Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Chuyện Về Sở Hỏa Xa Sài Gòn - Thu Trang

download.jpg
Công ty Hỏa Xa Đông Dương(Chemin de Fer -Saigon)
 (*Lời Nói Đầu: Tác giả Trang Nguyên (TN) (* Bài trích trên DĐDT), đã có công sưu tập những dữ kiện có ý nghĩa lịch sử về những lâu đài dinh thự, những ngôi nhà mang dấu ấn một thời, những ngôi đình chùa nổi tiếng, những tượng đài kỷ niệm… một thời nơi Thủ đô Sài Gòn hoa lệ ngày xưa. Đọc bài của tg.TN viết về những nơi rất quen thuộc một thời xa xưa khiến người viết bài nầy không khỏi bồi hồi nhớ lại một vài địa danh, vài câu chuyện rất gần gũi, bao hồi ức xưa lại hiện về với những ngày tháng trẻ thơ hồn nhiên vui chơi, học hành.. Hình ảnh ngôi trường thân thương, những con đường đi học ngập tràn lá me bay.. là bao kỷ niệm vô cùng êm đẹp giờ đã thành quá khứ! Gần đây nhân đọc bài  "Sở Hỏa Xa Sài gòn" của tg.TN, lòng tôi còn ghi nhớ mãi về một nơi gọi là "Chemin de Fer"với vài kỷ niệm của gia đình tôi…Xin góp một hoài niệm nhớ về Cha tôi, người từng có liên hệ với "Chemin de Fer Saigon")
<!>                                                                       *
Vào khoảng năm 1947-48, gia đình chúng tôi mới từ một làng quê hẻo lánh thuộc quận Thủ Đức hồi cư về Sg. Khi ấy tôi còn là một học sinh nhỏ học trường TTT (Ngôi trường Nữ tiểu học lớn nhất Sài gòn) Lúc ấy trường còn học nhờ trong Nhà Thờ Huyện Sĩ ( nằm ở góc đường Frère Louis (Võ Tánh) và Frère Guilleraut (Tôn Thất Tùng), vài năm sau mới dời về ngôi trường lớn hai tầng lầu (đã bị quân đội Pháp chiếm dụng, sau mới trả lại cho ngôi trường cũ), tọa lạc trên đường Boulevard de Galliéni (sau là đườngTrần Hưng Đạo).
Khi có dịp đi chợ Sài gòn với mẹ tôi, mỗi khi đứng trước bùng binh đối diện với ngôi chợ, tôi thường đưa mắt nhìn những con đường rộng thênh thang đi về khắp ngã như Hàm Nghi, Lê Lợi. Nguyễn Huệ, Tự Do..Từ xa tôi đã đọc thấy hàng chữ khá lớn đậm nét trên bức tường của tòa nhà thật to cao hai tầng, đối với tôi lúc ấy vô cùng hùng vĩ, chiếm cả một góc đường: "Chemin de Fer", tôi học chương trình pháp nên hiểu ngay đó là Sở đường sắt ( sở Hỏa xa Gài gòn). Không ngờ về sau nó lại có mối liên hệ với gia đình tôi.

Vừa mới lên thành phố, còn đang thất nghiệp, ba tôi đã từng lặn lội khắp nơi mong tìm một việc làm khả dĩ nuôi sống gia đình đang sống bơ vơ không một mái nhà nương náu chốn phồn hoa đô hội. Vừa may người đọc báo thấy Sở "chemin de fer" đang tuyển dụng một chân thư ký kế toán (dactylo) và phải thông thạo tiếng Pháp. Ba tôi có đầy đủ khả năng vừa kể nên được nhận vào hãng làm việc ngay. Người làm công việc của một thư ký kế toán chuyên đánh máy trong  phòng tiếp nhận và thu mua thực phẩm từ các tỉnh miền Tây chở về, dưới quyền một viên trưởng phòng người Pháp.

Gia đình chúng tôi may mắn được hãng cấp cho một căn nhà khá rộng, nằm giữa hai con  đường lớn Trần Hưng Đạo (THĐ) và đường Colonel Grimaud ( Phạm Ngũ Lão PNL) , gồm ba phòng ngủ , nhà bếp, nhà tắm rộng rãi với một bể nước khá lớn, vòi nước chảy không ngừng nên hồ luôn tràn đầy, nước chảy xuống cống ngày đêm. Những người làm bên nhà các dì tôi thường đến tắm giặt mỗi ngày… Đối diện với dãy nhà ở, cách một vuông sân rộng là một nhà chơi khá lớn hình chữ nhật bề dài khoảng hơn 10m, bề ngang 6,7 m. Lại có sẵn một chiếc đu treo trên cao , sợi dây to rất dài có thể đưa qua đưa lại một khoảng không gian rộng lớn là nơi vui chơi thoải mái của trẻ con chúng tôi.

Ngôi nhà lại đối diện với rạp hát Thành Xương (TX), một trong những rạp hát cải lương lớn trong đô thành thời bấy giờ (*). Bên cạnh một cái Đình cổ là nơi các gánh hát bội thường đến diễn những tuồng hát cổ xưa như các vở Phàn Lê Huê, Tiết Đinh San, Mạnh Lệ Quân…Trong rạp TX, khi tuồng hát đến màn cuối, cửa ra vào được mở rộng, người bên ngoài có thể nhón chân ghé mắt nhìn vào. Chúng tôi bên nầy nhà đứng trên bờ thành hồ nước cũng có thể xem được đôi chút cho đỡ ghiền lòng say mê những vở cải lương đi vào lòng người thuở ấy !

 Khoảng đất trước rạp TX như là một chợ nhỏ bán đủ các món ăn như cơm sườn, cơm tấm, bún riêu, hũ tiếu, ragout, cary gà (kiểu Tây), bánh xèo, thịt nướng.., đủ thứ mùi vị đồ ăn phảng phất trong không gian. Mấy chị em tôi chỉ đi qua đi lại rồi đứng nhìn nhưng không thấy thèm lắm những món ăn mà chúng tôi cảm thấy sang trọng xa xỉ, vói không tới! Thỉnh thoảng chúng tôi cũng vô cùng thú vị được thấy một vài đào kép hát xanh xao vì đã rửa hết lớp phấn son, có vẻ mệt mỏi sau những đêm thức trắng diễn tuồng, đến ngồi ăn uống sì sụp bên những gánh hàng..                                                                         
Nhiều đoàn cải lương đến hát rồi đi, đặc biệt có một đoàn (tôi quên mất tên), không biết có thù oán gì với VC. mà đêm nào đoàn hát nầy đến diễn đều bị lựu đạn ném vào, khiến cho khán giả hoảng sợ bỏ cả guốc dép chen lấn nhau chạy trong cơn  hỗn loạn. Buổi sáng hôm sau mọi người đều kinh hoàng thấy trên bức tường bên hông nhà tôi, phía bên đường PNL, những vết máu loang lổ với vài mảnh thịt người còn dính trên tường trông thật khủng khiếp!
 Nhưng cũng vì kế sinh nhai của người nghệ sĩ, các đoàn cải lương vẫn tiếp tục đến hát như kiếp con tằm nhả tơ, đêm đêm mua vui cho người đời, ai đâu biết bao cuộc đời đen bạc cay đắng sau tấm màn nhung!
                                                              *
Trở lại chuyện "Chemin de Fer". Mỗi buổi chiều vào khoảng 4-5 giờ, chuyến xe lửa từ Mỹ Tho về đến ga Sài gòn đổ xuống những kiện hàng thực phẩm như núi rồi có những người phu khuân chở về Sở Hỏa xa nơi ba tôi làm việc. Người vẫn hằng ngày cặm cụi với công việc kết toán sổ sách. Khi tan sở còn được mang về những thực phẩm còn tươi, những trái cây như chuối, xoài, vú sữa, đu đủ..Lại còn những con cá lóc, cá rô, cá trê..chỉ mới ngộp thở còn cựa quậy, cũng được thêm vào bữa cơm đạm bạc có phần phong phú cho gia đình chúng tôi. Trong nhà được những bữa ăn ngon với những con cá mới ngộp nước, những trái cây hơi bầm dập của hãng cho ba tôi đem về, mà chúng tôi không hề biết công lao khó nhọc của người nơi sở làm. Ban đầu người vẫn vui thấy gia đình có cuộc sống thoải mái ấm no. Nhưng một thời gian sau, ba tôi thường trầm ngâm lo nghĩ, nét mặt luôn ưu tư phiền não…

Thỉnh thoảng tôi có nghe người kể với má tôi những nỗi bất mãn nơi làm việc. Số là có hôm người đang làm việc nơi bàn bureau trong lúc bao nhiêu giỏ cần xé chứa đầy thực phẩm về chất đầy cả căn phòng. Những con cá lóc, cá rô..vùng vẫy trong thùng nước cạn và thoát ra ngoài, chúng quẩy đuôi lăn lóc ngỗn ngang khắp nơi. Tên trưởng phòng người Tây hách dịch ra lệnh người thư ký là ba tôi phải bắt lại cho hết. Ban đầu người cũng cố gắng chạy theo bắt những con cá một cách khó nhọc vì không quen. Rồi nhiều lần tên trưởng phòng vẫn với thói hách dịch ra lệnh một cách vô lý. Cuối cùng không nhịn được nữa, ba tôi phản đối nhất định không chịu làm những việc không phải của mình, không chịu nỗi thói bắt nạt của người chủ Tây. Và một ngày người nộp đơn xin nghỉ việc dù chỗ làm đã đem lại cho gia đình mình cuộc sống đầy đủ ấm no trong một khoảng thời gian.

 Từ đó gia đình tôi phải  dọn về một căn phố của một người quen cho thuê lại. Căn phố nầy ở trên con đường ngắn nhỏ tên Dixmude (Đề Thám) , phía sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo đường Galliéni. Cũng chỉ ở được một thời gian ngắn ngủi, người bạn trở mặt đòi tăng giá thuê nhà cao, nếu không bằng lòng phải dọn đi…Rồi cả gánh bầu đoàn thê tử gia đình chúng tôi còn phải dời chỗ ở nhiều nơi nữa giữa chốn Sài thành hoa lệ.
 Ba tôi , một người tài năng, lương thiện, luôn chăm chỉ làm việc nhưng không luồn cúi dưới thế lực nào, vẫn tìm được những việc làm từ Sở Ba Son đến Hãng Esso, Banque de l'Indochine, có lúc còn đến những tư gia người Pháp để dạy kèm những đứa trẻ con Tây nghịch phá như giặc..Người đã trải qua không biết bao lần thăng trầm trong cuộc sống, sau cùng cũng là một công chức gương mẫu dưới thờiVNCH...!
 Dẫu cuộc đời bao phen chìm nổi đắng cay, Người như con ong vẫn chăm chỉ xây tổ cho đàn con thơ dại có một tương lai tươi sáng…

        Thu Trang
   Đức quốc, 11.01.2020
(Nhân ngày Giỗ, nhớ về người Cha kính yêu)


(*) Rạp Thành Xương ở góc đường Phạm Ngũ Lão và đường Yersen Q.1 sau nầy trở thành rạp ciné và đổi tên thành rạp Diên Hồng : theoFB. "Các rạp cải lương xưa ở Sg"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét