Một cô gái đang tập yoga tại nhà ở England theo hướng dẫn trên tivi của huấn luyện viên Nick Higgins, người thành lập chương trình dạy yoga trực tuyến nhiều nơi trên thế giới với mục tiêu sẽ gây quỹ được số tiền 125,000 Bảng Anh nhằm giúp những người trong tuyến đầu chống đại dịch COVID-19. (Hình: Clive Mason/Getty Images)
Trong thời điểm này, dường như chúng ta đang sống trong một cơn ác mộng giữa ban ngày. Trên toàn cầu, xấp xỉ hai triệu người bị nhiễm coronavirus, với trên 120,000 ca tử vong, trong đó trên 22,000 ở nước Mỹ. Trong số những nạn nhân này cũng có những người quen, người thân yêu của chính ta, mà cũng là những người xa lạ. Tất cả chỉ là những con số thống kê nhảy vọt từng ngày. Trong khi ấy, tất cả những gì mỗi cá nhân có thể làm được và đóng góp được, là… ở nhà, để giúp ngăn chận sự lây lan của virus.<!>
Trong khi thực thi biện pháp “cách ly xã hội”, chúng ta theo dõi tin tức về sự bành trướng dường như không ngừng của COVID-19, về những thương tâm của các ca tử vong tiêu biểu, và về những nhân viên y tế đã bất chấp những hiểm nguy, hy sinh cứu giúp người lâm bệnh. Rồi thì, không khác mấy một cuộc chiến tranh, có người đã nhiễm bệnh và gục ngã. Những chuyện nầy có làm cho ta động lòng trắc ẩn hay không?
Người ta ở nhà, đọc sách, rồi nghe nhạc, rồi sáng tác nghệ thuật, rồi chơi games, rồi học nấu ăn, học khiêu vũ…. Một số khác dành thì giờ để thiền định, để nhìn vào nội tâm, để cầu nguyện. Hết đi ra đi vào, rồi lại đi vào đi ra! Đi lanh quanh cũng về chốn cũ, gặp lại chính hình bóng của mình trên bốn vách tường, và tự hỏi:
“Có thể làm được những gì khác hơn, có thể giúp được những gì trong lúc nầy?”
Đó là lúc mà lòng vị tha sẽ tìm đến. Lòng vị tha, ở đây, nằm trên cả lòng trắc ẩn. Khác với lòng trắc ẩn chỉ bao gồm thái độ đồng cảm với người khác, lòng vị tha bao gồm cả lòng trắc ẩn, cộng với một quyết chí hành động để cứu giúp người khác đang bị hoạn nạn.
Ông Tạ Đức Trí, Thị trưởng thành phố Westminster, cùng trụ trì và Phật tử chùa Điều Ngự, mang thực phẩm giúp đồng hương khó khăn trong đại dịch COVID-19. (Hình: Lý Trí Anh)
Thế thì, sự thách thức ở đây là, biết ai sẽ cần đến mình, và nếu có thì phải làm những gì? Thêm vào đó, nhiều người trong chúng ta cũng đã cạn kiệt từ thể lực cũng như trí lực, chưa kể đến cả tài lực.
Không phải ai cũng có lòng vị tha và nhân ái, mà có khi phải tự học hỏi và đánh động lương tâm. Lòng vị tha và nhân ái có thể đến dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, cầu nguyện lên một đấng tin, ban phước lành cho người hoạn nạn, thật ra không phải là chuyện tiêu cực. Có một số người diễu cợt, trong khi COVID-19 đang hoành hành mà giới lãnh đạo lại kêu gọi cầu xin Thiên Chúa? Khi nói đến chuyện tâm linh thì không ai có thể giải thích được, và, cầu nguyện cũng tốn thì giờ và năng lực!
Tuân thủ ở nhà, cũng là một đóng góp tích cực để giảm thiểu sự lây lan của COVID-19. Bước đầu tiên là hãy tự thương lấy chính mình. Đây không phải là điều ích kỷ. Chúng ta phải đạt được sự cân bằng giữa tâm hồn, trí tuệ và thể lực, để rồi mới có khả năng đi giúp người khác. Tương tự như, trên máy bay, tự mang mặt nạ dưỡng khí cho chính mình, trước khi giúp đỡ người bên cạnh.
Bước tiếp theo, muốn giúp người thì có rất nhiều cách thể hiện, một khi ta đã có lòng nhân ái. Một khi đã có tấm lòng nhân ái thì hành động sẽ đến tự nhiên, không tự ép buộc. Gần nhất là giúp người thân, bạn bè, hàng xóm, rồi mới đến giúp… thiên hạ dưới nhiều hình thức khác nhau. Tối thiểu là nên tránh chê bai chỉ trích, mà nên khuyến khích nhau với tinh thần lạc quan.
Giúp đỡ người khác là tự giúp đỡ lấy chính mình; trước tiên là người được hàm ân, và chính kẻ thi ân cũng được hạnh phúc. Mối tương quan hai chiều có cơ sở khoa học của nó. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi làm được một điều gì đó cho người khác, và mình cảm thấy vui, hormone “vui sướng” – dopamine, cũng như hormone “liên kết xã hội” – oxytocin, tăng cao hơn. Dưới sự điều khiển của hai loại hormone nầy, những hành động thi ân về sau sẽ trở thành một phản xạ. Đến lúc ấy, chúng ta không còn mặc cả với chính mình, nên làm điều thiện hay điều ác, nên cách ly hay nên liên kết?
Con người là một sinh vật xã hội, sống phải có gia đình, tập thể và đất nước, không thể bị “cách ly” mãi được. Tuy bị “cách ly xã hội”, nhưng với lòng tha nhân, ta lại nối kết xã hội nhiều hơn và giúp đỡ chính mình lẫn mọi người thoát khỏi tình thế bị cô lập.
Trong thời điểm đại dịch toàn cầu, nên lợi dụng thời gian và không gian để phát triển lòng vị tha bác ái, và biến nó thành một sự lây lan tốt. Chúng ta không nhất thiết là người sùng đạo mới biết đến vị tha và nhân ái. Xin kết luận với lời Đức Dalai Lama: “Từ bi không phải là hành vi tôn giáo, mà là hành vi của con người, không phải là một thứ xa xỉ, mà rất cần thiết cho hòa bình và sự ổn định tinh thần của chúng ta, cũng như rất cần thiết cho sự sống còn của con người”.
BS. Hồ Ngọc Minh
nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét