Tước hiệu " Nam Phương " hình như do học giả Phạm Quỳnh đặt cho , có nghĩa : hương sắc của phương Nam . Các vua triều Nguyễn rất có duyên lấy vợ hay thê thiếp là phụ nữ miền Nam , trong đó có hai người nổi tiếng nhất , ngoài Nam Phương hoàng hậu là bà Từ Dụ , mẹ vua Tự Đức . Người Pháp đến miền Nam trước nhất , sau đó mới ra Bắc và miền Trung . Miền Nam là đất thuộc địa nên rất gần gũi với Pháp trong khi phần còn lại của VN chỉ là đất bảo hộ . Miền Nam lại là đất mới nên dân sống cởi mở , dễ tiếp thu văn hóa nước ngoài hơn . Để ý sẽ thấy dưới thời trung học phổ thông công lập ở Saigon ngày xưa đa số các giáo sư dạy môn Pháp văn là người miền Nam , một phần vì người miền Nam nói.tiếng Pháp " chuẩn mực " hơn do họ uốn lưỡi dễ dàng vì nói tiếng Pháp cần uốn lưỡi nhiều ..
<!>
Bà hoàng Nam Phương tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan , sinh năm 1914 trong một gia đình Công giáo miền Nam giàu có và thế lực , được xem như thuộc thành phần " aristocrats " của xã hội Nam bộ lúc bây giờ . Người Pháp đã khôn khéo kết nối duyên vợ chồng giữa bà và vua Bảo Đại , sự kết hợp của một tâm hồn Á Đông với tinh thần Tây Phương đào luyện trong cái nôi văn hóa Pháp khi bà sang Pháp học từ năm 12 tuổi đến lúc kết hôn với vua Bảo Đại năm 20 tuổi ( 1934 ) .
Không phải chuyện vợ chồng của bà Nam Phuơng êm thắm như ta nghĩ vì triều đình Huế với tinh thần cổ điển đã có ý phản đối chuyện một cô gái tân thời theo Tây học bổng nhiên trở thành hoàng hậu của một triều đại vẫn còn phong kiến như Việt Nam nhưng có lẽ vì Bảo Đại quyết liệt làm theo ý mình cộng thêm với sức ép của người Pháp nên thuyền tình vẫn cặp bến bình thường .
Bảo Đại may mắn hơn một ông vua đồng cảnh ngộ là Edward VIII của Anh ( 1936 ) khi bị Quốc hội Anh không cho phép lấy vợ là một bà đã có một đời chồng người Mỹ theo Công giáo ( tên Wallis Simpson ) và cuối cùng ông chịu thua phải xuống ngôi vua để lấy người ông thích đúng như Pascal nói " trái tim có những lý lẽ mà đầu óc không hiểu được " ( ! ) . Vào thời buổi " Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh " ông vua này lấy ai mà chẳng được !
Cuộc sống vương giả của bà Nam Phương cứ thế êm đềm trôi , phẳng lặng như mặt nước hồ thu cho đến năm 1945 khi nhiều biến động xảy đến , đất bằng nổi sóng về chính trị . Trước tiên Nhật , đang banh trướng thế lực ở Đông Nam Á , hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương ( tháng 3 , 1945 ) và VN trở thành nước độc lập thân Nhật , chính phủ của thủ tướng Trần trọng Kim ra đời , Bảo Đại vẫn là vua .
Nhưng tình trạng này chỉ kéo dài 5 tháng khi Nhật đầu hàng Đồng Minh Anh-Mỹ , chính phủ Trần trọng Kim lung lay , Việt Nam bỗng nhiên có khoảng trống lớn về chính trị và Việt Minh nổi dậy cướp chính quyền , Pháp chuẩn bị trở lại VN và Việt Minh ép Bảo Đại phải thoái vị . Đây là lúc khủng hoảng tinh thần cho gia đình bà Nam Phương đặc biệt Bảo Đại vì phải tránh né VM nên sống ở Hương Cảng , để mặc bà Nam Phương tự lo liệu lấy ở VN .
Cuộc đời bà Nam Phương cô quạnh bắt đầu từ đây khi ông chồng của bà tính vô tâm ham vui , vô tình với đất nước và cả với vợ con . Gia đình bà Nam Phương rất giàu , tài sản rải khắp nơi bên trời Tây nhưng tiền bạc đâu bù đắp được nỗi niềm " sầu lẻ bóng " của bà , nỗi buồn của thế kỷ thoáng thấy trên khuôn mặt bà tuy chỉ có 18 năm đến ngày bà mất ( 1963 ) .
Trang trại La Perche ở làng Chabrignac , cách Bordeaux 200 km về hướng đông bắc
Câu chuyện ngoài lề : khi VN chia đôi đất nước ( 1954 ) người ta đã nghĩ đến giải pháp miền Nam ( VNCH ) trở thành nước quân chủ lập hiến như kiểu nước Anh . Lúc đó Bảo Đại vẫn còn ở cương vị Quốc Trưởng của miền Nam , nếu là người thật tình vì dân vì nước , còn được người Việt quốc gia kính nể thì chuyện Bảo Đại vẫn là nguyên thủ quốc gia ( chief of state ) không thực quyền có thể chấp nhận được , tránh để ông Diệm rơi vào cảnh " gia đình trị " với chức vụ Thủ Tướng . Bà Nam Phương vẫn là hình ảnh đáng kính của miền Nam .
B.Dinh
************************
Một số hình ảnh từ một du khách Việt đến tận nơi ở cuối cùng của hoàng hậu Nam Phương
Sau khi rời Việt Nam vào năm 1947, hoàng hậu Nam Phương đến Pháp và ngụ tại lâu đài Thorenc ở Cannes. Được một thời gian, bà chuyển về sống trong Domain de la Perche ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin cách Paris chừng năm trăm cây số và đây cũng là nơi ở cuối đời của bà.
đặt tên “Bà Hoàng”Ngôi nhà bình yên này đã chứng kiến những năm cuối đời của bà hoàng Nam Phương
Lần theo bản đồ, rồi chúng tôi cũng tìm đến được lâu đài la Perche. Cổng mở toang, nhìn vào trong mãi không thấy một bóng người. Giật chuông nhiều lần không thấy ai ra, chúng tôi quyết định đi vào trong, mong mỏi sẽ gặp được ai đó. Không gặp được người, nhưng chúng tôi phát hiện thêm một cái cổng nữa, đây mới là cổng chính của lâu đài. Nơi ở cuối đời của bà Nam Phương khá bề thế, rộng rãi, tiếp giáp hai mặt tiền đường. Lâu đài có vẻ đang được sửa chữa nhưng hiện không có ai ở. Trước đó, trên con đường dẫn đến lâu đài, chúng tôi cũng phát hiện con đường dẫn vào Domain de la Perche có tên Rue de L’Impératrice, tạm dịch là đường Bà Hoàng, có lẽ người Pháp đã đặt tên này cho con đường để tưởng nhớ bà. Trước chúng tôi, cũng đã có một nhóm du khách người Việt viếng mộ bà…
Cổng chính vào trang trại La Perche
Tác giả trước cổng trang trại
Sau khi rũ bỏ lớp áo vàng son quyền quý, bà Nam Phương quay lại sống đúng nghĩa cuộc đời an lành, bình dị của một phụ nữ An Nam có học thức. Hằng ngày, bà dậy rất sớm, thường tự tay trang trí, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cây cảnh. Khi có việc ra ngoài, cựu hoàng hậu thường tự tay lái chiếc xe hơi hiệu Dauphine, có thêm cô hầu gái hay người quản gia đi theo.Đối với bà, người quản gia này có một vị trí rất đặc biệt. Ông này luôn tháp tùng bà trong những chuyến tiếp khách, dự tiếp tân đối với các gia đình quyền quý ở trong vùng. Không ai có bằng chứng xác đáng nhưng dường như những người quen biết trong vùng đều cho rằng người quản gia này luôn yêu Nam Phương hoàng hậu.
Ngày 16-9-1963, sau khi ra nắng bà Nam Phương bị cảm rồi sốt cao và đau họng. Bác sĩ tới thăm bệnh cho rằng bà chỉ bị viêm họng nhẹ, không ngờ tiếp theo đó bà bị khó thở. Ông quản gia và mấy cô giúp việc vội chạy đi tìm bác sĩ khác ở làng bên cách mươi cây số, nhưng vì bệnh viện ở xa, bác sĩ không tới kịp nên bà đã ra đi vào lúc 5 giờ chiều.
Đám tang của bà Nam Phương được cử hành theo nghi thức đạo Công giáo rất đơn giản, chỉ có các hoàng tử, công chúa và một số bạn bè thân thiết của gia đình. Tại địa phương có vị tỉnh trưởng và dân biểu nơi bà cư ngụ tới chia buồn và dự tang lễ.
Đặc biệt, công chúa Như Lý, con gái của vua Hàm Nghi, cũng đến dự tang lễ. Công chúa Như Lý ở gần nơi bà Nam Phương cư ngụ nhưng khi bà Nam Phương còn sống, bà Như Lý chưa bao giờ tới thăm. Chỉ khi cựu hoàng hậu tạ thế, công chúa mới tới dự đám tang. Riêng cựu hoàng Bảo Đại không có mặt trong đám tang của vợ.
Mộ phần của bà hoàng
Nam Phương hoàng hậu sinh ngày 14-11-1914, mất ngày 16-9-1963, hưởng dương 49 tuổi. Mộ của bà nằm trong một nghĩa trang nhỏ trên ngọn đồi cao nhất giữa ngôi làng rất đỗi yên bình. Thỉnh thoảng tiếng chuông ngân vang từ nhà thờ cổ đối diện như nhắc nhở một hoài niệm xưa…
Chabrignac Jul, 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét