Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Tin sai lệch về sức khỏe trong bối cảnh COVID-19: Các diễn biến phức tạp toàn cầu - Nguyễn Hồng Hải Đăng

Tiếp theo bài viết về vấn đề định nghĩa tin giả ở kỳ trước, bài viết lần này tìm hiểu tin sai về sức khỏe và bàn luận vài vấn đề nổi cộm trong bối cảnh dịch Covid-19. Điều đáng quan tâm trong luận bàn về tin sai sức khỏe là khoảng cách không xa giữa "tin sai" và "tin dắt mũi": có rất nhiều tin sai được lan truyền trên mạng xã hội do sự hiểu sai hoặc thiếu hiểu biết của đối tượng loan tin. Đồng thời thấy nhiều loại tin dắt mũi đang được cố ý tuyên truyền với mục đích gây hại cho các nhóm người thiểu số dễ bị tổn thương trong xã hội. Ngoài ra, ranh giới giữa tin sai, tin dắt mũi, và kiến thức phi khoa học là rất mong manh.
<!>
Trong dịch Covid-19, Bill Gate cũng trở thành tâm điểm của tin sai lệch về sức khỏe: Ông bị mang ra gắn vào các “mưu đồ chính trị của Trung Quốc”, ủng hộ Trung Quốc và WHO. Thậm chí các chương trình vaccine của ông cũng bị đặt vấn đề. Trong ảnh là một tin sai lệch tiêu biểu khi cắt ghép hình Bill Gate gán cùng với các lãnh đạo Trung Quốc để làm nổi bật “sự liên kết” giữa các bên.

Tin sai sức khỏe: vấn đề nhức nhối trong sức khỏe cộng đồng
Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà xã hội học y tế đã nghiên cứu Internet như một thành phần quan trọng mới của hệ sinh thái sức khỏe. Hệ sinh thái sức khỏe (health ecosystem) là khái niệm bao gồm môi trường khám chữa bệnh, điều kiện sinh hoạt dinh dưỡng, các yếu tố văn hóa, xã hội, chính trị, thông tin định hình tình trạng sức khỏe tâm lý và thể chất của con người. Việc nghiên cứu môi trường thông tin internet như là một thành phần mới của hệ sinh thái này thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu xã hội khi các bệnh nhân ung thư ngày càng sử dụng internet để thu thập thông tin và đưa ra quyết định điều trị bệnh lý của mình dựa trên các thông tin này. Việc các bệnh nhân lệ thuộc vào thông tin sức khỏe trên internet tạo nên tam giác thông tin giữa bác sĩ – internet – bệnh nhân; tam giác thông tin này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình trải nghiệm sức khỏe cũng như bệnh tật của dân số toàn cầu.

Việc can thiệp của internet trong hệ sinh thái sức khỏe nếu sử dụng hiệu quả, có thể giúp người bệnh tiếp cận đầy đủ thông tin y học chính xác và nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và nguồn lực lâm sàng. Người bệnh cũng có thể tìm được sự trợ giúp và hỗ trợ về nhiều mặt, từ tinh thần đến vật chất, từ những hội nhóm và cộng đồng sức khỏe trên mạng xã hội. Tuy nhiên, bất cập của ‘yếu tố internet’ trong hệ sinh thái sức khỏe là không nhỏ. Việc ‘dân chủ hóa’ tuyên truyền thông tin trên internet khiến lượng thông tin chất lượng kém được dễ dàng phát tán rộng rãi hơn so với bất kì phương tiện thông tin truyền thông nào khác; nhiều nghiên cứu xã hội đã cho thấy thông tin sức khỏe ở các video trên trang mạng Youtube chứa nhiều thông tin gây hại nguy hiểm như cổ xúy chứng biếng ăn, cổ động việc hút thuốc lá gây hại cho sức khỏe, hay tuyên truyền thông tin sai về tiêm chủng trên Twitter và Facebok, cũng như gieo rắc sự nghi ngờ các tổ chức y tế trong nước cũng như toàn cầu, dẫn đến các trường hợp thuyết âm mưu. 
Một ví dụ điển hình về tác hại nghiêm trọng của tin sai sức khỏe là những tin nhiễu xung quanh việc chế tạo vaccine cho virus Zika. Bản chất phức tạp về nguồn gốc, phương thức lây truyền, và hậu quả sức khỏe của virus Zika đã tạo ra một môi trường màu mỡ cho thuyết âm mưu và tuyên bố phản khoa học sinh sôi nảy nở trên Twitter, đặc biệt trong các diễn đàn sức khỏe chống tiêm chủng. Các tuyên bố phản khoa học thành công nhất, được lan truyền rộng rãi nhất, thường được hình thành dựa trên những định kiến có sẵn trong xã hội mà các tuyên bố này được tạo ra. Nhiều người dân ở Mỹ tin rằng chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, một bệnh lý gây ra bởi virus Zika, là do lỗi của công ty bào chế thuốc Monsanto. Monsanto là một công ty y dược từng được bầu đứng vị trí thứ ba trong danh sách các doanh nghiệp bị ghét nhất ở Mỹ do những cáo buộc về việc đầu độc môi trường và uy hiếp nông dân Mỹ. Nghiên cứu cho thấy các đối tượng vốn đã có định kiến về công ty Monsanto tại Mỹ tin rằng chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là do pyriproxyfen, một loại thuốc diệt muỗi được cho là do Monsanto sản xuất gây ra, chứ không phải là do virus Zika. Trên thực tế, công ty Monsanto không hề sản xuất loại thuốc nói trên, và hiện không có chứng cứ khoa học nào cho thấy thuốc diệt sâu bọ gây nên chứng bệnh nói trên. Một thuyết âm mưu khác liên quan tới virus Zika là tin đồn thất thiệt rằng chứng đầu nhỏ của trẻ sơ sinh là do hậu quả của việc tiêm vaccine MMR (ngừa bệnh sởi, quai bị, và rubella) và vaccine Tdap (ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván, và ho gà). Tin đồn thất thiệt này được thổi phồng lên thành thuyết âm mưu cho rằng các công ty sản xuất và bào chế dược phẩm cố ý gây bệnh cho trẻ nhỏ và đổ lỗi cho virus Zika, nhằm mục đích cuối cùng là bào chế thêm vaccine chống virus Zika để thu thêm càng nhiều lợi nhuận. Thuyết âm mưu này cũng có độ thành công khá cao, vì đặc biệt phù hợp với niềm tin không có cơ sở trong nhiều nhóm cộng đồng rằng tiêm chủng là có hại, và đặc biệt lợi dụng sự suy giảm lòng tin của dân số về các công ty y dược lớn.

Những tin về việc sử dụng cây lá để chữa trị Covid-19 lan khắp từ Đông sang Tây. Tuy nhiên không có cơ sở khoa học để tin rằng các loại thông tin này hiệu quả trong phòng bệnh nhưng đây không phải là tin dắt mũi hay thuyết âm mưu vì nó xuất phát từ kiến thức và niềm tin, thói quen của người dân ở các nền văn hóa khác nhau. Ảnh: Thực hành y học dân gian vẫn là một phần rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc và các nước châu Á. Nguồn: AP
Tin sai, tin dắt mũi, và Covid-19: vài diễn biến lớn toàn cầu
Trong bối cảnh Covid-19, nhiều dòng tin sai, tin dắt mũi, cũng như các thuyết âm mưu sức khỏe và chính trị thường được thấy ở các tình huống khủng hoảng dịch bệnh khác đang được lặp lại với nhiều yếu tố diễn biến phức tạp. Báo cáo sơ bộ về tin sai Covid-19 của Oxford Internet Institute cho thấy, thông tin sai lệch và gây hại từ các phương tiện truyền thông và các nguồn thông tin y tế rác được hậu thuẫn bởi các chính phủ các nước khác nhau đã được truyền đến hàng trăm triệu tài khoản truyền thông xã hội. Báo cáo này cũng cho thấy, lượng tuyên truyền của các nguồn thông tin sai lệch mang tính đả kích chính trị này ngang ngửa với trung bình các bài báo từ những trang tin quốc tế tầm cỡ như BBC, Guardian, New York Times và Washington Post. Tính đến thời điểm giữa tháng 4/2020, thông tin từ các nguồn thông tin y tế rác đã được truy cập hơn 9 triệu lần; thông tin đả kích từ các nguồn chính phủ ngoại bang nhận được rất nhiều tương tác và chia sẻ. Đặc biệt, các thông tin này xoay quanh đả kích tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bằng cách lan truyền thông tin giả dựa trên định kiến sẵn có về Trung Quốc nhằm ủng hộ quyết định Tổng thống Mỹ Donald Trump ngưng viện trợ cho WHO. Đến đầu tháng 5/2020, các chủ đề tin sai chuyển sang xoay quanh các thuyết âm mưu cho rằng bệnh viện trên toàn thế giới đang phóng đại số lượng bệnh nhân và nạn nhân của Covid-19, cũng như thông tin biện hộ cho phát biểu gây phẫn nộ của Trump về việc khả năng tiêm chất tẩy hoặc chiếu tia UV vào da để trị virus Corona mới. Trong báo cáo gần nhất vào giữa tháng 5/2020, các loại tin giả được đưa ra về Covid-19 xoay quanh việc ám chỉ rằng Trung Quốc cố tình chế tạo virus từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, cũng như đả kích người nước ngoài sinh sống tại Mỹ thông qua việc tấn công các đề xuất của Đảng Dân chủ. 

Có thể dễ nhận thấy rằng các tin sai, tin giả, tin dắt mũi, hay thuyết âm mưu xung quanh Covid-19 mang đậm mùi chính trị, cũng như khớp với công thức chung là dựa trên những hiềm khích, định kiến, hay xung đột chính trị sẵn có. Chính vì lí do này mà tin sai sức khỏe khó lòng tách khỏi các vấn đề chính trị xã hội; bản chất của sức khỏe và bệnh tật là một vấn đề mang tính chính trị xã hội đậm nét. Việc Trung Quốc là nơi khởi điểm của đại dịch Covid-19, cộng với những căng thẳng chính trị toàn cầu với chính quyền Trung Quốc, đã tạo nên làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ. Tại các nước phương Tây, làn sóng này thường được kích động bởi các nhóm cực đoan cánh hữu thông qua việc tuyên truyền thông tin sai mang màu sắc kì thị chủng tộc, thậm chí kêu gọi bạo lực trong nhiều trường hợp. Ví dụ điển hình của các tin thiếu kiểm chứng, mang tính dàn dựng, và mang tính xách động này bao gồm video các cảnh quay thiếu tính xác minh diễn tả người Trung Quốc đổ xô đi mua thực phẩm và các thiết yếu phẩm để dự trữ, với ám chỉ rằng người Trung Quốc hoặc người gốc Trung đóng vai trò là lực lượng tay trong hãm hại các quốc gia phương Tây. Hay như video các cảnh quay thiếu tính xác minh diễn tả người được cho là công dân Trung Quốc cố tình phát tán virus bằng cách phun nhổ vào rau củ tươi trong siêu thị, hay bôi nước bọt vào tay cầm cửa ra vào hoặc ghế đá công viên. Các loại tin này không chỉ gây hoảng loạn cho dân số vốn đang hoang mang lo sợ về đại dịch chỉ xuất hiện một lần trong chu kì một đời người, mà còn góp phần hằn sâu mẫu thuẫn sắc tộc cũng như sự ức hiếp các nhóm người thiểu số từ phía số đông. Cần được nói thêm rằng, việc kì thị người Trung Quốc không chỉ đe dọa sự an toàn và quyền con người của các công dân Trung Quốc hay người gốc Trung; việc kì thị này còn ảnh hưởng đến toàn thể các cá nhân đến từ hoặc có nguồn gốc sắc tộc Đông Á/Đông Nam Á. Điển hình ở Úc, trường hợp hai nữ sinh viên người Singapore và Malaysia bị tấn công ngay tại trung tâm thành phố Melbourne bởi hai đối tượng người Úc da trắng vì hai đối tượng này cho rằng hai sinh viên này là người Trung Quốc cho thấy, bất công xã hội của một nhóm người không phải chỉ là vấn đề của riêng nhóm người đó, mà là sự bất công của toàn xã hội.
Người Trung Quốc không phải là nạn nhân duy nhất của các thể loại tin giả sức khỏe mang đậm tính chính trị này. Các nhóm cực hữu đang tái lại những thuyết âm mưu vốn đã gây nên nhiều cuộc khai trừng tàn bạo trong lịch sử người Do Thái, như các bài báo cho rằng người Do Thái cố tình gây nên virus corona mới để thao túng thị trường kinh tế, hủy diệt người da trắng, và âm mưu thôn tính khu vực châu Âu và Bắc Mỹ bằng cách thay thế dân số diện rộng Người di cư nói chung cũng là một đối tượng gánh chịu các thể loại tin giả xung quanh Covid-19. Nhiều nhóm cánh hữu tại các quốc gia phương Tây đưa tin cho rằng các tuyến đường di cư, đặc biệt là tình hình đang diễn ra tại biên giới Hy Lạp/Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu hoặc biên giới Mexico ở Mỹ, đang hoạt động như một trục chính cho sự lây lan của virus. Từ các bài viết này, thông tin đồn thổi sai sự thật về việc người di cư sẽ lợi dụng cơ hội đại dịch để nổi dậy chống phá nhà nước, cũng như những thuyết âm mưu về các tổ chức khủng bố ISIS lợi dụng cơ hội đại dịch để trà trộn vào bộ phận người di cư cũng được lan truyền rộng rãi. Tại Mỹ, trường hợp một người đàn ông da trắng ở Missouri lên kế hoạch khủng bố bệnh viện bị cảnh sát bắn hạ sau khi điều tra của FBI cho thấy người này có âm mưu khủng bố nội địa lên các nhóm người da đen, người đạo Hồi giáo, và người Do Thái tại nơi lưu trú. Tổ chức FBI cũng đang điều tra nhiều tổ chức cực hữu da trắng đang có dấu hiệu lập kế hoạch dùng virus corona mới để tiêu diệt các nhóm người thiểu số, đặc biệt là người Hồi giáo và Do Thái; các nhóm khủng bố này có dấu hiệu phối hợp với nhau bằng ứng dụng nhắn tin Telegram.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho các tin sai lệch về sức khỏe đan cài với các tin mang đậm màu sắc chính trị và phân biệt chủng tộc tấn công vào các nhóm yếu thế khác nhau. Trong ảnh là người Trung Quốc ở Úc biểu tình chống phân biệt đối xử. Nguồn: Theguardian.
Tin sai sức khỏe và kiến thức phi khoa học: những khúc mắc khó gỡ
Bên ngoài các diễn biến chính trị xã hội xung quanh Covid-19, các loại thông tin sai hay thiếu kiểm chứng trực tiếp liên quan đến phương thức phòng ngừa và chữa trị virus cũng trở thành mối quan tâm lớn. Các phương thức “chữa trị” Covid-19 được lan truyền trên mạng xã hội như uống nước tỏi, nước sả nấu với vỏ cam, ăn nhiều gừng ớt, bôi dầu vào lòng bàn chân trước khi đi ngủ, uống nhiều nước lọc mỗi 15 phút để “tẩy rửa” virus, phơi nắng, hay hạn chế không ăn kem đông lạnh… được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện mạng xã hội trong các nước Đông Nam Á, và cả các quốc gia nói tiếng Ả Rập. Tất nhiên, rất dễ để chỉ trích rằng các thông tin này là sai và không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ hơn, thì các thông tin này bắt nguồn từ những thói quen, tư duy, và tập tục mang tính định hình cách am hiểu về sức khỏe và bệnh tật của văn hóa châu Á và khối nước Ả Rập. Những thông tin này có một điểm khác nhau quan trọng với tin sai hay tin dắt mũi: chúng không mang tính đả kích khoa học (antiscience), hay giả khoa học (pseudoscience), mà là kiến thức phi khoa học (non-biomedical). Nói cách khác, tuy không có cơ sở khoa học để tin rằng các loại thông tin này mang lại hiệu quả cho việc phòng ngừa hay chữa trị bệnh dịch – và lí do này đủ để các cơ quan chức năng liên quan đến quản lý bệnh dịch kêu gọi người dân không nên tin vào các thông tin không có cơ sở nói trên – các thông tin này không thể được gọi là ‘tin giả’ theo các đánh giá khái niệm thường được dùng để định nghĩa tin sai, tin dắt mũi, hay thuyết âm mưu.
Vì sao điều này lại quan trọng? Ranh giới giữa những gì được gọi là kiến thức và không phải kiến thức không chỉ đơn thuần mang tính tri thức luận, dựa trên suy luận khoa học thuần túy, hay đo lường toán học nghiêm ngặt. Các yếu tố chính trị, xã hội, và văn hóa luôn luôn can thiệp vào quá trình tạo nên kiến thức. Ví dụ điển hình là ở Philippines, Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Sức khỏe của Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines hiện đang tiến hành nghiên cứu dầu dừa như một tác nhân tiềm năng chống lại virus. Điều khiến dầu dừa trở nên triển vọng hơn so với tỏi, nước xả, vỏ cam, hay gừng ớt, là vấn đề không chỉ mang tính khoa học, mà còn mang tính văn hóa xã hội. Chính phủ Trung Quốc cũng tích cực cổ động chữa trị và phòng ngừa Covid-19 bằng các phương thức “đậm tính Trung Quốc”, như việc phát “canh giải độc” tại các bệnh viện ở Vũ Hán và việc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đề xuất sử dụng mật gấu để chữa bệnh. Trong công cuộc tìm kiếm phương thức chữa trị Covid-19, các câu hỏi mang tính tri thức luận xoay quanh các đặc tính của kiến thức, ai là người có quyền tạo ra kiến thức, và những đặc thù chính trị xã hội của cả kiến thức khoa học lẫn kiến thức phi khoa học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. □

Không có nhận xét nào: