Cuộc đời của mỗi con người đều trải qua rất nhiều cảm nhận, lĩnh hội và kinh nghiệm, có cái tốt cái xấu, có cái đúng cái sai, hoặc có những thứ mang lại cho bạn niềm vui, có những thứ mang lại cho bạn nỗi đau, nhưng những quá trình này khiến bạn từng bước trưởng thành hơn.Cũng là những thứ chúng ta từng trải qua, thời trẻ lông bông, có khí thế của “nghé non không sợ hổ”. Nhưng cùng với thời gian, chúng ta dần trưởng thành, dần dần học được làm một người ôn hòa và an tĩnh.
<!>
Dấu hiệu đầu tiên của sự trưởng thành là sự nóng tính ngày càng ít đi
Chúng ta của trước đây, gặp phải những chuyện khiến bản thân cảm thấy không vui hay những sự việc đau buồn xảy ra bất ngờ thường nổi giân lôi đình, cuồng loạn và lo lắng tuyệt vọng. Nhưng khi đã trưởng thành, ta dần dần học được cách kiềm chế lại tính khí của mình. Ngay cả khi trong lòng có tâm trạng, ta cũng duy trì một vẻ ngoài bình thường, điềm đạm, thận trọng, nói năng dứt khoát, hành động hợp lý.
Một là, chúng ta bắt đầu hiểu được cơ thể này là của riêng mình, nếu tính khí hỏng rồi, người phải chịu thiệt thòi và bị giày vò chỉ có chính bản thân mình thôi. Huống hồ, ta không đáng để trừng phạt mình vì những lỗi lầm của người khác, hơn nữa cố chấp với bản thân cũng là điều không cần thiết.
Hai là, chúng ta bắt đầu hiểu rõ rằng tức giận chẳng thể giải quết vấn đề mà càng làm cho sự việc càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Bởi vì cho dù gặp phải sự việc bất đắc ý nhất bạn cũng phải đối mặt với nó. Mà nếu tâm trạng của bạn không tốt thì rất dễ đưa ra những phán đoán, lựa chọn và cả những quyết định sai lầm.
Cuối cùng, chúng ta lĩnh hội được rằng thời gian và năng lượng của mình là có hạn, vì vậy không cần phải vì những chuyện nhỏ nhặt không đáng kể mà vướng mắc không thôi, canh cánh trong lòng. Ta cũng không cần vì những chuyện khó giải quyết, hiểu lầm và gièm pha mà làm to sự việc, chỉ cần làm cho trái tim mình yên bình, thẳng thắn và vô tư là được.
Trên thực tế, khi tính khí của bạn càng hỗn loạn thì càng bộc lộ bạn tu dưỡng phẩm hạnh chưa đủ. Lề lối nhỏ, cảnh giới thấp. Người ít câu thúc bản thân, hành xử thiếu lễ độ, không coi trọng lề lối chỉ càng biểu hiện ra cảnh giới tâm tính thấp kém mà thôi.
Sống trong xã hội này, sau khi phải vật lộn trong một thời gian dài, bạn sẽ dần dần triệt tiêu những sự sắc xảo mà bản thân không nên có, ngay cả sự hăng hái cũng dần dần bị mất đi, sau đó sẽ biết dùng sự ôn hòa nhã nhặn đi đối nhân xử thế, chứ không phải là sự bộc phát vô tri và nông cạn.
Biểu hiện thứ hai của sự trưởng thành là kỳ vọng ngày càng ít đi
Chúng ta của trước đây, đối với bất cứ người nào, việc nào đều có đầy những sự mong chờ. Chỉ cho đến khi chúng ta gặp phải những chuyện ấm ức, ngã nhào mới phát hiện ra: Thì ra nỗ lực là thứ cần có để thành công nhưng không phải là điều kiện duy nhất, bạn nỗ lực có gắng có thể sẽ thành công, nhưng chỉ có nỗ lực không thôi, thì sẽ không thành công được.
Vì thế bạn chỉ cố gắng cày cấy, cố gắng đấu tranh, dốc hết toàn bộ sức lực, cuối cùng có thể không được như ý, nhưng ít nhất bạn cũng không còn gì để hối tiếc.
Khi đối xử với người khác bằng sự chân thành, nhưng người khác chưa chắc đã giống như bạn, thậm chí còn giả tình giả ý. Vì thế, bạn nên hạ thấp những mong muốn của mình đối với người khác, đừng đặt đòi hỏi quá cao vào bất cứ mối quan hệ nào, bởi vì, kỳ vọng càng cao thì độ tổn thương càng lớn. Hy vọng càng lớn thì thất bại càng đau, luôn giữ một trái tim bình thường, thì có thể giảm bớt ảo tưởng phi thực tế và cảm giác thất vọng.
Lương thiện là phẩm hạnh chúng ta nên có, nhưng điều này không có nghĩa là khi chúng ta lương thiện chúng ta sẽ không gặp phải những chuyện xấu, thậm chí có người còn dùng oán để đền đáp lại ơn nghĩa của bạn.
Bạn không có cách nào để khống chế lời nói và hành động của người khác, nhưng bạn có thể khống chế tốt bản thân mình. Chỉ cần trong tim bạn tồn tại chính khí và chính nghĩa, làm người một cách hiền hậu, làm việc một cách thanh bạch, làm được chuyện không xấu hổ với lương tâm của mình.
Khi dần dần giảm bớt những đòi hỏi ở người khác, chúng ta sẽ không còn vướng mắc, không còn cố chấp, không còn cưỡng cầu mà càng trở nên lý trí, tỉnh táo và nhìn xa trông rộng.
Dấu hiện thứ ba của sự trưởng thành là tâm trạng sống càng ngày càng tốt
Chúng ta của trước đây, gặp phải những chuyện không như ý liền dễ dàng phàn nàn và oán trách. Gặp được những người có điều kiện tốt hơn bản thân liền so sánh, gặp phải những khó khăn tạm thời, liền rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Chúng ta vào thời điểm đó, cả người tràn đầy năng lượng tiêu cực, cảm thấy như cả thế giới đang chống lại chúng ta, cũng chẳng có việc gì khiến mình cảm thấy vừa ý. Nhưng càng chỉ trích, càng so sánh, cuộc sống càng không thuận lợi.
Sau này bạn học được cách không còn than phiền, cái gì có thể thay đổi thì thay đổi, không thể thay đổi được thì chấp nhận, đừng làm những chuyện vô nghĩa, chỉ có thể ngăn chặn những mất mát kịp thời mà không ảnh hưởng đến người khác.
Chúng ta học được cách không so sánh, bởi nhiều khi nhìn thấy quả ngọt của người khác mà không thể nhìn thấy trái đắng mà người đó từng phải nếm trải.
Hạnh phúc là loại cảm nhận biết đủ, không phải là dục vọng lấp đầy chỗ trống.
Dần dần học được cách có những suy nghĩ tích cực, trên thực tế bất cứ việc gì cũng có hai mặt, bạn càng quan tâm mặt tích cực, lạc quan, ánh sáng của nó, càng có thể thu hút những thứ tương tự.
Dần dần bạn sẽ hiểu, thực ra một người sống có tốt hay không, đối với những chuyện anh ta gặp phải, những kinh nghiệm đã qua, những hoàn cảnh sống của anh ta, không có nhiều sự liên quan cho lắm, mà sự liên quan ở đây là tâm trạng sống thế nào. Tâm trạng không tốt, thế giới sẽ rơi vào một mảng đen tối không có ánh sáng, tâm trạng tốt, đời người sẽ bao la, rộng lớn và tràn đầy ánh sáng.
Sự trưởng thành của một người, chính là sự tự suy xét, tự điều chỉnh của nội tâm chứ không phải từ bên ngoài tìm kiếm.
Mỗi người đều mong muốn trưởng thành.
Khi một người có bản lĩnh càng lớn thì cái tôi còn nhỏ, bởi họ đã luyện tập thành công khả năng đối mặt với những sự khó khăn, gian nan và đau khổ.
Khi cảnh giới của một người càng cao, sự kỳ vọng của họ càng ít, bởi càng ngày càng hiểu được, trước tiên là cố hết sức, sau đó nghe theo sự sắp xếp của ông Trời, càng không đặt hy vọng vào người khác.
Khi một người sâu sắc hơn, minh bạch và lạc quan hơn, tâm trạng sẽ tốt hơn. Bởi vì họ đã trau dồi những phẩm chất tốt đẹp để gặp loạn mà không kinh sợ, xem nhẹ mọi thứ.
Trên thực tế, trưởng thành không liên quan gì đến tuổi tác, nó là một trạng thái tâm lý ôn hòa và sôi nổi, là một kiểu tu dưỡng điềm nhiên đối mặt với cuộc đời, là một lối sống trưởng thành và một thái độ đối với cuộc sống.
Chúc bạn và tôi sống một cuộc sống rộng lớn hơn, cởi mở và bình tĩnh hơn trên đường đời!
Ngọc Linh
Trưởng thành là dùng tâm thái ôn hòa mà đối đãi với vạn sự thế gian
Trưởng thành không phải là dáng vóc cao lớn lên, mà là tinh thần ngày càng trầm ổn hơn, là có thể bằng lòng với thực tại mà không phải cố gắng vùng vẫy, thay đổi.
Có người nghĩ rằng trưởng thành có nghĩa là phải ngày càng trở nên lãnh đạm với mọi việc, trong lòng không còn bận tâm, tâm ý trở thành nguội lạnh. Nhưng tưởng vậy mà lại không phải như vậy.
Bởi vì trưởng thành chính là ôn hòa, nhu nhẫn, là dùng tâm thái trầm ổn mà đối đãi với thế giới bên ngoài.
Trưởng thành chính là đối với rất nhiều sự tình đều có thể buông tay, đều có thể dùng tâm từ bi, lòng lương thiện mà đối đãi.
Một người trưởng thành không phải là có thể xuất khẩu thành thơ, miệng nói ra đạo lý thâm sâu, mà là có thể làm cho người khác cảm thấy vô cùng thoải mái khi ở bên, không kiêu ngạo cũng không sàm nịnh.
Trưởng thành không phải là dùng thật nhiều đạo lý giảng giải ra để người khác phải nghe theo, mà là có thể giữ mình khiêm tốn, tu khẩu, chỉ nói những gì đáng nói.
Một người trưởng thành không phải ở chỗ đạt được thành tựu nhiều bao nhiêu, mà là ở việc đối diện thế nào với thói xấu của chính mình. Họ có thể trong mâu thuẫn mà không hùa theo người khác hay không, có thể gạt bỏ những hiểu lầm, mở miệng cười tan mọi oán thù hay không?
Trưởng thành không phải ở việc bạn bao nhiêu tuổi, mà là bạn có thể gánh vác được nhiều hay ít.
Tô Đông Pha, học giả nổi tiếng thời Bắc Tống chính là một ví dụ về trưởng thành. Trong cả cuộc đời mình, dù phải chịu muôn ngàn phong ba bão táp, chưa lúc nào Tô Đông Pha mất đi phong thái trầm tĩnh, tiêu diêu tự tại của mình.
Vốn là người cương trực, thẳng thắn, Tô Đông Pha chỉ trích mạnh mẽ Biến pháp của Vương An Thạch và Tân đảng. Là người tín Phật tu Đạo, nhân hậu, lương thiện, ông gọi những biện pháp kinh tế hà khắc mà Vương An Thạch vạch ra là tranh cái lợi với bách tính, nhất quyết phản đối đến cùng. Cũng vì cương nghị như vậy, ông trở thành cái gai trong mắt Tân đảng, bị giáng chức, phải chịu đày ở xứ Hoàng Châu hẻo lánh, xa xôi.
Tới đây, thấy phong cảnh hữu tình, giang sơn cẩm tú, ông liền quên hết mọi nỗi uất hận, bất bình của kiếp lưu đày, dựng căn nhà tranh bên sông, sống đời ẩn sĩ, không có gạo ăn thì tự cấy cày, sống vô cùng vui vẻ. Cuộc sống lưu đày không khiến ông trở nên bất mãn. Dù hoài bão giúp dân giúp nước chẳng được thực thi, ông vẫn tận hưởng từng phút giây tiêu dao tự tại trên mảnh đất biên cương sỏi đá. Ngày ngày, Tô Đông Pha đọc sách, ngâm thơ, vẽ tranh, viết thư pháp lại trồng rau, đào giếng, cày ruộng, vui với cảnh điền viên.
Khí chất, phong độ của Tô Đông Pha thực khiến hậu nhân kinh ngạc, kính phục vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét