Bao nhiêu năm cố gắng cho con đi học trường Tây, bà Si Môn hy vọng một tương lai sáng sủa cho con. Chúng nó sẽ ăn học đến nơi đến chốn, có bằng đại học, làm chức này chức kia ở văn phòng, chúng sẽ có gia đình tử tế, không nghèo khó, không hổ nhục. Bà còn cẩn thận đánh con thường xuyên để răn đe chúng nó. Bà tưởng rằng như thế chúng nó sẽ vào khuôn vào phép mà lớn lên theo như ý của bà. Bà đâu ngờ nó lại trái ngược với sự mong đợi của bà. Bà hoàn toàn sụp đổ…
<!>
Thời những năm trước 1975 ở Sài Gòn, người ta bán nhà chẳng cần treo bảng, cũng chẳng có công ty địa ốc buôn bán nhà cửa, hình như chỉ đăng báo kiểu rao vặt. Hoặc có những người chuyên chạy áp phe, có gì buôn nấy, họ quen biết nhiều, nên ai có nhu cầu buôn hay bán cứ nói với họ là có mối ngay. Người bán được hàng thì cho họ tiền hoa hồng hay gọi là tiền cò.
Năm đó khoảng 1962, căn nhà đầu dãy mới xây xong độ một tuần đã có người mua. Hôm gia đình này dọn vào, trẻ con cả xóm ra xem. Cái gia đình mới đến này không thấy có đàn ông, chỉ có một bà mẹ, một chị giúp việc và hai đứa con lai Tây, một trai, một gái. Có bác tài xế và một người đàn ông phụ khuân vác đi theo khuân đồ đạc. Lũ trẻ con trong xóm cũng nhanh nhẩu góp tay khuân phụ vài thứ lặt vặt. Thế là trẻ con quen nhau dễ dàng.
(Ảnh: Manhhai/Flickr.com)
Tên đứa con gái lớn là Si Môn, nó được khoảng tám tuổi. Si Môn là tên gọi ở nhà thôi, trên giấy tờ nó tên là Nguyễn Thị H. Si Môn có mái tóc ngắn, quăn tự nhiên, màu nâu nhạt có ánh vàng. Tên đứa con trai thứ nhì là Tiến, khoảng năm tuổi. Tiến có mái tóc màu nâu, thẳng, không quăn như tóc của chị nó. Cả hai chị em nó thuộc loại nhỏ xương, nhưng có chiều cao trên trung bình một chút, dáng dấp gọn gàng, xinh đẹp.
Chị giúp việc tên Loan, khoảng 18 tuổi. Chị Loan không xấu lắm, chị có nước da ngăm ngăm, mặt hơi rỗ hoa, dáng người vừa tầm, khi cười để lộ cả lợi. Nhưng lúc nào chị cũng gọn gàng sạch sẽ. Chị hay mặc cái quần sa tanh đen và cái áo sơ mi trắng cánh tay. Móng tay luôn để nhọn, thỉnh thoảng chị chà móng tay bằng chanh cho trắng bóng.
Người mẹ có tên Nguyễn Thị T, nhưng cả xóm gọi bà là bà Si Môn theo tên đứa con gái lớn. Năm đó bà khoảng ngoài ba mươi. Bà Si Môn có dáng người cao ráo, nét mặt xinh đẹp, dễ nhìn. Bà làm nghề bán bar. Mỗi buổi chiều khoảng 4 giờ bà son phấn ra đi. Bà diện quần áo rất lịch sự, luôn mặc nguyên bộ váy và áo jacket ngắn tay cùng màu. Bà không mặc quần áo hở hang hay lòe loẹt như những cô gái bán bar khác. Nghe nói bà bán bar ngoài Sài Gòn, chủ người Pháp. Vì nhà ở Phú Nhuận nên bà phải đón taxi đi làm mỗi ngày. Mỗi đêm bà dẫn về một ông lính Mỹ. Nhưng thỉnh thoảng có ông nào bao bà ở với ông ấy suốt thời gian ông ta phục vụ tại Sài Gòn thì bà làm vợ bao của ông trong những tháng đó. Thỉnh thoảng bà cũng bảo chị Loan nấu cơm trưa cho ông chồng bao của bà nếu ông ta ở lại ăn trưa.
Bà Si Môn cho hai con đi học trường Tây, dù tiền học đắt, bà không tiếc đóng tiền học cho con. Mỗi ngày con Si Môn và thằng Tiến có xe trường đưa rước tận đầu hẽm. Bà cho các con ăn mặc xinh đẹp. Cứ cách vài cái thứ Bảy, bà cho tiền chị Loan dắt chúng nó đi xem cải lương Kim Chung ngoài rạp Thống Nhất ở Sài Gòn.
(Ảnh: Flickr.com)
Chị Loan có cô bạn trong xóm nhỏ hơn chị hai tuổi, tên Quế, hai người chơi thân với nhau nên bà Si Môn cũng cho thêm tiền để chị Loan dắt bạn cùng đi. Thế là cả đám kéo nhau lên một chiếc taxi để đi xem cải lương. Mỗi lần trước khi đi xem, con Si Môn reo hò, chạy ra ngoài xóm báo tin cho mấy đứa trẻ khác biết nó sắp được đi xem cải lương Kim Chung.
Chị Loan, chị Quế và chị em con Si Môn lại diện quần diện áo đi xem cải lương. Vãn vở về đến nhà thì đã khuya lắc khuya lơ, nên qua hôm sau con Si Môn mới có cơ hội ra ngoài kể chuyện tuồng tích cải lương cho mấy đứa khác nghe. Nó kể đi kể lại nhiều lần không chán. Mấy đứa trẻ ngồi nghe cũng không chán, thỉnh thoảng còn hỏi lại khi đến đoạn hấp dẫn nhất. Hai chị em con Si Môn không thiếu thốn gì về vật chất, ai cũng bảo chúng có phước.
Thỉnh thoảng bà Si Môn lên đồng ở cái đền Đông Cuông Vọng Tự bên kia đường. Con Si Môn lại nhanh nhẩu đi báo tin cho lũ trẻ con trong xóm hay để cùng đi xem với nó. Nó khoe rằng mẹ nó mua rất nhiều món bầy sẵn ở mấy cái mâm, gọi là lộc. Chút nữa mẹ nó sẽ phát lộc cho mấy đứa đi xem.
Bà Si Môn mặc cái áo gấm dài màu đỏ chói, may theo kiểu áo chuyên mặc để lên đồng. Đầu bà cũng đội một cái mũ màu đỏ của các bà đồng. Bà múa qua múa lại theo tiếng nhạc của đám văn đang gảy đàn. Khi bà cầm những món trái cây, oản, hay cả tiền thảy ra, lũ trẻ con bu lại chụp giật. Bà thảy về phía các con bà và chị Loan nhiều hơn cho chúng nó chụp được nhiều hơn người ngoài. Có đứa hỏi con Si Môn:
– Mẹ mày lên đồng để làm gì thế?
(Ảnh: pinterest.com)
Nó trả lời:
– Mẹ tao bảo để xin các cô các cậu phù hộ cho làm ăn phát tài.
Lũ trẻ con nghe thế thì biết thế. Cái đền này là của một ông người Bắc di cư 1954 mở ra. Khách lên đồng đa phần là Bắc di cư, đủ mọi thành phần, từ gái bán bar cho đến các mệnh phụ. Cái môn lên đồng này được du nhập vào Việt Nam từ thời bị Tàu đô hộ gần 1000 năm, và lại theo chân những người miền Bắc di cư vào Nam. Còn trong Nam, có lẽ nó theo chân những người Minh Hương du nhập vào.
Ở lứa tuổi của bà Si Môn, nhiều người ở thôn quê còn mù chữ. Vậy mà bà biết đọc biết viết. Bà hay bói Kiều, thình thoảng bà đem cuốn Kim Vân Kiều ra lật, nhìn xuống xem nói gì rồi bà tự đoán số. Bà ít khi qua lại với hàng xóm, nhưng bà chào hỏi họ khi gặp nhau ngoài ngõ. Lâu ngày quen biết nhiều hơn thì bà bắt đầu tâm sự với vài người. Bà kể quê của bà ở một làng ngoại ô Hà Nội. Thuở nhỏ bà được đi học ở trường làng hết lớp ba, tạm biết đọc biết viết.
Khi còn con gái, bà có nghề buôn đồng nát (bán ve chai). Mỗi ngày bà gánh hàng đi ngang qua một cái đồn của Tây, có anh Tây gác đồn làm quen. Lúc đầu bà sợ lắm, nhưng khi bị nó kéo vào một lần, bà phải bỏ nhà theo nó luôn, không dám về nhà cha mẹ nữa. Khi sinh con Si Môn xong vài tháng thì anh lính Tây kia về nước.
Bà đặt tên đứa con gái là Si Môn theo tên của cha nó. Bà dọn vào Hà Nội, tiếp tục lấy Tây mà thời đó người ta gọi là me Tây, vì chẳng còn đường nào khác cho một người đàn bà có con lai như bà. Bà kể cha của con Si Môn là lính Tây nhưng gốc Đức, có mái tóc vàng hoe.
Năm 1954 bà theo đoàn người di cư vào Nam, lúc đó Si Môn chưa được một tuổi, bà lại tiếp tục bán bar. Vài năm sau, bà gặp một ông Tây, làm vợ bao cho ông và sinh thằng Tiến, rồi ông về nước.
Khoảng năm 1963 bà Si Môn làm vợ bao cho một anh lính Mỹ rất trẻ, nhỏ hơn bà trên mười tuổi. Anh này cao hơn bình thường nên mỗi khi bước vào cửa nhà bà anh phải cúi khom đầu thật thấp để khỏi bị cụng đầu. Bà có thai với anh, sắp đến ngày sinh thì anh hết hạn ở Việt Nam phải về nước. Anh xin cưới bà làm vợ để dẫn bà theo. Anh cũng sẵn sàng dẫn hai đứa con riêng của bà về Mỹ. Thế mà bà không chịu, vì bà sợ bà lớn tuổi hơn hắn nhiều, về đến Mỹ nếu sau này hắn bỏ bà lấy cô khác trẻ hơn thì bà làm sao nuôi nổi đàn con ở xứ lạ, ngôn ngữ lại chẳng rành.
Lúc trước ở Việt Nam, chẳng ai hình dung được đời sống của người dân bên Mỹ như thế nào nên bà Si Môn sợ đủ thứ. Bà sinh đứa con gái với anh, đặt tên là Helen. Bà chụp hình con gửi cho anh xem. Sinh con xong, bà thuê thêm vú em để nuôi Helen.
Anh kia đành về Mỹ một mình, tháng tháng gửi tiền qua cấp dưỡng cho con. Anh biên thư cho bà mỗi tháng, có lần gửi kèm cả ảnh và thư của cha mẹ anh. Mỗi lần nhận được thư của anh, bà lại thuê một ông thông dịch đến đọc thư và biên thư trả lời giùm cho bà.
Lần đó, ông dịch cho bà nghe bức thư của bố mẹ anh kia. Họ cho bà hay rằng họ là người Cơ Đốc giáo, họ kính sợ Chúa, họ sẽ thương yêu bà và các con của bà không phân biệt gì cả, bà cứ yên tâm mà qua Mỹ đoàn tụ với con trai của họ. Họ rất mong gặp bà và các cháu. Thế nhưng, bà Si Môn vẫn khăng khăng lập trường không thay đổi. Anh kia biên thư cho bà khoảng một năm rồi thôi. Có lẽ anh đã kiếm được người khác và đã lập gia đình.
Sau đó, bà Si Môn lại làm vợ bao cho một ông sỹ quan Mỹ. Có lẽ ông cho bà mỗi tháng nhiều tiền lắm nên bà ít khi đi bán bar vào buổi chiều. Thỉnh thoảng bà dẫn ông và các con cùng với chị Loan, bạn chị Loan đi xem cải lương Kim Chung.
Ông xem chẳng hiểu gì cả nhưng có lẽ thấy hát ngân nga lên xuống và khán giả vỗ tay ầm ầm thì ông cũng chịu khó ngồi yên cho mọi người thưởng thức. Nhưng chưa được một năm thì ông về nước. Ông nói với bà rằng vì ông đã có vợ ở Mỹ nên ông không thể cưới bà đem về nước được. Ông khuyên bà bỏ nghề bán bar đi, ông cho bà một số tiền lớn đủ để mở tiệm may quần áo để nuôi các con.
Nhưng sau khi ông về Mỹ, bà Si Môn lại đi bán bar trở lại. Lúc này con Si Môn đã trên mười tuổi. Mỗi chiều, khi bà trang điểm xong, bà sai nó chạy ra đầu đường đón taxi cho bà. Nó thích việc này lắm, vì nó hay chạy ra đầu đường Trương Tấn Bửu và Nguyễn Minh Chiếu nơi có nhiều xe taxi qua lại.
Nó vẫy được chiếu taxi nào thì leo lên bảo chở về đến đầu hẻm rồi bảo bác tài ngồi chờ. Nó chạy về nhà báo tin cho mẹ nó hay, thế là mẹ nó ra khỏi nhà, leo lên chiếc taxi đang chờ sẵn. Nhưng bà hay kiêng cữ, không muốn ra ngõ gặp gái, nên luôn hỏi con Si Môn có con gái đang đứng ngoài hẻm không. Nếu không có bà mới vội bước ra, nếu có thì bà phải chờ cho đứa con gái kia đi khỏi rồi mới bước ra ngõ.
(Ảnh: Pinterest.com)
Có lẽ bà Si Môn khoán việc dạy con cái cho chị Loan, nên chị Loan hay đánh con Si Môn lắm. Chị đánh nó hình như mỗi ngày. Hôm nào không thấy nó bị đòn, hôm đó nó có phước. Chị Loan hay cầm cái roi mây quất con Si Môn, nó đau quá khóc gào thật to, có khi chạy ra đường trốn. Chị lại cầm roi rượt theo quát tháo đe dọa, bắt nó phải về nhà. Nó luôn cãi lại về nhà để bị đánh nữa sao. Chân tay và mình mẩy con Si Môn hay có vệt có lằn của những trận đòn. Chị Loan đánh nó như thế từ khi gia đình nó vừa dọn đến xóm này, nghĩa là khi nó khoảng bảy hay tám tuổi.
Thỉnh thoảng chị báo cáo cho bà Si Môn về những sai quấy của con Si Môn, bà lại cầm roi mây ra quất túi bụi vào con. Lần nào bị đòn, con Si Môn cũng gào khóc thảm thiết. Đã thế, nhiều lần nó bị mẹ nó lột trần truồng, đánh từ trên xuống dưới rồi đuổi ra đường. Nó phải chịu lõa lồ đứng quay mặt vào tường ở căn nhà đầu hẽm. Nó ngồi xụp xuống, hai tay ôm lấy ngực, mặt úp vào tường.
Sau lưng nó, xe cộ qua lại, người ta ra vào đều nhìn thấy nó chịu nhục hình như thế, nhưng ai nấy thản nhiên đi luôn và nghĩ rằng tại nó hư quá nên mới bị phạt như thế. Có những đứa trẻ vô ý thức, còn chọc ghẹo nó “lêu lêu mắc cỡ, có đứa cởi truồng!”. Đó là những năm nó đã mười một mười hai tuổi, đã biết xấu hổ vì lõa lồ mà còn bị lột trần đuổi ra đường như thế.
(Ảnh: pinterest.com)
Nếu ở Mỹ hay các nước văn minh khác ở Âu châu, hàng xóm đã gọi cảnh sát đến bắt người mẹ và cơ quan xã hội sẽ giữ đứa con giao cho một gia đình tử tế nuôi để bảo đảm an toàn cho đứa trẻ. Đằng này, ở Việt Nam, cả xóm cứ phớt lờ, xem như đèn nhà ai nấy rạng. Vì sao thế? Vì văn hóa của người Việt Nam là con ai người đó dạy, muốn đánh kiểu gì tùy ý. Hơn thế nữa, vì luật pháp không bảo rằng đánh đập trẻ con là một trọng tội. Hàng xóm đối với nó đã trở thành những người cùng phe với mẹ nó. Nó hết đường chạy thoát.
Thằng Tiến em Si Môn ít bị đòn hơn, có lẽ vì nó hiền và nhát, không dám cãi vì sợ bị đòn. Helen vì còn bé quá, không thấy nó bị đòn.
Con Si Môn đau đớn không phải chỉ thể xác không thôi, mà tinh thần nó cũng sụp đổ hoàn toàn. Gia đình đối với nó chẳng phải là nơi dung thân, nơi nương tựa, nơi cho nó tình yêu thương và sự che chở. Ngược lại, nó chỉ thấy gia đình là nơi đày đọa, nơi hành xác và làm khổ nhục cho nó.
Nó có ý định bỏ nhà đi từ lâu, nhưng tứ cố vô thân, biết đi đâu bây giờ? Mẹ nó di cư vào Nam một mình, không thân bằng quyến thuộc trong Nam. Nó không có ông bà, cậu, dì để chạy đến tạm trú. Nó nói được tiếng Pháp, nhưng không biết chạy đến tòa đại sứ Pháp cầu cứu, vì dù sao nó cũng là giọt máu của một người lính Pháp để lại.
Nó cũng không tâm sự với các thầy cô trong trường để cầu vấn ý kiến của thầy cô hoặc sự can thiệp của trường. Nhất là trường Tây, dưới văn hóa đạo đức của phương Tây trong việc cư xử với trẻ con họ phải nhận ra ngay Si Môn đang bị bạo hành nghiêm trọng.
Người trong xóm không biết Si Môn bị đòn vì tội gì, chỉ biết nó hay cãi, không nghe lời. Có thể nó bị điểm kém trong trường vì học hành chểnh mảng nên bị đánh đòn ở nhà để trừng phạt nó chăng? Nhưng hai chị em nó vẫn đi học đều đặn, nó không bỏ học đi chơi như những đứa hoang đàng khác. Trong xóm có chị Hiền đang học Pháp văn sinh ngữ hai của lớp đệ tam, ngày nào cũng gọi Si môn ra nhờ nó chỉ bài và học đàm thoại tiếng Pháp với nó. Nó rất thích giúp chị Hiền và chỉ dẫn tận tình.
Cái roi mây của nhà Si môn hay bị nát tét ra vì dùng nhiều quá, vì thế chị Loan lại ra chợ mua cái roi mới. Mỗi lần mua thêm cái roi mới chị lại đem ra khoe với cô bạn thân và đem ra đe Si Môn coi chừng roi mới đánh đau hơn. Khi nó đã trên 13 tuổi, nó lì lợm hơn. Có lần chị Loan đang giơ roi lên quất nó, nó sấn vào la lên:
-Muốn đánh tôi chết thì đánh đi, đánh thêm đi. Dám giết tôi không?
Chị Loan khựng lại trước thái độ vùng dậy của con Si Môn. Nhưng sau đó chị tâu lại với mẹ nó, mẹ nó lại đánh nó thê thảm.
Si Môn chịu đòn như thế cho đến khi 16 tuổi, nó bỏ nhà đi. Mẹ nó cho người hỏi thăm bao nhiêu nơi mới kéo được nó về. Nó đâm ra lạnh lùng ít nói. Nó ở nhà được vài tháng, chịu đòn thêm vài tháng rồi lại bỏ đi. Hôm đó bà Si môn đang la hét, chửi rủa nó, tay bà đang cầm cái roi mây lăm le toan đánh nó, nó trả lời:
-Bà không được đánh tôi nữa. Thời của bà hết rồi, bây giờ đến thời của tôi!
Câu nói như một mũi dao cắt đứt tình mẹ con. Bà Si Môn chết điếng, đứng lặng người và câm miệng lại. Bà biết ý nó muốn nói nó sẽ đi theo con đường của bà, nghĩa là đi bán bar, làm đĩ. Không những thế thôi, nó cố tình hạ nhục bà rằng bà đã hết thời. Bà tái mặt, ôm ngực nhìn nó. Nó nhìn lại bà và cười lên ha hả rồi vào nhà túm vội túi quần áo bước ra không chào bà thêm tiếng nào.
Bao nhiêu năm cố gắng cho con đi học trường Tây, bà Si Môn hy vọng một tương lai sáng sủa cho con. Chúng nó sẽ ăn học đến nơi đến chốn, có bằng đại học, làm chức này chức kia ở văn phòng, chúng sẽ có gia đình tử tế, không nghèo khó, không hổ nhục. Bà còn cẩn thận đánh con thường xuyên để răn đe chúng nó. Bà tưởng rằng như thế chúng nó sẽ vào khuôn vào phép mà lớn lên theo như ý của bà. Bà đâu ngờ nó lại trái ngược với sự mong đợi của bà. Bà hoàn toàn sụp đổ.
Sau khi Si Môn bỏ đi, bà Si Môn bán nhà dọn đi nơi khác, không xa lắm. Bà mở một tiệm may quần áo ngoài mặt đường cho chị Loan trông nom. Bà và thằng Tiến với con Helen ở với nhau trong một căn nhà khác trong hẻm. Bà giải nghệ, không đi bán bar nữa. Có lẽ con Si Môn nói đúng, thời của bà hết rồi dù bà có lên đồng cầu lộc cầu tài, dù bà có kiêng cữ không ra đường gặp gái. Lớp sóng mới xô lớp sóng cũ, những cô gái cỡ tuổi con bà đang tấn lên xông vào nghề bán bar, bà đã ngoài 40 làm sao cạnh tranh nổi với chúng nó?
Vì thế bà thôi bán bar, ăn mặc nâu sòng, chẳng còn son phấn nữa. Không biết bà có cạo đầu hay không nhưng bà luôn chít cái khăn vải mầu nâu trên đầu. Bà biết dành dụm tiền để lo cho tuổi già của bà nên bà vẫn đủ sống và nuôi con được. Thằng Tiến vẫn đi học đều, có năm gần tết 1974, người ta còn thấy nó đi theo trường ôm thùng xin tiền gây quỹ Cây Mùa Xuân Chiến Sỹ. Ai cũng khen nó ngoan. Hy vọng nó sẽ an ủi được mẹ nó. Con Helen thì hiền nhất nhà, ít khi nào thấy nó bị la rầy.
Sau khi bỏ nhà đi, Si Môn đi bán bar. Chỉ hơn một năm sau thì quân đội Mỹ rút về nước (năm 1973), bar quán ế ẩm, đóng cửa hàng loạt. Thế là cái nghề bán bar của nó không được dài lâu như của mẹ nó. Nó sống vất vưởng hết làm vợ bao cho người này một thời gian lại làm vợ bao cho người khác. Cho đến khi nó quen với con trai của một đại thương gia trong Chợ Lớn, xin cưới nó.
Nó đã làm đám hỏi với anh kia rồi, một vài tháng sau lại bỏ đi. Anh kia lặn lội đi tìm nó năn nỉ về, nó vẫn khăng khăng từ chối. Ai cũng bảo nó ngu quá, có phước mà không biết hưởng. Dễ gì đang làm đĩ mà có người xin cưới về làm vợ, nhất là một người có tiền của, không để nó phải nghèo túng.
Khổ nỗi, Si Môn chưa bao giờ có khái niệm đúng đắn về gia đình. Nó thấy mẹ nó không có chồng mà vẫn sống được. Hơn thế nữa, nó quá thù hận những trận đòn và sự cai trị độc tài khắc nghiệt của mẹ nó và chị người làm. Nó sinh ra với một tâm hồn tự do, ghét sự cai trị và điều khiển của người khác trên nó. Vì thế nó luôn luôn cãi, dù càng cãi càng bị đòn, càng bị đòn nó càng lì lợm và càng xa cách.
Nó không chịu được một khuôn phép nào áp đặt trên nó. Có lẽ anh chàng hôn phu của nó ra luật ra lệ cho nó hơi nhiều, cấm cản điều này điều nọ thì nó quá ngán. Nó nhận ra ngay anh ta đang muốn cai trị nó và đó là điều nó rất ghét.
(Ảnh: Picssr)
Nó lại sống lang bạt với đàn ông. Ai bao thì nó ở tạm cho có chỗ ăn chỗ nằm. Nhưng nó vẫn cần bạn. Vì thế nó luôn về xóm cũ tìm mấy thằng bạn hay quậy phá có tiếng. Trong xóm ai cũng chán ngán mấy cậug này, không trộm cắp thì cũng xì ke chích choác. Ấy thế mà nó cứ nói chuyện “mày mày tao tao” với tụi kia và sai bảo chúng nó dễ dàng.
Nó muốn có quyền lực trên người khác, vì đó là điều nó không có được khi còn ở nhà với mẹ nó. Nó bị chị người làm đánh te tua cả chục cái chổi lông gà. Nó cảm thấy căm phẫn vì chị người làm mà có thể có quyền trên nó, muốn hành hạ nó bao nhiêu cũng được.
Mẹ nó thì cho phép chị kia tùy ý đánh đòn nó để bảo đảm rằng con bà có người răn dạy những lúc bà vắng nhà. Nó cảm thấy nó giống như nô lệ không có quyền tự chủ. Nó thấy mẹ nó và chị Loan người ở luôn đứng chung một phe để chà đạp và hành khổ nó. Và như thế, căn nhà của mẹ nó trở thành cái tù kinh hoàng nhất mà nó mong được thoát ra. Đã ra khỏi tù một lần, nó không muốn chui vào một cái tù nào khác.
Khoảng cuối năm 1974 gần tết ta 1975, người ta thấy Si Môn đi một mình ngoài đường, mặc một bộ quần áo màu đen hàng mềm, gió thổi phất phơ dính sát vào thân thể gầy còm chỉ còn da bọc xương của nó. Hai chân nó đi hai hàng cách xa nhau tối đa, nó bước từng bước cà khựng cà khựng. Ai đi ngang qua cũng quay lại nhìn xem tại sao nó lại đi tràng hảng như thế. Nhưng nó chẳng cần nhìn ai, nó cứ trơ ra mà đi.
Lúc này nghe nói Si Môn đã nghiện xì ke hay ma túy gì đó nặng lắm rồi. Đi dạng háng như thế có lẽ nó đã bị bệnh hoa liễu hay một thứ bệnh liên hệ đến tình dục nào đó khiến nó đau đớn, không thể đi khép chân bình thường được.
Vài tháng sau khi miền Nam thất thủ vào tháng tư 1975, Si Môn chết ở bên một lề đường vì bệnh, vì đói, vì thiếu sì ke ma túy và vì cô độc quá. Năm đó, nó vừa được 21 tuổi. Người ta báo tin cho mẹ nó hay. Mẹ nó chạy ra ôm xác con về và bà khóc bên xác con rằng: “Sao con ngu thế, mẹ cho con ăn học mà con lại muốn đi làm đĩ cho khổ thân con?”
Thằng Tiến nhìn xác chị, nó bất động một lúc rồi gục xuống ôm xác chị khóc ngất. Nó gào la:
-Môn ơi! Môn ơi! Sao Môn bỏ em Môn ơi?
Thằng Tiến nhớ lại cảnh chị nó bị đòn, bị lột trần truồng đuổi ra đường mà cắn rứt không yên. Nó ân hận là tại sao nó không dám nhào ra bênh chị, cho chị bớt bị đòn, mà nó trốn ở góc nhà, sợ hãi, không dám nhìn, không dám nói năng chi. Bây giờ nó đã 18 tuổi, nó bạo dạn hơn thì đã muộn. Chị nó đã chết.
(Ảnh: Pinterest.com)
Sau tháng Tư 1975, bà Si Môn và thằng Tiến cũng như rất nhiều người dân Sài Gòn phải ra chợ trời bán hàng chạy. Mua đi bán lại mấy cái xe đạp cũ, mấy cái vỏ xe gắn máy cũ hay bất cứ thứ gì có thể buôn đi bán lại.
Bà Si Môn tưởng đâu thằng Tiến an phận ở nhà với bà và em nó là con Helen thì bà cũng được an ủi. Nhưng ngờ đâu sau khi Si Môn chết, thằng Tiến lại đi vào con đường nghiện ngập xì ke ma túy như chị nó cho đến khi nó chết vì quá liều. Bà Si Môn không hiểu được tại sao thằng Tiến có thể biến đổi như thế. Bà lại khóc thảm bên xác đứa con thứ nhì. Con Helen đến bên an ủi mẹ. Nó bảo nhiều lần anh Tiến nói với nó rằng anh Tiến thương chị Si Môn quá, anh muốn đi với chị.
Tội nghiệp thằng Tiến, nó đâu biết chị Si Môn của nó đang ở đâu mà muốn đi theo như thế. Nó thương và nhớ chị nó lắm, vì từ thời mới đi học, ngày nào hai chị em cũng đi với nhau hết tiểu học lên đến trung học. Khi chị nó bỏ nhà đi, nó phải đi học một mình, nó đã thấy bơ vơ quá đỗi, nhưng thỉnh thoảng chị nó vẫn về thăm, cho người gọi nó ra đầu đường để hai chị em gặp nhau.
Có người bảo rằng phải chi ngày xưa bà Si Môn theo anh lính Mỹ bố của con Helen về Mỹ, dẫn chị em con Si Môn theo thì có lẽ con Si Môn và thằng Tiến đâu đến nỗi chết yểu như thế. Vì ở Mỹ, trẻ con được luật pháp bảo về, bà Si Môn không được phép đánh đập con cái thì Si Môn không phải bị khủng hoảng vì những trận đòn và những lần bị lột trần bêu rếu trước công chúng quá dã man.
Có người đổ thừa vì bà Si Môn làm đĩ nên không biết dạy con, nên bà mới đánh con như thế. Vậy chứ cả nước chỉ có bà Si Môn đánh đập con hay sao? Câu tục ngữ “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nghe chẳng mấy gì đúng. Nó chỉ nói lên cái văn hóa đánh con của người Việt Nam. Rất ít người đánh con cách điềm đạm, dạy bảo nghiêm túc, thể hiện được tình yêu thương. Còn thì đa số khi đánh con, cha mẹ còn kèm theo những lời sỉ vả và rủa sả nặng nề chỉ bộc lộ được sự nóng giận và trừng phạt trên đứa trẻ.
Có người quơ được cây gậy thì quất bằng gậy, quơ được củi thì phang bàng củi, có người tháo dây lưng da của mình để quất tan nát trên mình con, có người ký côm cốp trên đầu con tưởng như sắp lủng sọ đứa bé, có người tát bôm bốp vào mặt con in hằn cả bàn tay trên mặt nó, hôm sau vào lớp ai cũng thấy.
Lại làm cho chúng thêm xấu hổ với thầy cô và bạn học. Thầy cô và bạn học lại nghĩ xấu cho chúng nó. Trong khi đó, nếu là ở Mỹ, ở Âu Châu, khi thầy cô giáo phát hiện những vết đòn trên tay chân của học sinh thì báo cáo cho cảnh sát ngay để kịp bảo vệ cho đứa bé, vì chúng chưa thể nào tự bảo vệ cho mình được, và vì những trận đòn sẽ kéo dài mãi trong ký ức của chúng, sẽ ảnh hưởng trên tinh thần chúng về lâu về dài.
Những đứa trẻ bị đòn hay bị trừng phạt một cách quá đáng khi còn thơ ấu, đến tuổi trưởng thành chúng khó mà có được một đời sống tâm lý bình thường. Một là chúng thành những người tàn ác, hay trả thù; hở ra là gây lộn gây lạo, hay đánh nhau, hay bạo động. Hai là chúng trở thành những người bi quan và rất nhiều tự ti mặc cảm, hay nghi ngờ và hay nghĩ rằng ai cũng xấu với mình, chẳng ai tốt cả. Biến thành loại người cực ác hoặc cực nhát đều hại cho bản thân chúng và có khi còn hại cho nhiều người khác nữa.
(Ảnh: pinterest.com)
Tội nghiệp chị em con Si Môn, chúng sinh ra để chịu cực hình, rồi chết non chết yểu. Nếu Si Môn không sa vào nghiện ngập và chết vì nghiện, vì bệnh, nó cần được gặp bác sỹ tâm lý để điều trị rất lâu mới vượt qua được.
Có lẽ bà Si Môn và đứa con cuối cùng là Helen đã qua Mỹ theo diện con lai do chính Phủ Mỹ cho phép. Hy vọng những năm sống trên nước Mỹ, thấy trẻ con ở đây được luật pháp bảo vệ như thế nào, bà sẽ biết được đánh đập và hành hạ trẻ con là một tội hình. Bà sẽ nhìn lại được những sai lầm của mình trong việc dạy con cách bạo hành mà dọn lòng ăn năn dù đã quá muộn. Cầu mong bà tìm được chút bình an trong tâm hồn.
Phải chi những người làm cha mẹ, nếu từng đánh đập con cái cách bạo hành, biết ân hận và nói lời xin lỗi với con dù trong văn hóa Việt Nam, cha mẹ không cần xin lỗi con, chỉ có con cái mới phải xin lỗi cha mẹ.
Một lời xin lỗi chân thành với con sẽ hàn gắn vết thương trong tâm hồn chúng nhiều lắm và biết đâu có thể nối lại mối liên hệ đã bị đổ vỡ từ lâu.
Nếu ai sinh ra và lớn lên trên nước Việt Nam, có được những người cha, người mẹ dạy bảo nhẹ nhàng, đánh đòn vừa phải, đó là người có phước lớn. Hãy trân quý tình mẫu tử và phụ tử mà mình có được. Nếu chẳng may bạn có một thời thơ ấu và những năm đang dậy thì bị cha mẹ hành hạ từ thể xác đến tinh thần, bị đánh đập nhừ tử hay bị chửi rủa thậm tệ, cũng hãy tha thứ cho cha mẹ, vì họ không có sự hiểu biết đứng đắn trong việc nuôi dạy con cái. Nếu bỏ qua được những sai lầm của cha mẹ, bạn sẽ có được một tâm hồn thanh thản và biết đâu cũng tự chữa lành cho vết thương nội tâm của chính mình.
Có những mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái đã bị gãy đổ từ lâu, khó mà hàn gắn lại. Ngay cả các bác sỹ tâm lý cũng chẳng làm gì được vì hai bên chẳng ai chịu nghe những lời khuyên, những lời cố vấn.
Thật là khó để có thể tha thứ cho một người đã làm tổn thương mình quá nhiều; vì sự cay đắng, hận thù và sỷ nhục còn đầy ứ trong lòng. Chỉ khi nào một người trong hai bên đến với tâm linh, với Đạo, có lẽ họ sẽ được hàn gắn. Đạo sẽ chữa lành cho những vết thương trong tâm hồn của loài người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét