Sławomir Mrożek, nhà văn Ba Lan (1930-2013)TÊN LỖ MÃNG- Slawomir MrozekNhân viên văn thư vào báo cáo với tôi.– Ngoài phòng đợi có một người khách đang ngồi, nom lạ lắm. Gã không yêu cầu cho vào gặp giám đốc, cũng không phàn nàn tại sao chúng ta giải quyết công việc chậm chạp thế. Tôi phải làm gì bây giờ đây?– Gã đợi lâu chưa? – tôi hỏi.– Ngồi khoảng hai tiếng đồng hồ rồi, chẳng yêu cầu gì hết.Cứ để cho hắn ngồi thêm một tiếng nữa, rồi hắn sẽ sốt ruột. Sau một giờ nhân viên văn thư lại vào, tay anh chàng run run.– Chưa bao giờ lại thấy như vậy, – nhân viên văn thư nói. – Gã ngồi điềm tĩnh, đọc đi đọc lại tờ báo phải đến ba lần, lịch sự đến độ kinh tởm!Tôi thân chinh đi ra phòng đợi. Đúng là có một người đang ngồi, gã nhìn qua cửa sổ, mỉm cười. Tôi hỏi gã như chưa hề biết gì cả.– Anh phải đợi hơi lâu nhỉ?– Không sao, – gã đáp một cách thô lỗ.Tôi bực mình.– Anh muốn vào gặp giám đốc chắc? Có việc quan trọng phải không?– Chuyện vặt, – gã nói.Tôi đâm ra khó xử. Tôi chạy vào phòng giám đốc báo cáo. Giám đốc lệnh cho anh ta vào.Gã hơi cự tuyệt, nhưng tôi cùng nhân viên văn thư nắm lấy tay gã rồi dắt vào phòng. Giám đốc nói với gã gay gắt:– Anh không thấy là tôi đang rất bận hay sao?– Thì tôi lại đợi tiếp, – gã đáp một cách lỗ mãng và định bước ra ngoài.– Đứng lại! – giám đốc hô. – Anh nộp đơn đi.– Muộn hơn có được không? – hắn đáp một cách vô liêm sỉ.– Không có muộn miếc gì hết! – giám đốc quát, mặt đỏ phừng phừng. – Hoặc là anh nộp đơn ngay, hoặc là tôi giải quyết tuốt tuột cho anh mà không cần đơn từ gì hết!Lúc này gã nhìn ra cửa sổ và nói:– Thôi, có lẽ để dịp khác vậy, vì bây giờ trời cũng đã tạnh rồi. Tôi vào đây chỉ để trú mưa. Chào các ông.Và gã bước ra ngoài. Đúng là một tên lỗ mãng.Chuyển ngữ: Lê Bá ThựCon voi– Sławomir MrożekSławomir Mrożek, nhà văn, nhà soạn kịch, họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Ba Lan, sinh năm 1930, học trung học tại quê nhà, lên bậc đại học, ông theo rồi bỏ các ngành kiến trúc, hội hoạ. Sau ông học ngành Triết học Đông phương tại Đại học Krakov.Từ những năm 1950, ông tham gia hoạt động báo chí, ban đầu với loại hình tranh biếm hoạ. Những tác phẩm của ông xuất hiện đều đặn trên các tạp chí trào phúng. Năm 1958, ông đứng tên chủ biên tuần báo Postepowiec. Trong thời gian này, ông bắt đầu viết truyện ngắn, năm 1957 xuất bản tuyển tập đầu tiên, Słoń ( – The Elephant, Con voi ), mang tính trào phúng, đề cập các vấn đề xã hội, thời sự của nước Ba Lan cộng sản, với văn phong châm biếm nhẹ nhàng mà chua cay. Tập truyện mang lại thành công sớm cho tác giả.Sau đó, ông còn viết kịch, với tác phẩm kịch đầu tiên là Policja ( Công an ), rồi tiếp theo là một loạt kịch ngắn khác.Khoảng thời gian 1963-1968, Sławomir Mrożek sống tại nước Ý. Trên tờ Le Monde ( Pháp ), ông lên tiếng phản đối sự tham gia của Ba Lan trong liên quân của phe XHCN, đứng đầu là Liên Xô ), nhằm bóp nghẹt “ Mùa xuân Praha “ năm 1968. Nhà cầm quyền gọi ông về nước, ông không chịu và bỏ sang sinh sống tại nước Pháp (1968-1989), chấp nhận mất quốc tịch gốc. Các tác phẩm của ông bị cấm tại quê hương trong một thời gian.Những năm đầu thập niên 70, ông du lịch sang Hoa Kỳ và một số nước ở Nam Mỹ. Những trải nghiệm của ông về cuộc sống lưu vong là chất liệu để ông viết vở kịch Emigranci, Những kẻ lưu vong (1974), được đạo diễn nổi tiếng Andrzej Wajda dàn dựng trên sân khấu lớn ở Krakov. Đến 1978 ông trở thành công dân Pháp.Năm 1981, khi lãnh tụ cộng sản, tướng Wojciech Jaruzelski, tuyên bố thiết quân luật và bắt giữ Ban lãnh đạo Nghiệp đoàn Đoàn kết tại Ba Lan, một lần nữa Mrożek lại lên tiếng chỉ trích trên tờ “Le Monde”. Đồng thời, ông không cho phép diễn các vở kịch, cũng như cấm đăng tải các tác phẩm của ông tại Ba Lan. Tuy nhiên, kịch của ông vẫn cứ thấy diễn ở các rạp.Năm 1983, cùng nhiều nhà văn danh tiếng khác – trong đó có Czesław Miłosz (Giải Nobel Văn chương 1980) và Leszek Kołakowski – ông lên tiếng phản đối việc giải thể Hội Nhà văn Ba Lan.Tính từ 1963 rời khỏi nước, phải 34 năm sau ông mới trở về quê hương, cùng người vợ thứ hai, Orario Rosas, một đạo diễn sân khấu người Mexico. Trong những năm sau đó, mục biếm họa của ông – nhan đề “Mrożek by night” – trên tờ nhật báo lớn nhất của Ba Lan “Gazeta Wyborska” được đông đảo bạn đọc ưa thích.Năm 2002, ông bị đột quỵ và tạm thời không nói, không viết được, phải mất ba năm để điều trị. Ông còn đủ thời gian để hoàn thành cuốn tự truyện (– Baltalzar , 2006 ), mà ông đã khởi công từ năm 1989, lúc sống tại Mexico.Năm 2008, ông quay về Pháp sống và qua đời tại Nice vào tuổi 83. (2013).Sławomir Mrożek đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý cho sự nghiệp sáng tác của mình. Huân chương Silver Cross of Merit (1953), giải thưởng Koscielski – Thuỵ Sĩ (1954), giải Phê bình Tây Ban Nha (1970), Giải thưởng Văn học châu Âu của Áo (1985), huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp (2004).Hoá ra ông giám đốc vườn bách thú là một kẻ cơ hội. Ông coi thú vật chỉ là bậc thang trên con đường thăng quan tiến chức thôi. Ông không quan tâm lắm đến nhiệm vụ giáo dục của cơ quan mình. Hươu cao cổ trong vườn thú này có cái cổ ngắn củn, chồn thậm chí chẳng có hang, lũ chim vẹt dửng dưng với mọi thứ, hoạ hoằn mới cất tiếng và có vẻ miễn cưỡng. Những khiếm khuyết này đáng lẽ không nên có, bởi từng đoàn học sinh thường đến thăm vườn bách thú này.Đó là một vườn thú tỉnh lẻ, thiếu một vài con thú cơ bản, như voi chẳng hạn. Người ta tìm cách thay thế tạm thời bằng việc nuôi vài ba ngàn con thỏ. Tuy nhiên, quốc gia ngày càng phát triển, người ta bổ khuyết dần những thứ còn thiếu theo đúng hoạch định. Và rồi đến lượt voi. Vào dịp Quốc khánh, 22 tháng bảy, vườn thú nhận được thông báo việc phân phối voi đã được giải quyết xong. Nhân viên vườn thú, vốn hết lòng tận tuỵ với công việc, vui mừng nghe tin này. Và họ càng ngạc nhiên gấp bội khi biết ông giám đốc đã gởi công văn về Vac xa va để từ chối việc phân phối này và thay vào đó ông đề nghị tự kiếm voi bằng cách có lợi hơn về mặt kinh tế.“Toàn thể nhân viên và bản thân tôi – ông viết – đều nhận thức được rằng con voi sẽ là gánh nặng đè lên vai những người công nhân mỏ và luyện kim Ba Lan. Nhằm giảm bớt chi phí, chúng tôi xin đề nghị thay thế con voi nêu trong thư bằng một con voi tự sản xuất. Chúng tôi có thể làm voi bằng cao su, với kích cỡ phù hợp, bơm khí vào và đặt nó sau hàng rào. Một khi voi đã được sơn vẽ lên cẩn thận, khó mà phân biệt được nó với voi thật, dù nhìn thật gần. Ta đừng quên rằng voi là loài thú nặng nề, không chạy nhảy cũng không đầm mình. Trên hàng rào, ta sẽ treo một tấm bảng thông báo rằng đây là một loài voi cực nặng. Khoản tiền tiết kiệm bằng cách ấy có thể dùng để chế tạo một máy bay phản lực mới hoặc để trùng tu các di tích nhà thờ. Tôi xin lưu ý rằng đề nghị này, cũng như việc soạn thảo dự án, đều là đóng góp khiêm nhường của tôi vào công cuộc lao động và đấu tranh chung của chúng ta.Kính thư… ” và chữ ký.Rõ ràng là công văn đã rơi vào tay một quan chức thờ ơ và quan liêu trong việc thực thi nhiệm vụ, không hề đánh giá vấn đề cặn kẽ, chỉ chú tâm vào đường lối tiết giảm chi phí, nên chấp thuận dự án ngay. Khi nhận được quyết định phê chuẩn, giám đốc vườn thú cho làm một cái vỏ rất to bằng cao su rồi cho bơm đầy không khí. Hai nhân viên được phân công làm nhiệm vụ bơm không khí vào vỏ từ hai đầu ngược chiều nhau. Để giữ bí mật, toàn bộ công việc phải làm vào ban đêm. Trong thời gian đó, dân chúng trong thành phố đã nghe tin con voi đích thực đang được đưa đến và háo hức muốn xem. Hơn nữa, ông giám đốc muốn hối thúc công việc vì ông hy vọng sẽ được thưởng khi ý tưởng thành công. Các nhân viên giam mình trong nhà tạm, dùng làm xưởng chế tạo, và bắt đầu thổi. Sau hai giờ cật lực, họ nhận thấy rằng cái vỏ màu xám chỉ có chút hơi vào và hơi phình ra chút đỉnh, tạo thành hình một củ hành làm bẹt ra, trông chẳng giống voi một tí nào.Khi màn đêm buông xuống, tiếng người im bặt, từ trong vườn thú chỉ còn tiếng chó sói tru vọng lại. Hai nhân viên, đã luống tuổi và không quen với công việc như thế này, thấy thấm mệt, họ dừng tay chốc lát, cố không để không khí đã bơm bị xì ra.“Nếu cứ tiếp tục kiểu này, e phải đến sáng mới xong”, một trong hai người nói nhỏ. Lúc về nhà không biết phải nói sao với vợ nữa. Liệu bà ấy có tin nổi không khi tôi nói là phải bơm voi suốt đêm qua.“– Đúng, người kia đồng tình, mấy khi người ta phải bơm voi. Cũng chỉ tại ông giám đốc nhà mình quá tả thôi.Bơm tiếp thêm nửa giờ nữa, hai người lại mệt lử. Mình voi đã phình lên nhưng còn lâu mới có kích cỡ thực của nó. “Càng lúc càng gay go“- người thứ nhất nhận xét. “Thật là cả cực hình!“, người kia đồng ý. Ta nghỉ chút đã.“Trong khi giải lao, một trong hai người phát hiện ra có cái vòi ga trồi ra ngoài tường. Anh ta chợt nghĩ cũng có thể bơm ga vào cho voi căng lên. Anh chia sẻ ý kiến này với bạn và cả hai quyết định làm thử. Họ cắm vòi ga vào voi và vui mừng nhận thấy chẳng mấy chốc một con voi chính hiệu đã sừng sững đứng giữa nhà. Trông y như voi thật. Mình chắc nịch, chân to như cột nhà, tai bự và cái vòi rõ nét. Ông giám đốc vườn bách thú, người không chịu tính trước mọi chuyện, chỉ loay hoay với tham vọng có một con voi to hết cỡ trong vườn, đã cho làm một mô hình cực lớn.– Tuyệt! anh nhân viên đã nẩy ra ý tưởng bơm ga tuyên bố. Ta có thể về nhà được rồi.Sáng sớm hôm sau, voi được chuyển ra khu chuồng rào đã chuẩn bị trước ở ngay trung tâm vườn, gần chuồng khỉ. Đứng sát trước một tảng đá tự nhiên, voi trông rất dữ tợn. Đằng trước nó người ta treo tấm biển: “Voi cực nặng – hoàn toàn không di chuyển.“Hôm đó, những vị khách đầu tiên là một nhóm học sinh một trường ở địa phương, do một giáo viên hướng dẫn. Thầy giáo muốn dạy học sinh một bài học về voi bằng phương pháp trực quan. Thầy tập trung cả nhóm đến trước con voi và bắt đầu giảng bài:– Voi là loài ăn thực vật. Nó dùng vòi nhổ các cây nhỏ và ăn hết lá.Các học sinh tụ họp đứng xem voi tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Chúng chờ voi nhổ một cây lên, nhưng voi cứ đứng tại chỗ sau hàng rào, không hề nhúc nhích. “Voi thuộc dòng giống mamut, nay đã tuyệt chủng. Vì vậy không có gì lạ khi nó là loài vật to nhất sống trên đất liền.”Mấy học sinh chăm chỉ nhất ghi ghi, chép chép.– … Chỉ có cá voi là nặng hơn voi, nhưng loài này sống dưới biển. Cho nên ta có thể mạnh dạn nói rằng voi là chúa tể sơn lâm.Một làn gió nhẹ thổi qua vườn.– … Trọng lượng của một con voi trưởng thành dao động từ bốn đến sáu tấn.Đúng lúc này, con voi rùng mình rồi bay bổng lên không trung. Nó tròng trành một chút bên trên mặt đất, và rồi ngay sau đó gió đã đưa nó lên cao, phơi bày cả thân xác to kềnh trên nền trời xanh.Nó còn bay lên cao, cao nữa, chìa về phía người nhìn bên dưới bốn hình tròn của hai đôi bàn chân dạng ra, cái bụng mập tròn, và đầu mút chiếc vòi. Tiếp đó, gió đẩy voi trôi ngang qua hàng rào và biến mất sau những ngọn cây cao tít. Lũ khỉ ngơ ngác nhìn lên trời.Sau này người ta tìm thấy voi ở khu vườn thực vật gần đó, nơi nó rơi xuống một bụi xương rồng và vỡ toang ra.Còn đám học sinh hôm đó tham quan vườn thú bỗng dưng bỏ học, đâm ra hư hỏng. Hình như chúng còn uống rượu và đập phá các cửa kính. Và chúng chẳng tin là có voi.Thân Trọng Sơndịch và giới thiệu(theo bản tiếng Anh của Halina A.)
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Thứ Tư, 1 tháng 7, 2020
2 Truyện Ngắn của Sławomir Mrożek - TÊN LỖ MÃNG & Con voi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét