Soi đèn thấy có hang, dấu chân hoặc mùi của chuột, anh Tiển chu mỏ kêu 'te tít tít, te tít tít'. Vài phút sau, chuột bò ra khỏi hang hoặc chạy từ trên cây xuống đất nộp mạng. Anh Tiển dùng miệng để tạo ra tiếng kêu của chuột Anh Tiển cho rằng âm thanh tạo ra từ miệng của mình giống tiếng chuột kêu cứu nên những con chuột xung quanh nghe được sẽ chạy đến để giúp đỡ đồng loại. Gần 20 năm nay, nhiều người ở ấp Đắc Thời của xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), biết và thán phục cách bắt chuột độc đáo của anh Nguyễn Thành Tiển (39 tuổi). Anh không đặt bẫy hay thả mồi để dụ chuột như cách làm quen thuộc của những nông dân trong vùng mà dùng miệng phát ra tiếng kêu của "anh Tý".<!.
Lớn lên trong gia đình nông dân ít đất sản xuất nên Tiển nghỉ học sớm để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Năm 19 tuổi, Tiển soi ếch ở khu vực Kênh Gòn thì được một người thân rủ đi "săn chuột".
Anh Tiển dùng miệng để tạo ra tiếng kêu của chuột. Ảnh: Việt Tường.
Sau nhiều đêm cầm đèn pin chạy ra đồng, anh Tiển thấy không hiệu quả vì vừa mất sức, lại nguy hiểm. Nếu không may bị té ngã thì mũi chĩa (thanh sắt mài nhọn gắn vào khúc gỗ tròn) có thể đâm vào người. Từ đó, anh Tiển nghĩ đến việc gọi chuột đến "nộp mạng" thay vì phải rượt đuổi chúng.
Những ngày đầu, anh Tiển dùng miệng phát ra âm thanh "tí tục, tí tục" như lũ chuột đi ăn đêm nhưng không có "anh Tý" nào chạy đến. Trong lúc ngồi nghỉ mệt, Tiển thấy hai con chuột nhốt trong lồng sắt cắn nhau thì vài phút sau có hai "anh Tý" khác chạy đến và tìm cách chui vào lồng.
"Tiếng chuột kêu lúc đó là 'te tít tít, te tít tít...' vì bị cắn đau. Tôi nghĩ rằng tiếng kêu đó là âm thanh phát ra để những con chuột khác chạy đến giúp đỡ nên bắt chước. Sau một năm huýt sáo thành tiếng chuột, tôi ra ruộng làm thử thì chuột mẹ chuột con đều chạy đến. Lúc đó mình tha hồ dùng chĩa để bắt chuột", anh Tiển nói.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, anh Tiển không đi săn chuột lúc trời vừa sụp tối mà đến 22h mới ra đồng và về nhà vào 3h ngày hôm sau. Theo anh, thời điểm này lúa đang vào vụ đông - xuân, hơn một tháng nữa mới trổ bông nên chuột thiếu thức ăn. Vì vậy, loài gặm nhắm đi tìm mồi đến khuya mới chịu quay về hang.
Lúc lúa chín, chuột có thức ăn nhiều nên về hang ngủ sớm thì 18h anh Tiển đã ra đồng và 23h về.
Một con chuột dính vào mũi chĩa của người đàn ông chuyên gọi chuột. Ảnh: Nhật Tân.
"Nghề săn chuột của tôi chỉ có chiếc xuồng ba lá nhỏ với cây chĩa, đèn pin gắn trên đầu và lồng nhốt chuột. Soi đèn thấy chỗ nào có hang, dấu chân hoặc mùi của chuột thì tôi phát ra âm thanh 'te tít tít, te tít tít' vài phút thì chuột bò ra khỏi hang hoặc chạy từ trên cây xuống đất nộp mạng", người đàn ông sinh năm Tân Dậu chia sẻ.
Do anh Tiển bắt chuột bằng chĩa nên không bán chuột sống mà phải làm sạch rồi mới mang ra chợ. Lúc này, chuột ngoài đồng ít nên mỗi đêm "người gọi chuột" chỉ săn được 3-4 kg (khoảng 25 con). Mỗi kg thịt chuột anh Tiển bán cho mối quen giá 60.000 đồng, bán lẻ 90.000 đồng.
Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện Nguyễn Văn Mỹ cho biết lúc từ huyện về xã làm lãnh đạo, ông đã nghe nhiều người kể chuyện gọi chuột của anh Tiển nhưng không tin. Tuy nhiên, sau nhiều năm theo dõi cách săn chuột của người nông dân có nhà cách UBND xã khoảng 1 km, vị lãnh đạo xã đã khẳng định biệt tài của anh Tiển là có thật.
Hơn 4-5 giờ đi săn, anh Tiển mang về nhà 3-4 kg chuột đồng. Ảnh: Nhật Tân.
Còn bà Trần Thị Ẩn kể ban đầu nghe con trai có tài "gọi chuột", bà nhiều lần theo con trai ra đồng để chứng kiến. Thấy anh Tiển chu môi "te tít tít, te tít tít" để chuột chạy đến, người mẹ mới tin.
"Thấy con thức đêm đi gọi chuột, tôi muốn kêu nó nghỉ để chọn việc khác làm nhưng Tiển mê quá nên gia đình không cản nữa. Lúc trước nó bắt được nhiều chuột lắm, sau này ít do nhiều người bắt bằng bẫy điện", bà Ẩn cho biết.
"Tôi chỉ bắt chuột to, con nhỏ bỏ. Đã 20 năm gắn bó với nghề này, đêm nào săn ít chuột cũng được gần 200.000 đồng, khỏe hơn làm phụ hồ hoặc làm cỏ thuê", anh Tiển chia sẻ về việc gắn bó lâu dài với nghề.
Việt Tường - Nhật Tân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét