Lời Dịch Giả: Sớm muộn gì cũng đến lúc Trump phải rời bỏ sân khấu quyền lực. 10 tuần lễ nữa hay 4 năm nữa cũng chỉ khác nhau ở độ dài thời gian. Sự thật là Trump sẽ ra đi, phải ra đi, tự nguyện hay bắt buộc, để cho cuộc lên đồng tập thể kéo dài đã 4 năm nay được kết thúc. Dù sự kết thúc ấy sẽ để lộ ra một thực tại ê chề: Trong 4 năm của cuộc lên đồng tập thể, bao nhiêu bát nước đã hắt đi để không thể nào vớt lại được – giữa cha mẹ và con cái, anh, chị, em, trong gia đình, giữa bạn bè chiến hữu đồng cảnh, đồng tù, đồng hương, đồng trường, đồng lớp, giữa người trong nước (Việt) với người ngoài nước, giữa thế hệ trước với thế hệ sau…
Ai đúng ai sai xin hãy để cho mỗi người trong cuộc (có ai là người ngoài cuộc không?) tự nhìn thẳng vào chính mình và trung thực nhận định. Hay cứ để cho lịch sử đời sau công bằng phán xét, nếu chúng ta không đủ can đảm buộc tội chính mình. Cũng xin đừng đem con ngáo ộp Trung Quốc ra dọa nạt chính mình hay người khác. Ai cũng biết Trump không phải là người muốn diệt Trung Quốc, dù cho có muốn, ông ta cũng không phải là người có khả năng làm việc đó.
Ở thời khắc này đây, khi nguyên nhân chính của những xung khắc xào xáo ghét bỏ hận thù nung nấu tâm cang của 4 năm trời khủng khiếp sắp sửa ra khỏi cuộc đời chúng ta, cũng là lúc mọi người nên bắt đầu nghĩ đến hòa giải. Dù sao cũng là gia đình, cũng là anh em, cũng là chiến hữu, cũng là đồng tù, đã một thời tân khổ gian nan, sống chết bên nhau. Tôi xin lấy sinh mạng của tôi mà bảo đảm rằng, trong số đó không có ai là Việt Cộng đâu.
Để làm được việc đó, có lẽ, theo tôi, việc đầu tiên chúng ta cần tự hỏi chính mình câu hỏi mà nhà báo Richard L. Eldredge đã đặt ra ở đầu bài viết này: Liệu Trump có đáng để chúng ta đánh đổi những thứ quý báu nhất đời của chúng ta: tình cha con, tình anh chị em ruột thịt, tình chiến hữu, tình anh em đồng cảnh đồng tù đồng trường đồng lớp . . . hay không?
Có thể, mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau. Nhưng ít nhất, chúng ta đã có thể tạm ngưng cuộc lên đồng (cá nhân hay tập thể) mà tự tra vấn chính mình. Biết đâu, nhờ vậy mà chúng ta choàng tỉnh được sau 4 năm bị bóng Trump đè.
T.Vấn
(Viết nhân ngày lễ Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ 11-11-2020)
Gởi những người thân trong gia đình đã chọn Trump thay vì tôi: “Liệu ông ta có đáng để đánh đổi như vậy không?”
Đó là câu hỏi thâm thúy nhưng không kém phần chua xót mà một người trong gia đình tôi đã đưa lên facebook sau khi kết quả bầu cử cho biết Joe Biden đã thắng. Đó cũng là câu hỏi mà bản thân tôi đã đánh vật với nó từ 4 năm nay. Nói một cách cụ thể hơn: Liệu lòng trung thành mù quáng của anh với tổng thống Donald Trump, một người mà anh chưa bao giờ gặp gỡ, có đáng để phải hy sinh cả gia đình chúng ta như thế này không?
Như rất nhiều gia đình khác ở khắp nơi trên đất nước từ sau khi Donald Trump được bầu làm vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, gia đình chúng tôi cũng chịu cùng số phận rẽ chia tan tác. Trước đây, những bất đồng như thế này có thể ngăn chặn bằng nguyên tắc “Cấm không nói chuyện chính trị” trong những buổi họp mặt gia đình (hồi thời chính phủ Ronald Reagan, mẹ tôi là người đầu tiên đề ra quy định này), nhưng ngày nay với kỷ nguyên của các mạng giao lưu xã hội, những tranh cãi chính trị đã thường xuyên len lỏi vào cuộc sống hàng ngày trong thế giới ảo (online lives) của chúng tôi.
Phản ánh những quan hệ trong thế giới thực, sự nối kết trên Facebook trong nội bộ gia đình chúng tôi đã đột nhiên chấm dứt ngay sau ngày Trump nhậm chức. Chúng tôi bất đồng ý với nhau trầm trọng khi đọc bản tin cho biết Melania Trump cùng con trai của họ sẽ ở lại thành phố New York để tiếp tục cho hết năm học đang dang dở thay vì dọn đến Washington D.C. cùng lúc với tổng thống Trump. Chi phí phụ trội dành cho việc bảo vệ an ninh cho hai mẹ con ở New York là một khoản tiền đáng kể.
Chúng tôi tranh cãi về đề tài này trên Facebook cho đến khi tôi viết những dòng như sau: “Giả sử Michelle Obama thông báo rằng bà ấy sẽ ở lại Chicago với hai con gái Sasha và Malia để cho ngân sách chính phủ phải đài thọ thêm chi phí bảo vệ yếu nhân cùng lúc với chi phí thuê mướn nhà ở cho họ thì tôi sẽ phải nghe anh kêu rống thảm thiết vang dội đến tận thành phố Atlanta này. Anh chỉ là kẻ giả nhân giả nghĩa thôi”.
Điều cuối cùng tôi còn nhớ được là, nói một cách hình tượng, đỉnh đầu của anh bị bung lên thành những hàng chữ viết toàn HOA (in all caps) đáp trả một cách giận dữ. Khi bấm nút “reply” để trả lời lại, tôi nhận được tin nhắn từ Facebook cho biết câu trả lời của tôi không thể hiển thị. Đó là lúc tôi nhận ra rằng anh đã “không kết bạn” (unfriend) với tôi nữa.
Sau đó, tôi còn nhận ra không phải chỉ một mình anh đã “cắt đứt” với tôi. Những lời chúc mừng sinh nhật, chúc mừng những dịp kỷ niệm và các hình ảnh lễ tốt nghiệp biến mất khỏi mặt trang facebook của tôi khi những thành viên khác trong gia đình cũng sử dụng mạng xã hội để bầy tỏ chính kiến của mình. Khi gõ tên những họ hàng trong gia đình mà tôi biết và yêu quý cả đời tôi vào ổ tìm kiếm của Facebook, hình ảnh tiểu sử của họ xuất hiện bên cạnh dòng chữ “Kết Bạn” (Add Friend). Hoặc trong những trường hợp tệ hơn nữa, tên của người ấy đã hoàn toàn biến mất vì họ đã chặn tôi (block).
Làm sao mà chúng ta phải ra đến nông nỗi này?
Một chị trong gia đình đã từng nhờ tôi làm cậu bé mang chiếc gối có hai chiếc nhẫn cưới lên bàn thờ trong lễ cưới của chị. Khi còn nhỏ, tôi trải qua những ngày hè ở nhà của chị, tắm táp nô đùa trong hồ tắm nhà của chị. Chị khoe với tôi các dĩa hát quý báu của Barbara Streisand. Kéo dài hàng mấy chục năm sau ngày mẹ tôi qua đời, mỗi khi gia đình tụ họp để tưởng nhớ đến bà, tôi đều tham dự và mang theo món bánh dứa nhiều người ưa thích. Với tôi, chị là một vị nữ thần.
Một người khác, nhờ tôi làm phù rể trong lễ cưới của anh ấy. Khi còn là con nít, chúng tôi thường chơi đánh bóng chầy với nhau đằng sau vườn nhà cho đến khi tối mịt. Khi người anh lớn của tôi qua đời, anh kia rất đáng yêu, ngay lập tức bước vào thế chỗ. Anh khoe với tôi những bài nhạc của The Rolling Stones, Led Zeppelin và R.E.M. Với tôi, anh là một vị thần.
Giờ thì hình ảnh thần thánh của anh (chị) trong tôi không còn nữa. Tôi đã hiểu ra rằng, anh (chị) cũng là con người thôi.
Những lời mời gởi đến cho tôi trong những dịp lễ lạc đã hoàn toàn ngưng bặt. Con gái của anh lấy chồng nhưng tôi không được mời dự. Chúng tôi đã không còn nói chuyện với nhau từ năm 2017.
Bỏ qua một bên sợi dây thân ái dài hơn 50 năm của chúng ta, anh đã chọn tay triệu phú New York, người chưa bao giờ ở bên anh dù một giây, chưa bao giờ khóc với anh khi cha của anh qua đời, chưa bao giờ đến ôm từng người chia sẻ trong tang lễ của mẹ anh hoặc quan tâm đến anh.
Tôi biết những người ủng hộ tổng thống Trump – trong số đó bao gồm cả anh – đã nhìn thấy hình ảnh của Trump qua những gì ông ta khoe khoang về mình.
Còn đây là con người Trump mà tôi nhìn thấy. Một người thường xuyên bị điều tra trong suốt thời gian nhậm chức. Một người khoác loác mình dễ dàng rờ bóp chỗ kín của phụ nữ mà không sợ bị phản đối. Một người bị cho là – dù ông ta đã chối bai bải – đã gọi những thành viên trong gia đình quân nhân là “kẻ bất tài”(losers) “lũ khờ khạo” (suckers). Một kẻ phá sản về luân lý, đã bị đàn hạch luận tội và bây giờ là tổng thống vịt què (sắp mãn nhiệm).
Một kẻ gọi đội ngũ ký giả phóng viên – nghề nghiệp lựa chọn của tôi từ 30 năm qua – là “những kẻ thù của nhân dân”. Một kẻ chế giễu mỉa mai người tàn tật, ưỡn người ra đón nhận sự thờ phượng ngưỡng mộ của đám đông hò hét gọi tên mỗi khi ông ta rêu rao sự độc ác, hận thù.
Nhưng anh không phải là một người như vậy. Từ trước tới nay, anh cũng chưa hề bao giờ là một người như vậy. Thế mà, anh lại đi ủng hộ cho một vị tổng thống cố tình lừa dối dân chúng về sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19, quay lưng lại trước cái chết của hơn 250,000.00 nạn nhân của nó. Một người công khai gạt phắt qua một bên khoa học, gạt phắt qua một bên các chuyên gia về y tế công cộng, để sẵn sàng tuyên bố con virus cực mạnh sớm muộn gì cũng biến mất mà không cần phải có một biện pháp đối phó hay chữa trị nào.
Một người mà mỗi phát biểu trước công chúng đều phản ánh quan điểm một kẻ kỳ thị chủng tộc, một kẻ có thái độ coi thường phụ nữ và là một kẻ mang định kiến mù quáng, luôn tạo cơ hội cho chính quyền của mình tấn công cộng đồng LGBTQ (Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Queer).
Năm 2016, anh đã bỏ phiếu cho tất cả những cách đối xử đó. Và giờ đây, sau 4 năm của những sỉ nhục, ức hiếp, của hàng trăm nội dung tweet độc ác và hàng ngàn những lời dối trá được ghi chép thành văn kiện, tôi đã được những người thân trong gia đình cho biết, anh lại khẳng định sự lựa chọn của mình bằng cách bầu cho những thái độ ấy một lần nữa.
Ngay cả sau 4 năm người này đã hàng ngày bộc lộ tính cách của mình cho cả thế giới nhìn thấy, anh đã xác nhận rằng ông ta là một người đại diện tiêu biểu nhất cho tính cách và giá trị của đất nước chúng ta. Anh khẳng định rằng ông ta là người đại diện tiêu biểu nhất cho tính cách và giá trị của chính con người anh.
Cần được làm cho sáng tỏ, những điều trên không bao giờ là những khác biệt trong chính kiến (political opinion). Trước đây, chúng ta đã từng trải qua những tranh cãi trong khác biệt chính kiến. Những gì tôi nói đến ở đây thuộc về những khác biệt có tính nguyên tắc về đạo đức luân lý, về lòng trung thực, về tư cách con người và về một người không bao giờ làm gương mẫu nào cho những đức tính nói trên.
Tháng 6 vừa rồi, tôi sững người ngạc nhiên khi đọc một bài báo trên Washington Post viết về quyển sách sắp sửa ra lò của ký giả Mary Jordan: “The Art of her deal: The Untold Story of Melania Trump”. Trong quyển sách này, Mary Jordan tiết lộ rằng, năm 2016, bà vợ của vị tổng thống đắc cử đã dùng việc dọn nhà vào tòa Bạch Ốc để làm vũ khí mặc cả một thỏa thuận phân chia tài sản nếu sau này hai người quyết định ly dị. Tôi lại phải thương khóc cho tình cảm đã mất của chúng ta thêm một lần nữa. Những tranh cãi đã làm tổn thương sâu sắc mối quan hệ dài hơn nửa thế kỷ của chúng ta đã hiện ra lồ lộ trước mắt nhờ vào sự nhạy bén của một người vợ buồn phiền biết mình phải làm gì để bảo đảm sự an toàn tài chính nơi một người mình đã biết quá rõ.
Chúng ta đã để cho một kẻ hoàn toàn xa lạ bước vào làm bốc hơi mọi tình cảm gia đình. Một thứ keo tình cảm đã nối kết chúng ta lại bằng những dĩa nhạc The Beatles, những chiếc xích đu thời thơ ấu, những cuộc thi ném đĩa trên đường phố, ngồi chung với nhau ngay hàng ghế đầu để xem phim E.T. (The Extra-Terrestrial), những đêm khuya cùng lái xe chạy khắp đường phố và mở đĩa nhạc “Born to Run” của Bruce Springsteen ầm ĩ và tôi, bối rối gắn chiếc nơ trên khuyết áo của anh vào cái ngày anh cưới vợ.
Thế nên, giờ đây, chúng ta đang ở đoạn cuối cùng, đoạn chung cuộc của “The Apprentice: White House Edition”, sau khi hàng chục triệu công dân trong cuộc bầu cử lớn nhất lịch sử nước Mỹ đã cùng chung lòng với nhau lại để ra phán quyết: “You’re Fired!” (Ông bị sa thải!). Trong lúc ông ta đang kéo lê hình ảnh buồn bã của mình ra khỏi tầm mắt của mọi người, còn chúng ta và gia đình chúng ta thì sẽ như thế nào đây?
Câu hỏi vẫn còn đó. “Liệu có đáng để phải như vậy hay không?”.
Tôi không biết. Anh là người duy nhất có thể trả lời câu hỏi đó. Tôi cũng không biết tương lai sẽ chờ đón những gì ở chúng ta, thậm chí liệu chúng ta còn có một tương lai chung với nhau không, tôi cũng không thể biết.
Anh là người đã đóng sập cánh cửa mối quan hệ hai chúng ta và anh là người giữ chiếc chìa khóa để mở nó ra lại.
Tôi chỉ biết một điều: Cách giải quyết và sự hòa giải không thể bắt đầu trừ khi anh có thể thốt ra được những lời này: “Anh đã nghe em giải bày và anh xin lỗi em”; và quan trọng hơn nữa: “Anh không phải là người như vậy”.
Khi ấy, và chỉ đến khi ấy, chúng ta mới có thể chữa lành được vết thương chia cắt tình cảm hai chúng ta.
Bất kể anh quyết định như thế nào, xin anh nhớ cho một điều – tôi lúc nào cũng quý mến anh. Sau tất cả những gì ông ta đã tước đoạt từ anh em chúng mình, ông ta không thể nào hủy diệt được lòng yêu quý của tôi dành cho anh. Vì tình cảm ấy là muôn thuở.
Tác giả: Richard L. Eldredge là một cây bút cộng tác với tạp chí Atlanta và cũng là người sáng lập và là chủ bút của tạp chí văn hóa nghệ thuật (điện tử) Eldredge ATL.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét