Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Năm "Tý" Nói Chuyện "Mèo Chuột" - Tâm Minh Ngô Tằng Giao (Đặc San Lâm Viên)


Chuột là một con vật chuyên nghề gậm nhấm rất giỏi. Mèo là tên gọi một loài thú nhỏ nuôi để bắt chuột trong nhà. Đa số khi nói đến chuột là người ta nhắc đến mèo, và ngược lại. Mèo và chuột kết hợp với nhau lại thành một trò chơi dân gian Việt Nam đã được lưu truyền từ rất lâu đời, mang tính tập thể, giúp giáo dục cũng như tăng tính đoàn kết cho các lứa tuổi học sinh nước ta. Đó là trò chơi “Mèo đuổi chuột”. Ấy vậy mà người đời lại còn định nghĩa “mèo” là gái nhân tình. “O mèo” là tán tỉnh để bắt nhân tình và “mèo mỡ” hay “mèo chuột” là quan hệ trai gái bất chính. Thế là chú chuột chỉ vì dính với chú mèo mà bị coi là xấu xa, tội lỗi, gian tà dâm đãng. Có tự điển còn ghi thêm “giở trò chim chuột” là "to indulge in love-making!" Chuột lại vẫn mang tiếng liên quan tới chuyện “làm tình” nữa! Chuột phải kêu Trời: “Tôi hổng có như vậy! Oan ơi ông Địa!”.<!>
Trong hầu hết các tôn giáo, tình dục và trinh tiết đều được xem là thiêng liêng. Khác với hành vi giao phối mang tính dục vọng bản năng ở loài vật, hoạt động tình dục của con người còn bao hàm tinh thần nghĩa vụ với người bạn đời của mình, với cả gia đình và xã hội nữa.

Trong Thiên Chúa giáo, trong Mười điều răn của Thiên Chúa có ghi là: “Chớ làm sự gian dâm… Chớ ham muốn vợ chồng người”. Tội ngoại tình bị coi là gian dâm là hành vi đi ngược lại sự công chính của nước Trời. Chúa Giêsu xếp tội này như là điều xấu xa nhất xuất phát từ lòng dạ con người, làm con người bị ô uế.

Trong Phật giáo, đối với người tại gia, Ðức Phật khuyên giữ năm giới. Trong năm giới đó có giới: “không tà dâm”. Ai phạm giới này là tự đào bỏ mất thiện căn của mình, bỏ mất đi cái gốc lành, rồi tự đào hố chôn sâu gốc rễ của mình vào vòng trầm luân, bám chặt, dính mắc vào kiếp sống sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi thế gian đầy đau khổ này. “Không tà dâm” là không được lấy vợ hay lấy chồng của kẻ khác. Nếp sống tình dục lang chạ bừa bãi của con người sẽ phá hoại thiết chế gia đình. Đức Phật dạy: “Kẻ ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tất bị họa cháy tay. Kẻ say mê sắc dục như cá nuốt lưỡi câu, như thiêu thân bay vào đèn, tự dấn thân vào chỗ chết mà không hay biết.”

Vào thời Quân chủ trước kia, sau khi chồng chết nhiều tiết phụ sống trong cảnh mẹ góa con côi, gánh vác hết mọi công việc của chồng, tần tảo nuôi con cho thành nhân, không tái giá. Tiếng đồn vang xa. Những bà vợ thủ tiết, thờ chồng, nuôi con như thế sẽ được nhà vua khen thưởng ban cho ấn chiếu có ghi bốn chữ “Tiết Hạnh khả phong.”   

Thời nay hình như từ Đông sang Tây mọi chuyện thay đổi gần hết. Nhiều khi người bạn đời hãy còn sống sờ sờ ra đó mà chuyện “ngoại tình” đã xảy ra rồi. Đa phần là lén lút, giấu giếm. Khi chưa “cháy nhà ra mặt chuột”, chưa lộ chuyện thì câu trên phải đổi thành: “Tiết Hạnh… khả nghi!” Nhưng được cái tiến bộ là chuyện “tiết hạnh” không chỉ dành riêng để bó buộc phái nữ nữa. Cả phái nam cũng có thể bị chê trách về cái khoản lang chạ “mèo chuột” này. Chính vì thế mà trước pháp luật đã xảy ra lắm vụ tranh chấp. Cuộc vui xác thịt thường chẳng kéo dài được bao lâu nhưng sẽ gây ra nhiều hậu quả rắc rối tơ vò như câu khuyên nhủ: “Sex takes up the least amount of time and causes the most amount of trouble”.

Giới bình dân nước Việt ta trước kia không biết có dịp học luật hay không mà cũng giỏi quá chừng chừng, biết tránh né tội gian dâm khi khuyên nhau:

“Trai tân gái góa thì chơi.
Đừng nơi có vợ, chớ nơi có chồng.”


oOo


Nhân nói đến chuyện “mèo chuột” người ta lại khó quên một nhân vật, đó là bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân). Trong thời gian làm dân biểu bà đã đưa ra Quốc Hội biểu quyết một đạo luật có tên gọi là “Luật Gia Đình”. Luật này quy định mỗi gia đình chỉ một vợ một chồng, không chấp nhận ly dị. Từ 1957, Quốc hội họp bàn sôi nổi về dự án Luật này.

Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo thì đời sống lứa đôi chỉ có một vợ một chồng và không được ly dị, nên vấn đề đa thê không cần đặt ra. Nhưng dân chúng Việt Nam không phải tất cả đều là tín đồ Thiên Chúa giáo, cho nên Luật này trên lý thuyết thì hay nhưng trong thực tế không phù hợp với bản chất và nếp sống của quảng đại quần chúng lúc bấy giờ. Cứ vô tư mà xét thì Bộ Luật Gia Đình là một bộ luật văn minh, đã cởi trói cho phụ nữ và đem lại sự bình đẳng giữa nam và nữ. Bộ luật này ra đời chính là để Bảo Vệ Hạnh Phúc gia đình, xóa đi cái tục lệ hủ lậu “Trai năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên một chồng”. Than ôi! Thời… vàng son oanh liệt rất “hoành tráng” của giới mày râu nước Việt còn đâu nữa. Chấm dứt cảnh:

“Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì.
Sao anh vội giận em chi 
Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.”


oOo


Khi người chồng hoặc người vợ phạm lỗi “mèo chuột”, ngoại tình thì biện pháp giải tán hôn nhân mà người ta thường hay theo nhất là “ly dị” vì có sự bất hòa và vợ chồng không còn thấy thích hợp để tiếp tục chung sống cùng nhau nữa. Cũng có thể gọi đây là trường hợp cô đơn. Một nỗi cô đơn “đồng sàng dị mộng”, tuy chung sống dưới cùng một mái nhà nhưng hai tâm hồn lại “gửi gió cho mây ngàn bay” theo hai hướng khác nhau. Tây họ gọi là “solitude à deux” (cô đơn tay đôi). Không rõ sau khi tan hàng có bên nào hối tiếc mà rên rỉ cất tiếng hát rằng: “Lệ xóa cho em được không những kỷ niệm đắng. Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm?…”

Cũng cần lưu ý rằng “ly dị” (divorce) là một từ ngữ pháp lý nói về chuyện vợ chồng chính thức có “hôn thú” hợp pháp mà bỏ nhau. Có nhiều trường hợp nam nữ cùng nhau chung sống nhưng không làm hôn thú. Tuy có yêu nhau nhưng họ đều ngần ngại cưới xin vì cùng theo quan niệm của cách ngôn Pháp cho rằng: “Yêu là bình minh của đám cưới và đám cưới là hoàng hôn của tình yêu.” Hơn nữa trong tiếng Anh thì cần lưu ý rằng ngay trong chữ “lover” (người yêu) có ẩn tàng chữ “over” (chấm dứt) rồi còn chi nữa! 
       
Chuyện vợ chồng ở nước Hoa Kỳ này cũng bỏ nhau dễ dàng... “như thay áo”, mới nghe tưởng như giễu! Ai ngờ lại chẳng xa sự thực là mấy! “Đá mòn thì tình cũng… mòn theo” đó mà! Chứ không phải như câu hát “Thương hoài ôi ngàn năm còn đó đá mòn mà tình có mòn đâu. Tình đầu là tình cuối người ơi. Suốt đời mình nguyện cầu lứa đôi.”

Theo thống kê pháp lý vào những năm gần 2000 thì hầu như một nửa các cuộc hôn nhân trên đất Hoa Kỳ đều được chấm dứt bằng một màn ly dị. Con số này so với năm 1950 đã tăng gần gấp đôi. Chắc chắn con số thống kê mới cho những năm sau 2000 của thế kỷ 21 này sẽ phải gia tăng thêm nữa vì đó là… “chân lý” không bao giờ “nhúc nhích”! Khắp trên thế giới, Hoa Kỳ vẫn là “cường quốc” dẫn đầu về mọi thứ, kể cả chuyện ly dị. Nghe nói gấp đôi nước Anh và gấp mười lần nước Nhật cơ đấy! 

Cái vụ tan hàng này chắc là do ảnh hưởng từ mấy chàng “quân tử” Tàu trước kia vì mấy chàng này có quan niệm chê chuyện luyến ái nam nữ là “Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”, khi mê đắm đàn bà, đàn ông kém đi cái chất oai hùng; vì thế cần coi nhẹ chuyện luyến ái. “Huynh đệ như thủ túc – Phu thê như y phục”, vợ chồng như tấm áo cái quần, không có cái này thì shopping mua cái khác, chuyện nhỏ!   

Từ buổi ân ái “động phòng” cho tới khi “động tâm” vì chuyện “mèo chuột” và cuối cùng đưa tới hồi “động thủ” tay chân loạn đả nhiều khi cũng chẳng lâu la gì cho cam. Hồi nào còn cùng “ka ra ô kê” bài “Yêu ai yêu cả một đời...” vậy mà bây giờ lại chuyển giọng diễn ngâm “tao đàn” bài “Giây phút chạnh lòng” của Thế Lữ:

“Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. 

Buồn!

Không có nhận xét nào: