Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

WHO họp bàn về virus Vũ Hán khi có thêm nhiều người chết

WHO họp bàn về virus Vũ Hán khi có thêm nhiều người chết - Tổ chức y tế thế giới (WHO) sẽ họp vào thứ Năm (30/01) để thảo luận về việc liệu virus Vũ Hán có tạo thành trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không, BBC đưa tin. “Mặc dù số lượng [người nhiễm virus corona] bên ngoài Trung Quốc vẫn còn tương đối nhỏ, nhưng chúng có khả năng bùng phát lớn hơn nhiều”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Chủ tịch WHO, nói trong một cuộc họp báo tại Geneva, đề cập tới các nước, ngoài Trung Quốc, có nhiều người nghi nhiễm loại virus gây chết người như Việt Nam, Đức và Nhật Bản, theo Reuters.
<!>
Reuters cho hay, theo cập nhật mới nhất, có 162 người đã chết vì virus Vũ Hán, tăng 37 so với ngày hôm qua, và hơn 6000 trường hợp được xác định đã nhiễm loại virus này. Ngoài Trung Quốc, 15 quốc gia trên thế giới nằm trong danh sách có người nhiễm virus Vũ Hán, một chủng virus corona mới.
Hàng loạt các nước đã thực hiện các hành động để ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán. Theo các bản tin cập nhật của Reuters, Nga đã quyết định hạn chế các hoạt động giao thông bằng đường sắt tới Trung Quốc từ ngày 31/01. Hãng hàng không British Airways, Anh, đã tạm dừng các chuyến bay trực tiếp đến Trung Quốc.
Congo: phiến quân tấn công, ít nhất 32 người thiệt mạng
Các tay súng, nghi ngờ thuộc tổ chức Hồi giáo cực đoan ADF, đã giết chết ít nhất hơn 30 người trong một cuộc tấn công ban đêm vào 4 ngôi làng ở phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo, các quan chức địa phương và người hoạt động nhân quyền ở quốc gia này cho biết hôm thứ Tư (29/01), theo Reuters.
Một quan chức địa phương có tên Richard Kivanzanga cho biết 32 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công vào các ngôi làng ở phía tây thành phố Oicha. Trong số các nạn nhân có một mục sư ở làng Eringeti, một người tên Omar Kavota, thuộc nhóm nhân quyền địa phương CEPADHO, cho biết.
ADF là một nhóm vũ trang bao gồm các tay súng Hồi giáo cực đoan hoạt động ở phía tây Beni, nơi đã chứng kiến sự gia tăng bạo lực kể từ ngày 30 tháng 10, khi quân đội Congo tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn chống lại nhóm phiến quân này.
Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với thủ lĩnh của ADF và năm người khác của lực lượng này vào tháng 12/2019 vì đã thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng bao gồm cưỡng hiếp tập thể, tra tấn và giết người.

Nghị sĩ EU bỏ phiếu tán thành Anh rút khỏi liên minh

Đa số các nhà lập pháp châu Âu vào thứ Tư (29/01) đã ủng hộ các điều khoản để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, mở đường cho cuộc “ly hôn” EU-Anh chính thức diễn ra vào thứ Sáu, theo Fox News.
Trong quyết định quan trọng cuối cùng, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu với tỷ lệ 621 phiếu ủng hộ và 49 phiếu chống đối với thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Anh, Boris Johnson đã đàm phán với 27 nhà lãnh đạo EU vào cuối năm ngoái.
Sau khi rời khỏi EU vào thứ Sáu, Vương quốc Anh sẽ vẫn nằm trong các thỏa thuận kinh tế của EU cho đến cuối năm nay, mặc dù họ không còn được can dự vào các chính sách của liên minh vì không còn là thành viên.

Thêm thực thể Nga liên quan tới sáp nhập Crimea bị trừng phạt

Chính phủ Hoa Kỳ hôm thứ Tư (29/01) tiếp tục áp các lệnh trừng phạt đối với các thực thể liên quan đến việc Nga tự ý sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014.
8 cá nhân và 1 công ty đường sắt có trụ sở tại Moscow, Nga, là các đối tượng sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ lần này, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, theo Reuters.
Các cá nhân bị Mỹ trừng phạt hôm thứ Tư bao gồm Yuri Gotsanyuk, người đứng đầu chính quyền Crimea thân Nga, được bầu vào năm 2019, và những người khác, theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ.
Quyết định trừng phạt được Mỹ đưa ra một ngày trước chuyến thăm Ukraine của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Bộ Tài chính Mỹ cho biết Canada cũng đã làm điều tương tự khi các cá nhân bị Mỹ trừng phạt cũng đã được Ottawa đưa vào danh sách đen của họ.

Người tị nạn Venezuela tiếp tục được giúp đỡ

Colombia sẽ cho phép hàng trăm ngàn người tị nạn Venezuela hợp pháp hóa sự hiện diện ở nước này thông qua việc cấp giấy phép lao động cho họ, chính phủ Colombia cho biết hôm thứ Tư (29/01), theo Reuters.
Colombia là điểm đến chính của những người tị nạn Venezuela chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng dưới thời chính phủ thiên tả của Tổng thống Nicolas Maduro.
Không giống như các nước láng giềng, Colombia đã không áp đặt các yêu cầu nhập cư nghiêm ngặt đối với người Venezuela và 1,6 triệu người của quốc gia láng giềng hiện đang sống ở nước này. Liên Hợp Quốc, vào năm ngoái, dự đoán số người tị nạn Venezuela ở Colombia sẽ tăng lên 2,4 triệu vào cuối năm 2020. Trong khi đó nước Mỹ vĩ đại đóng cửa không cho vào..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét