏi về chính sự Hoa Kỳ. Còn về tâm tư của người Việt tại Việt Nam. Bác phải hỏi cháu.

Ghi Chú: Cháu mở YouTube để gặp bác qua: Cơ hội cuối cho Việt Nam Cộng Hòa lên tiếng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét