Ảnh minh họa: Xử lý khủng hoảng dịch viêm phổi virus corona đang là thách thức lớn cho chính quyền Tập Cận Bình. REUTERS
Thu Hằng
Trọng Thành
Dịch viêm phổi do nhiễm virus corona ngày càng thêm nghiêm trọng tại Trung Quốc. Trong thống kê mới nhất ngày 26/01/2020, chính quyền Bắc Kinh nêu 56 trường hợp tử vong và gần 2.000 người bị nhiễm virus corona. Một ngày trước đó, đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Bình cảnh báo nguy cơ lây nhiễm gia tăng. Trong số ca tử vong, có một trường hợp ở Thượng Hải và là trường hợp đầu tiên nằm ngoài ổ dịch ở tỉnh Hồ Bắc. Theo đài truyền hình nhà nước CCTV, kể từ thứ Hai 27/01, các công ty lữ hành không được phép bán các tour du lịch hoặc đặt phòng khách sạn cho các nhóm du khách. Chính phủ cũng ra lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã cho đến khi dịch bệnh tạm lắng.<!>
Cuộc khủng hoảng virus corona có nguy cơ nghiêm trọng hơn vì xảy ra vào đúng dịp người dân Trung Quốc di chuyển để đoàn tụ gia đình dịp Tết Nguyên đán. Trong cuộc họp với Ủy ban Thường trực của bộ Chính trị đảng cộng Sản Trung Quốc ngày 25/01, chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận « nạn dịch gia tăng ». Ông trấn an người dân rằng có thể « chiến thắng cuộc chiến » chống virus nhờ vào việc « tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của trung ương đảng ».
Quyền lực của Tập Cận Bình bị khủng hoảng virus corona đe dọa
Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI Angélique Forget tại Thượng Hải, trong lần thứ hai phát biểu chính thức về tình hình virus corona, chủ tịch Tập Cận muốn khẳng định là nhà lãnh đạo sáng suốt, nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay có thể sẽ làm suy yếu quyền lực của ông.
Còn hơn cả cuộc chiến thương mại với Mỹ, hay các cuộc biểu tình khuấy động Hồng Kông, cuộc khủng hoảng virus corona là một thách thức chính trị chưa từng có đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình… vì lần này, ông không thể cáo buộc các thế lực nước ngoài thao túng tình hình.
Tất cả những quyết định được đưa ra từ vài ngày nay như cách ly trong vòng 40 ngày, hủy các hoạt động lễ hội dịp Tết Nguyên đán, đều nhằm mục đích cho thấy rằng chính quyền trung ương kiểm soát tình hình, nhưng trên thực tế, cuộc khủng hoảng này cho thấy những hạn chế về công tác quản lý của chính quyền Tập Cận Bình.
Trước hết, vì kiểm duyệt, báo chí địa phương đã không thể phổ biến thông tin về những người bị nhiễm virus corona trong khi trường hợp đầu tiên được phát hiện là vào ngày 08/12/2019.
Tiếp theo, chính quyền địa phương, từng tổ chức một ngày hội lớn vào đầu tháng Giêng với rất nhiều quan chức cấp cao trong vùng tham dự, đã giảm thiểu tình hình để tránh phải hứng chỉ trích, phẫn nộ từ chính quyền trung ương.
Thậm chí cách đây vài tuần, chính quyền địa phương còn bắt 8 người với cáo buộc đã phát tán tin đồn về loại virus với khẳng định có liên quan đến dịch SARS năm 2003. Thế nhưng, cuối cùng thông tin này lại được giới chức y tế xác nhận.
Mỹ, Pháp chuẩn bị sơ tán kiều dân khỏi Vũ Hán
Ngày 26/01/2020, theo AFP, Hoa Kỳ thông báo đang tổ chức sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao và một số kiều dân khác, bị kẹt tại Vũ Hán, trung tâm dịch viêm phổi. Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, sẽ có một chuyến bay trực tiếp đầu tiên từ Vũ Hán về San Francisco vào thứ Ba 28/01.
Pháp dự kiến sẽ đưa người ra ngoài Vũ Hán bằng xe buýt. Bộ Ngoại Giao Pháp hiện chưa thông báo thời điểm cụ thể. Riêng tập đoàn sản xuất xe hơi PSA, có một nhà máy ở Vũ Hán, thì các nhân viên PSA sẽ được đưa đến thành phố Trường Sa, cách Vũ Hán hơn 300 km về phía nam.
Thêm nhiều trường hợp nhiễm virus mới tại một số nước châu Á
Theo thống kê sơ bộ sáng 26/01, trong những ngày gần đây, có thêm bốn trường hợp nhiễm virus tại Úc (hôm 25/01), bốn người trở về từ Trung Quốc. Singapore có thêm một trường hợp được ghi nhận hôm 26/01, từ Trung Quốc đến đảo quốc hôm 22/01. Nepal hôm 24/01 thông báo có một người nhiễm dịch, vốn từ Vũ Hán, Trung Quốc, trở về ngày 09/01.
Tổng cộng, gần 10 nước châu Á - châu Đại Dương có người bị nhiễm virus Vũ Hán, ngoài Úc, Singapore, Nepal, còn có Thái Lan (5 trường hợp), Nhật Bản (3), Hàn Quốc (3), Malaysia (4), Đài Loan (3) và Việt Nam (2).
Theo báo chí trong nước, hôm 26/01, cục Hàng Không Việt Nam thông báo phía Trung Quốc đã “nhờ” Việt Nam chở toàn bộ khách người Vũ Hán về nước. Cơ quan này cũng yêu cầu hủy tất các chuyến bay giữa các điểm tại Việt Nam với các điểm phát hiện có dịch bệnh do virus corona gây ra, ngoài Vũ Hán.
Du lịch tại châu Á, nạn nhân của dịch viêm phổi Trung Quốc
Sân bay Trường Sa (Changsha), tỉnh Hồ Nam (Hunan) Trung Quốc thưa thớt hành khách do virus corona, ngày 27/01/2020. REUTERS/Thomas Peter
Thanh Hà
Với dịch viêm phổi đang hoành hành tại Trung Quốc, châu Á ý thức được rằng du khách Trung Quốc quá đông có thể trở thành một cơn ác mộng, nhưng vắng khách Trung Quốc tai họa có lẽ còn lớn hơn.
Việc Bắc Kinh ra lệnh ngừng các chương trình du lịch trong nước và hải ngoại nhằm ngăn ngừa siêu vi corona lây lan khiến các cơ quan lữ hành, ngành khách sạn, các công viên giải trích, nhà hàng, ngành chuyên chở... tại nhiều nước trong khu vực lo âu.
Theo nghiên cứu của cơ quan tư vấn Capital Economics, có trụ sở tại Luân Đôn, "các khoản chi tiêu của du khách Trung Quốc ngày nay góp một phần không nhỏ vào GDP cho một số quốc gia tại châu Á, từ Hồng Kông đến Cam Bốt, từ Thái Lan đến Singapore".
Vào năm 2003 khi dịch viêm phổi cấp tính SARS bùng phát, lượng du khách Trung Quốc mới chỉ bằng 1/10 so với hiện tại. Khi đó, vì tác động của dịch SARS mà số lượng du khách Trung Quốc đi ra nước ngoài đã giảm mất 1/3. Nếu lần này, tình huống tương tự lại xảy ra, thì GDP của một số nước trong khu vực bị thiệt hại lớn.
Thêm một yếu tố nữa là gần hai thập niên trước, GDP của Trung Quốc chỉ tương đương với 8,3 sản lượng chung trên toàn cầu. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, sản xuất ra đến gần 1/4 của cải chung của nhân loại. Sức tiêu thụ và túi tiền của du khách Trung Quốc qua đó đã tăng theo.
Chỉ mới vài tuần qua, lượng du khách Trung Quốc tại đảo Phuket miền nam Thái Lan đã giảm mạnh và đây là một vố đau đối với chính quyền Bangkok, bởi ngành du lịch đem về đến 18% GDP cho quốc gia Đông Nam Á này và du khách Trung Quốc chiếm 1/4 lượng du khách nước ngoài đến tham quan Thái Lan hàng năm.
Đang vào mùa du lịch cao điểm trong dịp Tết Nguyên Đán, vậy mà từ các hàng quán đến bãi biển hay trung tâm thương mại tại Phuket đều vắng bóng người. Claude Crissey làm việc trong ngành khách sạn tại đây cho AFP biết, từ hai ngày qua, những bãi biển đẹp như mơ của Phuket vắng lặng như sa mạc và ông đang "rất lo vì nếu tình trạng này kéo dài thì hậu quả sẽ tai hại".
Nhật Bản tuy không lệ thuộc vào ngành du lịch như Thái Lan nhưng cũng là một điểm đến được du khách Trung Quốc ưa chuộng nhất, nên mối lo ngại cũng đã được thấy rõ trong những ngày qua. Thí dụ, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu của công ty lữ hành HIS Nhật Bản giảm giá mạnh, rơi hơn 6%. Ngoài ngành du lịch, nhiều lĩnh vực khác của Nhật Bản cũng sẽ bị vạ lây. Trong số này phải kể đến ngành mỹ phẩm, quần áo thời trang, hay đồ điện tử gia dụng. Trong số các du khách ngoại quốc đến Nhật, người Trung Quốc là những khách hàng "sộp nhất" đối với ngành mỹ phẩm. Khoảng 90% các khoản mua bán đủ loại son phấn, kem giữ da... đều do người Trung Quốc thực hiện.
Tại thủ đô Tokyo, khu đông du khách lui tới như Asakusa, từ cả tuần lễ nay, lượng khách tham quan đã giảm hẳn. Chủ quán, chủ hiệu hay chủ nhà hàng và cả các ông từ đền cũng đều nhận thấy điều đó. Đối với ngành du lịch Nhật Bản, du khách Trung Quốc đứng đầu trong số khách nước ngoài. Năm 2019, gần 8,4 triệu người Trung Quốc đã thăm Nhật Bản, đó là chưa kể lượng khách từ Hồng Kông sang chơi. Theo Cơ Quan Du Lịch Nhật Bản JNTO, khách Trung Quốc chiếm 27% du khách nước ngoài.
Đối với chính quyền của thủ tướng Abe, virus corona còn đáng gờm hơn nữa trong bối cảnh mùa hè tới đây, Tokyo tổ chức Thế Vận Hội Olympic và Nhật Bản đề ra mục tiêu thu hút 40 triệu du khách nước ngoài. Kinh tế gia Yuli Takashima thuộc ngân hàng Nomura lo ngại 40 triệu du khách ngoại quốc là mục tiêu khó hoàn thành. Thêm vào đó, trong trường hợp dịch bệnh chưa được dẹp hẳn, thì việc bảo đảm y tế cho tất cả các bên tham gia sự kiện thể thao trọng đại này là một thách thức lớn đối với nước chủ nhà và ban tổ chức.
Nhìn sang một nước Đông Bắc Á khác là Hàn Quốc, chính quyền của tổng thống Moon Jae In cũng đang theo dõi sát đà lây lan của dịch viêm phổi virus corona khi biết rằng gần 40% du khách nước ngoài là từ Hoa Lục đến thăm xứ Hàn và tương tự như Nhật Bản, những nhãn hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc cũng trông chờ rất nhiều vào sức chi tiêu của du khách Trung Quốc.
Theo thống kê chính thức của Bắc Kinh, năm 2018, du khách Trung Quốc đã chi ra hơn 130 tỷ đô la trong các kỳ đi nghỉ ở khắp mọi nơi trên thế giới và đối với rất nhiều các điểm đến, người Trung Quốc thường là "đội ngũ" du khách nước ngoài đông nhất.
Chẳng vậy mà cách nay hai ngày, chủ tịch hiệp hội các công ty lữ hành thế giới WTTC, bà Gloira Guevara, trong một thông cáo đã nhấn mạnh rằng đôi khi việc "đóng cửa các phi trường, hủy các chuyến bay, đóng cửa biên giới trên bộ và trên biển còn dẫn tới những hậu quả tai hại hơn cả là chính dịch bệnh".
Rõ ràng là trước mắt, virus corona đang là tâm điểm không chỉ riêng với giới y khoa mà còn với tất cả các ngành, đứng đầu là du lịch, giải trí và cả nhiều mảng công nghiệp khác. Đây không là một tin vui đối với toàn châu Á vào những ngày đầu năm Canh Tý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét