Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Giới Thiệu Tập Thơ "Một Người Lưu Vong Mang Bệnh Động Kinh" Của Ngu Yên - Nguyên Lương


Tho Ngu Yen

















Thân gởi các bạn yêu thơ:
Ngu Yên không làm thơ như những nhà thơ bình thường. Tất cả nỗi niềm, trăn trở, thao thức, suy tư về thế sự, con người, và những vấn nạn của xã hội...gần đây đều hiện ra trong tập thơ "Một Người Lưu Vong Mang Bệnh Động Kinh" của Anh.
Bởi thế, thơ không còn là chỗ để mê mẩn tâm hồn khi trống vắng, không là kỷ niệm gợi nhớ yêu thương một thời và cũng không còn nấp sau những thi từ bóng mượt, bóng gió để thả hồn bay đi xa làm dịu trái tim đau.
<!>
Thơ của Ngu yên là nỗi uất nghẹn dâng trào, hờn dỗi, bực tức xen lẫn đau thương, buồn tủi. Là nỗi khổ tâm, dày vò, cáu xé tâm thức của người Việt ý thức những gì đang xảy ra trên nước Mỹ, thế giới và quê nhà. Là thông điệp không in trên giấy, một thứ thông điệp không buộc người đọc phải hiểu tại sao, chỉ mong đồng cảm. Tác giả đã cố tìm cách giải thích mà bất lực.

Tập thơ này mang một thông điệp, không để giải thích hay biện minh, không bao che và cũng không dung túng, không buộc ai phải tin nhưng phải để ý dù không đồng ý với tác giả. Tác giả xin gởi đến những người Việt sống lưu vong ở hải ngọai và cho cả những người Việt sống lưu vong ngay trên đất quê nhà. Câu hỏi đơn giản nhưng rất khó trả lời: Chuyện gì đang xảy ra? (What is the hell going on?)

Gần 35 tác phẩm lớn nhỏ trong suốt 45 năm miệt mài, giới tha thiết và quan tâm về Văn Chương Hải Ngoại đã biết Ngu Yên là ai qua nhiều thể loại xoay quanh chủ đề thơ ca. Trong tác phẩm mà Ngu Yên gởi tặng mọi người lần này có khác một chút với những đề tài trước đây. Gần 100 trang thơ đầy những nỗi niềm tâm sự với người đồng hương đó đây để chúng ta tự hỏi lòng mình: Chuyện gì đã xảy ra đây?

Chúng ta, như lời thơ của tác giả viết, đang coi nhau còn hơn kẻ thù. Một số người yêu ông tổng thống nước Mỹ hơn cả ông Trần Hưng Đạo, Quang Trung...mặc dù họ chỉ không viết ra như Tố Hữu năm 1954 đã khóc thét lên khi được tin tên đồ tể Stalin về với Mác. 

Yêu biết mấy khi con biết nói
Tiếng đầu đời con gọi Sít Ta Lin

Cũng nhờ 4 năm qua, chính trường nước Mỹ nổi sóng. Mọi thứ tưởng là nề nếp, căn bản đạo đức đã bị xới tung lên. Những chuyện đã trở thành cốt lõi của nền tảng chính trị từ thời lập quốc đều bị đảo ngược. Lịch sự, văn hóa, kiêng nể chỉ còn là mỹ từ trong sách vở. Ngoài đời bây giờ lãnh tụ có quyền nói láo, nói dối, nói khoác...mà vẫn có người tin cho là đúng mà gởi cho nhau đọc như đọc thánh kinh, một bản văn bất hủ, rất cần phổ biến. Không đọc và không dồng ý là bị chụp mũ cộng sản thân Tàu.
Người Việt ngơ ngác nhìn nhau, tự hỏi như tác giả tự hỏi. Trong nhà, chồng không thuận vợ, con cái đoạn tuyệt không ăn cơm, không nói chuyện cùng Cha Mẹ...chỉ vì yêu và ghét một lãnh tụ mà có người coi hắn như Thánh nhân vĩ đại và có người nhìn hắn như một mụ phù thủy gian ác, lọc lừa. 

Bạn bè xa nhau, tình cảm rạn nức, họ nhìn nhau như kẻ thù và dành cho nhau những danh từ tự xưng để tranh nhau xem: đứa nào yêu nước Mỹ nhiều nhất. Yêu nước Mỹ là phải yêu Trump. Ai cũng cho mình là trí thức, là ý thức, là bác học, là không vong nô vọng ngoại, là không thượng đội hạ đạp, là không thấy người ta sang bắt quàng làm họ. Phải sống sao để không bị: Nghèo nó ghét, đói rét nó khinh, văn minh nó diệt.

Thân phận 45 năm lưu vong tủi hờn vì cái gốc đã bị bứng lên trồng trên đất xứ người. 45 năm rễ bắt đầu bén, thấm phải chất độc, tàn lụi. Dù cái chưa bật gốc, nhưng thân lá xanh xao. Còn cái gốc cũ có rễ chưa khô cố bám víu vào ngôn từ đất mẹ cũng bị bứng phăng vì những từ ngữ tục tĩu dơ bẩn khi xưa chỉ nghe trong chợ cá bây giờ tràn lan trên FB, diễn đàn, đã trở thành rất bình thường gởi chửi thẳng vào mặt nhau. Vì đâu nên nỗi!

Đau mà không nói ra, buồn mà không thổ lộ được cùng ai, xót xa mà không thể tâm sự. Gần 100 trang thơ đầy nuối tiếc, buồn tủi và cô đơn, tác giả đi tìm câu giải thích cho những hiện tượng quái đản, kỳ lạ, trong cộng đồng Việt, trong tập thơ này, và mong người đọc biết đâu đó vẫn có người nghĩ giống mình.

Ngôn ngữ thanh tao, lịch sự trên văn đàn đã biến mất, còn lại là những thứ rác rưới dành để nhục mạ, chụp mũ và bôi bẩn nhau. Nhưng tuyệt đối trong tập thơ này, không có những thứ ngôn ngữ chợ búa ngông cuồng đó. Vẫn còn là những lời thơ buồn tủi, tự trách, tự hỏi: Dân tộc tôi bây giờ như thế này sao?

Hãy chuyền tay nhau đọc tập thơ rồi tìm đến nhau mà thông cảm, đồng cảm. Sắp đến là ngày quyết định tương lai nước Mỹ trong 4 năm tới và hàng chục năm sau nữa. Đọc bây giờ kẻo trễ.

Đọc xong, chúng ta sẽ thấy những ai ngoài kia vẫn thường thư cho nhau, như câu thơ của Tố Hữu đã viết:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Còn tôi, sau khi đọc xong tập thơ này của Ngu Yên và chuyền đến cho mọi người cùng đọc đã phải thốt lên: 
Thương quá thân phận người Việt Nam lưu vong ơi!

Nguyên Lương

*Độc giả  muốn tìm đọc tập thơ  Một Người Lưu Vong Mang Bệnh Động Kinh

xin nhấn vào link này:

    https://online.flipbuilder.com/qvwx/itue/   

Sau 30 ngày link sẽ tự động biến mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét